Khi nền kinh tế đang gặp khó
khăn, những chính trị gia đều tranh luận về những biện pháp nhằm hồi
phục kinh tế, dù đó là tại nước Mỹ hay Trung Quốc. Một trong những biện
pháp được đề cập nhiều nhất là bảo hộ hàng hóa nội địa để tránh thâm hụt
mậu dịch. Đây chính là tư tưởng cốt lõi của Chủ nghĩa Trọng thương,
một học phái kinh tế thời Trung cổ đã bị đào thải vì lỗi thời. Nhưng
ngày nay lại được đưa ra như một biện pháp mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang
dùng để biện minh cho chính sách kinh tế của mình.
Charles L. Hooper
Nhiều người ngày nay không để ý rằng một
số nhà lãnh đạo chính trị và giới truyền thông dòng chính đang tán
tụng những ý tưởng đã bị phủ nhận và đã bị để cho chết hơn hai trăm năm
trước. Cũng giống như trong những phim kinh dị, có những kẻ tuy đã chết
chôn xuống đất rồi mà không chịu nằm yên.
Khi còn đi học môn kinh tế, tôi học được
rằng chủ nghĩa trọng thương đã dành chỗ và thay thế chế độ phong kiến
để trở thành một học thuyết kinh tế thống trị tư tưởng trong thời Trung
Cổ. Chủ nghĩa Trọng thương được định nghĩa như sau: "chủ nghĩa kinh tế
quốc gia nhằm xây dựng một nhà nước giàu mạnh và có quyền lực." Định
nghĩa này được đặt căn bản trên lập luận như thế này: "Một nước càng
giàu, thì nước đó càng mạnh; một nước càng mạnh, thì đời sống của mọi
người trong nước đó đều khá hơn." Mãi cho đến thế kỷ 17, thì giá trị của
chủ nghĩa trọng thương mới bị xét lại một cách nghiêm túc, và Adam Smith là người đã đóng cọc nhọn vào trái tim của chủ nghĩa trọng thương, để cho nó chết luôn, bằng tác phẩm Tài sản của Quốc gia (The
Wealth of Nations), được ấn hành 235 năm trước đây. Có lẽ đa số những
nhà kinh tế đều nắm được quan điểm lịch sử này, nhưng dường như phần còn
lại của thế giới chưa bao giờ nhận được tờ cáo phó của chủ nghĩa trọng
thương. Rủi thay, những ý tưởng cổ lỗ và phản tác dụng của chủ nghĩa
trọng thương vẫn còn đang sống và hoạt động tại nước Mỹ vào thế kỷ 21.
Chủ nghĩa trọng thương gồm một số những ý
tưởng rời rạc, không có hình thái nhất định, nhưng lại quy định những
thành tố của xã hội nên được tổ chức theo cơ cấu nào. Những nhà tư tưởng
trọng thương không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, và khôi hài thay,
có nhiều khi lại phê phán chính cái hệ thống của chủ nghĩa này. Tuy
vậy, ta có thể ghi nhận một vài điểm trọng tâm của chủ nghĩa trọng
thương như sau: Những biện pháp bảo hộ mậu dịch nên được áp dụng để bảo
vệ cho những nhà sản xuất nội địa; xuất cảng nên tăng và nhập cảng nên
giảm; việc làm nên được tăng cường tại thị trường nội địa; và chính sách
tiền tệ nên gia tăng trữ lượng tiền và kim loại quý. Về điểm cuối cùng
này, mặc dù hàng tiêu dùng làm cho phẩm chất của đời sống chúng ta được
gia tăng, những nhà trọng thương lại tin rằng tiền bạc tốt hơn là hàng
hóa, bởi vì có tiền thì lúc nào mua hàng hóa cũng được, trong khi hàng
hóa có thể không bán được hay bị hư hao đi. Thêm nữa, họ còn lý luận
rằng hàng hóa là để tiêu dùng và như vậy là "mất" đi rồi, còn kim loại
quý luôn luôn có giá trị lâu dài.
Chủ nghĩa trọng thương là một lý thuyết
kinh tế nhìn từ quan điểm của những nhà xuất cảng, bảo hộ mậu dịch,
chính trị gia và những kẻ tích trữ tiền tệ, và những kẻ được lợi chính
từ lý thuyết này là những công ty lớn và chính quyền lớn. Một cách cơ
bản, ta càng bán được nhiều hàng hóa ra nước ngoài và đem về càng nhiều
vàng và bạc để cất kỹ trong tù sắt thì càng tốt. Hệ luận của lý thuyết
này như sau: xuất cảng càng nhiều càng tốt, nhập cảng càng nhiều càng
xấu, giá trị đồng tiền giảm là tuyệt và thặng dư mậu dịch là tối ưu.
Không biết là chính họ có nhận thức được
điều này hay không, nhưng vô hình trung, rất nhiều chính trị gia hiện
đại thuộc đủ mọi khuynh hướng, đều theo chủ nghĩa trọng thương. Cứ xem
tin tức trên TV thì thấy những người trong chính quyền và cơ quan truyền
thông đang đưa ra những quan điểm theo phái trọng thương: Giá trị tiền
tệ của những đối tác mậu dịch với chúng ta quá rẻ và thâm hụt mậu dịch
thì quá cao-và hai yếu tố này cùng với nhau đã làm giảm công ăn việc làm
tại nội địa.
Một trong những biện pháp trọng thương
mà một nước như Mỹ có thể áp dụng là làm giảm giá tiền tệ của mình, tức
là cùng một lúc làm cho hàng xuất cảng rẻ hơn và hàng nhập cảng mắc hơn.
Điều này nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng cái nguyên tắc này lại phản tác
dụng. Nếu bạn có tiền đô-la trong túi và tôi có tiền Yen Nhật, bạn có
bực mình không khi thấy tiền đô-la của bạn bị giảm giá trị và so với tôi
thì bạn bị nghèo hơn? Bạn có thể nghĩ xem có ai mà lại đi ăn mừng vì
tài sản của mình bị giảm giá trị không?
Bạn có nhiều đô-la trong số vốn đầu tư
của mình hơn tiền yen hay nhân-dân-tệ, hay đồng Euro không? Tôi có. Bạn
có muốn số vốn đầu tư của bạn tăng thêm giá trị không? Tôi muốn. Thế thì
tại sao bạn lại muốn cho đồng đô Mỹ bị giảm giá?
Dù tôi chẳng có ác cảm gì với vàng hay
bạc (mỗi thứ tôi có một ít), quý kim chỉ là vật giữ giá trị-một phương
tiện cho một mục đích nào đó-chứ tự nó không phải là mục đích. Tôi hy
vọng là sẽ dùng vàng hay bạc của tôi (và cả đô-la, yen, nhân-dân-tệ và
Euro) để một ngày nào đó mua thêm một căn nhà, một cái xe, trả học phí
để học thêm, và đi nghỉ mát nhiều hơn. Đó chính là hàng hóa và dịch
vụ-chứ không phải là cái giá trị lưu trữ trong quý kim hay tiền bạc mà
tôi dùng để mua hàng hóa hay dịch vụ, tức là những điều làm cho đời sống
của tôi được cải thiện và phong phú hơn. Chỉ cố chú trọng vào tích trữ
tiền tệ và qua đó làm trở ngại cho tiến trình vận hành của thị trường,
những biện pháp trọng thương khiến cho tôi càng ngày càng khó mua được
những hàng hóa và dịch vụ mà tôi muốn.
Những biện pháp trọng thương khác mà
chính quyền Mỹ có thể áp dụng gồm có giới hạn nhập cảng và đánh thuế
hàng nhập cảng; biện pháp này được nhiều chính khách và nhà bình luận
thuộc đủ mọi khuynh hướng thảo luận và thường xuyên vận động. Khi thực
hiện những biện pháp này, với cái mục đích được cho là để giúp cho người dân Mỹ, chính quyền Mỹ đã khiến cho người dân phải mua hàng hóa mắc hơn và khó kiếm hơn.
Bây giờ hãy thảo luận về sự thâm hụt mậu
dịch, [một tình trạng] vẫn bị xem là điều xấu xa, xem như thế nào. Nếu
tôi mua một cái xe Toyota làm tại Nhật thì điều gì xảy ra? Đơn giản lắm.
Tôi có một cái xe tốt và một công ty của Nhật có thêm tiền và dùng số
tiền này để trả cho những nhà cung cấp vật liệu, cho nhân viên và cho cổ
đông (trong số cổ đông này có tôi). Những người được trả tiền này sẽ
làm gì nếu họ không sử dụng để mua hàng hóa Mỹ? Chỉ có năm trường hợp:
mua tài sản của Mỹ gồm có cổ phiếu, trái phiếu và đất đai; đầu tư trực
tiếp vào nước Mỹ qua việc xây dựng hãng xưởng, v.v.; mua những dịch vụ
của Mỹ; buôn bán đồng đô-la trên thị trường tiền tệ; hay là cất trong tủ
sắt.
Khi mua những tài sản hay dịch vụ của
Mỹ, người mua sẽ giúp cho người Mỹ và những công ty Mỹ giàu có hơn. Vì
chung cục, trong bất kỳ giao dịch nào, cả hai bên đều phải có lợi, chứ
nếu không thì chẳng có ai tham gia giao dịch. Đầu tư trực tiếp vào hãng
xưởng và dụng cụ sẽ làm gia tăng hiệu suất sản xuất và qua đó giúp cho
đồng lương công nhân Mỹ tăng. Còn nếu những người ngoại quốc giữ đô-la
mà không làm gì cả, thì người Mỹ chúng ta có được những chiếc xe có giá
trị, còn họ thì chỉ giữ được những miếng giấy rẻ tiền mà chính phủ Mỹ có
thể in ra rất nhiều. Còn nếu họ đổi tiền trên thị trường tiền tệ quốc
tế, thì những đối tác của họ cũng có cùng những quyết định quan trọng
như đầu tư/mua sản phẩm/mua dịch vụ/giữ tiền như họ vậy.
Trong trường hợp xấu nhất, đồng đô Mỹ quay trở lại để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản của Mỹ. Trường hợp tốt nhất
là người ta giữ luôn đồng đô-la và ta có được những hàng hóa hữu ích
hầu như được miễn phí. Thâm hụt mậu dịch phản ảnh trường hợp tốt nhất,
trong khi thặng dư mậu dịch là trường hợp tệ nhất-nhưng vẫn còn là tốt.
Những người theo phái trọng thương ủng
hộ lập luận xây dựng một nước mạnh với một lực lượng quân sự hùng mạnh.
Vì sự nhập cảng những hàng hóa công nghiệp cuả nước ngoài, một số e ngại
là khả năng sản xuất công nghiệp của Mỹ sẽ bị teo tóp lại, và vì vậy
những kẻ diều hâu (đa số theo phái trọng thương) đưa ra đề nghị nhằm chú
trọng vào việc giữ sức mạnh sản xuất công nghiệp nội địa hơn là những
lãnh vực khác của kinh tế. Họ đặt vấn đề, "Nếu chiến tranh xảy ra, thì
ta sẽ làm gì nếu không còn khả năng sản xuất súng đạn và chiến xa?" Giải
pháp đơn giản nhất, dĩ nhiên, là đừng đánh nhau. (Lịch sử cho thấy điều
này khó xảy ra). Lực lượng quân sự của Mỹ luôn luôn dựa vào sức mạnh
của vũ khí và mức sản xuất công nghiệp của Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì
trong tình trạng lớn mạnh. Đúng là nền sản xuất công nghiệp của Mỹ đã sa
thải bảy triệu nhân công từ cuối thập niên 1970, nhưng công nhân Mỹ
ngày nay sản xuất nhiều hơn những công nhân thời 1970 tới ba lần. Nền
sản xuất công nghiệp của Mỹ đã đạt tới năng suất kỷ lục vào năm 2007,
trước khi bị suy thoái kinh tế, và cùng với Trung Hoa là hai nền kinh tế
lớn nhất thế giới. Hãy xem con số sau đây, nếu bộ phận sản xuất công
nghiệp của Mỹ là một nền kinh tế tách riêng ra, thì nó sẽ nằm giữa hai
nền kinh tế của Anh và Pháp, thuộc vào hàng những nền kinh tế đứng hàng
thứ sáu trên thế giới, với mức sản phẩm hàng năm là $2.155 ngàn tỷ đô-la
(trillion).
Con số lớn lao này đủ chứng minh là ta không cần phải lo ngại thái quá.
Những người theo phái trọng thương hiện
đại cho rằng người tiêu thụ tại Mỹ nên chịu gía hàng hóa cao hơn do thuế
khóa đánh vào hàng nhập cảng, những quy định giới hạn hàng nhập cảng,
và giảm giá trị tiền tệ để yểm trợ và bảo vệ những nhà sản xuất công
nghiệp của Mỹ, những người sẽ thuê mướn nhân công, xuất cảng hàng hóa,
và đem về tiền mặt. Còn những
nhà kinh tế hiện đại trả lời rằng đó
là cách khiến cho một nước nghèo hơn chứ không giàu có hơn được. Mậu
dịch làm lợi cho cả hai bên, dù hai bên có ở đâu đi chăng nữa, như ở
ngay bên nước Tàu, hay ở Phố Tàu tại San Francisco. Cách thức để làm cho
một nước giàu mạnh là giữ đồng tiền ổn định và để cho mậu dịch nội địa
cũng như quốc tế được phát triển. Làm như vậy thì những cá nhân và những
địa phương cá biệt có điều kiện để chuyên môn hóa [ngành nghề] và khám
phá ra lợi thế tương đối của chính mình-tức là lãnh vực sản xuất mà ta
có năng suất cao nhất và phương thức sản xuất hữu hiệu nhất để làm ra
những hàng hóa mà người khác muốn mua. Khi tìm ra được lợi thế tương đối
và sản xuất theo hướng này,
thì cùng với một số lượng chi vào cho
sản xuất, ta thu lại được sản phẩm và số lượng có giá trị cao nhất, và
nhờ thế mà quốc gia, nói chung, trở nên giàu có hơn.
Như Adam Smith đã nêu ra:
"Đây là một định luật cho tất cả những người trưởng gia đình khôn
ngoan, là không bao tìm cách tự làm ra những gì tại nhà, mà lại mắc hơn
nếu đi mua [ở ngoài tiệm.]...Nếu một nước ngoài có thể cung cấp cho ta
một món hàng rẻ hơn giá thành do ta tự làm lấy, thì tốt hơn là mua của
họ, bằng một số lượng nào đó của nền kỹ nghệ của ta mà ta có lợi thế hơn
họ."
Bảo hộ kỹ nghệ nội địa cũng có sức hấp
dẫn [đối với một số người]. Bằng cách ngăn không cho hàng hóa ngoại quốc
cạnh tranh với hàng quốc nội, ta có thể giữ được việc làm cho người Mỹ
và giúp cho những công ty đang gặp khó khăn có chỗ nương tựa khi cần,
cho đến khi họ trở nên mạnh mẽ trở lại. Rủi thay, thực tế của chính sách
bảo hộ có nhiều điều tệ hại và xấu xa mà nhiều người không để ý tới.
Trước hết là nỗ lực vận động Quốc hội đưa ra chính sách bảo hộ mậu dịch,
thay vì phải đưa ra những quyết định khó khăn về mậu dịch quốc tế. Thứ
hai là phí tổn trực tiếp của sự bảo hộ việc làm cho nhân công. Thí dụ để
giữ lại 226 công việc sản xuất va-li cho công ty của Mỹ, người tiêu
dùng tại Mỹ phải trả thêm một số tiền hàng năm là $290 triệu đô-la cho
tiền mua va-li hàng năm. Tính đổ đồng thì phí tổn để giữ lại một công
việc làm va-li lên tới $1.2 triệu đô-la. (Chẳng có ai, nhất là đối với
người tiêu dùng Mỹ, lại có thể lập luận là những công việc này đáng giá
tới chừng đó.) Thứ ba những kỹ nghệ sử dụng sản phẩm thuê nhiều công nhân hơn những kỹ nghệ sản xuất ra những sản phẩm
được bảo hộ. Thí dụ, công nhân trong những kỹ nghệ sử dụng thép [để làm
xe hơi chẳng hạn] đông hơn số công nhân trong kỹ nghệ chế tạo thép gấp
57 lần. Làm cho giá thép mắc hơn sẽ gây thiệt hại cho 57 công nhân dùng
thép mà chỉ giúp được cho một công nhân chế tạo thép, và thêm vào đó là
tất cả mọi người tiêu dụng đều bị thiệt hại.
Câu hỏi tại sao người tiêu dùng bị buộc
phải hỗ trợ người sản xuất, và tại sao không buộc người sản xuất bán
hàng cho người dùng với giá rẻ là một câu hỏi đáng cho ta suy nghĩ. Cả
hai câu hỏi này đều chẳng có nghĩa lý gì. Thực ra, hầu như chúng ta ai
cũng đã biết đến trường hợp về một người bạn ("người mua") mua một cái
xe của một người bạn khác ("người sản xuất") với hy vọng nhờ vào tình
bạn mà mua được cái xe với giá rẻ hơn.
Những chính sách kinh tế của phái trọng
thương làm cho nước ta và chúng ta nghèo đi, chứ không giàu lên được.
Nhưng ta sẽ không bao giờ biết được điều này khi nghe những phát biểu
của chính trị gia hay đọc trên báo chí. Adam Smith cho rằng hệ thống
kinh tế trọng thương là một âm mưu vĩ đại giữa những nhà sản xuất công
nghiệp và thương nhân chống lại người tiêu thụ, và năm 1776, Smith đã
viết, "Không có điều gì có thể ngớ ngẩn hơn là toàn bộ cái lý thuyết
quân bình mậu dịch." Tương tự như vậy, kinh tế gia Henry George đã nêu
ra, "Điều mà bảo hộ mậu dịch dạy cho ta là tự gây ra cho mình trong thời
bình những thiệt hại mà kẻ thù gây ra cho ta trong thời chiến." Bảo hộ
mậu dịch chưa bao giờ là một chính sách tốt và sẽ chẳng bao giờ làm cho
nước Mỹ mạnh mẽ. Chẳng phải bây giờ là lúc ta nên dẹp đi luôn những ý
tưởng đã lỗi thời và lắng nghe những nhận định sâu sắc của những bậc
thầy về kinh tế hiện đại?
S.T
Posted in: Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét