Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Đi tắt đón đầu để Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hoá đất nước


Với phương thức này, 15 năm cho việc thực thi mục tiêu Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hoá đất nước có khả năng thành hiện thực.
Mặc dù tăng trưởng cao trong những năm qua nhưng nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp và xuất khẩu những sản phẩm thô. Việt Nam không thể dựa vào lợi thế giá nhân công rẻ và tài nguyên thiên nhiên để đưa nền kinh tế đất nước khỏi cảnh tụt hậu; xu hướng phát triển kinh tế ngày nay phải đặt cơ sở trên nền kinh tế tri thức.
Chính phủ đặt ra mục tiêu là Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hoá đất nước sẽ được hoàn tất vào năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Tính khả thi của mục tiêu? Những yếu tố dẫn đến thành công ?...
Thưc tiễn từ những nước phát triển cho thấy cần một nền tảng khoa học kỹ thuật vững chắc làm tiền đề cho mọi sự phát triển của các nghành công nghiệp.
Trong đó, những nhân tố chủ yếu để xây dựng nền khoa học tiến bộ là :
(1) Môi trường chính trị, xã hội hòa bình, ổn định.
(2) Các chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng, gắn kết ( có cơ sở khoa học và thực tiễn ).
(3) Luật pháp rõ ràng., đầy đủ bảo đảm cho một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
(4) Hệ thống tài chính thích hợp, linh hoạt và năng động.
Đi tắt đón đầu
Khởi đầu bằng việc thu thập công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng, từng bước nâng cao và kết hợp với nền khoa học kỷ thuật trong nước nhằm phát huy triệt để hiệu quả kinh tế mang lại từ khoa học kỷ thuật. Từ sản xuất, lắp ráp, từng bước phát triển qua tiến trình cải cách, canh tân, và phát triển nền công nghệ kỹ thuật cao - phương thức này sẽ gặp rất nhiều khó khăn lúc ban đầu nhưng sẽ rút ngắn thời gian cần thiết một cách rõ rệt trong việc xây dựng một nền công nghệ tân tiến – mà thường phải cần cả 30 năm để hoàn thành.
Trong thực trạng nước ta hiện nay, vấn đề cấp bách phải nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thương trường trong nước và cả trên thế giới, hơn nữa rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tự phát triển sản phẩm mang tính kỹ thuật công nghệ cao. Bằng cách lựa chọn để nhập khẩu các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ứng dụng, và nhanh chóng cho ra đời những sản phẩm có trình độ công nghệ và chất lượng cao, từ đó từng bước nâng cao, nội địa hóa từng phần sản phẩm bằng sự thông minh và trình độ khoa học công nghệ của con người Việt Nam.
Có công nghệ tiên tiến, sản phẩm của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao nếu phát huy các tính ưu việt sẵn có của nước ta về giá nhân công còn thấp và sử dụng các tài nguyên sẵn có của mình. 15 năm cho việc thực thi mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước có khả năng hiện thực với phương thức này
Trong giai đoạn vừa qua, để giải quyết công ăn việc làm, tận dụng thế mạnh về tiềm năng nhân lực, chúng ta đã chọn các ngành công nghiệp thực phẩm ( gạo, cà phê, thủy sản…), các ngành công nghiệp nhẹ tiêu dùng ( giầy da, dệt may, đồ gỗ, sành sứ, giấy…). Những ngành này thực tế không có hiệu quả kinh tế cao, nhưng là phù hợp với hoàn cảnh và tiềm lực nước ta trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp. Những ngành công nghiệp này trước tiên đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm đời sống nhân dân và ổn định tình hình xã hội.
Vấn đề là từ nay tới năm 2020, song song việc duy trì phát triển bền vững các ngành nghề đã đạt được, để phát triển nhanh hơn, đạt được mục tiêu hiện đại và Công Nghiệp Hóa với GDP trên đầu người đạt trên 5000 USD, chúng ta cần lựa chọn các ngành công nghiệp nào cho phù hợp và phải tiến hành phát triển ra sao ?
Mục tiêu ngắn hạn
Vai trò của chính phủ là tạo môi trường để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đường lối và chính sách cuả chính phủ nên cải thiện nhằm từng bước phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn vướng mắc, và khắc phục sự khiếm khuyết của thị trường phát sinh từ mọi khía cạnh. Chính phủ cần phân tích, xem xét, giám sát đồng thời đảm bảo sự nhất quán của những chính sách liên quan. Tạo lập sách lược nhằm khuyến khích và hổ trợ trong việc canh tân, cải tiến các hoạt động về mọi mặt.
Doanh nghiệp có đầu tư vốn nước ngoài ( FDI )
Doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài ( FDI ) là nhân tố quan trọng trong việc khai mở thị trường xuất khẩu. Mặt khác, FDI còn giúp huấn luyện những chuyên viên kỹ thuật, đội ngũ quản lý trong việc nâng cao kỹ năng và bí quyết thành công trên thương trường. Việt Nam cần cải tổ các chính sách như: tài chính, mậu dịch, tiền tệ, hệ thống thuế má, ngân hàng là những trọng điểm đáng chú ý để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài nhằm kích thích và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu hơn nữa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia từ việc phát triển kinh tế đến phổ cập, ứng dụng khoa học công nghệ, và tạo công việc làm mới. Các doanh nghiệp này có vốn đầu tư vừa tầm phổ cập của đa số doanh nhân, là đầu mối để phát triển các ngành kinh tế phục vụ dân sinh, thường là các doanh nghiệp vệ tinh, dịch vụ, sản xuất chi tiết, phụ tùng cho các tập đoàn công nghiệp. Do tính phổ cập rộng rãi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo được rất nhiều công việc làm mới.
Chính phủ hiện nay đã có những chính sách thông thoáng cho sự ra đời, phát triển những doanh nghiệp này, tuy nhiên trong bước đột phá sắp tới Chính phủ cần có những chương trình đặc biệt khuyến khích và hổ trợ hơn nữa, đánh giá cao hơn tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Chính phủ cần có những chương trình hỗ trợ nhập khẩu và ứng dụng khoa học công nghệ rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp này về đất đai, vay vốn và ưu đãi về thuế cho những ngành then chốt hoặc sử dụng nhiều lao động.
Các doanh nghiệp quốc doanh
Trong điều kiện trước mắt Chính phủ vẫn cần duy trì tỷ lệ thích hợp những doanh nghiệp này, và nhất là những ngành kinh tế then chốt, các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Để nâng cao tính cạnh tranh của những đơn vị kinh tế này, việc trước tiên là cần đẩy mạnh cải tiến và tăng tính hiệu quả trên cơ sở vật chất hiện có. Những đơn vị kinh tế không có khả năng cạnh tranh cần loại bỏ, sát nhập, hoặc thanh lý.
Hành động quyết liệt này của chính phủ sẽ là sức ép bắt buộc những doanh nghiệp quốc doanh muốn tồn tại phải tự cải tạo mình, tăng cường sự cạnh tranh sống còn của các doanh nghiệp. Một khi Việt Nam tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới ( WTO ) những thành phần kinh tế quốc doanh sẽ khó nhận được sự bảo hộ bởi chính phủ và sẽ phải tự cạnh tranh để sinh tồn.
Cải cách ngành Khoa học công nghệ
Hệ thống các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay của nước ta quá cồng kềnh, ít hiệu quả, và đặc biệt không gắn liền với nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế. Chính phủ cần có các hành động cải cách mạnh mẽ về tổ chức, cung cách làm việc của ngành khoa học công nghệ , có những chính sách hợp lý nhằm phát huy tiềm năng của hàng ngũ tri thức.
Để quản lý và đưa ra được các ý kiến tư vấn về khoa học công nghệ của các Bộ, Ngành, Nhà nước cần thiết lập lại Ủy Ban Quản lý khoa học công nghệ Nhà nước, thay vì Bộ khoa học công nghệ hiện nay ( chỉ nằm ngang hàng với các Bộ, Ngành khác ). Ủy ban Quản lý khoa học công nghệ Nhà nước là cơ quan quản lý tổng hợp khoa học công nghệ của các Bộ, Ngành, do đó sẽ đưa ra được các tư vấn về các chương trình khoa học công nghệ Quốc gia trọng điểm, sát thực với yêu cầu của thực tế phát triển của các Ngành kinh tế khác nhau.
Để giúp Ủy Ban thực hiện các chương trình trọng điểm, trước khi mở rộng vào các lĩnh vực sản xuất của các Bộ, Ngành, dưới Ủy Ban cần có một Tổng công ty ( hoặc Liên hiệp ) Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ Quốc gia, thay vì Viện khoa học công nghệ Quốc gia hiện nay. Tổng công ty được tập trung nguồn ngân sách và viện trợ để đầu tư con người và trang thiết bị đầy đủ cho các Ngành khoa học công nghệ trọng điểm Quốc gia. Các cơ sở này ngoài chức năng thực hiện hoặc tổ chức thực hiện các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm Quốc gia .( theo đơn đặt hàng của Ủy Ban Quản Lý khoa học công nghệ Nhà Nước), còn đóng vai trò là một chợ khoa học công nghệ và các giải pháp, phục vụ trực tiếp cho mọi thành phần kinh tế quốc dân có nhu cầu.
Ở đây, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước đều có thể tìm được các giải pháp khoa học công nghệ cho sự nghiệp sản xuất kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên thiết lập các cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khoa học công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, vật tư, nuôi dưỡng hệ thống phát triển khoa học công nghệ nhằm khuyến khích, hổ trợ, và từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế. Có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm mục đích phát triển khoa học ứng dụng một cách hiệu quả.
Cải cách ngành Giáo dục và Đào tạo
Để cung cấp nhân lực đầy đủ và có chất lượng cho công cuộc phát triển kinh tế nói chung và cho các ngành công nghiệp nói riêng, ngành Giáo Dục và Đào Tạo không phải chỉ theo kịp mà phải đi trước một bước để đáp ứng các đòi hỏi cấp bách của thực tế sản xuất.
Hiện trạng Giáo Dục và Đào Tạo hiện nay quá dàn trải, chi phí chiếm tỷ lệ GDP quá cao so với các nước cùng hoàn cảnh mà chất lượng đào tạo không theo kịp yêu cầu phát triển của sản xuất. Ngay cả trong các nước khu vực như Thái Lan, Philipine, Malaysia đều có các Trường Đại học được công nhận đạt đẳng cấp châu Á…
Để tập trung được nguồn lực tài chính và đầu tư ngân sách của Nhà nước, phát huy hợp lý đóng góp của xã hội và thực hiện được mục tiêu hội nhập với trình độ thế giới, ngành Giáo Dục và Đào Tạo chuyên gia phải phân ra rõ rệt 3 thể loại trường Đại học và Dạy nghề khác nhau. Đối với mỗi loại đều quy định mục tiêu đào tạo rõ ràng, có giáo trình thích hợp và có các địa chỉ bảo đảm đầu vào và đầu ra, không đào tạo lãng phí. Những phương án cụ thể như sau :
1. Các Trường Đại học Tổng hợp có đẳng cấp Quốc tế hoặc khu vực:
Số lượng : Tối đa chỉ cần 1 trường Đại Học Tổng hợp Quốc gia và 1 trường Đại Học Tổng hợp Quốc tế.
Nhiệm vụ : Chỉ đào tạo các chuyên gia chiến lược, các nhà khoa học tự nhiên, xã hội và công nghệ chuyên sâu, trọng điểm Quốc gia ( có thể sẽ thay đổi cho phù hợp theo từng thời kỳ ).
Chế độ : Nhà nước tập trung kinh phí, ngân sách và tài trợ từ bên ngoài.
Giáo viên và giáo trình : Xây dựng từ các giáo trình 20 đại học hàng đầu Thế giới. Giảng viên: thuê Giáo Sư nước ngoài, Giáo Sư Việt kiều tự nguyện, Giáo Sư trong nước đủ tiêu chuẩn.
Đầu vào : Các thí sinh đậu đầu bảng trong kỳ thi tuyển sinh năm đó và Các Sinh viên xuất sắc học xong năm thứ nhất của các trường loại phía dưới. Thi tuyển theo phỏng vấn của các giáo sư đầu ngành.
Đầu ra : Nhà nước bảo đảm các địa chỉ sử dụng cho các chuyên gia và các Nhà khoa học đạt trình độ xuất sắc. Thị trường và doanh nghiệp sử dụng phần còn lại.
2. Các trường Đại học chuyên nghiệp và dạy nghề do các Bộ, Ngành quản lý chuyên môn, đào tạo và cấp kinh phí chủ yếu.
Số lượng : Giới hạn mỗi bộ hoặc ngành không quá 1 trường Đại học và 2 trường dạy nghề. Bộ Đại học và Giáo Dục chỉ quản lý tình hình, thống kê tổng hợp, tư vấn cho Nhà nước các chỉ đạo và can thiệp cần thiết theo Luật Giáo dục.
Kinh phí : Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí và nghiệp vụ theo khả năng thực tế. Tìm tài trợ từ bên ngoài. Đóng góp của các Đơn vị sử dụng nhân lực ( đào tạo theo địa chỉ ).
Giảng viên : Do các Bộ chuyên ngành quản lý: Thuê Giáo Sư quốc tế, Giáo Sư Việt kiều tự nguyện, Giáo Sư trong nước đúng chuyên môn, kinh nghiệm và nghề nghiệp.
Giáo trình : Xây dựng từ giáo trình các trường chuyên nghiệp Top 20 hàng đầu Thế giới, cộng điều chỉnh theo yêu cầu thực tế trong nước của các Ngành.
Đầu vào : Thi tuyển theo chuẩn của Luật Giáo Dục.
Đầu ra : Bộ, ngành bảo đảm sử dụng các Sinh Viên tốt nghiệp từ khá trở lên. Phần còn lại thị trường và các doanh nghiệp đảm nhận.
3. Các trường Đại học và dạy nghề chuyên nghiệp cổ phần Dân lập ( nội địa và Quốc tế ).
Số lượng : Mỗi ngành không quá 3 trường đại học, và 3 trường dạy nghề, phân 3 khu vực địa lý Bắc, Trung, Nam.
Đầu vào : tuyển sinh theo chuẩn của Luật Giáo Dục, Bộ Đại học và Giáo Dục chỉ quản lý tình hình, thống kê, tư vấn Nhà nước can thiệp theo luật Giáo Dục.
Giáo viên : Do các trường thuê và tuyển lựa ngoài nước, trong nước, đủ tiêu chuẩn quy định trong Luật giáo dục.
Giáo trình : lấy từ top 20 các trường chuyên nghiệp Quốc Tế. Đầu vào tuyển sinh theo chuẩn Luật Giáo Dục .
Kinh phí : Do Học viên trả học phí. Các tài trợ của các ngành, tổ chức quốc tế hoặc nhà nước chỉ cấp học bổng cho học sinh giỏi hoặc học sinh nghèo từ khá trở lên.
Đầu ra : Cung cấp cho thị trường trong nước hoặc xuất khẩu Lao Động.
Như vậy,chúng ta phải có Luật Giáo Dục và Đào Tạo đủ chi tiết về các quy định chuẩn mực cho hoạt động Giáo Dục và Đào Tạo, liên quan đến các thể loại đào tạo nêu trên.
Tương tự tổ chức cấp trung học phổ thông cũng phải đáp ứng, bảo đảm sự liên thông mềm mại giữa các cấp học.
Nếu không có sự cải cách mạnh mẽ, kịp thời của ngành Giáo Dục và Đào Tạo, với hiện trạng hôm nay của Giáo Dục và Đào Tạo sẽ là mối nguy cơ lớn cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và kinh tế trong tương lai.
Lời kết :
Cơ hội luôn gắn liền với thử thách. Vận mạng nước Việt trong tay người Việt. Sứ mạng chấn hưng Tổ quốc trong tay của thế hệ ngày nay, chỉ còn cách nắm bắt vận hội, vượt qua thử thách, và cùng nhau hướng đến tương lai.
Phạm Đức
Giám đốc điều hành Công ty Advanced Science Inc - Hoa Kỳ
Cử nhân tại Cal Poly, San Luis Obispo, cao học tại San Jose State University, tiến sĩ tại Santa Clara University.
Chuyên tư vấn về sách lược đầu tư cho các công ty , chính phủ các nước và các tập đoàn trong việc nghiên cứu thị trường và chiến lược kinh tế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét