Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Vấn đề chất lượng tăng trưởng kinh tế và thực tế Việt Nam

Thực tế cho thấy nhiều “loại” tăng trưởng không những không đem đến cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn mà trái lại còn để lại những hậu quả không tốt mà các thế hệ tương lai phải gánh chịu.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế là gì?
Tăng trưởng phản ánh sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (thường là 1 năm). Đây là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng hàng đầu, có liên quan mật thiết đến các biến số vĩ mô khác như việc làm, lạm phát, nghèo đói,… Tuy nhiên, nếu chỉ xem xét tăng trưởng kinh tế (TTKT) trên giác độ số lượng thu nhập tăng thêm thì chưa đủ. Thực tế cho thấy nhiều “loại” tăng trưởng không những không đem đến cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn mà trái lại còn để lại những hậu quả không tốt mà các thế hệ tương lai phải gánh chịu. Năm 1996, UNDP đã chỉ ra 5 loại tăng trưởng xấu để các quốc gia tham khảo, đó là:
  • Tăng trưởng không việc làm: Tăng trưởng không tạo ra việc làm mới.
  • Tăng trưởng không lương tâm: Tăng trưởng chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người giàu, điều kiện sống của phần đông người nghèo không được cải thiện.
  • Tăng trưởng không tiếng nói: Tăng trưởng không gắn với sự cải thiện về dân chủ.
  • Tăng trưởng không gốc rễ: Tăng trưởng nhưng đạo đức xã hội bị suy thoái.
  • Tăng trưởng không tương lai: Tăng trưởng nhưng huỷ hoại môi trường sống của con người.
Chính vì lẽ đó, nghiên cứu TTKT bên cạnh sự gia tăng về số lượng, còn cần và nhất thiết phải quan tâm đến khía cạnh chất lượng.
Vậy, chất lượng tăng trưởng là gì?
Chất lượng tăng trưởng phản ánh nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, duy trì trong một thời gian dài, gắn với đó là quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền tự do cho mỗi người.
Có thể tiếp cận chất lượng TTKT trên nhiều giác độ khác nhau như: theo nhân tố đầu vào, theo kết quả đầu ra, theo cấu trúc ngành kinh tế, theo năng lực cạnh tranh,… Bài viết này tập trung nghiên cứu chất lượng TTKT theo các nhân tố đầu vào.
Trên giác độ các yếu tố đầu vào, một nền kinh tế đạt được tăng trưởng dựa chủ yếu vào 3 nhân tố chính: vốn (K), lao động (L) và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity). Hàm sản xuất có dạng:
Y = F (K,L,TFP) , trong đó: Y là thu nhập của nền kinh tế (GDP)
Tại mô hình này, TTKT được phân thành 2 loại: TTKT theo chiều rộng, phản ánh tăng thu nhập phụ thuộc vào tăng quy mô nguồn vốn, số lượng lao động và lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác; và TTKT theo chiều sâu, đó là sự gia tăng thu nhập do tác động của yếu tố TFP.
Trên phương diện tính toán, TFP chỉ phần trăm tăng GDP sau khi trừ đi phần đóng góp của việc tăng số lao động và vốn. TFP phản ánh sự gia tăng chất lượng lao động, chất lượng máy móc, vai trò của quản lý và tổ chức sản xuất. TFP phụ thuộc hai yếu tố: tiến bộ công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn, lao động.
Đối với các nước đang phát triển, trong giai đoạn đầu tiến hành công nghiệp hóa do các yếu tố TTKT theo chiều rộng như lao động, tài nguyên thiên nhiên tương đối dồi dào, trong khi trình độ của người lao động và công nghệ còn hạn chế thì TTKT theo chiều rộng thường được lựa chọn. Song, nếu nền kinh tế phát triển dựa quá nhiều vào vốn và lao động thì tốc độ tăng trưởng không cao, kém tính bền vững và dễ bị tổn thương khi có những biến động kinh tế từ bên trong cũng như bên ngoài. Nền kinh tế cũng sẽ không có những bước tiến mang tính chất đột phá lớn. Chính vì lẽ đó, chiến lược TTKT cần được nghiên cứu theo chiều sâu, tức là dựa chủ yếu vào nhân tố TFP.
Thực trạng chất lượng TTKT của Việt Nam
Kể từ khi thực hiện cơ chế kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập, Việt Nam (VN) đã đạt được những thành tựu lớn lao về kinh tế. Giai đoạn 1991-95 tốc độ TTKT đạt trung bình 8,2%/năm; 1996-2000: 6,7%; 2001-05: 7,5%; năm 2006: 8,17%; 2007: 8,48%; 2008: 6,23%; dự kiến 2009 là 6,5%. Đây là những tốc độ tăng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực và thế giới trong cùng khoảng thời gian. Năm 2008, tốc độ TTKT của VN thấp hơn so với các năm trước, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính thì đây lại là mức tăng trưởng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2009 VN có đủ cơ sở để đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong bối cảnh tốc độ chung của thế giới là 0,5%. Nhờ tốc độ TTKT cao, quy mô GDP của VN tăng lên nhanh chóng, năm 2005 đã gấp 3 lần năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 195 USD năm 1990 lên 729 USD năm 2006, năm 2007 đạt 820 USD. TTKT tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tỷ lệ dân sống dưới mức 1 USD/ngày và 2 USD/ngày (tính theo PPP) lần lượt giảm từ 50,8% và 87,0% vào năm 1990 xuống còn 10,6% và 53,4% vào năm 2004. WB đã khẳng định tỷ lệ TTKT tăng thêm 1% kéo theo giảm 1,3% số hộ nghèo của VN là rất ấn tượng. Ngoài ra, các vấn đề xã hội khác như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường cũng đạt được nhiều thành tựu mà các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế như VN khó có thể đạt được.
Có được tốc độ tăng tưởng kinh tế cao như vậy là nhờ VN đã huy động được lượng vốn đầu tư khá lớn. Tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP liên tục gia tăng, năm 1990 đạt 17,3%, hiện nay khoảng 40-45%. Trong 10 năm 1996-06 tổng vốn đầu tư xã hội tăng trung bình 12,7%/năm, trong đó giai đoạn 1996-2000 tăng 12,4%, giai đoạn 2001-05 tăng 13%. So với các nước trong khu vực và các nước đang phát triển trên thế giới VN được xếp vào loại nước có tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP cao. Đóng góp của vốn vào tăng trưởng GDP tuy giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn ở vị trí chủ đạo. Nếu tính theo tỷ lệ, giai đoạn 2003 đến nay nhân tố vốn đóng góp trung bình khoảng 52,73% vào tăng trưởng GDP. Cùng với nhân tố vốn, lao động cũng có những đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy TTKT của VN. Với kết cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào (khoảng 45 triệu người trong độ tuổi lao động), hàng năm bổ sung thêm 1,2-1,5 triệu người, lao động đã đóng góp 19,07% vào tăng trưởng của VN.
Đóng góp của các yếu tố vào GDP (%)

1993 - 97 1998 – 02 2003 – nay
Đóng góp của L 16,02 20,00 19,07
Đóng góp của K 68,98 57,42 52,73
Đóng góp của TFP 15,00 22,58 28,20
Tỷ lệ GDP 100 100 100
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tuy nhiên, về thực chất mô hình TTKT của VN thời gian qua chủ yếu vẫn theo chiều rộng, mặc dù đóng góp của nhân tố TFP có tăng dần qua các năm nhưng không đáng kể. Tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn và lao động cao gấp hơn 3 lần so với của TFP. Nguyên nhân là do:
Thứ nhất, trình độ công nghệ hiện đang sử dụng ở VN thấp tương đối so với các nước trong khu vực. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2008-2009 đã xếp năng lực cạnh tranh của VN thứ 70 trong tổng số 134 quốc gia, với 4,1 điểm. Riêng hệ số cạnh tranh về công nghệ, VN xếp thứ 79, với 3,12 điểm. Trong khi đó Malaysia: 4,41 điểm; Thái Lan: 3,37 điểm; Philipines: 3,26 điểm. Trình độ công nghệ sử dụng thấp kéo theo năng suất lao động xã hội thấp. Nếu coi năng suất lao động xã hội của VN = 1, thì Trung Quốc = 1,73, Thái Lan = 3,63 và Singapore = 39,05.
Thứ hai, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nước ta trong giai đoạn đầu mở cửa khá cao, nhưng đang có chiều hướng giảm thấp vào những năm gần đây. Hệ số ICOR năm 2005 là 4,6, năm 2006: 5,01. Hiện nay dao động trong khoảng 4,5 đến 5,3, cao hơn so với các nước trong khu vực (Philippines: 2,3; Indonesia: 2,8; Thái Lan: 3,6). Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước vẫn còn xảy ra; công tác cải cách hành chính được thúc đẩy nhưng còn nhiều bất cập.
Thứ ba, lao động VN còn bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chỉ chiếm khoảng 25%. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn ở mức khá cao 5,3%, tỷ lệ lao động nông thôn không sử dụng hết quỹ thời gian khoảng 19,4%.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng TTKT
Một là, thay đổi tư duy về mô hình TTKT, TTKT cần dựa trên nền tảng coi trọng chất lượng. Theo đó, trong dài hạn cần từ bỏ quan điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động, mà chuyển dần sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Trước hết, tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn. Cần đầu tư có trọng tâm để tạo sự bứt phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia trao đổi sản phẩm công nghệ trên thị trường. Nên sử dụng FDI như là xung lực để tạo hiệu ứng lan toả thúc đẩy công nghệ phát triển.
Tiếp theo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ NSNN. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về đầu tư theo hướng loại bỏ tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh. Từ đó, tăng cường tính công khai, minh bạch và thực hiện đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện quản lý đầu tư theo quy hoạch. Khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư, tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân.
Chính sách khuyến khích đầu tư hiện nay cần được hiểu và vận dụng với nội hàm rộng hơn. Nếu như trước kia, khuyến khích đầu tư đồng nghĩa với việc Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi (miễn, giảm) đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp thông qua các công cụ như thuế, tín dụng, đất đai,… thì trong bối cảnh hội nhập, các chính sách ưu đãi trên khó được áp dụng một cách riêng lẻ do sự ràng buộc của các nguyên tắc đối xử mà VN đã ký kết với cộng đồng quốc tế. Chính sách khuyến khích đầu tư cần được xây dựng nghiêng nhiều hơn về khía cạnh cơ chế đối xử bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực giữa các thành phần kinh tế (Nhà nước, ngoài Nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài).
Đồng thời, tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, cụ thể là FDI và ODA.
Đối với vốn FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế nhằm thu hút vốn, công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động VN. Trong thời gian trước mắt, nên tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại mà các nhà đầu tư nước ngoài còn vướng mắc để đưa các dự án đã được cấp giấy phép đi vào hoạt động. Chính sách đầu tư nước ngoài cần đặt mục tiêu thu hút các công ty có tiềm năng lớn về vốn và khả năng cao trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các công ty hàng đầu trên thế giới đầu tư vào VN.
Đối với vốn ODA, để nâng cao hiệu quả cần phát huy vai trò làm chủ quốc gia từ khâu vận động đến khâu sử dụng và khai thác dự án, lựa chọn những lĩnh vực phù hợp để vận động ODA, từ đó tối đa hoá hiệu quả và tác động lan toả của các chương trình, dự án ODA. Về công tác quản lý, nên tăng cường sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng ở các cấp vào quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát các chương trình, dự án để góp phần làm cho nguồn vốn này được quản lý và sử dụng một cách công khai, minh bạch, chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Ba là, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là nhân tố chính quyết định tốc độ và chất lượng của TTKT.
Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực chất chính là tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo. Giải pháp trước mắt đó là nâng cao trình độ văn hoá và trình độ nhận thức cho người lao động. Phấn đấu hoàn thành chiến lược phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010, tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học, tiến tới thực thi chiến lược phổ cập trung học phổ thông. Từng bước xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dạy nghề hiện có theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới và chuẩn hoá nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình của các cơ sở đào tạo để tăng tính thực tiễn, sát với thực tế VN, theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và thế giới. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở đào tạo cũng cần được nâng cao trên tất cả các mặt như phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.
Nhà nước có chính sách thiết thực khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có trình độ quản lý thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo người lao động. Trong đó chú trọng hướng các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực: đào tạo nghề, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đại học và sau đại học,… Các lĩnh vực này có khả năng tạo lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư, đồng thời cần phát triển nhanh để đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH – HĐH đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường vận động ODA cho giáo dục ở mọi cấp học, ưu tiên cho cấp phổ cập, dành một tỷ lệ thích đáng vốn ODA (kể cả đi vay ưu đãi) đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Bốn là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có chính sách hình thành và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của 5 loại thị trường cơ bản: thị trường hàng hoá - dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học - công nghệ và thị trường bất động sản. Trong bối cảnh VN là thành viên chính thức của WTO, hệ thống văn bản pháp luật cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết của VN với quốc tế. Nghiên cứu thực hiện trước thời hạn một số cam kết nếu thấy có cơ hội thuận lợi và việc thực hiện đem lại lợi ích cho quốc gia. Đây chính là kinh nghiệm thành công của Trung Quốc khi là thành viên của WTO. Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách hành chính để Chính phủ thực sự trở thành Chính phủ vì nhân dân, vì doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Hữu Hiểu (VIETINBANK)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét