Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Jefffrey D. Sachs - CHIẾN LƯỢC KINH TẾ VĨ MÔ MỚI

Nguyễn Trung Kiên dịch

Tôi là một nhà kinh tế vĩ mô, nhưng tôi bất đồng với hai trường phái đang gây ảnh hưởng hàng đầu trong giới chuyên môn của tôi tại Mỹ: phái Keynes mới đang cố gắng làm tăng tổng cầu, và phái Trọng cung đang cố gắng giảm các loại thuế. Cả hai phái này đều đã cố gắng và đã thất bại trong nỗ lực vượt qua hiện trạng yếu kém dai dẳng của các nền kinh tế có thu nhập cao trong những năm gần đây. Bây giờ là lúc cần đến một chiến lược mới, trên nền tảng tăng trưởng bền vững dựa vào đầu tư.


Thách thức cốt lõi của kinh tế học vĩ mô là phân bổ các nguồn lực xã hội một cách tối ưu. Người tìm việc thì phải có việc, các nhà máy nên phân bổ vốn của họ một cách hiệu quả; và một phần thu nhập tiết kiệm được, thay vì chi tiêu hết, nên được đầu tư để cải thiện phúc lợi trong tương lai.

Cả phái Keynes mới và phái Trọng cung đều đã hoàn toàn sai lầm đối với thách thức thứ ba này. Phần lớn các quốc gia có thu nhập cao: Mỹ, phần lớn châu Âu và Nhật Bản – đều thất bại trong việc đầu tư một cách thỏa đáng hoặc thông minh cho tương lai. Có hai cách đầu tư: đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế - và trên quy mô toàn thế giới thì cả hai cách này đều không đạt tới mức cần thiết.

Đầu tư trong nước được tiến hành với nhiều hình thức, bao gồm đầu tư của doanh nghiệp vào máy móc và nhà xưởng; đầu tư của hộ gia đình vào nhà cửa; và đầu tư của chính phủ vào con người (giáo dục, các kỹ năng), kiến thức (nghiên cứu & triển khai), và cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng, nước sạch và phòng chống rủi ro thiên tai).

Cách tiếp cận của phái Keynes mới là cố gắng thúc đẩy mọi dạng thức của đầu tư trong nước. Do đó, theo quan điểm này thì chi tiêu chỉ là chi tiêu. Vì vậy, phái Keynes mới đã cố gắng thúc đẩy nhiều đầu tư của hộ gia đình hơn thông qua việc hạ lãi suất xuống mức thấp nhất có thể, tăng mua ô-tô dựa trên các khoản vay được chứng khoán hoá, và qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng nhiều lao động mới dựa trên các chương trình kích thích tăng trưởng ngắn hạn. Khi chi cho đầu tư không tăng, họ khuyến nghị rằng chúng ta nên chuyển phần "thặng dư" tiết kiệm sang tiêu dùng “xả láng”.

Ngược lại, phái Trọng cung muốn thúc đẩy các khoản đầu tư cá nhân (tất nhiên là không phải đầu tư công!) thông qua việc cắt giảm thuế nhiều hơn và giảm bớt sự điều tiết của nhà nước. Họ đã từng thử biện pháp này nhiều lần ở Mỹ, đặc biệt là suốt thời kỳ cầm quyền của George W. Bush. Thật không may, kết quả của sự giảm bớt can thiệp này là tình trạng phát triển bong bóng trên thị trường bất động sản trong ngắn hạn, chứ không phải là sự gia tăng bền vững của các khoản đầu tư cá nhân hiệu quả.

Mặc dù chính sách được thay đổi luân phiên giữa hai phái Trọng cung và Keynes mới, nhưng có một thực tế dai dẳng là sự suy giảm đáng kể của chi cho đầu tư trong thu nhập quốc dân tại phần lớn các nước có thu nhập cao trong những năm gần đây. Theo số liệu của IMF, tổng chi tiêu cho đầu tư tại các quốc gia này đã giảm từ 24,9% GDP vào năm 1990 xuống chỉ còn 20% vào năm 2013.

Tại Mỹ, chi cho đầu tư đã giảm từ 23,6% GDP vào năm 1990 xuống 19,3% vào năm 2013, và giảm đáng kể hơn nữa về giá trị tuyệt đối (tổng đầu tư trừ đi khấu hao vốn). Tại châu Âu, tỷ lệ này đã giảm từ 24% GDP xuống còn 18,1% vào năm 2013.

Cả phái Keynes mới và phái Trọng cung đều không tập trung vào những biện pháp khắc phục một cách hiệu quả sự suy giảm dai dẳng trong khoản chi cho đầu tư này. Các xã hội của chúng ta cần đầu tư nhiều hơn và cấp bách hơn, đặc biệt là đầu tư nhằm chuyển nền sản xuất tạo ra nhiều khí thải carbon, sử dụng nhiều năng lượng và đầy ô nhiễm, sang những nền kinh tế bền vững dựa trên việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn và các nguồn năng lượng có hàm lượng carbon thấp. Những khoản đầu tư này đòi hỏi những bước đi mang tính hỗ trợ lẫn nhau của cả khu vực công và tư.

Các khoản đầu tư cần thiết bao gồm triển khai các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió quy mô lớn, ứng dụng rộng rãi các phương tiện giao thông sử dụng điện, cả phương tiện công cộng (xe bus và tàu hỏa) và cá nhân (ô-tô), các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả; và các hệ thống truyền tải năng lượng để có thể truyền dẫn năng lượng tái tạo đi xa (ví dụ, từ Biển Bắc và Bắc Phi tới châu Âu lục địa, và từ Sa mạc Mojave ở California tới các trung tâm đông dân cư của Mỹ).

Nhưng đúng vào lúc các xã hội của chúng ta nên tiến hành các khoản đầu tư này, thì các khu vực công tại Mỹ và châu Âu lại đang trải qua tình trại “thoái lui đầu tư” thực sự. Các chính phủ, nhân danh mục tiêu cân bằng ngân sách, đang cắt giảm đầu tư công. Còn các khu vực tư nhân không thể đầu tư một cách chắc chắn và an toàn vào năng lượng thay thế khi mà các lưới điện được nhà nước điều tiết, các quy tắc xác định trách nhiệm, các công thức định giá và các chính sách năng lượng quốc gia, tất cả đều không chắc chắn và đang bị tranh cãi quyết liệt.

Tại Mỹ, chi cho đầu tư công đã bị giảm bớt, cả chính quyền liên bang lẫn tiểu bang đều không có những ủy nhiệm chính trị, chiến lược tài trợ hay các kế hoạch dài hạn để thúc đẩy đầu tư cho các thế hệ công nghệ mới thông minh và sạch hơn.

Cả phái Keynes mới lẫn phái Trọng cung đều hiểu sai về tình trạng “tê liệt đầu tư”. Phái Keynes mới nhìn nhận các khoản đầu tư, cả đầu tư công lẫn đầu tư cá nhân, chỉ đơn thuần là một loại tổng cầu. Họ không chú ý tới các quyết định về chính sách công liên quan đến các hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng (cũng như các khoản Nghiên cứu & Triển khai có định hướng để thúc đẩy các công nghệ mới), vốn cần thiết để thúc đẩy các khoản đầu tư hướng tới sự bền vững về môi trường, cả trong khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Do đó, họ thúc đẩy các mánh lới (tỷ lệ lãi suất bằng 0 và các gói kích thích nền kinh tế), hơn là gây sức ép cho các chính sách cụ thể ở tầm quốc gia để phục hồi đầu tư một cách hiệu quả.

Đến lượt mình, phái Trọng cung dường như làm ngơ đối với sự phụ thuộc của đầu tư cá nhân vào các khoản đầu tư công phụ trợ, cũng như một chính sách rõ ràng cùng với một bộ khung để điều tiết. Họ cổ vũ cho việc giảm chi tiêu chính phủ, tin tưởng một cách ngây thơ rằng khu vực tư nhân sẽ có thể bù đắp các khoản chi tiêu này bằng một phép màu nào đó. Nhưng, thông qua việc cắt giảm đầu tư công, họ đang gây cản trở cho đầu tư cá nhân.

Ví dụ, các nhà sản xuất điện tư nhân sẽ không đầu tư vào các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn nếu chính phủ không có các chính sách dài hạn về năng lượng và ứng phó với biến đổi hậu, hay các kế hoạch thúc đẩy việc xây dựng các đường truyền tải năng lượng tầm xa dành cho các nguồn năng lượng có hàm lượng carbon thấp tới các khu vực đông dân cư.

Cũng có lựa chọn khác là sử dụng các khoản tiết kiệm nội địa để thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Ví dụ như nước Mỹ cho các nền kinh tế thu nhập thấp ở châu Phi vay tiền để mua các nhà máy điện mới do các công ty của Mỹ sản xuất. Một chính sách như thế sẽ giúp cho tiết kiệm cá nhân của nước Mỹ được sử dụng hữu ích nhằm chiến đấu với tình trạng nghèo đói toàn cầu, đồng thời giúp cho nền tảng công nghiệp của Mỹ mạnh lên.

Cũng vậy, ở đây, cả phái Keynes mới lẫn phái Trọng cung đều không nỗ lực nhiều nhằm cải thiện các thiết chế của tài chính phát triển. Thay vì khuyên Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng tỷ lệ tiêu dùng của mình, các nhà kinh tế vĩ mô nên thông minh hơn để có thể khuyến khích các nền kinh tế này sử dụng các khoản tiết kiệm dồi dào của mình nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư, không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

Những cân nhắc này là tương đối rõ cho bất cứ ai quan tâm đến nhu cầu cấp bách phải hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và sự bền vững về môi trường. Thách thức vốn đang tạo ra nhiều áp lực, nhất của thế hệ chúng ta là chuyển đổi các hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng bẩn, dựa vào carbon sang các hệ thống sạch, thông minh và hiệu quả cho thế kỷ XXI. Đầu tư vào nền kinh tế bền vững sẽ giúp gia tăng nhanh chóng phúc lợi của chúng ta và giúp các khoản tiết kiệm “thừa thãi” của chúng ta được sử dụng vào các mục đích đúng đắn.

Tuy vậy, điều này sẽ không xảy ra một cách tự động. Chúng ta cần đến các chính sách đầu tư công dài hạn, quy hoạch về môi trường, các lộ trình về công nghệ, các chương trình hợp tác công-tư cho các công nghệ mới và bền vững, và hợp tác toàn cầu quy mô lớn hơn. Những công cụ này sẽ tạo ra một bộ môn kinh tế học vĩ mô mới, mà sức khỏe và sự thịnh vượng của chúng ta sẽ phụ thuộc vào nó.
*
Jefferey D. Sarchs, Giáo sư về Phát triển bền vững, Giáo sư về Chính sách Y tế và quản lý, Giám đốc Viện Trái đất tại Đại học Columbia (Mỹ), đồng thời cũng là Cố vấn đặc biệt cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các mục tiêu Thiên niên kỷ. Ông là tác giả của các cuốn sách The End of Poverty (Kết thúc đói nghèo) và Common Wealth (Sự thịnh vượng chung).

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/declining-investment-in-rich-countries-by-jeffrey-d-sachs-2014-10

0 nhận xét:

Đăng nhận xét