Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014
Sự chia rẽ của giới tinh hoa Singapore
08:06
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tác giả: Michael Barr | Biên dịch: Trần Thị Thục Huyền
Những khó khăn của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) trong cuộc bầu cử đầy kịch tính năm 2011 ở Singapore đã dẫn đến suy đoán về khả năng một đảng đối lập giành được chiến thắng trong tương lai. Một dòng tư tưởng mới xuất hiện bên phe đối lập cho rằng sự thay đổi như vậy rất có thể sẽ diễn ra theo sau một sự chia rẽ trầm trọng trong Nội các. Theo đó, một phe đối lập được củng cố trong Quốc hội sẽ liên kết với một nhóm chống đối trong Nội các. Sự thay đổi này, nếu diễn ra, sẽ giống với “Mô hình Đài Loan” – theo đó dân chủ và sự thay đổi chính phủ đã xảy ra sau khi Chủ tịch Quốc Dân Đảng Lý Đăng Huy đã ủng hộ trên thực tế phe đối lập là Dân Tiến Đảng, làm cho Quốc Dân Đảng chia làm hai phe trong nội bộ và chia làm ba phe khi bỏ phiếu bầu cử.
Tôi cho rằng đây là một diễn biến khó xảy ra ở Singapore vì ba lý do sau:
Lý do đầu tiên và cũng là lý do lớn nhất – đó chính là việc giới tinh hoa ở Singapore e ngại rủi ro hơn so với giới tinh hoa ở Đài Loan. Singapore nhỏ hơn Đài Loan rất nhiều, nền kinh tế lại dễ bị tác động và tổn thương bởi sự thay đổi tâm lý trong lĩnh vực tài chính và thị trường thế giới, và do đó việc chia rẽ trong Chính phủ sẽ khó diễn ra, trừ khi Singapore không còn sự lựa chọn nào khác. Những người bất đồng trong nội các sẽ có thể gây rủi ro cho những yếu tố nền tảng vốn mang lại sự tin tưởng của giới tài chính và đầu tư quốc tế vào Singapore, và tôi nghĩ rằng họ sẽ không chấp nhận một rủi ro như vậy.
Lý do thứ hai khiến tôi hoài nghi về viễn cảnh chia rẽ ở Singapore hơi phản trực giác một chút: Thủ tướng Lý Hiển Long đã tận dụng khó khăn trong cuộc bầu cử của PAP vào năm 2011 để củng cố địa vị của mình trong giới lãnh đạo. Bằng cách đẩy trách nhiệm đối với những ghế bị mất trong Quốc hội qua cho người khác – đặc biệt là cho chính cha mình – và bằng việc đảm bảo rằng ông được ghi nhận công lao vì giúp đảng có được một kết quả không tồi tệ hơn, Lý Hiển Long đã bước ra được khỏi cái bóng của cha mình và khẳng định rõ ông là người cầm trịch. Đảng của thủ tướng Lý Hiển Long đã mất một số lượng phiếu đáng kể trong năm 2011, nhưng ông đã dẫn dắt được dòng quan điểm về cuộc bầu cử sau sự kiện này, bắt đầu ngay từ đêm hôm diễn ra bầu cử. Lúc đó, với sự hỗ trợ tích cực của Uỷ ban Bầu cử, Thủ tướng Lý đã bước lên bục tuyên bố chiến thắng trong hình ảnh vị cứu tinh của Chính phủ. Kể từ đó, ông đã hoàn toàn kiểm soát Nội các và dùng quyền lực của mình để thẳng tay loại trừ những kẻ đã làm suy yếu đảng.
Trước khi có kết quả bầu cử năm 2011, Nội các Singapore bất ổn vì một số bất đồng chính kiến, nhưng những bất đồng này không gây ảnh hưởng lớn.Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Giêng năm 2011, cựu Nghị sĩ được bổ nhiệm[1] Viswa Sadasivan cho biết ông đã quen với việc các Thành viên Quốc hội hay thậm chí một hoặc hai thành viên Nội các khen ngợi những bài phát biểu thẳng thắn và mang tính phê bình cao trước Quốc hội của ông – nhưng họ sẽ không nói lên chính kiến của mình hay dính líu tới bất kì bất đồng ý kiến nào trong Quốc hội. Một Quốc hội hay một Nội các như vậy sẽ rất khó xảy ra sự chia rẽ.
Lý do thứ ba khiến tôi nghi ngờ về khả năng chia rẽ trong giới tinh hoa là thời điểm chín muồi để sự chia rẽ này có thể xảy ra là vào giữa những năm 1990, khi Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) là thủ tướng – nhưngviệc này đã không xảy ra. Vào lúc đó, Ngô Tác Đống đã sử dụng vị thế thủ tướng của mình và dùng quyền kiểm soát Bộ Tài chính thông qua đồng minh thân cận của mình là Bộ trưởng Bộ Tài chính Richard Hồ nhằm giật lấy dây cương quyền lực từ gia đình họ Lý. Ngô Tác Đống thực hiện điều này thông qua một chiến dịch có chủ ý nhằm hất cẳng mạng lưới bảo trợ của gia đình họ Lý trong bộ máy hành chính dân sự và các công ty liên kết với chính phủ (Government-linked Company – GLC) khổng lồ và đầy quyền lực. Chiến dịch này hứa hẹn sẽ đặc biệt hiệu quả đối với lĩnh vực GLC.
Công cụ chính của sự bảo trợ trong chiến dịch này là một hội đồng không công khai mang tên Hội đồng Bổ nhiệm Giám đốc và Tư vấn (Directorship and Consultancy Appointments Council – DCAC) chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm lãnh đạo và các vị trí điều hành trong toàn bộ các GLC, và hội đồng này hoạt động dưới sự kiểm soát của Bộ trưởng Richard Hồ.
Ngô Tác Đống đã lên kế hoạch một cách hệ thống trong nhiều năm khi năm 1996, ông có cơ hội thách thức quyền bá chủ của gia đình họ Lý sau khi Richard Hồ nhận được báo cáo rằng Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long đã nhận được những khoản “giảm giá” bất hợp pháp trị giá nhiều triệu dollar từ một nhà phát triển bất động sản được niêm yết trên sàn chứng khoán, và trong hội đồng quản trị công ty này có sự tham gia của hai người em trai của ông Lý Quang Diệu.Đây là thời cơ quyết định để Ngô Tác Đống có thể giành lấy quyền lực, nhưng ông đã lùi lại hoàn toàn: ông thậm chí còn không đưa vấn đề ra Cục Điều tra các Hành vi Tham nhũng (Corrupt Practices Investigation Bureau – CPIB).
Sau khi bỏ qua cơ hội để nắm lấy quyền lực, Ngô Tác Đống còn thậm chí từ bỏ quyền lãnh đạo của mình. Một thời gian ngắn sau đó, phần lớn quyền lực của DCAC bị tước đi và chuyển qua các công ty cổ phần (Công ty cổ phần Temasek Holdings và Công ty Singapore Technologies) thuộc sự điều hành của những người trung thành với gia đình họ Lý như S. Dhanabalan, hoặc của các thành viên gia đình họ Lý như Ho Ching và Kwa Chong Seng. Đáp lại, Ngô Tác Đống ngừng tham gia vào các hoạt động chính trị trong nước và trao việc này lại cho Phó Thủ tướng lúc đó là Lý Hiển Long, còn ông tập trung chú ý vào việc phát triển các mối quan hệ thương mại của Singapore với các quốc gia Trung Đông.
Năm 1996 cơ bản đánh dấu sự kết thúc cuộc nổi dậy của Ngô Tác Đống chống lại gia đình nhà họ Lý và ghi dấu việc củng cố quyền lực của gia đình này.
Quan điểm của tôi là nếu có một sự chia rẽ của giới tinh hoa ở Singapore, thì thời điểm mà điều này sẽ xảy ra chính là thập niên 1990. Nhưng không có một cơn bão chính trị nào nổi lên vào năm 1996, và thậm chí còn không có một cơn gió nhẹ nào để làm xáo động vẻ đoàn kết bên ngoài của giới tinh hoa. Nếu sự chia rẽ không xảy ra vào thời điểm đó, thì sẽ có rất ít cơ hội để nó có thể diễn ra trong thời điểm hiện tại hoặc tương lai gần, khi mà chẳng có một người nào có khả năng đứng ra thách thức.
Tôi cho rằng Lý Hiển Long sẽ tiếp tục nắm quyền chừng nào ông còn muốn như vậy. Điều này không có nghĩa là Lý Hiển Long sẽ không phải đối mặt với các thách thức và khó khăn chính trị – đặc biệt là giờ đây, phe đối lập được tiếp thêm sức mạnh và giới tinh hoa mất đi rất nhiều quyền lực trong việc kiểm soát các chương trình nghị sự và dòng chảy thông tin. Nhưng ít nhất, Lý Hiển Long có thể đối mặt với những thách thức này trong hình ảnh người đứng đầu không thể tranh cãi của một nhóm lãnh đạo thống nhất, hơn là phải dè chừng việc bị làm suy yếu bởi một đối thủ khác hay người cha nhiều ảnh hưởng của mình.
Tiến sĩ Michael Barr là giảng viên cao cấp ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Flinders.
——–
[1] Trong Quốc hội Singapore có một số nghị sĩ được Tổng thống bổ nhiệm không thông qua bầu cử nhằm mang lại nhiều tiếng nói độc lập hơn trong Quốc hội. Các nghị sĩ này không phải là thành viên của bất kỳ đảng phái nào và không đại diện cho một đơn vị bầu cử nào cả (NBT).
Bản gốc Tiếng Anh: The Real Singapore
-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét