Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Thị trường và đạo đức (Kì 18)

Adam B. Summers - Đầu tư công và đầu tư tư

Phạm Nguyên Trường dịch

Các chính khách thường lấy làm tự hào khi nói trước công chúng rằng chúng ta phải “đầu tư” cho chương trình này hay chương trình kia – đấy có thể là chương trình giáo dục, y tế, hay các dự án cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thí dụ như cây cầu không dẫn đến đâu, hoặc dự án tốn đến 50 triệu dollar cho khu rừng mưa nhiệt đới có mái che ở bang Iowa; dự án 3,4 triệu dollar để làm đường ngầm cho rùa đi bên dưới đường cao tốc ở bang Florida; 1,8 triệu dollar để nghiên cứu mùi thối và quản lí phân rác hoặc hàng triệu dollar cho những công trình nghiên cứu khác nhau về thói quen giao phối của loài sâu xương rồng, loài chim cút Nhật Bản, loài chuột chũi Bắc cực và loài sóc ở Nam Phi. Tất cả những khoản chi tiêu đó đều là những vụ ăn cướp trắng trợn, tôi phải xin lỗi mà nói như thế.  “Đầu tư” cho một số dự án hay cương lĩnh chính trị nghe có vẻ hay hơn là nói: “Tôi muốn đánh thuế bạn để cho các chính khách và quan chức của chúng ta ở Washington, D.C. [hay thủ đô tiểu bang hoặc tòa thị chính của bạn], có thể tiêu tiền của bạn cho bất kì thứ gì mà chúng tôi nghĩ là tốt cho bạn [hoặc cho những người đóng góp cho chiến dịch của chúng tôi].”



Trong Thông Điệp Liên Bang đầu năm nay Tổng thống Obama có nói rằng chính phủ liên bang phải giúp kích thích kinh tế bằng cách “đầu tư” vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có công việc xây dựng, làm đường sắt cao tốc, giáo dục, nghiên cứu y sinh, “năng lượng sạch” và thậm chí cả Internet tốc độ cao nữa. Nhưng “đầu tư” chỉ là uyển ngữ để nói về việc chi tiêu nhiều hơn cho chương trình nuôi thú cưng mà thôi. Vì nó sẽ chỉ làm cho nền kinh tế trì trệ thêm chứ không thể nào hồi phục được vì bản chất của đầu tư công là tiêu tốn của cải, khác hẳn với đầu tư tư nhân là tạo ra của cải. Những người đóng thuế bỏ qua sự khác biệt này là tự làm hại mình vậy.

Hình thức đầu tư của tổng thống Obama hứa hẹn “tạo ra không biết bao nhiêu là chỗ làm việc cho đồng bào của chúng ta”, nhưng ông không dừng lại để hỏi xem lấy đâu ra tiền để trả cho những chỗ làm việc mới đó. Một ngày nào đó khoản tiền nhất định phải được lấy từ “những người đồng bào khác” của chúng ta, bằng cách tăng thuế hoặc bằng cách vay mượn mà sau này họ sẽ phải trả [một việc sẽ chỉ làm hại nền kinh tế trong tương lai hoặc trì hoãn quá trình phục hồi kinh tế mà thôi]. Đương nhiên là lấy tiền của những người đóng thuế để tài trợ cho những chỗ làm mới đó cũng có nghĩa là lĩnh vực tư sẽ có ít tiền đầu tư hơn cho những chỗ làm mới và cho việc phát triển công việc kinh doanh.

Sự khác nhau chủ yếu giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư là lĩnh vực công không thể tạo ra của cải, nó chỉ có thể dịch chuyển nguồn lực từ nhóm người này sang nhóm người khác [dĩ nhiên là sau khi đã bị “ngắt ngọn” nhằm phục vụ cho quyền lợi của những người tài trợ cho chiến dịch và cấp dưỡng cho bộ máy quan liêu bất tài]. Trong lĩnh vực tư, chỗ làm việc tăng thêm – và sự phát triển kinh tế nói chung – xảy ra khi các công ty làm ra được những thứ mà người tiêu dùng coi là có giá trị. Trong lĩnh vực công, tăng trưởng xuất hiện khi chính phủ tước đoạt được tiền của người dân và những khoản đầu tư được rót những lĩnh vực mà các chính khách mong muốn.

Khoản “đầu tư” của chính phủ vào lĩnh vực năng lượng xanh đã tạo ra công ty Solyndra Inc. là một thí dụ. Tháng 5 năm ngoái tổng thống Obama đến thăm Fremont, một công ty sản xuất tấm pin mặt trời có trụ sở ở California đã chụp và cho công bố rộng rãi một bức ảnh chụp nhân dịp này nhằm quảng bá nó như một loại hình doanh nghiệp mà ngài tổng thống cho rằng đất nước cần phải đầu tư. Và đấy chính là điều chính phủ đã làm. Tháng 9 năm 2009 chính quyền thông báo rằng đã tài trợ cho Solyndra 535 triệu dollar từ quĩ cho vay do những người đóng thuế lập ra để cung cấp tài chính cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời mới. Tháng 6 năm sau, tức là đúng một tháng sau chuyến thăm của ngài tổng thống, công ty này đã hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và một tháng sau đó giám đốc điều hành cũng rời bỏ công ty. Tháng 11 năm 2010 công ty thông báo rằng đã bỏ kế hoạch mở rộng nhà máy ở Fremont [nhà máy theo kế hoạch sẽ thuê mướn hàng ngàn lao động] và thậm chí phải đóng cửa một nhà máy khác ở East Bay, làm gần 200 công nhân nữa mất việc làm. Đấy là một khoản đầu tư.

Ném qua cửa sổ những đồng tiền “tốt” sau khi đã mất những đồng tiền “chẳng ra gì”

Sự kiện đó cũng không ngăn được tổng thống Obama đi thăm một công ty năng lượng xanh khác, chỉ hai ngày sau khi ông đọc thông điệp liên bang nhằm quảng bá cho những lợi ích mà những khoản đầu tư vào ngành công nghệ này chắc chắn sẽ mang lại. Trong suốt chuyến đi tới công ty năng lượng tái tạo có tên là Orion Energy Systems ở Manitowoc, bang Wisconsin, Obama cứ phàn nàn rằng Mĩ thậm chí đã tụt hậu trong lĩnh vực đầu tư so với ngay cả những nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hơn: “Trung Quốc đang đầu tư và họ đã giải quyết được những khó khăn của thị trường năng lượng mặt trời, một phần là vì chúng ta đã tụt hậu. Chúng ta tiến không đúng với năng lực của mình. Những công việc đáng ra có thể được làm ở đây thì lại bị đưa ra ngoại quốc”. Trong khi, trong hai chục năm qua Trung Quốc đã tiến được những bước dài theo hướng nền kinh tế mở thì chế độ cộng sản khó có thể là mô hình chính sách kinh tế cho người khác theo. Sự phát triển của Trung Quốc là do quá trình tự do hóa kinh tế chứ không phải là do những quyết định tùy tiện của giới tinh hoa cầm quyền, nhưng những thành tố chỉ-huy-và-kiểm-soát của nền kinh tế kế hoạch hóa còn sót lại ở Trung Quốc lại dường như được Obama coi là mô hình lí tưởng. Đấy là tín hiệu không hay cho tự do kinh tế và phát triển ở Mĩ.

Chính phủ chưa bao giờ tỏ ra đặc biệt giỏi giang trong việc lựa chọn những người thành đạt về kinh tế. Thí dụ, hãy xem những “khoản đầu tư” của chính phủ vào Amtrak[i], từ ngày thành lập vào năm 1971 công ty này chưa bao giờ có lời, thậm chí trong 40 năm hoạt động đã bị lỗ tới 35 tỉ dollar; hay Công ty bưu chính (Portal Service[ii]) năm ngoái đã lỗ tới 8,5 tỉ và sẽ lỗ thêm 6,4 tỉ nữa vào năm nay.

Đầu tư của chính phủ thất bại không chỉ đơn giản là vì lãnh đạo tồi (mặc dù đây chắc chắn là một đặc điểm thường gặp và không thể giải quyết được) mà chủ yếu là vì trong lĩnh vực công không thể xác định được giá trị. Không có hệ thống giá cả thị trường cho nên không có tiêu chuẩn đánh giá lỗ lãi. Như Mises viết trong tác phẩm Hành vi của con người (Human Action): “Không có cái gọi là giá cả bên ngoài thị trường. Giá cả không phải là cơ cấu nhân tạo”. Trong tác phẩm Bộ máy quan liêu (Bureaucracy) ông còn viết thêm: “Quản lí hành chính quan liêu là quản lí những công việc không thể kiểm soát được bằng các tính toán kinh tế”.

Giá trị

Trong nền kinh tế thị trường tự do, giả cả được quyết định bằng qui luật cung cầu, bằng sự lựa chọn của người tiêu dùng, bằng sự khác nhau về kiến thức và đánh giá thông tin trên thương trường và chấp nhận rủi ro của doanh nhân. Người tiêu dùng càng ưa thích một món hàng hay dịch vụ nào đó thì họ càng sẵn sàng trả giá cao hơn và sẽ đẩy giá lên.

Trong lĩnh vực chính trị “giá trị” – tức là một chương trình cụ thể nào đó của chính phủ cần tiêu bao nhiêu tiền – được quyết định bởi sức mạnh và ảnh hưởng của các chính trị gia, các quan chức và những nhóm quyền lợi có thể tìm cách bòn rút tiền thuế của người dân và chia nhau theo ý của những nằm trong các giới tinh hoa đó. Ở đây, thậm chí hầu như không có một cái gì đó tương tự như cạnh tranh trong việc cung cấp những dịch vụ đó và như vậy là có rất ít sáng kiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ hoặc giảm giá thành. Vì không có tín hiệu giá cả giúp phát hiện sở thích của người dân trước món hàng hay dịch nào đó cho nên cũng không thể có một cơ chế phù hợp nhằm xác định xem những chương trình đó có hữu ích hay thỏa mãn được nhu cầu của cử tri hay không.

Không có cơ chế giá cả thị trường thực sự thì làm sao ta có thể nói một khoản đầu tư nào đó là có lời? Và làm thế nào tránh được những khoản đầu tư không có lời? Nếu một chương trình nào đó của chính phủ có vẻ như đã thành công thì sẽ lập tức có những cuộc vận động nhằm xin thêm đầu tư. Còn nếu thất bại thì người ta sẽ bảo rằng cần tăng gấp đôi đầu tư để cho nó thành công.

Đầu tư tư nghĩa là tự chịu rủi ro với hi vọng là sẽ có lời trong tương lai, còn “đầu tư” công nghĩa là lấy và tiêu tiền của người khác nhằm nhằm thực hiện ý tưởng của bạn về việc những người kia nên sống như thế nào hoặc nhằm thỏa mãn những nhóm quyền lực giúp bạn được bầu lại trong lần bầu cử tới. Đầu tư tư đòi hỏi phải hoãn chi tiêu trong ngày hôm nay để có thể [hi vọng thế] thu được nhiều tiền hơn trong tương lai, trong khi “đầu tư” công là chi tiêu ngay ngày hôm nay.

Đáng tiếc là chính phủ liên bang không học được những bài học mà lịch sử đã cố gắng dạy cho chúng ta về việc tài trợ cho doanh nghiệp và gia tăng việc làm viển vông. Sự dốt nát thể hiện rõ nhất khi các chính khách phản ứng trước một đợt suy thoái trầm trọng. Toa thuốc do nhà kinh tế học John Maynard Keynes đưa ra là “kích thích” nền kinh tế thông qua những khoản chi tiêu của chính phủ và tạo công ăn việc làm. Mặc dù điều đó có nghĩa là chiến đấu với vấn đề nợ công ngập đầu ngập cổ bằng cách vay thêm tiền. Như Robert Higgs, một nhà bình luận trên trang Freeman và là cộng tác viên cao cấp chuyên ngành kinh tế chính trị học tại Viện nghiên cứu độc lập (Independent Institute), đồng thời là tác giả cuốn Khủng hoảng và quái vật Leviathan (Crisis and Leviathan), đã nói: “Người say bét nhè nào cũng hiểu được biện pháp khắc phục suy thoái này”.

Một thập kỉ mất mát

Trong những năm 1990 và những năm sau đó người ta biết rằng Nhật Ban đã gặp khủng hoảng tài chính khi bong bóng tài sản trong lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán – do chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương hồi những năm 1980 hâm nóng – nổ tung và giá cả sụt giảm nhanh chóng. Phản ứng của chính phủ và sai lầm của chính sách làm cho nền kinh tế bị tê liệt và cuối cùng đã dẫn đến một loại vụ suy thoái. Nhật Bản đi theo đơn thuốc của trường phái Keynes – kết quả thật là thảm hại – và cho đến nay đất nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Trong những năm 1990 Nhật Bản đã thông qua 10 gói kích thích tài chính, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực công. Khi một kế hoạch xây dựng không hoạt động [ý là nó không đưa nền kinh tế trở lại giai đoạn phát triển nhanh như trước] thì người ta lại tung ra một kế hoạch khác. Tổng cộng, trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2008 chính phủ Nhật đã chi khoảng 6,3 ngàn tỉ dollar cho những dự án liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Song những kế hoạch này đã không khôi phục được nền kinh tế mà còn đưa đất nước vào một núi nợ nần, cản trở sự phục hồi kinh tế trong suốt nhiều năm trời, dẫn đến một giai đoạn có thể gọi là “Thập Kỉ Mất Mát” của Nhật Bản.

Công việc xây dựng trong những dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng của chính phủ là những việc làm không ổn định và không thể làm cho kinh tế phát triển được. Nợ công cao ngất trời, thất nghiệp tăng gấp đôi và nền kinh tế tiếp tục trì trệ. [Chuyện này nghe có vẻ quen quen?]. Gavan McCormack, giáo sư sử học chuyên về lịch sử châu Á và Thái bình dương ở Trường Đại học tổng hợp quốc gia Úc, viết trong tác phẩm Chân không của sự giàu có Nhật Bản (The Emptiness of Japanese Affluence) như sau: “Lĩnh vực xây dụng, trong một số khía cạnh nào đó, cũng na ná như tổ hợp công nghiệp quân sự thời chiến tranh lạnh ở Mĩ [Liên Xô thì cũng thế], nó hút hết tài sản của đất nước, tiêu thụ mà chẳng mang lại hiệu quả gì, nó phát triển nhanh như những tế bào ung thư và sinh ra cả khủng hoảng kinh tế lẫn phá hủy môi trường”.

Đại khủng hoảng

Ngay cả trong giai đoạn Đại khủng hoảng - thường được viện dẫn như là thí dụ rõ ràng về việc chính phủ tạo ra việc làm để giúp đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế - chương trình chi tiêu cực kì lớn của tổng thống Roosevelt – thực ra lại có gốc rễ từ thời chính quyền của tổng thống Hoover – cũng không kích thích được nền kinh tế. Mặc cho tất cả những khoản chi tiêu đó và mặc cho tất cả những chương trình tạo công ăn việc làm đó, tỉ lệ thất nghiệp vẫn rất cao. Trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, tỉ lệ thất nghiệp chỉ cao hơn 3% một chút. Năm 1933, tức là giữa lúc có những khoản chi tiêu lớn và những dự án lớn, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên đến 25%. Thậm chí sau những năm thực hiện Chính sách kinh tế mới (New Deal) tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức 15% hoặc hơn và kéo dài đến tận năm 1940. Mãi đến Thế chiến II tỉ lệ thất nghiệp mới trở về với mức một con số [và đấy là do hàng triệu người đã nhập ngũ].

Đấy là lí do v́ sao năm 1939 Henry Morgenthau – bộ trưởng tài chính dưới thời tổng thống Roosevelt – đã viết một câu làm người ta phải ngạc nhiên:

Chúng ta tìm cách tiêu tiền. Chúng ta đang tiêu nhiều hơn bất kì gian đoạn nào khác trước đây, nhưng không ăn thua. Và tôi đang có một niềm đam mê, nếu tôi sai… thì ai đó có thể ngồi vào ghế của tôi. Tôi muốn thấy đất nước này thịnh vượng. Tôi muốn thấy đồng bào có việc làm. Tôi muốn thấy đồng bào được ăn uống tốt hơn. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ giữa được lời hứa… Tôi xin nói rằng sau tám năm chính phủ này cầm quyền chúng ta vẫn có tỉ lệ thất nghiệp cao như lúc ban đầu… Và một món nợ khổng lồ phải thanh toán! (Nhật kí của Morgenthau, thư viện tổng thống Roosevelt)

Sự kiện là những cuộc suy thoái kinh tế - thậm chí những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn – không nhất thiết phải diễn ra khốc liệt hoặc kéo dài đến như thế. Đấy là do chính sách của chính phủ đã ngăn chặn những áp lực tự nhiên và sáng kiến của thị trường nhằm thanh lọc những khoản đầu tư và những quyết định kinh tế sai lầm và trở lại với con đường phát triển ổn định. Như Murray Rothbard viết trong lời giới thiệu lần xuất bản thứ ba tác phẩm Cuộc đại khủng hoảng của nước Mĩ (America’s Great Depression), của ông như sau:

Trước khi có những can thiệp mạnh mẽ của chính phủ hồi những năm 1930, tất cả vác vụ suy thoái đều diễn ra trong một thời gian ngắn. Thí dụ, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong năm 1921 cũng đã kết thúc một cách nhanh chóng, đến nỗi bộ trưởng thương mại, ông [Herbert] Hoover – mặc dù là người theo xu hướng can thiệp -  đã không thuyết phục được tổng thống Harding can thiệp ngay, trong thời gian người ta còn đang thuyết phục Harding thì khủng hoảng đã chấm dứt và sự phồn vinh đã quay trở lại rồi. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 năm 1929 thì Herbert Hoover – lúc này đã là tổng thống – can thiệp nhanh và mạnh đến mức quá trình điều tiết của thị trường bị tê liệt, và Chính sách kinh tế mới của Hoover-Roosevelt đã gây ra suy thoái trong nhiều lĩnh vực và kéo dài, chúng ta chỉ thoát ra được là nhờ Thế chiến II. Laissez-faire –  chính phủ dứt khóat không can thiệp – là chính sách duy nhất có thể bảo đảm được cho sự phục hồi một cách nhanh chóng trong bất kì cuộc khủng hoảng thiếu nào.

Sau hơn hai mươi lăm năm và hàng ngàn tỉ dollar được tung ra để cứu các ngân hàng và ngành công nghiệp ô tô, cũng như các gói kích thích và sự can thiệp của Cục dự trữ liên bang, nền kinh tế Mĩ vẫn chuyển động một cách chậm chạp và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 9%. Theo giám đốc Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke thì đáng lẽ chỉ cần bốn đến năm năm là thị trường lao động đã có thể “trở lại tình trạng bình thường” được rồi. Nếu không từ bỏ chính sách can thiệp của chính phủ thì có vẻ như Mĩ đang tiến dần đến Thập Kỉ Mất Mát của chính mình.

Nợ liên bang lên đến 14 ngàn tỉ dollar và thiếu hụt hàng năm hơn 1 ngàn tỉ đang làm giảm năng suất lao động và ngăn chặn sự phát triển của nền kinh tế. Đây là lúc chúng ta học những bài học đã lặp đi lặp lại trong quá khứ rằng các khoản chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là khi những khoản tiền đó được dùng để kích thích nền kinh tế, đơn giản chỉ là những khoản đầu tư có hại mà thôi.

Nguồn: Tạp chí The Freeman số tháng 7/8 năm 2011



[i] Amtrak là Công ty vận chuyển hành khách bằng xe lửa của chính phủ, được thành lập vào tháng 5 năm 1971. 
[ii] Công ty bưu chính (Postal Setvice) là công ty của chính phủ chuyên làm dịch vụ bưu chính trong nội bộ nước Mĩ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét