Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014
Lý Quang Diệu viết về vấn đề dân số của Singapore
08:06
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Singapore: Population”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 217-227.
Biên dịch: Ngô Trần Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Nếu tôi phụ trách Singapore ngày nay, tôi sẽ áp dụng chương trình thưởng sinh nở tương đương với 2 năm lương trung bình của một người Singapore. Tổng số tiền sẽ đủ để nuôi đứa bé tới khi nó bắt đầu vào tiểu học là ít. Tôi có kỳ vọng số lượng trẻ em sẽ tăng lên đáng kể không? Không. Tôi tin rằng thậm chí cả những khoản khuyến khích bằng tiền hậu hĩnh cũng sẽ chỉ có tác động nhỏ lên tỉ lệ sinh nở. Nhưng tôi vẫn sẽ hành động và đưa ra chương trình thưởng, ít nhất 1 năm, chỉ để chứng minh rằng tỉ lệ sinh nở thấp của chúng ta chẳng liên quan gì tới những nhân tố kinh tế hay tài chính, như chi phí sống đắt đỏ hay thiếu hụt trợ giúp của chính phủ cho các bậc cha mẹ. Thực ra đây là kết quả của phong cách sống và nếp nghĩ thay đổi.
Và nếu chúng ta chẳng làm được bao nhiêu bằng các biện pháp khuyến khích để thuyết phục người dân Singapore có nhiều con hơn, thì chúng ta phải thực tế và hỏi bản thân rằng có những lựa chọn nào khác tránh cho xã hội này biến mất trong vòng vài thế hệ kế tiếp hay không.
Năm 1959, năm đầu tiên tôi trở thành Thủ tướng, 62.000 trẻ em đã được sinh ra ở Singapore. Một sự đảo chiều đáng chú ý đã diễn ra trong vòng 5 thập niên sau đó. Dân số tăng gấp đôi, nhưng số trẻ sinh ra lao dốc. Năm 2011, chỉ có 39.654 trẻ được sinh ra ở đây. Tỉ lệ sinh nở trên một phụ nữ giảm thấp còn 1,15 vào năm 2010 từ con số gần 2 cuối thập niên 1980. Mức sinh thay thế là 2,1. Số trẻ ra đời tăng nhẹ trong các năm Thìn (1988, 2000, 2012), nhưng mức tăng này cũng giảm xuống cùng với xu hướng đi xuống trong dài hạn.
Dù bạn có chẻ nhỏ dân số ở góc độ nào đi nữa, số lượng cũng đang giảm đều đặn, bởi vì tỉ lệ sinh nở đang giảm sút ở tất cả các nhóm nhân khẩu. Tổng tỉ lệ sinh hiện hay là 1,18 (con số sơ bộ 2012) đối với người Hoa, 1,14 đối với người Ấn và 1,69 đối với người Malay. Điều này có nghĩa là nếu không làm gì, người Hoa và người Ấn sẽ giảm khoảng một nửa sau mỗi thế hệ và người Malay giảm 1/5. Ngày càng có nhiều người Singapore chọn không kết hôn hoặc kết hôn muộn và có ít con hơn hoặc không có con. Trong số những phụ nữ đã kết hôn độ tuổi 30 – 39, số trẻ trung bình sinh ra giảm từ 1,74 xuống 1,48 chỉ trong một thập niên. Với những người ở độ tuổi 40 -49, con số này giảm từ 2,17 xuống 1,99. Tỷ lệ những người độc thân tăng lên, tới 45,6% đối với nam giới từ 30 tới 34, và 32,3% đối với phụ nữ cùng độ tuổi.
Với tỷ lệ sinh hiện nay và không có nhập cư, gánh nặng dân số đang lão hóa lên thế hệ trẻ sẽ trở nên không thể chống chọi nổi trong vòng một thế hệ. Số lượng người trưởng thành trong độ tuổi lao động phải gánh trên vai một công dân từ 65 tuổi trở lên sẽ giảm từ 5,9 năm 2012 xuống còn 2,1 vào năm 2030. Chỉ có loài gấu trúc mới ở trong tình cảnh tương tự về vấn đề sinh sản – và chúng không phải lo lắng về việc có đủ tài nguyên để đảm bảo cho việc chăm sóc những cá thể lớn tuổi hơn.
Một số người cho rằng chiến dịch “Dừng ở hai con” thành công rực rỡ của chính phủ trong thập niên 1970 phải chịu trách nhiệm cho những khó khăn hiện tại về vấn đề sinh nở. Đây là ý tưởng hoang đường. Singapore không phải là ngoại lệ trong vấn đề này. Phong cách sống thay đổi đã tràn vào những xã hội phát triển khắp nơi trên thế giới, từ Nhật Bản tới Châu Âu. Một khi phụ nữ được giáo dục và có những cơ hội nghề nghiệp bình đẳng, họ không còn nghĩ nhiệm vụ chính của mình là sinh nở hay chăm lo việc nhà. Họ muốn có thể theo đuổi nghề nghiệp hết mình như đàn ông vẫn vậy. Họ muốn nhiều thời gian rảnh hơn. Họ muốn du lịch và ngắm nhìn thế giới, mà không phải nặng gánh con cái. Họ có những kỳ vọng rất khác về việc có nên kết hôn và kết hôn với ai vì họ độc lập về tài chính. Không thể đảo ngược xu thế này, trừ khi chúng ta dừng việc giáo dục phụ nữ, mà điều này thật vô lý.
Ở nhiều nước Tây Âu, nền văn hoá không những chấp nhận việc sống thử mà còn cả việc nuôi con mà không cần hôn thú. Điều này đã làm dịu vấn đề sinh nở, tạo điều kiện cho nhiều đứa trẻ ra đời hơn. Người mẹ đơn thân chịu ít kỳ thị hơn so với ở Châu Á. Thực tế, một vài xã hội còn cung cấp thêm những trợ giúp thêm cho người mẹ đơn thân, vô tình khuyến khích quyết định không kết hôn. Về vấn đề này, Singapore vẫn là một xã hội nghiêng về truyền thống Á Châu. Trong lúc một số đã tiếp thu ý tưởng về sống thử, tỉ lệ những phụ nữ không kết hôn mà có con rất thấp vì sự kỳ thị vẫn nặng nề. Nếu những chuẩn mực xã hội thay đổi đáng kể, có thể đấy là một cách thức khả thi để tăng tỉ lệ sinh. Nhưng tôi kỳ vọng chuẩn mực xã hội dịch chuyển dần dần, và chính phủ không thể di chuyển nhanh hơn người dân. Hơn nữa, sự gia tăng trẻ ngoài giá thú có thể gây nên những thách thức và vấn đề xã hội như đã được chính minh ở những xã hội nơi có tỷ lệ cha mẹ đơn thân cao.
Người dân Singapore có sự nghi ngại mạnh mẽ về việc thu nhận những người nhập cư, nhưng chúng ta đi đến lựa chọn này gần như bằng quá trình loại trừ. Lẽ tự nhiên là chúng ta thấy không thoải mái với những người nhìn, nói, và hành xử khác chúng ta. Tôi muốn thấy những gương mặt thân quen. Nhưng chúng ta có đang sinh sản không? Chúng ta có đối mặt với thực tế và chấp nhận rằng dân nhập cư là cần thiết, hay chúng ta đơn giản cho phép Singapre co rút lại, già đi và mất dần sức sống?
Có 3 hạn chế đối với cách tiếp cận vấn đề nhập cư.
Đầu tiên, họ cần tới đây với một tốc độ chấp nhận được về mặt chính trị nếu không sẽ có sự phản ứng dữ dội từ người dân, điều này là phản tác dụng. Là một xã hội, chúng ta cần đạt được sự đồng thuận về tốc độ này. Hiện tại chúng ta có lẽ thấy thoải mái với khoảng 15.000 tới 25.000 người nhập cư một năm. Dưới mức này, sẽ không thể tránh khỏi việc dân số co rút lại với mức sinh hiện nay. Nhưng nếu chính phủ thành công trong việc làm rõ mức độ nghiêm trọng của tình thế chúng ta đang gặp phải, và do đó nhận được sự ủng hộ của người dân Singapore, thì chúng ta nên nâng con số này lên, đặc biệt trong những năm sắp tới khi vấn đề già hoá dân số tác động nặng nề hơn tới chúng ta.
Thứ hai, thậm chí nếu người dân Singapore sau rốt có ngày càng chấp nhận người nhập cư, vẫn có một mức độ mà ngoài tầm đó nhập cư nhiều hơn sẽ gây khó chịu, bởi vì chúng ta không muốn văn hoá hay tinh thần bản địa bị biến đổi bởi những yếu tố ngoại lai. Khi người nhập cư hiểu rằng họ chỉ là một nhóm rất nhỏ so với dân số địa phương, họ có xu hướng muốn đồng hoá với người bản địa và hoà lẫn vào nền văn hoá hiện thời. Nếu quá trình hoà nhập không thể hoàn thành trong thế hệ đầu tiên, nó sẽ được hoàn thành với thế hệ con cháu. Nhưng nếu đạt đến một lượng người nhập cư lớn, họ thường có khát vọng khẳng định mình và giữ bản sắc. Thực tế nếu con số này đủ lớn, họ thậm chí có khả năng tạo ra những thay đổi lên văn hoá bản địa. Công bằng mà nói, một số những thay đổi này là tích cực, ngay cả khi chúng có gây khó chịu. Nhưng nếu chúng ta cho phép đạt tới điểm đó, thì chúng ta sẽ không thể kiểm soát phần nào của văn hoá nhập cư chúng ta muốn tích hợp và phần nào thì không. Chúng ta đã thấy những ví dụ về các thành tố tiêu cực rành rành trong những nền văn hoá này. Ví dụ, những người nhập cư mới có thể tới từ một đất nước thuần một sắc tộc và không quen với việc sống cùng những người thuộc chủng tộc khác. Hoặc mối quan hệ giữa những người thuộc các tầng lớp khác nhau của xã hội có thể khác với cấu trúc đồng đều hơn mà chúng ta có ở Singapore. Thái độ xã hội của họ có thể, một cách vô thức, không khớp với chuẩn mực và tập quán của Singapore, và có thể dẫn tới va chạm. Chúng ta cần cảnh giác trước những thái độ này, chúng có thể thâm nhập không tốt vào cách sống của chúng ta.
Cuối cùng, bằng chứng thực nghiệm cho thấy người nhập cư không giúp tăng tỉ lệ sinh vì họ có ít con cái cũng như người Singapore vậy. Họ thay thế người trẻ trưởng thành mà chúng ta thiếu, nhưng không có đủ con cái để thay cho chính họ. Mỗi thế hệ người nhập cư, do đó, không đại diện cho một giải pháp vĩnh viễn cho vấn đề cơ bản mà chỉ là sự khuây khoả tạm thời. Cần có một dòng người nhập cư không dứt. Do đó cái chúng ta thực sự cần để thay đổi cục diện là sự sẵn lòng cân nhắc một lối sống khác và có nhiều con hơn.
Nhưng thậm chí khi chúng ta nhận ra những giới hạn đối với việc nhập cư này, chúng ta phải hiểu rằng không có biện pháp thay thế trong ngắn hạn. Chúng ta phải cởi mở với sự đa dạng mà những người mới mang tới. Nếu được khai thác hiệu quả, sự đa dạng trong học đường và nơi làm việc có thể mở rộng tầm nhìn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi ý tưởng. Những cư dân thường trú là những công dân tiềm năng, hoặc chúng ta hoặc họ chưa ra quyết định cuối cùng về tư cách công dân Singapore. Chúng ta nên thu nhận họ theo tỉ lệ mà chúng ta có thể dung hợp và để họ tự thích nghi với những chuẩn mực và giá trị của chúng ta, để họ có thể hình thành một nhóm có thể trở thành công dân. Trong trường hợp lao động tạm thời, chúng ta công nhận vai trò tích cực của họ trong việc giúp xây dựng và cải tiến Singapore, nhưng họ sẽ ra đi sau khi làm việc một vài năm, và do đó không góp phần vào dân số đang già đi của chúng ta.
Tôi có 7 đứa cháu trong độ tuổi 20 và không một đứa nào kết hôn. Tôi nghĩ chẳng có đứa nào trong số chúng dự định kết hôn cho tới khi 30 tuổi, lúc đó có thể đã quá muộn để chúng có thể có được nhiều con. Lựa chọn của chúng không khác nhiều so với bạn đồng lứa. Đó là một thế hệ khác với những kỳ vọng khác về cuộc sống. Không may thay, bởi vì mỗi người ra quyết định dựa trên tập hợp các tính toán lý tính và cái nhìn của chính anh ta về thế giới, cho nên xã hội với tư cách là một tổng thể đang tiến tới một nơi nguy hiểm. Hệ quả đối với Singapore khá mồn một. Có đất nước nào trên thế giới này lại thịnh vượng với dân số suy giảm? Nếu tôi phải xác định một vấn đề đe doạ tới sự tồn vong của Singapore nhất, nó sẽ là vấn đề này. Tôi không thể giải quyết vấn đề và tôi đầu hàng. Tôi đã chuyển giao công việc cho một thế hệ lãnh đạo khác. Hi vọng là họ hoặc những người kế nhiệm sẽ tìm thấy lối ra.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét