Nguyễn Tường Thiết
LTS
- Bài viết dưới
đây của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam, gởi đến trang Diễn Ðàn Người Việt,
nhằm phản biện một số ý kiến được đưa ra gần đây, mà tác giả
cho là “bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử, xuyên tạc cái
chết” của thân phụ ông. Trong số các ý kiến này, có một
chương sách trong tác phẩm “Một Thời Ðể Nhớ,” của tác giả
Nguyễn Văn Lục, xuất bản mới đây. Người Việt xin đăng
nguyên văn bài viết của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Bài đăng
nhiều kỳ, trên cùng trang Diễn Ðàn.
Lần đầu tiên tôi được
nhìn thấy rõ khuôn mặt cha tôi, nhà văn Nhất Linh, là vào
khoảng cuối năm 1950 khi cha tôi từ Hương Cảng trở về Hà
Nội. Năm ấy tôi mới mười tuổi.
Trong thập niên 1940 cha tôi
rất bận rộn với những hoạt động chính trị, ông sống nhiều
năm bên Trung Hoa. Thời gian này ông chỉ về ghé thăm mẹ con
tôi vào những dịp đặc biệt ngắn ngủi, không đủ cho tôi kịp
nhận diện khuôn mặt người cha, người mà lâu lâu tôi nghe
nhắc đến một cách kính cẩn như thể ông là một nhân vật trong
thần thoại hơn là một người có thực ở ngoài đời.
Tôi nhớ ngày hôm đó tôi đã
ngây người nhìn ông như nhìn một người khách lạ. Trước mắt
tôi nhân vật thần thoại ấy hiện hình bằng xương bằng thịt:
Nhất Linh dáng dong dỏng quắc thước, khuôn mặt phong sương,
có cặp mắt sâu, đôi mày rậm, vầng trán cao, nụ cười cởi mở
dưới hàng râu mép và cái nhìn đặc biệt, nhìn thẳng và sâu
vào đôi mắt người đối diện nhưng lúc nào cũng nhiễm một vẻ
mơ màng xa vời.
Kỷ niệm về đêm hôm đầu tiên
đoàn tụ ấy còn ghi đậm trong trí nhớ tôi một lời nói của cha
tôi. Ðó là lời ông tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc đời chính
trị.
Trong tập hồi ký Nhất Linh Cha
Tôi (Văn Mới xuất bản 2006, trang 13) tôi có viết: “Ðêm hôm
đầu tiên đoàn tụ, chúng tôi không ngủ, tất cả thức gần suốt
sáng để trò chuyện với ông. Trong căn nhà số 15 Hàng Bè Hà
Nội nơi mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, vào một đêm mùa Ðông, bố
mẹ con chúng tôi chen chúc nằm trên một chiếc giường tây
lớn. Tôi còn nhớ rõ bố tôi nói với chúng tôi là ngày hôm sau
báo chí sẽ đến gặp ông và ông sẽ tuyên bố quyết định từ bỏ
cuộc đời làm chính trị để trở về cuộc đời viết văn.”
Sau này đọc bản thảo cuốn tiểu
thuyết Xóm Cầu Mới (Bèo Giạt) tôi thấy cha tôi viết những
dòng sau này: “Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi
trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra
đời” (Hương Cảng, trên núi 16 tháng 10 năm 1949, 1g30 trưa).
Như vậy là trí nhớ của tôi, cậu bé 10 tuổi, đã không sai.
Kể từ ngày đầu tiên đoàn tụ
năm 1950 ấy cho đến ngày ông qua đời 7 tháng 7, 1963, tôi là
người con đã sống gần gũi với cha tôi nhất trong số tất cả
những người con của ông. Lý do là khi cha tôi vào Nam năm
1951, ông kéo tôi đi theo ông, trong khi mẹ và các anh chị
tôi ở lại Hà Nội cho đến năm di cư 1954. Và sau đó năm 1955
khi ông quyết định bỏ Sài Gòn lên sống trên Ðà Lạt, tôi lại
là người ông mang theo để sống gần ông. Là người con vừa
thân cận vừa được tín cẩn, tôi là người vừa biết rõ nhất về
ông cụ tôi, lại là người chứng kiến cái chết của ông trong
những giờ phút cuối cùng.
Là người con hiểu rõ ông cụ
tôi, tôi tin rằng khi cha tôi tuyên bố từ bỏ cuộc đời làm
chính trị ông đã thành thật với mình. Tuy nhiên thời cuộc
đưa đẩy buộc ông phải sống trái với ý muốn của mình. Về cuối
đời cha tôi bị liên lụy vì liên quan đến một vụ chính biến,
đưa đến cái chết của ông ngày mồng 7 tháng 7 năm 1963.
Cái chết ấy mang mục tiêu
chính trị rõ rệt. Ông tự vẫn để “cảnh cáo những người chà
đạp lên mọi thứ tự do,” như ông đã viết ra trên giấy trắng
mực đen.
Nguyên nhân và động lực đưa
đến cái chết của Nhất Linh đã được ông viết ra bằng 71 chữ
rất minh bạch và đầy đủ:
Ðời
tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ
và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội
nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự
đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự
thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.
7 tháng 7, 1963
Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam
Thế nhưng gần đây lại có những
người manh tâm viết sách bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử,
xuyên tạc cái chết của cha tôi gán ghép cho cha tôi “tự
tử vì căn bệnh tâm thần” (Nguyễn Văn Lục), “tự tử để
tránh khỏi phải ra tòa đối chất với thuộc hạ” (Lê Nguyên
Phu).
Là người con, lại là người con
sống gần gũi với ông cụ tôi nhất, tôi biết chắc là gán ghép
này hoàn toàn sai với sự thật và vì vậy tôi thấy có bổn phận
lên tiếng.
Bài viết này sẽ chia làm hai
phần.
Phần thứ nhất tôi sẽ nói sơ
lược về cha tôi, về bối cảnh lịch sử, và nguyên nhân dẫn đến
cái chết của ông, Nhất Linh. Tất cả những gì tôi viết sau
đây đều dựa trên những gì mắt thấy tai nghe mà tôi tin rằng
đó là sự thật.
Tôi sẽ dành phần thứ hai của
bài này để phản bác lập luận của hai ông Nguyễn Văn Lục và
Lê Nguyên Phu.
* * *
Như đã nói ở trên vào năm 1955
cha tôi quyết định lên Ðà Lạt sống và tôi là người ông chọn
để đi cùng với ông. Ông cụ thu xếp cho tôi thi tuyển vào lớp
Ðệ Lục trường trung học công lập Quang Trung niên khóa
1955-56. Chúng tôi ở trên lầu 2 nhà hàng Poinsard &Verey số
12 đường Yersin Ðà Lạt. Sau này các anh chị tôi cũng thường
lên Ðà Lạt vào những dịp Hè hoặc Tết nhưng không ai ở luôn
trên ấy, chỉ trừ chị Thoa là người chị kế của tôi. Những năm
đầu tiên trên Ðà Lạt là những năm thanh bình. Cha tôi chơi
lan, hòa nhạc tại gia vào cuối tuần. Thỉnh thoảng ba chúng
tôi (cha tôi, chị Thoa và tôi) đi pic-nic trên núi Langbian
hoặc ở Suối Vàng.
Lâu lâu bạn bè của cha tôi từ
Sài Gòn lên Ðà Lạt ghé thăm cha tôi. Bạn của cha tôi nhiều
lắm và đủ loại: bạn thân, bạn văn, bạn đồng chí và cả các
chính khách nữa. Tôi còn nhỏ không chú ý đến chuyện người
lớn nên không biết cha tôi bàn luận với khách chuyện gì,
nhưng tôi đoán thế nào họ chẳng bàn chuyện thời sự và chính
trị. Phải đến rất nhiều năm sau này, sau khi thân phụ tôi
mất, tôi có dịp gặp lại một trong những vị khách đó là anh
Lê Hưng, một đảng viên VNQDÐ. Anh Lê Hưng nói với tôi là cha
tôi tán thành chính sách của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trong
việc dẹp loạn Bình Xuyên. Cha tôi nói: “Việc dẹp loạn
Bình Xuyên là đúng, nhưng coi chừng, nó có thể mở đầu dẫn
đến độc tài.”
Vào năm đó (1955) chính phủ
của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa phát động rầm rộ phong trào tố
cộng. Thị xã Ðà Lạt tràn đầy băng rôn biểu ngữ chống cộng
sản. Trong các dịp lễ tết thế nào cũng có màn kịch tố cộng
với những anh hề “cán ngố” áo đen nón cối nhẩy vũ điệu tập
thể “son mì son mì son đố mì.” Nhưng song song với phong
trào tố cộng một phong trào khác cũng rầm rộ không kém. Ðó
là phong trào “suy tôn Ngô Tổng Thống.”
Những bản nhạc suy tôn được
phát đi liên tục trên đài phát thanh. Loa phóng thanh đặt ở
đầu chợ Ðà Lạt suốt ngày rót vào tai khách đi đường những
bản nhạc suy tôn ấy, đến nỗi nó nhập vào tôi, cậu bé 15
tuổi. Một bữa đi học về tôi nhẩy cầu thang miệng hát oang
oang: “Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người...” ... “Toàn
dân Việt Nam biết ơn Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Tống, Ngô Tổng
Thống muôn năm!” Ðến đầu cầu thang ngửng lên tôi bắt gặp
ngay gương mặt chưng hửng của ông cụ! Tuy ông cụ không nói
gì nhưng tôi đoán chắc bụng ông không vui. Tôi biết ông cụ
tôi chúa ghét cái trò suy tôn cá nhân, dù người đó là ông
trời đi nữa.
Một vài năm sau tôi chứng kiến
một câu chuyện khác khiến tôi tin rằng cái trò suy tôn này
đã làm cha tôi không ưa chế độ. Ai cũng biết là hồi đó dưới
thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đi xem xi-nê đều phải đứng dậy chào
cờ. Dưới chế độ Ðệ Nhị Cộng Hòa luật chào cờ này bị bãi bỏ.
Ði giải trí mà phải chào cờ đã là một chuyện vô lý. Nhưng
còn thậm vô lý hơn nữa là khi lá quốc kỳ chiếu trên màn ảnh
thì chính giữa lại có một khoảng bầu dục in hình vị thủ lãnh
quốc gia: chân dung Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Ông cụ tôi một bữa đi xi nê
tại rạp hát Vĩnh Lợi khi ông buộc phải đứng lên chào cờ ông
đã tức giận đứng dậy bỏ về không xem xi nê. Chuyện này tôi
biết vì chính tai tôi nghe ông cụ bất mãn than thở với chú
Lê Văn Kiểm, một người bạn thân của ông cụ tôi.
Hãy tưởng tượng ông cụ tôi,
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, bị buộc phải đứng dậy (không
phải để chào cờ) để suy tôn ông Ngô Ðình Diệm!
Tôi chắc là có những người có
thể bảo đây là chuyện nhỏ và đổ lỗi cho Bộ Thông Tin làm
việc này chứ ông Diệm không hay biết. Nói gì thì nói ở cương
vị lãnh đạo quốc gia ông Diệm là người phải chịu trách nhiệm
về cái trò suy tôn quá lố này của thuộc cấp. Ðây là một
trong những điều khiến cha tôi bất mãn với chế độ nhà Ngô.
Mấy năm sau ngày chấp chánh
của chế độ nhà Ngô sự bất mãn của dân chúng gia tăng với sự
độc tài gia đình trị của gia đình này. Cả cha tôi và tôi lúc
này đều đã về ở hẳn Sài Gòn. Riêng cha tôi vì mua một miếng
đất ở Fim-nôm gần Ðà Lạt nên ông thỉnh thoảng vẫn đáp xe đò
Minh Trung lên trên ấy vào rừng để “tu tiên” bên dòng suối
Ða Mê. Nhưng “tu tiên” không được vì những biến chuyển chính
trị ở Sài Gòn khiến cha tôi không thể ngồi yên.
Năm 1958 cha tôi ra tờ báo
Văn Hóa Ngày Nay. Tự tay cha tôi vẽ và trình bày bìa cho
tờ đặc san này. Ở trên góc bìa đề hàng chữ lớn: Số ra mắt 17
tháng 6, 1958. Chúng tôi không một ai để ý đến cái ngày 17
tháng 6 có ý nghĩa gì cho mãi đến khi tôi gặp anh Lê Hưng.
Anh Hưng nói với tôi trước bàn thờ ông cụ: “Anh Tam làm
cái gì cũng tính toán rất kỹ lưỡng. Anh chọn ngày ra báo 17
tháng 6 là ngày giỗ của đảng trưởng Nguyễn Thái Học, cũng
như anh chọn ngày chết 7 tháng 7 là ngày chấp chánh của họ
Ngô để phản đối chế độ này.”
Ở Sài Gòn báo Văn Hóa Ngày
Nay bán rất chạy ngay từ số đầu tiên. Năm ấy tôi học lớp
Ðệ Nhị trường trung học tư thục Hoàng Việt tại đường Phan
Ðình Phùng (khúc giữa Cao Thắng và Lê Văn Duyệt). Trên khúc
đường đó có rất nhiều tiệm bán sách hoặc tiệm cho thuê sách.
Trên đường đi học qua các tiệm sách này tôi thấy có một hiện
tượng mà tôi không hề thấy xẩy ra trước đó: tất cả các tiệm
sách này đều có một tấm bảng đen phía trước cửa với hàng chữ
viết bằng phấn trắng: HÔM NAY CÓ VĂN HÓA NGÀY NAY.
Nhưng báo chỉ ra được 11 số
thì tự ý đình bản. Chúng tôi chưng hửng hỏi ông cụ tại sao
báo bán chạy thế mà lại tự ý ngưng? Cha tôi không trả lời.
(Ông không có thói quen tiết lộ mọi chuyện cho con cái).
Nhưng thái độ của ông lúc ấy rất buồn bã.
Sau này dọ hỏi hai người trong
ban biên tập của báo VHNN là ông Nguyễn Thành Vinh và ông
Trương Bảo Sơn thì tôi càng kinh ngạc hơn nữa: báo không ra
nổi vì lỗ vốn.
Trong cuốn sách “Nhất Linh,
Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ” do Thế Kỷ xuất bản năm
2004, trang 78, ông Trương Bảo Sơn viết:
“Tờ
Văn Hóa Ngày Nay ra được 11 số thì đình bản, mặc dù được độc
giả khắp nơi hoan nghênh. Ôi, chỉ vì nó được hoan nghênh quá
xá mà chết non. Nguyên nhân thế này:
“Trước hết tập Văn Hóa Ngày
Nay không được chế độ Ngô Ðình Diệm cho phép xuất bản như
một tạp chí mà chỉ là một giai phẩm phát hành không có định
kỳ. Vì không có định kỳ nên Bộ Thông Tin kiểm duyệt cố
tình để lâu mới trả lại bản thảo để in. Ông Hoàng
Nguyên, chủ sự phòng kiểm duyệt đã nói với tôi rằng tuy có
nhiều cảm tình với chúng tôi, nhưng không thể làm trái lệnh
cấp trên là cản trở tờ Văn Hóa Ngày Nay ra đúng kỳ hạn (tỷ
dụ như đúng ngày mồng 1 mỗi tháng) để đọc giả nhớ ngày mua
báo. Hơn nữa bài vở phải kiểm duyệt kỹ, nhất là bài của Nhất
Linh và Bảo Sơn.”
“Sau nữa, ngoài chế độ kiểm
duyệt, phản quyền tự do ngôn luận này ra, chế độ Ngô
Ðình Diệm còn có một thủ đoạn hiểm độc nữa là nhà nước
giữ độc quyền phát hành báo chí, kể cả giai phẩm. Ngô
Ðình Diệm đã có sáng kiến đặt ra Nhà Phát Hành Thống Nhất,
bắt tất cả các báo chí phải đưa cho công ty này phân phối.
Tập Văn Hóa Ngày Nay bán chạy như tôm tươi mấy số đầu, đã bị
ế đi. Nhà phát hành độc quyền của chính phủ đã thi hành độc
kế không gửi đủ số báo cho các tiệm sách đã đặt mua. Chúng
tôi khi buộc báo thành từng bó đã cố ý đánh dấu riêng, khi
nhận báo từ nhà phát hành trả về, thấy những dấu ấy vẫn còn
y nguyên, tức là nhà phát hành đã không làm đúng nhiệm vụ,
đã giữ báo của chúng tôi trong kho, không phân phối đi. Có
những tiệm sách đến điều đình mua thẳng báo với chúng tôi để
có đủ báo bán, nhưng chúng tôi phải từ chối vì sợ chính
quyền gài bẫy. Ðã nghèo lại bị thua lỗ, chúng tôi đành đình
bản tờ Văn Hóa Ngày Nay.”
Sau khi được giải thích tôi
mới vỡ lẽ vì sao có hiện tượng cái bảng đen với hàng chữ
phấn vì chính quyền đã cố ý trì hoãn không cho báo ra đúng
hạn kỳ nên độc giả buộc phải chờ khi nào có bảng đề chữ “hôm
nay có Văn Hóa Ngày Nay” mới vào mua được.
Những điều nêu trên là sự thực
xung quanh vụ đình bản của tờ Văn Hóa Ngày Nay. Nó nói lên
sự xâm phạm quyền tự do ngôn luận của chế độ nhà Ngô
mà cha tôi là nạn nhân trực tiếp. Cũng như tất cả những nhà
văn, nhà báo khác khi họ bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận,
cố nhiên là Nhất Linh rất bất mãn về chuyện này.
Vào năm 1960 trên bìa báo Tự
Do Xuân Canh Tý xuất hiện bức tranh năm con chuột đang đục
khoét một quả dưa đỏ và nếu lật ngược cái bìa thì quả dưa đỏ
là hình bản đồ nước Việt Nam, hàm ý các anh em của gia
đình họ Ngô đang phá hoại đất nước. Tờ báo bị chính
quyền tịch thu sau khi báo đã phát hành được một số khá lớn.
Không một ai biết tác giả bức tranh là ai. Người ta đoán mò
họa sĩ Phạm Tăng là tác giả. Nhưng cha tôi cho chúng tôi
biết tác giả là một người rất thân cận với ông: họa sĩ
Nguyễn Gia Trí.
Bìa báo xuân Canh Tý 1960.
(Hình: Thư Viện Ðại Học Cornell, Hoa Kỳ)
Rồi đến cuộc đảo chính hụt
ngày 11 tháng 11, 1960 của một nhóm quân nhân Thi Ðông. Cha
tôi bị liên lụy thế nào trong cuộc đảo chánh này để đến nỗi
mấy năm sau ông cụ tôi phải ra tòa với tội trạng “phản quốc”
và “xâm phạm nền an ninh quốc gia” đưa đến cái tự vẫn của
ông ngày 7 tháng 7, 1963?
Nửa thế kỷ trôi qua đã có
không biết bao nhiêu giấy mực viết về cuộc đảo chính 11
tháng 11, 1960 này cũng như mức độ liên lụy của cha tôi
trong cuộc đảo chính, được viết ra bởi những người thuộc
nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau.
Ở đây tôi không nhắc lại cũng
không dẫn chứng những bài viết này. Tôi không phải là một
nhà nghiên cứu, cũng không có tham vọng viết lịch sử, tôi
chỉ nêu lên ở đây tiếng nói của một người con. Nếu tiếng nói
đó có góp phần soi sáng thêm cho sự thật của lịch sử thì tôi
nghĩ rằng đó là việc tôi phải làm vì bổn phận đối với cha
tôi.
Trước hết là cha tôi biết
trước vụ đảo chính sẽ xẩy ra. Trong cuốn hồi ký “Nhất Linh
Cha Tôi” trang 120 tôi viết: “Bốn mươi mốt năm về trước,
một ngày trước cuộc binh biến 11 tháng 11, 1960 ở Sài Gòn,
bố tôi bất thần trở về căn gác chợ An Ðông nhìn tôi nói
nghiệm nghị: 'Ngày mai con có đi chơi đâu thì không được
lảng vảng gần khu Dinh Ðộc Lập'. Cuộc đảo chính thất bại.
Tôi nghe nói là bố tôi sau đó đã lẩn trốn ở nhiều nơi trong
thành phố.”
Sau này tôi nghe nói ông phải
đi trốn vì ông có tên trong một tờ truyền đơn chống chính
phủ được rải ra trong thành phố vào buổi sáng ngày đảo
chánh.
Mấy tháng sau chúng tôi ngạc
nhiên thấy cha tôi trở về nhà. Anh tôi hỏi thì ông cụ trả
lời giản dị “Cậu được vô can” và không tiết lộ điều gì hơn.
Tôi thắc mắc tại sao ông cụ lại vô can được khi ông biết
trước vụ đảo chánh xẩy ra lại có tên ông trong tờ truyền
đơn, trong khi hầu hết những người có tên trong tờ truyền
đơn bị bắt hết?
Sau này được tiếp xúc với Giáo
Sư Nguyễn Thành Vinh, một đàn em cũng là đồng chí của ông
cụ, anh Vinh xác nhận với tôi: “Anh Tam đã tuyên bố không
làm chính trị, vì vậy anh đứng ngoài, anh chỉ ủng hộ ngầm
việc làm của các anh em mà thôi. Tất cả các buổi họp quan
trọng trước ngày đảo chánh đều không có mặt anh Tam. Tuy
nhiên anh được thông báo mọi diễn tiến. Vì vậy anh Tam biết
trước có vụ đảo chánh xẩy ra.”
Từ những sự kiện trên và là
người con gần gũi và thấu hiểu ông cụ tôi nhất, tôi suy luận
thế này:
Một mặt cha tôi bất mãn với
chế độ nhà Ngô về sự độc tài của chế độ này. Mặt khác vì lời
tuyên bố không làm chính trị của ông năm 1950, lại là người
rất trọng danh dự, ông cụ tôi hết sức tránh mọi hành vi đi
ngược lại lời tuyên bố của ông.
Giữa hai động lực tương phản
ấy cha tôi khôn ngoan chọn thái độ đứng giữa nó có thể giúp
ông một lúc đạt cả hai mục tiêu: đó là ngầm tán trợ các hoạt
động của anh em đồng chí của ông, nhưng riêng ông đứng
ngoài.
Sự kiện ông cụ tôi không bị
bắt có thể vì người ta không tìm ra bằng cớ. Thứ nhất là ông
cụ tôi không bao giờ đi họp. Gần đây tôi có dịp tiếp xúc với
ông Nguyễn Liệu, ông cho tôi biết là ông Nhất Linh không đi
họp đảng phái, người đại diện là ông Nguyễn Thành Vinh. Ông
Nguyễn Liệu hiện cư ngụ tại San Jose, Hoa Kỳ, là người đã
tham dự vào những cuộc họp của đảng phái và cũng bị giam tù
vì liên hệ đến cuộc đảo chính 11 tháng 11, 1960. Thứ hai là
có tên trong trong tờ truyền đơn cũng không hẳn là bằng cớ
rõ ràng để bắt vì có gì chứng minh ngược lại là người khác
để tên ông cụ tôi vào? Vả lại không phải tất cả những người
có tên trong tờ truyền đơn đều bị bắt hết. Cũng theo lời ông
Nguyễn Liệu thì ngoài ông cụ tôi ra, người có tên trong tờ
truyền đơn là cụ Nguyễn Xuân Chữ cũng không bị bắt giữ.
Sự việc không bắt cha tôi,
ngoài lý do không có bằng cớ, tôi cho còn là một sự tính
toán cân nhắc lợi hại của chính quyền họ Ngô chứ chưa hẳn do
cảm tình riêng của ông Diệm đối với ông cụ tôi như nhiều
người nghĩ. Thứ nhất không bắt ông cụ để ông cụ vô can tức
là chứng tỏ cho dân chúng biết Nhất Linh không hề bất mãn và
phản đối chế độ ông Diệm. Thứ hai họ nghĩ rằng chặt hết tay
chân của ông cụ tôi thì ông cụ tôi còn làm gì được nữa?
Nhưng không bắt bớ không có
nghĩa là để cho ông cụ tôi được hoàn toàn tự do. Trong cuốn
“Nhất Linh Cha Tôi” trang 36 tôi ghi lại lời của cha
tôi nói với tôi buổi sáng ngày 7 tháng 7, 1963: “Cậu
chẳng sợ kết quả (ra tòa) ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù
thì cũng mất tự do như nhau.”
Ngoại trừ những người trong
gia đình tôi rất ít người biết rằng trong hai năm sau cùng
của đời ông cha tôi bị giam lỏng tại gia như thế nào.
Công an mật vụ canh chừng đến nỗi chúng tôi nhận diện
được từng người mỗi khi từ trên lầu căn gác chung cư chợ An
Ðông (nơi chúng tôi trú ngụ) nhìn xuống. Trang 40 cuốn hồi
ký tôi tả một đoạn khi cha tôi và tôi rời khỏi nhà: “Trên
chiếc tắc-xi rời chợ An-Ðông hướng về phía Sài Gòn, tôi thấy
cha tôi cứ chốc chốc lại ngoái về phía sau. Ông bảo tôi:
‘Con xem có xe nào theo không? Lúc nẫy cậu thấy có mấy người
lạ đứng bên kia đường nhìn vào nhà mình’. Tôi ra hiệu cho
tài xế quặt sang đường Trần Bình Trọng, chiếc xe hơi duy
nhất chạy phía sau vẫn tiến thẳng đại lộ Thành Thái. Tôi
đáp: ‘Không! Không có xe nào theo mình cả!’.”
Hãy hình dung cảnh tượng ấy
diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài thì mới thấu
hiểu câu nói của cha tôi “ở tù hay ở nhà cũng mất tự
do như nhau.”
Vào tháng 5 năm 1963 vụ Phật
Giáo bùng nổ ở Huế. Sau đó phong trào Phật Giáo đấu tranh
lan rộng khắp nước. Tôi không đề cập chi tiết vụ Phật Giáo
này. Hãy để các sử gia nói tới. Tôi chỉ bàn khía cạnh vụ này
tác động ra sao đối với ông cụ tôi và nhất là đối với cái
chết của ông.
Vụ Phật Giáo xẩy ra hai tháng
trước khi ông cụ tôi mất. Thời gian này tại căn nhà An Ðông
họ canh chừng rất kỹ ông cụ tôi. Trong khi hầu hết các
chính trị gia đối lập bị bắt hết sau vụ binh biến 11
tháng 11, 1960, ông cụ tôi là một trong số ít người được tại
ngoại, do đó việc tăng cường canh giữ ông cụ là một điều tất
nhiên. Ông cụ rất ít ra khỏi nhà. Những tin tức ông biết
được bên ngoài là do báo chí (cha tôi sai tôi đi mua báo Tự
Do hàng ngày và ông chỉ đọc tờ báo này thôi), ngoài ra có
hai người bạn thân của ông thường xuyên lui tới. Ðó là Bác
Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm và ông Lê Văn Kiểm. Ông Kiểm (mà chúng
tôi gọi là chú Kiểm vì chú nhỏ tuổi hơn ông cụ tôi) thường
đến hầu như hàng ngày tường trình diễn tiến của vụ Phật
Giáo. Ngày 11 tháng 6, 1963 khi chú Kiểm đến báo tin Hòa
Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt & Phan
Ðình Phùng thì cha tôi sững sờ.
Ảnh hưởng của cái tin này thật
khủng khiếp.
Tin này là một phần (tôi cho
là quan trọng nhất) làm nên cái chết của Nhất Linh.
Nếu ảnh hưởng đó không mạnh
thì tại sao ông lại dành đến 9 chữ trong lá thư tuyệt mệnh
vỏn vẹn 71 chữ của ông để viết lên câu “cũng như Hòa Thượng
Thích Quảng Ðức tự thiêu”?
Rồi cuối cùng, mãi ba năm sau
xẩy ra cuộc binh biến 11 tháng 11, 1960, vào tháng 6 năm
1963 cha tôi bị mời lên Tiểu Ðội Hiến Binh số 635 đường
Nguyễn Trãi để lấy khẩu cung và ở đó người ta cho ông biết
trước là ngày 8 tháng 7 năm 1963 cha tôi phải trình diện tại
Phòng xử án Ðặc biệt Tòa án Quân sự, tòa Thượng Thẩm, số 131
đường Công Lý, Sài Gòn. Trát đòi chính thức sẽ được gửi sau.
(Cha tôi nhận được trát đòi vào ngày 6 tháng 7, 1963 lúc
18:00 giờ).
Tin cha tôi sẽ phải ra tòa để
xử án này là động cơ tối hậu làm nên cái chết của Nhất Linh.
Ông có một tuần lễ để
sửa soạn cái chết cho chính mình:
Ngày 30-6-1963 (7 ngày trước
cái chết) cha tôi đi dự buổi họp tại trụ sở nhóm Bút Việt.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết về sự kiện này như sau (trích
trong sách Chân Dung Nhất Linh, tác giả Nhật Thịnh, trang
183): “Tôi dám quả quyết là Nhất Linh đã sắp đặt, ít nhất
là một tuần lễ trước cái chết của mình, bằng cớ là ngày
30-6-1963, anh tới dự buổi họp của Trung Tâm Văn Bút mà
trước đó anh là chủ tịch, không phải vì văn hóa, mà chỉ cốt
gặp mặt một lần chót các văn hữu của anh trước khi sang bên
kia thế giới. Ở Trung Tâm Văn Bút ra, Nhất Linh có ghé lại
thăm tôi, nhưng tiếc rằng hôm ấy tôi đi vắng”.
Ngày 2-7-1963 (5 ngày trước
cái chết) cha tôi đến nhà in Trường Sơn làm giấy Ủy Quyền
cho con. Trong cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi trang 192, tôi
viết: “Năm ngày trước khi chết ông đến nhà in Trường Sơn
đánh máy tờ Ủy Quyền: Tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, giám
đốc nhà xuất bản Phượng Giang và Ðời Nay, ký tên dưới đây
xác nhận rằng: trong khi tôi vắng mặt (bất cứ vì lý do gì)
thì con tôi là Nguyễn Tường Thiết sẽ thay thế tôi điều khiển
hai nhà xuất bản kể trên và quyết định việc xuất bản các tác
phẩm của tôi. Làm tại Sài Gòn ngày 2 tháng 7 năm 1963”.
Ngày 7-7-1963 (ngày chết) cha
tôi đến vĩnh biệt người bạn thân nhất của mình vì tuần lễ
trước ông đến mà không gặp. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết: “Chủ
Nhật sau nhằm ngày 7-7-63 Nhất Linh lại tới vào buổi sáng
hồi 10 giờ. Tôi đang ngồi trong phòng ăn bỗng anh lặng lẽ đi
vào...”... “chúng tôi tiễn anh ra cửa lặng lẽ cầm tay
nhau, khi ấy tuyệt nhiên trên nét mặt Nhất Linh tôi không hề
nhận thấy một dấu hiệu nhỏ nào cho biết chỉ trong vài tiếng
đồng hồ nữa anh sẽ xa lánh cõi trần, xa tất cả mọi người
thân yêu của anh để đi vào lịch sử.”
Buổi sáng hôm ấy sau khi cha
tôi đi thăm bác Phiếm về thì chúng tôi, cha tôi và tôi, trên
căn gác của chung cư chợ An Ðông bàn bạc rất lâu về đủ mọi
chuyện. Cha tôi vốn ít nói và kín tiếng, nhưng buổi sáng hôm
ấy lạ thay ông lại tâm sự với tôi rất nhiều điều, ông giảng
giải khúc triết và rành rẽ mọi chuyện, và tôi có ghi lại đầy
đủ trong chương “Niềm Vui Chết Yểu” trong cuốn sách Nhất
Linh Cha Tôi.
Cũng như bác Phiếm lúc ấy tôi
hoàn toàn không ngờ cái chết sắp tới của cha tôi, cho đến
khi ông sai tôi đi mua rượu và ông tự vẫn trong lúc tôi vắng
mặt.
Chuyện gì xẩy ra trong lúc tôi
vắng mặt ấy?
Bình tĩnh cha tôi ngồi thảo và
viết 71 chữ cuối cùng trong đời ông: 71 chữ cô đọng, đầy đủ,
rõ ràng để một người bình thường có thể hiểu được ý nghĩa
trung thực của tờ chúc thư tuyệt mệnh của ông.
Khi thảo tờ chúc thư chính trị
ấy cha tôi đã sáng suốt tiên liệu là mật vụ nhà Ngô có thể
tịch thu bản di chúc nên cha tôi đã cẩn thận viết làm hai
bản. Hai bản đó giống nhau, chỉ sai biệt một chữ. Nay, kèm
với bài viết này, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, tôi cho công
bố cả hai lá thư tuyệt mệnh ấy để độc giả so sánh.
Hai
bản di chúc và thủ bút của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
(Hình: Tác giả cung cấp)
Nhất Linh con người ghét
chính trị, không muốn làm chính trị, thế mà sau cùng phải
chết cho mục tiêu chính trị, đó là chuyện chẳng đặng đừng.
Ông phải chết để bảo vệ nhân phẩm của mình như ông Trần
Thanh Hiệp đã viết trong cuốn sách Nhất Linh, Người Nghệ
Sĩ-Người Chiến Sĩ, trang 132, như sau:
“Vào cái tuổi 57 chưa hẳn
quá về chiều của cuộc đời, ông lấy cái chết của mình để cảnh
cáo những người cầm quyền bạo ngược, ngang nhiên chà đạp lên
mọi thứ tự do là nhân phẩm, thứ giá trị khiến con người khác
với các sinh vật khác...”
Nhất Linh đã chuẩn bị cái chết
của mình một cách bình tĩnh. Nhất Linh đã sửa soạn cái chết
cho mình trong sự tính toán sáng suốt.
Cái bình tĩnh ấy, cái sáng
suốt ấy dứt khoát là không thể có được ở một con người mắc
bệnh tâm thần!
Trong cuốn sách Một Thời Ðể
Nhớ xuất bản năm 2011 tác giả Nguyễn Văn Lục đã dành hẳn một
chương (chương 7) để bàn về cái mà ông Lục gọi là Ý Nghĩa
Về Cái Chết của Nhất Linh.
Nhưng thay vì tìm hiểu “ý
nghĩa” cái chết của Nhất Linh như tựa đề ông Lục đặt ra,
suốt bài viết ông Lục chỉ bàn về “nguyên nhân”. Cái nguyên
nhân ấy ông Lục hãnh diện “tìm ra” như một khám phá lớn: đó
là căn bệnh tâm thần. Theo Nguyễn Văn Lục nguyên nhân Nhất
Linh tự tử là do bệnh tâm thần.
Dưới mắt ông Lục không có
chuyện Nhất Linh chết vì phản đối chế độ nhà Ngô. Dưới mắt
ông Lục tờ giấy mang 71 chữ tuyệt mệnh của Nhất Linh để lại
chỉ là mảnh giấy lộn vô nghĩa. Thậm chí ông Lục còn dám
xuyên tạc ý nghĩa của thông điệp đó khi ông viết: “Ðời
tôi để lịch sử xử. Nhưng lịch sử là ai? Ai xử? Xử như thế
nào? Ðã xử chưa? Và lịch sử có phải là ngày hôm nay không?
Hay là câu chúc thư trên thực ra phải hiểu như sau: Ðời tôi,
để tôi tự xử?” (Trang 177- Nguyễn Văn Lục- Một Thời Ðể
Nhớ).
Ông Nguyễn Văn Lục là người
khôn ngoan. Ông không dại gì nói tới một người như Nhất Linh
lại dựng lên một giả thuyết rất dễ bị bắt bẻ là căn bệnh tâm
thần, nếu bài ông viết không có sức thuyết phục. Bài viết
của ông đầy những dẫn chứng, từ sách cũng có, từ nhân chứng
sống cũng có, khiến người đọc dễ dàng tin ngay những gì ông
viết là xác đáng. Chính tôi là người đầu tiên bị lừa.
Câu chuyện xẩy ra như thế này:
Ba năm trước (2008) một bữa
kia tôi nhận được một cú điện thoại của ông Nguyễn Văn Lục.
Sau khi tự giới thiệu ông Lục cho biết là ông có số điện
thoại của tôi do nhà văn Duy Lam cung cấp. Sau đó ông cho
biết ông mới viết xong một bài về Nhất Linh và xin thỉnh ý
tôi trước khi in. Ông cũng yêu cầu là nếu tôi thuận thì xin
tôi phúc đáp ngay để kịp đăng ý kiến tôi kèm với bài ông
viết đang sửa soạn cho in trên tạp chí Tân Văn.
Thái độ ấy của ông Lục khiến
tôi có cảm tình ngay với ông ta và hứa sẽ hồi âm trong một
thời gian thật ngắn.
Sau đó tôi nhận được qua
e-mail bài “Chúc Thư Văn Nghệ của nhà văn Nhất Linh Nguyễn
Tường Tam” với lời yêu cầu: “Xin gửi anh Nguyễn Tường
Thiết, để anh đọc. Nếu có điều gì sai sót anh cho tôi biết
để xin sửa lại. Lục.”
Vì hứa sẽ hồi âm nhanh, nên
tôi không có thì giờ kiểm chứng lại những gì ông trích dẫn.
Tôi trả lời ông Lục ngay như sau:
“Nếu chỉ để ý đến khía cạnh
tìm những ‘sai sót’ trong bài (như anh yêu cầu tôi) thì tôi
không tìm thấy lầm lỗi nào vì bài anh viết khá công phu dựa
trên những tài liệu đã công bố hoặc những nhân chứng sống”.
Sau đó tôi nêu ý kiến là
tôi không đồng ý với nội dung bài viết của ông Lục.
Tôi đã trả lời ông Lục bằng
bức thư lời lẽ lịch sự. Sau này đọc kỹ lại những gì ông Lục
viết, nhất là sau khi đối chiếu những gì ông trích dẫn với
nguyên bản, nhìn thấy rõ hơn con người ông, tôi hối hận là
những lời lẽ lịch sự ấy tôi đã đặt lầm chỗ.
Chuyện ông đăng ý kiến của tôi
trên Tân Văn tôi không phản đối.
Tôi chỉ phản đối ông Lục bây
giờ, nghĩa là ba năm sau (2011) khi ông cho ra cuốn sách Một
Thời Ðể Nhớ, trong chương 7 của quyển sách với bài có tiêu
đề “Ý Nghĩa về Cái Chết của Nhất Linh”, ông Lục đã không hề
hỏi ý kiến tôi mà tự động in trong sách những ý kiến trên
của tôi viết ba năm trước.
Tôi cho rằng ông Lục đã thiếu
lương thiện trong việc này. Vì sao?
Ông thiếu lương thiện vì đã cố
tình lập lờ đánh lận con đen: ý kiến của tôi là ý kiến đáp
lại bài “Chúc Thư Văn Nghệ của nhà văn Nhất Linh” ông Lục
viết 3 năm trước (2008), chứ không phải ý kiến về bài “Ý
Nghĩa về Cái Chết của Nhất Linh” ông viết 3 năm sau (2011)
có nội dung khác vì bài viết đã thêm bớt rất nhiều so với
bài trước.
Trong cuốn sách mới xuất bản
Một Thời Ðể Nhớ ông Lục đã thêm vào một chuyện hoàn
toàn không có thực mà bài trước không có. Ðó là chuyện ông
cụ tôi, nhà văn Nhất Linh, tự tử hai lần. Tôi xin
minh xác đây là chuyện bịa đặt trắng trợn. Nếu trong
bài viết ba năm trước ông Lục nêu lên câu chuyện này thì dù
không đọc kỹ tôi sẽ nhận ra điểm sai ấy ngay, và chắc chắn
sẽ không có câu tôi viết “tôi không tìm thấy lầm lỗi nào”.
Nay nếu tôi không lên tiếng
thì khi đọc cuốn sách của ông Lục với những ý kiến của tôi
đi kèm, độc giả (không biết chuyện ông Lục đánh lận con đen)
sẽ tưởng là tôi xác nhận chuyện Nhất Linh tự tử hai lần là
có thực.
Ðây là lý do khiến tôi bây giờ
buộc phải lên tiếng.
Từ bài viết đầu tiên ông Lục
gửi tôi 3 năm trước (2008) với nhan đề “Chúc Thư Văn Nghệ
của nhà văn Nhất Linh” đến bài ông viết trong cuốn sách
Một Thời Ðể Nhớ ba năm sau (2011) với nhan đề “Ý Nghĩa về
cái chết của Nhất Linh” ông Lục đã viết nhiều bài về cái
chết của Nhất Linh, mỗi lần viết là ông lại sửa đổi, tùy
theo phản ứng của độc giả trong những bài phản bác.
Khi ra sách ông Lục thêm vào
hai “bằng cớ” mà ông Lục cho là bằng cớ hiển nhiên để chứng
minh rằng Nhất Linh tự tử không phải là để chống đối chính
quyền nhà Ngô như Nhất Linh đã nói trong tờ chúc thư chính
trị 71 chữ. Hai “bằng cớ” ấy ông Lục dựa vào hai bài viết
của Trần Văn Bảng và Lê Nguyên Phu mà ông Lục in tít lớn
dưới tiêu đề: “Tìm hiểu ý nghĩa của hai lần tự tử”
(Trang 188 -Nguyễn Văn Lục-Một Thời Ðể Nhớ) và “Bằng cớ
pháp lý” (Trang 189 - Nguyễn Văn Lục-Một Thời Ðể Nhớ).
Hai vấn đề mới mà ông Lục thêm vào năm 2011 sẽ được bàn tới
ở đoạn sau.
Ông Lục chia bài Ý Nghĩa Về
Cái Chết của Nhất Linh ra làm bốn chủ đề khác nhau: Cái chết
định trước của Nhất Linh, Trong phạm vi văn chương, Tìm hiểu
ý nghĩa của hai lần tự tử và Bằng cớ pháp lý. Tôi sẽ bàn
luận về bài viết của ông Lục theo những chủ đề mà ông đưa
ra.
Cái
chết định trước của Nhất Linh
Trong chủ đề này ông Lục muốn
nói là cái chết của Nhất Linh là do “cuộc đời Nhất Linh
chồng chất những thất bại” (chữ của ông Lục dùng) và do
căn bệnh tâm thần của Nhất Linh.
Theo ông Lục: “Có thể nói
cuộc đời Nhất Linh lúc đó chồng chất những thất bại”.
(Trang 179- Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ.) Ðể chứng minh
chuyện “chồng chất những thất bại” ông Lục đưa ra hai bằng
chứng là vụ đình bản tờ báo Văn Hóa Ngày Nay và vụ Nhất Linh
“mưu sát” (chữ ông Lục dùng) TT Ngô Ðình Diệm. Theo ông Lục
chuyện tờ báo bị đình bản là việc thất bại thứ nhất cộng
thêm vụ mưu sát tổng thống không thành là thất bại thứ hai.
Hai thất bại là nhiều lắm, là “chồng chất” lắm, đủ khiến ông
Nhất Linh phải chết rồi!
Về vụ đình bản tờ báo Văn Hóa
Ngày Nay, xin nói ngay tờ Văn Hóa Ngày Nay không phải là một
thất bại, nó là một thành công! Chưa có một tờ báo nào hồi
đó bán chạy và được độc giả hoan nghênh đến như thế. Nhưng
trong phần I của bài viết này tôi đã nêu rõ nguyên nhân vì
sao tờ báo phải tự ý đình bản sau khi ra được 11 số. Tôi
không muốn nhắc lại ở đây. Cha tôi phải ngưng tờ báo vì lỗ
vốn. Mà lỗ vốn vì bị chính quyền cản trở như ông Trương Bảo
Sơn đã vạch rõ.
Chính ông Lục đã xác nhận
nguyên nhân tờ báo tự đóng cửa vì lỗ vốn khi ông viết: “Tôi
có hỏi thẳng anh Duy Lam về việc này. Anh cho biết ông Nhất
Linh có tâm sự và cho biết những khó khăn về tài chánh nên
phải đình bản tờ báo!” (Trang 178- Nguyễn Văn Lục - Một
Thời Ðể Nhớ)
Ông Lục còn nêu lý do tờ báo
tự đình bản vì vấn đề sức khỏe của Nhất Linh. Ông viết: “Tình
cờ, may mắn thay, tôi tìm được một tài liệu, một mảnh giấy
nhỏ kèm trong Văn Hóa Ngày Nay số 9 do một thân hữu, anh
Nguyễn Thế Toàn ở Hoa Thịnh Ðốn gửi cho trong đó có lá thư
cáo lỗi độc giả của nhà văn Nhất Linh. Nhà văn Nhất Linh cho
biết vì lý do sức khỏe, ông đã bỏ nửa chừng công việc...”
Tôi không biết là ông Lục có
lá thư của cha tôi viết ấy trong tay hay không (không thấy
ông Lục chụp lại để minh chứng), nhưng giả thử có thật thì
cũng không có gì lạ. Nếu không nại cớ lý do sức khỏe chẳng
lẽ trong thư gửi độc giả Nhất Linh lại đi tố giác chính
quyền làm khó dễ như sự thật đã xẩy ra hay sao?
Như tôi đã viết ở phần trước,
vụ đình bản tờ Văn Hóa Ngày Nay là kết quả của sự xâm
phạm quyền tự do ngôn luận của chế độ nhà Ngô mà cha tôi
là nạn nhân trực tiếp.
Còn vụ Nhất Linh “mưu sát” TT
Ngô Ðình Diệm là chuyện gì đây? Ông Lục viết: “Khi hai
phi công ném bom dinh TT Ngô Ðình Diệm mà theo nhiều người,
đã có trong tay để biết giờ giấc trong dinh. Nhưng đến phút
chót một quả bom của phi công Nguyễn Văn Cử đã không nổ. Vai
trò ông Nhất Linh trong vụ ném bom này như thế nào? Làm
chính trị đối lập thì khác. Nhưng dính dáng vào một vụ mưu
sát thì có bằng chứng rõ rệt tịch thu được trong nhà Hoàng
Cơ Thụy, chính quyền nào cũng mang ra xử tội.” (Trang
179, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)
Tôi thấy chuyện ông Lục nói
rất khó hiểu. Như ông Lục kể ở đoạn trên, Nhất Linh dính líu
vào vụ ném bom dinh tổng thống của phi công Nguyễn Văn Cử
(xảy ra ngày 27 tháng 2 năm 1962) và bằng chứng rõ rệt tịch
thu được trong nhà Hoàng Cơ Thụy. Bằng cớ gì?
Cũng trong bài viết (trang
191), ông Lục lại đưa ra một trích dẫn khác nói đến chứng cớ
công an tịch thu ở nhà ông Hoàng Cơ Thụy liên quan đến vụ
đảo chánh hụt 1960: “Xin trích dẫn lại ý kiến của ông
Trần Kim Tuyến về vấn đề này trong sách Những huyền thoại và
sự thật về chế độ Ngô Ðình Diệm như sau: ‘Theo bác sĩ Tuyến,
khi còn ngồi tại chức, ông có hứa với các chính khách bị bắt
sau cuộc đảo chánh hụt 1960 rằng họ được thả về là xong,
không còn phải lo lắng gì nữa, ngoại trừ những trường hợp
như bác sĩ Phan Quang Ðán thì không kể. Nhưng có điều tai
hại là hồi đó người Mỹ cũng như người trong nước cứ lầm
tưởng rằng các chính khách bị bắt vì đưa ra tuyên ngôn
Caravelle, mà không phân biệt rằng họ bị bắt vì có tên trong
danh sách mà công an tịch thu được ở nhà ông Hoàng Cơ Thụy’
(Trang 191, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)”.
Tôi không nghe ai nói hoặc báo
chí đề cập đến việc Nhất Linh dính líu vào vụ bỏ bom dinh
độc lập ngày 27-2-1962 của phi công Nguyễn Văn Cử. Không có
trát tòa nào đòi Nhất Linh trình diện về vụ mưu sát tổng
thống cả. Tôi cũng không nghe ai nói ông Hoàng Cơ Thụy dính
líu vào chuyện bỏ bom ngày 27-2-1962 mà chỉ nghe người ta
nói đến ông Hoàng Cơ Thụy dính líu đến biến cố 11-11-1960.
Ðể tìm hiểu sự thật về vụ ném
bom Dinh Ðộc Lập ngày 27-2-1962, tôi có gởi email hỏi ông
Nguyễn Liệu hiện sống ở San Jose, CA, là người biết rõ nội
vụ, thì được ông trả lời như sau:
“Nhất
Linh không có dính dáng gì với vụ ném bom Dinh Ðộc Lập. Vụ
ném bom Dinh Ðộc Lập do Nguyễn Văn Lực, một lãnh tụ QDÐ
người Bắc là cha của phi công Nguyễn Văn Cử. Nguyễn Văn Cử
và Phạm Phú Quốc là bạn. Khi thất bại Cử lái phi cơ qua
Miên, ông Lực đi đường bộ trốn qua Miên đến sau vụ đảo chánh
11/63 mới về. Diệm nhốt cả hai đứa em nhỏ của Cử dù chúng
chỉ là học sinh. Vụ này chỉ có hai người là cha con ông Lực,
giờ chót Cử mới rủ Quốc tham gia. Sau vụ đảo chánh 11/60
thất bại Diệm tăng cường công an mật vụ theo dõi các chánh
khách. Mật vụ Ngô Ðình Cẩn do Ngô Trọng Hiếu chỉ huy vào Sài
Gòn tăng cường theo dõi, do đó ông Lực không dám tổ chức
rộng nên không thể nào ông Nhất Linh biết vụ này.
Tài liệu trong nhà luật sư
Thụy là tin bịa đặt. Lúc ấy nếu có thì báo chí đã đăng lên
và nhất là khi xử vụ đảo chánh không hề nhắc đến tài liệu
này. Nếu có thì Lê Nguyên Phu đã đưa ra chưởi và làm bằng
chứng để kết tội. Ðó là tin Ông Lục bịa đặt...”
Tôi biết ông Lục nhớ chuyện
lịch sử lắm, ông Lục không lầm đâu. Ông Lục chỉ cốt bịa ra
chuyện Nhất Linh dính líu vào vụ ném bom (27-2-1962) thất
bại là để gán cho Nhất Linh thất bại nhiều nhiều một chút,
“chồng chất” một chút. Nếu chỉ có một vụ báo Văn Hóa Ngày
Nay bị đình bản thất bại thì chả lẽ ông Lục viết “Có thể nói
cuộc đời Nhất Linh lúc đó chồng chất một thất bại” à!
Tuy Nhất Linh không dính dáng
vào vụ mưu sát TT Ngô Ðình Diệm như ông Lục bịa đặt nhưng cứ
thử giả thiết Nhất Linh có dính dáng thì đã sao? Nguyễn Thái
Học và 12 liệt sĩ phải lên đoạn đầu đài ở Yên Bái vì mưu sát
Tây thực dân. Bao nhiêu người yêu chuộng tự do dân chủ hiện
đang bị giam cầm ở Việt Nam đều mang tội chống phá chính
phủ. Gần đây ở các nước Algeria, Libya, Egypt, Syria... nổi
lên phong trào dân chúng chống phá chính phủ lật đổ các lãnh
tụ độc tài. Hành động của Nhất Linh nếu ông có dính líu vào
việc chống chính phủ thì có khác gì cả triệu người trên thế
giới yêu chuộng tự do tranh đấu cho công bằng và lẽ phải?
Ở một đoạn khác ông Lục viết:
“...tự tử mang ý nghĩa từ chối đời sống vì không tìm thấy
trong đời sống một ý nghĩa gì khả dĩ để tiếp tục sống nữa.
Tự tử như vậy là một lựa chọn tối hậu khi không còn có sự
lựa chọn nào khác. Nhất Linh đã tự tử” (Trang 177 Nguyễn
Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).
Ở đây tôi thấy ông Lục hết sức
sai lầm khi cho rằng nguyên nhân của tự tử là không tìm thấy
trong đời sống một ý nghĩa nào khả dĩ để sống. Như vậy là
ông phủ nhận tất cả những danh nhân trong lịch sử đã tự tử
để bảo vệ danh dự, bao nhiêu chiến sĩ đã tự tử vì không muốn
lọt vào tay địch như Phan Thanh Giản, như Hoàng Diệu, như
tướng Nguyễn Khoa Nam, tướng Lê Văn Hưng... và rất nhiều vị
khác mà tôi không thể liệt kê ra hết.
Những cái tự tử đó người ta
gọi là tuẫn tiết. Cái chết của Nhất Linh, vừa để bảo vệ danh
dự, vừa để tranh đấu cho lý tưởng, cũng là một hành động
tuẫn tiết.
Nhưng ông Nhất Linh là người
khôn ngoan, ông không dùng chữ tự tử để nói về cái chết của
ông (có thể ông tiên đoán sẽ có người như ông Lục định nghĩa
tự tử đồng nghĩa với chán đời), ông cũng không kiêu ngạo tự
coi cái chết của mình là một hành động tuẫn tiết, nên trong
lá thư tuyệt mệnh ông viết: “Tôi tự hủy mình để cảnh
cáo những người chà đạp lên mọi thứ tự do”.
Ngoài ra ông Lục còn có những
lập luận rất mâu thuẫn. Ðể chứng minh Nhất Linh hủy mình
không phải vì bất mãn với chế độ độc tài của nhà Ngô mà vì
bệnh tâm thần và “thất bại chồng chất” ông Lục đã vẽ ra hai
con người Nhất Linh hoàn toàn trái ngược nhau. Một mặt Nhất
Linh bị bệnh tâm thần, chán đời, không thiết sống, lúc nào
cũng chăm chăm đòi tự tử. Mặt khác Nhất Linh hăng hái tham
gia hoạt động văn hóa báo chí, tham gia hoạt động chống
chính phủ, tham gia cả việc bỏ bom “mưu sát” tổng thống!
Có thể nào một người bị bệnh
tâm thần thấy cuộc đời không đáng sống lại tham gia vào
những hoạt động đòi hỏi rất nhiều khả năng cũng như năng lực
như thế?
Bàn đến chuyện bệnh tâm thần
của Nhất Linh, ông Lục viết: “Thất bại của ông thì nhiều,
trải dài trong suốt cuộc đời làm chính trị khiến ông bị căn
bệnh trầm uất triền miên. Depressive psychosis với ba giai
đoạn phát triển tuần tự của bệnh từ Suicidal ideation,
suicidal planning và cuối cùng suicidal attempt. Từ ý tưởng
sang kế hoạch và sau cùng là thi hành.”
“Bệnh tâm thần của Nhất
Linh là có thật. Nhưng ít ai trực tiếp nói thẳng ra. Không
muốn nói ra và còn muốn giấu giếm.” (Trang 179, Nguyễn
Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)
Trong đoạn này ông Lục nói rất
vu vơ! Ông nói bệnh tâm thần của Nhất Linh có thật nhưng ít
ai nói ra, không biết ông muốn nói “ai” là “ai” hay ông muốn
ám chỉ gia đình tôi và bạn bè của Nhất Linh, chúng tôi,
những người chung quanh Nhất Linh? Chúng tôi “ai” cũng biết
là Nhất Linh không bị bệnh tâm thần qua cuộc đời 40 năm hoạt
động văn học và chính trị của ông. Nếu chúng tôi biết Nhất
Linh không có bệnh tâm thần mà chúng tôi cứ nói ra là Nhất
Linh bị bệnh tâm thần hóa ra đầu óc chúng tôi có vấn đề à?
Một trích dẫn khác của ông Lục
dùng để nói về bệnh trạng của Nhất Linh: “Ngay từ khi còn
làm báo Phong Hóa, Tú Mỡ đã ghi nhận như sau: Tâm thần bị
giao động nhiều, gần như bệnh. Cần phải đi dưỡng bệnh. Ðó là
những dấu hiệu có tính cách tiên báo trước”. (Trang 180,
Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)
Nếu ông Lục cho rằng “tâm thần
bị giao động” là dấu hiệu báo trước của bệnh tâm thần thì có
lẽ “ho” là dấu hiệu báo trước của bệnh ho lao, và “khó thở”
là dấu hiệu báo trước của bệnh ung thư phổi! Ðịnh bệnh như
thế thì ai cũng bệnh hoạn hết!
Cái tiền đề “Nhất Linh, một
cái chết định sẵn” mà ông Lục nêu ra nay tôi xin đổi ra là
“Nguyễn Văn Lục, một ý nghĩ định sẵn” vì tôi thấy đúng hơn!
Ông Lục có sẵn định kiến trước
khi viết. Ðịnh kiến ấy bất di bất dịch: “Nhất Linh bị bệnh
tâm thần. Nhất Linh tự tử vì bệnh tâm thần”. Vì định kiến ấy
mà ông chỉ nhìn thấy một khoảng rất hẹp, như con ngựa bị bịt
hai mắt chỉ thấy phần nhỏ trước mặt.
Ông đọc tất cả các tài liệu mà
ông trích dẫn qua con mắt của con ngựa ấy: chỉ nhìn thấy
trong khoảng nhỏ những gì có lợi minh chứng định kiến của
ông, và cố tình không nhìn thấy một khoảng mênh mông của sự
thật nằm ngoài tầm con mắt của con ngựa vì chúng bất lợi cho
lập luận của mình.
Ông Lục thừa biết cái lối
nghiên cứu quái đản ấy qua bài “Ý Nghĩa Cái Chết của Nhất
Linh” là thiếu đứng đắn nhưng ông vẫn làm. Ðộng cơ
nào đã khiến ông làm như vậy, tôi thật sự không hiểu và xin
nhường nghi vấn này cho độc giả.
Trong chủ đề này ông Lục
trích dẫn những đoạn văn của Nhất Linh hoặc của những người
khác viết về Nhất Linh để chứng minh là Nhất Linh có bệnh
tâm thần và có ý định tự tử.
Trang 18 (Nguyễn Văn Lục - Một
Thời Ðể Nhớ) - ông Lục viết: “Ám ảnh về cái chết, về sự
tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông, bàng bạc trong
các tác phẩm của ông, rõ rệt nhất là trong truyện Bướm Trắng.”
Ý ông Lục muốn nói là cha tôi
đã manh nha ý định tự tử từ năm 1939, khi cha tôi
viết cuốn tiểu thuyết Bướm Trắng này. Ðây là cuốn tiểu
thuyết mà cha tôi ưng ý nhất vì giá trị nghệ thuật của nó.
Tác phẩm mô tả nhân vật Trương mắc bệnh nan y không muốn
sống kéo dài cuộc đời nên thường nghĩ đến chuyện quyên sinh.
Ông Lục dẫn chứng đoạn văn sau
này trong truyện: “Cách tốt nhất là nhồi một viên đạn nhỏ
vào trong sọ. Tạch một cái thế là hết. Ngọt như mía lùi. Lý
luận thêm: Hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can
đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không
là ở cảnh chứ không phải ở người” (Trang 180 Nguyễn Văn
Lục - Một Thời Ðể Nhớ) rồi kết luận (ngon ơ!) như sau: “Những
ám ảnh về tự tử trong truyện có thể dẫn đường cho việc
giải thích việc tự tử của ông sau này vào năm 1963 hay
không?” (Trang 181, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).
Rồi ông lại còn viết thêm là:
“Chính vì thế ông đã không muốn con cái trong nhà đọc
Bướm Trắng khi còn nhỏ” (Trang 181, Nguyễn Văn Lục - Một
Thời Ðể Nhớ). Trời đất ơi! Ông đã diễn dịch quá xá lời tôi
viết trong cuốn Nhất Linh Cha Tôi. Trong sách ấy trang 17
tôi viết: “Có một cuốn tiểu thuyết mà Nhất Linh cấm không
cho chúng tôi đọc là cuốn Bướm Trắng, ông nói là chúng tôi
chưa đủ lớn để hiểu được cuốn truyện này”.
Bướm Trắng là cuốn sách phân
tách tâm lý rất sâu sắc, người lớn đọc chưa chắc đã hiểu,
huống hồ chúng tôi hồi đó còn con nít, chỉ đáng đọc loại
Sách Hồng (sách dành cho thiếu nhi) thôi. Ông cụ cấm là vì
thế. Vậy mà qua con mắt của ông Lục suy diễn thì ông cụ cấm
vì sợ mấy đứa con nít chúng tôi đọc xong Bướm Trắng sẽ ảnh
hưởng mà “chính vì thế” sẽ lăn ra tự tử hết ráo!
Mà trong truyện Bướm Trắng đâu
phải nhân vật Trương có ý nghĩ tự tử không thôi đâu, nhân
vật này còn tuyệt vọng, đi thụt két, ăn cắp tiền của sở làm,
để tiêu một chuyến đã đời trước khi chết... Không biết ông
Lục có suy diễn là từ khi cha tôi viết Bướm Trắng trong đầu
óc cha tôi đã manh nha ý định thụt két ăn cắp tiền của thiên
hạ?
Ngoài ra Nhất Linh còn viết
bao nhiêu các tác phẩm khác về tình yêu, sao ông không nói
Nhất Linh bị ám ảnh bởi tình yêu? Hơn nữa tình yêu, thân
phận con người và cái chết là những chủ đề lớn mà tất cả
những nhà văn trên thế giới đều đề cập tới. Nếu ông Lục dùng
chuyện Nhất Linh viết về một người muốn chết, muốn tự tử rồi
ông kết luận là tác giả Nhất Linh muốn chết thì ông Lục có
thể tìm ra đầy rẫy những nhà văn muốn chết, muốn tự tử, trên
khắp thế giới!
Chẳng qua là vì cái định
kiến bám chặt vào đầu để chứng minh cho lập luận “Nhất
Linh muốn tự tử” ông Lục chỉ chăm chăm đi tìm để chỉ nhìn
thấy hai chữ “tự tử” trong truyện của Nhất Linh mà thôi.
Cũng nằm trong phần chủ đề
“Trong phạm vi văn chương” ông Lục còn trích một đoạn văn
của tôi trong cuốn hồi ký Nhất Linh Cha Tôi (trang 19) như
sau:
“Nhất Linh thường viết
trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm
tôi thường thấy qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật
sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì có tiếng khóc
trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần
không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau... Không
ai có thể đoán biết được ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi
cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo
vào tuổi thơ tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một
người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và
kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông,
qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm.”
Ở giữa đoạn văn nói trên
tôi viết câu này, nhưng ông Lục không trích đăng: “Một
người anh họ lớn tuổi hơn ra dáng hiểu biết, giải thích:
“Chú Tam khóc vì chú nhớ chú Long đấy!”
Trước nhất tôi tố cáo ông
Lục đã dùng tiểu xảo cắt xén để làm sai lạc ý nghĩa bản văn
nguyên thủy của tôi.
Thứ hai, một vài người trong
gia đình lưu ý tôi tại sao tôi lại viết ra điều đó để cho
những người như Nguyễn Văn Lục khai thác vin vào đó gán ghép
ông cụ tôi mắc bệnh tâm thần? Xin thưa: Tôi viết ra bởi vì
tôi hãnh diện có một người cha biết khóc!
Nếu tôi phải dùng một câu gọn
nhất để mô tả toàn diện con người Nhất Linh bao gồm trí tuệ
lẫn nhân cách tôi sẽ không ngần ngại viết câu này: “Nhất
Linh là một trong những người Việt Nam trí thức nhân bản
nhất của thế kỷ 20.”
Tiếng khóc là biểu lộ khía
cạnh nhân bản của con người ông. Bản chất của ông cụ tôi là
bản chất một nghệ sĩ. Ông là người có cái tâm yêu nước,
thương nòi. Nhất Linh lại là người đã thực sự dấn thân, dám
sống ngược lại với bản chất của mình. Và đó là sự can đảm
của ông.
Trên con đường dấn thân vừa
chống Pháp vừa chống Cộng Sản ông cụ tôi đã mất đi nhiều
người thân, nhiều đồng chí. Trong số có Hoàng Ðạo người em
ruột, cũng là cánh tay phải của ông. Mất Hoàng Ðạo ông không
những mất người em thân thiết mà còn mất đi hy vọng về một
lý tưởng ông đang theo đuổi. Ông phải khóc thôi. Chuyện đó
quá bình thường!
Không những thế ngoài Hoàng
Ðạo, bao nhiêu những người thân khác của ông bị sát hại bởi
bàn tay của Cộng Sản: Người anh ruột Nguyễn Tường Cẩm, người
bạn văn Khái Hưng, họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường... Ông phải
khóc thôi. Nếu ông không khóc mới là chuyện bất bình thường.
Thế mà qua tiếng khóc đó ông
Lục đã vội vã kết luận: “Những tiếng khóc về đêm khuya
khoắt là dấu hiệu một tình trạng bệnh trầm cảm, cô đơn và
tuyệt vọng” (Trang 185, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể
Nhớ).
Rồi ông Lục còn đi xa hơn thế
khi viết: “Ðọc tiếp những trang hồi ký của Nguyễn Tường
Thiết thật cũng không cầm nổi xúc động. Nhưng cũng cho thấy
rằng Nhất Linh đã chuẩn bị cái chết của mình một cách chu
đáo, từng chi tiết một” (Trang 185, Nguyễn Văn Lục - Một
Thời Ðể Nhớ).
Kết luận của ông Lục lạ lùng
quá! May mà tôi không kể ra là sau khi cha tôi mất, mẹ tôi
và chúng tôi đã khóc không biết bao nhiêu ngày tháng vì cái
chết đau buồn của cha tôi. Nếu không thì ông Lục đã cho rằng
gia đình chúng tôi đều mang tâm bệnh trầm cảm, cô đơn và
tuyệt vọng rồi!
Không biết ông Lục nghĩ gì khi
đọc những lời sau đây về tiếng khóc âm thầm của người em khi
ở nơi đất lạ quê người hay tin người anh chết: “Mãi tới
năm 1963, tôi đột nhiên nghe tin anh từ bỏ cuộc đời. Âm
dương đôi ngả. Vĩnh biệt người anh mà tôi hằng yêu quí.
Những đêm khuya vắng, tại nơi quê người, tôi đã hằng khóc -
khóc người anh thân yêu, một người đi tiền phong cho làng
văn Việt Nam, một nhà văn lỗi lạc, một người lãnh đạo cách
mạng Việt Nam trong những lúc khó khăn gian khổ nhất, một
người không màng danh lợi, chỉ biết mình có gì để cống hiến
cho đồng bào cho đất nước” (Nguyễn Tường Bách, trang 66,
Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ).
Tiếng khóc này có khác gì
tiếng khóc của cha tôi trước cái chết của người em Hoàng
Ðạo? Không hiểu ông Lục có vin vào cái tiếng khóc này để gán
ghép cho chú tôi, ông Nguyễn Tường Bách mắc bệnh tâm thần,
lúc nào cũng chăm chăm đòi tự tử, như ông đã vu cáo
cho cha tôi? Nếu sự suy luận về tiếng khóc là nguyên nhân
của bệnh tâm thần để đưa đến chuyện tự tử của ông Lục là
đúng thì nhân loại đã tự tử chết hết rồi.
Vẫn dùng cái tiểu xảo cắt
xén văn người khác ông Lục trích dẫn một đoạn trong cuốn
hồi ký Người Bác của Thế Uyên:
“Thỉnh thoảng ông lên cơn
loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong
ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhảm: ‘Lấy hết đi, xin
các ông lấy hết đi. Ðừng áp chế tôi’. Tội nghiệp các người
thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi sau lần chứng kiến
cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi: ‘Bác điên khôn ghê,
chỉ thấy bác vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền
cho mẹ con mình tiêu.’” (Trang 188 Nguyễn Văn Lục - Một
Thời Ðể Nhớ).
Nhưng ông Lục lại không
trích dẫn câu này Thế Uyên viết ngay sau đó: “Nhận
xét bí mật này của mẹ tôi làm hai anh em nghi ngờ ‘sự loạn
trí của Nhất Linh’. Nhất là tôi, vì được mẹ tôi kể lại những
thủ đoạn chống Pháp của ông thời trước: hóa trang làm ăn
mày, ông già, người say rượu, mê thổi kèn để che dấu hoạt
động cách mạng. Hoàng Ðạo còn bị bắt giam, chứ Nhất Linh,
suốt đời không bao giờ để bị bắt.”
Ðoạn văn của Thế Uyên viết (mà
ông Lục không trích dẫn) nói về vụ cha tôi đã từng đóng kịch
để che mắt mật vụ là chuyện có thật. Trong cuốn sách Chân
Dung Nhất Linh trang 135, tác giả Nhật Thịnh viết: “Tiểu
thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh in xong, Hoàng Ðạo, Khái
Hưng, Nguyễn Gia Trí bị bắt ở Vụ Bản (Hòa Bình). Nhất Linh
học chơi hắc tiêu (Clarinette) để che mắt bọn mật thám Pháp.
Ông làm nhạc công cho ban nhạc tài tử (Orchestre Amateur)
của giáo sư Lê Ngọc Quỳnh và các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Vũ Khánh”.
Như vậy là rõ ràng là ông Lục
trích dẫn mà như không trích dẫn. Ông đã cố tình xuyên
tạc ý nghĩa thực của bản văn nguyên thủy mà ông trích dẫn.
Từ việc bóp méo văn bản của người khác, ông Lục đã bóp méo
sự thật. Từ việc bóp méo sự thật, ông Lục đã bóp méo lịch
sử!
“Ðừng tin những gì ông Lục
viết, hãy nhìn kỹ những gì ông Lục làm!” Tôi xin nhại một
câu nói thời danh của ông Nguyễn Văn Thiệu để nói về bài
viết của ông Lục.
Cái “làm” của ông Lục là cái
làm tiểu xảo trích dẫn văn người khác, làm sai lệch ý nghĩa
của bản văn nguyên thủy, bằng cách chỉ trích ra những chữ
hoặc những đoạn văn có lợi cho lập luận của ông: Lập luận ấy
là ông Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, lúc nào cũng chỉ lăm le
muốn tự tử!
Tìm hiểu ý nghĩa của hai
lần tự tử
Như tôi đã nói ở trên, trong
cuốn sách mới xuất bản Một Thời Ðể Nhớ ông Lục đã thêm vào
một chuyện hoàn toàn không có thực mà bài trước (2008) không
có. Ðó là chuyện ông cụ tôi, nhà văn Nhất Linh, tự tử hai
lần. Tôi xin minh xác đây là chuyện bịa đặt trắng trợn.
Ðây là chuyện mà ông Lục viết
ra để bàn luận về hai lần tự tử của Nhất Linh:
“Cũng theo bác sĩ (Nguyễn
Hữu) Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông
trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính bác sĩ Phiếm chữa chạy, rửa
dạ dầy, chích thuốc Strychnine. Số lượng thuốc ngủ hồi ấy vì
ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội
Bút Việt.” (Trang 188 Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).
Sao lạ vậy? Chuyện động trời
như thế mà sao tôi không biết, bà cụ tôi không biết, anh em
tôi không biết. Bác sĩ Phiếm là người bạn thân nhất của ông
cụ tôi, nếu quả có vụ đó thì bác phải thông báo cho mẹ tôi
hay biết chứ?
Thêm nữa câu chuyện ông Lục kể
có vẻ mâu thuẫn: Vài ngày trước Nhất Linh đi trốn công an
mật vụ ở đường Lê Thánh Tôn rồi không thiết sống, uống thuốc
độc tự tử, nhưng vài ngày sau lại bình thường, không trốn
nữa, đi họp Hội Bút Việt. Thế là sao?
Khi viết đoạn trên ông Nguyễn
Văn Lục đã mập mờ không nói rõ cái nguồn của tin này, cố
tình để độc giả hiểu như thể chính bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm
là người đã trực tiếp nói hoặc viết ra điều đó.
Thật ra thì không phải bác sĩ
Phiếm nói như vậy. Ông Nguyễn Văn Lục đã trích đoạn trên từ
bài viết “Bệnh Tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam” của ông Trần Văn Bảng (trong sách ông Lục viết sai là
Trần Văn Bang). Ông Bảng viết, nguyên văn như sau:
“Mấy tháng trước, cũng theo
bác sĩ (Nguyễn Hữu) Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ
tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính bác sĩ Phiếm
chữa chạy, rửa dạ dầy, chích thuốc Strychnine. Số lượng
thuốc ngủ hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm
sau ông lại đi họp Hội Bút Việt.”
So sánh đoạn ông Lục trích dẫn
với nguyên bản thì thấy ông Lục đã cố ý bỏ đi ba chữ hết sức
quan trọng, đó là ba chữ “Mấy tháng trước”. Ý của ông
Bảng muốn nói là “Mấy tháng trước ngày 7-7-1963”.
Tại sao ông Lục lại bỏ ba chữ này đi? Vì ông Lục thừa biết
rằng mấy tháng trước ngày 7-7-1963 ông cụ tôi ở nhà, không
đi trốn, có nghĩa là câu chuyện do ông Bảng thuật lại là
hoàn toàn bịa đặt. Như tôi đã viết trong bài Tâm Tình
của Một Người Con đăng trong sách “Nhất Linh, Người Nghệ
Sĩ-Người Chiến Sĩ” trang 251: “...Và cũng có thể vì mặc cảm
(bỏ bê gia đình) đó mà cuối đời, sau thời gian trốn tránh
(cuối 1960-đầu 1961) lần đầu tiên ông sống hẳn với gia đình,
mặc dù trong điều kiện sống vô cùng chật vật, trong một căn
gác rất nhỏ ở chợ An Ðông cho đến mãi tận ngày ông qua đời”.
Gần đây vì muốn kiểm chứng lại
chuyện bác sĩ Phiếm rửa ruột cho cha tôi mà ông Lục nêu lên
trong bài, tôi có e-mail hỏi chị Bạch Tuyết, con gái bác sĩ
Nguyễn Hữu Phiếm, thì được chị trả lời như sau:
“Chú
Thiết thân mến,
Gió nào đưa đến, lâu lắm
mới được tin Thiết mà chú lại đặt những câu hỏi lạ lùng quá
vậy ? Hai gia đình và nhất là cha mẹ chúng ta thân nhau như
thể ruột thịt, chuyện gì mà không biết, nói chi chuyện bác
tự tử, bơm ruột, v.v. Không hiểu ở đâu lại có chuyện
hoang đường như vậy. Chị không bao giờ nghe và biết
là bác ở Lê Thánh Tôn, một thời ngắn trước ngày song
Thất 1963. Chị chỉ biết địa chỉ duy nhất của hai bác và gia
đình là chợ An Ðông, trên lầu của nhà hàng cơm gà Xiu Xiu.
Bác dọn về đó thời gian nào thì chắc Thiết nhớ nhưng chị quả
quyết ngày 19 March 1962, ngày chị sanh cháu gái đầu lòng ở
Bệnh Viện Saint Paul, thì tình cờ bác lại chơi với bố chị và
hai ông cùng đưa chị vào nhà thương. Như vậy là trước
song Thất 1963 cả hơn một năm, gia đình ở An Ðông.
Chuyện rửa ruột ở Lê Thánh
Tôn là một chuyện hoàn toàn bịa đặt. Gia đình Thiết không
biết, gia đình chị cũng không hề nghe tới. Lại nữa, vì lương
tâm chức nghiệp, một thầy thuốc không bao giờ tiết lộ với
một người thứ hai về tình trạng bệnh lý của một bệnh nhân.
Chị chắc chắn ông Bố chị không bao giờ vi phạm đạo lý này
cũng như chuyện tự tử hụt, rửa ruột tại Lê Thánh Tôn hoàn
toàn không có.
Bố chị quen B.S. Trần Văn
Bảng (chứ không phải Bang) có lẽ từ hồi còn ở Bắc vì ông
cũng tốt nghiệp trường thuốc ở Hànội. Có một thời gian, hai
ông cùng làm chung tại Viện Pasteur, Saigon. Bố chị chuyên
về bệnh ngoài da và ông Bảng thì bệnh cùi. Quen nhưng không
thể gọi là thân vì chưa bao giờ ông cụ mời ông Bảng lại nhà
ăn cơm như những bạn thân khác. Ông Bảng rất thích làm thơ
nhưng thơ loại bình dân, châm biếm, ngông nghênh và tính
tình hơi khác người.
Ðể chứng minh về cái 'hơi
khác người' này và có liên quan đến gia đình chị là năm
1975, Bố Mẹ chị di tản sang Pháp. Bỗng một ngày nào đó, ông
Bảng làm một bài thơ bịa ra cảnh Bố chị đặt chân đến Pháp bi
thảm ra sao vì con trai có vợ đầm, theo CS... Một chuyện bịa
đặt trắng trợn làm cho ông bà già chị rất bực mình. Cách đây
khoảng 3 năm, chị lại được đọc bài thơ đó trong một Tập san
tết của nhóm Y Sĩ VN. Ðã tính viết cho ông chủ trương tờ đặc
san phản đối nhưng nghĩ sao lại bỏ qua. Nói thế để hiểu thêm
được cái tính thích xuyên tạc của ông bác sĩ này.
Mong là chị đã trả lời
những thắc mắc của chú. Nếu moi móc cái 'memory' cùn này mà
còn nhớ thêm chi tiết gì khác, thế nào cũng liên lạc với
Thiết.
Chúc vui,
BT
Như vậy là chuyện đã rõ.
Không hề có chuyện Nhất Linh tự tử hai lần. Chuyện này hoàn
toàn do ông Trần Văn Bảng bịa đặt. Ðọc kỹ bài “Bệnh tật và
cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” tôi càng ngạc nhiên
khi ông Trần Văn Bảng viết “Ðể tìm hiểu bệnh trạng và cái
chết của Nhất Linh chúng tôi đã tiếp xúc với gia đình Nhất
Linh: bà Nguyễn Tường Tam, con trai út của ông là Nguyễn
Tường Thiết”.
Lại
là một chuyện bịa đặt trắng trợn nữa: Ông Bảng không bao
giờ đến nhà chúng tôi cả. Tôi không hề biết ông Bảng là
ai, chưa bao giờ nghe tên ông ấy cho tới bây giờ khi đọc bài
của ông Bảng trên Talawas và tiểu sử ông Bảng do chính ông
viết trong tập thơ của ông: “Giáo Sư Trần Văn Bảng, bút hiệu
Bằng Vân, Lưu Văn Vong, Sĩ Ngông (trang 5, Bằng Vân Trần Văn
Bảng, Thư mục y giới văn thi nghệ sĩ)”.
Trong chủ đề “Tìm hiểu ý nghĩa
của hai lần tự tử” (Trang 188-189, Nguyễn Văn Lục - Một Thời
Ðể Nhớ), ông Lục bàn luận về chuyện Nhất Linh tự tử hai lần
dựa theo chuyện bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đi rửa ruột cho Nhất
Linh, một câu chuyện bịa đặt bởi ông Trần Văn Bảng. Mặc
dù biết đây là chuyện bịa đặt, ông Lục vẫn dùng để chứng
minh chuyện Nhất Linh tự tử hai lần là có thật. Ðiều này
chứng tỏ là ông không có ý định đi tìm lại hay nhìn lại “ý
nghĩa về cái chết của Nhất Linh” như ông đã đặt ra cho tựa
đề của chương sách này. Mục đích của ông là ông cần phải gán
cho Nhất Linh căn bệnh tâm thần. Bằng mọi giá, mọi cách ông
phải chứng minh cho cái lập luận ấy của ông. Bằng chứng thật
hay bằng chứng giả không quan trọng miễn là ông đạt được mục
tiêu của ông.
Trang 189 cuốn sách Một Thời
Ðể Nhớ, ông Lục viết: “Hầu hết những người phản bác lại
nội dung bài viết này không một ai lên tiếng trả lời câu hỏi
cắc cớ ý nghĩa hai lần tự tử của Nhất Linh”.
Ông Lục biết thừa tại sao
không ai lên tiếng trả lời câu hỏi cắc cớ của ông: Một là
những bài phản bác người ta viết cách đây ba năm (2008), lúc
đó câu chuyện bịa đặt Nhất Linh tự tử hai lần chưa được
đưa ra trong bài ông viết (2008); hai là ông Lục đưa ra
chuyện Nhất Linh tự tử hai lần (bài ông viết sau 2008) ông
cố tình đưa ra chuyện bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đi rửa ruột
cho Nhất Linh như một chuyện có thật cho nên người ta không
phản bác.
Bằng cớ pháp lý
Trong chủ đề “bằng cớ pháp lý”
ông Lục trích dẫn sách của ông Lê Nguyên Phu để đưa ra lập
luận rằng Nhất Linh tự tử vì tránh không muốn ra Tòa đối
chất với những người anh em đồng chí của mình trước tòa án.
Tôi sẽ trình bày trong phần sau đây để phản bác lập luận ấy
của hai ông Nguyễn Văn Lục và Lê Nguyên Phu.
Bàn luận về “Bằng cớ pháp lý”,
ông Lục viết: “...Chứng cứ pháp lý này mở đường cho những
chỉ dẫn có thể hiểu được vì lý do gì Nhất Linh đã tự tử và
để lại chúc thư cho lịch sử...” (Trang 175, Nguyễn Văn
Lục - Một Thời Ðể Nhớ)
Theo ông Lục những chứng cớ
pháp lý sẽ giải thích lý do vì sao Nhất Linh tự tử. Sau đây
là những điều tôi tìm thấy trong dẫn chứng pháp lý của ông
Lục.
Những bằng cớ pháp lý mà ông
Lục đưa ra phần lớn ông trích dẫn trong sách của ông Lê
Nguyên Phu (Trung Tá Lê Nguyên Phu, ủy viên chánh phủ chính
quyền Ngô Ðình Diệm, Tòa Án Quân Sự Ðặc Biệt).
Tôi chưa bao giờ nghe nói hoặc
nhìn thấy cuốn sách viết bởi ông Lê Nguyên Phu. Khi trích
dẫn sách của ông Lê Nguyên Phu, ông Lục không viết tên sách
và trang sách, ông chỉ ghi chú như sau: “Trích tóm lược
nội dung cuốn sách của ông Lê Nguyên Phu” hoặc “Tóm
tắt Lê Nguyên Phu” hoặc “Tóm tắt chứng từ Lê Nguyên
Phu”.
Vài trích dẫn của ông Lục nói
về con người của ông Lê Nguyên Phu như sau:
“Những người đã ngấm ngầm
giúp các chính khách là Trung Tá Lê Nguyên Phu, Ủy viên
chính phủ trong tòa án quân sự đặc biệt. Ông Lê Nguyên Phu
đồng ý và hứa với ông Tuyến sẽ ngầm giúp các chính khách
bằng cách tha bổng hay xử những bản án rất nhẹ...”
“...Tuy nhiên, với tư thế
là Ủy viên chính phủ, ông Lê Nguyên Phu đã đóng kịch trước
tòa án, có vẻ gắt gao và mạt sát bị cáo. Cho nên có một số
người bị chạm tự ái, và để tâm thù, sau này còn mạ lỵ ông
thậm tệ. ‘Trích Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô
Ðình Diệm, Vĩnh Phúc, trang 320-323’ (Trang 192, Nguyễn
Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).”
Chuyện ông Lê Nguyên Phu “ngấm
ngầm” giúp các chính khách tôi chưa nghe ai nói, nhưng
chuyện ông Lê Nguyên Phu “đóng kịch” trước tòa án, “có vẻ”
gắt gao và mạt sát bị cáo thì, ông Nguyễn Liệu, có tả rất rõ
như sau: “...Tôi phải nhắc lại điểm về con người của Lê
Nguyên Phu khi làm Trung tá ủy viên chánh phủ xử vụ đảo
chánh năm 1960 của toàn án quân sự đặc biệt Sài gòn, mà tôi
là một bị cáo, Lê Nguyên Phu là Trung tá quân pháp...”
“...tiếp sau đó vị Trung tá ủy viên chánh phủ lớn tiếng
phùng mang trợn mắt lên giọng chưởi bới bọn phản loạn bọn
bán nước bọn làm tay sai tiếp tay cho cộng sản. (Bài
viết - “Ông Nguyễn Văn Lục nên viết lại bài - Ý nghĩa cái
chết của Nhất Linh - Nguyễn Liệu)”. Như tôi đã viết trong
phần I của bài này ông Nguyễn Liệu bị kết án 5 năm tù vì tội
tham gia vào cuộc đảo chánh 11-11-1960 và ông hiện đang sống
tại San Jose, CA.
Như thế là cách cư xử “gắt gao
và mạt sát” các bị cáo của ông LN Phu trong phần trích dẫn
của ông Lục là chuyện có thật và đã được mô tả kỹ lưỡng bởi
ông Nguyễn Liệu. Tôi sẽ nói thêm về dẫn chứng rất quan trọng
này của ông Lục vào một lúc khác.
Theo dẫn chứng của ông Lục,
ông Lê Nguyên Phu vì tư thế của một Ủy viên chính phủ đã
phải “đóng kịch” trước tòa án, làm ra vẻ “gắt gao
và mạt sát” những bị cáo. Nếu ông Lê Nguyên Phu là người
đại diện chính phủ xử tội các bị cáo thì ông cứ phán xét tội
phạm của họ rồi kết án, việc gì mà ông phải “đóng kịch” như
ông đã làm. Ông Lê Nguyên Phu phải “đóng kịch” có nghĩa là
ông không muốn làm nhưng ông bị buộc phải làm. Như thế là
ông Lê Nguyên Phu ý thức rằng hành động “gắt gao và mạt sát”
bị cáo là việc làm sai, tồi tệ. Tại sao ông Lê Nguyên Phu
lại phải “gắt gao và mạt sát” các bị cáo trước quan tòa nếu
không nhằm mục đích nhục mạ bị cáo trước tòa án? Ông Lê
Nguyên Phu là người đại diện chính quyền để thi hành chính
sách hoặc đường lối mà chính quyền đặt ra và giao phó cho
ông. Như thế sự nhục mạ các bị cáo trước tòa án là chính
sách của chính quyền mà ông Lê Nguyên Phu chỉ là người thừa
hành. Tôi sẽ bàn luận thêm chuyện này ở phần sau.
Tôi không được đọc sách của
ông Lê Nguyên Phu viết. Tôi không biết tên sách là gì.
Tôi không biết ông có viết không? Không biết ông viết
gì và với mục đích gì? Tuy nhiên những gì ông Lục trích dẫn
trong sách ông Lê Nguyên Phu đưa ra để giải thích về chuyện
Nhất Linh tự tử là những chuyện không đúng sự thật.
● Trích dẫn thứ nhất - ông
Lục: “Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không phải
ra trát đòi) đến gặp tôi tại tòa án quân sự đặc biệt”...
“Ðối với ông, tôi không cho tống đạt trát đòi hầu tòa”
(Trang 193, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)”. Ðây là một
điểm sai hoàn toàn. Nhất Linh nhận được trát tòa đề
ngày 5-7-1963 của Tòa Án Quân Sự Ðặc Biệt đòi Nhất Linh ra
tòa trình diện. Có tên, con dấu, và chữ ký của ông Lê Nguyên
Phu. Nếu cái chuyện có chứng cớ rành rành như cái trát tòa
mà ông Lê Nguyên Phu còn quên và nói khác đi thì không biết
chuyện gì ông nhớ đúng?
Trát tòa do Trung Tá Lê
Nguyên Phu ký. (Hình: Tác giả cung cấp)
Ngoài ra để nói về vụ binh
biến 1960, ông Lê Nguyên Phu đã viết sai là “vụ
binh biến 11/11/1963” (trang 193). Nếu Ông Lê
Nguyên Phu cứ nhớ sai chuyện này, viết sai chuyện kia thì
làm sao ông ấy có thể nhớ đúng lời khai của bị cáo Nguyễn
Tường Tam và các bị cáo khác?
Thêm một điều nữa: Ông Phu
viết lịch sử mà viết sai bét, rồi ông Lục lại dựa vào cái
lịch sử sai bét ấy của ông Phu để chứng minh chuyện nọ
chuyện kia. Như thế mà ông Lục cho là ông công bằng đối với
lịch sử à? Cái công bằng đó ở đâu khi ông viết: “ ...
muốn nhìn lại ý nghĩa cái chết của Nhất Linh với một cái
nhìn trung thực tối đa, sự công bình đối với riêng ông Nhất
Linh và nhất là đối với Lịch sử.” (Trang 175, Nguyễn Văn
Lục - Một Thời Ðể Nhớ)
● Trích dẫn thứ hai - ông Lục:
“Các thuộc hạ của Nguyễn
Tường Tam đều bị đại tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình
Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ
của ông đều tỏ ra bất bình và bất mãn với ông, nhất là
Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán hận, chỉ trích Nguyễn
Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư
cách lãnh đạo ‘Tóm tắt Lê Nguyên Phu’ (Trang 190, Nguyễn
Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)”.
● Trích dẫn thứ ba - ông Lục:
“Tiếp theo nội dung sách
của ông Lê Nguyên Phu: ‘Lá thư của ông Trương Bảo Sơn tố cáo
Nhất Linh được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình tòa Ðặc
biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ. Tôi đến thay đại tá Lê
Văn Khoa, tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển
đi chỉ vì thiện ý’ (Trang 192, Nguyễn Văn Lục - Một Thời
Ðể Nhớ)”.
Nếu ông Lê Nguyên Phu là người
nhớ sai những chuyện đơn giản thì làm sao ông có thể nhớ đến
lá thư của ông Trương Bảo Sơn tố cáo Nhất Linh. Những điều
ông Phu viết ra ở trên chỉ nhằm mục đích chia rẽ, mạ lỵ, sỉ
nhục Nhất Linh và những người đã cùng sát cánh hoạt động với
Nhất Linh.
Không biết là ông Lê Nguyên
Phu nhớ sai hay vì ông không “thiện ý” khi ông kể ra rằng
các “thuộc hạ” của Nhất Linh đều tỏ ra bất bình và bất mãn
với Nhất Linh, nhất là Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán
hận Nhất Linh.
Theo ông Trương Bảo Sơn kể lại
thì những người hoạt động với cha tôi đã có một thái độ rất
khác khi nghe tin Nhất Linh mất. Ngày các bị cáo phải ra tòa
lãnh án tù, ông Phan Khắc Sửu và những bị cáo khác đã xin
phép tòa cho họ được mặc niệm Nhất Linh. Ðây là một hành
động đầy can đảm. Gia đình chúng tôi luôn luôn thán phục
hành động can đảm này và biết ơn lòng quý trọng của họ đối
với cha tôi. Trong lúc mặc niệm họ đã quên đi số phận sắp
sửa bị ông LN Phu và chính quyền nhà Ngô mang ra xét xử, kết
án tù đày. Riêng ông Trương Bảo Sơn, một đồng chí và
cũng là người bạn rất thân của Nhất Linh, đã bày tỏ lòng quý
mến và hãnh diện về cha tôi qua những gì ông viết trong bài
“Những Kỷ Niệm Riêng Với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” đăng
trên sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ - Người Chiến Sĩ” xuất
bản năm 2004. Ðây là một vài đoạn trích trong bài ông viết:
“Cùng chiều hôm đó, luật sư
Dương Kiền vào khám Chí Hòa báo tin cho luật sư Lê Ngọc
Chấn, cùng bị giam chung với bọn đảng phái chính trị và quân
nhân bị bắt sau cuộc đảo chính hụt 1960, chúng tôi vô cùng
đau khổ và thương tiếc Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã bàn để
tang ông ngày hôm sau khi bị đưa trước tòa án quân sự. Một
anh em đã hy sinh một chiếc áo đen, cắt thành băng đeo ở
cánh tay trái.”
“Vừa trông thấy chúng tôi,
ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phu nói ngay: ‘Bọn Quốc Dân Ðảng
để tang Nguyễn Tường Tam!’ Nhưng không phải chỉ có ‘bọn QDÐ’
mà tất cả các chính trị phạm hôm đó đã đeo băng đen, trừ một
người là ông Phan Quang Ðán” (trang 76).
“Hàng năm cứ đến ngày ‘song
thất’ tôi lại nhớ tới Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh
tụ tôi kính trọng, một bạn đồng tâm đồng chí thân mến của
tôi và của cả gia đình tôi. Hôm nay tôi hân hạnh kể hầu quý
vị những kỷ niệm riêng của tôi với ông, gọi là đốt nén hương
lòng tưởng niệm ông.” (trang 81).
● Trích dẫn thứ bốn - ông Lục:
Tiếp theo là nội dung sách của ông Lê Nguyên Phu: “...Thật
là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý.
Sau cùng ông (Nhất Linh) hỏi tôi: Ông ủy viên có thể giúp
tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp
tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi”.
(Trang 192, Nguyễn Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ)
Tôi tin đây là một chuyện bịa
đặt của ông Lê Nguyên Phu vì chắc chắn câu nói này không
phải là lời nói của cha tôi. Cha tôi không bao giờ gọi những
người anh em hoạt động với ông là “bọn đàn em thuộc hạ”.
Ông Phu gán vào miệng Nhất Linh câu nói này như thể cha tôi
là một tên khảo khấu đang nói về thuộc hạ của mình. Ông Phu
viết ra câu đó hiển nhiên là để mạ lỵ tư cách của Nhất Linh.
Tư cách của Nhất Linh như thế nào tôi xin dẫn chứng lời của
học giả Hoàng Xuân Hãn. Trong sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ
-Người Chiến Sĩ”, trang 55, nhà văn Võ Phiến có viết: “Nhận
xét về phong độ Nguyễn Tường Tam, ông Hoàng Xuân Hãn viết:
Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp
với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử
chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ
trưởng Ngoại Giao và chủ tịch phái đoàn Việt Nam”.
● Trích dẫn thứ năm - ông Lục:
“Tiếp theo nội dung sách của ông Lê Nguyên Phu: Lúc tiễn
ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ
rằng vì vấn đề đối chất này mà ông phải tự tử sau đó”.
“Lúc được tin ông qua đời,
suy nghĩ kỹ lại, tôi mới nhận rõ điều ông yêu cầu là một
điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với
bọn đàn em và đối chất với họ trước tòa, vì đó là một điều
sỉ nhục, mất thể diện trọng đại...” (Trang 193, Nguyễn
Văn Lục - Một Thời Ðể Nhớ).
Có lẽ ông Lục cho đây là một
bằng chứng rõ rệt nhất “không chối cãi” được trong phần bàn
luận về “bằng cớ pháp lý” của ông. Tôi xin nói ngay, đây là
một giả thuyết thiếu thông minh của ông Lê Nguyên Phu. Khi
ngồi viết truyện này, có lẽ ông LN Phu đã nghĩ tới cái
quyền đánh đập, bạo hành, tra tấn bị cáo ở trong nhà tù mà
chính quyền ông phục vụ vẫn áp dụng. Hay có lẽ ông hình
dung bị cáo Nhất Linh dáng thiểu não run sợ trước quan tòa
khi nghe ông LN Phu “đóng kịch” quát tháo, mạt sát, áp đảo
tinh thần thì Nhất Linh sẽ phải sợ ngay, răm rắp làm theo
lệnh tòa, răm rắp phải đối chất.
Chuyện Nhất Linh sợ phải đối
chất là giả thuyết của ông LN Phu và là lập luận của ông
Nguyễn Văn Lục. Nhất Linh đã có quyết định rồi. Nếu phải ra
tòa ông sẽ chọn sự im lặng. Cha tôi đã nói trước điều đó với
nhiều người thân của ông.
Trong sách Chân Dung Nhất
Linh, trang 184, tác giả Nhật Thịnh, thuật lại chuyện cha
tôi đến từ biệt ông Nguyễn Hữu Phiếm buổi sáng ngày
7-7-1963. Ðây là đối thoại giữa bà Phiếm với cha tôi buổi
sáng hôm ấy:
-Mai
ra tòa anh sẽ khai ra sao?
-Chị cứ yên trí, tôi sẽ
không nói gì hết, y như ông giáo sư ở trong phim “Jugement à
Nuremberg” khi ra Tòa ấy.
Trong sách Hồi Ký về Gia Ðình
Nguyễn Tường, trang 158, tác giả Nguyễn Thị Thế (em ruột
Nhất Linh) viết:
“Tôi lại hỏi anh mai anh ra
tòa anh sẽ nói sao. Anh cho tôi biết anh sẽ không nói gì
hết, chỉ im lặng thôi. Tôi hỏi im lặng trước tòa được ư. Anh
bảo đã có luật sư nói hộ”.
Trong sách Nhất Linh Cha Tôi,
trang 32, tôi viết:
“Im như hến thế mà hay!
Nhưng quả thật tôi không ngờ ông đã đi sâu đến như thế,
không chỉ im lặng ở tòa mà chọn sự im lặng trong cung cách
ra đi vĩnh viễn”.
Ông Lê Nguyên Phu làm gì được
khi một bị can quyết định im lặng không nói trước tòa án?
Ông cậy miệng Nhất Linh bắt Nhất Linh phải đối chất trước
tòa hay sao? Nếu bị cáo Nhất Linh im lặng, thì ông Phu bỏ tù
Nhất Linh à? Nhất Linh đã không sợ chết thì sao Nhất Linh
lại sợ vào tù? Nhất Linh không sợ vào tù như ông đã nói
người con của ông vài giờ trước khi chết: “Cậu chẳng sợ kết
quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù đều mất tự do như
nhau.” (Nhất Linh Cha Tôi- hồi ký Nguyễn Tường Thiết- trang
36).
Như thế thì lập luận của ông
Nguyễn Văn Lục và ông Lê Nguyên Phu về chuyện Nhất Linh tự
tử vì sợ phải đối chất với những người khác không đứng vững.
Nhất Linh tự hủy mình vì không muốn phải ra tòa để cho ông
Lê Nguyên Phu “đóng kịch” “gắt gao và mạt sát” như dẫn chứng
của ông Lục nêu ra về cách thức đối xử của ông LN Phu đối
với bị cáo khi họ đứng trước tòa án. Nhất Linh đã không để
cho các ông quan tòa đại diện chính quyền có dịp “gắt gao và
mạt sát” sỉ nhục. Nhất Linh đã chọn cái chết như ông đã viết
trong chúc thư tuyệt mệnh của ông “Ðời tôi để lịch sử xử,
tôi không chịu để ai xử tôi cả.” Chữ “ai” ở đây ông ám
chỉ cả chế độ nhà Ngô trong đó có ông Lê Nguyên Phu!
Ðể kết thúc phần bàn luận của
tôi về chứng cớ pháp lý mà ông Lục đưa ra trong bài ông, tôi
xin trích dẫn đoạn viết của tác giả Lưu Văn Vịnh: “...và
ông đã làm, đã chọn cách chết, đã chọn lúc chết... ‘đời tôi
để lịch sử xử’, ông là loại ‘hổ nhớ rừng’ chẳng thể để cho
đàn kiến đen bọ hung bọ xít xúc phạm” (Trang 177, sách
Nhất Linh Người Nghệ Sĩ -Người Chiến Sĩ).
Ảnh chụp sinh viên các trường
đại học tại Sài Gòn đã không sợ công an, mật vụ, tự động
khiêng quan tài Nhất Linh từ trong nhà xác bệnh viện Grall
ra trước sân để chuẩn bị di quan.
Lễ di quan trước nhà xác, trong sân bệnh viện Grall.
Nguyễn Tường Quí và Nguyễn
Tường Đằng (con của nhà văn Thạch Lam) đang khiêng vòng
hoa.Gia quyến đang cùng đồng bào đi sau linh cữu nhà văn
Nhất Linh. Người đàn ông đứng thứ nhất đội khăn tang là con
trai ông Nhất Linh. Người thanh niên trẻ, gầy, đứng kế đó,
đầu đội khăn tang, là người viết. Thiếu nữ đội khăn tang,
đứng sau lưng người viết, cách một người đàn ông, là ca sĩ
Từ Dung, vợ cũ của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Cạnh Từ Dung là
một thiếu nữ khác cũng đội khăn tang, nhưng cạnh thiếu nữ
đội khăn tang đó là một bà đầu quấn khăn tang lẫn với lọn
tóc (chứ không đội khăn) là bà quả phụ của nhà văn Hoàng
Đạo.Đám tang đang di chuyển trên con đường sau lưng bệnh
viện Grall. Trên mui xe là băng kính viếng của các đồng chí
cách mạng chống Pháp, chống cộng của ông có nội dung: “Thương
thay đối lập Quốc gia, Mất cả tự do trong mấy lúc. Đối với
thiêu thân Quảng Đức, Noi gương cảnh cáo giữa nghìn thu.”
Người đàn ông mặc áo tang đi ngay sau xe tang là nhà văn Duy
Lam, cháu gọi Nhất Linh bằng cậu ruột.Vòng hoa kính viếng
ông Nhất Linh của các đồng chí Việt Nam Quốc dân Đảng của
ông. Dòng chữ phía trên: Nguyễn Thái Học 17-6-1930.
Dòng chữ dưới: Nguyễn Tường Tam 7-7-1963.
Vượt mọi sự ngăn cấm và dọa nạt của công an, mật vụ, đoàn
người tham dự tự động tìm kiếm và chia nhau những băng tang.
Nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống thương tiếc cho một văn hào
đã có nhiều công lao đóng góp cho văn hoá dân tộc. Bác sĩ
Nguyễn Hữu Phiếm tường thuật, “Tại chùa Xá Lợi, ngoài
một số đông đồng bào đã túc trực từ sáng sớm – trong đó dĩ
nhiên có cả công an, mật vụ của Nhu – Diệm – còn có khoảng
200 tăng ni có mặt để cầu siêu cho Nhất Linh.
Giữa cảnh khói hương nghi ngút, chùa Xá Lợi cất lên ba hồi
chuông trống, rồi thì những tiếng tụng niệm vang lên. Trong
khi ấy, ở trước cửa chùa có nhiều thanh niên, sinh viên phát
băng tang cho mọi người, kể cả người của chính quyền Ngô
Đình Diệm.
Lễ cầu siêu cử hành không đầy 15 phút như đã ấn định từ
trước, rồi đoàn xe tang từ từ chuyển bánh.”
[3]
Không báo chí, đài phát
thanh nào được loan báo lộ trình đám tang, nhưng dân chúng
vẫn tìm hiểu biết trước và đứng chờ đông đảo trước chùa Xá
Lợi. Ở phía xa là xe tang đang chạy tới. Ngay trước ngôi bảo
tháp của chùa Xá Lợi, đứng dưới đường trước đám đông, quay
lưng lại, là một nhân viên cảnh sát đang canh chừng địa điểm
làm lễ tang.Các phóng viên quốc tế chen lẫn trong đám
đông đưa tiễn Nhất Linh. Trước giờ hạ huyệt, nhà văn Nhật
Tiến, thuộc thành phần văn nghệ sĩ trí thức trẻ, Linh mục
Thanh Lãng, đại diện Trung tâm Văn bút Việt Nam, và Bác sĩ
Nguyễn Tiến Hỷ, đại diện chính giới đã đọc những bài điếu
văn tiễn biệt văn hào Nhất Linh với những lời lẽ bi ai,
thống thiết, đầy thương cảm, nhưng cũng thật hào hùng.
Bốn tháng sau ngày cách mạng
1.11.1963, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, các đoàn thể và nhân
dân đã tự động làm lễ truy điệu ông Nhất Linh tại sân vận
động Tao Đàn (lúc đó chưa có sân vận động Thống Nhất)
Các nữ sinh đang chào đón quan
khách và đồng bào tới tham dự lễ truy điệu.
Bức ảnh chân dung Nhất Linh là
phóng họa từ tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bạn thân và
cũng là đồng chí của ông từ thời Tự lực Văn đoàn.Nghi lễ
truy điệu theo Phật giáo đang được cử hành.
Sau lưng vị cao tăng là biểu
ngữ của học sinh hai trường trung học dạy theo chương trình
Pháp nổi tiếng tại Sài Gòn: trường nam sinh Jean Jacques
Rousseau (nay là trường Lê Quí Đôn) và trường nữ sinh Marie
Curie.
Linh mục Thanh Lãng đại diện
Trung tâm Văn bút Việt Nam đọc diễn văn. Sau lưng linh mục
là biểu ngữ của Việt Nam Quốc dân Đảng Đệ nhị Khu.
Dưới đây là nhiều hình ảnh cho thấy lòng thương mến Nhất
Linh của hàng ngàn học sinh các trường trung học Sài Gòn,
Chợ Lớn, Gia Định tham dự lễ truy điệu, giương cao các biểu
ngữ ca ngợi ông như: “Nguyễn Tường Tam bất diệt”; “Thương
nhớ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”…
* * *
Ðể chấm dứt bài viết này tôi
có vài lời chót về bài viết của ông Nguyễn Văn Lục.
Ông Nguyễn Văn Lục không phải
là một bác sĩ tâm thần, không phải là bác sĩ thần kinh học,
cũng không phải là một nhà tâm lý học nhưng ông đưa ra những
dẫn chứng sai sự thật như tôi đã trình bày ở trên để gán
ghép cho cha tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam căn bệnh tâm
thần. Mục đích của ông Lục khi ông cố gán ghép cho cha tôi
mắc bệnh tâm thần là để xuyên tạc ý nghĩa và sự thật về
cái chết của cha tôi và bằng cách ấy ông đã xuyên tạc bóp
méo lịch sử. Về chuyện ông Lục gán cho cha tôi bệnh tâm
thân, tôi xin mượn lời tác giả Vũ Cầm viết trong bài “Mưu
toan đưa Nhất Linh vào nhà thương điên” như sau:
“Tôi
xin quay lại một chút với chủ đề chính của tác giả Nguyễn
Văn Lục trước khi dừng bút. Ấy là vấn đề bệnh tâm thần. Ðể
vô hiệu hóa hành vi, ngôn ngữ của kẻ nào, điều dễ nhất là
nói người đó điên. Khi thuyết phục được mọi người rằng một
ai đó có bệnh tâm thần là đã có thể hư vô hóa người ta.
Không một cái gì thuộc về người ấy còn có giá trị với đời
sống bình thường của chúng ta nữa. Nguyễn Văn Lục đã khổ
công tạo ra một Nhất Linh bị bệnh tâm thần để triệt hạ ông,
và tưởng như thế là một phát minh mới mẻ lắm. Không, đảng
cộng sản Nga đã chơi cái trò đó nhiều rồi. Những ai thuộc
giới trí thức mà chống đối chế độ, thay vì bắt giam tra tấn
đánh đập nhiều khi chỉ càng làm người ấy nổi bật lên vì sự
can đảm, chỉ cần tống vào nhà thương điên là người ấy không
còn tư cách làm người nữa trước mắt xã hội.
Nguyễn Văn Lục mưu đồ cho
Nhất Linh vào nhà thương điên. Nhưng người điên, ở đây là
ai?” (2008 talawas)
Tôi xin dành cơ hội này cảm ơn
những tác giả đã viết bài phản bác bài viết của ông Nguyễn
Văn Lục: Vũ Cầm (Mưu toan đưa Nhất Linh vào nhà thương
điên - Talawas), Nguyễn Liệu (Ông Nguyễn Văn Lục nên
viết lại bài “Ý nghĩa cái chết của Nhất Linh”), và Lý
Nguyên Diệu (Nguyễn Văn Lục: Người trí thức không biết
ngượng - chuyenluan.net). Cũng xin cảm ơn chị Nguyễn
Bạch Tuyết và Nguyễn Lệ Chi (con bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm) đã
giúp tôi tìm hiểu sự thật về một chứng cớ bịa đặt dùng trong
bài của ông Nguyễn Văn Lục.
Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=143907&z=271
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=143974&z=271
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=144007&z=271
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/default.aspx?a=144063&z=271