Carl Thayer | Trà Mi lược dịch
Khi
nào thì Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn sẽ nhận lời mời đến
thăm Hà Nội? Nó sẽ là một dấu hiệu của sự tiến bộ nếu Tướng Chang sẽ
tham dự lễ kỷ niệm lần thứ bẩy mươi đánh dấu ngày thành lập Quân đội
Nhân dân Việt Nam vào ngày 22 tháng 12 sắp tới.
Khi cuộc khủng hoảng giàn khoan Trung
Quốc-Việt Nam nổ ra vào tháng Năm, giới phân tích khu vực phát biểu rằng
quan hệ song phương đã lùi lại vài chục năm vì cuộc khủng hoảng tồi tệ
nhất kể từ khi chiến tranh biên giới năm 1979. Đánh giá như thế là quá
sớm. Hiện nay, có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và Hà Nội đang lập lại mối
quan hệ của họ như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan.
Cuộc khủng hoảng giàn khoan đã gây ra
những trận đối đầu giữa tàu thuyền tuần duyên của Trung Quốc và Việt
Nam, sự bùng nổ chống Trung Quốc tại Việt Nam gồm cả những cuộc bạo động
chống Trung Quốc, việc di tản công nhân Trung Quốc khỏi Việt Nam, sự
sút giảm khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, và Việt Nam đe dọa sẽ
kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Thậm chí còn có lời kêu gọi của giới
tinh hoa chính trị của Việt Nam là phải “thoát Trung”.
Ban đầu Trung Quốc đã giữ thái độ ngoại
giao cứng rắn và từ chối tất cả những nỗ lực của Việt Nam để gửi đặc
phái viên và mở ra các kênh thông tin liên lạc song phương giữa các cơ
quan chính phủ và các ban ngành bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Lãnh đạo
Việt Nam có hai mối quan tâm chính. Đầu tiên, họ không thể cho dân thấy
là họ đang nằm dưới áp lực của Bắc Kinh, đặc biệt là trong khi dân chúng
bùng lên chống Trung Quốc. Thứ hai, giới lãnh đạo Việt Nam muốn kiềm
chế hậu quả của cuộc khủng hoảng giàn khoan và ngăn không cho nó làm tổn
hại đến mối quan hệ song phương lớn hơn nữa.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã suy
nghĩ lại. Vào ngày 18 tháng Sáu, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã đến
Hà Nội tham dự cuộc họp thường niên của Ban chỉ đạo giám sát các quan hệ
hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam. Giới truyền thông và
bình luận gần như chỉ tập trung chính vào nhận xét của họ Dương về tranh
chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tầm quan trọng của chuyến thăm của Dương
Khiết Trì là sự có mặt của ông ta tại Hà Nội. Nó báo hiệu rằng Trung
Quốc muốn ngăn chặn tranh chấp Biển Đông làm đổ vỡ các mối quan hệ song
phương rộng hơn.
Chuyến thăm của Dương Khiết Trì dẫn đến
các cuộc thảo luận bí mật sau hậu trường của các chuyên gia quan hệ đối
ngoại của đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Trong tháng Bảy, Trung
Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển có tranh chấp. Vào cuối
tháng Tám, Trung Quốc đón Lê Hồng Anh, đặc phái viên của Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Việt Nam, kết thúc ứng xử ngoại giao lạnh lùng của Bắc
Kinh trước các nỗ lực để đối thoại của Việt Nam.
Tướng
Chang Wanquan, trái, và Tứng Phùng Quang Thanh trong một buổi duyệt
binh tại Bắc Kinh, 17 tháng 10, 2014. (Hình: Tân Hoa Xã)
Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã tiến một
bước lớn về phía trước với chuyến thăm bất ngờ đến Bắc Kinh ba ngày của
đoàn đại biểu quân sự Việt Nam gồm 13 thành viên cấp cao do Bộ trưởng
quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, dẫn đầu. Tướng Phùng Quang
Thanh được người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Chang Wanquan (常万全, Thường
Vạn Toàn), mời sang thăm. Phái đoàn Việt Nam đã đến Bắc Kinh ngày 16
tháng 10 và rời TQ hai ngày sau đó.
Trung Quốc trải thảm đỏ đón tiếp Tướng
Phùng Quang Thanh. Sáng ngày 17 tháng 10 Tướng Phùng Quang Thanh đã
duyệt đội danh dự của Giải phóng Quân tại Bộ Quốc phòng. Ngay sau đó hai
bên đã tổ chức các cuộc thảo luận chính thức. Đến chiều Tướng Thanh đã
được Phó Chủ tịch TQ, Li Yuanchao (李源潮, Lý Nguyên Triều) tiếp kiến. Vào
sáng hôm sau, Tướng Phùng Quang Thanh gặp Trung tướng Fan Changlong
(范长龙, Phạm Trường Long), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và thành viên
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bên đã không
có tuyên bố chung.
Giới truyền thông Trung Quốc và Việt Nam
đưa tin về ba cuộc gặp song phương của Thanh không giống nhau. Phương
tiện truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin cho có, trong khi báo chí Việt
Nam cung cấp thông tin chi tiết hơn nội dung của các cuộc gặp mặt.
Điều rõ ràng rút ra từ những bản tin đó
là bầu không khí của các cuộc họp song phương giữa hai nước đã nồng ấm
và tích cực hơn. Cả hai bên đều dùng công thức ngoại giao làm động lực
để vượt qua mối quan hệ đã bị căng thẳng vì cuộc khủng hoảng giàn khoan
dầu. Ví dụ, Bộ trưởng Thường Vạn Toàn đã nhấn mạnh Trung Quốc luôn luôn
quý trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam và chuyến thăm của
Tướng Phùng Quang Thanh, nói chung, sẽ đóng góp vào quan hệ hợp tác
chiến lược toàn diện và trong quan hệ quốc phòng hai nước, nói riêng.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều và Bộ trưởng Quốc phòng CHXHCN Việt Nam Phùng Quang Thanh. (Nguồn: TTXVN)
Tướng Phùng Quang Thanh bắt đầu diễn văn
bằng lời chúc mừng thành tích của người Trung Quốc trong 65 năm qua.
Thanh đánh giá cao sự phát triển tích cực của quan hệ Trung Quốc-Việt
Nam trong những năm gần đây. Ông tái khẳng định chính sách cơ bản của
Việt Nam là rất coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn
diện với Trung Quốc.
Tướng Thanh cũng lưu ý rằng mối quan hệ
tổng thể giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển tốt và tranh chấp
về chủ quyền trên biển là trở ngại duy nhất trong quan hệ song phương.
Ngoài mặt ngoại giao, Tướng Thanh đã đưa
ra năm đề nghị xây dựng lại sự tự tin và lòng tin cho cả hai bên nhằm
bảo đảm là bạo lực sẽ không được sử dụng.
Theo tờ Quân đội Nhân dân, cơ quan của
Quân đội nhân dân Việt Nam, TướngThanh đề nghị cả hai quân đội phải giữ
bình tĩnh, kiên nhẫn, kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên
biển để tránh hiểu lầm, ngăn ngừa xung đột, và không sử dụng vũ lực hoặc
đe dọa vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển.
Tướng Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội
phải có hành động một cách nhân đạo đối với ngư dân và không tịch thu
dụng cụ dùng để kiếm kế sinh nhai của họ. Ngoài ra, quân đội cần hỗ trợ
ngư dân bị nạn và tạo điều kiện cho họ làm ăn, góp phần vào lợi ích
chung cho cả hai bên.
Tướng Phùng Quang Thanh Thanh khẳng định
lại chính sách lâu dài của Việt Nam về việc giải quyết hòa bình các
tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của
các bên ở Biển Đông. Tướng Thanh thúc giục Trung Quốc sẽ có chung một Bộ
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Phùng Quang Thanh yêu cầu Trung Quốc rút
lại cảnh báo về du lịch sang Việt Nam để giao thương kinh tế và du lịch
có thể được khôi phục lại bình thường.
Cuối cùng, Tướng Phùng Quang Thanh mời Tướng Chang sang thăm Việt Nam.
Cả hai bộ trưởng quốc phòng đã đồng ý
rằng hợp tác quân đội-với-quân đội hình thành một phần quan trọng của
quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Theo các điều khoản của một thỏa thuận hợp
tác quốc phòng ký kết năm 2003, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn, tổ chức
một cuộc đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng, thực hiện đào tạo cán bộ,
tổ chức thảo luận về Đảng và công tác chính trị trong quân đội, phối hợp
công việc của các đơn vị bộ đội biên phòng, và tiến hành tuần tra chung
ở Vịnh Bắc Việt. Cả hai Bộ trưởng đã đồng ý rằng nghị định thư 2003 đã
dẫn đến kết quả tích cực và cả hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt
động này trong tương lai.
Kết thúc cuộc họp của họ, cả hai bộ
trưởng quốc phòng đã chứng kiến việc ký kết một bản ghi nhớ kỹ thuật về
việc thành lập đường dây thông tin trực tiếp giữa hai bộ quốc phòng. Tuy
nhiên không có thêm thông tin chi tiết nào khác được công bố.
Theo Tân Hoa Xã, hai bộ trưởng “đã đạt
sự đồng thuận về phát triển quan hệ quân sự song phương … cam kết sẽ
giải quyết đúng đắn các tranh chấp trên biển giữa hai bên.” Hai bộ
trưởng tiếp tục “quyết định dần dần khôi phục và thúc đẩy sự phát triển
lành mạnh và ổn định của quan hệ quân sự song phương.”
Tân Hoa Xã cũng trích dẫn từ “một tuyên bố” có dòng chữ: “lực
lượng vũ trang của cả hai bên cần tăng cường đoàn kết và để bảo đảm
vững mạnh vai trò cai trị của đảng cộng sản của hai nước và sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội.” Cuối cùng, hai bộ trưởng đồng ý “tuân
theo sự đồng thuận của cả hai nhà lãnh đạo và đóng một vai trò tích cực
trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải và bảo vệ tình trạng hòa
bình và ổn định.”
Cuộc họp giữa Tướng Phùng Quang Thanh
với Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều cũng rất thân mật. Lý Nguyên Triều mở
đầu cuộc hội thoại bằng lời ghi nhận rằng chuyến thăm của Tướng Thanh “sẽ
góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường sự hiểu biết, tin
tưởng và hợp tác cùng có lợi giữa hai đảng, hai nước, và hai quân đội.”
Lý Nguyên Triều cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc coi trọng hợp tác, hữu
nghị với Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác hữu nghị
truyền thống của giới lãnh đạo cấp cao.
Tân Hoa Xã cho biết Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều kêu gọi cả hai bên “tăng
cường chiến lược truyền thông, tăng cường lòng tin chính trị, giải quết
tranh chấp biển đảo, thúc đẩy phát triển chung, và tăng cường hợp tác
hữu hình để đảy mạnh mối quan hệ song phương về phía trước.”
Tướng Phùng Quang Thanh chuyển lời chào
của các giới lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam. Thanh thông báo với Phó
Chủ tịch Lý Nguyên Triều rằng mục đích của chuyến thăm này là để thúc
đẩy sự thông cảm đã đạt được giữa giới lãnh đạo của họ trước đây và thúc
đẩy mối quan hệ lành mạnh, lâu dài và ổn định giữa hai đảng, hai nước
và và hai quân đội.
Tân Hoa Xã diễn giải phát biểu của Tướng
Thanh: “Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì liên lạc chặt chẽ và cùng
hưởng lợi ích chung … quân đội Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào sự phát
triển của quan hệ song phương giữa quân đội và nhà nước cũng như hòa
bình và ổn định của khu vực.”
Phó
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Fan Changlong (R) gặp với Bộ
trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh (L) tại Bắc Kinh, thủ đô
của Trung Quốc, 18 tháng 10 năm 2014 (Tân Hoa Xã / Li Tao)
Tướng Phùng Quang Thanh gặp Tướng Phạm
Trường Long vào sáng cuối cùng trong chuyến thăm. Theo tin của truyền
thông Trung Quốc, Họ Phạm nói với khách mời, “không ai đổi được nước
láng giềng. Vì lợi ích chung của Trung Quốc và Việt Nam hai nước phải
sống trong hữu nghị, giải quyết phù hợp những tranh chấp và thúc đẩy
phát triển chung.”
Họ Phạm cũng lưu ý rằng quân đội của hai
nước có trách nhiệm quan trọng để bảo vệ và duy trì các mối quan hệ
song phương và sẽ góp “năng lượng tích cực” hướng tới mục tiêu này. Ông
nói, “Chúng ta nên làm cho quân đội của chúng ta cư xử tốt và không
co những tuyên bố làm tổn hại đến tình cảm của cả hai bên hoặc làm những
việc phá hoại quan hệ song phương nói chung.”
Báo chí Việt Nam đưa tin là Tướng Thanh
đã khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác
toàn diện với Trung Quốc và cả hai bên cần thực hiện đầy đủ sự hiểu biết
chung đạt được giũa các lãnh đạo của họ. Tướng Thanh lặp lại một cách
chi tiết chính sách lâu dài của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp trên
biển bằng biện pháp hòa bình, theo luật quốc tế, và để đạt được một Bộ
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Ngày 16 tháng 10, theo xu hướng tích cực
trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gặp Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu tại Milan. Tin tức
trích dẫn Thủ tướng Lý nói rằng Trung Quốc và Việt Nam cần phải
“giải quyết và kiểm soát những khác biệt về chính sách biển … Nhờ những
nỗ lực từ cả hai phía, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã thoát khỏi vũng
lầy gần đây và đang dần phục hồi.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được trích
dẫn là đồng ý và ủng hộ đẩy mạnh “hợp tác trong cơ sở hạ tầng, tài chính
và thăm dò hàng hải,” ba lĩnh vực đã đạt được đồng thuận trong chuyến
thăm của họ Lý tới Hà Nội vào tháng 10 năm 2013.
Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu hàn
gắn lại mối quan hệ song phương bằng cách sử dụng các móc nối quân
sự-quân sự đáng tin cậy và không cần ngoại giao của hai bên. Những phát
triển này cần được gìn giữ với một mức độ thận trọng. Tất cả những sự
tôn trọng lẫn nhau, quan hệ láng giềng tốt đẹp truyền thống, và nhận
thức của các nhà lãnh đạo cấp cao đã được tuyên bố trước đây.
Điều quan trọng cần lưu ý là tầm cỡ và
thành phần của hai đoàn đại biểu quốc phòng. Chỉ huy quân sự ở cả hai
bên biên giới và trên biển đã gặp đối tác của mình. Quan trọng hơn,
những sĩ quan chỉ huy này đã chứng kiến tất cả sự đồng lòng bằng lời nói
của các bộ trưởng của họ. Giới chỉ huy quân sự của cả hai bên sẽ phải
thực hiện nhiệm vụ của họ sao cho phù hợp.
Theo quan điểm của Việt Nam, chuyến thăm
của Bộ trưởng Quốc phòng là quan trọng để chứng minh sự thống nhất với
Trung Quốc bằng cách đưa một phái đoàn rầm rộ đến Bắc Kinh.
Giới chỉ huy quân sự của Trung Quốc và
Việt Nam đang cam kết đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc phòng hiện có
trong một số lĩnh vực. Giới phân tích sẽ phải theo giõi sát để xác định
xem việc làm có đi theo lời nói hay không.
Khi nào thì Bộ trưởng Quốc phòng TQ
Thường Vạn Toàn sẽ nhận lời mời đến thăm Hà Nội? Nó sẽ là một dấu hiệu
của sự tiến bộ nếu Tướng Chang sẽ tham dự lễ kỷ niệm lần thứ bẩy mươi
đánh dấu ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 22 tháng 12
sắp tới.
Kết quả quan trọng nhất của cuộc hội đàm
giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng đã thỏa thuận về việc thiết lập một nghị
định thư liên kết truyền thông trực tiếp giữa hai bộ. Đây là một dấu
hiệu tích cực mà cả hai bên đều biết rằng một biến cố có thể thay đổi
rất nhanh, vượt ra ngoài vòng kiểm soát và dẫn đến bạo lực chết người.
Một dấu hiệu khác cho thấy tình trạng
của mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam sẽ đến tại Hội nghị thượng đỉnh APEC
tổ chức tại Trung Quốc vào cuối tháng này và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á
tổ chức tại Myanmar vào tháng Mười Một. Liệu giới lãnh đạo Trung Quốc
và Việt Nam sẽ gặp bên lề hội nghị và đồng ý tiến hành giải quyết sự
khác biệt của họ hay không?
Gần đây Trung Quốc mở rộng đường bay
trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và có những chuyến thăm đến các
vùng đất ở quần đảo Trường Sa của lực lượng hải quân của Trung Quốc
chứng minh rõ ràng rằng các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông
vẫn là nhân tố gây kích ứng chính trong quan hệ song phương giữa hai
nước.
© 2014 DCVOnline
Nguồn: China-Vietnam Defense Hotline Agreed: What Next?.
Beijing and Hanoi are looking to reset bilateral relations following a
turbulent year.By Carl Thayer. The Diplomat, October 20, 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét