Một lúc nào đó bạn nhận ra những thay đổi kì lạ trong công ty. Các cuộc họp kín thường xuyên diễn ra; Trưởng phòng nhân sự như con thoi với những phiên họp bất thường. Chắc hẳn lúc đó bạn sẽ nhận ra nguy cơ bị sa thải dường như đang lơ lửng trên đầu.
Bạn quá căng thẳng và đa nghi chăng? Chả có gì phải lo lắng cả,... mà cũng có thể không phải vậy. Thực ra, trong tình hình kinh tế đầy biến động như hiện nay với hàng triệu người bị sa thải mỗi năm, nguy cơ bị giáng chức, về hưu sớm hay bị sa thải không chừa bất kì ai. Vì thế, điều quan trọng là bạn hãy chuẩn bị tâm lý cũng như làm những công việc cần thiết giúp bạn dễ dàng hơn về sau này. Sau đây là những điều bạn nên làm.
1. Tiếp tục làm việc và hãy làm tích cực hơn bao giờ hết
Nhiều người cứ nghĩ là mình sẽ mất việc nên đâm ra chán nản, không hứng thú với công việc nữa. Thực tế cho thấy, trong tình huống đó bạn càng phải nỗ lực hết mình. Có 3 nguyên do:
- Biết đâu chính sự nỗ lực của bạn và đồng nghiệp sẽ giúp công ty dần vượt qua khó khăn và nhờ thế mà bạn giữ được việc làm. Chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy ra cả!
- Người ta nói: "Lúc hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau". Đây là lúc các sếp kiểm tra cái tâm và cái tài của nhân viên mình. Vì thế, bạn càng nên cố gắng làm việc trong lúc này. Qua đó, sếp sẽ thấy được những việc tích cực bạn đang làm cho công ty và biết đâu sẽ loại bạn ra khỏi danh sách bị sa thải.
- Trong trường hợp bạn vẫn bị sa thải thì những gì bạn thể hiện sẽ khiến đồng nghiệp quý trọng bạn hơn. Có thể họ sẽ giới thiệu bạn với sếp mới của họ hoặc cung cấp cho bạn những thông tin tuyển dụng. Bạn sẽ bớt khó khăn hơn khi tìm việc mới.
2. Xem xét lại hồ sơ xin việc và nâng cao kỹ năng phỏng vấn
Mọi sự chuẩn bị đều không thừa. Làm như vậy, bạn đã tự trang bị cho mình những công cụ cần thiết, sẵn sàng dự phỏng vấn bất cứ lúc nào. Đối với hồ sơ mới, bạn nhớ đề cập đến công việc hiện tại và những kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn có được, những gì bạn học được từ công việc này. Sau đó, tham khảo ý kiến của bạn bè, những người có kinh nghiệm để hoàn thiện bộ hồ sơ. Cuối cùng, in ra nhiều bản. Sẽ có lúc bạn cần đến nó.
Song song với chuẩn bị hồ sơ mới, bạn cũng nên quan tâm một chút tới kỹ năng phỏng vấn của mình. Dù trước kia bạn đã từng được huấn luyện rất kĩ nhưng trong thời gian bạn đi làm có thể những cách phỏng vấn mới được áp dụng nhưng bạn lạI không biết đến. Hơn nữa, việc chuẩn bị kĩ sẽ giúp bạn tự tin hơn.
3. Thăm dò
Không có gì sai khi bạn sốt sắng tìm việc làm mới ngay lúc này. Thông báo cho bạn bè và gia đình biết rằng bạn có thể sẽ mất việc trong thời gian tới và nhờ họ báo cho bạn biết về những vị trí tuyển dụng họ biết. Bạn cũng có thể gửi CV đến một số nơi nhưng tránh để công ty bạn phát hiện ra. Ngoài ra, đừng quên lướt qua những thông tin tuyển dụng trên báo chí hay Internet. Theo dõi những diễn biến của thị trường để khỏi bất ngờ nếu bị sa thải. Nếu bạn tìm được công việc như mong muốn, đừng chần chừ. Nếu không, khi bị sa thải bạn sẽ thấy tiếc đấy.
4. Nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn
Nếu có tiền, đừng do dự ghi danh vào các khóa huấn luyện ngắn hạn. Các khóa học này không chỉ giúp bạn tự hoàn thiện bản thân mà còn mở rộng mối quan hệ, từ đó mang đến nhiều cơ hội mà bạn có thể không nghĩ tới. Hơn nữa, các chứng chỉ này sẽ làm CV của bạn ấn tượng hơn.
5. Dành dụm tiền
Trong mọi trường hợp, bạn phải bảo đảm trong tài khoản một khỏan tiền đủ dùng ít nhất trong 3 tháng - khoảng thời gian đủ để bạn tìm việc làm mới. Tốt hơn hết, hãy bắt đầu dành dụm ngay từ bây giờ. Có tiền trong túi có 3 cái lợi.
+ Thứ nhất, những tháng ngày thất nghiệp bớt đen tối hơn.
+ Thứ hai, ít nhất trong vài tháng tới, bạn sẽ không lo chuyện thiếu tiền. Như thế, bạn sẽ thấy thoải mái đi tìm một việc làm ưng ý và có thể từ chối nếu không phù hợp. Nó sẽ giúp bạn tránh khỏi trường hợp buộc phải làm những việc không đúng chuyên môn vì hết tiền.
+ Hơn nữa, bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này để đi học hoặc đi nghỉ mát, vừa để thư giãn vừa để tự nhìn lại mình.
6. Đừng quá lo lắng
Nếu sự việc buộc phải như thế, đừng quá bi quan. Thời gian đầu có thể sẽ rất khó khăn nhưng nếu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, bạn sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn và nhìn sự việc theo hướng tích cực hơn. Hãy tự an ủi với mình rằng bạn đã cố gắng hết sức, rằng sự việc ngoài tầm kiểm soát của bạn. Cũng không nên quá dằn vặt mình khi làm theo những chỉ dẫn trên vì bạn đang tự bảo vệ chính bạn. Hãy xem đây là một cơ hội đễ tích lũy kinh nghiệm.
Ngoài ra, những lúc như vậy bạn sẽ rất cần sự chia sẻ, vì thế hãy tìm đến người mà bạn tin tưởng. Nếu như bạn quá căng thẳng hay mất phương hướng, tốt hơn hết nên tâm sự với chuyên viên tư vấn, nơi bạn có thể nhận được những lời khuyên chân thành và hữu ích. Cuối cùng, hãy tự nhủ rằng thất nghiệp là điều bình thường, ai cũng thế!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét