Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

BẢO ĐẠI VÀ NGÔ ĐÌNH DIỆM


Sau khi lực lượng Bình Xuyên bị đánh tan vào đầu tháng 5 năm 1955, nhìn vào tình hình chính trị miền Nam lúc bấy giờ ta thấy không còn một cá nhân hay một tổ chức nào đủ uy tín quần chúng và thực lực chính trị hoặc quân sự để hồi phục lại được tình trạng cũ, nghĩa là tình trạng của những chính phủ thân Pháp. Hướng đi của thời đại và vận động lịch sử đã chuyển hóa nước ta vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của người dân đích thực làm chủ nước mình.
Trên mặt lý thuyết, lúc bấy giờ Việt Nam có thể trở thành một nước theo chế độ quân chủ lập hiến (như Anh, Nhật, Hòa Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Thái Lan…) nghĩa là giữ lại thực thể hoàng gia như một biểu tượng quốc gia vô quyền và vô hại để tránh một biến đổi quá độ trong xã hội đóng kín và bảo thủ như xã hội ta, hoặc có thể trở thành một nước theo chế độ Cộng Hòa Đại Nghị (như Mỹ, Pháp…) để dứt khoát hẳn với nền quân chủ quá khứ và trao quyền làm chủ cho người dân. Đó là trên mặt lý thuyết. Trên thực tế, quần chúng đã chọn lựa rồi vào ngày 30 tháng 4 năm 1955 tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn qua nghị quyết của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, nghị quyết đòi truất phế Bảo Đại và tạm thời trao quyền lãnh đạo đất nước cho ông Diệm trong lúc chờ đợi Hiến Pháp và Quốc Hội định đoạt chế độ tương lai của đất nước. Đó là một nghị quyết lịch sử, phát xuất trung thực từ ước vọng của quần chúng.
Tuy nhiên vì cái nghị quyết hợp lòng dân và hợp thời đại nhưng lại không hợp ý anh em ông Diệm nên anh em ông Diệm và mưu sĩ Trần Chánh Thành phải dùng đến thủ đoạn phân hóa, bẻ gẫy và hạ uy tín Hội Đồng hầu cướp lấy chính quyền mà không cần chờ đợi những quy định của Hiến Pháp và Quốc Hội. Ngày 10 tháng 5, anh em ông Diệm đơn phương thành lập chính phủ chính thức, gồm toàn người thân tín và những kẻ đầu hàng, không cần hỏi ý kiến của Hội Đồng, cũng không có một nhân vật nào của Hội Đồng được mời tham dự chính phủ đó.
Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng do ông Nguyễn Bảo Toàn làm chủ tịch, ông Hồ Hán Sơn làm Phó, và ông Nhị Lang giữ chức Tổng thư ký, nhưng Hội Đồng còn có một ban Thường Vụ cũng do ông Toàn kiêm chức Chủ tịch với các ủy viên là: Văn Ngọc, Hà Huy Liêm, Nguyễn Phổ, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Hữu Khai, Huỳnh Minh Ý, Đoàn Trung Còn, Nguyễn Văn Quyền. (Bốn nhân vật Nhị Lang, Hoàng Cơ Thụy, Huỳnh Minh Ý, Nguyễn Hữu Khai hiện đang có mặt tại Mỹ và Pháp ).
Để đạt mục đích nắm chặt chính quyền, anh em ông Diệm bèn ra lệnh cho nhóm ủy viên thân tín là các ông Hà Huy Liêm, Huỳnh Minh Ý, Nguyễn Hữu Khai, … cầm đầu thành phần thân ông Diệm trong Hội Đồng gây mâu thuẫn, chống đối nội bộ. Đồng thời anh em ông Diệm kết tội Hội Đồng qua Tổng thư ký Nhị Lang là đã thâm lạm biển thủ số tiền trên một triệu đồng, số tiền mà ông Diệm (qua Bộ Thông Tin) đã cấp cho Hội Đồng hoạt động.
Kẻ viết không dám nói rằng ông Nhị Lang và Hội Đồng đã thâm lạm biển thủ tiền bạc, nhưng trong bối cảnh loạn lạc lúc bấy giờ thì sự chi tiêu của Hội Đồng thật khó mà chứng minh bằng giấy trắng mực đen. Huống chi số tiền dù có bị thất thoát thì cũng đã chủ yếu sử dụng cho việc cứu vãn địa vị ông Diệm qua cơn sóng gió ngặt nghèo.
Trước hành động phản bội của anh em ông Diệm, ông Nguyễn Bảo Toàn bèn từ chức Chủ tịch Hội Đồng để phản đối ông Diệm. Bị hăm dọa, ông lui vào bóng tối trong lúc Phó chủ tịch Hồ Hán Sơn trốn về Tây Ninh và bị giết một cách bí mật. Dư luận lúc bấy giờ cho rằng ông Nhu đã mua chuộc được tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương để ông này cho thuộc hạ hạ sát ông Hồ Hán Sơn. (Sau này tướng Nguyễn Thành Phương cũng bị ông Ngô Đình Diệm mua chuộc để phản lại giáo chủ Phạm Công Tắc mà rồi cuối cùng ông Nguyễn Thành Phương cũng bị Ngô Đình Nhu phản bội). Còn Tổng thư ký Nhị Lang, người đã từng cầm súng dọa bắn tướng Nguyễn Văn Vỹ để cứu ông Diệm, bị công an của tướng Nguyễn Ngọc Lễ và Bộ Thông Tin của ông Trần Chánh Thành đòi bắt bớ và làm khó dễ. Tuy các mưu sĩ Ngô Đình Nhu, Trần Chánh Thành có hạ nhục ông Nhị Lang (nghĩa là gián tiếp hạ nhục Hội Đồng) nhưng rồi cũng nương tay vì sợ mang tiếng phản bội quá trắng trợn. Tuy nhiên ông Nhị Lang vốn là người có kinh nghiệm đấu tranh và có lẽ vẫn còn bị ám ảnh vì cái chết khả nghi của tướng Trình Minh Thế, lại sợ ông Ngô Đình Nhu lắm thủ đoạn nên vội vã trốn lên Cao Miên, làm kẻ lưu vong để cùng với những người lưu vong khác hoạt động chống nhà Ngô. Ngoài ra, luật sư Hoàng Cơ Thụy vốn hết lòng ủng hộ ông Diệm từ khi ông Diệm mới về nước, nhưng trước thủ đoạn của ông Ngô Đình Nhu, cũng trở thành người đối lập quyết liệt với chế độ Diệm.
Phê bình những biến cố trên đây, nhà viết sử Buttinger, vốn có mặt tại Sài Gòn lúc bấy giờ và thường gặp gỡ các ông Diệm, Nhu, đã cho ta một bức tranh đầy hình ảnh rối rắm, xảo quyệt, giành giật, biến ảo ly kỳ mà tôi muốn ghi chép lại nguyên văn bằng tiếng Anh để cho những sự kiện lịch sử được trình bày trung thực:

In other tenebrous phases of these power struggles in South Vietnam, the truth can be glimpsed through the tightly woven screen of intrigues. This is not the case in the chain of events that began in the afternoon of April 30, 1955, when a gathering of some 200 persons at the Saigon town hall constituted itself as a General Assembly of Democratic and Revolutionary Forces of the Nation. Although the outcome of these events is known, what actually happened at various critical stages is not. The picture that emerges from the available conflicting reports is that of a weird kaleidoscope made up of hate, lust for power, greed, cowardice, and treachery.[1]

(Tạm dịch: Trong những giai đoạn tối tăm khác của những màn tranh giành quyền lực tại miền Nam Việt Nam thì sự thật vẫn có thể thoáng thấy được qua những màn mưu mô đan dệt chặt chẽ vào nhau. Nhưng rất khó để biết rõ sự thật của những chuỗi biến cố đã bắt đầu vào chiều ngày 30 tháng 4 năm 1955, khi một nhóm khoảng 200 người họp nhau tại tòa Đô Sảnh Sài Gòn tự gọi là “Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng”. Mặc dầu ta đã biết rõ kết quả của chuỗi biến cố này, nhưng chuyện gì đã thật sự xảy ra trong những giai đoạn quan trọng đó thì không ai biết được. Những tường trình mâu thuẫn về những biến cố này cho thấy một hình ảnh loạn xạ như nhìn qua kính vạn hoa, đầy màu sắc thù ghét, tranh quyền, tham lam, hèn hạ, và gian lận).
Còn ký giả Francis J. Corley cho ta biết như sau:

“Vì thành phần lãnh đạo của Hội Đồng gồm một số nhân vật thoát thai từ nhân dân mà ra với đầy ắp tâm chất cách mạng như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Nhị Lang, Trình Minh Thế… và vì nội dung của nghị quyết chỉ cho ông Diệm cái quyền tạm thời chứ chung kết vẫn dành cho Quốc Hội, tức là nhân dân, định đoạt, cho nên đã làm cho những người có truyền thống chính trị phong kiến và có tham vọng lãnh tụ như anh em ông Diệm phải bất mãn, nổi giận và cảm thấy bị đe dọa” [2].
Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng với tên tuổi của lãnh tụ Hòa Hảo Nguyễn Bảo Toàn và trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ quả thật là một tổ chức đầy uy tín, một tổ chức “làm lịch sử”. Hội Đồng đưa ra một quyết nghị vừa tạo chính nghĩa cho quốc gia, vừa cứu ông Diệm qua cơn khó khăn nguy hiểm, nhưng vì sự phản bội của anh em ông Diệm mà Hội Đồng tan rã, chết yểu. Còn những người muốn làm cách mạng để cải đổi xã hội thì thân thế gặp phải cảnh lao lung đầy bất trắc, với một tương lai mịt mờ. Hội Đồng giải tán rồi, anh em ông Diệm bèn lật lá bài chính trị cuối cùng để qui thiên hạ về một mối, tức là lá bài truất phế Bảo Đại, vị Quốc trưởng hợp pháp, sự kiện mà tôi sẽ đi vào chi tiết trong phần sau của chương này.
Tuy nhiên trước khi tiếp tục nói về cuộc cờ oan trái giữa hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Diệm, tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây để có mấy lời nói về ông Nhị Lang và tác phẩm Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế (PTKCTMT) của ông.
PTKCTMT ngoài phần chính yếu nói về cuộc đời và sự nghiệp của tướng Thế, tại chiến khu cũng như lúc về Thành, ngoài phần nói về hoạt động đấu tranh của ông Nhị Lang, tác giả còn muốn làm nổi bật một số biến cố mà tôi cần phải có những lời chất chính:
- Nguyên nhân nào buộc ông Nhị Lang phải lấy quyết định bỏ nước ra đi sang Cao Miên lưu vong để sống cuộc đời cơ cực và tủi nhục.
- Những phân trần dài dòng về điểm ông bị nghi ngờ đã hoạt động cho Việt Cộng tại Cao Miên.
- Thái độ chống Cộng hung hãn quá khích của tác giả.
- Cái chết của tướng Trình Minh Thế và của tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh.
- Lòng ngưỡng mộ vô biên của tác giả đối với hai ông Diệm – Nhu.
Rất tiếc là trong tác phẩm PTKCTMT tác giả đã không ghi lại một số biến cố vốn đã được nêu ra trong bài hồi ký Nguồn gốc nền Đệ Nhất Cọng Hòa Việt Nam được đăng trên tuyển tập Quê Hương số Xuân năm 1977 xuất bản tại Costa Mesa, Hoa Kỳ, những biến cố có thể làm sáng tỏ thêm thái độ chính trị của tác giả dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.

… Năm 1956, ông (Nhị Lang) phải lưu vong qua Cam Bốt. Đến năm 1960, ông bí mật trở về nước, nửa đường bị quân Giải phóng bắt tại Đồng Tháp Mười, sau đó được thả ra rồi lại bị chính phủ Diệm bắt lại trong cuộc đảo chánh Nhảy Dù ngày 11-11-1960. Ông ngưng hoạt động một thời gian cho đến năm 1970, ông lại được bầu làm Tổng thư ký Ủy Ban Phối Hợp Hành Động các Chính Đảng…
Với sự hiểu biết của cá nhân tôi về Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, về chế độ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ, nay phối hợp với những lời phân trần của ông Nhị Lang trong tác phẩm PTKCTMT cùng với lời giới thiệu trên tuyển tập Quê Hương tôi muốn nêu lên những ý kiến sau đây:
- Ông Nhị Lang bảo rằng sở dĩ ông phải lưu vong sang Cam Bốt là để tránh sự tranh chấp giữa hai ông Văn Thành Cao và Nguyễn Thành Phương, và vì chán nản bởi thái độ bất thân thiện của một số người của chế độ Diệm, đặc biệt là Bộ trưởng Trần Chánh Thành và tướng Nguyễn Ngọc Lễ, còn đối với anh em Tổng thống Diệm thì ông Nhị Lang trước sau vẫn một lòng kính phục. Trái lại, theo tôi thì ông Nhị Lang ra đi vì khiếp sợ và thâm thù anh em ông Diệm, ra đi với mưu đồ hợp tác với kẻ thù của Việt Nam Cộng Hòa để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Còn hai ông Nguyễn Ngọc Lễ và Trần Chánh Thành chẳng qua chỉ là kẻ thừa hành, kẻ nhận mệnh lệnh của anh em ông Diệm để hạ nhục ông Nhị Lang trong lúc hai ông Diệm–Nhu bề ngoài vẫn tỏ ra còn ưu ái ông ta.
Sau khi Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng bị giải tán, chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn phải lui vào hoạt động bí mật để chống nhà Ngô, hai ông Trình Minh Thế và Hồ Hán Sơn bị chết một cách bí ẩn thì ông Nhị Lang đâm ra lo sợ cho tương lai, số phận của mình. Đã thế, ông Nhị Lang còn bị điều tra về thâm lạm tiền bạc, bị hai ông Thành và Lễ làm nhục, ông Nhị Lang đâm ra uất hận và căm thù tự cho là đã bị phản bội. Ngoài ra, ông Nhị Lang còn bất mãn việc anh em ông Diệm nâng tướng Văn Thành Cao, một kẻ đối thủ của Nhị Lang, lên thay thế tướng Trình Minh Thế làm cho ông ta càng ganh ghét và thù hận anh em ông Diệm hơn.
Ngoài ra, sự việc mà ông Nhị Lang từ Cam Bốt trở về Việt Nam một cách bí mật trước khi biến cố Nhảy Dù xảy ra để rồi sau biến cố đó, lại bị chế độ Diệm bắt bớ và suốt thời gian còn lại của chế độ Diệm, ông Nhị Lang phải sống âm thầm không có một hoạt động nào, càng cho thấy mối căm thù to lớn của ông ta đối với anh em ông Diệm.
Tôi lại còn nghi ngờ trong những ngày sống lưu vong tại Cam Bốt, có thể ông Nhị Lang đã có liên hệ với Việt Cộng (qua một cán bộ Cộng Sản tên là Ngô Điền) và đã cộng tác với chính quyền Sihanouk trong mưu đồ lật đổ chế độ Diệm. Những lời phân trần dài dòng của ông về cuộc sống tại Cam Bốt, sự lưu tâm của Quốc trưởng Sihanouk đối với ông, sự trở về nước của ông trước khi biến cố Nhảy Dù xảy ra (biến cố mà tôi nghĩ rằng gián điệp Pháp đã cho Sihanouk biết trước), rồi lại vụ Việt Cộng bắt ông tại Đồng Tháp Mười để rồi lại thả ra, cho phép tôi nghi ngờ ông Nhị Lang đã có liên hệ với Cộng Sản và đã cộng tác với Sihanouk.
Một người già dặn đấu tranh như ông Nhị Lang há lẽ bỏ nước ra đi lưu vong chỉ vì bất mãn với hai ông Nguyễn Ngọc Lễ và Trần Chánh Thành? Một người có thành tích đấu tranh chống Cộng như ông há lẽ Việt Cộng bắt được rồi thả ra một cách dễ dàng? Ngoài ra ông liên hệ với chính quyền Sihanouk làm gì khi mà Sihanouk đang coi Việt Nam Cọng Hòa là kẻ thù?
Vấn đề còn lại là tại sao ông Nhị Lang căm thù chế độ Diệm đến như thế mà trong tác phẩm PTKCTMT và trong bài Hồi ký đăng trên tuyển tập Quê Hương ông lại hết lời ca ngợi anh em Tổng thống Diệm và tuyên dương “Phong trào phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm”. Tiếc thương hai ông Diệm Nhu tại sao mãi đến năm 1970 Nhị Lang mới vào nghĩa trang thăm mộ hai ông?
Số là từ sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, cũng như giới báo chí, giới chính trị đảng phái đã tố cáo lẫn nhau. Dư luận đã lên án ông Nhị Lang chạy theo nhà Ngô năm 1955 phản bội lại các đảng phái, phản bội Việt Nam Quốc Dân Đảng mà ông Nhị Lang từng là một đảng viên kỳ cựu, giúp cho nhà Ngô củng cố được địa vị và làm cho các đảng phái bị tiêu diệt. Từ đó, Nhị Lang thay đổi lập trường, trở lại đề cao và bênh vực nhà Ngô để chính nghĩa hóa việc làm của mình vào thời 1955. Ngoài ra, Nhị Lang còn bị dư luận tố cáo là đã hoạt động cho Sihanouk và Việt Cộng như Bộ trưởng Trần Chánh Thành đã từng lên án, vì thế ông Nhị Lang lại càng phải tỏ ra mình vẫn là người chống Cộng quyết liệt. Muốn thế, ông Nhị Lang phải dựa vào uy thế nhóm Công giáo Cần Lao đang là hậu thuẫn chính trị chính yếu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và đang tổ chức phong trào “Phục Hồi Tinh Thần Ngô Đình Diệm” mà cao điểm là vào năm 1970, năm mà ông Nhị Lang tái xuất giang hồ.
Trong mưu đồ xóa tội cho ông Diệm và để tỏ ra mình tiếc thương Tổng thống Diệm và ông Nhu một cách ngoạn mục hơn, ông Nhị Lang đã hư cấu ra việc ông Nguyễn Ngọc Thơ vì có bà con hoạt động cho Việt Cộng nên đã làm áp lực Tổng thống Diệm sát hại tướng Lê Quang Vinh. Nếu quả ông Thơ thân với Việt Cọng như ông Nhị Lang tố cáo thì tại sao suốt 9, 10 năm trời, ông Diệm lại giao cho ông Thơ những chức vụ quan trọng trong chính quyền, đặc biệt là chức Phó Tổng thống kiêm nhiệm Kinh Tế và Tài Chánh. Ông Thơ quê ở Long Xuyên, vùng sinh sống và ảnh hưởng của Hòa Hảo, ông Thơ lại có nhà cửa đồ sộ, có hàng trăm mẫu đất, có bà con mồ mả cha ông, ông Thơ dại gì mà gây thù oán với một lực lượng giáo phái đông đảo, can trường và quyết liệt sẵn sàng trả thù cho Đức Thầy, cho các đồng chí đồng đạo. Huống gì tướng Lê Quang Vinh lại là bà con gần của ông Thơ, việc này cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Lâm Lễ Trinh (hiện ở Mỹ) biết rõ. Chẳng qua ông Thơ cũng như đại đa số nhân dân miền Nam lúc bấy giờ tin tưởng vào tương lai thanh bình hạnh phúc của đất nước do ông Diệm lãnh đạo, nên ông đã nhận lời chiêu dụ tướng Ba Cụt về đầu hàng cũng như đã chiêu dụ tướng Nguyễn Giác Ngộ và rất nhiều phần tử Hòa Hảo khác để giúp ông Diệm ổn định miền Tây. Ông Thơ có ngờ đâu ông Diệm lại ra lệnh cho tòa án xử tử người anh hùng Hòa Hảo của quê hương ông. Bảo rằng ông Thơ làm áp lực với ông Diệm giết Lê Quang Vinh, vậy thì ai đã áp lực ông Diệm để ông Nguyễn Bảo Toàn, một lãnh tụ Hòa Hảo, bị ông Diệm ra lệnh sát hại? Không cần phải dài dòng mà chỉ cần đọc “PTKCTMT” cũng thấy rằng ông Nhị Lang không đưa ra những chứng cớ cụ thể nào, chỉ có những suy luận một chiều mà lại dám xác quyết việc ông Thơ làm áp lực ông Diệm để sát hại tướng Lê Quang Vinh cũng như việc Mai Hữu Xuân giết tướng Trình Minh Thế.
Cũng trong mục đích muốn đánh tan dư luận nghi ngờ mình có liên hệ với Việt Cộng, ông Nhị Lang tỏ ra hung hãn hơn khi đưa ra nhiều nhận xét, nhiều kế hoạch chống Cộng vô lý như trường hợp ông đã chê trách Tổng thống Truman hay trường hợp dùng du kích đánh chiếm hai tỉnh địa đầu của Bắc Việt.
Hết lòng đề cao Tổng thống Diệm ưu ái thủy chung với tướng Trình Minh Thế, ông Nhị Lang bỏ lơ việc ông Diệm đã có lời lẽ khinh thị tướng Thế trước mặt Lansdale làm cho Lansdale nổi giận bảo ông Diệm đừng có những lời lẽ khinh chê tướng Thế như vậy nữa [3].
Hai anh em ông Diệm–Nhu trong bước đường nguy khốn đã phải đích thân lên tận núi Bà Đen thỉnh cầu tướng Thế đem quân về thành cứu giúp, hành động đó có khác gì ba anh em Lưu Quan Trương đến Ngọa Long Cương thỉnh cầu Khổng Minh về phò tá, thế mà ông Diệm nỡ khinh thị tướng Thế khi quân đội Bình Xuyên đã bị đánh bật qua bên kia cầu chữ Y. Như vậy ông Diệm có phải là người vong ân bội nghĩa không hở ông Nhị Lang?
Phê bình tác phẩm PTKCTMT, bà Linh Bảo trong tạp chí Việt Nam Hải Ngoại (San Diego) của luật sư Đinh Thạch Bích đã viết như sau nơi mục Giữa Chúng Mình:

... Theo LB biết thì Hùng vào chiến khu ra mắt tướng Thế với một cuốn sách tên là “Con đường tranh đấu của chúng ta”. Tướng Thế đã cho in cuốn ấy để làm tài liệu lý luận căn bản của phong trào kháng chiến quốc gia. Nghe đâu anh (Nhị Lang) lúc vào khu với tướng Thế đã ra mắt với một bài thơ ca tụng lãnh tụ, có câu đầu là: “Trình Minh Thế, đấng anh hùng cứu quốc!” Hai cách ra mắt tương phản nhau như thế không thấy anh nói đến. Điều LB ngạc nhiên là: anh Hùng chẳng những là một chiến sĩ hữu danh, không những có tên mà lại có đến ít nhất là ba tên; trong cuốn sách anh viết anh Hùng thành ra một… chiến sĩ vô danh! Các anh em khác ở đây cũng đã chuyền tay đọc cuốn sách của anh. Đọc xong, những ai từng ở chiến khu Trình Minh Thế cũng như những ai tuy không vào khu nhưng đã sống trong thời kỳ ấy, đều có những ý kiến khá… ly kỳ. Hình như có một vài người bỗng đâm… ngứa ngáy định viết thêm, hay viết những “lịch sử ký sự” cùng một giai đoạn để bổ túc hay bổ khuyết, hay điều chỉnh, hay.. và… , hầu giúp người đời sau có thêm tài liệu mà so sánh… “lịch sử” và “ký sự”. LB hỏi anh ĐTB về 10 điều luật tử hình trong chiến khu Trình Minh Thế. Anh ấy chỉ nhớ có 5 điều. Anh có nhớ đủ không? [4]
Những lời phê phán trên đây chẳng những cho thấy tác phẩm lịch sử ký sự của ông Nhị Lang có rất nhiều sai lầm khiếm khuyết mà quan trọng hơn, còn lên án ông Nhị Lang thiếu tác phong cách mạng và đã có những hành động đáng phải xử tử.
Ngoài nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại ra, nguyệt san Thanh Niên Hành Động số ra mắt ngày 1-10-1985 phát hành tại San Jose, trong mục Điểm Sách đã có những phân tách tỉ mỉ hơn về tác phẩm PTKCTMT. Thanh Niên Hành Động còn so sánh sách ông Nhị Lang với sách của một ký giả Mỹ và của Lansdale, và đã cho thấy nhiều sự kiện trái nghịch. Để kết luận, Thanh Niên Hành Động viết như sau:

… Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi đối chiếu giữa cuốn hồi ký của Nhị Lang và của Lansdale có những sự kiện được viết ra rất trái nghịch…

Chúng ta đọc để có một cái nhìn chín chắn cho hành động và sự hy vọng. Cái nhìn chín chắn đó là biết rõ hơn nữa, ai là những thành phần bán đứng dân tộc… Một cuộc cách mạng có chính nghĩa phải phát xuất từ nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Một lực lượng cách mạng thể hiện được con đường chính nghĩa này không thể “hợp tác” với những bọn người thối nát nhưng luôn mang danh nghĩa “quốc gia”, một chế độ phi dân tộc như Ngô Đình Diệm. Đó là bài học cần được rút tỉa…[5]
Còn ông Lê Nhật Thăng (trên tạp chí Ánh Sáng Dân Tộc) thì viết thẳng rằng:

Tác phẩm “Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế” chỉ đem lại một thông điệp đáng chú ý là tích cực chống Cộng Sản, còn lại chỉ là sự tập họp những khen ngợi bốn người. Đó là Trình Minh Thế, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và “Le Moi” (cái Ta) còn ai ai cũng bị tác giả chê trách, sỉ vả hết thảy.
Riêng đối với tôi, sau khi tác phẩm PTKCTMT ra đời, ông Nhị Lang và ông Phan Xứng đã có nhã ý gởi tặng tôi một cuốn với lời đề tặng đầy thân tình gọi tôi là cố tri. Sau khi đọc xong sách, tôi bèn gởi thư để cám ơn tác giả đồng thời nêu lên một số sự kiện mà tôi không đồng ý với ông Nhị Lang. Nói rõ ra như thế để thấy rằng viết lại đoạn hồi ký trên này tôi không có ác ý với người bạn cũ mà tôi chỉ muốn làm sáng tỏ lịch sử để hậu thế khỏi hiểu lầm cha ông.
Rất tiếc, tấm lòng chân thành của tôi đã bị ông Nhị Lang phản ứng hết sức hạ cấp và thô bạo. Ông viết báo để nhục mạ tôi, gán cho tôi là Cộng Sản và kích thích những thành phần Công giáo cuồng tín ở hải ngoại chống phá tôi. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, nhiều độc giả đã viết bài đăng báo, viết sách để vạch trần tâm địa xấu xa và hành xử không lương thiện của ông Nhị Lang: như bà Yến Vân và cụ Vũ Trọng Kỳ trên báo Viet Press, như cụ Nguyễn Duy Hiệp trên báo Chấn Hưng, như ông Trương Thiện trên báo Tia Sáng, như nhà văn Lê Nhật Thăng trên báo Saigon BolsaÁnh Sáng Dân Tộc, như nhóm ông Vũ Đăng Quý và nhà văn Xuân Tước trên tờ Văn Hóa Colorado và đặc biệt là cuốn “Lột Mặt Nạ Những Con Thò Lò Chính Trị” của ông Lê Trọng Văn. Tất cả đã lột trần thủ đoạn gian trá và thiếu đạo đức của ông Nhị Lang và cuốn “Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế” của ông ta.

-o0o-
Trở lại biến cố truất phế Bảo Đại, một biến cố lớn đã lột cả xác lẫn hồn của đất nước để biến thiên từ kỷ nguyên quân chủ qua kỷ nguyên dân chủ, tôi xin có vài hàng về thân thế và sự nghiệp của hai nhân vật tiêu biểu cho hai kỷ nguyên đó: ông Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn; và ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.
Triều đại nhà Nguyễn bắt đầu kể từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 cho đến khi chấm dứt dưới triều Bảo Đại năm 1945, đã trải qua 10 đời vua, mà gác qua một bên tội ác đã “rước voi về giày mả tổ” thì nhà Nguyễn vẫn có nhiều vị vua đã có công tô điểm vàng son cho lịch sử nước nhà.
Trước hết tôi xin sơ lược về vua Gia Long, vị vua sáng lập ra triều Nguyễn, qua cái nhìn của nhà viết sử Phạm Văn Sơn:

Ở vua Gia Long, từ con người quân nhân đến con người chính trị có nhiều điểm đặc biệt khiến ta phải coi vua Gia Long cũng là một nhân vật kỳ liệt của lịch sử trên nhiều phương diện. Nhân vật này có nhiều điều hay mà cũng có nhiều điều dở.

Chiếu theo cội rễ thì Gia Long thuộc về một dòng họ có nhiều danh tướng, giàu mưu cơ, đảm lược, nhẫn nại, cần cù, thông minh, trác lạc, nhờ vậy mà trong thời trung suy, Nguyễn Ánh mới 17 tuổi đã cầm đầu được binh tướng, nắm vững được lòng dân, bốn phen vinh nhục ở đất Gia Định, nhiều lần xiêu bạt ngoài khơi, trôi giạt cả vào đất Xiêm, nương nhờ triều đình Vọng Các, có lúc phải hy sinh cả tính mạng (diệt trừ giặc Miên và Mã Lai cho Xiêm La) để mua chuộc thiện cảm của người hòng có chỗ nương thân. Trên 20 năm ròng, vua Gia Long xông xáo khắp các chiến trường, từ vùng Đồng Nai ra Thuận Hóa, vượt biển trèo non trong vùng khói lửa mịt mùng mà vẫn không bao giờ lui bước, con người ấy thật đáng là một chiến sĩ. Trước điểm này ta không thể không vỗ tay khen ngợi Thế Tổ nhà Nguyễn.

Về chính trị, khi sức cùng lực tận, Gia Long đã cho giám mục Bá Đa Lộc đem con mình là Hoàng tử Cảnh đi cầu cứu với nước Pháp và luôn luôn giao thiệp khéo léo với các lân bang để lấy ngoại viện, nhờ đó mà chẳng những người Âu Châu mà cả các quân Xiêm, Miên, Lào thường qua lại đánh Tây Sơn giúp mình. Ngoại giao đến thế là khéo léo tuy rằng mang người ngoài về đánh anh em trong nhà là làm một hành động không đẹp so với việc 12 Sứ quân trên tám thế kỷ về trước. Nhưng đến khi sự nghiệp đã thành, ngôi quốc chủ đã vững, Gia Long thay đổi luôn thái độ, lên tiếng kẻ cả với Xiêm, đặt Miên, Lào vào vòng lệ thuộc. Tiến thoái kinh quyền đến thế quả thật là mau lẹ, quỉ quyệt… Tuy vậy, vua Gia Long cũng có một ít sở đoản như bạc bẽo và tàn nhẫn với các trung thần, như hành động trả thù dã man với đối thủ cũ là anh hùng Nguyễn Huệ, như đã biết dã tâm của cường quốc Tây phương mà không có kế sách để giữ cho nước khỏi bị “Bạch Họa”.[6]
Sau vua Gia Long, tuy các đế quốc Tây phương (đặc biệt là Pháp) bắt đầu phát động âm mưu thôn tính nước ta mà các vũ khí ban đầu là các dịch vụ buôn bán và sự phối hợp chặt chẽ với sinh hoạt truyền bá đạo Công giáo La Mã, nhưng dưới thời ba vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, quốc gia vẫn còn hoàn toàn độc lập và nắm giữ chủ quyền.
Ba vị vua này, nếu không phải là anh quân thời loạn thì cũng đã chứng tỏ là minh vương thời bình, một lòng vì nước thương dân, phát huy được những thành quả của cha ông để lại dựa trên nền luân lý nhân nghĩa của nền Tam giáo. Chỉ tiếc rằng trên mặt phát triển kinh tế và vận dụng nhân tài vật lực của đất nước, họ vẫn còn nặng tinh thần bảo thủ, chủ trương bế môn tỏa cảng không chịu tiếp nhận những trào lưu văn hóa và kỹ thuật của nước ngoài để hòa hóa trong một chính sách cải cách duy tân cho nước nhà thêm hùng mạnh. Đặc biệt dưới triều vua Tự Đức, ảnh hưởng Tống Nho của “Thiên Triều Trung Hoa” lại được dịp phát triển mạnh mẽ trong một xã hội tương đối ổn định, mà những ước lệ từ chương trở thành những mẫu mực đo lường sức mạnh văn hóa của quốc gia.
Cũng dưới triều đại của ba vị vua này, tuy có gửi một số phái đoàn (Bùi Viện đi Mỹ là một) để nghiên cứu nước ngoài, nhưng tinh thần bài ngoại triệt để biểu hiện qua chính sách cấm đạo, giết đạo đã vừa mắc mưu các cố đạo vừa tạo ra cái cớ cho đế quốc Pháp nắm được chính nghĩa (tại Pháp) để xua quân xâm lấn giang sơn. Đã có nhiều người của đời sau, hoặc vì những xúc động chủ quan hoặc vì những thiên kiến bè phái, đã nhìn chính sách này một cách phiến diện và đơn giản để lên án nặng nề ba vị vua trên mà không chịu đặt mình vào khung cảnh của thời đại đó để suy nghiệm và phê phán cho khách quan hơn.
Theo ý kiến riêng của tôi thì trên mặt chính trị, và đặc thù hơn trên bình diện phát triển quốc gia và giao hệ quốc tế, quả thật các ông vua này đáng bị phê phán khắt khe. Nhưng ngược lại, trên mặt nhân văn, thì các vị vua đó chỉ phản ánh ý nguyện của tuyệt đại đa số quần chúng mà thôi. Bốn chữ “Bình Tây, Sát Tả”trong những bài hịch của các phong trào Văn Thân và Cần Vương do các sĩ phu chủ xướng là một trong những chủ điểm đấu tranh của các bản cương lĩnh chính trị này, để thể hiện cái ước vọng lớn lao và đại chúng của nhân dân là “giết Đạo trước rồi đánh Tây sau”.
Nếu trên mặt chính trị, các vị vua đó có một chính sách khôn khéo hơn thì Công giáo La Mã đã được du nhập vào Việt Nam và may ra được hòa hóa thành một thứ Công giáo Việt Nam như trường hợp đạo Phật cách đây hai ngàn năm. Lỗi lầm chính trị của các vị vua này, sự cấu kết giữa chính quyền Pháp và Giáo hội La Mã Vatican lúc bấy giờ, những tham vọng mở mang nước Chúa của hội truyền giáo, và truyền thống chống ngoại xâm thể hiện chính đáng nhưng không đúng mức của dân ta. Đó là bốn yếu tố chính chi phối trạng huống lịch sử lúc bấy giờ và làm cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp quên đi chức năng rao truyền đức tin của Chúa trong nhân ái, để chỉ còn tiến hành nhiệm vụ cao cả của mình như một trận chiến xâm thực văn hóa. Sự cố tình phê phán hệ quả của chính sách cấm đạo chỉ dựa trên mặt chính trị mà không đặt nó trong bối cảnh nhân văn của thời đại lúc bấy giờ, là một thái độ thiếu trách nhiệm và thiếu lương thiện của một số nhà viết sử muốn trốn tránh sự thật mà thôi!
Bây giờ thì lịch sử đã chứng minh một cách quá rõ ràng và quá đầy đủ rằng chính cái tham vọng xâm thực văn hóa của Hội Truyền Giáo Pháp đã là nguyên nhân chủ yếu và lợi khí hữu hiệu của chính sách xâm lăng quân sự chính trị của đế quốc Pháp lúc bấy giờ. Trong tiến trình cấu kết này, những khuôn mặt của Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Puginier, Pellerin, Taberd… đã là những chính trị gia lão luyện khoác áo tu sĩ để tiến hành một thủ đoạn chính trị cổ điển nhất nhưng cũng hữu hiệu nhất: chia để trị. Họ chia dân ta thành hai khối lương giáo bất khả hòa và bất khả dung.

Lịch sử của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại gắn liền một cách chặt chẽ với lịch sử bành trướng ảnh hưởng của Pháp tại Đông Dương. Một trong những sáng lập viên của Hội, ông Pallu, đã đóng vai trò liên lạc giữa hai triều đình Pháp và Huế. Vị giáo sĩ nổi tiếng nhất của Hội, Giám mục Adran Pigneau de Béhaine, đã chính thức gia tăng mối quan hệ này: Sự can thiệp của các hội viên của Hội Truyền Giáo vào chính tình Việt Nam đã dẫn đến hành động xâm lược võ lực đầu tiên (của Pháp) [7].
Một số trí thức Thiên Chúa giáo Việt Nam như các ông Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung… hơn một trăm năm sau, trong khi suy nghiệm về sự bế tắc nhân văn của nền văn minh Tây phương và trong nỗi niềm khổ hận của một người Việt Nam lận đận, cũng đã nhìn thấy và nêu lên rõ sự thật này:

Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy rằng từ khi Giáo Hội (La Mã) trở thành “Quốc Giáo” thì cây gươm tinh thần của thánh Phao Lồ đã luôn luôn bị cám dỗ để biến thành cây gươm thép thật sự. Kể từ dạo ấy, mỗi khi hoàn cảnh cho phép, Giáo Hội đã không ngần ngại để dùng thế lực tiêu diệt các tôn giáo khác, đập phá các đền thờ “Tà thần”, đốt sách vở ngoại đạo, và đốt luôn bọn người bị xem là “Lạc Đạo” nếu không chịu sửa sai [8].
Cái hoàn cảnh không may đó đã đến với dân ta từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, để dân Việt trở thành đối tượng, nạn nhân của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp và đoàn quân xâm lăng Pháp. Cho nên ông Lý Chánh Trung mới hạ bút viết mấy lời tâm huyết như là lời thú tội:

Ngày nay, mọi người đều đồng ý rằng việc cấm đạo dưới các nhà vua triều Nguyễn là một hành động bất nhân và sai lầm. Nhưng nếu chúng ta tự đặt mình vào địa vị các nhà vua ấy, vào cái khung cảnh tâm lý thời đó, thì có lẽ chúng ta khó có thể làm khác hơn [9].
“Khó có thể làm khác hơn” đó chỉ là thái độ “tìm về dân tộc” của những người Công giáo Việt Nam kiểu Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung. Còn đối với anh em ông Diệm, đối với nhóm Công giáo Cần Lao thì lời than trách của Lý Chánh Trung chỉ làm cho anh thêm mang tội: cái tội “lạc đạo”, cái tội “thân Cộng”, cái tội “bênh vực hành động những kẻ ngoại đạo”. May thay, Lý Chánh Trung vô tình được nhà trí thức Công giáo Etienne Vũ Đức Hạnh gián tiếp trưng bày bằng cớ về cái tội thực dân của các giáo sĩ ngoại quốc và cái tội làm tay sai cho kẻ xâm lăng của giáo dân Việt Nam dưới thế kỷ 19. Trong tác phẩm La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Viet-Nam de 1851 à 1870, dựa vào những tài liệu của một số tác giả Pháp và một số giáo sĩ ngoại quốc, Etienne Vũ Đức Hạnh đã viết như sau:

Sous Tự Đức, un grand nombre de catholiques Vietnamiens sont d’intelligence avec les Francais, certes, mais cette collaboration est plus materielle que formelle. Comment expliquer cet état de fait sans ajouter aux raisons précédentes les circonstances politiques à la fois troublées et troublantes de l’époque?

Les ambitions des Chúa Trịnh dans le Đàng Ngoài, des Chúa Nguyễn dans le Đàng Trong et celles momentanées des frères Tây Sơn ne connaissent plus de limites. Le peuple qui en souffre, surtout celui du Bắc Kỳ a la nostalgie des rois Lê dont it garde un souvenir ineffaceable. Bien que Chúa Nguyễn Phúc Ánh ait unifié l’Empire, la dynastie des Nguyễn n’est pas aimée; elle est à jamais considérée comme l’engeance d’insurpateurs. La fidèlité des populations appelle la résurrection des Lê et à la recherche d’un rejeton royal. Ce qui explique le succès du prétendant catholique Lê Duy Phụng.

Au jour de Tự Đức, chrétiens et non chrétiens à l’instigation des missionnaires, résistent ici sourdement, là ouvertement au roi régnant mieux à la dynastie des Nguyễn pour plusieurs motifs. Les Nguyễn ont volé le trône des rois Lê. Leurs descendants actuels ont manqué le mandat du ciel pour avoir traité avec les envahisseurs et cédé à l’ennemi une portion du territoire national. Une seule différence: les chrétiens font cause commune avec les francais, les non chrétiens, les combattent”[10].
Tạm dịch:

Dưới triều Tự Đức, một số đông người Thiên Chúa giáo Việt Nam quả đã làm tình báo cho Pháp, nhưng sự cộng tác ấy chỉ có tính cách thực tiễn hơn là quy thức. Làm sao có thể giải thích được tình trạng ấy nếu không thêm cho những nguyên do ấy, những hoàn cảnh chính trị rối rắm đáng phải lo âu?

Tham vọng của chúa Trịnh Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Đàng Trong và cả anh em Tây Sơn đều vô giới hạn. Tình trạng ấy làm cho nhân dân đau khổ, nhất là nhân dân Bắc Kỳ vẫn hoài vọng nhà Lê mà họ đã có những kỷ niệm khó xóa mờ. Dù chúa Nguyễn Phúc Ánh đã thống nhất giang sơn, nhưng nhà Nguyễn không được thương mến và mãi mãi bị coi là những kẻ cướp quyền. Lòng trung thành của dân chúng đòi hỏi sự phục hồi nhà Lê và tìm kiếm một hậu duệ. Lý do đó giải thích cho sự thành công của Lê Duy Phụng, kẻ tự nhận là người hậu duệ Thiên Chúa giáo của nhà Lê.

Dưới triều đại Tự Đức, theo sự xúi dục của các giáo sĩ ngoại quốc, người Thiên Chúa giáo và người không Thiên Chúa giáo kẻ thì chiến đấu âm thầm, kẻ thì công khai để chống lại những nhà vua đang tại vị hơn là chống lại nhà Nguyễn vì nhiều nguyên nhân. Nhà Nguyễn đã cướp ngôi vua nhà Lê. Những vua nối quyền hiện tại thì không còn thiên mệnh để ký kết với quân xâm lăng và nhượng một phần lãnh thổ cho kẻ thù. Chỉ khác nhau là: người Thiên Chúa giáo thì hợp tác với Pháp trong một mục tiêu chung, còn người không Thiên Chúa giáo thì chiến đấu chống lại.
Gác một bên việc Etienne Vũ Đức Hạnh cố tình xuyên tạc lịch sử dân tộc, chúng ta thấy rõ ràng ông ta đã hân hoan vinh danh hành động làm tay sai cho thực dân của người Công giáo Việt Nam dưới thế kỷ 19.
Với cái tội phản quốc đó của giáo sĩ ngoại quốc và giáo dân Việt Nam thì làm sao vua chúa nhà Nguyễn lại không “cấm đạo, giết đạo”.
Nói cho rõ ra thì từ ngày đạo Chúa du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ 16 cho đến đời Tự Đức gần 300 năm trời, vua chúa nước ta với truyền thống hiếu hòa và bản chất hiếu khách đã biết bao phen mở rộng vòng tay để cho giáo sĩ và giáo dân tự do hành đạo. Khốn nỗi, các cố đạo “cứ được đằng chân lại lân đằng đầu” trong mưu đồ thôn tính Việt Nam cho nên mới có tình trạng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, các vua chúa nhà Nguyễn phải cấm đạo, giết đạo, sĩ phu Việt Nam phải phất cờ “Bình Tây Sát Tả”. Những hành động đó tuy tàn ác nhưng lại là những biện pháp bắt buộc để cứu nước cứu dân trong tình thế quê hương lúc bấy giờ, một quê hương loạn ly tang tóc do chính các giáo sĩ và giáo dân gây ra mà nhà trí thức Công giáo Etienne Võ Đức Hạnh lại cố tình để cao và bênh vực họ.
Vào cuối đời vua Tự Đức, đất nước từ từ mất dần về tay người Pháp. Rồi đến năm 1884, với hiệp ước ký kết giữa đại diện Pháp là Patenôtre và đại diện triều đình An Nam là Nguyễn Văn Tường và Phạm Trọng Duật, thì nước Việt Nam bị chia thành ba kỳ: Nam kỳ thuộc địa có quy chế như một tỉnh hạt của Pháp quốc do một Thống đốc Pháp cai trị, Bắc kỳ Bảo hộ do một thống sứ Pháp cai trị, và Trung kỳ Bảo hộ do một khâm sứ Pháp đứng đầu. Đối với xứ Bảo hộ Trung kỳ từ Thanh Hóa đến Phan Thiết, Pháp vẫn giữ lại nền quân chủ có vua và triều đình với chút hư quyền, hư danh. (Vì vậy, từ đây, kẻ viết xin gọi nhà Nguyễn từ thời nước nhà bị đô hộ là nhà Mạt Nguyễn).
Thời Mạt Nguyễn, trừ vua Đồng Khánh là một ông vua hiền hậu nhưng chỉ ngồi trên ngai vàng được có ba năm rồi chết, còn những vị vua khác, có ông thì là vua cách mạng, có ông thì thuộc loại vua bù nhìn.
Về cách mạng thì có:
Vua Hàm Nghi (1884) bỏ kinh thành ra Tuyên Hóa (Quảng Bình) lập chiến khu, phất cao ngọn cờ Cần Vương chống Pháp. Rồi vì thân cô thế yếu, lại bị một tên Mường (Trương Quang Ngọc) phản bội bắt Ngài giao cho Pháp nên bị Pháp đem đày ở Algérie.
Vua Thành Thái (1888-1920), lên ngôi khi mới 10 tuổi, là vị vua thông minh uyên bác, thấm nhuần tư tưởng cách mạng Trung Hoa và Nhật Bản, muốn thực hiện công cuộc cải cách quốc gia, đưa dân tộc đến con đường tân tiến. Nhưng tất cả việc làm của ông đều bị người Pháp ngăn trở, Vua tức giận giả cách điên rồ, ngấm ngầm xướng xuất đưa thanh niên ra nước ngoài cầu học để dùng vào đại cuộc sau này. Chính nhà vua cũng âm mưu xuất ngoại nhưng sự không thành nên năm 1907, khi Pháp dò biết được vua liên lạc với Phong Trào Đông Du để cầu viện Nhật Bản, bèn bắt ép vua thoái vị và đày qua đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Vua Duy Tân (trị vì từ 1907-1916) là con vua Thành Thái, còn nhỏ tuổi mà đã nhiều phen bộc lộ nỗi căm thù thực dân Pháp. Nhân một buổi bơi thuyền câu cá ở cửa Tùng (Quảng Trị), nhà vua ra một câu đối cho thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người của Pháp, để dò xem lòng dạ ông này như thế nào:

Ngồi trên nước khôn ngăn được nước,

Trót buông câu đã lỡ phải lần.
Đáp lại, thượng thư Nguyễn Hữu Bài khuyên nhà vua nên nhắm mắt chịu thua thời cuộc:

Ngẫm việc đời mà ngán cho đời,

Liều nhắm mắt tới đâu hay đó.
Vua Duy Tân liền phán: “Thầy thì hay liều thôi chứ không bao giờ nghĩ cách đương đầu với nghịch cảnh”. Tất nhiên, làm sao ông Nguyễn Hữu Bài, con đẻ của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, có thể đương đầu với thực dân Pháp được.
Tuy nhiên, vua Duy Tân vốn ý chí bất khuất nên quyết tâm đợi thời cơ để làm cách mạng phục hồi nền độc lập cho đất nước. Thế chiến thứ nhất xảy ra đã là một cơ hội tốt đẹp, rồi lại gặp được các đồng chí yêu nước như hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên hết lòng hỗ trợ, nên Ngài bèn quyết định phất cờ khởi nghĩa. Chẳng may quốc vận còn gặp lúc truân chuyên, việc đại nghĩa của vua Duy Tân thất bại, Ngài bị bắt và bị đày qua đảo Réunion lúc mới 17 tuổi.
Trong thế chiến thứ Hai, hoàng tử Vĩnh San (tức là vua Duy Tân) có một thời gian mang cấp bậc Thiếu tá của Pháp. Ngày 10 tháng 6 năm 1945, Ngài đã lên tiếng trên đài phát thanh Brazzaville thuộc Pháp, đại ý hô hào toàn dân Việt Nam nên nghe theo tiếng gọi của tổ quốc mà đứng lên xây dựng nước nhà, nêu cao danh dự cho giống nòi.
Ngày 26 tháng 12 năm 1945, Ngài bị chết trong một tai nạn máy bay ở xứ Bangui thuộc Trung Phi. Theo dư luận hồi đó thì cái chết thê thảm này có nhiều chi tiết bí ẩn, có giả thiết cho rằng chính thực dân gây nên để chặn đường về nước của một nhà ái quốc được toàn dân tín nhiệm [11].
Thế là nhà Mạt Nguyễn có ba vị vua yêu nước và có tinh thần cách mạng bị Pháp bắt đi đày ở Châu Phi. Sự kiện đó đã phần nào trực tiếp đóng góp cho quyết tâm đấu tranh chống Pháp của sĩ phu trong nước và trở thành đề tài gây xúc động cho nhiều văn nghệ sĩ yêu nước lúc bấy giờ. Nhà Nho Phan Quốc Quang, hiệu là Thượng Tân Thị, quê ở Thừa Thiên, cảm xúc cảnh cha con vua Thành Thái vì nước vì dân mà bị đọa đày, ông bèn thác lời vợ vua làm ra mười bài thơ nhan đề là Khuê Phụ Thán được truyền tụng trong nhân gian mà vào thời Pháp đô hộ, ai đọc lên cũng không cầm được nước mắt. Bài thơ nói lên nỗi lòng cô đơn lẻ bóng của một người khuê phụ nơi quê nhà ngày đêm mỏi mòn đợi chồng trông con:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.
Nỗi đau xót của một người đàn bà trước thảm cảnh quê hương dâu bể, tử biệt sinh ly, đã làm cho sông núi cỏ cây, vốn là vật vô tình mà cũng phải “giọt lệ đầy vơi, can trường khô héo”.
Sau những vùng vẫy tuyệt vọng của vua Duy Tân, các vị vua còn lại của nhà Mạt Nguyễn chỉ là những đóm lửa le lói của một triều đại đang đến hồi suy tàn, nhất là lúc đó chính quyền thực dân đã đủ thời gian và lực lượng để củng cố bộ máy bảo hộ của họ, cũng như lúc đó quần chúng đã ý thức được nhiệm vụ năng động đích thực của mình để đứng lên thay vua mà cứu nước.
Cho nên hai vị vua còn lại là Khải Định và Bảo Đại chỉ hành xử như những vị vua bù nhìn, hoặc cúi đầu tuân phục lệnh người Pháp như vua Khải Định, hoặc cô đơn buông xuôi theo số mệnh như vua Bảo Đại mà thôi.
Thật vậy, vua Khải Định (trị vì từ 1916–1925) bị sĩ phu lên án là Việt gian, bù nhìn, khoán trắng việc nước vào tay thực dân Pháp. Cụ Phan Chu Trinh đã từng gọi vua Khải Định là “Dân Tặc”, và năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp dự cuộc triển lãm quốc tế, cụ Phan đã gởi một lá thư trách nhà vua bảy điều: Tôn bậy quân quyền, Lạm hành thưởng phạt, Thích chuộng hư văn, Xa xỉ quá mức, Phục sức lố lăng, Chơi bời vô độ, và Hành động ám muội trong việc bang giao với Pháp.
Còn cụ Nghè Ngô Đức Kế, hiệu là Tập Xuyên, chủ bút báo Hữu Thanh, năm 1924 thì lại châm biếm bằng bài thơ lên án Khải Định như sau: [12]

HỎI GIA LONG

Ai về địa phủ hỏi Gia Long,

Khải Định thằng này phải cháu ông?

Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,

Trăm gia ba chục khổ nhà nông.

Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến,

Năm ngoái sang Tây ỉa vãi cùng.

Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ,

Vua thời còn đó, nước thời không.
Vua Bảo Đại (1925–1945), vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, là con trai độc nhất của vua Khải Định, nhưng đặc biệt diện mạo cùng phong độ lại khác hẳn vua cha. Ông có nét mặt chữ điền, đi đứng nghiêm trang, ăn nói đàng hoàng, dáng điệu đường bệ chững chạc. Rất nhiều tài liệu cho thấy ông Bảo Đại không phải là con ruột của vua Khải Định, vì vua Khải Định mang bịnh bất lực không thể gần gũi đàn bà.
Vua Bảo Đại húy là Vĩnh Thụy, sinh năm 1913 (Quý Sửu) tại kinh thành Huế. Ngày 28 tháng 4 năm 1922, ông được vua cha tấn phong làm Đông Cung Hoàng Thái Tử, nghĩa là tước vị của một thái tử sẽ được quyền nối ngôi vua. Ngày 15 tháng 5 năm 1922, khi ông mới lên chín tuổi, thì được vua cha và chính phủ Bảo Hộ cho đi Pháp du học. Trong thời gian ở Pháp, ông được vua Khải Định gởi gấm cho ông Charles (một vị cựu khâm sứ Trung kỳ) để giám hộ như một người cha nuôi săn sóc trông coi. Năm 1925, khi vua Khải Định băng hà, Bảo Đại về nước để chịu tang và để làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế. Sau đó, ông trở lại Pháp để tiếp tục việc học cho đến năm 1932 thì về nước vĩnh viễn, và chính thức tức vị để điều khiển triều đình An Nam.
Nhân dân ta từ ngày bị Pháp đô hộ vẫn liên tục kiên cường chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lăng. Ngay cả dưới triều Khải Định mà việc nước hầu như đã khoán trắng cho thực dân Pháp và cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp qua ông Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài (nhất là trong khoảng thời gian 1925–1932, từ khi vua Khải Định băng hà cho đến ngày ông Bảo Đại về nước chấp chánh), lửa cách mạng vẫn hừng hực cháy trong lòng dân tộc Việt. Ngọn lửa đó đã được đốt bừng lên và được nuôi dưỡng mạnh nhờ ảnh hưởng của bản án tử hình chí sĩ Phan Bội Châu. Lửa cách mạng mãnh liệt đến nỗi trước cao trào đấu tranh của toàn dân phản kháng bản án này, thực dân đành phải hủy bản án và đem Cụ về quản thúc tại kinh thành Huế (1925). Trong khoảng thời gian đó, những phong trào cách mạng và những biến động quan trọng đã liên tiếp xảy ra: đảng Tân Việt Cách Mạng gồm đa số là những trí thức trẻ ra đời tại Huế, phong trào Sô Viết nổi lên ở Nghệ Tĩnh và cuộc nổi loạn đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Việt do anh hùng Nguyễn Thái Học cầm đầu. Lại còn ảnh hưởng của phong trào Cường Để tại hải ngoại, của Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục, của cuộc tranh đấu đòi dân quyền của chí sĩ Phan Chu Trinh… tất cả đã là những hỏa sơn ầm ĩ cháy trong lòng dân tộc. Vì vậy, trước ý chí đối kháng của nhân dân để bày tỏ sự bất mãn đối với chế độ bảo hộ và nhất là đối với triều đình mục nát già nua, người Pháp bèn lợi dụng việc vua trẻ Bảo Đại hồi loan để trẻ trung hóa triều đình, và hứa sẽ để cho nhà vua thực hiện một số cải cách mong xoa dịu lòng dân, mà việc đầu tiên là sa thải lớp quan lại già cả về hưu trí để thay thế bằng một lớp người trẻ trung hơn.
Những quan lại lớn tuổi này chẳng những là lớp người lạc hậu không hợp thời để theo kịp với dân trí mỗi ngày một tiến bộ, mà đa số những vị quan này là những nịnh thần tham nhũng, làm tay sai cho Pháp. Bài thơ của Cụ Nghè Ngô Đức Kế dưới đây đủ nói lên cái tư cách của lớp quan lại áo mão xênh xang mà thật ra chỉ là những con bung xung làm gai mắt mọi người:

Cu li đành phận chớ ra oai,

Chuyên chế ăn quen thói cũ hoài.

Quân chủ cờ bay vui trước mắt,

Dân quyền trống đánh chán bên tai.

Bài, Liêm giảo hiểm khoe tài trí

Huề, Thụ thông minh gọi bất tài.

Cấm hết công môn tiền hối lộ,

Ngoài ra Tiềm Để mặc lòng ai. [13]
(Bài, Liêm, Huề, Thụ là tên bốn vị Thượng thư mà Bài tức là ông Nguyễn Hữu Bài người đỡ đầu cho ông Diệm, và Huề tức là ông Thân Trọng Huề, ông ngoại của bà Ngô Đình Nhu).
Trong lớp quan lại già nua đó, người nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Hữu Bài. Nổi tiếng vì ông đã là tay sai đắc lực nhất của hai thế lực Thực Dân lúc bấy giờ. Một là hệ thống cai trị của Pháp, và một là hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp. Ông cũng nổi tiếng vì với tư cách đó, ông lại là vị tể tướng cầm đầu triều chính trong thời gian vua Bảo Đại du học tại Pháp, quả thật ông Nguyễn Hữu Bài là một thứ vua không ngai. Thời bấy giờ, số phận quan lại từ trên xuống dưới đều nằm trong tay ông, đời sống nhân dân cũng nằm trong tay ông qua những chính sách ông đề nghị với chính phủ Bảo Hộ.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Xuân thì ông Nguyễn Hữu Bài có đến 5 đồn điền chung quanh Huế, có đồn điền rộng đến cả 1.000 mẫu ruộng. Phê bình ông Nguyễn Hữu Bài, vị giáo sư đại học Huế đã viết:

Đối với chúng ta, ngày nay có thể công kích Nguyễn Hữu Bài, ông gia của Ngô Đình Khôi và ông gia hụt của Ngô Đình Diệm, cho rằng chỉ là một thứ “bồi Tây” dù ông được liệt vào hạng “Đày vua không Khả, đào mả không Bài”, và những nhàn điền (đồn điền) của ông chỉ theo phương thức bóc lột tư bản Tây phương tàn nhẫn và trong sự thật cũng đáng gọi là tên chủ đồn điền quỷ quyệt [14].
Ngoài ra trong tác phẩm “Hoàng Tử Vĩnh Sang” của sử gia Vũ Ngự Chiêu (tr. 113–114) có trích đăng một lá thư của vua Thành Thái từ Saint Denis gởi về cho vợ, tố cáo Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài – trong cuộc nổi dậy của vua Duy Tân – đã lập kế xúi dục vua Duy Tân bỏ Đại nội ra ngoài Hoàng thành để Tây bắt.
Với một thành tích tay sai đắc lực của hai thứ thực dân như thế, và với sự tích lũy tài sản lớn lao như thế mà lại tự xưng là người có lòng yêu nước yêu vua, dám “đày vua không Khả, đào mả không Bài” thì quả thật là một sự lạ đối với người có hiểu biết về tâm lý tình báo và lý luận chính trị. Còn ông Ngô Đình Khả thì lại là người đã theo đại Việt gian Nguyễn Thân cầm quân đánh phá chiến khu Phan Đình Phùng, đào mả Cụ lên rồi lấy thuốc súng trộn với thi hài Cụ bắn đi cho mất tích (tài liệu của tạp chí Lên Đường số ra mắt, Houston, trong phần phụ lục E). Ngoài ra, qua bức thư gởi cho Toàn quyền Decoux, giám mục Ngô Đình Thục (xem phần phụ lục) xác nhận Cụ Ngô Đình Khả và hai con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm đều là tay sai đắc lực của thực dân Pháp.
Còn trường hợp ông Nguyễn Hữu Bài không ký giấy đào mả vua cần được phân tách kỹ càng hơn. Theo tác phẩm “Hồ sơ Vua Duy Tân” mà cụ Hoàng Trọng Thược, một nhân sĩ người Huế và cũng là một nhà viết sử, thì Nguyễn Hữu Bài là người mà vua Duy Tân không ưa mấy, nhất là lúc ông Nguyễn Hữu Bài cho đào đất tìm vàng trong Đại nội. Vua hỏi:

- Đại nội nầy thuộc về ai rứa thầy?

- Tâu: của Vua.

- Vậy tôi có bảo đào đâu?

- Tâu: vì kho ta thiếu tiền và người Pháp đang đánh nhau với Đức.

- Nước Pháp bị xâm lăng chứ nước ta không bị xâm lăng đó sao?

Nguyễn Hữu Bài vâng đầu bái phục. Song vì tình thế, Ấu Chúa cũng không làm sao ngăn được việc làm của người Pháp.
Đất cấm địa nơi vua đang ở và vua còn sống, mà ông Nguyễn Hữu Bài dám cho đào lên để tìm vàng dâng cho Tây, thì câu “Đày vua không Khả, đào mả không Bài” có còn ý nghĩa là câu truyền tụng để “vinh danh” cho ông Nguyễn Hữu Bài nữa hay không?!
Để những nhà Sử học có thêm tài liệu nghiên cứu về tội làm tay sai cho thực dân Pháp và cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp của ông Nguyễn Hữu Bài và cha con ông Ngô Đình Khả, tôi xin đề nghị quý vị đọc thêm các tác phẩm khác như “Hồ Chí Minh Con Người và Huyền Thoại” của Chính Đạo, như “Hoàng Tử Vĩnh Sang” của Vũ Ngự Chiêu, như “Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí” của Chính Đạo do nhà xuất bản Văn Hóa (Houston, Texas, Hoa Kỳ) phát hành.
Trong kế hoạch trẻ trung hóa triều đình này, vua Bảo Đại đã đồng ý trọng dụng hai nhân vật nổi tiếng là hai ông Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh. Ông Ngô Đình Diệm là một vị Tuần Vũ 32 tuổi của một tỉnh nhỏ (Bình Thuận), được Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài tiến cử giữ chức Thượng thư Bộ Lại đầu triều. Và ông Phạm Quỳnh là một học giả chủ nhiệm báo Nam Phong, nhưng đồng thời cũng là bạn thân của Marty (Giám đốc sở Chính trị của Phủ Toàn quyền), được cử giữ chức Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Ngự tiền văn phòng của Hoàng Đế. Khi chấp nhận hai vị Thượng thư này, rõ ràng trong sự chọn lựa chính trị của vua Bảo Đại, yếu tố “trẻ” không phải là yếu tố quyết định nhất mà chính vì với một Ngô Đình Diệm trung quân, rường mối nhà Nguyễn sẽ vững vàng không lo hậu họa, và với một Phạm Quỳnh thân Pháp, tương quan Pháp Việt sẽ dễ dàng hơn để có thể thực hiện những cải tổ cần thiết. Hai vị đại thần đó sẽ bổ túc cho nhau để giúp cho vua Bảo Đại vận hành triều đình An Nam để có thể thực hiện những cải cách xã hội mà người Pháp đã hứa hẹn với ông.
Nhưng bao nhiêu lời hứa hẹn của thực dân đều như nước chảy qua cầu, dân bị trị vẫn là dân bị trị, vua bù nhìn vẫn là vua bù nhìn. Vua Bảo Đại bất lực bó tay để đi từ bất mãn đến chán nản, Thượng thư Ngô Đình Diệm xin từ quan, việc triều chính nằm trong tay ông Phạm Quỳnh và người Pháp. Do đó, trong thời gian làm vua, ông Bảo Đại chỉ còn biết săn bắn và thể thao, thường sống ở đồn điền Quảng Trị, ở Bạch Mã, Đà Lạt hơn là giam mình trong bốn bức tường thành nội cung với cỏ mọc rêu phong. Từ khi chấp chánh cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945 (ngày Nhật Bản đảo chánh), ông cố giảm thiểu càng ít càng tốt mối ràng buộc với Pháp trong những chính sách thất nhân tâm. Công việc của ông chỉ là công việc tế lễ, như lễ ở Nam Giao, cúng kỵ các tiên vương, ban phát sắc bằng huy chương cho hàng quan lại, còn mọi việc cai trị ông giữ thế mắt đui tai điếc. Thần dân chỉ biết ông Bảo Đại là một vị vua bù nhìn mà có ai hiểu nỗi tâm sự thầm kín của ông đâu.
Ông Bảo Đại làm vua bù nhìn nhưng nếu những ai đã từng sống đồng thời với ông, chịu khó quan sát cảnh ngộ của ông ta đều phải nhận rằng nếu ta ở vào địa vị của ông thì cũng khó thể làm gì được khác hơn. Vua Bảo Đại hoàn toàn bị bao vây kềm kẹp, nhất cử nhất động của ông ta đều bị thực dân theo dõi kiểm soát gắt gao. Họ đặt quan hầu người Pháp bên cạnh, họ lập cho ông một đội lính khố vàng (Ngự Lâm Quân) do viên Đại úy Bond trực tiếp chỉ huy, đóng ngay trong Hoàng thành để canh chừng những hành động chống đối của nhà vua. Họ đặt các vị Thượng thư toàn là tay chân thân tín của họ để ngăn cản vua mưu đồ thực hiện những cuộc cải cách, hay những âm mưu nổi loạn như các vua tiền triều. Thế mà người Pháp vẫn chưa vừa lòng, họ còn đặt những viên cố vấn người Pháp gọi là Hội lý bên cạnh các vị Thượng thư để kiểm soát các vị này, và để triều đình An Nam thi hành cho đúng những chỉ thị do Toàn Quyền và Khâm Sứ ban bố.
Vừa không đủ khả năng và điều kiện nhân tâm cũng như điều kiện hoạt động để phát khởi một cuộc đấu tranh, vừa phải khôn khéo hóa giải những áp lực chính trị có thể làm sụp đổ vĩnh viễn triều đại nhà Nguyễn, vua Bảo Đại chỉ còn hai chọn lựa: hoặc làm một vị vua tay sai mang tội với lịch sử, hoặc làm một vị vua bù nhìn bất lực cho hậu thế chê cười. Và ông đã chọn lựa. Hậu thế chỉ có thể chê cười mà không thể kết ông tội bán nước hay tay sai.
Hãy nhìn vào cuộc hôn nhân của ông Bảo Đại để thấy chính sách cai trị thâm độc và chặt chẽ của thực dân, để nhìn thấy những kế hoạch đường dài và những toan liệu kỹ lưỡng của sự cấu kết giữa chính quyền thực dân Pháp và Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp.
Trong những năm cuối cùng của Bảo Đại ở Pháp vào lúc đã ở tuổi trưởng thành, họ cho một nữ sinh tên là Marie Thérèse Nguyễn Thị Lan, con một nhà phú hộ theo Công giáo là ông Nguyễn Hữu Hào ở Nam Kỳ, đi Pháp du học. Tất nhiên cô Marie Thérèse phải là một tiểu thư dù không hoàn toàn sắc nước hương trời thì vẫn có được cái đẹp kiều diễm đài các để có thể làm rung động trái tim của một nhà vua trẻ đang đến tuổi rạo rực tình yêu đôi lứa. Trong thời kỳ ông Bảo Đại còn bận học hành, họ chưa cho đôi trai tài gái sắc gặp nhau, mà đợi đến khi ông xuống tàu về nước chính thức cầm đầu triều đình, đến khi ông thấy mình đã trưởng thành và có trách nhiệm với quốc dân thì họ mới tổ chức cho Marie Thérèse Nguyễn Thị Lan gặp ông Bảo Đại. Ban đầu họ cho cô Lan lân la gần ông mỗi khi ông đứng một mình trên boong tàu nhìn ngắm sóng nước trùng dương. Cho đến khi hai người đã vượt khỏi giai đoạn khách sáo sơ giao thì họ bắt đầu tổ chức cho đôi uyên ương khắng khít nhau hơn trong những buổi dạ hội trên chuyến tàu xuyên đại dương bất tận.
Chỉ tội nghiệp cho bà Từ Cung Thái Hậu, vì trong lúc con mình ở nơi đất khách quê người thì bà đã lo nghĩ đến tương lai của dòng họ, đã nghĩ đến việc tìm bạn trăm năm cho con. Tại Huế, Bà đã cho dò xét thân thế, phẩm hạnh, sắc đẹp của bao nhiêu tiểu thư khuê các, con những vị đại thần để Bà có thể lựa chọn một nàng dâu cho Hoàng tộc, một Hoàng Hậu tương lai cho nước An Nam. Bà đã chọn được một nữ sinh con một vị đại quan có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bà mẹ của tiểu thư đó cũng sùng mộ đạo Phật như Bà. (Tiểu thư này sau lấy chồng họ Phạm, giáo sư trường Quốc học Huế). Bà chỉ đợi con mình ngự giá hồi loan chính thức điều khiển việc nước là làm lễ thành hôn cho đôi lứa. Cuộc đời của Bà xuất thân từ nơi dân giả, phúc đức cha ông đẩy đưa Bà được tiến cung làm Hoàng Hậu nên Bà cố học hỏi cho thành người đài các chốn vi cung, cố trau dồi đức hạnh cho thành người vợ hiền dâu thảo. Nhưng chẳng may chồng mất sớm, Bà lại chỉ có một mụn con trai nên Bà thiết tha mong cho con trưởng thành để nối nghiệp vua cha và nối dõi tông đường. Vì thế, đối với Bà, việc tìm kiếm một nàng dâu đức hạnh mọi bề là điều quan trọng thiết yếu nhất. Quan trọng vì không phải chỉ thương con mà còn vì danh dự triều đại nhà Nguyễn nữa.
Bà không ngờ rằng trong lúc Bà đang sống những giây phút rộn ràng của bất kỳ một người mẹ nào đang lo chuyện trăm năm cho con thì người Pháp, ở trong những văn phòng của các thế lực giáo quyền và thế quyền, cũng âm thầm thực hiện âm mưu vượt quyền hạn và giết giấc mơ của Bà để cưới vợ cho vua Bảo Đại dựa vào những tiêu chuẩn chính trị của chính sách bảo hộ lâu dài.
Vua Bảo Đại về nước được một thời gian, việc triều chính tạm yên thì vợ chồng ông Charles, người giám hộ, bắt đầu lo chuyện thành hôn cho ông. Vào khoảng cuối năm 1933, ông bà Charles rủ vua Bảo Đại đi Đà Lạt, tại khách sạn Lang Biang huy hoàng tráng lệ, bà Charles dẫn tiểu thư Marie Thérèse chính thức giới thiệu với nhà vua trẻ tuổi trước sự chứng kiến của quan Toàn quyền Pierre Pasquier. Tất nhiên khi đã có phù phép của chúa tể thực dân tại Đông Dương thì cuộc hôn nhân chính trị giữa vua Bảo Đại và cô Nguyễn Thị Lan nhất định phải thành. Nó phải thành trên nỗi đau khổ cay đắng của Bà Từ Cung, của những vị đại thần trong Tôn Nhân Phủ và của cả Hoàng gia. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, triều đình Việt Nam có một vị Hoàng Hậu theo Công giáo La Mã qua sự sắp đặt của các thế lực phương Tây. Sau 400 năm, công tác truyền giáo đạt đến cao điểm bằng sự có mặt của một nữ tín đồ trong chốn thâm cung của triều đình Việt Nam. Và cô Marie Thérèse từ nay được mang danh hiệu là Nam Phương Hoàng Hậu.
Lịch sử đế quốc thực dân Pháp đã cho thấy rằng Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp luôn luôn chủ trương Công giáo hóa Việt Nam, không chỉ là đối với người Việt Nam thuộc hàng dân dã mà chủ yếu là hạng người Việt Nam thuộc đẳng cấp cao nhất của triều đình. Thời Nguyễn Ánh, Pigneau de Béhaine đã khuyến dụ được Hoàng Tử Cảnh, nay đến thời vua Bảo Đại họ đặt một hoàng hậu người Công giáo thì tất nhiên trong tương lai vị vua kế vị ông Bảo Đại cũng sẽ là một ông vua đã được rửa tội từ lúc mới sinh ra để tô bồi cho “la fille ainée de l’Eglise en Extrême Orient” (Trưởng nử cuả Giáo hội tại Viễn đông)
Chẳng thế mà vị đại diện tòa Thánh ở Đông Dương, Đức Khâm Mạng Drapier, đã tôn vinh cuộc hôn nhân Bảo Đại - Nguyễn Thị Lan trong cuốn Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Trong bài đề tựa cuốn sách, sau khi ca ngợi sự bành trướng của đạo Công giáo La Mã trên mảnh đất thuộc địa màu mỡ, Đức Khâm Mạng Drapier huênh hoang viết:

“… Việc kể ra cũng đi theo một thứ tự với lịch sử thế tục vì đời sống của Công giáo đã lẫn với đời sống xã hội Việt Nam từ bốn trăm năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, có hai việc cách nhau hàng trăm năm đã tỏ rằng Công giáo bao giờ cũng “trung thành với đế quốc Việt Nam”(sic). Việc đức giám mục D’Adran giúp nhà Nguyễn và việc đức Bảo Đại phong (?) lên ngôi Hoàng Hậu một thiếu nữ dòng dõi vọng môn Công giáo hồi đầu chiến tranh [15].
Tuy nhiên đây là một cuộc hôn nhân dị giáo trái với giáo luật thời bấy giờ nhưng tại sao Bảo Đại vẫn cưới được Nguyễn Thị Lan. Thì ra thực dân đã có kế hoạch sẵn. Theo cuốn “Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí” của Chính Đạo (tr. 36, 37) thì:

Năm 1934: Lấy Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái một đại điền chủ miền Nam. Vì Thị Lan có đạo Kitô, gây nhiều trở ngại. Ngô Đình Thục cực lực chống đối vì theo đúng phéo đạo Kitô, Bảo Đại phải “rửa tội” rồi mới được thành hôn. Sau đó, Pháp dàn xếp cho một giáo sĩ ngoại quốc bí mật làm lễ cưới theo phép đạo. Như thế Bảo Đại trở thành vua Kitô đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Cũng trong cuốn sách này, Đức Khâm Mạng lại trách móc những phản kháng của người Việt Nam mà đại diện là giới sĩ phu nho sĩ: “Núp mình sau bức thành chữ Nho, các nhà cựu học không thể nhận được Tin Lành Cứu Thế. Các nhà tân học chịu ảnh hưởng một nền giáo hóa thế tục cố tình không muốn biết đến đạo lý Gia Tô”.[16]
Lúc nêu lên hai sự kiện lịch sử của thời Gia Long và thời Bảo Đại, cũng như lúc chê bai giới sĩ phu VN, Đức Khâm Mạng Drapier muốn chứng tỏ một cách công khai rằng quá trình phát triển của Công giáo tại Việt Nam luôn luôn gắn liền với giai cấp triều đình quý tộc ở mức độ cao nhất, và có cả “Thế” lẫn “Lực” mạnh nhất trên đất nước Việt Nam này mà thể hiện rõ ràng nhất (của sự liên tục này) là Thượng thư đầu triều Nguyễn Hữu Bài khi từ chức đã đề cử (và đã được chấp thuận) một vị khác thế mình, ông Ngô Đình Diệm, mà cả hai người, cũ cũng như mới, đều có những liên hệ chặt chẽ trên cả hai mặt đức tin lẫn sự tuân phục với Hội Truyền Giáo Hải Ngoại.
Nói cho đúng, từ khi gặp cô Marie Thérèse trên chuyến tàu hồi hương cho đến tận khi lập thành Hoàng Hậu, ông Bảo Đại không cảm thấy bị ép buộc và tình yêu đôi lứa hẳn phải có sự đồng thuận của cả hai bên. Tuy nhiên, điểm đáng nhấn mạnh ở đây là tình yêu đó được tác thành trong một thủ đoạn chính trị vượt hẳn sự sáng suốt của một người thanh niên đang ngụp lặn trong tình yêu, như Lý Bạch ngày xưa ngây ngất nhảy xuống nước ôm trăng mà không biết mình sẽ vùi thân dưới dòng sông lạnh.
Trường hợp hôn nhân của vua Bảo Đại và cô Marie Thérèse chỉ là một trong rất nhiều hình thái kiểm soát, vận dụng, khai thác một vị vua của các thế lực thế quyền và giáo quyền Pháp. Tôi muốn nêu lên trường hợp đó là để chứng minh rằng ông Bảo Đại dù có muốn cũng không thể làm gì hơn được, dù có lúc ông đã muốn có những cải cách, những vận động để cứu triều đại nhà Nguyễn và cứu chính nước Việt Nam của ông. Trôi nổi trong một hoàn cảnh như thế, sự bất lực chính trị đã biến sự bất mãn thành ra một sự chán nản tâm lý và sinh lý. Ông chỉ còn biết mượn những thú thể thao để khuây khỏa cho phù hợp với thói quen phóng khoáng của cuộc sống Paris mà ông đã bị điều kiện hóa từ ngày ông du học ở Pháp.
Năm 1945, sau khi được tiếp xúc nhiều lần với vua Bảo Đại, học giả Trần Trọng Kim đã có nhận xét: “Vua Bảo Đại thông minh, am hiểu tình hình. Trong thời Bảo hộ của nước Pháp, hình như Ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Ngài có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đứng đắn”[17]. Học giả Trần Trọng Kim quả thật đã mô tả đúng tâm sự của một con người bất đắc dĩ phải làm vua bù nhìn, làm một vị vua không nổi loạn được vì bị kềm kẹp, không làm tay sai được vì lòng yêu nước nồng nàn, và nhất là không tự xử thân mạng được vì trách nhiệm duy trì dòng dõi nhà Nguyễn.
Khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông Bảo Đại đã biết lợi dụng vận hội mới đó để khước từ dĩ vãng đau thương, ông đã tuyên bố Độc Lập cho Việt Nam, xé bỏ mọi hiệp ước liên hệ với nước Pháp, chấm dứt nền đô hộ gần trọn thế kỷ. Có lẽ sẽ có người cho rằng súng đạn và sức mạnh của quân đội Nhật Bản đã giúp cho ông Bảo Đại có lòng yêu nước. Nói thế quả thật tội nghiệp cho ông ta bởi vì ngày 16 tháng 8 năm 1945, khi Nhật Bản sửa soạn đầu hàng Đồng Minh và nước Pháp của De Gaulle đang sửa soạn đổ bộ để tái chiếm Việt Nam, ông vẫn có can đảm và sáng suốt gởi thông điệp cho Tổng thống Truman để nhờ Tổng thống Mỹ gởi lời phản kháng đến Tổng thống De Gaulle:

Hoàng Đế Bảo Đại

Gởi Tổng Thống Truman

Được tin Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Pháp sẽ yết kiến Các hạ để giải quyết tình thế tương lai của Đông Dương, Quả nhân xin tin Các hạ biết rằng các nước Đông Dương đã tuyên bố độc lập và quả quyết giữ vững nền độc lập ấy.

Riêng về phần dân tộc Việt Nam, chúng tôi không coi kiều dân Pháp là kẻ thù, lại trọng nhân mạng và tài sản của họ, nhưng chúng tôi sẽ cực lực phản kháng việc nước Pháp lập lại nền thống trị của họ trên đất nước Việt Nam bất cứ theo một chế độ nào.

Chính sách thực dân nay không hợp thời nữa! Một dân tộc Việt Nam đã có bốn ngàn năm lịch sử và một dĩ vãng vẻ vang không thể chịu ở dưới quyền một dân tộc khác.

Nước Pháp nên cúi đầu theo lẽ công bằng ấy, mà Mỹ quốc là một nước hào hiệp đã từng công khai tuyên bố và bảo vệ điều đó.

Nước Pháp phải vui lòng thừa nhận chân lý đó để tránh khỏi tai vạ và để cho chiến tranh đừng xảy ra trên đất nước chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh vừa kết liễu, dân tộc chúng tôi tuy không tham chiến mà cũng đã chịu bao nhiêu nỗi khổ, nên chúng tôi chỉ mong tham dự vào một cuộc kiến thiết mới: kiến thiết một nền hòa bình với công lý trên toàn thế giới.

Quả nhân nhờ Các hạ chuyển đạt thư này sang quý chính phủ của hai nước Anh Quốc và Trung Hoa.

Bảo Đại
Đồng thời với bức thông điệp gởi cho Tổng Thống Truman, vua Bảo Đại cũng đã gởi cho tướng De Gaulle một bức thư với lời lẽ hết sức nhã nhặn mà cũng vô cùng cứng rắn. Ông báo cho tướng De Gaulle biết là nếu nước Pháp vẫn quyết tái lập nền thuộc địa trên đất nước Việt Nam thì “… dân tộc Việt Nam không muốn và cũng không thể chịu đựng một cuộc đô hộ nào nữa, mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng sự cũ của Pháp sẽ là một kẻ thù…” [18]
Những lời tuyên bố nồng nàn tình yêu nước và sự bày tỏ thái độ quyết liệt đối với Pháp khi quân đội Pháp sắp sửa tái xâm chiếm Việt Nam, đã nói lên quyết tâm của vua Bảo Đại nhất định khước từ quá khứ, dù quá khứ ấy đã được đan bằng những sợi dây liên hệ giữa ông và nước Pháp.
Nhưng chẳng may cho vận nước còn phải chịu cảnh ngửa nghiêng nên toàn dân lại hướng về cuộc kháng chiến của Việt Minh, và thêm vào đó ông Bảo Đại lại không tham quyền cố vị, không luyến tiếc điện ngọc ngai vàng, vui vẻ từ bỏ ngôi báu để tránh cho quốc dân một cuộc huynh đệ tương tàn. Ông đã tuyên bố:

Hạnh phúc của dân Việt Nam,

Độc lập của nước Việt Nam,

Muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố hy sinh tất cả mọi phương diện và cũng vì phương diện ấy, Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải bổ ích cho tổ quốc.

… trong giờ phút nghiêm trọng này, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.

… cho nên mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua 20 năm, mới gần gũi dân được mấy tháng, chưa làm được ích lợi gì cho quốc dân như lòng Trẫm mong muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc gia cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.

… còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân Tự Do của một nước Độc Lập, chứ Trẫm nhất quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa…
(trích một đoạn trong chiếu thoái vị của vua Bảo Đại nhân dịp trao bảo kiếm, ngọc tỷ cho ông Trần Huy Liệu, đại diện Việt Minh tại lầu Ngọ Môn ngày 25 tháng 9 năm 1945)
Chính tấm lòng hy sinh cao cả của vua Bảo Đại, hy sinh quyền uy tối thượng, hy sinh bệ ngọc ngai vàng, hy sinh cả sự nghiệp mấy trăm năm trời của vua chúa nhà Nguyễn mà lúc bấy giờ vào thời điểm quân Pháp đang lăm le tái chiếm Việt Nam, quốc dân đã quên hết cái dĩ vãng 20 năm trời làm vua bù nhìn của vua Bảo Đại để chỉ thấy nơi ông một công dân Vĩnh Thụy đầy lòng yêu nước.
Năm 1946, khi Cựu Hoàng đang thong dong với đời sống tự do của một công dân thì ông Hồ Chí Minh, vì gặp nhiều khó khăn chống đối, nên muốn nhường quyền lại cho ông để ông hứng chịu những hậu quả đen tối của tình thế. Tuy nhiên ông Bảo Đại đã không tham quyền tham danh để bị mắc mưu. Ông kể chuyện này cho ông Phạm Văn Bính nghe khi ông Bính đến gặp ông ở một biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Lúc bấy giờ, ông Bính đang là cộng sự viên của ông Nguyễn Tường Tam và đang hoạt động cho phong trào Ngũ Xã, một phong trào chống Cộng do bác sĩ Phan Quang Đán cầm đầu).

Cựu Hoàng mỉm cười bảo tôi:

Tôi đã nhã nhặn nhưng cương quyết từ chối. Cụ Hồ khôn ngoan quá mức. Một là Cụ thử lòng tôi còn ham chính quyền không, hai là Cụ muốn trút lên đầu tôi những sự khó khăn hiện tại.

Cụ thấy sinh viên, thanh niên và dân chúng biểu tình đòi Việt Minh trả lại chính quyền cho tôi. Cụ làm như Cụ dân chủ tột bực. Cụ biết nội các nào cũng không qua nổi mặt Việt Minh, và một khi nội các Vĩnh Thụy không làm được gì cho quốc dân đồng bào, thì sinh viên, thanh niên đang ủng hộ tôi sẽ chán nản và không còn tín nhiệm tôi nữa.

Tôi đã thoái vị để được hưởng tự do của một người công dân, chẳng lẽ tôi tham một chức Thủ tướng làm bù nhìn cho Cụ Hồ hay sao? [19]
Vai trò Cộng Sản quốc tế của ông Hồ Chí Minh lần lần hiện rõ nên lợi dụng chuyến đi Trùng Khánh, khi trở về, vua Bảo Đại đã ở lại luôn Hồng Kông. Sau đó, theo lời kêu gọi của người Quốc gia, ông đứng ra thương thuyết với đại diện của Pháp, ông Bollaert, Cao ủy của Pháp tại Đông Dương.
Kể về giai đoạn này, ông Đoàn Thêm, một nhà văn nổi tiếng, một cựu Đổng lý Văn phòng của Bộ Phủ Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa, đã viết:

Ngày 15-5-1947 và ngày 10-9-1947 tại Hà Đông, ông Ballaert đọc diễn văn hứa hẹn thừa nhận trên nguyên tắc sự độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Y cũng biết rằng những nhân vật được mời ra hợp tác đều mắc tiếng bị mua chuộc nên không được ủng hộ, nên y kêu gọi tất cả đoàn thể các gia đình tinh thần (famille spirituelle).

Khốn nỗi, các gia đình ấy lại chia rẽ, lục đục, hoặc chưa có dịp xum họp để tìm đường lối chung. Nếu nói chuyện với từng nhà thì chỉ thấy những thành kiến, những ý niệm cố chấp, những quyền lợi tương phản. Vậy phải tìm một nhân vật nào sẵn uy tín, được toàn quốc biết tên tuổi, đứng trên các đảng phái để liên lạc, quy tụ các phe nhóm địa phương rồi chính thức đàm thoại với Pháp. Tất nhiên người đó lại phải có thái độ ôn hòa, có dĩ vãng đáng tin cậy, thực lòng thừa nhận cho Pháp những quyền lợi quan trọng mà Pháp phải huy động toàn lực để duy trì.

Đủ các điều kiện ấy thì ai cũng thấy chỉ có Cựu Hoàng Bảo Đại… Tại Việt Nam, báo Thời Sự của nhóm Nghiêm Xuân Thiện, Trần Trung Dung ở Hà Nội là một trong những tờ báo đầu tiên đưa ra ý kiến thỉnh Cựu Hoàng về nước lãnh đạo quốc gia và để chống Cộng. Rồi nhiều cuộc biểu tình khá lớn đã tiếp diễn như ở Huế ngày 12-8-1947, ở Hà Nội ngày 1-9-1947, và cả ở Sài Gòn để ủng hộ và yêu cầu Cựu Hoàng đứng ra cứu vãn thời cuộc…

Trước sự ủng hộ nồng nhiệt của quốc dân và của mọi giới nhân sĩ, Bảo Đại mới lên tiếng với phóng viên ngoại quốc: “Nếu quả thật quốc dân còn tín nhiệm thì ông sẵn sàng đàm phán với Pháp”. Kế đó, ông nhận lời mời của Bollaert tới gặp Cao ủy tại vịnh Hạ Long (6-12-47) trao đổi ý kiến rồi lại trở về Hương Cảng…

Sau một thời gian trả giá, cuộc thương thuyết ngày 5 tháng 6 năm 1948 đi đến một thỏa thuận: “Bollaert nhân danh chính phủ Pháp long trọng tuyên bố thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp”. Cựu Hoàng xác nhận chính thức hóa việc điều đình với Pháp trên căn bản đó và chính phủ trung ương lâm thời của tướng Nguyễn Văn Xuân ra đời [20].
Mặc dầu đã xác nhận chính thức đứng ra thương thuyết với Pháp, nhưng vua Bảo Đại cũng tự biết những nhược điểm và ưu điểm của mình cho nên ông đã tỏ ra rất khôn ngoan cẩn trọng trong việc đấu tranh cho đất nước. Ông biết người Pháp cần ông ta làm người đối thoại, nhưng ông cũng biết người Pháp sẵn sàng phản bội để quay về thỏa hiệp với lực lượng của ông Hồ Chí Minh. Ông biết chống Cộng Sản là điều tối quan trọng của phe quốc gia, nhưng ông cũng biết phải làm thế nào để thỏa mãn ý nguyện tối thiểu của quốc dân, cho nên sau thỏa ước vịnh Hạ Long, ông tiếp tục ráo riết đấu tranh với Pháp một cách can đảm (bravely) và khôn khéo (skillfully) để tạo cái thế đứng vững chắc cho ông và cho phe quốc gia chống Cộng sau này như Buttinger đã nói rõ [21].
Dù chính phủ Nguyễn Văn Xuân ra đời (27-5-48), vua Bảo Đại vẫn chưa chịu về nước mà tiếp tục kiên nhẫn đấu tranh để đạt cho bằng được hai mục tiêu: thứ nhất là thống nhất ba kỳ mà đặc biệt là sát nhập Nam Kỳ vào cộng đồng quốc gia (là điều kiện mà lực lượng hữu phái của Pháp và “nhóm ly khai Nam Kỳ quốc” vẫn ngoan cố chống đối), và việc thứ hai là nước Pháp phải chính thức thừa nhận nền thống nhất và độc lập của Việt Nam. Ông đi Pháp và qua bao nhiêu vận động khó khăn, cuối cùng, một hiệp ước chính thức ra đời (ký kết ngày 8-3-1949) giữa ông và Tổng thống Pháp Vincent Auriol. Dù vậy, ông vẫn chờ đợi cho việc thống nhất ba kỳ thật sự hoàn thành rồi ngày 13-6-49 ông mới chịu trở về nước và chính thức giữ chức quốc trưởng.
Khách quan nhìn lại khung cảnh phức tạp của lịch sử lúc bấy giờ với hai lực lượng ưu thế nhất đang tranh giành quyền làm chủ nước Việt Nam mà một bên là bộ máy viễn chinh Pháp có binh hùng tướng mạnh, có một tập đoàn tay sai bản xứ trung thành, có một mẫu quốc to lớn yểm trợ… và một bên, lực lượng kháng chiến Việt Nam có đảng Cộng Sản lãnh đạo, có đại đa số quần chúng sẵn lòng hy sinh, có thế lực Cộng Sản quốc tế làm hậu phương lớn… thì, trong cái thế gọng kìm nghiệt ngã đó, nếu không có vua Bảo Đại với ý thức trách nhiệm (dù chưa thật sự toàn vẹn), với khả năng ngoại giao (dù chưa thật sự đủ khôn khéo) để đấu tranh với cả Pháp lẫn Việt Minh để tạo một thế đứng cho phe quốc gia, để khai sinh lá cờ vàng ba sọc đỏ, thì thử hỏi số phận những người chống Cộng sẽ đi về đâu? Vào bưng thì bị Cộng Sản vận dụng, dinh Tề thì trở thành Việt gian, nhắm mắt bịt tai làm kẻ đui điếc thì mang tội hèn nhát với lịch sử trong khi Việt Minh đã giành lấy mất chánh nghĩa dân tộc, trong khi thực dân Pháp đang giành độc quyền chống Cộng để thực hiện chủ trương tái xâm lăng của De Gaulle như lời tuyên bố của ông ta trong bài diễn văn đọc tại Brazzaville (Congo) năm 1944. Cho nên lá cờ chống Cộng của vua Bảo Đại phất lên, cho nên chính quyền Việt Nam (quốc gia) mà vua Bảo Đại là biểu tượng, nếu chỉ thực sự phản ánh đúng đắn mà chưa đầy đủ ước nguyện và vị thế của các lực lượng thì ít nhất, trong giai đoạn đó, cũng đã đặt nền móng và cũng đã phân định biên cương cho sự hiện diện của một lực lượng “đả Cộng chống Pháp” mà, ít nhất trên mặt quốc tế, đã được các cường quốc và tòa thánh La Mã Vatican công nhận.
Nếu cho rằng không có ông Bảo Đại thì cũng sẽ có một nhân vật khác thoát thai từ lực lượng này để điền vào chỗ trống đó của lịch sử, thì xin hỏi nhân vật đó là ai? Những chánh khách thân Pháp ư ? Những chính trị gia trong “gia đình tinh thần” được khối Thiên Chúa giáo quốc tế công nhận ư? Ông Đoàn Thêm đã trả lời rồi nhưng ở đây tôi cũng xin liệt kê thêm một số nhân vật mà lập trường và tư thế có nhiều triển vọng để xem họ có đóng được vai trò lịch sử đó không?
Đó là các lãnh tụ cách mạng, các lãnh tụ đảng phái đã lần lượt bị sa lưới Việt Minh hay đã bị tê liệt chính trị, không còn một phương thế nào tạo nổi một chủ lực, một hậu thuẫn để đương đầu với ông Hồ Chí Minh hoặc với Pháp, hoặc với cả hai. Cụ Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ Việt Cách, các ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, lãnh tụ Việt Quốc, đều đã bỏ sang Tàu khi không chống nổi Việt Minh dù có quân Lư Hán yểm trợ. Lãnh tụ Đại Việt Trương Tử Anh đã bị Việt Minh sát hại ngay tại Hà Nội năm 1946, lãnh tụ Duy Dân Lý Đông A cầm quân kháng Cộng một thời gian ngắn rồi mất tích luôn ở vùng Hòa Bình Bắc Việt. Lãnh tụ Đệ Tứ Quốc Tế, ông Tạ Thu Thâu, bị Việt Minh âm mưu sắp đặt cho dân quân Quảng Ngãi giết trên đường vào Nam. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của lực lượng Hòa Hảo từng tỏ thiện chí hợp tác với Việt Minh cũng bị lừa và bị giết trong chiến khu Nam Bộ năm 1947. Lãnh tụ Cao Đài, ông Nguyễn Văn Sâm, thì bị Việt Minh giết ngay khi họ vừa cướp chính quyền năm 1945. Còn Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, giáo chủ Cao Đài, thì bị Pháp đày ra đảo Comores từ 1940, mới được thả về năm 1946 và vẫn bị Pháp canh chừng. Những trí thức nhân sĩ có thể làm lãnh tụ hàng nhì thì hoặc là đã chạy theo Việt Minh hoặc là giữ thái độ trùm chăn, cầu an, chờ thời. Ngay như ông Ngô Đình Nhu có thù máu với Cộng Sản mà cũng chỉ tìm đường trốn về Thanh Hóa rồi qua Lào để cuối cùng về sống an nhàn ở Đà Lạt, và làm một chính khách xa lông đợi thời. Ông Ngô Đình Diệm, lãnh tụ của phe Công giáo, là người có tên tuổi thế mà sau khi được ông Hồ Chí Minh trả tự do, dù có mối thù không đội trời chung với ông Hồ Chí Minh và Việt Minh, cũng chỉ biết về sống tại Sài Gòn, Đà Lạt, trong vùng Pháp chiếm đóng cho đến cuối năm 1947 mới qua lại Hồng Kông để yết kiến Cựu Hoàng mong chống Cộng bằng giải pháp Bảo Đại. Theo giáo sư Buttinger, thì chính ông Ngô Đình Diệm lần đầu tiên đã đứng chung trên một mặt trận do ông Lê Văn Hoạch thành lập vào năm 1947, gồm nhiều nhân vật Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Quốc, Đại Việt, Công giáo và một số người Phật giáo để ủng hộ vua Bảo Đại. Buttinger lại còn cho biết rằng trước khi Cựu Hoàng Bảo Đại thành công trong việc xây dựng những cơ sở pháp lý và các điều kiện chính trị thuận lợi cho một nước Việt Nam qua thỏa ước Vịnh Hạ Long vào tháng 5 năm 1948, ông đã phái ông Ngô Đình Diệm về Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1948 để thương thuyết trước với Pháp mà ông Diệm không hoàn thành nổi công tác này.
Ngoài các lãnh tụ trên đây còn phải kể đến bác sĩ Phan Quang Đán và Đức Giám mục Lê Hữu Từ.
Trong những năm đói (trước và sau năm Ất Dậu), bác sĩ Đán cầm đầu phong trào khất thực để cứu giúp đồng bào. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông dám ngang nhiên thành lập Phong Trào Ngũ Xã gần hồ Trúc Bạch Hà Nội để chống lại lực lượng võ trang Việt Minh. Phong Trào Ngũ Xã không theo Pháp, không dựa vào quân đội Trung Hoa, chỉ là một phong trào nhân dân chống Cộng. Tờ báo Thiết Thực của Phong Trào đã gây phấn khởi cho nhiều người quốc gia, đã phổ biến vào tận miền Trung. Khi cuộc chiến giữa Việt Minh và Pháp xảy ra vào tháng Chạp năm 1946 thì Phong Trào mới tan rã.
Còn Giám mục Lê Hữu Tư, lúc đầu làm Cố vấn Tôn giáo cho ông Hồ Chí Minh nhưng sau đó đã viết thư luân lưu lên án Việt Minh là Cộng Sản, rồi giữ vùng Phát Diệm trong thế tự trị cho đến ngày Quốc trưởng Bảo Đại về nước cầm quyền năm 1949, ông mới xin sát nhập vùng Phát Diệm vào cộng đồng quốc gia và triệt để ủng hộ Quốc trưởng.
Nêu tên tuổi và trường hợp tất cả các lãnh tụ ra, nhất là trường hợp ông Ngô Đình Diệm, người sau này truất phế vua Bảo Đại, là để chứng minh rằng ông Bảo Đại quả thật là một con cờ, nhưng là một con cờ cần thiết độc nhất cho giai đoạn 1948-1954 không ai thay thế được. Chỉ tiếc rằng con cờ đó đã không được lực lượng quốc gia sử dụng một cách khôn khéo. Nếu không muốn nói rằng ông Bảo Đại là vị cứu tinh cho phe quốc gia trong giai đoạn và bối cảnh đất nước lúc bấy giờ thì ít nhất ông cũng đã có công làm kẻ lót đường cho người quốc gia có đất đứng để tiếp tục cuộc hành trình chống Cộng sau 1954. Vua Bảo Đại đã đóng đúng vai trò cần thiết và bi hùng của ông trong một giai đoạn lịch sử khó khăn đến vậy.
Mặc dù mang tiếng là người thân Pháp, nhưng trong thời gian làm Quốc trưởng, ông vẫn tỏ rõ phong cách và thái độ một lãnh tụ quốc gia. Ông trọng dụng những phần tử cách mạng, các nhân sĩ có thành tích yêu nước, các nhân tài trí thức, ông không phân biệt chia rẽ đảng phái, không kỳ thị tôn giáo. Gia đình của ông không mang tiếng tham nhũng khủng khiếp như các chế độ sau ông. Ông đã tỏ rõ tư thế một vị Quốc trưởng của một quốc gia độc lập, làm cho chính tướng De Lattre De Tassigny vừa là Cao ủy vừa là Tổng Tư lệnh quân đội Pháp, tuy hết sức bất mãn nhưng vẫn kính trọng.
Sau năm năm lãnh đạo quốc gia, ông Bảo Đại đã xây dựng được những gì? Theo ông Đoàn Thêm thì chế độ Bảo Đại đã để lại nhiều thành quả, nhiều định chế mà giá trị vẫn còn được các chế độ sau mặc nhiên thừa nhận, nghĩa là thừa hưởng, và duy trì như:
- Từ 1949, sau khi được một số khá đông cường quốc công nhận, Việt Nam mới bước chân ra chính trường ngoại giao và tuy chưa thể vào Liên Hiệp Quốc vì sự ngăn trở của Nga Sô, nhưng cũng đã được gia nhập vào 35 cơ quan quốc tế.
- Hoa Kỳ đặt phái bộ viện trợ quân sự từ ngày 6-3-50 và ký hiệp ước tương trợ với Việt Nam ngày 7-9-1951, đồng thời viện trợ kinh tế và cứu trợ cho Việt Nam.
- Quân đội quốc gia được thành lập và phát triển mau lẹ: Từ 5 tiểu đoàn (1950) lên 26 tiểu đoàn (1951) và vào năm 1953 gồm 167.000 binh sĩ với 3.500 phụ lực quân. Các cấp chỉ huy được đào tạo tại các trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, khai giảng ngày 5-11-1950, trường Cao Đẳng Võ Bị thành lập ngày 25-6-1950, trường Quân Y ngày 7-8-1950, trường Không Quân ngày 24-6-1951, và Hải Quân ngày 1-1-1952. Các tổ chức khác cũng được thành lập như Tòa Án Quân Sự, Bộ Tổng Tham mưu, nhiều luật lệ quân sự cũng được ban hành như: Quy chế quân đội, chế độ quân dịch, thể thức sát nhập các lực lượng giáo phái vào quân đội quốc gia (10-4-1954).
- Tổ chức Tư Pháp và các tòa án.
- Hành chánh địa phương.
- Giáo dục, Văn hóa: Trường đại học Văn Khoa, Sở Bảo Tồn Cổ Tích, trường Cao Đẳng Sư Phạm, Văn Hóa Nguyệt San.
- Kinh tế, xã hội: Bộ Luật Lao Động, Bộ Luật Cải Cách Điền Địa.
- Các tổ chức chuyên môn: Viện Thống Kê, Việt Nam Thông Tấn Xã, Quốc gia Kiến Ốc Cục và Vé số Kiến Thiết Quốc Gia, Sở Du Lịch Quốc Gia, Công ty Hàng Không Việt Nam, trùng tu Điện Lực Cuộc, trường Quốc Gia Hành Chánh.
- Quy chế Nghiệp Đoàn, Chế độ Bảo vệ quyền phát minh và sáng chế công nghệ, chế độ Phim ảnh và Quay phim.
- Các thiết bị và Quy chế quan trọng: Bảo Quốc Huân Chương, Anh Dũng Bội Tinh, ngày Phụ Nữ Việt Nam, Quy Chế Công Chức Quốc Gia, Quy Chế các Hiệp Hội, Quy Chế Thể Thao, Thanh Niên, Quy Chế Hàng Hải, Chế độ Thuê nhà và quyền lưu cư. Bộ Luật thuế Trực thu và Gián thu.
Ông Đoàn Thêm cho rằng người ta đã vô tình hay hữu ý thổi phồng những khuyết điểm, những thất bại của ông Bảo Đại một cách quá đáng, đã mô tả cuộc đời và sự nghiệp của ông Bảo Đại một cách lố lăng mà không nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của đất nước dưới thời ông Bảo Đại, so với hoàn cảnh dễ dàng hơn của thời ông Ngô Đình Diệm. Thậm chí người ta đã dễ dàng gắn cho Bảo Đại là trụy lạc dâm ô, trong lúc Bảo Đại lấy vợ hầu chỉ là để đền ơn trả nghĩa cho một người đàn bà đã từng giúp đỡ ông trong khi ông đang bôn ba ở Hồng Kông.
Theo ông Đoàn Thêm, người ta chỉ trích vua Bảo Đại mà quên đi công lao to lớn của ông ta. Trước hết, nếu không có vua Bảo Đại thì người Quốc gia chưa chắc đã còn hiện diện trong cuộc tranh chấp Pháp – Cộng, lại nữa, trong lúc đầu, tuy ông chỉ giành được một nền độc lập trong Liên Hiệp Pháp, nhưng trước khi Việt Nam bị chia đôi bởi hiệp ước Genève, ông đã cương quyết đòi cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập và bình đẳng với nước Pháp qua hai Hiệp ước Độc lập (Traité d’Indépendence) và Hiệp ước Liên kết (Traité d’Association). Nhờ hai hiệp ước đó mà ông Ngô Đình Diệm thừa hưởng chủ quyền trọn vẹn trên một nửa đất nước sau này.
Nói tóm lại, sau 8 năm đấu tranh và 5 năm lãnh đạo, vua Bảo Đại đã tạo dựng cho phe quốc gia, phe chống Cộng ba thành quả cơ bản to lớn: (1) Một quốc gia với thế đứng hợp pháp, (2) Một nền độc lập và thống nhất toàn vẹn, (3) Nhiều cơ sở về ngoại giao, hành chánh, kỹ thuật, văn hóa làm nền tảng cần thiết cho sinh hoạt quốc gia.
So sánh hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Diệm, ông Đoàn Thêm sau khi nói về công tội của vua Bảo Đại, đã chê trách ông Diệm nhiều điều mà điều quan trọng nhất là thiếu đạo đức và tài trí để làm một nhà lãnh đạo.
Phê phán những nhà lãnh đạo là một việc làm hết sức tế nhị mà nếu nhầm lẫn thì hậu quả sẽ không những nguy hiểm cho mình mà còn cho hậu thế nữa. Muốn tỏ tấm lòng vô tư và tinh thần khách quan của mình, sau khi nêu lên những sự kiện lịch sử, những dẫn chứng rõ ràng, ông Đoàn Thêm đã đưa ra những phân trần để tránh ngộ nhận: “… Song đối với kẻ đem tâm thành mà tìm hiểu việc nước, thiết nghĩ “bình tĩnh nhận xét” là điều kiện ưu tiên để tới gần sự thật. Nên tôi đã lặng lẽ kiểm điểm một mình công cuộc của ông (Bảo Đại) và của một lớp người, để tự soi sáng cho tôi. Vì đối với bất cứ nhân vật nào, chánh thể nào, tôi không muốn nghĩ ác vì tưởng lầm, hoặc nói ác vì không biết rõ” [22].
Ông Đoàn Thêm là một nhà hành chánh kinh nghiệm và có thực tài, một công chức cao cấp đã từng làm việc với nhiều chế độ từ thời Pháp thuộc, qua chế độ Quốc trưởng Bảo Đại, đến chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông không thuộc một đảng phái nào mà chỉ là một công chức tận tâm và kỷ luật, liêm chính và cương trực, đứng trên những mâu thuẫn phe phái để ghi nhận các biến cố lịch sử. Nhưng quan trọng hơn cả, ông cũng là một nghệ sĩ đa tài, cả văn lẫn thơ lẫn hội họa, vốn là những chất liệu hun đúc nên một tâm hồn luôn luôn đối nghịch với cái gì xấu xa, bất thiện. Tôi không quen biết nhiều ông Đoàn Thêm nhưng vốn có ít nhiều hiểu biết về ông Bảo Đại, về ông Ngô Đình Diệm và đã từng sống và làm việc dưới cả hai chế độ, nên tôi nhận thấy tác phẩm “Những Ngày Chưa Quên” sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai muốn biết về giai đoạn lịch sử 30 năm Việt Nam chiến tranh Quốc Cộng, viết bởi một người quốc gia mang nhiều tâm tư cố tìm hiểu lịch sử. Ông không cố tình bóp méo lịch sử như ông Cao Thế Dung hay bà Margueritte Higgins, ông không lợi dụng viết hồi ký để xuyên tạc và bôi lọ người khác như Linh mục Cao Văn Luận, ông Nhị Lang, ông Nguyễn Văn Chức, ông Nguyễn Trân…
Để tóm tắt lại trường hợp của ông Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, của chế độ quân chủ tại Việt Nam, thì kể từ lúc tức vị (1932) cho đến năm bị truất phế (1955) là 24 năm chịu trách nhiệm trước quốc dân và trước lịch sử, ông Bảo Đại quả thật đã mang đầy đủ vóc dáng của một vị nguyên thủ quốc gia vào lúc mạt vận, nghĩa là có đầy đủ khuyết điểm của một vị lãnh đạo không có thực quyền và không có thực tài để hoán chuyển định mệnh. Nhưng ông cũng có đầy đủ những công lao của một nhân vật lịch sử trong giai đoạn giao thời, là xây dựng cơ sở cho giai đoạn kế tiếp chứ không đạp đổ những nền móng cơ bản để gây xáo trộn cho kẻ thừa kế.
Khi công dân Vĩnh Thụy đứng dậy, ông đã chứng tỏ được lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng dân tộc và tiền đồ tổ quốc. Khi trở thành kẻ thất bại (dù là thất bại trước đối thủ thực dân Pháp hay cựu thần Ngô Đình Diệm) ông vẫn giữ được cái phong thái lãnh đạo trong cách hành xử chững chạc cũng như trong thái độ quân tử an nhàn. Giai đoạn nào thì có nhân vật đó, chỉ khen vua Bảo Đại mà không biết đến tội của ông hay chỉ chê mà không biết đến công của ông thì quả thực bất công. Tôi không có khả năng và cũng không có ý định phê phán ông, nhưng chẳng qua vì muốn bắt chước người xưa, nói thẳng những điều mình biết để đóng góp vào sự thật cho những người làm công việc viết sử sau này mà thôi.
Vì thật ra, có lẽ chính ông Bảo Đại cũng không màng những lời phê phán đó khi mà hoàn cảnh của ông cũng như của đất nước đã là những thảm trạng tột cùng của sự đau khổ.

-o0o-
Song song với nhân vật Bảo Đại trong thời gian đó là nhân vật Ngô Đình Diệm, người từ tư cách là một thần tử của nhà Mạt Nguyễn, với thời thế và nỗ lực, đã đi đến hành động quyết liệt nhất của mối liên hệ vua tôi bằng cách truất phế vị Hoàng đế của mình.
Dòng họ Ngô Đình vốn quê làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và theo đạo Công giáo La Mã từ thế kỷ thứ 17. Trong giai đoạn quân Pháp đánh chiếm Trung Kỳ và Bắc Kỳ (khoảng 1870), khi phong trào Văn Thân nổi lên chống Pháp cứu nước và phát động chiến dịch chống Đạo thì dòng họ Ngô Đình phải bỏ làng Xuân Dục phủ Quảng Ninh mà di cư về làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thủy của cùng tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều làng Công giáo hơn tại Quảng Ninh.
Theo những bô lão ở Quảng Bình thì nội tổ của ông Diệm thuộc vào hàng bần dân khốn khổ. Ký giả Robert Shaplen xác định rõ ràng hơn rằng nội tổ của ông Diệm sinh sống bằng nghề chài lưới [23], cho đến đời thân phụ của ông Diệm là ông Ngô Đình Khả, nhờ quân Pháp đánh chiếm và bình định được tỉnh Quảng Bình, nên liên hệ được với các vị Cố đạo để được các giáo sĩ cho đi học chữ Hán và chữ Pháp tại một trường dòng ở Penang (Mã Lai). Trong đám du học sinh này còn có ông Nguyễn Hữu Bài, người Công giáo quê Quảng Trị, một nhân vật thủ đoạn và có cùng một cảnh ngộ thơ ấu bần hàn như cụ Ngô Đình Khả.
Hai ông Khả và Bài sau khi học xong, được người Pháp đưa về nước và cho làm thông dịch viên ở tòa Khâm sứ Huế. Thời bấy giờ số người Việt nói và viết được tiếng Pháp còn rất hiếm hoi, nhất là ở Trung Kỳ, hai ông lại được Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp đặc biệt nâng đỡ nên đã được các viên chức cai trị Pháp trọng dụng và được triều đình An Nam phong chức tước và phẩm hàm rất mau.
Năm 1885, khi phong trào Cần Vương ở Quảng Bình nổi lên phò vua Hàm Nghi chống Pháp, ông Ngô Đình Khả được quân Pháp và triều đình An Nam cử giữ chức An Phủ Sứ về tỉnh nhà lo việc bình định và chiêu an dưới quyền điều khiển của Đại tá Pháp Duvilllier, ủy viên chính phủ vùng Bắc xứ Trung Kỳ (Commissaire du Gouvernement pour le Nord Annam) [24].
Ông Thái Văn Kiểm chuyên nghiên cứu về phong thổ miền Trung thuộc nhà Nguyễn, năm 1945, lúc đang ở Quảng Bình, thâu thập được một tờ báo cáo viết tay của ông Ngô Đình Khả gởi cho công sứ Pháp Quảng Bình trình bày kết quả của cuộc bình định tỉnh này. Năm 1956, nhân làm việc tại Nha Văn hóa Bộ Giáo dục, ông vào dinh Độc Lập tặng tờ báo cáo đó cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhìn thấy bút tích của thân phụ, ông Diệm mừng lắm, ngỏ lời khen ngợi và cám ơn, ông Diệm còn nói thêm: “Trong việc bình định tỉnh Quảng Bình, thầy tôi không dùng đến quân sự mà chỉ đem theo gạo lên núi chiêu dụ những kẻ chống đối về với chính phủ”. Dù bình định bằng võ lực hay bằng chiêu dụ thì hành động của ông Ngô Đình Khả cũng là làm tay sai cho Pháp trong việc đàn áp Phong Trào Kháng Chiến chống thực dân xâm lăng của dân tộc.
Thật thế, ông Ngô Đình Khả không phải làm tay sai hạng thường mà là thứ tay sai cao cấp của Thực dân. Ông Ngô Đình Khả đã từng làm bộ tướng cho đại Việt gian Nguyễn Thân cầm quân đánh phá chiến khu Phan Đình Phùng. Năm 1944, Giám mục Ngô Đình Thục cũng viết thư cho Toàn quyền Decoux kể lể công lao của cha và cũng gọi nhà anh hùng Phan Đình Phùng là giặc. (Xem thư Ngô Đình Thục gửi cho Toàn quyền Decoux ở phần Phụ Lục). Quả thật tội ác của ông Ngô Đình Khả đối với Dân Tộc không bút nào tả hết.
Năm 1888, vua Đồng Khánh băng hà sau ba năm trị vì ngắn ngủi, người Pháp thành lập Liên Bang Đông Dương (gồm bốn đơn vị hành chánh: Cochinchine, Annam, Tonkin, và Cambodge. Vương quốc Lào được sát nhập sau đó vào năm 1893) để thống nhất các cơ cấu hành chánh, đồng thời áp lực với triều đình An Nam để lập con của ông Dục Đức là Bửu Lân lên làm vua, hiệu là Thành Thái.
Vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi nên triều đình cử hai vị đại thần là Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đáng làm Phụ Chánh. Riêng cụ Ngô Đình Khả, nhờ có công dẹp được các cuộc nổi loạn chống Pháp ở tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, nhờ có liên hệ chặt chẽ với các giới chức Pháp cả bên chính quyền lẫn bên Hội Truyền Giáo, nên được cử vào chức Tổng Quản Cấm Thành (Superintendent du Palais) có lẽ là Lưu Kinh Đại Thần và có ảnh hưởng với vua Thành Thái, đồng thời người Pháp cũng vận động đề cử Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư Bộ Công. Hai nhân vật này dù không xuất thân từ nơi khoa giáp và không thăng chức theo hệ thống quan trường mà vẫn một bước nhảy vọt nắm giữ những chức vụ tối quan trọng với những phẩm hàm cao cấp nhất là vì người Pháp, với sức mạnh toàn quyền trong tay, muốn có những người thân tín là cụ Khả để kiểm soát nhà vua và cụ Bài để kiểm soát triều đình.
Tuy nhiên, trong lúc con đường quan trường của ông Nguyễn Hữu Bài kéo dài cho đến thời già cả (trên 70 tuổi), mà chức vụ cuối cùng là Thượng thư đầu triều hàm Võ Hiển Đại học sĩ, thì công danh của ông Ngô Đình Khả lại nửa đường đứt gánh. Theo Tổng thống Diệm kể lại cho ký giả Shaplen trong một cuộc phỏng vấn dài sáu tiếng đồng hồ tại dinh Gia Long năm 1962, thì thân phụ của ông mất chức vì người Pháp nghi ngờ cụ Khả có liên hệ đến một âm mưu chống Pháp, vì cụ Khả đã chống lại việc người Pháp đã truất phế và đày vua Thành Thái [25]. Nhưng theo bạn của tôi và những vị cựu quan lại, những nhân vật thuộc Nguyễn Phước tộc kể lại, thì việc ông Khả bị mất chức thật ra là vì lúc còn làm Cận thần, ông đã tự động dựng một ngôi giáo đường trong Hoàng thành trái với bầu không khí và màu sắc hoàn toàn Tam giáo nơi cung cấm của nhà Nguyễn, và bất cần những lời phản đối của các vị quan khác và Hoàng gia. Vì thế mà nhân cơ hội vua Thành Thái bị truất phế, triều đình hạch tội ông Ngô Đình Khả đã khinh mạn Hoàng gia, giáng ông xuống ba cấp và cho về hưu non. Thật ra thì vụ xây ngôi giáo đường chỉ là một cái cớ, cái cớ cuối cùng và cụ thể nhất của một chuỗi dài những mâu thuẫn và xung khắc của nhiều thế lực. Nguyên Khâm sứ Trung kỳ lúc bấy giờ là Lévêque, thuộc hội Tam Điểm (Franc–Macon), có khuynh hướng chống sự bành trướng quyền lực của Hội Thánh Công giáo La Mã và cũng thường có thái độ khinh mạn nhà vua và triều đình An Nam. Với tư cách là Khâm sứ Trung kỳ, y có toàn quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định bổ nhiệm, thay đổi hay cách chức các quan lại An Nam [26]. Ông Ngô Đình Khả hội đủ hai yếu tố cho Lévêque khinh ghét: “quan lại” và “Công giáo”, lại không được các bạn đồng liêu bênh vực, nên khi vua Thành Thái bị truất phế ông không còn tư cách gì để làm Cận thần, và Hội Truyền Giáo cũng không đủ sức mạnh để cứu ông khỏi bị Lévêque vận động với một triều đình sẵn sàng đuổi ông về.
Do đó, ngôi giáo đường trong Đại Nội chỉ là cái cớ có thật cuối cùng. Và cũng do đó, tiếng đồn rằng vì “Đày vua không Khả” nên ông Ngô Đình Khả bị mất chức cũng chỉ là tiếng đồn được phóng đại thêm vì rõ ràng chính cụ Nguyễn Hữu Bài, vừa không chịu ký giấy đào mồ vua (Đào mả không Bài), lại vừa công khai bênh vực Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, một hoàng thân quốc thích có khuynh hướng và hành động chống Pháp rõ rệt, mà vẫn thăng quan tiến chức mau lẹ và nắm giữ giềng mối triều đình mấy chục năm trời.
(Tuy nhiên, phải nói thêm rằng quyết định ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để của ông Bài lúc đó, và cả ông Diệm của những năm 40 sau này, chỉ phản ánh chiến lược chính trị của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại muốn phục hồi chi hệ của Hoàng Tử Cảnh, vị hoàng tử đã được Giám mục Pigneau de Béhaine đỡ đầu theo Công giáo La Mã và bị vua Minh Mạng biếm vị từ cả gần thế kỷ rưỡi trước).
Những “tiếng đồn” loại “đày Vua không Khả, đào mả không Bài” nầy cần phải được kiểm chứng bằng những tài liệu khả tín chứ không thể mù quáng tin theo một cách nhẹ dạ được. Cũng như trường hợp Linh mục Trần Lục dưới thời Pháp thuộc được vinh danh là “Nam Tước, Quốc Công”, là “Phúc tinh, anh hùng vang danh bốn bể”, lại được đặt tên cho một trường Trung học dưới thời đệ I Cộng Hòa. Chỉ đến sau này, nhờ tài liệu như cuốn “Những trận đánh Pháp” của học giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, “Thập Giá và Lưỡi Gươm” của Linh mục Trần Tam Tĩnh, ta mới biết rõ Trần Lục là một tên Việt gian đã từng bị cụ Phan Đình Phùng lúc còn làm Tri phủ Yên Khánh, nọc ra đánh tại Phát Diệm. Trần Lục đã cùng với 5.000 giáo dân Phát Diệm, Kẻ Sở, Điền Hộ, Bố Xương giúp quân Pháp đánh phá chiến khu Ba Đình của anh hùng Cần Vương Đinh Công Tráng (xin xem thêm “Hội hè của đồng bào Thiên Chúa giáo” của giáo sư Toan Ánh trong phần Phụ Lục).
Theo cụ Trương Văn Huế, một nhân sĩ lão thành Công giáo tại Phú Cam, nơi gia đình ông Ngô Đình Khả trú ngụ, thì khi bị giáng chức rồi về hưu sớm, cụ Khả thường mặc đồ nâu, quần ống cao ống thấp, chân đi guốc gỗ và thường đến ngồi trước sân nhà thờ Phú Cam, miệng lẩm bẩm chửi bới đích danh các vị quan tại triều. Thái độ hằn học một cách sống sượng với các vị đại thần này phản ánh một tình cảm căm thù vì quyền lợi mất mát, đường tiến thủ bị bế tắc hơn là, và đáng lẽ là, một tình cảm kiêu hãnh vì giữ tấm lòng trung trinh không chịu ... đày ải vị vua của mình.
Khi về hưu, cụ Ngô Đình Khả tạo được một ngôi nhà lầu tại Phú Cam, một cảnh vườn khá rộng và mấy mẫu ruộng ở cánh đồng An Cựu gần thành phố Huế. Cụ Khả có chín người con: 6 trai và 3 gái. Con trai là các ông: Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện. Ba người con gái là các bà Ngô Thị Giao, Ngô Thị Hiệp, thân mẫu của đức cha Nguyễn Văn Thuận, và bà Ngô Thị Hoàng, nhạc mẫu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Trung Dung.

-o0o-
Ông Ngô Đình Diệm sinh tại Huế ngày 3 tháng Giêng năm 1901 (Canh Tý), ra đời khi thân phụ còn làm quan tại triều, nhưng lại trưởng thành khi gia đình không còn được sung túc vì cụ Khả đông con mà lại về hưu sớm. Lớn lên, ông Diệm vào học trường tư thục Công giáo Pellerin tại Huế, đỗ bằng Thành Chung tức là bằng Trung Học Đệ Nhất cấp sau này, rồi thi vào trường Hậu Bổ dưới triều vua Khải Định, một vị vua nổi tiếng Việt gian.
Trường Hậu Bổ là hậu thân của trường Quốc Tử Giám, nơi đào tạo ra ngạch thuộc quan để phục vụ cho Nam triều. Từ thời vua Duy Tân trở về trước, trường Quốc Tử Giám ở Huế còn giữ được ít nhiều truyền thống và thực chất giai đoạn mà định chế này mới được thiết lập lần đầu tiên vào đời vua Lý Nhân Tông (1072–1127) tại kinh thành Thăng Long. Nghĩa là trường được điều khiển bởi một vị đại khoa giáp mang chức Tế Tửu, và sĩ tử cũng là hạng người đã đỗ đạt, khi ra trường sẽ là “dân chi phụ mẫu”. Trái lại, dưới thời vua Khải Định (1916–1925) kể từ năm 1918, trường Hậu Bổ do một viên Công Sứ Pháp được tòa Khâm sứ ủy nhiệm làm hiệu trưởng, dưới quyền viên Công sứ thì có vị Thượng thư Bộ Học (Nam triều), Thủ hiến học chánh Trung Kỳ (người Pháp) và Học chính hội lý (người Pháp) là các hội viên lo việc quản trị và giáo huấn của nhà trường. Nói cách khác, trường Hậu Bổ dưới triều Khải Định đã bị Tây hóa trong tinh thần Bảo Hộ, và không còn cái nho phong của các thời tiền triều mặc dù vẫn còn một số các ông Tú, ông Cử Hán học theo đòi hoạn lộ qua con đường trường Hậu Bổ.
Muốn được vào trường Hậu Bổ thí sinh chỉ cần có học lực ngang cấp tiểu học nhưng phải có trình độ căn bản về Hán học. Thời gian học là ba năm có nghỉ hè, nghỉ lễ theo niên khóa của các trường phổ thông. Khi ra trường, thí sinh phải có trình độ ngang với cấp bằng trung học đệ nhất cấp, ngoại trừ có thêm môn Kinh Nghĩa, thi phú và môn luật bằng Hán văn. (Xem thêm “Văn Hóa nguyệt san” do các học giả Nguyễn Khắc Kham, Thái Văn Kiểm, Bùi Đình San, Nguyễn Văn Ninh biên tập, hiện lưu trữ tại thư viện Sorbonne, Paris).
Đọc trong Tản Đà bát cú bài thơ Thi Hậu Bổ Trượt Kỳ Vấn Đáp của Nguyễn Khắc Hiếu nói về trường Hậu Bổ Nam Định ở Bắc, một trường đào tạo ngạch quan lại đồng thời với trường Hậu Bổ ở Huế, ta sẽ có một khái niệm rõ ràng hơn về giá trị của một ông quan thời vua Khải Định như thế nào:

Hồi Pháp thuộc lập trường Hậu Bổ, trường Nam Định học chữ quốc ngữ, chữ Pháp, qua lớp dự bị thi vào lớp chánh ngạch, học ba năm ra làm quan. Những người muốn đỗ phải đút lót mới được. Tản Đà tiên sinh vì không có tiền lo lót nên làm ra bài thơ sau đây:


THI HẬU BỔ TRƯỢT KỲ VẤN ĐÁP

Mỗi năm Hậu Bổ một kỳ thi,

Năm ngoái năm xưa tớ cũng đi,

Cử, Tú, Ấm sinh vài chục kẻ,

Tây, Ta, Quốc ngữ bốn năm kỳ.

Đĩa, nghiên, lọ mực, bìa bao sách,

Thước kẻ, đinh găm, ngọn viết chì.

Lại đến o-ran là bước khó,

Mình ơi! Ta bảo có thì đi.
Rõ ràng vua Khải Định, một ông vua nổi tiếng Việt gian, đã cùng với thực dân Pháp trong buổi giao thời Hán–Việt Tây–Ta lẫn lộn, cải đổi trường Quốc Tử Giám, nơi đào tạo quan trường theo tinh thần “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”của đạo lý Khổng Mạnh thành ra trường Hậu Bổ, nơi khai sinh một lớp người thừa hành của Nam triều để phục vụ cho bộ máy cai trị của chế độ bảo hộ Pháp. Từ thời đó cho đến ngày tàn của thực dân vào năm 1945, việc thăng quan tiến chức của một ông quan An Nam tùy thuộc vào ba yếu tố: Thứ nhất là phải có lòng trung thành tuyệt đối với mẫu quốc Pháp, lập được nhiều công trạng cho chế độ Bảo Hộ. Thứ hai là phải có liên hệ thân thiết với nhà vua và các vị đại thần. Thứ ba là phải có tiền lo lót cho cấp trên. Lịch sử còn cho thấy dưới triều vua Khải Định có nhiều ông quan dâng vợ dâng con gái cho quan Tây để mau lên chức, mau làm quan to.
Lẽ dĩ nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt mà một vị quan, dù ở bậc Thượng thư hay chỉ có hàm Cửu phẩm, thu đạt được địa vị của mình không nhờ ba yếu tố kể trên mà nhờ chính thực tài và sự ngay thẳng của mình. Tuy nhiên, biệt lệ này quả thật hiếm hoi.
Ông Ngô Đình Diệm xuất thân từ trường Hậu Bổ đó và được bổ làm quan dưới triều Khải Định. Cụ Tôn Thất Toại, vị Thượng thư trí sĩ bạn vong niên của kẻ viết, từng hoạt động hăng hái cho Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ở Nha Trang và là cựu Dân biểu khóa I thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cho biết rằng Cụ và hai ông Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm vốn là bạn chí thân cùng học ở trường Pellerin và trường Hậu Bổ. Nhưng khi học xong thì tất cả các sĩ tử chỉ được bổ vào các ngạch tập sự, riêng một mình ông Diệm là được bổ ngay vào chức Tri huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Trong ngạch quan lại thời đó, mỗi chức vụ phải qua ba bốn cấp, mỗi cấp phải có ít nhất ba năm thâm niên, thế mà ông Diệm lại thăng quan tiến chức mau như diều gặp gió, một đặc cách vượt bực không ai có trừ những nhân vật làm quan tắt như ông Phạm Quỳnh chẳng hạn. Năm 23 tuổi, ông Diệm làm tri huyện Quảng Điền (Thừa Thiên), lên tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị), lên Quản Đạo Ninh Thuận (tỉnh trưởng hạng nhỏ), lên Tuần Vũ Bình Thuận (tỉnh trưởng hạng trung). Năm 1933, lúc ông mới 32 tuổi, được thăng lên Thượng thư Bộ Lại, nghĩa là chức vụ đầu triều đứng trên hết hàng quan lại An Nam. Chỉ trong vòng mười năm mà ông Diệm vượt hết mọi nấc thang hoạn lộ, việc mà những quan lại khác phải mất ít nhất là 30 năm trời. Ông Diệm chưa bao giờ ra Hà Nội học trường Luật hay trường Quốc Gia Hành Chánh như văn phòng báo chí phủ Tổng Thống đã đưa ra để huyễn hoặc một số ký giả Việt Nam và ngoại quốc lầm lẫn ghi vào sách báo của họ. Tuy nhiên, ông Diệm là một ông quan nổi tiếng cần mẫn thanh liêm.
Thời làm quan huyện quan tỉnh, ông bận áo gấm đội nón chóp đeo bài ngà, mỗi lần đi hành hạt thường cỡi ngựa để về các làng quê. Ông vừa là quan cai trị vừa là quan Tư pháp, vừa làm nhiệm vụ cảnh sát giữ gìn trật tự an ninh cho địa phương do ông cầm đầu dưới sự giám sát của quan công sứ Pháp và theo chánh sách của chế độ bảo hộ Pháp. Nhiệm vụ đặc biệt của ông quan huyện tỉnh lúc bấy giờ là đốc thúc dân chúng trong việc nạp thuế má và ngồi ở công đường xét xử các vụ kiện cáo của dân trong quản hạt. Thời làm quan, ông Diệm đặc biệt có tài khám phá nhiều tổ Cộng Sản hoạt động bí mật nên được chính phủ Bảo Hộ rất tín nhiệm, do đó mà mới 29 tuổi ông đã được thăng lên chức Tuần Vũ Bình Thuận và sau đó ông thăng chức Thượng Thư Bộ Lại như đã nói trên kia.
Nhưng trong lúc ông Diệm là một vị quan lại thanh liêm thì người anh ruột là ông Ngô Đình Khôi làm Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam, một tỉnh lớn thứ hai của triều đình An Nam, của xứ Trung Kỳ, lại là một vị quan mang tiếng tham quan ô lại và có tác phong bê bối. Dư luận còn nói rằng ông Khôi tằng tịu với vợ con thuộc cấp. Dư luận còn nói rằng sở dĩ ông Khôi thích ăn hối lộ, kể cả những món tiền rất nhỏ, vì ông rất cần tiền để gởi cho hai người em ăn học ở Pháp. Những dư luận trên đây vẫn còn được các bậc cao niên quê tỉnh Quảng Nam hiện nay ở hải ngoại kể lại mỗi khi nhắc đến chuyện xưa cũ nơi quê nhà… Ông Ngô Đình Cẩn, thời ông Diệm chưa cầm chính quyền cai trị miền Nam, có kể lại cho chúng tôi nghe rằng sau khi từ chức Thượng Thư Bộ Lại, ông Diệm thường vào Quảng Nam ở chơi với ông Ngô Đình Khôi, có lần thấy tư cách bất chính của anh mình ông giận lắm, bèn đi bộ từ Hội An ra Đà Nẵng (40 cây số) lấy tàu hỏa để về Huế rồi gửi thư trách móc anh mình thiếu tác phong của một bậc “dân chi phụ mẫu”.
Việc thăng quan tiến chức vượt bực của anh em nhà họ Ngô Đình làm cho giới quan trường vừa ganh tức vừa khinh bỉ. Họ làm thơ để chế giễu “vây cánh” nhà Ngô sở dĩ tiến mau trên đường lợi danh là chỉ nhờ thế thần vây cánh:

LÀM QUAN NAM TRIỀU

Lênh đênh chiếc bách buổi ba đào,

Chèo lái xem chừng khó biết bao.

Tôi tớ mấy người dâng lễ hậu,

Quan thầy mấy kẻ nặng hầu bao.

Chật trong bể hoạn thêm mình nữa,

Theo hết rừng “Hàn” biết kiếp nao.

Vây cánh Ngô Đình ghê gớm thật,

Mềm lưng dẻo gối chóng lên cao.
(ghi chú: “rừng Hàn” là hệ thống phẩm trật “Hàn Lâm” trong ngạch văn giai của quan lại Nam triều).[27]
Những ai đã từng chịu khó theo dõi không khí và khung cảnh quan trường thời Mạt Nguyễn đều biết rằng tất cả các hàng quan lại, nhất là hàng quan cao cấp từ Tuần Vũ trở lên, không mấy ai thân yêu kính phục anh em nhà họ Ngô Đình. Thời bấy giờ, những dòng họ có người làm quan to như họ Phạm, họ Võ, họ Thân Trọng, Hồ Đắc, Trương Như, Nguyễn Khoa, Tôn Thất… đều coi anh em nhà họ Ngô Đình như người xa lạ, nếu không muốn nói là như kẻ thù. Sở dĩ có tình trạng đó là vì dòng họ Ngô Đình vừa theo đạo Thiên Chúa vừa không xuất thân từ hàng khoa giáp, không có trình độ học vấn cao mà chỉ dựa vào thế lực của các cố đạo và các quan cai trị Pháp để được thăng thưởng mau lẹ. Đã thế, vì anh em họ Ngô lại khép kín, cao ngạo, nên rất tự nhiên mà giới quan lại ngấm ngầm chia rẽ ra hai phe, phe Phật giáo và phe Công giáo.
Nếu tổng hợp sự kiện cụ Khả bị triều đình cách chức cho về hưu sớm, sự kiện có những bài thơ phổ biến trong nhân gian để chế giễu “phe” Ngô Đình, với lời phê phán của giáo sư Nguyễn Văn Xuân về tính thâm hiểm của cụ Bài, và nhận định của Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí về con người “thâm” của ông Ngô Đình Diệm [28] ta có thể hình dung ra được nếp sống cách biệt với lề lối hành xử thiếu giao cảm của nhà Ngô Đình, cũng như tình cảm nghi kỵ và ganh ghét của các bạn đồng liêu lúc bấy giờ.
Sở dĩ bước đường công danh của anh em ông Diệm ông Khôi thênh thang dễ dàng và thăng tiến mau lẹ là nhờ vào cột trụ Nguyễn Hữu Bài, vị tể tướng đứng đầu triều đình An Nam, người đã được thực dân Pháp hun đúc từ ngày mới đi học ở trường đạo Penang về, từ thời còn là thông ngôn ở tòa Khâm sứ Huế. Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài lại còn là nhạc phụ của ông Ngô Đình Khôi và là người đỡ đầu cho ông Ngô Đình Diệm. Chỉ có vị quan đầu triều thế lực tột đỉnh như Nguyễn Hữu Bài, người nắm toàn quyền giềng mối triều đình An Nam trong lúc vua Bảo Đại còn bận du học ở Pháp, mới có đủ quyền lực hóa phép cho ông Diệm mang đôi hia bảy dặm trên con đường hoạn lộ, để chỉ trong 10 năm mà từ Tri Huyện lên đến chức Thượng Thư. Cũng chỉ có Nguyễn Hữu Bài mới có đủ uy thế để tiến cử ông Diệm với Bảo Đại làm Thượng Thư Bộ Lại thay thế mình về hưu, dù ông Diệm tuổi còn rất trẻ, dù ông Diệm mới chỉ là Tuần Vũ một tỉnh nhỏ. Cái gì đã tạo cho ông Nguyễn Hữu Bài uy quyền và sức mạnh để khuynh loát triều đình An Nam lúc bấy giờ? Cái gì đã cho phép ông Nguyễn Hữu Bài một bước nhảy vọt lên làm Thượng Thư đầu triều, quán xuyến mọi sinh hoạt triều chính để có thể đạp mọi thủ tục mà nâng người này lên hay đè người khác xuống, trong khi khả năng thực sự và quá trình đóng góp cho triều đình của ông không đáng kể? Câu trả lời mà nhiều người biết gồm hai phần: Phần thứ nhất là cái trạng huống chung của đất nước thời Bảo Hộ mà định chế được gọi là “triều đình” chỉ là một cơ quan bất lực và vô quyền, ai có sức mạnh thì thao túng được. Và phần thứ hai là chính Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp đã trao cho Nguyễn Hữu Bài cái sức mạnh vô địch của giáo quyền phối hợp với thế quyền của kẻ chiến thắng để, xuyên qua lá bài này, tiến hành chính sách Công giáo hóa Việt Nam (gli affari publici).

Lịch sử Hội Truyền Giáo Hải Ngoại gắn liền với lịch sử bành trướng của Pháp ở Đông Dương. Một sáng lập viên của Hội, Giáo sĩ Pallu, đã làm gạch nối giữa hai triều đình Pháp-Việt. Giáo sĩ Pigneau de Béhaine sau đó thắt chặt thêm sợi dây liên hệ: sự can thiệp của những thành viên của Hội đưa đến cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Việt Nam.[29]
Nếu từ thế kỷ thứ tư, lịch sử Giáo Hội La Mã đã có những vị Giáo hoàng như Silvester cấu kết với Hoàng đế Constantine để xây dựng Giáo hội (năm 314) [30], đã có những Giáo hoàng như Léo khi chết để lại một chúc thư (năm 461) rằng “Hội Thánh Công giáo thì bất phân ly với đế quốc La Mã và khi tốt cũng như khi xấu, chính là đế quốc La Mã[31]… thì Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp, trong giai đoạn của một chính quyền Pháp còn sống với những ảo tưởng vàng son của một đế quốc oai hùng xa xưa, cũng đã hành xử với đầy đủ uy lực trên mảnh đất Việt Nam nghèo nàn xa xăm để phối hợp chặt chẽ chính sách thực dân (chính trị) với chính sách truyền giáo (tôn giáo).
Hãy đọc bản báo cáo của toàn quyền Beau gởi trình cho chính phủ Pháp nhân dịp tìm người kế vị vua Thành Thái thì đủ thấy thế lực của ông Nguyễn Hữu Bài, dù chỉ là một con cờ ủy nhiệm bản xứ, nhưng cũng đã mạnh như thế nào:

… Ngày 3 tháng 9 năm 1907, tôi đến Huế để chứng kiến lễ thoái vị của vua Thành Thái. Viên chánh văn phòng của tôi liền đi thăm các quan đại thần của triều đình Huế để dò la cho biết tư tưởng của họ đối với thời cuộc. Các vị này đều công kích kịch liệt tất cả các nhân vật đưa ra, nhưng họ thận trọng không đề nghị một ai cả, chỉ cùng thốt câu sáo ngữ: “Chúng tôi sẽ đồng ý và hoan nghênh bất kỳ một ông vua nào mà chính phủ Bảo hộ tuyển chọn”.

Riêng có Nguyễn Hữu Bài, Công bộ Thượng Thư, có nói đến cái tên Cường Để và tỏ thái độ thẳng thắn ủng hộ. Ông ta làm tôi lưu ý vì ông có đạo Thiên Chúa, ý kiến của ông có thể được đoàn thể thế lực ấy tán đồng [32].
Nếu “ý kiến của ông có thể được Hội Truyền giáo tán đồng” thì điều chắc chắn là ý kiến của Hội Truyền giáo cũng sẽ được phản ánh qua lập trường và hành động của ông Nguyễn Hữu Bài, mà chính quyền bảo hộ Pháp cần lưu tâm đến.
Thế lực Hội Truyền giáo mạnh mẽ như thế để cho ta thấy rõ vì sao khi mà ông Nguyễn Hữu Bài đã muốn là có thể xây dựng được uy thế cho một Ngô Đình Diệm từ thời ông Diệm còn là một sinh viên trường Hậu Bổ, vì sao vua Bảo Đại phải chấp nhận cho ông Ngô Đình Diệm làm Thượng Thư Bộ Lại, và vì sao Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp khi đã muốn là có thể sắp đặt được để có một bà Hoàng Hậu theo Công giáo.
Về triều giữ chức Thượng Thư Bộ Lại, ông Diệm đòi hỏi người Pháp phải thực hiện những cải cách xã hội như họ đã hứa với vua Bảo Đại. Những cải cách xã hội đại để gồm có những mục như:
- Triều đình An Nam có toàn quyền bổ báo, thưởng phạt trong vấn đề nhân sự của Nam triều.
- Triều đình An Nam có ngân sách riêng, có tài chánh riêng, tư pháp riêng.
- Mở rộng nền giáo dục.
- Thiết lập Viện Dân Biểu.
- Người Pháp phải thực thi đứng đắn Hòa Ước 1884, nghĩa là Hòa Ước vẫn còn để cho Triều đình An Nam (Trung kỳ) một ít quyền hành nội bộ, dù Hòa Ước vẫn công nhận nền Bảo Hộ Pháp là điều kiện chính yếu.
Điều cần phải nói rõ là những dự định cải cách trên đây là do vua Bảo Đại đòi hỏi khi ông mới về nước và đã được người Pháp hứa hẹn. Những dự định cải cách này cũng đã được ông Phạm Quỳnh, nguyên chủ bút báo Nam Phong, đề nghị từ năm 1931 khi vua Bảo Đại chưa hồi loan. Ông Phạm Quỳnh còn đi xa hơn là đòi hỏi việc sát nhập Bắc kỳ và Trung kỳ, vốn là hai xứ Bảo hộ riêng biệt, thành một vương quốc có hiến pháp hẳn hòi, nghĩa là chủ trương một nước Việt Nam theo chế độ quân chủ lập hiến tự trị trong một Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp [33].
Còn ông Diệm thì vẫn trung thành với chính sách của người Pháp từ ngày ông làm Tri Huyện cho lên đến chức Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận. Cho đến khi được vua Bảo Đại cử làm Thượng Thư Bộ Lại và được chỉ định cầm đầu “Ủy Ban Cải Cách”, ông mới đòi hỏi việc thi hành những cải cách mà người Pháp đã hứa với nhà vua.
Nhưng ông Diệm gặp phải phản ứng quyết liệt của ông Phạm Quỳnh, người của Sở Chính Trị Pháp (Service Civil). Ông thất bại trong việc tranh chấp với ông Quỳnh nên chỉ làm Thượng thư Bộ Lại được 4 tháng thì phải xin từ chức.
Để giải thích sự tranh chấp có vẻ khó hiểu của hai vị Thượng thư cùng được đỡ đầu và bảo vệ từ một nguồn thế lực là Pháp, ta cần phải thấy rõ bản chất thật sự của sự cấu kết giữa Hội Truyền Giáo Hải Ngoại và chính quyền thực dân Pháp. Sự cấu kết đó dựa trên căn bản hỗ tương quyền lợi và quân phân trách nhiệm: Thực dân Pháp phải núp đàng sau những chiếc áo chùng thâm mới có được cái chính nghĩa “nhiệm vụ khai hóa” (mission civilisatrice); các tu sĩ Thiên Chúa giáo phải được che chở bằng súng đạn của bộ máy xâm lược mới bình định được các cuộc chống ngoại xâm bản xứ để rao truyền đức tin của Chúa Kitô. Đó là quyền lợi hỗ tương giữa Giáo truyền và Thế quyền mà lịch sử Giáo hội La Mã và đế quốc La Mã đã tiến hành từ thế kỷ thứ 4 và hiện vẫn còn là mối đe dọa lớn cho sự sinh tồn của Giáo hội, và chính Đức Giáo Hoàng John Paul II vào năm 1978 đã phải lên tiếng cảnh cáo rằng “khói lửa của quỷ Satan đã tràn vào Giáo hội[34]. Tuy nhiên, trong tiến trình cấu kết này, vấn đề quân phân trách nhiệm không phải lúc nào cũng minh bạch và được tôn trọng, Giáo hội đã có lúc vượt hạn chế để hành xử thế quyền cũng như các đế quốc cũng đã có lúc uy hiếp Giáo hội để khuynh loát giáo quyền.
Những va chạm dễ hiểu đó đã chạy dài suốt quá trình phát triển của Giáo hội La Mã và các đế quốc Địa Trung Hải, và ở một kích thước nhỏ hơn nhưng rõ rệt hơn, đã thể hiện rõ ràng trong cuộc xâm thực văn hóa–chính trị trên đất nước ta trong những triều đại nhà Nguyễn. Ví dụ hiển nhiên nhất là chính sách ngu dân của Pháp tìm đủ mọi cách để duy trì và khuyến khích các truyền thống và hình thái cổ tục của dân ta, trong khi các vị truyền đạo lại tìm đủ mọi cách để đả phá và bài trừ những tục lệ cổ truyền đó của văn hóa dân tộc để dễ dàng len lỏi giáo lý Thiên Chúa giáo vào tín ngưỡng dân ta.
Chính Giám mục Puginier đã chủ trương trong 30 năm phải thực hiện cho xong công cuộc Công giáo hóa toàn bộ Bắc kỳ để biến miền này thành một tỉnh quận của Pháp gồm toàn người Việt theo đạo Công giáo, trong khi đó thì Toàn quyền Đông Dương Lanessan lại tìm cách gây cảm tình với người Việt, đối đãi với người Việt theo lễ phép và phong tục địa phương, nhiều khi còn long trọng đến dự lễ khánh thành các chùa đền, lăng miếu. Chính sách của Lanessan đã làm cho các giáo đoàn e sợ, vì thế giáo đoàn phải vận động để Lanessan bị mất chức và bị triệu hồi về Pháp.
Vì các viên chức cai trị Pháp ở Đông Dương không thể chịu đựng mãi sự thao túng của các vị cố đạo, nên nhân dịp triều đình An Nam chỉnh đốn nội bộ lúc vua trẻ Bảo Đại mới về nước, họ bèn đặt ông Phạm Quỳnh là người thân tín của họ vào để cản trở những kế hoạch của Hội Truyền giáo mà ông Ngô Đình Diệm là đại diện. Trong cuộc tranh chấp này, Sở Chính Trị không những chỉ phải lo đối phó với ông Ngô Đình Diệm mà còn muốn nắm vững bà Nam Phương Hoàng Hậu vốn cũng là con bài của Hội Truyền Giáo, họ bèn đặt cạnh bà một người thân tín khác của họ làm bí thư, đó là ông Nguyễn Tiến Lãng, một người của toàn quyền Robin. Thật ra, không phải chỉ vì không đòi hỏi được những cải cách mà ông Diệm xin từ chức ngay, chứng cớ là hơn mười năm làm quan Huyện quan Tỉnh, ông vẫn thi hành chính sách của người Pháp một cách yên lặng. Đã vậy, trong các cuộc tranh luận công khai, ông Diệm lại bị đàn áp về lý luận cũng như về ngôn ngữ trước tài hùng biện và kiến thức uyên bác của một Phạm Quỳnh vừa là nhà báo vừa là học giả lại kém phẩm hàm hơn ông. Theo dõi cuộc đời chính trị của ông Diệm, ta thấy số mạng đã an bài cho ông luôn luôn nắm giữ những chức vụ chỉ huy, an định ở những vị trí lãnh đạo. Làm quan triều Nguyễn hai đời vua, ông không hề giữ những chức vụ thừa hành ở các Viện hay các Bộ mà chỉ làm Tri Huyện, Tri Phủ, Quản Đạo, Tuần Vũ rồi cuối cùng là làm một vị Thượng Thư giang sơn một cõi. Sau này, thì làm Thủ tướng toàn quyền cho một vị vua biệt xứ để rồi cuối cùng trở thành một vị Tổng thống mà không bị Tư pháp và Lập pháp phân quyền hoặc kiểm quyền. Quan niệm lãnh đạo của ông Diệm là luôn luôn đòi cho được toàn quyền dù khả năng không đủ để cáng đáng, dù tình hình phức tạp khó khăn đòi hỏi một sự tản quyền và phân quyền hợp lý.
Thời làm Thủ tướng (1954–55), ông Diệm đòi Bảo Đại trao cho ông toàn quyền và thề sẽ bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn dù sau đó trở nên lúng túng và tê liệt, đành phải bỏ rơi Bắc Việt. Trước đó, thời làm Thượng Thư Bộ Lại (1933), ông cũng đã đòi toàn quyền để cải cách xã hội mà không biết rằng những cải cách đó, nếu thực hiện được, chỉ làm đẹp thêm vai trò thực dân và làm mạnh thêm vị trí bảo hộ của người Pháp tại Việt Nam. Huống gì là người của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp, ông làm sao đi ngược lại được chính sách thực dân của Hội, làm sao lên án và tiêu trừ được những hành vi áp bức quá khích của các vị cố đạo đối với lương dân.
Trong Việt Nam Pháp Thuộc Sử của giáo sư Phan Khoang, trong Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam của giáo sư Tạ Chí Đại Trường, trong rất nhiều lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu, ta đã biết rõ ràng và đầy đủ việc các vị Cố đạo dựa vào bạo lực của quân đội viễn chinh Pháp để bênh vực con chiên mà áp bức người lương [35]. Ở đây, tôi xin dẫn chứng thêm nhận định của học giả Đào Trinh Nhất khi phê phán những tệ hại do các Cố đạo gây ra:

… Thật thế, các ông ấy giảng đạo, song nếu “con chiên” có chuyện gì kiện cáo với lương dân, tức thời các ông mang bộ “áo dài thâm” vào rồi thân hành lên quan Phủ, quan Huyện kêu nài, và dọa nạt quan Phủ, quan Huyện phải xử cho con chiên được kiện. Nếu quan không bênh vực theo ý muốn của các ông thì các ông hăm dọa lên nói với quan Công sứ tìm cách ám hại. Các ông cố đạo gọi dân đến dụ dỗ, hễ đứa nào chịu theo Đạo thì lãnh sáu đồng bạc. Những đứa đã ngửa tay lấy tiền để đi Đạo thì còn có ra hồn gì đâu. Lấy tiền xong chúng về làng dọa nạt anh em đồng bào mình: “Bây liệu hồn, chúng tao đây đã có Tây đỡ đầu, nếu bây dám chửi tao, gây gổ với tao là tao nướng xác của bây và lấy hết của cải của bây”. Đêm tối, chúng nó chụm lửa tự đốt tiêu nhà tranh vách nát của chúng để rồi la làng giá họa vu oan cho bọn Văn Thân, bọn dân lương. Thế là chúng vừa lấy được tiền của nhà nước mà bọn lương dân kia thì phải tù tội [36].
Với một tình trạng xã hội “quan tha ma bắt” như thế, với một triều đình bạc nhược thối nát như thế, thử hỏi ông Diệm dù có đòi hỏi thật sự thì làm sao ông có thể thực hiện những cải cách được. Dưới thời Cộng Hòa, là một Tổng thống toàn quyền mà ông còn để cho các Linh mục và nhóm Cần Lao khủng bố áp bức lương dân thì dưới thời Pháp thuộc, ông làm sao có thể chống lại chính sách của Hội Truyền giáo và chống lại cái bổn phận tông đồ của ông, khi chính ông là một vị quan tay sai của Pháp, tay chân của Giáo Hội. Cho nên năm 1933, dù người Pháp có để cho ông Diệm thực hiện những cuộc cải cách thì ông Diệm cũng chỉ làm được công việc tô vẽ cho chiếc lồng đẹp đẽ hơn, nặn đúc cho cái chậu rộng lớn hơn, nhưng dân Việt Nam vẫn là thứ dân cá chậu chim lồng, thứ dân bị ru ngủ để thực dân Pháp củng cố và kéo dài nền đô hộ. Dưới thời quân Nhật chiếm đóng (1941-45), Toàn quyền Decoux vì sợ dân ngã theo Nhật Bản đã đưa ra nhiều cải cách rộng lớn như mở viện “Nhân Dân đại biểu”, như bình đẳng hóa nhiều ngạch công chức Pháp–Việt, ngạch sĩ quan Pháp–Việt, như mở thêm trường đại học… Thế mà chính phủ Bảo Hộ vẫn vững vàng, dân Việt Nam vẫn là dân thuộc địa cho đến khi có cuộc cách mạng của chính dân Việt nổi lên thì mới thực sự được giải thoát khỏi gông cùm.
Như vậy, việc ông Diệm từ chức Thượng thư rõ ràng phần lớn là do áp lực của người Pháp và Phạm Quỳnh. Riêng Bảo Đại, khi cho thu hồi bằng sắc, huy chương của ông Diệm chẳng qua cũng chỉ như ông Diệm, nghĩa là vì áp lực của thực dân mà chính vua Bảo Đại, trong công việc này, cũng tỏ ra bất mãn với người Pháp, tỏ ra luyến tiếc sự ra đi của một trung thần mà dòng họ đã ba đời khuông phò nhà Nguyễn, mà thế hệ anh em ông Diệm đã là thần tử tận tụy với tiên vương. Thế mà sau khi từ chức, ông Diệm lại phò Cường Để với ý đồ nhờ quân đội Nhật Bản lật đổ ngai vàng của Bảo Đại. Trước sự phản bội của ông Diệm, vua Bảo Đại vẫn không thù oán, vẫn nhớ đến kẻ cựu thần, hai lần đánh điện vào Sài Gòn mời ông Diệm về lập chính phủ. Không ngờ người Nhật đã bỏ rơi lá bài Cường Để và Ngô Đình Diệm, và do đó không chịu trao điện tín lại làm cho cuộc tái hợp vua tôi không thành tựu, và cũng do đó mà vua Bảo Đại phải mời học giả Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng. Nhưng rồi Việt Minh cướp chính quyền, vua Bảo Đại từ bỏ ngai vàng trở thành một công dân, rồi làm Tối cao Cố vấn cho ông Hồ Chí Minh trong lúc ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh đày ải nơi miền sơn cước, gần biên giới Hoa–Việt.
Chính trị đúng là tấn tuồng muôn mặt vì có ai ngờ việc quân Pháp trở lại Việt Nam lại gián tiếp giải thoát được cả cho hai ông Bảo Đại lẫn Ngô Đình Diệm khỏi vòng kềm kẹp của ông Hồ Chí Minh để Bảo Đại đi Hồng Kông và hai năm sau trở thành đối thủ của ông Hồ, còn ông Ngô Đình Diệm trở về Sài Gòn để một lần nữa quay về với vị Vua mà mình đã hai lần bội phản.
Năm 1947–1948, khi Pháp bỏ giải pháp Hồ Chí Minh để quay về thương thuyết với Cựu Hoàng Bảo Đại trong âm mưu sử dụng ông vua bù nhìn cũ hầu tái lập nền thuộc địa, thì ông Diệm, hơn ai hết, đã nhận biết được Bảo Đại chính là người của thời cuộc, chính là tụ điểm cần thiết cho lực lượng quốc gia trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Vì vậy, cùng với một số chính khách thuộc nhiều khuynh hướng và tổ chức khác nhau, ông Diệm đã qua Hồng Kông hội kiến và thảo luận với vua Bảo Đại để tìm một giải pháp chống Cộng cứu nước.
Kết quả của những thảo luận này là sự mâu thuẫn về mục tiêu đấu tranh giữa ông Diệm và các chính khách khác, dù sách lược đấu tranh của cả hai phía hoàn toàn giống nhau. Nghĩa là trong cái thế tam phân lực lượng lúc bấy giờ (Việt Minh kháng chiến, Pháp bảo hộ và Bảo Đại quốc gia), mà lực lượng chính trị chống Cộng của người Việt Nam thì không có được một hậu thuẫn nhân dân và một sức mạnh võ lực đáng kể, thì phương thức đấu tranh còn lại duy nhất là những vận động ngoại giao. Tuy nhiên, trong khi các chính khách khác chủ trương vận động cho một nước Việt Nam Độc Lập dần dần thì ông Diệm chủ trương vận động cho một Việt Nam độc lập theo quy chế Dominion (tương tự như Khối Thịnh Vượng Chung của Anh). Được sự đồng ý của vua Bảo Đại và được ủy thác thi hành công tác này, ông trở về Sài Gòn và bắt đầu vận động theo chiều hướng đó. Nhưng ông đã hoàn toàn thất bại trong nỗ lực này và do đó, quyết định ở lại Sài Gòn để tiếp tục hoạt động chính trị qua các phương tiện truyền thông và báo chí để chống lại vua Bảo Đại và Pháp.
Năm 1949, ông bảo trợ cho nhật báo Hoa Lư do một người đồng hương là ông Đinh Xuân Tiếu, tự là Thiết Mộc, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút mà hai cộng sự viên thân tín nhất là Huỳnh Hoài Lạc và Phan Xứng ở trong ban biên tập và ông Hồ Sĩ Khuê là giám đốc chính trị. Ông Diệm chủ trương thân thiện với Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân và đối lập với các chính khách khác. Đến thời ông Trần Văn Hữu giữ chức Thủ Hiến Nam Phần (1948-49), ông Đinh Xuân Tiếu bị ám sát, nhật báo Hoa Lư tự ý đình bản vĩnh viễn. Song song với nhật báo Hoa Lư, ông Diệm còn được sự yểm trợ của tuần báo Tinh Thần của nhóm các bác sĩ Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên, Huỳnh Kim Hữu.
Tôi xin mở một dấu ngoặc để nói thêm rằng trụ sở của nhật báo Hoa Lư ở tầng giữa của ngôi biệt thự lầu số 152 đường Général De Gaulle, tức là đường Công Lý sau này. Tầng trên do một người Pháp làm việc cho Phòng Nhì Pháp chiếm cứ, còn tầng dưới thì thuộc về văn phòng và gia đình của luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lúc bấy giờ vì cả ông Diệm lẫn luật sư Nguyễn Hữu Thọ đều là những nhân vật chính trị chống Pháp và chống những chính phủ đương thời cho nên hai người liên hệ với nhau rất tương đắc. Nhưng đến năm 1954, 1955, khi ông Nguyễn Hữu Thọ ở trong Phong trào Hòa Bình, anh em ông Diệm bắt ông Thọ quản thúc ở Tuy Hòa, từ đó ông Thọ trở nên con người cho Hà Nội khai thác. Thật ra Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng như Dược sĩ Trần Kim Quan và tiến sĩ Âu Trường Thanh (hiện ở Pháp)… không phải là Cộng Sản, nếu anh em ông Diệm khôn khéo hơn, không chủ trương độc tài mà thực hiện một chính sách cởi mở hơn với mọi thành phần quốc gia thì ắt hẳn ông Nguyễn Hữu Thọ đã không theo Hà Nội làm Chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau này.
Lại cũng phải nói thêm rằng, sau này, khi ông Diệm làm Tổng thống được một thời gian, hai cộng sự viên của ông trong ban biên tập nhật báo Hoa Lư là các ông Phan Xứng và Huỳnh Hoài Lạc cũng trở thành những phần tử bất mãn với chính ông và chế độ của ông. Còn ông Đinh Xuân Tiếu, người đã hy sinh tính mạng mình cho ông Diệm, có người chú là luật gia Đinh Xuân Quảng thì cũng trở thành đối lập với ông Diệm nên bị bắt giam một thời gian, sau đó ông lại có chân trong Mặt Trận Dân Chủ Tự Do của bác sĩ Phan Quang Đán nên bị chế độ ông Diệm bắt giam vào tù thêm một lần thứ hai nữa.
Giữa năm 1949, Quốc trưởng Bảo Đại về nước lãnh đạo quốc gia, đặt văn phòng tại Đà Lạt để tránh cái nghênh ngang của Cao ủy Pháp đang ngự trị tại dinh Norodom Sài Gòn. Không lẽ Quốc trưởng mà lại ở dinh Gia Long, sao còn thể thống?
Người ngoài không ai biết được giữa ông Bảo Đại và ông Ngô Đình Diệm có liên lạc công khai hay bí mật nào không, nhưng có một điều chắc chắn là ông bà Ngô Đình Nhu (vốn ở đường Hoa Hồng tại Đà Lạt) vẫn giao du với Quốc trưởng, đặc biệt là bà Nhu, mỗi tuần ba bốn lần, có khi cả ban đêm, thường đến Biệt điện số Một, nơi Quốc trưởng trú ngụ, để dạy Quốc trưởng đàn dương cầm. Việc này thì nhân viên văn phòng đức Quốc trưởng và ngự lâm quân không mấy ai không biết.
Môi trường và các thế lực chính trị lúc bấy giờ tại Việt Nam quả thật không thuận lợi cho những nỗ lực hoạt động của ông Diệm. Ngoài kẻ thù Cộng Sản đang điều động kháng chiến, các lực lượng chống Cộng khác như chính quyền Pháp thì không tin tưởng ở ông, chính phủ Việt Nam mà thể hiện rõ ràng là thành phần lãnh đạo thì chống ông, các đảng phái và giáo phái thì nghi ngờ ông, đại đa số giáo dân và giám mục Lê Hữu Từ cũng không đặt kỳ vọng hay dành thiện cảm cho ông. Triển vọng của ông Diệm để xây dựng một thế đứng chính trị thoát dậy từ một trạng huống như vậy để tiến lên áp lực vua Bảo Đại hầu được ủy nhiệm làm Thủ tướng nắm chính quyền, tỏ ra rất mong manh, nếu không muốn nói là vô vọng.
Lượng giá đúng như vậy cho nên lối thoát còn lại cho ông Diệm để khai thông bế tắc sự nghiệp chính trị của đời mình là nương dựa vào ngoại lực để áp đảo và san định tình hình trong nước. Đối với ông Diệm, phương thức này không phải là mới mẻ. Thời đô hộ, ông dựa vào Hội Truyền giáo và thực dân Pháp để làm quan; thời Nhật chiếm đóng, ông dựa vào người Nhật để hoạt động, cho nên bây giờ, trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Pháp–Việt, với một chính thể quốc trưởng Bảo Đại không thuận lợi cho ông, ông bèn, dĩ nhiên, tìm một thế lực quốc tế khác để nhờ cậy. Cuối năm 1950, ông xuất ngoại mãi cho đến năm 1954, nhờ thế lực của Tòa Thánh La Mã, của Hồng Y Spellman, của phong trào Cộng Hòa Bình Dân Thiên Chúa giáo Pháp (MRP), và đặc biệt là nhờ Hoa Kỳ làm áp lực với chính quyền Pháp cùng Bảo Đại, và cũng nhờ vận động ngầm của Nam Phương Hoàng Hậu, cuối cùng ông Diệm đã được Quốc trưởng chỉ định làm Thủ tướng.
Bác sĩ Phan Huy Quát, nguyên Bộ trưởng trong nội các của ông Bửu Lộc, đã cho tôi biết rằng sau ngày Nội các Bửu Lộc họp lần chót ở lâu đài Thorence dưới quyền chủ tọa của Quốc trưởng Bảo Đại, nhiều vị Bộ trưởng đã tỏ ra bất mãn về việc đề cử ông Diệm làm Thủ tướng, nhưng vua Bảo Đại đã gạt đi:

“Tôi là Việt gian của Pháp, Ngô Đình Diệm là Việt gian của Mỹ. Nay thời của Pháp đã hết mà Mỹ thì đang lăm le nhảy vào Việt Nam, tại sao ta lại không giao chánh quyền cho Ngô Đình Diệm để nhờ Mỹ bảo vệ Việt Nam”.
Đó là lời nói chí tình tha thiết muốn bảo vệ quê hưong trước một tình thế khó khăn của một Bảo Đại không hẹp hòi và cố chấp, mà ngược lại, lại có tinh thần trách nhiệm của một cấp lãnh đạo quốc gia. Vua Bảo Đại trao trọn quyền hành chánh và quân sự cho ông Ngô Đình Diệm mà chỉ đổi lấy một lời thề, lời thề trước Chúa, phải bảo vệ quê hương. Lời thề này cũng hàm ý phải trung thành với Quốc trưởng, vì trước ông Diệm cũng đã có 5 vị thủ tướng nhưng không có một vị nào bị vua Bảo Đại bắt thề trước khi nhận chức vụ và quyền hành cả (ngoại trừ lễ trình diện chính phủ).
Sau lời thề “tận trung báo quốc” năm 1954 đó, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên đường về nước để lèo lái con thuyền quốc gia trước cơn sóng gió, trong lúc Quốc trưởng Bảo Đại còn ở lại Pháp để theo dõi cuộc Hội đàm Genève định đoạt số phận đất nước và tranh đấu quyết liệt với Pháp để giành lại trọn vẹn chủ quyền quốc gia [37].
Như vậy, sau 6 năm trời xa lánh Quốc trưởng mà trong đó có hơn 4 năm “lê gót nơi quê người”, 6 năm xa lánh trong tư thế đối lập với cá nhân vị Quốc trưởng chứ không phải với chế độ của Quốc trưởng, cuối cùng ông Diệm lại quay về để nhận chức Thủ Tướng do chính Quốc trưởng bổ nhiệm. Dù sự bổ nhiệm đó có dưới áp lực của Mỹ thì nó cũng mang cùng bản chất với những bổ nhiệm dưới áp lực của Pháp của ba vị thủ tướng tiền nhiệm là các ông Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm. Với tư cách Thủ tướng, ông Diệm đã ký tất cả các văn kiện chính thức dưới dòng chữ “Thừa lệnh Đức Quốc Trưởng”, ông đã đứng dưới ngọn cờ vàng ba sọc đỏ do vua Bảo Đại khai sinh để chống Cộng Sản, ông cũng đã trông cậy hoàn toàn vào quân đội quốc gia của vua Bảo Đại, lực lượng mà ông từng chê bai là “lính đánh thuê cho Pháp”, để dẹp Bình Xuyên và các giáo phái hầu xây dựng và củng cố quyền lực lẫn địa vị cho ông.
Tuy nhiên, cuộc tái hợp giữa Cựu Hoàng và vị cựu thần nhà Nguyễn chỉ là một hệ quả tạm thời của cuộc tranh chấp chính trị Mỹ–Pháp, nên chỉ sau mấy tháng phải tan vỡ. Hồi cuối cùng của tấn tuồng trăm năm đô hộ là những diễn viên tận tình múa may cho vừa lòng các đạo diễn nhiều phù phép: Diễn viên Hồ Chí Minh khoác áo dân tộc, lãnh đạo cuộc kháng chiến; diễn viên Bảo Đại đóng vai quốc gia bám vào lực lượng người Pháp để kháng Cộng; và diễn viên Ngô Đình Diệm dựa vào thế lực Mỹ để tìm cách thay thế Bảo Đại trong cuộc tương tranh Quốc–Cộng. Trên mặt lịch sử và hiển hiện trong thực tế, đó là cuộc đấu tranh quyền lực của những tay sai bản xứ, mà dân tộc, đau đớn thay, lại là nạn nhân bất lực bị cuốn hút vào. Trong chiều dài của cuộc đấu tranh sống mái Quốc–Cộng, nếu phía Cộng Sản chỉ có một hậu phương lớn là khối Cộng Sản quốc tế, một cấp lãnh đạo duy nhất là đảng Cộng Sản Việt Nam, thì ngược lại, phía những lực lượng gọi là quốc gia, vì không đủ tư cách và khả năng vận dụng được sinh lực của dân tộc nên liên tục thay thầy đổi tớ. Trong những năm từ 1953 đến 1956, mà cao điểm là cuộc Trưng Cầu Dân Ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm phải thay Bảo Đại cho phù hợp với ông thầy Pháp đã nhường quyền cho ông chủ Mỹ trên quê hương ta.
Cuộc Trưng Cầu Dân Ý do chính quyền đương nhiệm của ông Diệm đứng ra tổ chức và cũng do chính quyền đương nhiệm (dưới hình thức Quốc Hội Lập Hiến) kiểm soát. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, dân chúng miền Nam Việt Nam đến phòng phiếu để chọn lựa giữa hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Diệm theo khẩu hiệu đã được chính quyền và Phong trào Cách mạng Quốc gia giáo dục trước: “Xanh bỏ giỏ, Đỏ bỏ bì”, hoặc:

Phiếu đỏ ta bỏ vô bì

Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vất đi.
Kết quả chính thức cuộc Trưng Cầu Dân Ý được đăng vào công báo là 5.721.735 phiếu đỏ có hình ông Diệm (98.2%) và 63.107 phiếu xanh có hình vua Bảo Đại (1.1%). Tại Sài Gòn, tổng số cử tri là 450.000 người mà số phiếu bỏ cho ông Diệm lên đến 650.000, nghĩa là số phiếu gian lận là 200.000. Giữa thủ đô Sài Gòn có tai mắt quốc tế mà còn gian lận trắng trợn đến thế, thử hỏi tại các tỉnh, tại thôn quê thì sự gian lận đến mức độ nào?
Buồn cười là sự gian lận này đã bị đại tá CIA Lansdale, cố vấn Mỹ của ông Diệm, đoán trước thế nào cũng sẽ xảy ra nên đã cảnh cáo ông Diệm. Sau khi giúp ông Diệm đánh dẹp được Bình Xuyên rồi, Lansdale khuyên ông Diệm phải tổ chức “Trưng cầu Dân Ý” để truất phế Bảo Đại cho có chánh nghĩa. Trước ngày lên đường về Mỹ để lánh mặt cuộc “Tổng Tuyển Cử”, Lansdale còn dặn ông Diệm: “Trong lúc đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin ông thắng 99.99 phần trăm, vì biết đó là âm mưu sắp đặt trước”[38]. Và ông Diệm đã vâng lời để chỉ thắng… 98.2 phần trăm!
Lansdale bảo ông Diệm nên tỏ ra công bằng và chỉ cần thu lượm được một đa số phiếu tương đối là tốt đẹp rồi, không nên tham lam quá. Nhưng với bản chất muốn cho mình cái gì cũng “Nhất”, anh em ông Diệm bèn tổ chức bầu cử gian lận. Khốn nỗi, việc gian lận quá lộ liễu xảy ra ngay tại thủ đô Sài Gòn để cho ngoại giao đoàn và báo chí quốc tế biết được.
Nói cho cùng thì nếu không tổ chức bầu cử gian lận chưa chắc ông Diệm đã đắc thắng vẻ vang. Thật thế, nhìn vào bối cảnh đất nước vào mùa Thu 1955, lực lượng nhân dân hướng về ông Bảo Đại vẫn còn đông đảo: Cao Đài, Hòa Hảo, Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân, Nguyễn Phước tộc, khối người miền Nam không ưa người miền Bắc, khối người miền Nam còn nhớ ơn nhà Nguyễn, khối dân tộc thiểu số của Hoàng Triều Cương Thổ, số người thân Pháp v.v… có thể làm lệch cán cân “Trưng cầu Dân Ý”. Nhưng quyền lực trong tay, thủ đoạn gian lận và tiền bạc của Mỹ đã giúp ông Diệm đánh ngã vị cựu Quốc trưởng của ông một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, dù gian lận thì kết quả cuộc đầu phiếu, riêng đối với ông Diệm, cũng đã giúp ông đạt được hai mục tiêu mà ông đã nhắm đến là trình diện được một bề mặt dân chủ với chính quyền lẫn Quốc hội Hoa Kỳ, và nâng cao uy thế cá nhân của ông lên đến mức độ tôn sùng như một vị cứu tinh anh minh của dân tộc [39]. Riếng đối với dân tộc Việt Nam, ngày 23 tháng 10 năm 1955 có một ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn hẳn những mục tiêu chính trị giai đoạn của ông Diệm. Đó là ngày chấm dứt triều đại nhà Nguyễn và chế độ quân chủ tại Việt Nam và trao lại quyền quản trị đất nước để chống Cộng, và quan trọng hơn cả, để xây dựng nền móng cho kỷ nguyên dân chủ sau này. Chính sách và chế độ ông Diệm 9 năm sau đó có làm cho nền móng đó thui chột và có làm cho Cộng Sản mạnh thêm là tội của ông và gia đình ông đã phản bội lại những lá phiếu tín nhiệm của nhân dân Việt Nam thể hiện trong ngày 23 tháng 10 lịch sử này.
Bên lề của biến cố này có hai nhận định tôi cần ghi lại ở đây như tiếng thở dài chán chường của nhân thế vẫn thường vang vọng trong những nổi trôi của lịch sử. Nhận định thứ nhất về ông Ngô Đình Diệm của Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí chỉ một năm trước ngày trưng cầu dân ý: “Ông Diệm là người đạo gốc, lại mấy đời thờ nhà Nguyễn, chắc chắn là tôn quân bảo hoàng và hết lòng với Quốc trưởng Bảo Đại, tài cán ông Diệm thì chưa ai rõ nhưng trung thành với Ngài thì tôi có thể tin” [40].
Và nhận định thứ hai về ông Bảo Đại của ký giả Stanley Karnow gần một phần tư thế kỷ sau: “… Khi cử ông Diệm làm Thủ tướng, Bảo Đại có ngờ đâu chính quyết định của mình lại là một hành động tự ý đào huyệt chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình” [41]. Thế là ông Ngô Đình Diệm từ chủ trương cho Việt Nam quy chế “quân chủ lập hiến” với một Bảo Đại là nhà vua, một Ngô Đình Diệm là Thủ tướng, đã đưa miền Nam Việt Nam đến một thể chế “Cộng Hòa” mà ông là vị Tổng thống đầu tiên, còn vị vua đã từng bổ nhiệm ông làm Thủ tướng, từ nay trở thành kẻ lưu vong biệt xứ, ngậm đắng nuốt cay nơi đất khách quê người.

-o0o-
Năm 1955, với vị thế là cán bộ chính trị trung kiên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với tư cách là chủ tịch phong trào Cách Mạng Quốc gia của bốn tỉnh duyên hải miền Nam Trung phần, tôi đã hăng say hoạt động cho chiến dịch truất phế vua Bảo Đại mà tôi cho là không còn đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Cộng, và không còn đủ vóc dáng để khai mở một kỷ nguyên dân chủ cho đất nước nữa.
Thật ra thì dân ý đang đòi hỏi và hướng về một cuộc thay đổi gốc rễ để đáp ứng với biến đổi mới của thời đại. Nhưng những tài liệu do Bộ Thông Tin Sài Gòn gởi ra cũng như những chỉ thị mật của Phong Trào Cách Mạng Quốc gia từ Huế gởi vào cho tôi đều chủ yếu tập trung vào việc lên án những tội lỗi của vua Bảo Đại vô đức vô tài… Lên án không chưa đủ, chỉ thị còn bắt phải khơi dậy lòng căm thù ông Bảo Đại trong quần chúng nữa!
Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mâu đến Bến Hải do chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Cả nước được vận động để phỉ nhổ Bảo Đại như là một hiện thân xấu xa nhất hơn cả Lê Chiêu Thống và Lê Long Đĩnh. Hai đài phát thanh Sài Gòn và Huế, phối hợp với báo chí trong gần một tháng trời, liên tục mạt sát ông Bảo Đại và thúc dục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại. Chiến dịch to lớn của một nhân vật quốc gia chống Cộng (theo Mỹ) để truất phế một nhân vật quốc gia khác cũng chống Cộng (nhưng theo Tây) còn tàn độc và khủng khiếp hơn chiến dịch hạ bệ Bảo Đại của kẻ thù là Cộng Sản Việt Minh thời 1948, 1949, khi giải pháp Bảo Đại mới ra đời để đối phó với ông Hồ Chí Minh.
Sau biến cố đó, nghĩa là khi kết quả chính thức đã được công bố và thể hiện tượng trưng là việc thu hồi chiếc du thuyền của vua Bảo Đại và ngôi biệt thự một tầng ở đường Công Lý của bà Từ Cung, vị Cựu Hoàng âm thầm lui vào bóng tối để kéo dài cuộc sống tha hương, còn bà Từ Cung thì được phép trở về An Định Cung An Cựu ở ngoại Hoàng thành Huế để sống nốt chuỗi ngày già lão. Trong thảm cảnh đau thương đó, có lẽ đêm đêm bà đã ngậm ngùi ngâm câu thơ cũ, khóc thương cho một triều đại suy tàn để nhớ tiếc triều đại nhà Nguyễn của Bà:

Cung miếu triều xưa đâu vắng ngắt,

Trăng mờ khắc khoải quốc kêu thâu.

(Chu Mạnh Trinh)
Trong gần mười năm kể từ biến cố đó, cho đến khi ông Diệm bị lật đổ và giết chết năm 1963, rồi ông Hồ Chí Minh từ giã cuộc đời vào năm 1969, quê hương đã trải qua bao độ thăng trầm và dân tộc đã nhận chịu biết bao thống khổ. Gần mười năm đọa đày trong tang tóc và binh lửa mà ba nhân vật lịch sử đã từng hằn in dấu tích của mình trong dòng sông lịch sử, thì nay mỗi người một ngả, mỗi người một số phận: Hai ông Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đã ra người thiên cổ để lại rất nhiều nợ nần oan trái cho dân tộc, còn cựu hoàng Bảo Đại thì kéo dài cuộc sống tha hương vô vị mà ngày trở về quê cũ chỉ còn có thể có trong giấc mộng mà thôi.
Tôi không dám bắt chước tiền nhân làm công việc “cái quan định luận” về giai đoạn truân chuyên này của lịch sử nước ta, tôi cũng không muốn phê phán ông Hồ Chí Minh vì cả nước đều đã biết công tội của ông ta, mà tôi chỉ muốn để lòng mình lắng xuống trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời biệt xứ, để tự tâm nhìn về hai nhân vật Bảo Đại và Ngô Đình Diệm bằng cái nhìn của người không những đã kinh qua cả hai chế độ trong tư thế của một cán bộ đấu tranh, mà còn bằng cái nhìn nghiêm khắc của một người dân khốn khổ nhưng vẫn luôn luôn là chủ nhân của đất nước.
Rất nhiều tài liệu, quá nhiều tài liệu, bằng giấy trắng mực đen hay bằng những chứng tích đau nhục trên các thân thể tàn phế vì bị tra tấn đã phê phán lên án ông Diệm cũng như chế độ của ông: Lịch sử của sinh viên Việt Nam, lịch sử của các đảng phái Việt Nam, lịch sử của quân đội Việt Nam, lịch sử của các tôn giáo lớn và nhỏ tại Việt Nam, lịch sử của văn học Việt Nam… nói tóm lại lịch sử Việt Nam trước, sau, và trong chín năm ông Diệm cầm quyền đã làm xong cái công việc phán quyết tối hậu và chung kết rồi, nhưng điều đó không ngăn cản nổi những cố gắng tội nghiệp của một thiểu số cuồng tín và ngoan cố vẫn muốn tìm cách đánh tráo lịch sử để phục hồi lại vị trí “cứu tinh dân tộc” và “lãnh tụ anh minh” của một ông Diệm đã nằm trong vòng xích sắt của lịch sử.
Đến đây không thể không nêu ra hai sự kiện mà nhờ ánh sáng thời gian đã được lột trần ra trước lịch sử để nhân dân đi từ mất niềm tin đến chống đối ông Diệm. Đó là yếu tố Tham Nhũng và yếu tố Dâm Ô được phe nhóm ông Diệm sử dụng để hạ nhục Bảo Đại trong chiến dịch truất phế Cựu Hoàng. Nhưng khi ông Diệm nắm vững được chính quyền rồi thì nền tham nhũng của anh em ông ta còn tệ hại gấp trăm lần thời Bảo Đại. Còn cái huyền thoại “Cụ Ngô không vợ không con để hiến thân cho đại cuộc” đã trở thành câu chuyện cười ra nước mắt.
Bêu xấu Bảo Đại nào là dâm ô nào là vợ nọ con kia mà chính ông Ngô Đình Diệm lại dấn thân vào những cuộc tình bất chính.
Ông Phạm Văn Nhu, bạn thân ông Diệm và là cựu chủ tịch Quốc Hội, đã viết trên nhật báo Hòa Bình (Sài Gòn) rằng thời gian làm nhà đối lập với chế độ Bảo Đại, chính ông Ngô Đình Diệm đã dan díu với một gái me Tây (xem “Làm thế nào để giết một Tổng thống” của Cao Thế Dung). Nhưng trước đó, vào năm 1945, thời Nhật chiếm đóng, cũng chính ông Ngô Đình Diệm đã lừa gạt một người con gái nhẹ dạ đến mang thai. Năm 1958, hai mẹ con đến Sài Gòn xin gặp nhưng bị ông Diệm từ chối nhất định không thừa nhận đứa con trai huyết thống của mình, và cũng không phụ cấp cho người đàn bà khốn nạn một đồng xu cắc bạc nào.
Tài liệu này (thư và ảnh) do tướng Trần Văn Đôn sưu tầm được trong Hồ sơ mật dinh Gia Long sau biến cố 1-11-1963, và năm 1989 được ông giao cho một số báo chí đăng tải. Chúng tôi cũng trích đăng vào phần Phụ Lục cuốn sách nầy.
Về phần Bảo Đại thì cũng đã có rất nhiều, nếu không muốn nói là quá nhiều tài liệu viết về ông do các bộ phận tuyên truyền của chế độ Ngô Đình Diệm xuất bản. Sau đó thì cá nhân của ông cũng như vai trò chính trị của ông hoàn toàn bị quên lãng. Phê phán về ông, một cách đại chúng và một cách thuận lợi, thì có những cuốn Một Cơn Gió Bụi của học giả Trần Trọng Kim, Phong Trào Ngũ Xã của Ký giả Phạm Văn Bính, Việt Nam Máu Lửa của nhà cách mạng lão thành Nghiêm Kế Tổ. Cũng một cách thuận lợi với rất nhiều cảm phục là ý kiến riêng tư mà tôi nghe được của Giám mục Lê Hữu Từ, linh mục Hoàng Quỳnh, của các ông Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Hữu Phiếm, Trần Quang Vinh, sử gia Phan Khoang v.v… những nhân vật tiêu biểu cho các đảng phái, tôn giáo.
Về phía quốc tế, dư luận thường gán cho Bảo Đại là ông vua bù nhìn, chơi bời trụy lạc. Những lời phê phán đó không phải là sai lầm nếu chỉ nhìn vào cuộc sống bên ngoài của ông Bảo Đại mà không chịu tìm hiểu sâu sắc tâm tư thầm kín của ông, không chịu phân tách những hoàn cảnh khó khăn mà ông đã phải chịu đựng. Chẳng hạn như dư luận Pháp thường chê trách vua Bảo Đại mà không nhớ rằng chính người Pháp đã không để cho ông tự do hành động, không để cho ông cầm quyền theo ý riêng. Họ không có cái nhìn về con người Bảo Đại như học giả Trần Trọng Kim, như ký giả Phạm Văn Bính đã từng tiếp xúc và sống gần gũi với ông trong những giờ phút phức tạp khó khăn. Tuy nhiên vẫn có những người Mỹ dày công nghiên cứu tình hình Việt Nam như nhà viết sử Joseph Buttinger hay Thiếu tá Archimedes L. Patti, từng tham dự vào những biến động tại Việt Nam vào những năm 1945, 1946 nên đã có những cái nhìn lịch sử vô tư hơn.
Thiếu tá Patti từng chỉ huy một nhóm OSS nhảy dù xuống miền Việt Bắc và giúp đỡ cho ông Hồ Chí Minh thời còn quân đội Nhật Bản tại Đông Dương. Ông đã ghi chép chi tiết những biến cố về thời đó, khi về Mỹ ông vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình Việt Nam và bắt đầu viết sách, nhưng cho đến năm 1980, khi mà nhiều bí ẩn lịch sử đã được tiết lộ, ông mới cho xuất bản tác phẩm nhan đề là “Why Vietnam?” để nói lên những sự thật mà ông biết được. Ông hết sức khâm phục ông Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh, nhưng ông vẫn ca ngợi Bảo Đại là nhà chính trị lão luyện, là một người thành tâm yêu nước.
Patti tiết lộ rằng:

Năm 1947, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp của phe chống Cộng (do bác sĩ Lê Văn Hoạch cầm đầu có sự tham dự của ông Ngô Đình Diệm như giáo sư Buttinger đã kể) đề xướng ra giải pháp Bảo Đại. Người Pháp bèn bỏ chủ trương thương thuyết với Việt Minh và muốn sử dụng lá bài Bảo Đại mà họ cho là một ông vua “Playboy” dễ sai khiến. Họ dự định chỉ để cho Bảo Đại giành lấy một nền độc lập giả hiệu cho Việt Nam vì họ biết rằng Bảo Đại không thể bình định được xứ sở mà quân lực Pháp tại Đông Dương mỗi ngày phải một gia tăng.

Người Pháp bèn thúc giục Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp đòi hỏi Bảo Đại phải đứng ra thành lập một chính phủ quốc gia, nhưng Bảo Đại từ chối vì lẽ ông không muốn cầm đầu một chính phủ do người Pháp bảo trợ. Huống chi ông lại quan niệm rằng Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia không tiêu biểu đại diện cho ai cả, trong lúc Mặt Trận Việt Minh mới là lực lượng chính yếu. Bảo Đại chỉ bằng lòng đứng ra thương thuyết với Pháp nếu có sự thỏa hiệp nào đó của Việt Minh.

Cho đến mùa hè năm 1947, khi Bảo Đại biết chắc chính phủ Pháp do đảng Cộng Hòa Bình Dân cầm đầu cương quyết bỏ hẳn việc đàm thoại với Việt Minh, Bảo Đại mới công khai tuyên bố chống lại Việt Minh. Dư luận đồn rằng việc Bảo Đại đưa ra lập trường chống Cộng rõ rệt là có ý khuyến khích Hoa Kỳ giúp đỡ Bảo Đại chống lại tham vọng của Pháp, như Hoa Kỳ đã ảnh hưởng Hòa Lan giúp Nam Dương độc lập. Việc hy vọng vào Hoa Kỳ không phải là một ảo tưởng vì sau đó mấy tuần lễ, đại sứ Mỹ tại Pháp, ông William Bullit tuyên bố chiến tranh Đông Dương của người Pháp là thứ “chiến tranh bẩn thỉu nhất”. Lời tuyên bố của Đại sứ Bullit được mọi người quan niệm như là một lời hứa hẹn của Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Bảo Đại (sau này khi Bảo Đại chính thức cầm quyền, Hoa Kỳ liền công nhận quốc gia Việt Nam và viện trợ cho chính phủ Bảo Đại).

Với hy vọng được Hoa Kỳ giúp đỡ, Bảo Đại mới chịu gặp Bollaert, Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Nhưng khi gặp Bollaert rồi, Bảo Đại nhận thấy rằng đại diện nước Pháp chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mù mờ, do đó ông không chịu chấp nhận thương thuyết với Pháp. Ông trở về Hồng Kông rồi đích thân đi Pháp để thăm dò tình hình. Tại Pháp ông cũng nhận thấy rằng người Pháp vẫn ngoan cố, chỉ muốn tái lập nền đô hộ nên ông không muốn tự cột mình vào âm mưu của thực dân.

Thái độ cứng rắn của ông đã buộc Bollaert phải nhiều lần đến diện kiến với Bảo Đại tại Cannes và Genève, nơi Bảo Đại trú ngụ. Bollaert đã phải hứa thỏa mãn những điều kiện của ông trong những cuộc thương thuyết sắp tới, do đó hai nhân vật này mới gặp nhau lần thứ hai vào ngày 5 tháng 6 năm 1948 tại vịnh Hạ Long. Lần này thì Pháp long trọng tuyên bố để cho Việt Nam độc lập nhưng ngoại giao và quốc phòng vẫn do Pháp kiểm soát. Thỏa ước Hạ Long đã làm cho cả thực dân Pháp lẫn Việt Minh căm tức. Thực dân thì cho rằng Pháp đã đầu hàng Bảo Đại, trong lúc Việt Minh chửi rủa Pháp (cried foul) vì tại Hội Nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh đã thất bại không giành được những điều kiện như Pháp đã thỏa thuận với Bảo Đại.

Nhưng dù thỏa ước Hạ Long ra đời, Bảo Đại vẫn muốn thỏa ước ấy phải được chính thức hóa, do đó Bảo Đại phải đi Pháp và ký kết với Tổng Thống Auriol hiệp ước ngày 8 tháng 3 năm 1949, thường được gọi là hiệp ước Elysées. Tuy vậy, Bảo Đại vẫn không chịu về nước vì ông muốn phải thực hiện cho xong nền thống nhất ba kỳ. Thái độ cứng rắn của ông làm cho thực dân tức giận la ó lên rằng: “Nó đã bắt đầu coi chúng ta không ra gì” (ll commence vraiment à se foutre de nous). Nhưng tại sao Bảo Đại lại chịu ký vào một hiệp ước mà ông ta chưa thỏa mãn. Có ba lý do: Một là vì sợ nếu không ký, người Pháp sẽ tái lập nền đô hộ; hai là sợ ảnh hưởng của Việt Minh sẽ lan rộng làm cho phe chống Cộng mất cơ hội thiết lập một chính quyền quốc gia; và ba là ông hy vọng sẽ được Hoa Kỳ viện trợ kinh tế đồng thời giúp ông chống Pháp.[42]
Qua những biến cố trên đây, ta thấy rõ như Patti đã nhận định rằng ông Bảo Đại quả là một nhà ái quốc, một chính trị gia khôn ngoan, sáng suốt, thâm trầm, độ lượng, và cả cuộc đời chính trị của ông cho thấy ông không phải là thứ người tham quyền cố vị. Khác với vua cha là Khải Định được thực dân đẩy ra sân khấu làm bù nhìn thì múa may quay cuồng, thỏa mãn với địa vị bù nhìn của mình. Trái lại ông Bảo Đại dù được đẩy ra sân khấu làm bù nhìn, nhưng trên sân khấu, ông chẳng chịu làm trò mà chỉ đứng ù lì cho qua buổi, bất cần lệnh lạc của thầy tuồng.
Vua Bảo Đại là bù nhìn nhưng gia đình họ Ngô lại không có quyền gọi Bảo Đại là bù nhìn. Mười năm làm quan, ông Diệm chẳng đã là thần tử của vua Bảo Đại đó sao? Được làm Thủ Tướng chẳng là ơn mưa móc của vua Bảo Đại đó sao?
Thật thế, tuy ông Ngô Đình Diệm nhờ thế lực Thiên Chúa giáo quốc tế và Mỹ đẩy trở lại chính trường, khốn nỗi muốn được làm Thủ tướng thì ông ta bắt buộc phải qua cửa ải Bảo Đại, phải thần phục vua Bảo Đại.
Mùa hè năm 1953, ông Diệm theo lời chỉ dẫn của em là Ngô Đình Luyện, rời Hoa Kỳ về Paris và ăn ở tại nhà ông Tôn Thất Cẩn, một người bà con của vua Bảo Đại. Về đây, dù đã nhiều lần vận động xin yết kiến Quốc trưởng nhưng Quốc trưởng vẫn chưa chịu tiếp. Nhân dịp có linh mục Cao Văn Luận được ông Ngô Đình Cẩn nhờ đưa thư mật và tiền bạc qua, anh em ông Diệm bèn nhờ ông Luận lấy tình quen biết cũ đến vận động với ông Nguyễn Đệ, Đổng lý văn phòng của Bảo Đại. Ông Nguyễn Đệ hứa sẽ giúp nhưng lời hứa vẫn trôi xuôi. Sau năm 1963, những bí ẩn được tiết lộ dần dần cho biết sở dĩ vua Bảo Đại không chịu tiếp ông Diệm vì hai lý do: một là vua Bảo Đại thấy năm 1953 chưa phải là thời của ông Ngô Đình Diệm, và lý do thứ hai mà là lý do chính yếu: Ông Bảo Đại vốn là con người thâm trầm, cao ngạo, lại cũng đã biết ông Diệm là người cứng đầu đã nhiều phen quay quắt, nên Bảo Đại cần phải làm khó dễ để ông Diệm khỏi qua mặt, khỏi phản bội sau này (cũng như khi chính thức cử làm Thủ tướng, Bảo Đại đã bắt ông Diệm thề).
Cho đến mùa hè năm 1954, những vận động của gia đình họ Ngô, của những người thuộc Nguyễn Phước tộc và nhất là của các thế lực quốc tế giúp ông Diệm làm Thủ tướng đã chín mùi nhưng vua Bảo Đại vẫn không lay chuyển. Ông chờ cho người Mỹ, kẻ đỡ đầu cho ông Diệm, đến năn nỉ vua Bảo Đại mới vừa lòng. Thật thế, một tháng trước ngày ký kết hiệp ước Genève, tình thế đã quá sôi động làm cho Ngoại trưởng Foster Dulles phải xin yết kiến vua Bảo Đại và yêu cầu vua cử ông Diệm làm Thủ tướng, lúc bấy giờ, ông mới bằng lòng. Đổi lại việc đề cử ông Diệm làm Thủ tướng để thỏa mãn người Mỹ, ông đòi hỏi Ngoại trưởng Dulles phải cam kết giúp phe quốc gia tiếp tục chống Cộng (gián tiếp đuổi Pháp) và viện trợ dồi dào cho Việt Nam, nghĩa là viện trợ cho chính quyền Bảo Đại. Tiếc rằng những bí ẩn trên đây, ông Bảo Đại đã không viết vào hồi ký, phải chăng vì thể thống ngoại giao buộc ông muốn nói mà không nói nên lời.
Ông Bảo Đại là bù nhìn vậy thì ông Ngô Đình Diệm là gì? Ta hãy nghe Thiếu tá Patti tiết lộ trong cuốn Why Vietnam?:

“Sau khi Ngô Đình Diệm được Mỹ nâng đỡ giúp cho cầm quyền thì miền Nam rối loạn, bị các giáo phái và đảng phái chống đối, tướng Collins Đặc sứ của Tổng thống Eisenhower phần vì nghe lời xúi giục của Pháp, phần vì sợ Bắc Việt tấn công trước khi có hiệp ước SEATO, nên đã mất thiện cảm đối với ông Diệm. Nhưng Ngoại trưởng Foster Dulles vẫn cương quyết ủng hộ ông Diệm, đã thế Hồng Y Spellman, Nghị sĩ Mansfield, Kennedy đều chống lại việc thay thế Diệm, nên Collins phải chịu theo lập trường của Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Tình hình khó khăn và sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Pháp đã buộc Ngoại trưởng Mỹ phải đưa ra lời hăm dọa: “Hoa Kỳ sẽ cắt bỏ viện trợ nếu ông Diệm không còn cầm quyền”. Để giải quyết tranh chấp, tướng Collins đòi Mỹ phải viện trợ cho đội quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam 100 triệu đô la, bấy giờ Cao ủy Ely mới chịu chấp thuận”.
Đó là chưa kể những tháng tiếp theo, người Mỹ, đặc biệt là Ngoại trưởng Dulles, làm áp lực nặng nề với Pháp để ông Diệm được tiếp tục cầm quyền như đã trình bày ở đoạn trước.
Hai biến cố trên đây đã nói lên rõ rệt nếu Bảo Đại là bù nhìn của Pháp thì Ngô Đình Diệm là con nuôi của Mỹ không hơn không kém. Nếu có khác là vua Bảo Đại đã khôn ngoan, sáng suốt, kiên nhẫn đấu tranh cho phe chống Cộng có một quốc gia, trong lúc ông Ngô Đình Diệm là người chỉ nhờ thế lực ngoại bang mà được lên cầm quyền, thụ hưởng những kết quả do Bảo Đại để lại.
Nói tóm lại, những sự kiện lịch sử trên đây đã cho thấy ông Diệm cầu xin vua Bảo Đại để được làm Thủ tướng, nhưng chỉ một năm sau nhờ áp lực của Hoa Kỳ mà ông đã tặng cho vị Quốc trưởng của ông hai chữ Bù Nhìn khi bắt đầu mở chiến dịch truất phế Bảo Đại.
Ông Bảo Đại là một vị vua bù nhìn do cái thế lịch sử tạo nên từ cả mấy chục năm trước, tư thế bù nhìn đó không cho phép ta đặt ông vào vùng hào quang vinh dự của những anh hùng đã xả thân dựng nước. Ông Bảo Đại là một vị vua bất lực do cái tình trạng bị trị của một đất nước bị đô hộ cả gần trăm năm trước, khả năng yếu kém đó lại cũng không cho phép ta đặt ông vào đài tưởng niệm huy hoàng của những hiền nhân quân tử đã đóng góp và xây dựng nên sự nghiệp Việt Nam. Ta có thể phê phán cái tư cách bù nhìn và cái khả năng yếu kém đó như một lỗi lầm lớn không thể tha thứ được ở một nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng ta cũng phải công nhận cái quyết tâm bảo tồn sinh lực dân tộc của ông trong mục đích nuôi dưỡng để tính kế lâu dài: Thời làm Quốc trưởng, ông biết và có những hành động bênh vực các thành phần quốc gia vừa chống Cộng vừa chống Pháp, nâng đỡ những nhân vật có thành tích yêu nước và tinh thần cách mạng dù có bất đồng chính kiến với ông [43]. Cũng trong ý định tính kế lâu dài đó, ông đã cống hiến cho quốc gia những định chế cơ bản để làm cơ sở nền móng cho bất kỳ một chế độ nào có hay không có ông sau này được dễ dàng phát triển. Đối với các viên chức đại diện cho chính quyền Pháp, ông kiêu hãnh giữ thể thống và phong độ của một vị Quốc trưởng, không để cho họ xem thường như Lansdale đã đối xử với ông Diệm. Lucien Bodard, một ký giả ngưỡng mộ danh tướng Pháp là De Lattre de Tassigny, đã chê bai và đả kích vua Bảo Đại vì ông đối xử với vị Toàn Quyền Cao ủy này như một viên chức cấp dưới trong cuốn La Guerre d’Indochine.
Nói như vậy không có nghĩa là vua Bảo Đại tránh được những tội lỗi lịch sử lớn lao mà ông phải gánh chịu. Những tội lỗi đó, trước tòa án lương tâm và đạo đức tối hậu của con người, lại không phải là những tội ác như của chế độ Ngô Đình Diệm.
Thật vậy, so sánh với chế độ Ngô Đình Diệm, chế độ Bảo Đại đâu có độc tài nắm giữ hết mọi quyền lực của quốc gia, đâu có gia đình trị, đâu có tiêu diệt đảng phái sát hại người đối lập, đâu có dựng nhà tù P-42 ở sở thú Sài Gòn, trại Chín Hầm ở Huế để tra tấn giam cầm hoặc thủ tiêu người quốc gia. Chế độ Bảo Đại đâu có kềm kẹp, đóng cửa, bỏ tù báo chí, đâu có phản bội bạn bè, ân nhân. Ông Bảo Đại tuy có lấy tiền của Bảy Viễn nhưng đâu có buôn thuốc phiện lậu kinh khủng như ông Ngô Đình Nhu, đâu có bắt những nhà giàu tra tấn đến chết để làm tiền như ông Ngô Đình Cẩn. Bà Từ Cung vẫn sống khiêm tốn thanh đạm ở Huế, không ỷ vào con làm Quốc trưởng mà hối mại quyền thế, mua tước bán quan. Bà Nam Phương Hoàng Hậu vẫn sống âm thầm cách biệt ở ngoại quốc, bà Mộng Điệp vẫn không ảnh hưởng chồng trong việc lãnh đạo quốc gia như bà Ngô Đình Nhu ở Sài Gòn và mụ Luyến ở Huế, và như toàn thể anh em ông Diệm mỗi người một chức vị, một giang sơn, một triều đình, một cơ quan mật vụ, một tổ chức thanh niên, một lực lượng đặc biệt, một cơ quan kinh tài. Chê vua Bảo Đại là lười biếng không đi thăm dân mà quên đi mỗi lần Tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý, dân phải dậy từ 4, 5 giờ sáng, cơm đùm cơm bới, phơi nắng 7, 8 tiếng đồng hồ đợi Tổng thống đến để hoan hô, quên đi ông Ngô Đình Diệm ngồi chễm chệ trên thuyền bắt sĩ quan đẩy và lính sắp hàng dưới nước mà dàn chào như vua chúa thời Trung Cổ. Cho nên thà không đi thăm dân như ông Bảo Đại còn hơn là mỗi lần ông Ngô Đình Diệm đi kinh lý là làm khổ cho quân dân. Ông Bảo Đại cũng đâu có xây nhà cửa riêng tư như năm sáu anh em ông Diệm tạo dựng không biết bao nhiêu là đồn điền, ruộng đất, khách sạn, nhà lầu, hãng xưởng, biệt thự. Ông Ngô Đình Cẩn còn bắt cả công binh, công chánh xây lăng cho mình tốn kém trên hàng trăm triệu bạc công quỹ. Điều trớ trêu là trong khi nhà Ngô rêu rao tuyên truyền ông Bảo Đại dâm ô trụy lạc thì chính ông Ngô Đình Cẩn lại dâm loạn vô luân [44]. Ông Võ Văn Hải, chánh văn phòng đặc biệt thân tín nhất của ông Diệm cũng đã không ngần ngại công nhận với nhóm lãnh đạo Nhảy Dù trong cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 là “trong dinh Độc Lập có một bọn đĩ điếm” [45].
Ông Lê Nguyên Long, một chiến sĩ cách mạng, một nhân sĩ miền Trung, một chứng nhân thời đại, sống giữa lòng dân tộc trên 30 năm trời quê hương khói lửa, chứng kiến bao cuộc thay ngôi đổi chủ, thấm thía với bao thế sự nhân tình, đã nghiêm khắc lên án rằng:

“Chưa có chế độ quốc gia nào tại Việt Nam tàn bạo như chế độ Ngô Đình Diệm, trừ chế độ Cộng Sản. Nếu nói chống ông Bảo Đại thì ai cũng có quyền chống trừ Ngô Đình Diệm, vì cha anh ông Diệm và cả ông Diệm nữa vốn là “tôi con” nhà Nguyễn. Ông Bảo Đại trên nguyên tắc đã tín nhiệm ông Diệm và ông Diệm đã phục mệnh. Trước và sau khi truất phế Bảo Đại, ông Diệm, qua Bộ thông tin, đã thuê bọn bồi bút (hầu hết báo chí thời Diệm) mở một chiến dịch dài hạn đả kích, bêu xấu, vu cáo, nhục mạ ông Bảo Đại hết sức tàn tệ. Thiết nghĩ người có lương tâm tối thiểu không ai nỡ hành xử như thế, Ngô Đình Diệm là người đại phản phúc”[46].
Tuy nhiên, trong biến cố anh em ông Diệm truất phế vua Bảo Đại, người cay đắng bẽ bàng nhất có lẽ là ông Tôn Thất Cẩn, người bạn thân thiết của gia đình họ Ngô, người đã nuôi ông Diệm ăn ở tại Paris, người đã đôn đáo ngược xuôi vận động với Quốc trưởng và bà Nam Phương, đã đem tinh thần nhà Nho của ông Diệm, đã đem ba đời thần tử của dòng họ Ngô Đình, đã đem chức giám mục của ông Ngô Đình Thục, toàn là những thứ cao trọng thiêng liêng để bảo đảm tấm lòng tôn quân trung thành của anh em nhà Ngô… Không ngờ Quốc trưởng Bảo Đại lại bị truất phế để cho ông Tôn Thất Cẩn mang tiếng làm hại cho cả nhà vua lẫn nhà Nguyễn. Không riêng ông Tôn Thất Cẩn mà cả anh ruột của ông, ông Tôn Thất Toại, một bạn thân của ông Diệm từ thời niên thiếu, cũng mang tâm sự đắng cay của một người Tôn Thất lỡ phò ông Diệm mà làm buồn lòng cho Nguyễn Phước tộc, việc mà tôi sẽ nói đến trong một chương sau.
Nói tóm lại, cả hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Diệm đều có tội trước lịch sử và dân tộc. Nhưng cái tội của Bảo Đại là do cái lỗi gây ra, còn cái tội của Ngô Đình Diệm thì do cái ác gây ra.
Năm 1969, một năm sau tết Mậu Thân, khi tình hình miền Nam bắt đầu đi vào tuyệt lộ vì Tổng thống Johnson mật đàm với Hà Nội để mở màn cho Hòa đàm Ba Lê và để cứu vãn nội tình một nước Mỹ đang bị rối nát, khi chế độ Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn bất lực trong việc điều động quân dân miền Nam đối kháng với Cộng Sản đang càng ngày càng lớn mạnh, thì tuy đã về hưu trí từ năm 1965 và quyết định đứng ngoài mọi sinh hoạt chính trị, tôi vẫn theo dõi thời cuộc và nhìn thấy rõ cái thảm họa chênh vênh của đất nước bên bờ vực thẳm. Đã thế, cũng trong năm đó, ông Hồ Chí Minh mắc bệnh mà qua đời, lại chợt nhắc tôi nhớ đến ông Bảo Đại, người đã xây dựng một thế đứng hợp pháp và một lực lượng cơ bản cho người quốc gia chống Cộng lúc đó và sau này. Vì vậy, tôi bèn viết một bài tham luận dài đăng trên nhật báo Độc Lập của ký giả Anh Quân mà nội dung nhằm cảnh giác chính giới Việt Nam về viễn tưởng người Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam với hệ quả là miền Nam có thể rơi vào tay Cộng Sản Hà Nội. Đồng thời, tôi cũng đóng góp một số sử liệu và khai triển một số nhận định về công và tội của ông Bảo Đại để trả ông lại đúng vị trí trong lịch sử, cũng như lấy đó làm những suy nghiệm cho tình hình miền Nam lúc bấy giờ, vốn có nhiều điểm tương đồng cơ bản như lúc Pháp gần rút khỏi Việt Nam 15 năm về trước.
Tôi không ngờ bài báo đó của tôi trên tờ Độc Lập lại đến tay Cựu Hoàng tại Paris và bà Từ Cung tại Huế. Cựu Thủ tướng Bửu Lộc, đại diện cho Cựu Hoàng đã gởi một tấm thiệp ngỏ lời cảm ơn tôi đã dám nói lên một số sự thật vốn bị người ta chôn vùi từ nhiều năm nay, và nhờ tôi đem lòng vô tư viết lại những trang sử thuộc về nhà Nguyễn, và về Cựu Hoàng Bảo Đại với chứng minh công tội rõ ràng. Đồng thời Đức Từ Cung cũng phái cụ Ưng An, đại diện cho Nguyễn Phước tộc và ông Trần Quang Vinh một lãnh tụ Cao Đài (người cầm thiệp của ông Bửu Lộc từ Pháp về), đến nhà tôi chuyển lời cảm tạ của Bà. Rất nhiều nhân vật thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tại Sài Gòn và nhiều địa phương cũng ghé đến thăm tôi tỏ tình giao hảo (như ông Vĩnh Thọ hiện ở Hoa Kỳ chẳng hạn).
Từ đó, tôi được mời đến tham dự những buổi hội họp cúng kỵ Đức Thế Tổ và các vị tiền triều tại trụ sở của Hội Nguyễn Phước tộc ở đường Công Lý, tại ngôi biệt thự đã bị ông Diệm tịch thu và nay được ông Thiệu trả lại. Nhờ vậy, tôi có dịp lặng lẽ tìm hiểu thêm và kiểm điểm lại những biến cố chính trị liên hệ đến hai ông Ngô Đình Diệm và Bảo Đại mà trong những thời gian đó, vì còn trẻ và vì đam mê chỉ biết một lãnh tụ Ngô Đình Diệm, tôi đã không đủ khôn ngoan và sáng suốt để thấy được sự thật.
Bây giờ, viết lại theo ký ức những kết quả đã được đúc kết từ 15 năm trước, trong sự thiếu thốn mọi sử liệu, tôi đành chỉ viết những gì mình còn nhớ chắc chắn và chỉ giới hạn những nhận định trong tương quan giữa hai nhân vật Bảo Đại và Ngô Đình Diệm mà thôi. Tuy nhiên, có một điểm tôi cần nói lên ở đây là đối tượng thúc đẩy tôi viết lại chương này không còn là các thành viên của dòng họ Nguyễn Phước tộc nữa mà mở rộng cho thế hệ thanh niên hiện tại, trong cũng như ngoài nước, để mong đóng góp được thêm cho họ những sự thật và những quan điểm đã ít được đề cập từ trước.
Khi so sánh ông Hồ Chí Minh và những lãnh tụ quốc gia trong giai đoạn đó, cụ Hoàng Văn Chí phê phán rằng:

“Cựu Hoàng Bảo Đại mà người Pháp tái phong làm Quốc trưởng năm 1949 (và viên cựu quan lại Ngô Đình Diệm), những kẻ mãi quốc cầu vinh, no lưng ấm cật, những kẻ bất chánh đó không tài nào địch nổi Hồ Chí Minh…”[47].
Lời phê phán đó, đứng trên quan điểm cách mạng và áp dụng như một nguyên tắc tiên quyết cho cuộc đấu tranh cứu nước kể từ sau thảm trạng mùa Xuân năm 1975, thì hoàn toàn đúng. Tuyệt đối đúng.
Nhưng đặt nó vào bối cảnh của 20 năm từ 1945 đến 1965, giai đoạn mà ba nhân vật Hồ Chí Minh, Bảo Đại và Ngô Đình Diệm nắm giữ những trục vận động chính của lịch sử nước ta, thì tôi e rằng lời phê phán đó có phần quá khắt khe cho trường hợp của vua Bảo Đại.
Từ 1945 đến 1954, chúng ta có nhiều nhà cách mạng đấu tranh chống cả Pháp lẫn Cộng nhưng không một ai đủ lực, đủ thế và đủ thời để vận động được toàn dân khởi phát cuộc cách mạng đó cả. Và trước cơn bão dữ của cuộc chiến tranh Pháp–Cộng, trong đống bùn nhơ của một triều đình lơ láo dưới chế độ bảo hộ, ông Bảo Đại ít ra cũng đã vun xới được một cánh sen màu vàng ba sọc đỏ để làm tụ điểm cho những thành phần chống Cộng, để làm căn bản cho miền Nam Việt Nam sau này có cơ sở tiếp tục chống lại miền Bắc Cộng Sản. Điều bất hạnh thê thảm nhất cho dân tộc là người thừa hưởng cánh sen đó, ông Ngô Đình Diệm, lại phong kiến như vua và độc tài như Cộng Sản nên mới “không tài nào địch lại Hồ Chí Minh”.
Chữ Quốc Gia mà chúng ta sử dụng hôm nay, ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mà chúng ta còn dùng hôm nay quả thật đã thuộc về lịch sử và dân tộc. Nhưng nếu nó cần được duy trì như một biểu tượng lịch sử cần thiết tạm thời cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước hiện tại, thì hẳn ngoài cái giá trị thời đại không chối cãi của nó, ta cũng nên suy nghiệm một cách lương thiện và đứng đắn hơn về cả giá trị của một vị vua đã âm thầm cay đắng mang tiếng bù nhìn để khai sinh và nuôi dưỡng nó trong những tháng ngày chập chững non nớt đầu tiên. 

Hoành Linh Đỗ Mậu


[1] Joseph Buttinger, Vietnam A Political History, tr. 408, 409.
[2] Francis Y. Corley, Vietnam Since Geneva Talk, trong nguyệt san Foreign Affairs (số 131 năm 1958), tr. 546.
[3] Edward Lansdale, In the Midst of War, tr. 307, 308.
[4] Bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại (Số 164 ngày 1-3-85), tr. 87, 88.
[5] Nguyệt san Thanh Niên Hành Động (số 1 ngày 1-10-85), tr. 19.
[6] Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, tr. 596.
[7] Charles Maybon, Histoire Moderne du Pays d’Annam, (do Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh trích in lại trong “Vietnam: Lotus In A Sea Of Fire”, tr. 16) và về mặt sử liệu xin xem thêm “Sổ tay Văn hóa Việt Nam ” (NXB Văn Hóa, Hà Nội), tr. 135, 137.
[8] Lý Chánh Trung, Tôn Giáo và Dân Tộc, tr. 74, 75.
[9] Lý Chánh Trung, Tôn Giáo và Dân Tộc, tr. 78.
[10] Etienne Vũ Đức Hạnh, La Place Du Catholicisme Dans Les Relations Entre La France Et Le Vietnam de 1851 à 1870 (Tome I), tr. 260, 261.
[11] Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, tr. 540, 542 và sách Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược.
[12] Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, tr. 316.
[13] Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, tr. 317.
[14] Nguyễn Văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, tr. 23, 24.
[15] Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, tr. 4.
[16] Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, tr. 5.
[17] Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, tr. 49.
[18] Bảo Đại, Le Dragon d’Annam, tr. 114, 115.
[19] Trần Tương, Biến cố 11-11-1960, tr. 277.
[20] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 143.
[21] Joseph Buttinger, Vietnam, A Political History, tr. 304, 305.
[22] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 184.
[23] Robert Shaplen, The Cult Of Diem, trong tuần báo The New Yorker (số ngày 14-5-72).
[24] Tư liệu của ông Thái Văn Kiểm gửi cho tác giả ngày 4-4-1978 và theo lời kể của nhiều bô lão ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
[25] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 106.
[26] Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, tr. 684.
[27] Hoàng Trọng Thược, Tinh Thần Trào Phúng trong Thi Ca Xứ Huế, tr. 273.
[28] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 234.
[29] Charles Maybon, Histoire Moderne du Pays d’Annam.
[30] Malachi Martin, The Decline and Fall of The Roman Church, tr. 26.
[31] Malachi Martin, The Decline and Fall of The Roman Church, tr. 57.
[32] Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam, tr. 489.
[33] Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ, tr. 339-342 và sách Le Dragon d’Annam, Bảo Đại, tr. 58, 59.
[34] Malachi Martin, The Decline and Fall of The Roman Church.
[35] Phan Khoang, Việt Nam Pháp Thuộc Sử, tr. 404 (Viết theo Jean Chesneau trong “Contribution à l’Histoire du Vietnam” và Notes du 13-71887 của cựu Toàn quyền Lanessan “Indochine Francaise”, Paris 1889, Archives du Ministère de la France d’Outre-Mer trong luận án tiến sĩ của Cao Huy Thuần, Đại học Sorbonne, Paris).
[36] Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng, trong bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại (số 141), tr. 109-111.
[37] Bảo Đại, Le Dragon d’Annam, và sách Những Ngày Chưa Quên của Đoàn Thêm, tr. 171, 172.
[38] Michael McClear, The Ten-Thousand-Day War, tr. 62.
[39] Joseph Buttinger, Vietnam A Political History, tr. 414.
[40] Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, tr. 236.
[41] Stanley Karnow, Vietnam A History, tr. 218.
[42] Archimedes L. Patti, Why Vietnam? tr. 395, 396, 397.
[43] Danh sách những nhân vật chính trị, cách mạng tên tuổi hợp tác với Bảo Đại được kể trong Le Dragon d’Annam. (Danh sách nội các).
[44] Thư ông Hoàng Đồng Tiếu gửi cho tác giả.
[45] Trần Tương, Biến cố 11-11-1960, tr. 109.
[46] Lê Nguyên Long, Bất Đắc Dĩ Khơi Đống Tro Tàn, trong báo Khai Phóng (số 7), tr. 38.
[47] Hoàng Văn Chí, Từ Thực Dân Đến Cộng Sản, tr. 58, 59.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét