Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Các tiêu chí nền kinh tế thị trường trong thương mại quốc tế

Khái niệm nền kinh tế phi thị trường (Non Market Economy-NME) có nguồn gốc từ Hiệp định thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết năm 1935.
Giai đoạn sau thế chiến thứ hai bắt đầu xuất hiện thuật ngữ “các quốc gia thương mại nhà nước”. Sự ra đời của thuật ngữ này là do việc các nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương của một số quốc gia, chủ yếu là các nước Đông Âu.
Hiện tượng nhà nước độc quyền tuyệt đối trong hoạt động giao dịch ngoại thương đã làm cho các nhà kinh tế học cũng như chính trị gia chuyển sang nghiên cứu một đặc tính mới của hệ thống kinh tế phi thị trường, có tên là hệ thống kế hoạch hóa tập trung. Theo đó đã xuất hiện thuật ngữ “nền kinh tế kế hoạch tập trung,” thuật ngữ này đã thay thế “nền kinh tế nhà nước kinh doanh”. Trong Luật Hải quan Hoa Kỳ năm 1973, thuật ngữ “quốc gia nền kinh tế tập trung” lần đầu tiên đã xuất hiện. Cùng thời kỳ đó, thuật ngữ “nhà nước xã hội chủ nghĩa” đã được đề cập trên thế giới. Với sự bắt đầu cải cách thị trường trong hầu hết các nền kinh tế kế hoạch tập trung vào những năm 1980 và đầu 1990, hiện tượng này đã trở thành phổ biến và được gọi là “quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường” (Transaction to a market economy). Tuy nhiên, cùng với sự xác định khái niệm “các quốc gia đang trong thời kỳ chuyển đổi” (transaction countries) thì thuật ngữ nền kinh tế phi thị trường cũng được sử dụng lại. Các thuật ngữ đó xuất hiện đã có một ý nghĩa triết học hơn là một ý nghĩa kinh tế hay pháp lý2.
Trong khuôn khổ WTO, khái niệm NME được đề cập trong khoản 1 điều VI của GATT 1994 “Thừa nhận rằng trong trường hợp nhập khẩu từ một nước mà thương mại hoàn toàn mang tính chất độc quyền hoặc hầu như độc quyền hoặc toàn bộ giá trong nước do nhà nước định đoạt, việc xác định tính so sánh của giá cả nhằm mục đích nêu tại khoản 1 có thể có những khó khăn đặc biệt và trong những trường hợp đó, các bên ký kết là bên nhập khẩu có thể thấy cần tính đến khả năng rằng việc so sánh chính xác với giá cả trong nước của nước đó không phải lúc nào cũng thích đáng”3. Thông qua quy định này, các thành viên của WTO nhận thấy một cách rõ ràng rằng, các quốc gia NME có thể cần phải đối xử một cách khác biệt hơn các quốc gia có nền kinh tế thị trường (Market Economy-ME) trong vụ kiện chống bán phá giá.
Dựa vào điều khoản này, nhiều nước thành viên của WTO đã không chấp nhận các thông tin về giá cả hay chi phí sản xuất được cung cấp bởi các quốc gia được xem là NME. Các quốc gia này cho rằng giá cả và chi phí do các quốc gia NME được điều chỉnh và can thiệp bởi Chính phủ và do đó, không theo quy luật của thị trường. Cơ quan điều tra sẽ sử dụng giá và chi phí sản xuất của hàng hóa tại một nước thứ ba có nền kinh tế thị trường để thay thế, làm cơ sở tính toán cho giá thông thường. Trong mỗi vụ kiện, các quốc gia ME được lựa chọn để thay thế phải ở một mức phát triển cùng với quốc gia NME bị điều tra chống bán phá giá. Trong một số trường hợp, cơ quan điều tra đã xây dựng và sử dụng các thông tin tổng hợp về giá cả và chi phí4. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường đều phát triển hơn các quốc gia NME hoặc cơ quan điều tra cố tình dùng các quốc gia ME phát triển hơn để làm cơ sở tính toán, với mục đích tính toán biên độ phá giá lớn hơn và dẫn đến mức thuế đánh vào các sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá từ các quốc gia NME sẽ cao hơn, ví dụ, trong vụ kiện xe đạp tại EC, Mexico được lựa chọn là quốc gia thay thế Việt Nam5.
Tiêu chí của UNCTAD (United Nations Conferenceon Trade and Development) định nghĩa về nền kinh tế phi thị trường và nền kinh tế thị trường theo các cách sau:6
(i) Một quốc gia được coi là có nền kinh tế thị trường thì nền kinh tế thị trường đó phải dựa chủ yếu vào lực lượng thị trường để xác định mức độ của sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm mà không có sự can thiệp của chính phủ7.
(ii) Một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường là thị trường mà trong đó chính phủ tìm mọi cách để quản lý các hoạt động kinh tế một cách rộng lớn thông qua cơ chế quản lý tập trung, chẳng hạn như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trái ngược với nền kinh tế thị trường là phụ thuộc vào lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực sản xuất. Trong NME, mục tiêu sản xuất, giá cả, phân bổ đầu tư, nguyên liệu thô, lao động, thương mại quốc tế và hầu hết các tổ hợp kinh tế khác được điều chỉnh bởi nền kinh tế kế hoạch được lập ra bởi cơ quan kinh tế kế hoạch tập trung; Do vậy, khu vực công đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cung và cầu trong nền kinh tế quốc dân8.
UNCTAD cũng đã sử dụng thuật ngữ các quốc gia thương mại nhà nước và nhóm D để phân biệt một nền kinh tế phi thị trường đối với nền kinh tế thị trường. Từ trước cho đến thời kỳ có sự chuyển đổi giai đoạn 1989-1991 theo các chính sách định hướng kinh tế thị trường, nhóm D bao gồm các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tham gia UNCTAD, bao gồm Romania và Yoguslavia (được xem là nhóm các quốc gia 77) và Albania (không tích cực tham gia UNCTAD và các yếu tố khác trong hệ thống Liên hợp quốc). Các quốc gia nhóm D cho thấy một sự tham gia đặc biệt trong sự phân công của ban thư ký UNCTAD liên quan với “thương mại giữa các quốc gia với các hệ thống kinh tế khác biệt”9. Tuy nhiên, ngày nay ít có quốc gia nào có hệ thống kế hoạch tập trung hoàn toàn, mà có một số đặc điểm để nó được định hướng là một nền kinh tế chuyển đổi10.
Từ khi áp dụng Luật chống bán phá giá 1921 cho đến khi thông qua Luật Thương mại 1974, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các nền kinh tế NME đã được Hoa Kỳ đưa ra và áp dụng duy nhất thông qua hoạt động của cơ quan quản lý. Trong thập kỷ 1960, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã sử dụng thuật ngữ “quốc gia thay thế” để áp dụng cho các quốc gia NME11. Phương pháp tiếp cận này đã được thông qua và được pháp điển hóa bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào trong Luật Thương mại 1974. Quốc hội đồng thời cũng thông qua sự độc quyền khác của Bộ Tài chính, được biết là phương pháp tiếp cận “Các yếu tố của sản xuất” trong Đạo luật về Hiệp định thương mại như là một sự thay thế được sử dụng trong các vụ kiện NME khi không có các quốc gia thay thế12. Trong Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại 1988, Nghị viện Hoa Kỳ đã ban hành một số đổi mới đối với luật chống bán phá giá, bắt đầu là định nghĩa NME, cũng như là đặt ra quy định DOC đưa ra và xem xét khi nào thì một quốc gia cụ thể được xem là NME. Theo đó, một quốc gia được coi là NME khi “không hoạt động theo nguyên tắc thị trường của cơ cấu giá và chi phí, vì thế doanh số bán hàng của hàng hóa trong quốc gia đó không phản ánh được giá trị thông thường của hàng hóa”. Đạo luật quy định US DOC sẽ đưa ra sáu tiêu chí để xem xét trước khi quyết định, bao gồm:
1. Mức độ chuyển đổi của đồng nội tệ;
2. Mức độ theo đó mức lương được xác định thông qua đàm phán tự do giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động;
3. Mức độ theo đó việc liên doanh hoặc các dự án đầu tư nước ngoài được phép thực hiện;
4. Mức độ sở hữu của chính phủ hoặc kiểm soát của các phương tiện sản xuất;
5. Mức độ kiểm soát của chính phủ về việc phân bổ các nguồn lực, giá cả và sản lượng của doanh nghiệp;
6. Các tiêu chí khác do DOC đưa ra;13
Như vậy, với năm tiêu chí đầu tiên là có các giới hạn cụ thể để các quốc gia có nền kinh tế NME như Việt Nam có thể phấn đấu để đạt được (mặc dù là rất khó khăn để đáp ứng được các tiêu chí này). Tuy nhiên, với tiêu chí thứ sáu: “các tiêu chí khác do DOC đưa ra” là các tiêu chí nào? Đây là điều luật hết sức mơ hồ và không một quốc gia nào có thể đáp ứng được nếu như không có sự đồng ý của DOC. Bởi vì, cho dù quốc gia đó đã đáp ứng được năm tiêu chí đầu thì DOC vẫn có quyền đưa vào các tiêu chí khác mà họ thích. Vì thế, quyết định vấn đề có được công nhận nền kinh tế thị trường hay không là do chính phủ Hoa Kỳ, tùy bối cảnh chính trị của họ vui hay buồn mà thôi.

ThS. Nguyễn Tú - Học viện Khoa học xã hội
_____________________________
(1) Alexander Polouektov, “Nền kinh tế phi thị trường” (The Non-Market Economy-NME) Quy định trong thương mại quốc tế: Trong bối cảnh gia nhập WTO, Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, NCTAD/DITC/TNCD/MISC.20, 9/10/ 2002.
(2) Như trên.
(3) GATT 1994.
(4) John H. Jackson, William J. Davey, và Alan O. Sykes, trang 721-722 (trích dẫn từ Longyue Zhao và Yan Wang, Các biện pháp thương mại và các nền kinh tế phi thị trường: Ý nghĩa kinh tế của vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, tháng 3/2008.)
(5) Trần Thu Hường,Quy chế nền kinh tế phi thị trường trong pháp luật CMBG của EU và thực tiễn áp dụng trong các vụ kiện đối với hàng hóa Việt Nam, 2010.
(6) Các Thuật ngữ Hải quan của UNCTAD có thể được tìm thấy trong hệ thống tự động về dữ liệu Hải quan (ASYCUDA). ASYCUDA được phát triển bởi UNCTAD, và sẽ đưa vào tài khoản các mã số và chất lượng quốc tế được phát triển bởi ISO (International Organization for Standardization), WCO (World Customs Organization) và Liên hợp quốc.
(7) Như trên, xem ‘nền kinh tế thị trường -market economy’.
(8) Như trên, xem ‘ nền kinh tế phi thị trường - non-market economy’.
(9) Như trên, xem Nhóm D.
(10) Longyue Zhao và Yan Wang,Các biện pháp thương mại và các nền kinh tế phi thị trường: Ý nghĩa kinh tế của vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, tháng 3/ 2008.
(11) Tại thời điểm đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ là cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý về các biện pháp khắc phục thương mại trong nước cho đến khi thông qua đạo luật hiệp định thương mại năm 1979, theo đó cơ quan quản lý được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Thương mại.
(12) Tatelman, B. Todd.Pháp luật về các biện pháp thương mại và các nền kinh tế phi thị trường: Một tổng quan về pháp lý, 23/4/ 2007.
(13) Đạo luật 19 U.S.C. § 1677(18) (B) (2000).

Theo Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử

0 nhận xét:

Đăng nhận xét