Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Cứ dùng hàng Việt là yêu nước?

Liệu cứ chọn hàng Việt Nam là yêu nước? Việc lựa chọn này có bị đơn giản hóa quá không? Trong trường hợp nào thì hợp với đạo lý, trong trường hợp nào thì không? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời, đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa khi các chuỗi sản xuất và tiêu dùng không chỉ nằm gọn trong một quốc gia.


Con người sinh ra không lựa chọn được gia đình cũng như đất nước của mình. Sinh ra là người Việt, có nghĩa chúng ta được thừa kế lịch sử dân tộc, truyền thống văn hóa cũng như tình trạng kinh tế xã hội của đất nước. Nếu đất nước tự do, dân chủ, giàu có và hùng mạnh, chúng ta có may mắn được hưởng lợi để tiếp tục phát triển. Nếu đất nước đói nghèo, bất bình đẳng, ô nhiễm và mất tự do, chúng ta sẽ phải tiếp tục gồng gánh sức nặng di sản đó dù  muốn hay không. Nhưng dù sinh ra ở quốc gia nào, cũng giống như câu ngạn ngữ “con không chê bố mẹ nghèo”, ai cũng có tình yêu, sự gắn bó và trách nhiệm với quốc gia và dân tộc. Lòng yêu nước được xây dựng trong gia đình, cộng đồng và cuộc sống. Nói cách khác, đất nước đã một phần tạo dựng lên con người ta, và định nghĩa ta là ai. Và trong trường hợp này, ta là một người Việt Nam!
Chính vì vậy, khi phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được khởi xướng, nó động vào một tình cảm thiêng liêng, một tố chất sẵn có trong mỗi con người Việt Nam. Ngoài ý nghĩa ủng hộ cho các doanh nghiệp “Made in Vietnam”, nó còn có ý nghĩa đạo đức, trong trường hợp này là lòng yêu nước. Nếu đặt hai sản phẩm tương tự về chất lượng, kiểu mẫu và giá bán, một sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam và một sản xuất bởi doanh nghiệp nước ngoài, để tỏ lòng yêu nước chắc đa số người Việt sẽ lựa chọn hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, liệu cứ chọn hàng Việt Nam là yêu nước không? Việc lựa chọn này có bị đơn giản hóa quá không? Trong trường hợp nào thì hợp với đạo lý, trong trường hợp nào thì không? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời, đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa khi các chuỗi sản xuất và tiêu dùng không chỉ nằm gọn trong một quốc gia.

Một khách hàng mua bất cứ một sản phẩm nào, có nghĩa họ tham gia vào một giao dịch theo hợp đồng. Giao dịch này chỉ công bằng nếu như sản phẩm xứng với đồng tiền bỏ ra, thông qua giá được xác định bởi thị trường tự do. Để được đối xử công bằng, hàng hóa và dịch vụ khách hàng mua từ công ty Việt Nam không được đắt hơn hoặc tồi hơn hàng hóa và dịch vụ cung cấp bởi công ty nước ngoài. Nếu không, về đạo đức, người mua rơi vào tình trạng bị doanh nghiệp lợi dụng lòng yêu nước để kiếm lời, và điều này là không công bằng, trái với đạo lý. Về mặt thị trường, người tiêu dùng có thể ủng hộ một lần, hai lần nhưng không thể ủng hộ mãi mãi. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt không dựa vào lợi thế cạnh tranh của mình, mà dựa vào lòng yêu nước để kinh doanh là sai lầm.

Nếu hỏi tại sao người Việt Nam lại nên dùng hàng Việt Nam thì chúng ta thấy các lý do đều liên quan đến tinh thần dân tộc. Chúng ta ủng hộ hàng Việt Nam vì tin rằng các công ty là của Việt Nam, tuyển nhân công là người Việt Nam, đóng thuế cho chính phủ Việt Nam, lợi nhuận thu được là của người Việt Nam và được sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta làm điều này vì lòng tự hào dân tộc và nghĩ mình đóng góp cho chủ quyền kinh tế quốc gia. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta tin rằng làm cho một ông chủ người Việt thì tốt hơn một ông chủ người nước ngoài.

Trên thực tế, các tập đoàn và công ty đa quốc gia cũng đặt văn phòng, nhà máy và công xưởng ở Việt Nam, họ cũng tuyển dụng nhân công là người Việt Nam, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, đóng thuế cho nhà nước, và tạo ra tăng trưởng GDP. Nhiều công ty sử dụng lợi nhuận thu được và huy động thêm vốn từ bên ngoài đầu tư xây dựng nhà máy, công xưởng và mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Thậm chí nhiều công ty nước ngoài tham gia tài trợ các chương trình từ thiện giúp người yếu thế, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.

Nếu người Việt Nam, vì lòng yêu nước sử dụng hàng hóa sản xuất bởi công ty Việt Nam, thay vì hàng hóa sản xuất bởi các doanh nghiệp nước ngoài, có phải vô hình chung chúng ta làm tổn hại đến lao động người Việt Nam trong các công ty này, và ảnh hưởng đến việc nộp thuế của các doanh nghiệp này cho ngân sách nhà nước? Liệu công việc của một người Việt Nam làm ở một doanh nghiệp Việt Nam xứng đáng hơn một công việc tương tự của một người Việt Nam làm cho doanh nghiệp nước ngoài không? Nếu chúng ta ủng hộ hàng hóa sản xuất bởi Việt Nam, có phải chúng ta đã phân biệt đối xử và tạo bất công với những người Việt Nam làm cho nước ngoài?

Trong trường hợp khác, nhiều doanh  nghiệp Việt Nam, ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước, được ưu tiên về tài nguyên, đất đai, ưu đãi thuế, và thậm chí độc quyền thị trường một số mặt hàng nhưng làm ăn không hiệu quả, tạo ra nợ xấu và không đóng ngân sách nhà nước, trả lương công nhân thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, việc mua hàng hóa sản phẩm của những công ty Việt Nam này đồng nghĩa với việc tiếp tay cho các hoạt động kinh tế không hiệu quả, tổn hại đến nguồn lực và tương lai của đất nước. Trong trường hợp này việc dùng hàng Việt Nam này có phải là một hành động yêu nước, có đạo đức?

Tương tự, nếu một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt, sản xuất có lời vì không đóng bảo hiểm cho công nhân, trốn thuế nhà nước thì rõ ràng mua sản phẩm của họ cũng có nghĩa là tiếp tay cho những bất công này, và đây không phải là một hành vi yêu nước. Nếu một doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng nhiều nhân công Việt Nam nhưng xả rác thải gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, bóc lột nhân công, không cho công đoàn độc lập hoạt động thì việc mua sản phẩm của họ cũng đồng nghĩa với việc tiếp tay cho cái xấu, không phải là hành vi yêu nước.

Như vậy, người tiêu dùng yêu nước là người tiêu dùng thông minh, mua sản phẩm vì nó “sạch” chứ không mua sản phẩm chỉ vì nó được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài. Họ biết tẩy chay các sản phẩm sản xuất dựa trên sự bất công, trốn thuế, tàn phá môi trường, hay tước đoạt tự do của công nhân. Để làm được điều này, cần có thông tin minh bạch về nguồn gốc sản phẩm cũng như hoạt động của các công ty. Quan trọng hơn, người tiêu dùng cần có các tổ chức phi chính phủ độc lập, cũng như hiệp hội của mình để có thể đánh giá và phản ánh quan điểm của họ. Chỉ có khi đó, quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo vệ và họ có thể gây áp lực lên các công ty theo hướng trở thành các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, và yêu nước. Khi đó, họ chính là những người tiêu dùng yêu nước!
BÌNH LÊ (DIENNGON.VN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét