Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Jeffrey D. Sachs - Chìa khóa cho sự thịnh vượng




Phạm Nguyên Trường dịch



Tất cả những nước hạnh phúc đều là những nước nhấn mạnh quyền bình đẳng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm giải trình theo lối dân chủ, sự bền vững của môi trường và những định chế công chắc chắn. 




Trong nhiều cuộc cải cách kinh tế thành công trong lịch sử, một số nước đã học được từ những thành công về mặt chính sách của những nước có nền kinh tế kiểu mẫu: chính sách thị trường lao động kiểu Đức, hưu bổng kiểu Thụy Điển, kinh tế carbon thấp kiểu Pháp, y tế kiểu Canada, hiệu suất năng lượng kiểu Thụy Sĩ, chính sách khoa học kiểu Mĩ, những chương trình chống đói nghèo theo kiểu Brazil và hạnh phúc theo kiểu Costa Rica, và áp dụng chúng vào điều kiện của mình.


Trong quá trình phát triển kinh tế của mình, nước Anh hồi thế kỉ XVIII đã học từ Hà Lan; đầu thế kỉ XIX, Phổ học từ Anh và Pháp; giữa thế kỉ XIX nước Nhật Bản của Hoàng đế Minh Trị học từ Đức; sau Thế chiến II châu Âu học từ Mỹ; và nước Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình học từ Nhật Bản những chính sách, định chế và áp dụng một cách sáng tạo, tạo ra những bước phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới.



Hiện nay cũng thế, có một số cơ hội cho việc “chuyển giao chính sách”, nếu có nhiều nước bỏ thì giờ học hỏi thành công của các nước khác. Ví dụ, trong khi nhiều nước gặp phải khủng hoảng việc làm thì một phần thế giới tư bản lại làm rất tốt: đấy là Bắc Âu, trong đó có Đức, Hà Lan và các nước vùng Scandinavia. Mùa hè vừa qua tỉ lệ thất nghiệp ở Đức là khoảng 5,5% và tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên là khoảng 8% - thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước có thu nhập cao khác. 



Các nước Bắc Âu làm như thế nào? Tất cả các nước này đều áp dụng chính sách thị trường lao động tích cực, trong đó có thời gian làm việc linh họat, vừa làm vừa học (đặc biệt là ở Đức), thời gian học việc kéo dài và học nghề ngay tại nơi làm việc.  



Tương tự như thế, trong giai đoạn xảy ra những cuộc khủng hoảng ngân sách kinh niên thì Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ vẫn có ngân sách gần như cân bằng. Cả ba nước này đều dựa vào những luật lệ ngân sách đòi hỏi thường xuyên điều chính ngân sách cho cân bằng. Và cả ba nước đều có những biện pháp đề phòng để cho những khỏan hỗ trợ nằm trong tầm kiểm soát: tuổi về hưu ở những nước này là 65. Như vậy là chi phí thấp hơn so với Pháp và Hi Lạp, nơi tuổi về hưu là 60 hoặc thấp hơn và kết quả là lương hưu tăng vọt. 



Trong giai đoạn, khi mà chi phí cho việc bảo vệ sức khỏe gia tăng, các nước có thu nhập cao nhất – Canada, các nền kinh tế phương Tây của Liên hiệp châu Âu và Nhật – tìm cách giữ tổng chi phí cho bảo vệ sức khỏe dưới 12% GDP mà vẫn đạt được kết quả tuyệt vời, trong khi Mĩ chi tới gần 18% GDP mà kết quả rõ ràng là rất tầm thường. Mà Mĩ là nước duy nhất trong số đó có hệ thống khám chữa bệnh kiếm lời. Bản báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Y khoa của Mĩ cho thấy hệ thống khám chữa bệnh kiếm lời của Mĩ làm mất tới gần 750 tỉ USD hay 5% GDP vì lãng phí, lừa gạt, trùng lắp và quan liêu.      



Trong giai đoạn, khi mà giá dầu tăng cao, chỉ có vài nước thực sự nâng cao được hiệu quả sử dụng năng lượng mà thôi. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sử dụng trung bình 160 kg nhiên liệu quy dầu (oil-equivalent) mới làm ra được 1.000 USD (tính bằng sức mua tương đương). Nhưng Thụy Sĩ – nước có hiệu quả sử dụng năng lượng cao – chỉ dùng 100 kg đã làm ra đươc 1.000 USD, còn Đan Mạch sử dụng 110 kg, trong khi Mĩ phải sử dụng tới 190 kg.



Trong giai đoạn biến đổi khí hậu, chỉ có một ít nước chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon (low-carbon economy). Trung bình, để có năng lượng tương đương với 1 kg dầu, các nước giàu thải 2,3 kg khí CO2. Nhưng Pháp chỉ thải có 1,4 kg, đấy là do nước này đã thành công trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân giá rẻ và an tòan. 



Thụy Điển, với nguồn thủy điện dồi dào còn thải ít hơn – chỉ có 0,9 kg. Và trong khi vì lí do chính trị, Đức đang từ bỏ việc sản xuất điện hạt nhân ở trong nước, chúng ta có thể tiên đóan rằng nước này sẽ tiếp tục nhập phần lớn điện năng từ những nhà máy điện hạt nhân của Pháp. 



Trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt về mặt công nghệ, những nước kết hợp được việc tài trợ công và tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ vượt lên trên những nước khác. Mĩ tiếp tục là nước vượt trội trong lĩnh vực này, với những thành tích bất ngờ trong việc nghiên cứu sao Hỏa và nghiên cứu cấu trúc gien; mặc dù hiện nay, với chính sách cắt giảm ngân sách, họ đang phá họai thành tích của mình. Trong khi đó, Thụy Điển và Hàn Quốc tạo được những thành tựu vượt bậc về mặt kinh tế trên cơ sở chi cho R&D khỏang 3,5% GDP, còn Israel thì chi tới 4,7% GDP. 



Trong giai đoạn bất bình đẳng gia tăng, ít nhất đã có một số nước giảm được khỏang cách về thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp dân cư. Thời gian gần đây, Brazil là nước dẫn đầu trong vấn đề này. Nước này đã gia tăng đáng kể khu vực giáo dục công và giúp đỡ một cách có hệ thống những nhóm người nghèo thông qua những chương trình tái phân phối có chủ đích. Kết quả là bất bình đẳng về thu nhập ở Brazil đang giảm dần. 



Và, trong giai đoạn khi mà mọi người đều cảm thấy lo lắng thì Bhutan lại đang đặt ra những câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa và bản chất của hạnh phúc. Trong quá trình tìm kiếm một xã hội cân bằng hơn, tức là xã hội kết hợp được sự thịnh vượng kinh tế, gắn kết xã hội và sự bền vững của môi trường, Bhutan theo đuổi tổng thịnh vượng quốc gia (GNH) chứ không phải là tổng thu nhập quốc dân (GDP). Nhiều nước khác – trong đó có Anh – đang làm theo Bhutan trong việc khảo sát quan niệm của công dân của họ về sự thỏa mãn đối với cuộc sống. 



Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy là những nước có mức độ thỏa mãn cao đối với đời sống. Nhưng những nước ở vĩ độ thấp cũng có hi vọng. Costa Rica, một nước nhiệt đới, nằm trên nấc thang khá cao trong các nước hạnh phúc. Điều chúng ta có thể nói là tất cả những nước hạnh phúc đều là những nước nhấn mạnh quyền bình đẳng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm giải trình theo lối dân chủ, sự bền vững của môi trường và những định chế công chắc chắn. 



Dĩ nhiên là trong thế giới hiện thực, đa số các nước sẽ không thể đạt được hạnh phúc trong tương lai gần. Nhưng bằng cách nhìn vào những thành tích ở nước ngoài, chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ cải thiện trong tất cả các nước trên thế giới. 



Đã đăng trên tiasang.com.vn

Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/finding-the-keys-to-national-prosperity-by-jeffrey-d--sachs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét