Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014
Peter J. Hill - Thị trường và đức hạnh
07:59
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nếu
chỉ nói về khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thì đa số người đều
đồng ý rằng chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn thắng lợi khi so sánh với
những hệ thống kinh tế khác, thí dụ như chủ nghĩa xã hội. Ngay cả như
thế thì nhiều người phê phán sở hữu tư nhân và thị trường cũng muốn có
nhiều chủ nghĩa xã hội hơn hay ít nhất cũng là giao vào tay chính phủ
nhiều quyền lực hơn. Họ biện luận rằng mặc dù chủ nghĩa tư bản hoàn
thành sứ mệnh theo nghĩa vật chất, nhưng không hoàn thành sứ mệnh theo
nghĩa đạo đức. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa tư bản không đáp ứng được
một số tiêu chuẩn về sự công bằng.
Tiểu
luận này thách thức quan điểm như thế bằng cách khảo sát một số lĩnh
vực, nơi mà đức hạnh nghiêng về phía thị trường. Điều đó không có nghĩa
là xã hội dựa trên thị trường tự do là xã hội đức hạnh, trong thị trường
tự do người ta có thể hành động phù hợp với đạo đức hoặc phi đạo đức,
như trong các hệ thống khác mà thôi. Nhưng chủ nghĩa tư bản có một số
sức mạnh đạo đức mà những hệ thống kinh tế khác không có.
Mặc
dù “thị trường” thường được coi là đối chọi với kế hoạch hóa tập trung
hay quyền sở hữu của nhà nước đối với tư liệu sản xuất nhưng nó không
phải là trật tự mang tính định chế như là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa
cộng sản. Chúng ta gọi xã hội dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản
xuất là chủ nghĩa tư bản hay thị trường tự do. Các cá nhân có thể sở
hữu, mua hoặc bán sở hữu (kể cả sức lao động của họ), đấy là nói nếu họ
không gian lận và họ có thể làm với tài sản của mình tất cả những gì họ
muốn miễn là không phương hại tới những người khác. Các cá nhân có thể
trao đổi tài sản của mình với người khác, và bằng cách đó tạo ra thị
trường. Quá trình trao đổi không phụ thuộc vào ai và chỉ cần một hệ
thống sở hữu tư nhân rõ ràng và được tôn trọng là nó có thể tồn tại được
rồi.
Đặc
trưng cố hữu trong chủ nghĩa tư bản là khả năng: bảo đảm cho người ta
quyền tự do lựa chọn, thúc đẩy sự hợp tác, bảo đảm trách nhiệm, tạo ra
tài sản cho số đông dân chúng và hạn chế việc sử dụng bạo lực một cách
quá đáng.
Quyền tự do lựa chọn
Hệ
thống thị trường quan tâm rất ít tới biện pháp lí tưởng trong việc tổ
chức đời sống kinh tế. Các xã hội khác có thể ra lệnh cho người ta thành
lập hợp tác xã hay công xã hoặc nghề thủ công hay có thể cấm đoán những
việc như thế. Nhưng hệ thống tài sản tư nhân đưa ra một loạt hình thức
tổ chức khả dĩ; nếu người ta muốn hợp tác xã thì họ có thể sử dụng hình
thức này; nhưng người ta cũng có thể áp dụng những hình thức tổ chức sản
xuất khác, nếu muốn. Và trên thực tế, những người không muốn thị trường
hoặc muốn thiết kế những định chế khác cũng hoàn toàn được tự do làm
như thế.
Trong
suốt chiều dài của lịch sử đã từng có những nhóm người lựa chọn cách
thức hợp tác bên ngoài thị trường. Một trong những nhóm như thế là người
Hutterite, họ sống trong khu vực Bình Nguyên Lớn phía Bắc của Mĩ và
Canada. Họ không phải là những người theo chủ nghĩa tư bản. Trừ những
vật dụng tối cần thiết đối với cá nhân, tất cả tài sản trong khu vực của
người Hutterite đều là tài sản chung. Tất cả thu nhập đều được đem chia
đều cho những người sống trong khu vực, lao động không được trả lương.
Người
Hutterite có thể thành lập các khu vực định cư của mình mà không cần
bất cứ người nào trong xã hội cho phép. Không có ủy ban, không có các cơ
quan nào của chính phủ hay một nhóm những công dân có thiện ý nào phải
họp lại và quyết định xem cách sống của người Hutterite có phù hợp hay
không. Tự do lựa chọn phương án như thế là đặc trưng của xã hội thị
trường tự do.
Ngược
lại, xã hội kế hoạch hóa tập trung không bảo đảm quyền tự do cho những
người muốn tham gia buôn bán trên thương trường. Xã hội này ngăn chặn
buôn bán để phục vụ cho những mục tiêu khác và không nghi ngờ gì rằng nó
sẽ ngăn chặn những nhóm người tương tự như người Hutterite, nếu những
nhà cầm quyền không thích hình thức tổ chức của người Hutterite.
Hợp tác thay vì xung đột
Hệ
thống thị trường tự do, tài sản tư nhân thường được gán cho là hệ thống
cạnh tranh. Nhưng một trong những ưu điểm chủ yếu của hệ thống thị
trường là nó thúc đẩy hợp tác chứ không chỉ là cạnh tranh. Cạnh tranh
quả thật có tồn tại trong xã hội dựa vào thị trường, nhưng khi có sự
khan hiềm thì cạnh tranh sẽ thịnh hành, xã hội nào cũng vậy cả.
Trên
thương trường, người giành được chiến thắng là người hợp tác với những
người khác trong xã hội hay là làm cho những người khác được thỏa mãn.
Muốn thành công trong hệ thống sở hữu tư nhân thì các cá nhân phải đưa
ra “thương vụ tốt hơn” những người cạnh tranh với họ. Họ không thể ép
người khác mua sản phẩm hay dịch vụ của mình. Họ phải hướng sức sáng tạo
và năng lực của mình nhằm tìm ra cách thức nhằm làm cho những người
khác được thỏa mãn. Người thành công trên thương trường là người làm
điều đó một cách tốt nhất. Như vậy là, những người tham gia vào nền kinh
tế thị trường – cả người mua lẫn người bán – đều liên tục tìm lĩnh vực
mà họ có thể thỏa thuận, có thể làm ăn với nhau chứ không phải là tập
trung chú ý vào những lĩnh vực có thể gây bất hòa, chẳng mang lại lợi
ích gì cho ai.
Ngược
lại, trong chế độ tập thể, càng hung hăng và càng không khoan nhượng
thì càng dễ được tưởng thưởng. Với cách ra quyết định tập thể, những
người có vị thế chính trị vững chắc sẽ chẳng cần phải tìm sự đồng thuận;
nói chung, họ có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn bằng cách làm mất
thể diện phe đối lập khi những người này tìm cách biện hộ cho quan điểm
của mình, thỏa hiệp chỉ có thể xảy ra khi đối phương cũng mạnh mà thôi.
Thí
dụ điển hình của sự bất hòa do quyết định tập thể gây ra là cuộc tranh
luận về việc giảng dạy về nguồn gốc của loài người. Ban giám hiệu nhà
trường – đấy là nói những ban giám hiệu phải đưa ra quyết định tập thể -
nói chung phải quyết định dạy hoặc là con người là do Chúa sáng tạo ra
hoặc là do tiến hóa mà thành. Những quyết định như thế bao giờ cũng chứa
đầy xung đột. Những người không đồng ý với quyết định của ban giám hiệu
thường viết thư đến báo chí, vận động hành lang, thuê luật sư, và nói
chung là rất phiền phức. Đấy là điều hầu như không thể tránh được khi
dính dáng đến những vấn đề nhạy cảm như thế vì mọi quyết định mang tính
tập thể, kể cả những vấn đề được đa số quyết định bằng cách bỏ phiếu,
cũng có vẻ như đi ngược lại ước muốn của thiểu số. Như vậy là, những
người ra quyết định đã rơi vào tình trạng không thể thắng được. Nếu ban
giám hiệu cho phép dạy theo thuyết sáng tạo luận thì những người theo
thuyết tiến hóa sẽ nổi giận. Nếu họ dạy theo thuyết tiến hóa thì những
người theo thuyết sáng tạo luận cũng sẽ giận dữ y như thế.
Ngược
lại, xin xem xét quyết định trở thành người ăn chay hay ăn mặn. Ở đây
cũng có những người cảm thấy giận dữ khi bị cản trở trong vấn đề này y
hệt những người bị cuốn hút vào cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người
vậy. Tuy nhiên, khó có khả năng là quyết định về khẩu phần ăn có thể tạo
ra một cuộc tranh cãi công khai. Khẩu phần ăn không được quyết định bởi
quá trình ra quyết định tập thể cho nên người ta có thể giải quyết với
nhau một cách hòa bình hơn. Người tin rằng không ăn thịt thì có lợi hơn
về mặt sức khỏe hoặc đúng hơn về mặt đạo đức có thể ăn như thế mà không
cần tranh luận với những người ăn mặn. Còn những người ủng hộ cho việc
ăn mặn cũng có thể tìm được các nhà sản xuất hay cửa hàng sẵn sàng đáp
ứng mong muốn của họ. Trên thực tế, người ăn chay và ăn mặn có thể mua ở
cùng một cửa hàng, có thể đẩy xe hàng của mình đi ngang qua nhau mà
không hề có xung đột nào. Chính vì không cần quyết định tập thể cho nên
sự gần gũi hòa bình như thế mới có thể xảy ra được.
Sự
hài hòa xã hội do thị trường đem lại phải là mối bận tâm của những
người lo lắng đến những vấn đề đạo đức. Những người thuộc các nền văn
hóa khác nhau, giá trị khác nhau và thế giới quan khác nhau có thể sống
cùng nhau mà không hề thù oán nhau trong hệ thống thị trường và sở hữu
tư nhân. Hệ thống thị trường chỉ đòi hỏi một sự đồng thuận tối thiểu về
mục đích của cá nhân hay nhà-nước-xã-hội mà thôi.
Ngược
lại, các chế độ khác có xu hướng ngả về những mục tiêu được quyết định
từ bên trên. Mỗi chế độ như thế đều đòi hỏi phải có nhiều sự đồng thuận
hơn về những điều được coi là “tốt” đối với xã hội. Hệ thống kế hoạch
hóa tập trung, không dựa vào sự trao đổi tự nguyện lao động để lấy tiền
lương, phải bắt các cá nhân làm việc hoặc thực hiện những mục tiêu cụ
thể nào đó, những mục tiêu này có thể không phải là mục tiêu mà người
lao động hay người tiêu dùng lựa chọn nếu họ được tự do. Thí dụ, ở Liên
Xô người dân hầu như không có quyền tự do lựa chọn nơi làm việc và một
khi đã được phân công một công việc nào đó thì rất khó chuyển đến vị trí
làm việc khác.
Một
nguyên nhân nữa làm cho hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân thúc đẩy
sự hài hòa xã hội là nó buộc người ta phải có trách nhiệm với những gì
mình làm cho người khác. Trong chế độ sở hữu tư nhân, làm người khác bị
thương hoặc làm hỏng tài sản của người khác thì phải bồi thường, tòa án
buộc người ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Nhận thức rằng làm
hỏng thì phải bồi thường làm cho người ta phải thận trọng và có trách
nhiệm. Khi người ta đã nhận thức được trách nhiệm của mình thì con người
có quyền tự do.
Ngược
lại, hệ thống kế hoạch hóa tập trung làm cho người ta thiếu trách nhiệm
hơn rất nhiều. Mặc dù về mặt lí thuyết thì chính phủ có trách nhiệm bảo
đảm quyền của nhân dân, nhưng quyền trong hệ thống như thế được xác
định một cách mù mờ và chính phủ có thể và quả thật đã đáp ứng nguyện
vọng của những kẻ có quyền lực, nhưng lại ít quan tâm tới quyền và ước
muốn của những người không có quyền lực. Ngay cả trong các chế độ dân
chủ, nếu chính phủ có quyền giành ưu tiên cho những nhóm người nào đó
thì những nhóm có nhiều quyền lực sẽ lợi dụng chính phủ để giành lấy
những thứ họ muốn. Mà những thứ họ giành được có thể rất có giá trị đối
với những người bị tước đoạt.
Thế giới quan tổng bằng không và thế giới quan tổng là một số dương
Những
lời chỉ trích sở hữu tư nhân thường xoay quanh việc phân phối thu nhập.
Những người có thiện chí thường nghĩ rằng thật là không công bằng khi
một số người sống xa hoa trong khi một số khác lại sống trong cảnh bần
hàn. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng về mặt đạo đức, những người
sống sung túc phải chia sẻ với những người nghèo túng hơn. Nhưng điều đó
không có nghĩa là chính phủ là tổ chức phù hợp với công việc tái phân
phối như thế.
Nhiều
người bất bình với địa vị của người giàu vì họ đã hiểu lầm về nguồn gốc
của tài sản. Họ tin rằng những người sống xa hoa là những kẻ bóc lột
những người sống trong cảnh bần hàn. Nói chung đấy là quan niệm sai lầm.
Thế
giới không phải là tổng bằng không. Nghĩa là tài sản trên thế giới là
không giới hạn cho nên nó phải được chia cho mọi người, một số người
được nhiều hơn còn một số khác thì được ít hơn. Có thể kiếm được tài
sản bằng cách lấy của người khác, nhưng người ta cũng có thể tạo được
tài sản bằng hành động với động cơ đúng đắn của mình. Khi làm như thế
thì tài sản chính là sự gia tăng phúc lợi cho xã hội. Sự gia tăng đáng
kể tài sản tính trên đầu người kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp trước
hết là do tài sản được tạo ra chứ không phải là lấy của người khác.
Khi các quyền sở hữu được xác định một cách rạch ròi và được bảo hộ thì chỉ
các giao dịch mà người dân tham gia vào mới có “tổng dương” hay có thể
gọi là những giao dịch tạo-ra-tài-sản, điều đó xảy ra là vì tất cả các
bên tham gia giao dịch đều tin rằng kết quả là họ đã cải thiện được hoàn
cảnh sống của mình. Trong xã hội, nơi mà người dân được bảo đảm quyền
sở hữu tài sản của mình thì họ sẽ chỉ trao đổi tài sản trên cơ sở tự
nguyện và họ sẽ chỉ làm như thế khi nhìn thấy khả năng cải thiện được
hoàn cảnh của mình mà thôi. Những người giao dịch với họ cũng làm đúng
như thế - họ cũng chỉ tham gia giao dịch khi nghĩ rằng kết quả là họ sẽ
cải thiện được hoàn cảnh sống của mình.
Thế
giới có tổng bằng không, nơi người chỉ có thể tích tụ được tài sản bằng
cách lấy bớt tài sản của người khác, chỉ có thể xảy ra khi không
có quyền sở hữu. Trong thế giới như thế người dân – hoặc là trở thành
kẻ cắp và kẻ cướp hoặc là lợi dụng quyền lực của chính phủ - mới có thể
nắm được quyền quản lí các nguồn lực mà không có quyền của người chủ các
nguồn lực đó.
Một
số nhà phê bình biện luận rằng nhiều vụ giao dịch trên thương trường
không phải là tự nguyện, một số người, do hoàn cảnh bắt buộc mà phải
tham gia vào những giao dịch mà họ không muốn. Thí dụ, họ biện luận rằng
người sử dụng lao động bóc lột người lao động bằng cách trả cho họ mức
lương thấp nhất có thể được. Nhưng trong xã hội mà người dân hành động
một cách tự nguyện, không bị ai ép buộc, thì việc chấp nhận mức lương
như thế có nghĩa là không còn ai trả cao hơn nữa. Trên thực tế, người sử
dụng lao động là người mở rộng cơ hội cho những người kém may mắn. Thí
dụ, luật qui định mức lương tối thiểu là 4 USD, trên thực tế đã làm giảm
cơ hội của những người với sức lao động chỉ đáng 2 USD mà thôi.
Chính
phủ chỉ có một cách – ngược lại với khu vực tư nhân, tức là khu vục
hành động thông qua đóng góp một cách tự nguyện – giúp đỡ những người
này bằng cách cho họ tài sản đã tước đoạt của những người khác. Nhưng sự
kiện là tài sản thường được chính những chủ sở hữu tạo ra đã làm giảm
đáng kể giá trị đạo đức của việc tái phân phối như thế. Một người mà
bằng những cố gắng mang tính sáng tạo của mình đã làm gia tăng số tài
sản của mình mà không làm suy giảm hạnh phúc của người khác dường như có
đủ lí do về mặt đạo đức trong việc sở hữu số tài sản đó.
Hơn
nữa, trong hệ thống sở hữu tư nhân dựa trên thị trường, tài sản của một
người tăng lên chứng tỏ rằng người đó đã làm cho tài sản của những người khác tăng lên. Trong hệ thống thị trường cách duy nhất để trở thành giàu là làm cho người khác hài lòng, muốn trở thành rất giàu
thì phải làm cho đám đông hài lòng. Henry Ford đã cung cấp cho quần
chúng những chiếc ô tô do ông sản xuất, đáp ứng yêu cầu đi lại với giá
tương đối rẻ và ông trở thành một người cực kì giàu có. Ngược lại, Henry
Royce chỉ phục vụ những người có thu nhập cao bằng cách sản xuất những
chiếc ô tô đắt tiền và ông không giàu bằng Henry Ford. Trừng phạt những
người có hành động tương tự như Henry Ford bằng cách tước đoạt phần lớn
thu nhập của người ta là vô lí.
Đáng
tiếc là quan niệm sai lầm cho rằng thế giới có tổng bằng không lại là
quan niệm rất thịnh hành. Nhiều người tham gia vào những cuộc thảo luận
về tình trạng nghèo đói trong Thế giới thứ III tin rằng nếu các nước
giàu không giàu đến như thế thì các nước nghèo sẽ giàu hơn. Mặc dù chắc
chắn là một số người có tài sản là do đã cướp đoạt của một số người
khác, nhưng đây không phải là hiện tượng thường gặp. Còn nếu có những
trường hợp cướp đoạt như thế thì giải pháp phải là chuyển sang chế độ
thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân.
Nực
cười là quan niệm cho rằng thế giới có tổng bằng không lại thường làm
cho điều kiện sống ngày càng xấu đi. Những người đề xướng quan niệm
tổng bằng không thường ủng hộ việc tái phân bố các quyền trên diện rộng.
Việc tái phân bố như thế thường khuyến khích, thực ra là đòi hỏi, tất
cả mọi người cùng tham gia vào cuộc xung đột. Chiến tranh là tốn kém, dù
nó có xảy ra trên chiến trường hay trong phòng họp quốc hội thì cũng
vậy mà thôi. Khi chính phủ có thể phân phát đặc quyền đặc lợi thì nhiều
công dân sẽ cạnh tranh với nhau để giành những đặc quyền đặc lợi đó,
trong khi những người khác lại kiên trì vận động nhằm giữ cho bằng được
tài sản của mình. Thường thì kết quả chung cuộc là sau khi tái phân
phối, tài sản sẽ còn ít hơn là trước khi tái phân phối.
Quyền lực
Những
điều bất công nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người đã xảy ra khi
một số người có quá nhiều quyền lực đối với những người khác. Đôi khi
đấy là quyền lực kinh tế, lúc khác có thể là quyền lực chính trị, nhưng
dù thế nào thì khả năng kiểm soát sự lựa chọn của người khác cũng gây ra
nhiều đau khổ. Những định chế nào có thể phân chia quyền lực một cách
hữu hiệu nhất và ngăn chặn được một số người, không để họ có quyền lực
một cách quá đáng đối với cuộc sống của những người khác?
Chỉ
có thể trả lời được câu hỏi này sau khi hiểu cách thức hoạt động của
thế giới. Dù các định chế có như thế nào đi nữa thì một số ngưới cũng có
nhiều quyền lực hơn một số người khác. Vấn đề không phải là bộ luật nào
có thể giữ không cho một số người có bất kì sự kiểm soát nào đối
với những người khác mà là những định chế nào có thể ngăn chăn một cách
hữu hiệu nhất việc tích tụ quyền lực.
Lịch
sử đầy những thí dụ về việc lạm dụng sức mạnh cưỡng chế nằm trong tay
nhà nước. Vì vậy mà ta phải thận trọng trước những định chế tạo ra sự
tập trung quá nhiều quyền lực vào tay nhà nước, ngay cả khi mục tiêu rõ
ràng là uốn nắn lại những sự bất công trong nền kinh tế tư nhân. Những
xã hội không có quyền tư hữu thường tập trung quá nhiều quyền lực vào
tay một ít người và quyền lực này thường bị lạm dụng một cách quá đáng.
Đấy
là lí do để ta phải tạo ra trật tự pháp lí trong đó nhà nước buộc người
ta phải tôn trọng những điều luật được xác định một cách rõ ràng nhằm
nhằm ngăn chặn không chỉ một số người, không cho họ ép buộc người khác
phải hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ, nhưng đấy còn là trật tự
mà nhà nước cũng bị giới hạn, theo nghĩa là những hi sinh mà nó có thể
áp đặt lên các cá nhân. Xã hội, trong đó chính phủ không chỉ có trách
nhiệm xác định và thực thi quyền sở hữu mà vai trò của nó còn bị giới
hạn bởi chính hiến pháp, là sự kết hợp có thể tồn tại một cách lâu dài.
Hệ thống như thế sẽ phân chia quyền lực và ngăn chặn, không để một số
người buộc người khác phải hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ.
Kết luận
Có
nhiều lí do để lựa chọn hệ thống sở hữu tư nhân và thị trường. Hệ thống
có nhiều đức hạnh hơn là hệ thống có thể buộc người ta phải chịu trách
nhiệm trước các hành vi của mình và khuyến khích người ta giúp đỡ kẻ
khác chứ không phải là cho phép người ta buộc người khác hi sinh mà
không có sự chấp thuận của họ.
Đây
không phải là khẳng định rằng hệ thống thị trường có thể thay thế cho
xã hội trong đó người dân hành động trên cơ sở đức hạnh. Đức hạnh của cá
nhân chắc chắn sẽ góp phần củng cố chủ nghĩa tư bản cũng như củng cố
bất cứ hệ thống nào khác. Dù với thể chế nào thì tính trung thực, từ tâm
và sự đồng cảm giữa người với người cũng làm cho thế giới của chúng ta
trở thành dễ sống hơn. Chủ nghĩa tư bản không thù địch với những đức
tính đó. Khi những hệ thống kinh tế khác được mang ra đánh giá trong
khuôn khổ đức hạnh thì sẽ xuất hiện những lí lẽ vững chắc ủng hộ cho
quyền tư hữu và thị trường. Thương trường và đức hạnh có thể được coi là
những tác nhân bổ xung cho nhau trong việc giữ gìn xã hội công bằng.
Peter
J. Hill là giáo sư kinh tế tại Wheaton College (Illinois) và cộng tác
viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính trị học (PERC) ở
Bozeman, Montana.
Nguồn: http://www.thefreemanonline.org/columns/markets-and-morality/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét