- Chứng minh nhân dân của chủ tài khoản
- Tài khoản ngân hàng để giao dịch chuyển tiền
- Vốn đầu tư
Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014
[Lesson 2] Tổng quan về thị trường chứng khoán
08:27
Hoàng Phong Nhã
No comments
Sau khi hoàn thành những bài học Warm-up khởi động,
tôi hy vọng những bài học đó đã có thể hâm nóng phần nào quyết tâm làm
giàu ở các bạn. Từ hôm nay, chúng ta bắt đầu đi tìm hiểu về thị trường
Chứng khoán, bắt đầu từ những kiến thức đơn giản nhất.
Chương này sẽ giải thích rằng tại sao ta nên đầu tư vào Cổ phiếu, và sẽ
giới thiệu cho bạn những kiến thức cơ bản nhất đủ để có thể bước chân
vào Thị trường chứng khoán ( TTCK )
I.TẠI SAO NÊN ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU ?
Thứ nhất, đầu tư vào Cổ phiếu là bạn có thể làm chủ những công ty tốt.
Và thứ hai, trong các loại hình đầu tư, đầu tư Chứng khoán luôn cho hiệu
suất sinh lời cao nhất.
Bạn mua 100 cổ phiếu VNM, dù chỉ là số lượng nhỏ nhưng bạn đang sở hữu
một phần của "Công ty cổ phần sữa Việt Nam". Là người sở hữu công ty,
bạn không cần phải cho bò ăn, không cần đi vắt sữa bò, không cần mở đại
lý bán sữa, không phải quản lý tài sản công ty, cân đối tài chính... Ấy
thế mà cuối năm bạn vẫn được hưởng cổ tức 15%-20%, lấy từ lợi nhuận kinh
doanh của Vinamilk. Thật tuyệt, không phải làm gì mà vẫn có lợi nhuận
cơ đấy! Khi bạn không còn hứng thú với VNM nữa bạn có thể bán 100 cổ
phiếu đó cho người khác, thật tiện lợi phải không? Đó là lý do tại sao
nên đầu tư vào Cổ phiếu. Đầu tư vào Cổ phiếu khiến bạn trở thành ông
chủ, chứ không phải người làm thuê.
Dưới đây là thống kê so sánh mức độ sinh lời của các loại hình kinh doanh từ năm 1945-2011
Đường màu xanh thể hiện mức lợi nhuận đầu tư vào Cổ phiếu, các màu còn lại là Vàng, USD, Trái phiếu các loại.
2.TẠI SAO LẠI SINH RA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Các công ty muốn bạn mua cổ phiếu của họ vì họ có thể dùng số tiền của
bạn để mua máy móc mới, phát triển sản phẩm mới, và mở rộng kinh doanh.
Số tiền đầu tư của bạn sẽ làm cho công ty mạnh hơn. Nhưng công ty phát
hành cổ phiếu bằng cách nào?
Giả sử tôi là chủ sở hữu công ty VNM, tôi muốn phát hành cổ phiếu của
mình để bán cho những nhà đầu tư quan tâm đến công ty của tôi. Dĩ nhiên
mục đích là bổ xung nguồn vốn để phát triển công ty. Tôi quyết định sẽ
phát hành 10 cổ phiếu, mặc dù tôi có thể phát hành 100 cổ phiếu, hay
thậm chí 1 triệu cổ phiếu đều được, số lượng cổ phiếu không quan trọng.
Điều duy nhất mà các nhà đầu tư quan tâm là họ sẽ được sở hữu bao nhiêu %
cổ phần trong công ty. Tôi giữ 6 cổ phiếu cho mình, và bán 4 cổ phiếu
còn lại cho 4 người khác với giá 1 triệu/cp. Sau phi vụ này, tôi sở hữu
60% của VNM và 40% còn lại thuộc về các cổ đông lớn. Đây hoàn toàn là
hợp đồng bí mật giữa các cổ đông. Bạn chưa thể tìm được thông tin về
công ty VNM trên bất kỳ tờ báo nào cả.
Sau một thời gian kinh doanh, tôi thấy rằng để công ty có thể phát
triển mạnh hơn nữa thì tôi phải tăng thêm lượng vốn đầu tư vào VNM. Tôi
quyết định sẽ bán cổ phiếu VNM ra công chúng. Tôi mang hồ sơ công ty đến
nhờ tư vấn từ công ty chứng khoán APEC, họ quyết định sẽ thực hiện một
nghiệp vụ gọi tắt là IPO (initial public offering) - đợt phát hành cổ
phiếu đầu tiên ra công chúng. Tôi nói với họ là tôi muốn tăng vốn lên 1
tỷ, họ tư vấn ngay cho tôi là sẽ phát hành 500.000 cổ phiếu với giá 2000
đồng/cp. Nếu số cổ phiếu IPO đó không được các nhà đầu tư mua hết thì
APEC sẽ đứng ra mua số còn lại. Sau đó APEC có quyền bán cho người khác
với mức giá nào cũng được. Thị trường mà những nghiệp vụ trên được thực
hiện gọi là : Thị trường sơ cấp.
Số cổ phiếu còn lại mà APEC bán chưa hết sẽ được đem tới giao dịch ở
thị trường khác gọi là :Thị trường thứ cấp. Thị trường này là nơi mua
bán cổ phiếu của tất cả các công ty đã đăng ký niêm yết. Tại đây thị giá
cổ phiếu VNM có thể biến động thay đổi từng ngày tùy theo cung cầu thị
trường, nhưng không hề ảnh hưởng đến số tiền của tôi đã huy động được ở
Thị trường sơ cấp. Tôi cũng chẳng cần quan tâm đến giá của VNM hiện đã
tăng lên 10.000 hay giảm xuống còn 1000 đồng. Việc của tôi là dùng số
tiền thu được từ IPO để mua thêm bò, xây thêm nhà xưởng, mở rộng đại
lý... Việc theo dõi giá lên, giá xuống của VNM thuộc về những người
khác, những người này kiếm lợi nhuận dựa vào biến động giá lên xuống của
VNM. Họ được gọi là các Investor (nhà đầu tư) hoặc Trader (nhà đầu cơ).
Thị trường thứ cấp còn được gọi là
Stock Market, nói nôm na theo tiếng Việt là Chợ chứng khoán. Như đã nói ở
trên, TTCK hay Chợ chứng khoán đã được sinh ra từ nhu cầu trao đổi, mua
bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư và đầu cơ. Ở Việt Nam có 2 Chợ chính:
HOSE - sàn Hồ Chí Minh và HNX - sàn Hà Nội.
- Sàn HOSE chuyên niêm yết các cổ phiếu có vốn hóa lớn + trung bình.
- Sàn HNX chuyên niêm yết các cổ phiếu có vốn hóa vừa + nhỏ.
III. THAM GIA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
- Để có thể tham gia mua bán ở Chợ chứng khoán, bạn phải có một tài
khoản Chứng khoán mang tên bạn hoặc tài khoản của người khác nhưng được
ủy quyền cho bạn.
- Chọn 1 CTCK để mở tài khoản: Mở tài khoản Chứng khoán ở Việt Nam là
hoàn toàn miễn phí. Theo tôi bạn nên mở tài khoản ở các CTCK có dịch vụ
Online tốt và ổn định, ví dụ: APEC, VNDIRECT, HSC , SSI , FPTS .. Bạn có
thể mở nhiều tài khoản ở nhiều CTCK khác nhau, sau đó hãy làm phép so
sánh giữa các CTCK để chọn ra CTCK phù hợp với bạn nhất. Cá nhân tôi thì
mở tài khoản ở APEC.
- Điều kiện để mở tài khoản cần có :
- Bạn có thể tự quyết định các giao dịch của mình bằng tài khoản Online , hoặc đặt lệnh thông qua các Broker
- Bạn hãy lưu lại số điện thoại liên lạc của CTCK nơi bạn mở tài khoản
để đề phòng khi hệ thống Online gặp trục trặc bạn vẫn có thể đặt lệnh
qua điện thoại.
- Thời gian giao dịch: từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần, 8h30 - 11h , chung cho cả 2 sàn.
IV. TRA CỨU THÔNG TIN VỀ CỔ PHIẾU & THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
- Thông tin về sàn HOSE : www.hsx.vn
- Thông tin về sàn HNX : www.hnx.vn
- Thông tin về từng cổ phiếu : stockbiz.vn , stox.vn , ndhmoney.vn , cafef.vn
- Thông tin về thị trường : vneconomy.vn
- Diễn đàn : f319.com , phochungkhoan.vn
- Thông tin về các chỉ số quan trọng trên Thế Giới: http://www.bloomberg.com/markets/stocks/world-indexes/
V. ĐẦU TƯ HAY ĐẦU CƠ ?
Hầu hết những người tham gia vào TTCK đều tự gọi họ là nhà đầu tư,
nhưng sự thực phần lớn họ lại là những nhà đầu cơ. Chúng ta cùng tìm
hiểu xem giữa nhà đầu tư và nhà đầu cơ khác nhau ở điểm gì:
- Nhà đầu tư: Khẩu hiệu - Mua và Nắm giữ , khả năng chịu lỗ cao, chỉ bán ra khi có lợi nhuận.
- Nhà đầu cơ: Khẩu hiệu - "Trend is Friend" ( xu hướng là bạn ) , khả năng chịu lỗ thấp, đánh nhanh rút nhanh.
Dưới đây là đoạn phỏng vấn giữa Phóng viên với Nhà đầu cơ (A) và Nhà đầu tư (B)
- Cổ phiếu là gì?
A: Là tờ giấy có thể mua đi bán lại tạo ra lợi nhuận.
B: Là chứng nhận quyền làm chủ 1 phần của doanh nghiệp.
- Thời gian bạn nắm giữ 1 cổ phiếu là bao lâu?
A: Ngắn hạn, thường là 2 tuần cho đến vài tháng. Tùy độ dài sóng.
B: Dài hạn, 2 - 3 năm.
- Khi nào thì bạn mua cổ phiếu?
A: Khi cổ phiếu đã giảm giá quá sâu, ở vùng hỗ trợ, các tín hiệu kỹ thuật cho chỉ báo "mua vào".
B: Khi thị giá của cổ phiếu bị đánh giá thấp hơn giá trị thật. ( căn cứ vào P/B , P/E, Cashflow..)
- Khi nào thì bán cổ phiếu?
A: Khi cổ phiếu đã tăng quá nóng, ở vùng kháng cự, các tín hiệu kỹ thuật cho chỉ báo "bán ra".
B: Khi thị giá của cổ phiếu tiệm cận với giá trị thật.
- Câu nói mà bạn thích nhất?
A: Trend is Friend - Xu hướng là bạn.
B: Buy good companies at cheap prices - Mua công ty tốt với giá rẻ.
- Những người thầy của bạn là ai?
A: Charles Dow, Ralph Elliott, William Gann, Nicolas Darvas..
B: Benjamin Graham, Warren Buffett, Philip Fisher..
- Công cụ phân tích của bạn?
A: Technical analysis - Phân tích kỹ thuật , Bảng giá, Phân tích tâm lý đám đông, Biểu đồ.
B: Fundamental analysis - Phân tích cơ bản, Bảng cân đối tài chính, Thông tin doanh nghiệp.
- Các thuật ngữ ưa thích của bạn?
A: Đường trung bình động, RSI, Khối lượng, Hỗ trợ và Kháng cự.
B: P/E , P/B , P/S , Cashflow, ROE, ROA.
Bây giờ thì bạn đã phân biệt được thế nào là đầu cơ và thế nào là đầu
tư rồi chứ? Tất nhiên bạn không nhất thiết phải tự bó buộc mình vào một
phong cách cụ thể mà hoàn toàn có thể hòa trộn hài hòa cả hai nếu muốn.
Bạn hãy tưởng tượng trong 2 trường phái Đầu tư và Đầu cơ đều có những
miếng ghép khác nhau. Công việc của bạn đơn giản là lựa chọn những miếng
ghép phù hợp để tạo nên một Phong cách cho riêng mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét