Tháng 7 năm 2013, Việt-Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện |
Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014
Báo TQ thái độ hậm hực: Việt Nam trở thành "con cưng" mới của Mỹ
21:13
Hoàng Phong Nhã
No comments
(GDVN) - Bài viết phân tích vấn đề Biển Đông ở nhiều góc độ, nhất là
quan hệ Mỹ-Việt, ứng xử của Việt Nam, nhưng lộ rõ thái độ "ta đây" và
mưu đồ chia rẽ của TQ.
Báo Hồng Kông ngang nhiên bàn xây căn cứ quân sự ở Trường Sa/VN
Báo TQ xuyên tạc: Đoàn Tướng Việt Nam sang TQ để cầu hòa
TQ sẽ dùng tàu tiếp tế mới xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam?
Mưu đồ đen tối của Trung Quốc ngày càng được bộc lộ rõ hơn
Tờ “Tầm nhìn” tiếng Trung ngày 25 tháng
10 dẫn tờ “Phượng Hoàng” đăng bài viết “Việt Nam tại sao trở thành con
cưng mới của Mỹ, dựa vào họ cũng có thể đối đầu với Quân đội Trung
Quốc?”. Để có cái nhìn khách quan theo góc độ riêng của bài báo, nhận rõ
mối quan tâm, ý đồ tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, lừa đảo của một bộ
phận báo chí Trung Quốc, báo GDVN xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết
để độc giả rộng đường tham khảo.
Theo bài viết, Việt Nam là láng giềng
phương nam của Trung Quốc đã mấy nghìn năm lịch sử, giao lưu trao đổi
giữa Trung-Việt đã lâu đời. Từ thời cận đại đến nay, vai trò ảnh hưởng
của Trung Quốc đối với Việt Nam tăng lên, không giảm đi, các tờ báo
này nói là TQ “giúp Việt Nam thực hiện độc lập, thống nhất, cung cấp kinh nghiệm thành công cải cách mở cửa, không nghi ngờ gì nữa, là sự kiện lịch sử quan trọng có ý nghĩa nhất”.
Nhưng, bài báo cho rằng quan hệ
Trung-Việt cũng có mặt "tiêu cực" do có vị trí địa lý gần gũi và lịch sử
lâu đời. Vẫn phát huy "truyền thống gắp lửa bỏ tay người, chuyên đi nói
xấu người khác của một bộ phận truyền thông Trung Quốc", bài báo cho
rằng, sau khi độc lập, Việt Nam đã xuất hiện nhiều lần cái gọi là "dao động" trong sự lựa chọn con đường, đã phủ một bóng đen lên quan hệ Trung-Việt.
Độc giả cứ nhìn vào lịch sử quan hệ Việt-Trung với một số cuộc chiến tranh xâm lược biển đảo hay trên đất liền của Trung Quốc đối với Việt Nam (năm 1974,
1979, 1988...) thì sẽ hiểu nguồn gốc sâu xa cái mặt "tiêu cực" mà bài
báo nói đến, mới thấy được bộ mặt thật đằng sau những phát ngôn xằng
bậy, lừa đảo của nhiều bài viết trên báo chí và nhiều quan chức Trung
Quốc, thể hiện rõ nhất là trong thời gian xảy ra sự kiện giàn khoan Hải
Dương Thạch Du 981 vừa qua.
Theo bài báo, những năm gần đây, cùng
với việc Mỹ quyết định chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á-Thái Bình
Dương, các đồng minh châu Á của Mỹ đã kêu gọi khả năng lãnh đạo của Mỹ ở
châu Á.
Đồng minh Nhật Bản luôn liên tiếp hành
động trong vấn đề đảo Senkaku, các hành động thực tế như đặt tên, quốc
hữu hóa, mua đảo đã làm cho "tranh chấp" đảo Senkaku giữa Trung-Nhật
ngày càng gay gắt (Nhật kiên quyết cho rằng đảo này không có tranh
chấp).
Đứng trước hành động mua đảo của Nhật
Bản, bài báo cho rằng, Mỹ không chỉ không phê phán và ngăn chặn, trái
lại còn một mực thiên vị, che chở cho Nhật Bản, thậm chí tuyên bố đảo
Senkaku được áp dụng theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, làm cho Nhật Bản
tiếp tục cái mà bài báo cho là "leo thang khiêu khích".
Trong khi đó, trong vấn đề Biển Đông,
bài báo vu cáo cho rằng, Philippines cũng không ngừng "khiêu khích,
sinh sự" như đối đầu bãi cạn Scarborough, giữ tàu cũ ở bãi Cỏ Mây (thuộc
quần đảo Trường Sa của Việt Nam), bắt ngư dân Trung Quốc, kiện Trung
Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.
Trên thực tế, Trung Quốc đã ăn cướp bãi
cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, đồng thời có vô vàn các
hành động khiêu khích, bành trướng khác ở Biển Đông, nhất là đối với
Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận, không tham
gia vụ kiện trọng tài quốc tế của Philippines là một hành động đáng xấu
hổ khi họ luôn tự coi mình là “nước lớn” và luôn coi mình là “tấm gương”
(tuân thủ luật pháp quốc tế) cho thiên hạ.
Từ ngày 20 - 23 tháng 10 năm 2014, Đảng
Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Trung ương 4 chuyên bàn về “pháp
trị”, thể hiện họ coi trọng “dùng luật pháp trị quốc” ở mức độ chưa
từng có, nhưng họ lại bất chấp luật pháp quốc tế, giải thích lung tung
Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, muốn cướp lấy toàn bộ biển đảo
trong “đường lưỡi bò” vẽ bậy (xuất phát từ một cá nhân), chỉ muốn đàm
phán “tay đôi/song phương” với từng nước dựa vào hậu thuẫn sức mạnh quân
sự đang ra sức tăng cường, trong khi rất nhiều tranh chấp ở Biển Đông
là tranh chấp đa phương.
Tiếp theo, bài báo cho rằng, là Tổng
thống đầu tiên công khai tuyên bố Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ áp dụng cho
đảo Senkaku, lập trường của ông Barack Obama rõ ràng đã đứng về một bên
trong "tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines" (nguồn gốc
tranh chấp là Trung Quốc ăn cướp biển đảo của Việt Nam và đang hàng ngày
càng giờ gặm nhấm thêm). Theo bài báo, ông Obama một mực lên án Trung
Quốc khiêu khích phá hoại ổn định Biển Đông, đồng thời đẩy nhanh, tăng
cường hợp tác quân sự, quốc phòng với Philippines.
Bài báo cho rằng, việc thực hiện chiến
lược "tái cân bằng" châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đương nhiên không tách
rời hợp tác với các đồng minh và đối tác này. Quan hệ Mỹ-Việt cũng tiếp
tục ấm lên. Tháng 6 năm 2012, ông Leon Panetta thăm Việt Nam, trở thành
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh sau khi kết thúc
chiến tranh Việt Nam. Điều này được cho là khúc dạo đầu ấm lên toàn diện
của hợp tác quân sự Mỹ-Việt.
Tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam
Trương Tấn Sang thăm Mỹ, cùng với Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố thiết
lập quan hệ đối tác toàn diện. Tháng 12 năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ
John Kerry thăm Việt Nam, tuyên bố sẽ cung cấp tàu tuần tra tốc độ nhanh
trị giá 18 triệu USD cho Cảnh sát biển Việt Nam, dùng để tăng cường
tuần tra bờ biển Việt Nam.
Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2014,
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin
Dempsey thăm Việt Nam, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng tham
mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Việt Nam kể từ năm 1971 (chiến tranh
Việt Nam) đến nay.
Ngày 2 tháng 10 năm 2014, Chính phủ Mỹ
tuyên bố, sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho
Việt Nam để giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải. Các chủng loại vũ
khí xuất khẩu sẽ bao gồm tàu chiến và máy bay quân sự, trong đó, máy
bay trinh sát P-3 Orion sẽ có thể trở thành loại trang bị đầu tiên xuất
khẩu cho Việt Nam. Một loạt hoạt động trao đổi quân sự giữa Mỹ-Việt cho
thấy, 2 "kẻ thù cũ" của 40 năm về trước nay hầu như đã bước vào "tuần
trăng mật".
Trong khi đó, vào đầu tháng 5 năm 2014,
tàu thuyền hai nước Trung-Việt đã xảy ra xung đột ở vùng biển (thuộc chủ
quyền của Việt Nam) mà giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc hạ
đặt (bất hợp pháp), gây ra tranh chấp Biển Đông giữa Trung-Việt (sự kiện
này lộ rõ mưu đồ đen tối của Trung Quốc là biến vùng đặc quyền kinh tế,
thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế thành vùng biển có
tranh chấp, trong khi đó, Việt Nam và các nước chưa bao giờ hạ đặt giàn
khoan hay mời thầu dầu khí ở vùng biển duyên hải (vùng đặc quyền kinh
tế, thềm lục địa) của Trung Quốc).
Cũng do hành động có tính chất ăn cướp
trắng trợn giữa ban ngày này của Trung Quốc trong thời đại văn minh hiện
nay, bài báo cho rằng, ở Việt Nam đã xảy ra các cuộc biểu tình chống
Trung Quốc có quy mô và đã diễn biến thành cái mà bài báo phóng đại là
“bạo loạn quy mô lớn”, gây ra tổn thất tài chính, nhân lực to lớn cho
các doanh nghiệp trong và ngoài nước của Việt Nam.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam bất ngờ
tuyên bố từ bỏ quyền đăng cai Á vận hội Hà Nội năm 2019, lý do là xét
đến tình hình kinh tế của Việt Nam, "tiền dùng vào việc cần thiết nhất".
Sau đó không lâu, Chính phủ Việt Nam cho biết dùng 540 triệu USD mua 32
tàu tuần tra và cấp 225 triệu USD hỗ trợ ngư dân chế tạo tàu đánh bắt
xa bờ để ra khơi đánh bắt cá, từ đó tăng cường kiểm soát đối với Biển
Đông. Theo đó, bài báo phán rằng, ý đồ “đối đầu với Trung Quốc” (tức là
chống Trung Quốc thực hiện các hành động ăn cướp, bành trướng, khủng bố)
của Việt Nam ngày càng rõ ràng.
Vẫn quen thói “gắp lửa bỏ tay người”,
báo Trung Quốc cho rằng, đối với vấn đề này, Mỹ đương nhiên sẽ
không bỏ qua cơ hội, trong các loại trường hợp công khai, Mỹ đã chỉ
trích Trung Quốc phá hoại ổn định của khu vực Biển Đông, Mỹ "bôi nhọ"
Trung Quốc gây ra bất ổn tình hình khu vực, thái độ như vậy "giống hệt"
các nước đòi hỏi chủ quyền như Việt Nam và Philippines.
Trong vấn đề Biển Đông, theo bài báo, Mỹ
từng bước từ bỏ lập trường trung lập/không thiên vị, theo đó, bài báo
nghĩ rằng, đây là "nguyên nhân chủ yếu" gây căng thẳng tình hình khu vực
châu Á-Thái Bình Dương. Báo Trung Quốc bịa đặt rất bài bản cho rằng, Mỹ
khuyến khích các nước có liên quan trong khu vực “không dùng phương
thức ngoại giao” để giải quyết tranh chấp và khiến cho Trung Quốc khó mà
tiến hành đàm phán hơn, làm cho các "nước nhỏ" không có chút thực lực
quân sự như Philippines cho rằng có thể áp dụng các "hành vi mạo hiểm"
(bài báo cho là vốn không nên làm).
Trong khi đó, theo góc nhìn của bài báo,
trong các nước “có thể ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông”, Việt Nam
không chỉ có thực lực kinh tế, mà còn có thể tạo ra “mối đe dọa to lớn”
đối với Trung Quốc. Đây chính là điều làm cho “Mỹ coi trọng hơn quan hệ
ngoại giao và quân sự với Việt Nam”.
Bài báo giở giọng tuyên truyền xuyên
tạc, vô căn cứ rằng, trong một thời gian, trước bối cảnh lớn Trung Quốc
trỗi dậy và Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương,
Việt Nam lựa chọn chính sách “chân trong chân ngoài” (ý là ba phải) –
tức là dựa vào Mỹ về an ninh, tiếp tục dựa vào Trung Quốc về kinh tế.
Nhưng, theo bài báo, nhìn vào kết quả,
Mỹ hứa suông mà không có thực, môi trường an ninh của Việt Nam hoàn toàn
không được cải thiện rõ rệt, đây là do hai bên "tồn tại khác biệt to
lớn về chính trị và ý thức hệ". Về sự khác biệt này, gần đây, trong thời
điểm quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ theo đồng thuận “quan hệ
đối tác toàn diện” của các nhà lãnh đạo hai nước, báo chí Trung Quốc đã
và đang tập trung khoét sâu sự khác biệt về “ý thức hệ” để nhắc nhở và
dụ dỗ Việt Nam đừng hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ.
Bài báo nghĩ rằng, Việt Nam chắc chắn
nằm ở “tầng ngoài cùng” trong hệ thống đồng minh của Mỹ, khi có “sự cố”
xảy ra, căn bản không thể trông chờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ. Trong
khi đó, bài báo tưởng tượng một cách lố bịch và tỏ ý dạy dỗ, cảnh báo,
cho rằng, do vấn đề lãnh thổ, Việt Nam có nguy cơ mất đi cơ hội “đi nhờ
xe” thuận lợi về kinh tế của Trung Quốc. Việt Nam đang nằm trong giai
đoạn chuyển đổi xã hội, đang đi ở “ngã tư đường” lịch sử mới.
Do đó, theo bài báo, cuộc khủng hoảng
xuất hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay, về bề ngoài là “tranh
chấp chủ quyền” giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản,
nhưng thực chất là cuộc “đọ sức” về quyền kiểm soát biển giữa Trung-Mỹ.
Cùng với sự phát triển kinh tế và mở
rộng ngoại giao của Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn ngày càng coi trọng
bảo vệ cái gọi là “quyền lợi biển” và sự ổn định của vùng biển xung
quanh, điều này sẽ không tránh khỏi xảy ra xung đột với lợi ích chiến
lược và chiến thuật của Mỹ như “kích động căng thẳng tình hình khu vực,
bán vũ khí trang bị, tăng cường kiểm soát Biển Đông”.
Vì vậy, bài báo cho rằng, để cân bằng
với thực lực của Trung Quốc ở châu Á, Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp “tranh
chấp đảo Senkaku” giữa Trung-Nhật, “tranh chấp Biển Đông” giữa Trung
Quốc-Philippines, Trung Quốc-Việt Nam, tình hình khu vực cũng sẽ ngày
càng không ổn định.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết
trên báo Trung Quốc, có rất nhiều điểm đáng để nhìn nhận cho kỹ càng,
đặc biệt là những luận điệu rất “thâm nho” chuyên đánh lừa dư luận.
Có lẽ, giải quyết vấn đề Biển Đông hay bất cứ vấn đề quan trọng nào
khác, luôn luôn và quan trọng nhất là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên
trên hết, đặc biệt là khi đối phương lộ rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông và
bản chất thực dụng trong tất cả các mối quan hệ quốc tế và quan hệ với
Việt Nam. Rất coi trọng và giữ gìn tình hữu nghị vốn là điều quý giá ở
đời, nhưng không được quên lịch sử xâm lược của kẻ thù.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét