Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012
NHỮNG KHOẢNG TRỐNG TRONG PHÊ BÌNH MỸ THUẬT (*)
15:00
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phê bình ở ta, [không riêng gì địa hạt mỹ thuật; và không riêng gì cộng đồng người Việt ở trong nước] nói chung còn khá manh mún, chưa định hình và chưa khẳng định được tính chất định vị của mình. Nó còn đang dùng dằng giữa ký sự báo chí-chuyện kiếm sống với sự nhận diện, định hướng vấn đề - hiện tượng - trào lưu và giá trị tác phẩm… Chính vì thế, mà chúng tôi thực hiện một trao đổi có tính chất báo chí với cây bút phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, anh là một trong số ít cây bút còn băn khoăn với “chuyện dài mỹ thuật Việt Nam”.
Phê bình nói chung còn khá manh mún ở Việt Nam, những khoảng trống thì vô cùng, theo anh, những gì cần nhận diện và điều chỉnh, khắc phục trước tiên?
Cần phải trang bị kiến thức cho người đọc phê bình. Và cần phải tạo môi trường rèn giũa năng lực cũng như điều kiện thể hiện tốt hơn cho phê bình. Về những vấn đề này, nơi này nơi kia, tôi đã viết nhiều lần. Đại khái: Đừng hy vọng phê bình sẽ làm cho công chúng yêu thích và hiểu biết về mỹ thuật hơn, nếu như còn tiếp tục bỏ qua việc phổ cập kiến thức về mỹ thuật-về nghệ thuật nói chung-cho mọi người dân; đừng hy vọng giới sáng tác và cả giới phê bình mỹ thuật sẽ đổi mới thực sự-trở nên chuyên nghiệp và bản lĩnh hơn ở tư cách con người tự do sáng tạo-nếu như cả nền văn hóa mỹ thuật vẫn còn dị ứng hay bất cập trước các vấn đề lý thuyết, vẫn còn “đóng cửa” không chịu cập nhật các lý thuyết nghệ thuật mới và cả cơ sở học thuật liên quan của nhân loại ngày nay…
"Sẽ không có gì nếu không có phê bình", có phải vì phê bình “thích gây ra chuyện” hay chính phê bình sẽ giúp định vị được vấn đề? Phê bình là quan trọng, tại sao thế?
Tôi từng nghe không ít họa sĩ nói: “Họa sĩ mà nằm im thì phê bình cũng tê liệt”. Suy nghĩ này hết sức phổ biến. Đa số cho rằng, phải có tác giả, có tác phẩm rồi mới có phê bình-phê bình là cái đi sau, thậm chí là cái “ăn theo”. Thực ra suy nghĩ như vậy là đã rất lạc hậu. Đã trở thành sai lầm. Đừng quên: tại sao có họa sĩ? tại sao có họa sĩ kiểu này mà không phải là họa sĩ kiểu kia? tại sao họa sĩ không “động đậy” mà lại “nằm im” v.v… đã là những vấn đề của phê bình. Sự tiếp cận này dẫn đến phê bình lý thuyết, phê bình học thuật, phê bình văn hóa. Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” với đủ thứ khuynh hướng, đủ thứ phong cách-nội sinh và ngoại nhập-như hiện nay thì sự tiếp cần phê bình này càng trở nên cần thiết. Ngay trong câu hỏi, anh có đề cập đến vấn đề “định vị”. Cần phải lưu ý: “định vị” là định vị trên hệ qui chiếu nào? Có phải trong nghệ thuật, chỉ có duy nhất một hệ qui chiếu hay không, và hệ qui chiếu đó là có giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu? Nó được xây dựng trên các nền tảng của ý thức hay thuần tuý bởi đức tin? v.v… Tất cả những câu hỏi này đã, đang và sẽ còn tiếp tục được mở rộng, được đào sâu. Và tất cả đều là đối tượng của phê bình.
Theo anh, mỹ thuật và phê bình mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?
Nhận định khái quát về mỹ thuật Việt Nam, nhà thơ Phan Đan có lần nói: “Mỹ thuật Việt Nam, đơn giản, chỉ là một đứa bé suy dinh dưỡng…!”. Tôi đồng tình với nhận định đó.
Nhiều người nói Nguyên Hưng “múa bút” được là do không có ai, do cảnh vườn không nhà trống, do “thông minh vặt”? Rồi cũng có ý kiến cho rằng các nhà phê bình đang khá “tư tình”, đang không thật với những nhận định của mình, nói nôm na không đặt vấn đề vào đúng chỗ nó cần? Có quá khắt khe chăng?
Bao nhiêu nhà phê bình đi đâu hết rồi? Đây là câu hỏi cần phải đặt ra nếu đúng là có cảnh “vườn không nhà trống”. Thực ra cũng đang có nhiều người đang “múa bút” mà.
Về phê bình mỹ thuật Việt Nam hiện tại, nói gì và nói như thế nào cũng chẳng oan đâu! Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề đáng để phê bình.
Làm bất cứ cái gì cũng cần phải học, phê bình càng cần phải học; vậy thì việc học của anh? Anh nghĩ gì khi không có trường mỹ thuật nào ở Việt Nam có khoa lý luận phê bình!?
Học, căn bản là tự học. Kể cả khi anh đã có học vị này học vị kia rồi thì anh cũng phải tự học không ngừng. Dĩ nhiên, phương pháp và điều kiện là quan trọng. Nhà tôi có bảy anh em trai. Tôi áp út. Các anh tôi, đều là những người chịu học, có kiến thức rộng và quan tâm đến chuyện học hành các em. Ngay từ nhỏ, mới biết đọc biết viết, tôi đã được kích thích, được hướng dẫn và được tạo điều kiện để đọc, để tự học. Tôi tiếp xúc với mỹ thuật thế giới rất sớm, chủ yếu từ tủ sách gia đình. Và sự tiếp xúc này, hầu như liên tục được cập nhật. Nói chung, với tôi, học là phải đọc (đọc nhiều, đọc một cách hệ thống, đọc như một sự cãi vã…), phải xem nhiều, tiếp xúc nhiều, phải suy nghĩ nhiều. Đặc biệt, phải thường xuyên hệ thống hóa kiến thức và suy nghĩ của mình. Không hệ thống hóa thì đọc cho lắm, nghĩ cho lắm cũng chỉ để “múa mồm múa mép chơi thôi”. Thêm nữa, nếu anh thực sự hứng thú với điều anh học, anh sẽ dễ trở nên thông minh hơn, sẽ dễ tập trung ý chí hơn… Ngoài ra, có lẽ phải kể đến đam mê, đến sự thôi thúc bên trong muốn làm một việc gì đó …
Nói “không có trường mỹ thuật nào ở Việt Nam có khoa lý luận phê bình” là không chính xác. Có. Duy có điều, theo tôi biết, không hiệu quả lắm. Tôi có giúp vài người làm luận văn tốt nghiệp cao học mỹ thuật. Tôi thấy, về phần họ, một mặt, họ quá ít đọc, mặt khác-hơi chán-là họ cũng chẳng bận tâm gì lắm với đề tài mình đang “nghiên cứu”. Mà dường như không riêng gì họ. Đọc ý kiến nhận xét của các giáo viên hướng dẫn và phản biện, tôi cũng thấy tình trạng tương tự.
Nhiều quan điểm cho rằng, cái dễ của phê bình là nói toàn chuyện đã rồi, tôi nghĩ đây là một quan niệm sai lệch. Anh nghĩ gì về cái khó và cái dễ của phê bình, tất nhiên trong nội tại vấn đề mà phê bình gặp phải hoặc đặt ra?
Nói leo, nói lặp, nói cố, nói nhảm thì dễ, chứ phê bình thực sự, tức nói cho có lý lẽ, chẳng dễ chút nào. Nó đòi hỏi phải có kiến thức rộng, phải am tường lãnh vực được đề cập, phải nhạy cảm, có khả năng phát hiện vấn đề, phải biết phân tích, diễn giải, chứng minh v.v… Chưa nói đến tư tưởng. Nên nhớ, ngay cả khi, chỉ toàn nói chuyện đã rồi, khen hay chê, tán dương hay phủ định một cái gì đó, phê bình thực sự cũng đã thực hiện chức năng định hướng. Và đó là vấn đề tư tưởng. Không dễ đâu. Nhìn lại lịch sử nghệ thuật xem, có bao nhiêu tên tuổi phê bình gia còn lại nào? Ít lắm.
Quảng Nam hay cãi, anh cũng là một người Quảng ưa “lý luận”, có khi nào anh sợ chuyện lý luận của mình không?
Lý luận với lý sự là hai chuyện khác nhau. Người ta có thể lý sự mà chẳng cần lý luận. Ngược lại, người say mê lý luận không chắc gì đã là người lý sự. Lý sự có thể dẫn đến nhiễu sự. Còn lý luận, chỉ dẫn đến thông suốt hóa nhận thức. Tại sao phải sợ?
Văn Bảy thực hiện
(*) Bài đăng trên Thể thao & Văn hóa, số thứ bảy, 02 tháng 12-2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét