Thất nghiệp, trong kinh tế học, là tình trạng người lao động muốn có việc làm mà không tìm được việc làm (từ Hán-Việt thất: mất mát, nghiệp: việc làm). Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội.
Lịch sử của tình trạng thất nghiệp chính là lịch sử của công cuộc công nghiệp hóa. Ở nông thôn,
mặc dù có tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp một phần, làm việc ít
thời gian ở nông thôn, nhưng thất nghiệp không bị coi là vấn đề nghiêm
trọng.
Nguyên nhân
Trong lịch sử loài người, thất nghiệp chỉ xuất hiện trong xã hội tư bản. Ở xã hội cộng đồng xã hội nguyên thủy,
việc phải duy trì trật tự trong bầy đàn buộc mọi thành viên phải đóng
góp lao động và được làm việc. Trong xã hội phong kiến châu Âu, truyền
đời đất đai đảm bảo rằng con người luôn có việc làm. Ngay cả trong xã
hội nô lệ, chủ nô cũng không bao giờ để tài sản của họ (nô lệ) rỗi rãi
trong thời gian dài. Các nền kinh tế theo học thuyết Mác-Lênin cố gắng
tạo việc làm cho mọi cá nhân, thậm chí là phình to bộ máy nếu cần thiết
(thực tế này có thể gọi là thất nghiệp một phần hay thất nghiệp ẩn nhưng
đảm bảo cá nhân vẫn có thu nhập từ lao động).
Trong xã hội tư bản, giới chủ chạy theo
mục đích tối thượng là lợi nhuận, mặt khác họ không phải chịu trách
nhiệm cho việc sa thải người lao động, do đó họ vui lòng chấp nhận tình
trạng thất nghiệp, thậm chí kiếm lợi từ tình trạng thất nghiệp. Người
lao động không có các nguồn lực sản xuất trong tay để tự lao động phải
chấp nhận đi làm thuê hoặc thất nghiệp.
Các học thuyết kinh tế
học giải thích thất nghiệp theo các cách khác nhau. Kinh tế học Keynes
nhấn mạnh rằng nhu cầu yếu sẽ dẫn đến cắt giảm sản xuất và sa thải công
nhân (thất nghiệp chu kỳ). Một số khác chỉ rằng các vấn đề về cơ cấu ảnh
hưởng thị trường lao động (thất nghiệp cơ cấu). Kinh tế học cổ điển và tân cổ điển có xu hướng lý giải áp lực thị trường đến từ bên ngoài, như mức lương tối thiểu,
thuế, các quy định hạn chế thuê mướn người lao động (thất nghiệp thông
thường). Có ý kiến lại cho rằng thất nghiệp chủ yếu là sự lựa chọn tự
nguyện. Chủ nghĩa Mác giải thích theo hướng thất nghiệp là thực tế giúp
duy trì lợi nhuận doanh nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Các quan điểm khác
nhau có thể đúng theo những cách khác nhau, góp phần đưa ra cái nhìn
toàn diện về tình trạng thất nghiệp.
Việc áp dụng nguyên lý cung - cầu vào thị trường lao động giúp lý giải tỷ lệ thất nghiệp cũng như giá cả của lao động.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh chỉ ra, ở các nước đang phát triển, tình trạng thất nghiệp cao trong phụ nữ và thanh niên còn là hậu quả của những quy định về trách nhiệm chủ lao động.
Phân loại
- Thất nghiệp cổ điển: là dạng thất
nghiệp liên quan tới loại việc làm mà tiền công thực tế trả cho người
làm công việc đó cao hơn mức tiền công thực tế bình quân của thị trường
lao động chung, khiến cho lượng cung về lao động đối với công việc này
cao hơn lượng cầu. Dạng thất nghiệp này còn được gọi là thất nghiệp tiền công thực tế.
- Thất nghiệp cơ cấu: là dạng thất nghiệp do người lao động
và người thuê mướn lao động không tìm được nhau vì những lý do như khác
biệt về địa lý, thiếu thông tin, v.v...
- Thất nghiệp chu kỳ: là loại thất
nghiệp liên quan đến chu kỳ kinh tế tại pha mà tổng cầu thấp hơn tổng
cung dẫn tới doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và phải giảm thuê mướn
lao động. Dạng thất nghiệp này còn được gọi là thất nghiệp Keynes vì Keynes là người đề xướng thuyết về tổng cầu-tổng cung.
- Thất nghiệp ma sát: là loại thất nghiệp tạm thời do người
lao động đang chờ để tìm được việc làm mà họ kỳ vọng chứ không phải
không thể tìm được việc làm nào.
- Thất nghiệp trá hình: là dạng thất
nghiệp của những người lao động không được sử dụng đúng hoặc không được
sử dụng hết kỹ năng. Thuộc loại này bao gồm cả những người làm nghề
nông trong thời điểm nông nhàn (đôi khi những người này được tách riêng
thành những người thất nghiệp theo thời vụ).
- Thất nghiệp ẩn: là dạng thất nghiệp không được báo cáo.
Ảnh hưởng tới xã hội và nền kinh tế
Thiệt thòi cá nhân
Không có việc làm đồng nghĩa với hạn chế
giao tiếp với những người lao động khác, tiêu tốn thời gian vô nghĩa,
không có khả năng chi trả, mua sắm vật dụng thiết yếu cũng như các hàng
hóa tiêu dùng. Yếu tố sau là vô cùng trầm trọng cho người gánh vác nghĩa
vụ gia đình, nợ nần, chi trả chữa bệnh. Những nghiên cứu cụ thể chỉ ra
rằng, gia tăng thất nghiệp đi liền với gia tăng tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ tự tử, và suy giảm chất lượng sức khỏe.
Theo một số quan điểm, rằng người lao động nhiều khi phải chọn công việc thu nhập
thấp (trong khi tìm công việc phù hợp) bởi các lợi ích của bảo hiểm xã
hội chỉ cung cấp cho những ai có quá trình làm việc trước đó. Về phía
người sử dụng lao động thì sử dụng tình trạng thất nghiệp để gây sức ép
với những người làm công cho mình (như không cải thiện môi trường làm
việc, áp đặt năng suất cao, trả lương thấp, hạn chế cơ hội thăng tiến, v.v..).
Cái giá khác của thất nghiệp còn là, khi
thiếu các nguồn tài chính và phúc lợi xã hội, cá nhân buộc phải làm
những công việc không phù hợp với trình độ, năng lực. Như vậy thất
nghiệp gây ra tình trạng làm việc dưới khả năng. Với ý nghĩa này, thì
trợ cấp thất nghiệp là cần thiết.
Những thiệt thòi khi mất việc dẫn đến trầm uất,
suy yếu ảnh hưởng của công đoàn, công nhân lao động vất vả hơn, chấp
nhận thù lao ít ỏi hơn và sau cùng là chủ nghĩa bảo hộ việc làm. Chủ
nghĩa này đặt ra những rào cản với người muốn gia nhập công việc, hạn
chế di dân, và hạn chế cạnh tranh quốc tế. Cuối cùng, tình trạng thất
nghiệp sẽ khiến cán cân đàm phán điều kiện lao động nghiêng về giới chủ,
tăng chi phí khi rời công việc và giảm các lợi ích của việc tìm cơ hội
thu nhập khác.
Ảnh hưởng tới tâm lý
Người thất nghiệp dễ ở trong tình trạng
mình là người thừa tuy nhiên sự tác động là khác nhau giữa hai giới. Ở
phụ nữ nếu không có việc làm ngoài thì việc nội trợ và chăm sóc con cái
vẫn có thể được chấp nhận là sự thay thế thỏa đáng, ngược lại ở người
nam, đem thu nhập cho gia đình gắn chặt đến giá trị cá nhân, lòng tự
trọng. Nam giới khi mất việc làm thường tự ti, rất nhạy cảm và dễ cáu
bẳn, họ có thể tìm đến rượu, thuốc lá để quên đi buồn phiền, tình trạng
này kéo dài ngoài khả năng gây nghiện ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
còn có thể khởi tạo một vấn đề mới đó là bạo hành gia đình[2]. Họ cũng dễ bị rối loạn tâm lý như buồn phiền, mất ngủ, trầm cảm và như đã nói ở trên đôi khi còn dẫn đến hành vi tự sát.
Chi phí cho doanh nghiệp và giảm tăng trưởng kinh tế
Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp – các nguồn lực con người không được sử dụng, bỏ phí cơ hội sản xuất thêm sản phẩm và dịch vụ.
Thất nghiệp còn có nghĩa là sản xuất ít hơn. Giảm tính hiệu quả của sản xuất theo quy mô.
Thất nghiệp dẫn đến nhu cầu xã hội giảm.
Hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh ít ỏi,
chất lượng sản phẩm và giá cả tụt giảm. Hơn nữa, tình trạng thất nghiệp
cao đưa đến nhu cầu tiêu dùng ít đi so với khi nhiều việc làm, do đó mà
cơ hội đầu tư cũng ít hơn.
Lợi ích
Tình trạng thất nghiệp gia tăng tương
quan với áp lực giảm lạm phát. Điều này được minh họa bằng đường cong
Phillips trong kinh tế học.
Một tỷ lệ thất nghiệp vừa phải sẽ giúp
cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Người lao động có thể tìm
những cơ hội việc khác phù hợp với khả năng, mong muốn và điều kiện cư
trú. Về phía giới chủ, tình trạng thất nghiệp giúp họ tìm được người lao
động phù hợp, tăng sự trung thành của người lao động. Do đó, ở một
chừng mực nào đó, thất nghiệp đưa đến tăng năng suất lao động và tăng lợi nhuận.
Công thức tính tỷ lệ thất nghiệp
-
-
Tỷ lệ thất nghiệp = 100% x |
Số người không có việc làm |
Tổng số lao động xã hội |
- Tử số: Không tính những người không cố gắng tìm việc.
- Mẫu số: Tổng số lao động xã hội = Số người có việc làm + số người không có việc làm nhưng tích cực tìm việc.
S.T
Posted in: Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét