Lê Minh Khải | Hoa Quốc Văn dịch
Sau
khi bị rối trí bởi những vấn đề nhất định ở trang đầu một bài tiểu luận
của Trần Quốc Vượng về văn hoá Việt Nam (xem bài viết gần đây nhất ở dưới), hôm nay tôi đọc hết phần còn lại của tiểu luận này.
Luận
điểm mà Trần Quốc Vượng đưa ra trong tiểu luận này là: các học giả Việt
Nam trong quá khứ (trước thế kỷ XX) đã bị mê đắm văn hoá Trung Hoa đến
mức họ không nhận ra sự khác biệt của văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, theo
Trần Quốc Vượng, ở nửa sau của thế kỷ XX các học giả Mác-xít Việt Nam đã
thành công trong việc đem ra ánh sáng sự thật là các cội rễ của văn hoá
Việt Nam có thể được tìm thấy ở thiên niên kỷ đầu trước Công lịch (nền
văn hoá Đông Sơn), trước khi khu vực Đồng bằng sông Hồng nằm dưới sự
kiểm soát của triều Hán, và nền văn hoá nguyên gốc này tồn tại dai dẳng
trong các làng sau khi giới tinh hoa về sau đã tiếp thu nhiều nhân tố
của văn hoá Trung Hoa.
Rồi Trần Quốc Vượng tiếp tục đưa ra lập
luận riêng của mình rằng nền văn hoá nguyên gốc này có thể được lần
ngược trở lại niên đại còn sớm hơn, đến thời kỳ Đồ đá mới (văn hoá Hoà
Bình và Bắc Sơn). Trong khi đưa ra lập luận này ông dẫn công trình của
các học giả phương Tây khác nhau để chứng minh: 1) rằng thời kỳ Đồ đá
mới là một thời kỳ rất quan trọng và rằng 2) văn hoá chịu ảnh hưởng của
môi trường. Ông làm như thế để đưa ra luận điểm rằng môi trường của Việt
Nam đã tác động đến kiểu văn hoá được tạo ra trong suốt thời kỳ Đồ đá
mới ở nơi ấy, và rằng truyền thống văn hoá này đã tồn tại dai dẳng qua
nhiều thời kỳ, cho đến tận ít nhất là thế kỷ XVIII và XIX.
Tuy nhiên, khi làm như vậy, Trần Quốc Vượng đã diễn giải sai những gì các học giả phương Tây thực sự đã viết.
Khi bàn về tầm quan trọng của thời kỳ Đồ đá mới, Trần Quốc Vượng trích dẫn một đoạn trong cuốn Tristes Tropiques, một công trình nổi tiếng của nhà nhân chủng học người Pháp Claude Lévi-Strauss, như sau:
“Một trong những giai đoạn nhiều sáng
tạo nhất của lịch sử nhân loại xảy ra vào thời đại đá mới với sự phát
minh ra trồng trọt, chăn nuôi,… Muốn đạt đến những thành quả vĩ đại này,
không phải trong chốc lát là được, mà trái lại, những tập thể loài
người bé nhỏ lúc bấy giờ đã phải trải qua hàng mấy nghìn năm quan sát,
thí nghiệm và truyền đạt kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Sự nghiệp
vĩ đại này diễn ra một cách tốt đẹp, liên tục và thành công, [ở một
thời đại mà việc viết lách hầu như chưa được biết đến - LMK].”
Rồi Trần Quốc Vượng khẳng định, mà không
đưa ra bất kỳ chứng nào hay dẫn bất cứ nguồn tư liệu nào để củng cố
tuyên bố của mình, rằng:
“Bất cứ nhà khảo cổ, dân tộc học và sử
học nào cũng biết rằng nếp sống thời đồ đá mới, trên cơ bản, vẫn được
duy trì trong nếp sống nông thôn của nhân loại, thậm chí cho đến mãi thế
kỷ XVIII, XIX.”
Tôi đặt cụm từ “ở một thời đại mà việc viết lách hầu như chưa được biết đến”
ở phần cuối của đoạn trích dẫn công trình Tristes Tropiques nói trên
trong ngoặc vuông khi mà Trần Quốc Vượng không đưa nó vào đoạn trích dẫn
của mình. Tuy nhiên, nó rất quan trọng bởi trong đoạn văn này
Lévi-Strauss đang bàn tới lý thuyết về chữ viết chứ không phải về thời
Đồ đá mới. Điều Lévi-Strauss lập luận là người ta sẽ nghĩ rằng việc sáng
tạo ra chữ viết hẳn đã tạo ra rất nhiều thay đổi bởi vì con người có
thể ghi chép lại nhiều thông tin hơn là trước khi chữ viết được sáng tạo
ra, và một sự thay đổi quan trọng tương tự là việc cuộc Cách mạng Đồ đá
mới xuất hiện trước khi chữ viết được tạo ra.
Vậy là Lévi-Strauss bắt đầu xem xét việc chữ viết quan trọng ở những cách thức nào khác.
Rốt cuộc Lévi-Strauss cho rằng điều thực
sự quan trọng của chữ viết là nó dường như đã xuất hiện trên thế giới
trong mối liên hệ với các thành phố và các đế chế. Ở những hoàn cảnh
này, Lévi-Strauss cho rằng, điều thực sự quan trọng của chữ viết là nó
tạo điều kiện cho sự khai thác con người bình dân.
Dẫn chứng, Lévi-Strauss khẳng định rằng:
“Sự khai thác này tạo ra khả năng tập
hợp hàng nghìn người lao động và đặt cho họ những nhiệm vụ vắt kiệt sức
khoẻ của họ… Nếu giả thiết của tôi là đúng, thì chức năng hàng đầu của
chữ viết, với tư cách một công cụ giao tiếp, là tạo điều kiện cho sự nô
dịch người khác.”
Quan điểm của tôi là Lévi-Strauss viết
về chữ viết, không phải về thời kỳ Đồ đá mới. Vì vậy cuốn sách của ông
không phải là một nguồn [tốt] để trích dẫn về thời Đồ đá mới. Nó là một
công trình để trích dẫn nếu bạn đang nghiên cứu lý thuyết về sự xuất
hiện của chữ viết.
Tuy nhiên, Trần Quốc Vượng đã dẫn công
trình này để lưu ý rằng thời kỳ Đồ đá mới là một trong những thời kỳ
sáng tạo nhất của lịch sử loài người, và sau đó ông đưa ra một tuyên bố
thiếu cơ sở rằng lối sống của thời Đồ đá mới tiếp diễn trong các làng
cho đến tận thế kỷ XIX.
Rồi Trần Quốc Vượng tiếp tục trích dẫn
Marx và Engels cũng theo cách đó. Ông trích dẫn công trình của họ bên
ngoài ngữ cảnh của chúng để đưa ra lập luận của riêng mình, một lập luận
không có liên hệ tới những gì Marx và Engels thực sự đã viết.
Đầu tiên, Trần Quốc Vượng trích dẫn một đoạn trong bộ Tư bản luận
của Marx trong đó Marx bàn về “quá trình sản xuất của xã hội” diễn ra
dưới “quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Ở đây Marx khẳng định rằng
“quá trình sản xuất của xã hội” diễn ra “dưới những quan hệ sản xuất
kinh tế và lịch sử đặc thù” và rằng “tập hợp các quan hệ này, bằng cách
đó những nhánh của sự sản xuất này tồn tại cùng sự tôn trọng với Tự
nhiên và với nhánh khác, và bằng cách đó chúng sản xuất, rõ ràng là xã
hội, được xem xét từ lập trường cấu trúc kinh tế của nó”.
Không thật dễ hiểu, nhưng (trong phạm vi
tôi có thể nói) Marx về cơ bản đang cố gắng giải thích xã hội là sản
phẩm của những quan hệ kinh tế giữa người với người như thế nào.
Sau đó Trần Quốc Vượng trích dẫn một bức thư của Engels trong đó Engels nói rằng:
“Bằng các quan hệ kinh tế, cái mà chúng
ta coi là nền tảng quyết định của lịch sử xã hội, chúng ta hiểu cái cách
mà con người trong một xã hội xác định sản xuất ra những thứ cần thiết
cho đời sống và trao đổi các sản phẩm với nhau (tới một chừng mực mà sự
phân công lao động tồn tại). Hệ quả là toàn bộ kỹ nghệ sản xuất và lưu
thông được bao hàm trong đó… Dưới các quan hệ kinh tế [những cái] được
bao hàm xa hơn, những nền tảng địa lý… và cũng vậy, về mặt tự nhiên, môi
trường bên ngoài bao quanh dạng thức xã hội này”.
Cũng như Marx, ở đây Engels đang nói về
các quan hệ kinh tế, và ông đưa ra quan điểm rằng địa lý đóng một vai
trò nhất định trong các mối quan hệ kinh tế giữa người với người.
Sau khi trích dẫn những bình luận của Marx và Engels về các quan hệ kinh tế, Trần Quốc Vượng khẳng định rằng:
“Vậy thì khi bàn đến những đặc điểm của
văn hoá Việt Nam [!!! - LMK], phải tìm nguồn cội của nó từ thời đại đá
mới, thời đại phát sinh nông nghiệp và làng xóm, phải chú ý đến những
điều kiện nền tảng địa lý và môi trường thiên nhiên đã sản sinh ra những
đặc điểm văn hoá ấy trước khi xét đến những điều kiện lịch sử của dân
tộc đã duy trì và củng cố những đặc điểm văn hoá ấy. Đừng tách rời văn
hoá với thiên nhiên.”
Kết luận mà Trần Quốc Vượng đi đến này
không có liên quan gì với những gì mà Lévi-Strauss, Marx và Engels bàn
đến trong những đoạn văn mà Trần Quốc Vượng trích dẫn. Thay vào đó, Trần
Quốc Vượng chỉ bám vào thực tế là Lévi-Strauss đề cập đến “thời Đồ đá
mới”, Marx đề cập đến “xã hội” và Engels đề cập đến “nền tảng địa lý” để
củng cố ý tưởng thiếu dẫn chứng của ông rằng “văn hoá” Việt Nam (chủ đề
mà không học giả nào ở trên nói đến trong những đoạn trích dẫn) hình
thành trong suốt thời Đồ đá mới và chịu ảnh hưởng của địa lý và môi
trường. Và rồi ông bổ sung vào đó quan điểm riêng của ông – điều “bất cứ
nhà khảo cổ, dân tộc học và sử học nào cũng biết” (và tôi đoán đó là lý
do vì sao không cần phải cung cấp bất cứ dẫn chứng nào để củng cố ý
tưởng này…) rằng lối sống của thời kỳ Đồ đá mới đã được duy trì trong
các làng cho đến tận thế kỷ XIX.
Trên bề mặt, tiểu luận này có vẻ tốt.
Trần Quốc Vượng đã trích dẫn công trình của các học giả phương Tây nổi
tiếng và đưa ra một luận điểm.
Nhưng nếu bạn thực sự nhìn vào cái mà
các học giả ấy viết, rồi so sánh với cái mà Trần Quốc Vượng lập luận,
thì lập luận của ông ấy đã đi quá xa. Nó không được củng cố bằng công
trình của các học giả mà ông trích dẫn. Nó chỉ là một quan điểm do ông
ấy tự dựng lên, mà không có cứ liệu hay luận cứ nghiêm túc nào.
Khi bạn trích dẫn công trình của các học
giả, bạn dẫn chúng vì những ý tưởng mà các học giả ấy đưa ra. Marx và
Engels bàn về các quan hệ kinh tế trong các đoạn văn mà Trần Quốc Vượng
trích dẫn, không phải về vai trò mà địa lý và môi trường có thể (hoặc
không) đóng trong việc định hình văn hoá. Lévi-Strauss viết về ý tưởng
của mình về sự xuất hiện của chữ viết trong đoạn văn mà Trần Quốc Vượng
trích dẫn, ý tưởng đó đến với Lévi-Strauss khi ông áp dụng nghiên cứu
nhân chủng học vào khu vực Nam Mỹ. thời kỳ Đồ đá mới đơn thuần chỉ là
cái mà ông đề cập đến lướt qua trong cuốn sách này. Ông không đưa ra
những quan niệm về thời kỳ Đồ đá mới, mà không phải là một chuyên gia về
thời kỳ Đồ đá mới.
Khi trích dẫn các công trình của các học
giả phương Tây vì những ý tưởng mà các học giả đó không đưa ra, Trần
Quốc Vượng đã tạo ra một bài tiểu luận nhìn thì có vẻ như phải có giá
trị, nhưng thực ra là không.
[Bài tiểu luận tôi đang nói đến được đính kèm ở bài viết trước]
Nguồn: Tiếng Anh, Trần Quốc Vượng and the Citing of Western Scholarship. Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 18oct14.
Bản dịch: Trần Quốc Vượng và việc trích dẫn học thuật phương Tây. Tác giả: Lê Minh Khải. Người dịch: Hoa Quốc Văn. 19Oct14.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét