Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014
Mổ xẻ các khái niệm Lạm phát, Giảm phát và Thiểu phát
23:18
Hoàng Phong Nhã
No comments
Những khái niệm liên quan mật thiết đến sức khoẻ của một nền kinh tế.
1. Trong kinh tế học, lạm phát
là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong
một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua
của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự
phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác. Thông
thường theo nghĩa đầu tiên thì người ta hiểu là lạm phát của đơn vị
tiền tệ trong phạm vi nền kinh tế của một quốc gia, còn theo nghĩa thứ
hai thì người ta hiểu là lạm phát của một loại tiền tệ trong phạm vi thị
trường toàn cầu. Phạm vi ảnh hưởng của hai thành phần này vẫn là một
chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế học vĩ mô. Ngược lại với lạm
phát là giảm phát. Một chỉ số lạm phát bằng 0 hay một chỉ số dương nhỏ
thì được người ta gọi là sự ổn định giá cả.
Sự gia tăng liên tục
(persistent) của mức giá chung (price level) trong nền kinh tế (Dermot
McAleese, 2002). Như vậy sự tăng giá của một vài mặt hàng cá biệt nào đó
trong ngắn hạn ngoài thị trường thì cũng không có nghĩa đã có lạm phát.
Các nhà kinh tế thường đo lạm phát bằng hai chỉ tiêu cơ bản là CPI
(Consumer price index) và chỉ số khử lạm phát GDP (GDP deflator). Cách
tính thứ nhất sẽ dựa trên một rổ hàng hóa tiêu dùng (goods basket) và
giá cả của những hàng hóa trong rổ ở hai thời điểm khác nhau. Còn cách
tính thứ hai thì căn cứ vào toàn bộ khối lượng hàng hóa và dịch vụ cuối
cùng được sản xuất trong một năm và giá cả ở hai thời điểm khác nhau,
thông thường theo ngôn ngữ thống kê là giá cố định (constant price) và
giá hiện hành (current price). Về cơ bản thì hai cách tính này không có
sự khác biệt lớn. Phương pháp GDP deflator sẽ tính lạm phát chính xác
hơn theo định nghĩa của lạm phát. Tuy nhiên CPI sẽ có ưu điểm là tính
được lạm phát tại bất kỳ thời điểm nào căn cứ vào rổ hàng hóa, còn GDP
deflator thì chỉ tính được lạm phát của một năm sau khi có báo cáo về
GDP của năm đó.
Như vậy, những thông
tin về thước đo lạm phát đến dân chúng hàng ngày chủ yếu được tính từ
phương pháp CPI. Nhưng CPI lại không thể đo lạm phát một cách chính xác
bởi nó bị tác động bởi hai yếu tố gây sai lệch. Những yếu tố gây sai
lệch này chủ yếu đến từ rổ hàng hóa được qui định trước. Sai lệch cơ cấu
(composition bias) vì rổ hàng hóa chậm thay đổi, nó không bao gồm những
hàng hóa tiêu dùng mới phát sinh nhưng được đa số người tiêu dùng sử
dụng. Ví dụ ở TP.HCM khi mọi người đều có mobile phone, giá của mặt hàng
này đang giảm theo thời gian nhưng nó lại không nằm trong rổ hàng hóa.
Sai lệch thứ hai là sai lệch thay thế (substitution bias), khi giá cả
một loại hàng hóa nào đó trong rổ gia tăng, dân chúng sẽ chuyển sang
tiêu dùng mặt hàng hóa thay thế với giá rẻ hơn. Ví dụ khi thịt gà trở
nên mắc hơn do dịch cúm thì người tiêu dung sẽ chuyển sang ăn cá biển
với mục đích là cung cấp chất đạm cho cơ thể. Từ hai sai lệch trên chúng
ta nhận thấy rằng, nếu tính lạm phát từ CPI thì có thể dẫn đến một dự
báo lạm phát quá mức (overstated inflation) vì những mặt hàng trong rổ
đang tăng giá còn những mặt hàng ngoài rổ lại đang giảm giá.
2 Giảm phát
là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục. Giảm
phát, do đó, trái ngược với lạm phát. Cũng có thể nói giảm phát là lạm
phát với tỷ lệ mang giá trị âm. Trong các tài liệu thống kê tình hình
kinh tế chính thức, khi đề cập đến giảm phát, người ta vẫn đặt dấu âm
kèm với con số ở mục tỷ lệ lạm phát. Giảm phát thường xuất hiện khi kinh
tế suy thoái hay đình đốn.
Giảm phát có nghĩa là
giá cả hạ thấp. Về trực giác, người tiêu dùng thích giảm phát nhưng
người sản xuất lại không ưa gì. Khi giá có khuynh hướng tụt giảm, người
tiêu thụ ngưng chi tiền, chờ coi bao giờ giá xuống hết cỡ mới mua sắm.
Nhà sản xuất không bán được thì phải giảm giá để “chiêu” khách. Bớt sản
xuất thì phải cho nhiều người nghỉ việc. Người thất nghiệp sẽ bớt tiêu
thụ đi. Như vậy thì giá cả lại bị áp lực phải xuống nữa. Nhiều người cho
rằng, vòng luẩn quẩn đó nguy hiểm hơn là lạm phát vì cả sản xuất và
kinh doanh sẽ đình trệ, đóng băng. Để phòng bệnh này, người ta phải nới
lỏng tiền tệ, giảm lãi suất hoặc thuế để kích thích tiêu dùng.
3 Thiểu phát
trong kinh tế học là lạm phát ở tỷ lệ rất thấp. Đây là một vấn nạn
trong quản lý kinh tế vĩ mô. Ở Việt Nam, nhiều người thường nhầm lẫn
thiểu phát với giảm phát.
Theo “Từ điển kinh tế
ngân hàng Anh – Nga (M.1999), thiểu phát là hiện tượng giảm giá hàng hoá
và dịch vụ hay hiện tượng tăng sức mua của đồng tiền do lượng tiền mặt
trong lưu thông sụt giảm so với lượng hàng hoá và dịch vụ hiện hữu trên
các thị trường mỗi quốc gia, đó là hiện tượng ngược lại với lạm phát
thường đi kèm với nó là thu hẹp sản xuất, giảm vốn đầu tư, giảm công ăn
việc làm”.
Không có tiêu chí
chính xác tỷ lệ lạm phát bao nhiêu phần trăm một năm trở xuống thì được
coi là thiểu phát. Một số tài liệu kinh tế học cho rằng tỷ lệ lạm phát ở
mức 3-4 phần trăm một năm trở xuống được gọi là thiểu phát. Tuy nhiên, ở
những nước mà cơ quan quản lý tiền tệ (ngân hàng trung ương) rất không
ưa lạm phát như Đức và Nhật Bản, thì tỷ lệ lạm phát 3-4 phần trăm một
năm được cho là hoàn toàn trung bình, chứ chưa phải thấp đến mức được
coi là thiểu phát. Ở Việt Nam thời kỳ 2002-2003, tỷ lệ lạm phát ở mức
3-4 phần trăm một năm, nhưng nhiều nhà kinh tế học Việt Nam cho rằng đây
là thiểu phát.
* * *
Từng giữ chức Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 1989- 1997, hiện là thành viên Hội đồng
chính sách tiền tệ quốc gia, TS Cao Sĩ Kiêm kể, ứng phó với giảm phát
nhẹ những năm 2000- 2001, đã có lúc Nhà nước phải phát không nguyên vật
liệu, kích cầu bằng cho vay hấp dẫn mới phục hồi được thị trường. Vì
thế, ông cho rằng, nguy cơ giảm phát có xảy ra hay không phụ thuộc chủ
yếu vào cách điều hành kinh tế của Chính phủ.
Sau khi Tổng cục Thống
kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10 giảm 0,19% so với
tháng 9, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng nguy cơ giảm phát đang tới
gần, và vì vậy cần nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất và tăng
tín dụng) và kích cầu (giảm thuế hay tăng chi tiêu của Chính phủ). Tuy
nhiên, nhiều chuyên gia sau khi phân tích từ cả góc độ lý thuyết lẫn
thực tiễn đã nhận định: nỗi lo giảm phát ở Việt Nam hiện nay là thiếu cơ
sở và khuyến nghị Chính phủ cần hết sức thận trọng trước những gợi ý
chính sách xuất phát từ nỗi lo không chính đáng này.
Theo lý giải của TS Vũ
Thành Tự Anh trên một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, mặc dù
CPI tháng 10 giảm nhưng CPI của 10 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm
2007 vẫn ở mức rất cao 23,15%, do đó, lạm phát mới là mối lo lớn chứ
không phải là giảm phát. Hơn nữa, đóng góp trong CPI trong tháng 10, chỉ
có 3 mặt hàng giảm giá (ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây
dựng, và phương tiện đi lại, bưu điện) và giảm nhờ yếu tố khách quan,
thời vụ (giá dầu thế giới giảm mạnh, vụ hè thu thắng lợi). điều này có
nghĩa là sự giảm nhẹ của CPI thiếu tính bền vững. Hơn nữa, nguyên nhân
chủ yếu của giảm phát là do tổng cầu sụt giảm, kéo theo suy thoái kinh
tế (tốc độ tăng trưởng âm) và thất nghiệp. Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam
sẽ thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 ước đạt
6,5% thì tuy nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại nhưng chưa hề có dấu
hiệu suy thoái, tức là chưa có tình trạng giảm phát.
Trao đổi với PV NĐBND
Thứ Bảy bên hành lang kỳ họp QH, TS Cao Sỹ Kiêm cũng có những lập luận
tương tự. Theo ông, để xác định giảm phát có 2 vấn đề: giá liên tục giảm
và GDP liên tục giảm. Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm
giảm sức mua. Mức tăng trưởng hiện tại của Việt Nam vẫn đảm bảo tạo nên
việc làm, thu nhập và tiêu dùng. “Theo tôi thời điểm này vẫn chưa có vấn
đề gì phải quá lo ngại về vấn đề giảm phát. Tuy nhiên cũng phải chú ý
nếu để các doanh nghiệp nhỏ và vừa suy sụp, phá sản hàng loạt thì sẽ kéo
theo giảm tăng trưởng rất nhanh, thậm chí xuống mức âm. Nếu mức tăng
trưởng xuống âm thì lúc đó vấn đề giảm phát là nghiêm trọng. Khi đó việc
chống giảm phát sẽ khó hơn nhiều so với chống lạm phát”, TS Kiêm nói.
N.T.H (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét