Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014
Thị trường và đạo đức (Kì cuối)
08:02
Hoàng Phong Nhã
No comments
Mario Vargas Llosa - Nền văn hóa của tự do
Phạm Nguyên Trường dịch
Những
cuộc công kích hiệu quả nhất nhằm chống lại quá trình tòan cầu hóa
thường lại không phải là những cuộc công kích liên quan tới kinh tế học.
Mà là những cuộc công kích về mặt xã hội, đạo đức, và trên hết là lĩnh
vực văn hóa. Những luận cứ này từng nổi lên trong những vụ lộn xộn ở
Seattle vào năm 1999 và lại vang lên ở Davos, ở Bangkok, và Prague trong
thời gian gần đây. Họ nói như sau:
Sự
biến mất của các đường biên giới quốc gia và giới quyền uy trên thế
giới gắn bó với thương trường sẽ giáng những đòn chí tử vào nền văn hóa
khu vực và quốc gia, vào truyền thống, thói quen, truyền thuyết và tập
tục, tức là những thứ quyết định bản sắc văn hóa của đất nước và khu
vực. Vì đa số các nước và các khu vực trên thế giới không đủ sức chống
lại sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa từ các nước đã phát triển – mà
cụ thể là từ siêu cường Mĩ – nước chắc chắn sẽ mở đường cho các công ty
đa quốc gia cực kì lớn, nền văn hóa Bắc Mĩ cuối cùng sẽ buộc người ta
phải chấp nhận nó, nó sẽ định ra tiêu chuẩn cho thế giới và xóa sổ sự đa
dạng của những nền văn hóa khác nhau. Theo cách này, tất cả các dân
tộc, chứ không chỉ các dân tộc nhỏ và yếu, sẽ đánh mất bản sắc, sẽ đánh
mất tâm hồn mình và chỉ còn các thuộc địa trong thế kỉ XXI – những thây
ma hay những hình nộm được làm theo những tiêu chuẩn văn hóa của chủ
nghĩa thực dân mới, đấy là chủ nghĩa thực dân mà ngòai việc cai trị thế
giới bằng đồng vốn, sức mạnh quân sự và kiến thức khoa học của nó, còn
áp đặt cho người ta ngôn ngữ, cách tư duy, niềm tin, thú vui và ước mơ
của nó nữa.
Cơn
ác mộng hay là điều hoang tưởng theo nghĩa tiêu cực về một thế giới mà
do tòan cầu hóa đang đánh mất dần sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ,
đang bị Mĩ xâm lược về mặt văn hóa không chỉ là địa hạt của các chính
trị gia tả khuynh, luyến tiếc Marx, Mao hay Che
Guevara. Cơn mê sảng về việc bị ngược đãi – do lòng thù hận người khổng
lồ Bắc Mĩ mà ra – còn được thể hiện rõ ở cả những nước đã phát triển và
những dân tộc có nền văn hóa cao, được cả các nhóm tả, trung dung và
hữu khuynh chia sẻ nữa.
Khét
tiếng nhất là nước Pháp, ở đây chúng ta thường thấy chính phủ tung ra
những chiến dịch nhằm bảo vệ “bản sắc văn hóa Pháp”, một nền văn hóa
được cho là đang bị quá trình tòan cầu hóa đe dọa. Một lọat các nhà tri
thức và chính trị gia Pháp lo lắng về khả năng là cái vùng đất từng sinh
ra Montaigne, Descartes, Racine, và Baudelaire – và đất nước đã có một
thời gian dài từng là người đưa ra tiếng nói cuối cùng về thời trang, tư
duy, nghệ thuật, ẩm thực và về tất cả những lĩnh vực tinh thần khác –
có thể bị những McDonald’s, Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, rock,
rap, và phim ảnh của Hollywood, quần bò, bánh sneakers, áo T-shirts xâm
lấn. Nỗi sợ này đã dẫn tới, thí dụ, những khỏan tài trợ rất lớn của Pháp
cho ngành công nghiệp điện ảnh và đòi hỏi các rạp chiếu bóng phải chiếu
một số lượng phim trong nước và hạn chế nhập phim Mĩ. Nỗi sợ này còn là
lí do vì sao các chính quyền địa phương ban hành những quy định xử phạt
nặng những băng rôn quảng cáo làm ô uế ngôn ngữ của Molière bằng những
từ ngữ tiếng Anh. (Mặc dù, nếu nhìn vào vỉa hè các đường phố ở Paris thì
thấy rằng những quy định như thế cũng không được người ta tôn trọng cho
lắm). Đấy là lí do vì sao José Bové, một điền chủ có thái độ bài xích
các món ăn tạp nham (ngụ ý thức ăn nhanh của Mĩ – ND) đã trở thành một
nhân vật nổi tiếng ở Pháp. Và việc ông ta bị bắt giam ba tháng trong
thời gian gần đây có vẻ như chỉ làm cho ông ta nổi tiếng thêm mà thôi.
Nhưng
tôi tin rằng luận cứ chống tòan cầu hóa như thế là không thể chấp nhận
được, chúng ta phải công nhận rằng nó ẩn chứa một sự thật không thể bác
bỏ được. Trong thế kỉ này, cái thế giới chúng ta sống sẽ kém sinh động
và không có nhiều màu sắc như là cái thế giới mà chúng ta đã bỏ lại phía
sau. Những buổi lệ hội, đồ trang sức, phong tục, nghi lễ, nghi thức và
tín ngưỡng, tức là những thứ đã tạo cho nhân lọai sự khác biệt mang màu
sắc dân tộc và văn hóa dân gian, đang dần dần biến mất hoặc sẽ thu mình
vào trong những nhóm thiểu số, trong khi phần lớn xã hội từ bỏ chúng và
chấp nhận những thứ khác, phù hợp hơn với thời đại của chúng ta. Tất cả
các nước trên thế giới đang trải qua quá trình này, nhanh chậm khác
nhau, nhưng đấy không phải là do tòan cầu hóa. Mà đấy là do quá trình
hiện đại hóa, tòan cầu hóa là kết quả chứ không phải là nguyên nhân. Có
thể khóc than, dĩ nhiên là như thế, rằng quá trình này đang diễn ra và
có thể nuối tiếc về cuộc sống của một thời đã qua, mà với những tiện
nghi của ngày hôm nay dường như đấy là cuộc sống vui vẻ, độc đáo và đầy
màu sắc. Nhưng đây là quá trình không thể nào tránh được. Những chế độ
tòan trị như Cuba hay Bắc Hàn sợ rằng mở cửa sẽ là tự sát, họ tìm cách
bế quan tỏa cảng, ban hành đủ thứ quy định kiểu cấm đóan và chỉ trích
hiện đại hóa. Nhưng ngay cả những nước đó cũng không ngăn cản được sự
thẩm thấu một cách từ từ của quá trình hiện đại hóa và nó sẽ gặm nhấm
dần cái gọi là bản sắc văn hóa của họ. Về lí thuyết, một đất nước có thể
giữ được bản sắc của mình, nhưng với điều kiện là họ phải sống trong
tình trạng cô lập hoàn toàn, chấm dứt mọi trao đổi với các dân tộc khác
và thực hiện một nền kinh tế tự cấp tự túc – giống như một vài bộ lạc ở
châu Phi hay những bộ lạc sống trong rừng già Amazon vậy. Bản sắc văn
hóa dưới hình thức như thế sẽ đưa xã hội trở lại với cách sống của thời
tiền sử.
Đúng
là hiện đại hóa làm cho nhiều lối sống truyền thống không thể tồn tại
được. Nhưng đồng thời nó lại mở ra cơ hội và làm cho cả xã hội tiến
những bước quan trọng về phía trước. Đấy là lí do vì sao khi có cơ hội
tự do lựa chọn quần chúng lại ủng hộ hiện đại hóa mà không hề có chút
lưỡng lự nào, đôi khi họ còn phản đối điều mà các nhà lãnh đạo hay những
người nệ cổ ủng hộ.
Những
luận điệu nhằm chống lại toàn cầu hóa và ủng hộ bản sắc văn hóa tiết lộ
cho ta thấy quan niệm tĩnh về văn hóa, một quan niệm không có cơ sở
lịch sử. Nền văn hóa nào đã từng giữ mãi bản sắc và không thay đổi theo
thời gian? Muốn tìm được những nền văn hóa như thế, chúng ta phải thâm
nhập vào những cộng đồng tôn giáo ma thuật nguyên thủy và nhỏ bé, tức là
những cộng đồng sống trong hang hốc, thờ thần sấm và thú dữ; và vì tính
chất nguyên thủy như thế mà họ càng ngày càng dễ bị bóc lột và hủy
diệt. Tất cả những nền văn hóa khác, nhất là những nền văn hóa có quyền
được gọi là hiện đại và sống động đều tiến hóa đến mức mà chúng chỉ còn
là cái bóng mờ của nền văn hóa từng hiện diện cách đây vài ba thế hệ mà
thôi. Sự tiến hóa này thể hiện rõ nhất ở các nước như Pháp, Tây Ban Nha
và Anh, nơi đã diễn ra những thay đổi cực kì ngoạn mục và sâu sắc đến
mức Marcel Proust, Federico García Lorca, hay Virginia Woolf khó mà có
thể coi đây là những xã hội nơi họ đã ra đời – những xã hội mà tác phẩm
của họ đã có đóng góp rất lớn trong việc làm cho chúng thay da đổi thịt.
Khái
niệm “bản sắc văn hóa” là khái niệm nguy hiểm. Từ quan điểm xã hội thì
đấy có thể chỉ là quan niệm nhân tạo và đáng ngờ, nhưng từ viễn cảnh
chính trị thì nó đe dọa ngay thành tựu quí giá nhất của nhân loại: quyền
tự do. Tôi không phủ nhận rằng những người nói cùng một ngôn ngữ, sinh
ra và sống trên cùng một vùng lãnh thổ, phải giải quyết những vấn đề
giống nhau, theo những phong tục và tôn giáo như nhau, có những đặc điểm
như nhau. Nhưng tính chất chung đó không bao giờ có thể xác định được
đầy đủ đặc tính của từng người, nó chỉ xóa bỏ hoặc đẩy tất cả những tính
chất và đặc điểm đơn nhất, tức là những đặc điểm làm người nọ khác biệt
với người kia, xuống hàng thứ yếu mà thôi. Quan niệm bản sắc, khi không
được áp dụng cho từng cá nhân riêng biệt, là một quan niệm đã được đơn
giản hóa và phi nhân tính, nó là sự trừu tượng hóa mang tính ý thức hệ
và tinh thần tập thể của tất cả những gì là độc đáo và sáng tạo trong
mỗi con người, của tất cả những gì không được áp đặt bởi di sản, nơi
sinh hay áp lực xã hội. Mà sự thật là, bản sắc xuất phát từ khả năng của
con người trong việc chống lại những ảnh hưởng đó và phản công lại với
chúng bằng những hành động tự do theo sáng kiến của riêng mình.
Khái
niệm “bản sắc tập thể” là khái niệm hưu cấu mang tính ý thức hệ và là
nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều nhà nhân chủng học và nhân loại
học cho rằng ngay cả các cộng đồng cổ xưa nhất cũng không có bản sắc tập
thể. Những thói quen và phong tục được nhiều người chia sẻ có thể là
những điều tối cần thiết đối với việc bảo vệ cả nhóm người, nhưng sự
cách biệt về khả năng sáng tạo và sáng kiến giữa các cá nhân – điều kiện
để họ tách biệt khỏi nhóm – bao giờ cũng khá lớn, và
khi các cá nhân được thử thách theo những khả năng của riêng họ thì
những khác biệt của từng người sẽ lấn át những đặc tính chung, chứ không
chỉ là những thành tố ngoại vi của tập thể nữa. Toàn cầu hóa mở rộng
một cách căn bản khả năng của tất cả các công dân trên hành tinh này, nó
tạo điều kiện cho họ thông qua những hành động tự nguyện mà tạo dựng
bản sắc văn hóa của riêng mình, phù hợp với sở thích và động cơ thầm kín
của họ. Bây giờ người công dân không phải lúc nào cũng phải - như trong
quá khứ và ở nhiều nơi hiện nay – tôn trọng bản sắc nhưng trên thực tế
là làm cho họ mắc kẹt vào trại tập trung không thể nào thoát ra được –
đấy là bản sắc được áp đặt lên mỗi người thông qua ngôn ngữ, dân tộc,
nhà thờ, thói quen của vùng đất nơi họ ra đời. Theo nghĩa này thì ta
phải hoan nghênh toàn cầu hóa vì nó mở rộng một cách đáng kể chân trời
cho tự do cá nhân.
Hai lịch sử của cùng một lục địa
Châu
Mĩ Latin có thể là thí dụ tốt nhất của những thủ đoạn và sự phi lí của
việc cố tình thiết lập bản sắc tập thể. Cái gì có thể là bản sắc văn hóa
của châu Mĩ Latin? Phải đưa những gì vào cái tập hợp những tín điều,
phong tục, truyền thống, thói quen và những câu chuyện cổ tích để thể
hiện rằng khu vực này có một tính cách duy nhất, không ai có và không
chuyển nhượng được? Lịch sử của chúng ta được trui rèn trong những cuộc
tranh luận trí tuệ - đôi khi quyết liệt – nhằm tìm cho ra đáp án cho câu
hỏi đó. Đáp án nổi bất nhất là đáp án của những người lấy Tây Ban Nha
làm trung tâm[i]
đưa ra trong cuộc đấu trí với những người ủng hộ văn hóa bản địa và có
ảnh hưởng trên khắp lục địa ngay từ những năm đầu thế kỉ XX.
Đối
với những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm như José de la Riva
Agüero, Victor Andrés Belaúnde, và Francisco García Calderón thì Mĩ
Latin hình thành khi – nhờ quá trình phát hiện và chinh phục – nó gặp
ngôn ngữ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chấp nhận Thiên chúa giáo và trở
thành một phần của nền văn minh phương Tây. Những người lấy Tây Ban Nha
làm trung tâm không coi thường những nền văn hóa tiền-Tây Ban Nha, nhưng
họ coi đấy chỉ là một lớp chứ không phải là cốt lõi của hiện thực xã
hội và lịch sử, phải nhờ ảnh hưởng của phương Tây mà nó mới hoàn thiện
được bản chất và tính cách của mình.
Mặt
khác, những người ủng hộ văn hóa bản địa lại cực lực bác bỏ những lợi
ích mà có người cho rằng người châu Âu đã mang tới Mĩ Latin. Theo họ,
bản sắc của chúng ta có nguồn gốc và linh hồn trong nền những nền văn
hóa và văn minh tiền-Tây Ban Nha, quá trình phát triển và hiện đại hóa
của nó đã bị kìm hãm bằng bạo lực và là đối tượng của kiểm duyệt, đàn áp
và đẩy ra ngoài lề không chỉ trong suốt ba thế kỉ thuộc địa mà còn cả
sau này, tức là sau khi có chế độ cộng hòa nữa. Theo những tư tưởng gia
ủng hộ văn hóa bản địa thì “Biểu hiện Mĩ” (tên một tác phẩm của José
Lezama Lima) nằm ở tất cả những biểu hiện mang tính văn hóa – từ ngôn
ngữ bản xứ tới đức tin, nghi lễ, nghệ thuật và tập tục của nhân dân –
nhằm chống lại sự áp chế về mặt văn hóa của phương Tây và còn tồn tại
cho đến ngày nay. Ông Luis E. Valcárcel, một nhà sử học nổi tiếng của
Peru, thậm chí còn khẳng định rằng cần phải đốt bỏ tất cả các nhà thờ,
các nhà tu và tượng đài theo phong cách kiến trúc thuộc địa vì chúng thể
hiện tinh thần “bài-Peru”. Chúng là những kẻ giả hình, là sự phủ nhận
bản sắc nguyên thủy của châu Mĩ, một bản sắc có nguồn gốc hoàn toàn bản
địa. Và ông José María Arguedas, một trong những tiểu thuyết gia độc đáo
nhất của Mĩ Latin đã xây dựng được – trong những câu chuyện cực kì
duyên dáng và đầy tinh thần phản kháng – bản anh hùng ca về tàn tích của
nền văn hóa Cuechua trong dãy núi Andes, mặc dù đã bị phương Tây chẹn
họng và làm cho méo mó đi.
Những
người thân Tây Ban Nha cũng như những người ủng hộ văn hóa bản địa đã
viết được những tác phẩm lịch sử tuyệt vời và những cuốn tiểu thuyết đầy
tinh thần sáng tạo, nhưng nếu xét theo bối cảnh của chúng ta ngày hôm
nay thì cả hai học thuyết này đều là những học thuyết mang tính bè phái,
giản lược và sai lầm. Không bên nào đủ sức nhồi nhét sự đa dạng đang
gia tăng của châu Mĩ Latin vào những khuôn khổ ý thức hệ của họ, và cả
hai bên đều sặc mùi phân biệt chủng tộc. Hiện nay ai còn dám tuyên bố
rằng chỉ có những cái mang “phong cách Tây Ban Nha” hoặc “da đỏ” mới có
quyền đại diện hợp pháp cho Mĩ Latin? Thế mà hiện nay những cố gắng nhằm
trui rèn và phân lập “bản sắc văn hóa” đặc thù của chúng ta vẫn được
tiếp tục thực hiện với lòng nhiệt tình chính trị và tri thức đáng lẽ nên
dành cho những công việc xứng đáng hơn. Tìm cách áp đặt bản sắc văn hóa
cho quần chúng nhân dân cũng chẳng khác gì nhốt họ vào tù và không cho
họ được hưởng một trong những quyền tự do quý giá nhất – đấy là quyền
lựa chọn: họ muốn thành người như thế nào, và bằng cách nào? Châu Mĩ
Latin không có một mà có nhiều bản sắc văn hóa, không có bản sắc nào có
thể tuyên bố là hợp pháp hơn hay trong sạch hơn những bản sắc khác.
Dĩ
nhiên là Mĩ Latin bao hàm trong nó cả thế giới tiền-Tây Ban Nha lẫn các
nền văn hóa của nó, những nền văn hóa đó còn giữ được sức mạnh xã hội
đáng kể ở các nước như Mexico, Guatemala, và các nước vùng Andes. Nhưng
Mĩ Latin c̣n là rất đông người nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với
truyền thống của năm thế kỉ ở sau lưng, sự hiện diện và hành động của họ
có ý nghĩa quyết định trong việc định hình những đặc điểm hiện nay của
châu lục. Và chả lẽ Mĩ Latin không phải là một phần của châu Phi, châu
lục đã đến bến bờ của chúng ta cùng với châu Âu hay sao? Không phải sự
hiện diện của châu Phi đã tạo ra làn da, âm nhạc, khí chất và xã hội của
chúng ta hay sao? Những thành tố mang tính xã hội, sắc tộc và văn hóa
làm nên Mĩ Latin đã liên kết chúng ta với hầu như tất cả các khu vực và
các nền văn hóa trên thế giới. Chúng ta có nhiều bản sắc văn hóa đến nỗi
tưởng như chẳng hề có một bản sắc nào hết. Thực tế đó – trái ngược với
niềm tin của những người dân tộc chủ nghĩa – là tài sản quí báu nhất của
chúng ta. Đấy cũng là phẩm chất tuyệt vời, làm cho chúng ta cảm thấy
mình là những công dân đầy đủ tư cách trong thế giới toàn cầu hóa này.
Giọng điệu địa phương, lan tỏa toàn cầu
Sợ
Mĩ hóa toàn bộ hành tinh là hoang tưởng mang tính ý thức hệ chứ không
phải là thực tế. Dĩ nhiên là không nghi ngờ gì rằng cùng với quá trình
toàn cầu hóa, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ phổ biến trong thời đại
của chúng ta, cũng như tiếng Latin trong thời Trung Cổ vậy. Nó sẽ còn
tiếp tục vươn lên vì đấy là phương tiện không thể thiếu được trong giao
dịch và thông tin quốc tế. Nhưng điều đó có nghĩa là tiếng Anh nhất
thiết sẽ phát triển, sẽ gây thiệt hại cho các ngôn ngữ lớn khác hay
không? Hòan tòan không. Trên thực tế, ngược lại mới đúng. Sự xóa nhòa
các đường biên giới và thế giới ngày càng tương thuộc lẫn nhau hơn đã và
đang khuyến khích các thế hệ trẻ học và đồng hóa với những nền văn hóa
khác, đấy không chỉ là sở thích mà còn là điều cần thiết, vì nói được
vài thứ tiếng và thích ứng một cách dễ dàng trong những nền văn hóa khác
nhau đã trở thành yếu tố quyết định cho sự thăng tiến trong nghề
nghiệp. Hãy xem xét trường hợp tiếng Tây Ban Nha. Nửa thế kỉ trước những
người nói tiếng Tây Ban Nha là cộng đồng hướng nội, chúng ta cho rằng
mình chẳng có mấy cơ hội ở bên ngoài biên giới ngôn ngữ truyền thống.
Hiện nay tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ năng động và có nhiều người dùng,
nó đã chiếm được những thành tựu ban đầu hay thậm chí những vùng đất
rộng lớn trên cả năm châu lục. Sự kiện là có từ hai mươi lăm đến ba mươi
triệu người nói tiếng Tây Ban Nha ở Mĩ là nguyên nhân vì sao hai ứng
viên tổng thống Mĩ gần đây - thống đốc Texas là George W. Bush và phó
tổng thống Al Gore – tiến hành vận động tranh cử không chỉ bằng tiếng
Anh mà còn dùng cả tiếng Tây Ban Nha nữa.
Có
bao nhiêu triệu thanh niên nam nữ trên khắp hòan cầu đã và đang phản
ứng lại những thách thức của tòan cầu hóa bằng cách học tiếng Nhật,
tiếng Đức, tiếng Quan thọai, tiếng Quảng Đông, tiếng Nga hay tiếng Pháp?
May thay, xu hướng này sẽ gia tăng trong những năm sắp tới. Đấy là lí
do vì sao cách bảo vệ tốt nhất nền
văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta là nỗ lực quảng bá chúng trên khắp thế
giới chứ không phải cứ vờ vịt tìm cách làm cho nó miễn nhiễm với sự đe
dọa của tiếng Anh. Những người đưa ra những biện pháp như thế là những
người nói rất nhiều về văn hóa, nhưng đấy là những kẻ dốt nát, họ đang
che dấu ý định thật sự của mình: chủ nghĩa dân tộc. Đấy không phải là họ
đang tranh luận về những xu hướng phổ quát của văn hóa, đấy là những
cách nhìn thiển cận, lầm lẫn, biệt lập, mà những người có quan điểm dân
tộc chủ nghĩa tìm các áp đặt lên đời sống văn hóa. Bài học tuyệt vời
nhất mà văn hóa dạy cho chúng ta là nó không cần những quan chức hay các
chính trị viên bảo vệ, cũng không cần che chắn sau song sắt hay dùng
lực lượng hải quan để cách li nhằm giữ cho nó sống và đơm hoa kết trái;
ngược lại, những cố gắng như thế chỉ làm cho nó khô kiệt hoặc trở thành
tầm thường mà thôi. Văn hóa phải sống một cách tự do, phải thường xuyên
va chạm với những nền văn hóa khác. Điều đó sẽ làm cho nó luôn luôn đổi
mới, luôn luôn tái tạo, làm cho nó tiến hóa và thích ứng với dòng chảy
liên tục của cuộc đời. Ngày xưa tiếng Latin đã không giết chết tiếng Hy
Lạp; ngươc lại, sự độc đáo và chiều sâu trí tuệ của nền văn hóa Hy Lạp
đã thẩm thấu vào nền văn minh La Mã và nhờ nó mà những bản trường ca của
Homer và triết lí của Plato và Aristotle mới vươn ra khắp thế giới.
Tòan cầu hóa không xóa bỏ các nền văn hóa khu vực, trong không gian bao
la của cả hòan vũ, tất cả những gì có giá trị và đáng sống trong những
nền văn hóa khu vực sẽ tìm thấy những mảnh đất màu mỡ để có thể đơm hoa
kết trái.
Điều
đó đã diễn ra trên khắp châu Âu. Đặc biệt đáng ghi nhận là ở Tây Ban
Nha, ở đây những nền văn hóa địa phương đang tái xuất hiện với một sức
mạnh đặc biệt. Dưới chế độ độc tài của tướng Francisco Franco, những nền
văn hóa địa phương bị đàn áp và buộc phải sống trong vòng bí mật. Nhưng
cùng với sự trở về của chế độ cộng hòa, sự đa dạng của nền văn hóa đã
được cởi trói và được tự do phát triển. Ở những khu vực tự trị, văn hóa
địa phương càng phát triển mạnh, đặc biệt là ở Catalonia, Galicia, và xứ
Basque; các khu vực khác ở Tây Ban Nha cũng đều như thế cả. Nhưng dĩ
nhiên là chúng ta không được đánh đồng sự hồi sinh của văn hóa khu vực –
một hiện tượng tích cực và làm cho đời sống ngày càng phong phú thêm –
với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc sẽ tạo ra những mối đe dọa
nghiêm trọng đối với nền văn hóa của tự do.
Trong tác phẩm nổi tiếng: Góp phần định nghĩa văn hóa (Notes Towards the Definition of Culture)
xuất bản năm 1948, T.S. Eliot đã dự đóan rằng trong tương lai, nhân
lọai sẽ được chứng kiến sự phục hưng của những nền văn hóa địa phương và
khu vực. Lúc đó, đấy là một lời tiên đóan quá táo bạo. Nhưng tòan cầu
hóa có vẻ như sẽ làm cho nó trở thành hiện thực trong thế kỉ XXI và
chúng ta nên vui mừng vì chuyện đó. Sự phục sinh của những nền văn hóa
nhỏ bé, mang tính khu vực sẽ trả lại cho nhân lọai sự đa dạng trong cách
thể hiện và hành vi mà cuối thế kỉ XVII và đặc biệt là trong thế kỉ XIX
các quốc gia-dân tộc đã từng hủy bỏ nhằm tạo ra cái gọi là bản sắc văn
hóa. (Sự kiện này đã dễ dàng bị lãng quên hay chúng ta tìm cách lãng
quên vì những ẩn ý mang tính đạo đức sâu sắc của nó). Các nền văn hóa
dân tộc thường được trui rèn trong máu lửa, nó cấm đóan giảng dạy và
xuất bản các tác phẩm viết bằng thổ ngữ hay cấm đóan thực hành các tôn
giáo và tục lệ khác biệt với những tôn giáo và tục lệ được quốc gia-dân
tộc coi là lí tưởng. Bằng cách đó, các quốc gia-dân tộc tại nhiều nước
trên thế giới đã áp đặt nền văn hóa ưu trội lên các nền văn hóa địa
phương, văn hóa địa phương bị đàn áp và bị lọai bỏ khỏi đời sống chính
thức. Nhưng, trái ngược với những cảnh báo của những người sợ tòan cầu
hóa, không dễ gì xóa bỏ một nền văn hóa – dù nó có nhỏ đến đâu – nếu
đằng sau nó là một truyền thống phong phú và có những người thực hành
nó, dù là thực hành một cách bí mật. Và hôm nay, nhờ có sự suy yếu của
quốc gia-dân tộc, chúng ta mới được nhìn thấy sự tái xuất hiện của những
nền văn hóa đã từng bị lãng quên, bị đẩy ra bên lề và vị bóp nghẹt và
thể hiện một đời sống năng động trong sự hài hòa vĩ đại của hành tinh
tòan cầu hóa này.
Mario
Vargas Llosa là tiễu thuyết gia và trí thức nổi tiếng thế giới. Năm
2010 ông được trao giải Nobel văn chương vì “những thành tựu trong việc
mô tả cơ cấu của quyền lực và những hình tượng sắc bén về sự kháng cự,
nổi dậy và thất bại của cá nhân con người”. Ông là tác giả của những
cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: Bữa tiệc của con dê (The Feast of the Goat), Cuộc chiến của ngày tận thế (The War of the End of the World), Cô Julia và người viết kịch bản (Aunt Julia and the Scriptwriter), Cô gái không ra gì (The Bad Girl), Cuộc đời thực của Alejandro Mayta (The Real Life of Alejandro Mayta), và nhiều cuốn khác.
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét