Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Một số nét tâm lý đặc trưng về định hướng giá trị của thanh niên hiện nay

Đỗ Ngọc Hà
Tạp chí Tâm lý học
09:21' AM - Thứ sáu, 03/10/2014
Những năm gần đây các đề tài khoa học xã hội khi tiếp cận đến đối tượng thanh niên đã đặt ra nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Trong đó hướng tiếp cận trên bình diện giá trị và định hướng giá trị được đặc biệt chú trọng và được xem như là nhân tố quan trọng, chủ yếu khi tiếp cận đến vấn đề nhân cách của thanh niên. Bởi vì một mặt, bản thân giá trị và định hướng giá trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự hình thành nhân cách, lối sống và có ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi cá nhân. Mặt khác, khi tiếp cận trên bình diện giá trị và định hướng giá trị chúng ta có thể hiểu sâu được những quá trình xã hội điều khiển sự hoạt động của các cộng đồng, các nhóm xã hội.
Năm 1998, 1999 trong chương trình nghiên cứu thanh niên vấn đề định hướng giá trị của thanh niên cũng được đề cập đến và xem xét, đánh giá trên các khía cạnh về ý nghĩa, mục đích cuộc sống của thanh niên, cũng như những giá trị cuộc sống hàng ngày, các hiện tượng xã hội và mối liên quan mật thiết giữa chúng...
Dưới đây là một số nhận xét được rút ra từ kết quả nghiên cứu trên 1700 các đối tượng thanh niên thuộc ba khu vực Bắc, Trung, Nam.
1) Giá trị trong cuộc sống hàng ngày
Giá trị đối với thời gian nhàn rỗi
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng thời gian nhàn rỗi và tiêu dùng của thanh niên có sự tăng lên, đồng thời thanh niên có những cách nhìn khác nhau đối với việc sử dụng thời gian nhàn rỗi. Như vậy ở đây cho thấy:
Thứ nhất, việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của thanh niênđc tập trung trên một số hoạt động thoe một phạm vi thống nhất, tuy nhiên sự lựa chọn tùy thuộc vào sự quan tâm và cách nhìn của từng người đối với những giá trị có thể đạt được.
Thứ hai, đa số thanh niên ngày nay ưa thích sử dụng thời gian rỗi của mình vào hoạt động văn hóa, nghệ thuật thể thao, tiếp xúc bạn bè, giải trí... Đồng thời với nó sự tiêu dùng văn hóa của thanh niên cũng có sự biến đổi mạnh mẽ. Lớp trẻ hiện nay có xu hướng thích những loại hình nghệ thuật hiện đại, quan niệm và cách nhìn về cái đẹp cũng có sự thay đổi lớn so với trước đây.
Thứ ba, bên cạnh sự phát triển của nhu cầu giải trí, việc học tập nâng cao tri thức trở thành một trong những hoạt động chính trong thời gian rỗi của thanh niên. Trong phạm vi nhất định, điều này phản ánh thanh niên ngày nay đang theo đuổi giá trị làm giàu kiến thức của họ cũng như sự ham muốn đối với cuộc sống văn hóa. Có thể nói thời gian nhàn rỗi của thanh niên ngày nay có sự biến đổi mạnh mẽ cả về cấu trúc, tính chất lẫn nội dung.
Định hướng giá trị trong việc lựa chọn hành động
Việc lựa chọn hành động phản ánh bản chất bên trong về những mong muốn của thanh niên đối với những khuôn mẫu hành vi trong thực tế. Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa của đất nước và tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều chuẩn mực, giá trị, quan niệm của thanh niên có sự biến đổi. Trong ý thức của đại đa số thanh niên, nhiều giá trị được đề cao trong quá khứ được nhường chỗ cho những giá trị mới. Mặc dù có sự thay đổi thứ tự ưu tiên hay những khác biệt của một vài yếu tố, song dường như có sự thống nhất chung ở thanh niên đối với những giá trị được đề cao như sự đổi mới, hướng vào tương lai, tính năng đống, sáng tạo có thể trong công việc, trong giao tiếp.
Thanh niên ngày nay đề cao sự năng động, tự chủ của cá nhân hơn là sự phụ thuộc, tính thực tiễn và hiệu quả, tính không công thức trong quan hệ, trong công việc dần thay thế cho mô hình giao tiếp mang tính công thức, phụ thuộc và tình nghĩa. Một điều đáng lưu ý là, mặc dù trong điều kiện của nền kinh tế thị trường nhưng thế hệ trẻ vẫn đề cao sự “hợp tác” hơn là sự “ganh đua, cạnh tranh". Điều đó nói lên sức mạnh của những giá trị truyền thống tích cực vẫn đang tồn tại và chi phối nếp nghĩ của thế hệ trẻ hiện nay.
2) Giá trị xã hội
Giá trị xã hội, đạo đức
Đối với khía cạnh trách nhiệm xã hội, thanh niên đã kế thừa và phát huy tốt những giá trị xã hội tích cực, hướng về cái tốt, cái đẹp, cái thiện, sống tình nghĩa, bảo vệ chính nghĩa, đề cao sự công bằng xã hội. Đối với câu hỏi "Bạn hãy xác định vị trí của mình đối với công cuộc CNH, HĐH đất nước?" có 69,17% thanh niên trả lời "Hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước và hăng hái tham gia", 28,1 % trả lời "Có quan tâm nhưng không tin tưởng vào vai trò của bản thân" và chỉ có 2,75% nói rằng "ít quan tâm, cho đó là cống việc và trách nhiệm của người khác". Và khi hỏi "Bạn sẽ làm gì khi gặp hiện tượng tiêu cực?” gần một nửa số người được hỏi (48,9%) cho rằng "Cần tích cực đấu tranh dù có thiệt hại đến mình", 27,5% cho rằng "Chống tiêu cực là chuyện của xã hội" và 23,7% "không tham gia vì lo lắng không có kết quả, nhiều khi mang vạ vào thân".
Giá trị đối với mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân
Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể hay nói cách khác giữa cá nhân và xã hội là một phạm vi quan trọng phản ánh ý thức của con người đối với giá trị. Cùng với sự biến đổi của xã hội, những quan niệm, chuẩn mực xã hội cũng có sự thay đổi và đã tác động đến nhận thức của thanh niên về giá trị. Giá trị "sống hiến dâng toàn ,bộ cho lợi ích xã hội", "tất cả vì tập thể"... được đề cao trong quá khứ và nó có giá trị lịch sử của nó, nhưng ngày nay có sự thay đổi trong ý thức của thanh niên. Cuộc điều tra cho thấy, giới trẻ hiện nay quan tâm nhiều hơn đến lợi ích cá nhân và mục đích sống "tất cả vì xã hội" chỉ chiếm khoảng 15%. Tất nhiên, với những câu hỏi trả lời độc lập khó có thể phản ánh đầy đủ sự lựa chọn về giá trị của thanh niên. Và điều gì sẽ xảy ra đối với thanh niên khi có sự va chạm giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của xã hội. Cuộc điều tra cho thấy, mặc dù thế hệ trẻ định hướng đến lợi ích cá nhân nhiều hơn, nhưng bằng cách hỏi suy phóng thông qua những tình huống cụ thể kết quả là, trong nhận thức, hành động của thanh niên ngày nay không chỉ quan tâm đến lợi ích của tập thể, của xã hội.
Với câu hỏi: "Để tập thể hoạt động có hiệu quả, theo bạn cần làm gì?" kết quả cho thấy:
  • Ban lãnh đạo tập thể phải là người thiết kế được nội dung hoạt động thiết thực 9,72%.
  • Mọi thành viên phải tích cực tham gia thiết kế nội dung hoạt động 87,22%.
  • Tôi thấy ý kiến cá nhân tôi cũng không làm thay đổi được gì 3,05 %
Như vậy ở đây cho thấy, trong ý thức của đại đa số thanh niên đã xác định việc đạt được lợi ích của cá nhân chỉ có thể có được khi nó được gắn với lợi ích tập thể, đồng thời mỗi cá nhân phải là chủ thể tích cực trong những hoạt động nhất định. Rõ ràng điều này phản ánh xu hướng cộng đồng, liên kết kết trong hành động của thanh niên hiện nay, hơn nữa đó là thái độ liên kết trong mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân.
3) Giá trị đối với cuộc sống
Đối với thanh niên, giá trị đối với cuộc sống và sự lựa chọn sâu sắc tạo thành quan điểm sống của họ. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét cách nhìn của thanh niên về giá trị đối với mục đích, ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị của lao động.
Mục đích cuộc sống của thanh niên được xem xét ở đây là sự mong chờ của họ về tương lai và những mưu cầu trong cuộc sống. Nhìn chung việc xác định mục đích sống của thanh niên hiện nay hướng về vai trò và vị trí của cá nhân trong cuộc sống. "Thành đạt trong nghề nghiệp được đa số thanh niên đề cao (44,2% và được xem như là mục đích cơ bản của cuộc sống. Điều này nói lên nhu cầu tự khẳng định, cũng. như uy tín và vị thế xã hội của cá nhân được phát triển mạnh ở thanh niên ngày nay. Một dấu hiệu đáng quan tâm là thanh niên mong muốn được sống như họ nghĩ, họ thích (24,1%). Điều này phản ánh mẫu hình con người sống có tính, không lệ thuộc đang là xu hướng theo đuổi của một bộ phận quan trọng trong thanh niên. Mục đích sống làm giàu (theo cắt nghĩa là giàu cho cá nhân, cho gia đình cũng là làm giàu cho xã hội) xét tương quan chung nó đứng ở vị trí thứ ba trong các mục đích sống của thanh niên. Đây là kết quả của sự cời mở về các chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Đối với việc định hướng khẳng định vai trò của cá nhân trong cuộc sống và thái độ quan tâm tới hạnh phúc của cuộc sống, thanh niên hiện nay tin rằng ý nghĩa của cuộc sống chỉ có thể khẳng định khi đánh giá được giá trị, khả năng của chính mình (48,7%). Đồng thời có 25,4% thanh niên mong muốn được sống có ích cho xã hội. Số thanh niên bàng quan, thờ ơ với cuộc sống chỉ chiếm 7,2% trong số thanh niên được điều tra. Như vậy, ở đây có tới trên 2/3 số thanh niên đã đánh giá được ý nghĩa cuộc sống của bản thân - xác định ý nghĩa cuộc sống là ở chính khả năng của mình và sống có ích cho mọi người.
Trong nhận thức về giá trị của lao động thanh niên hiện nay có sự thay đổi thái độ đối với lao động. Đối với đa số thanh niên, lao động là quá trình thể hiện mình, thông qua hiệu quả của quá trình lao động (70%). Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng xét về phương diện nhận thức, bởi vì, nó sẽ chi phối đến toàn bộ quá trình lao động nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Có thể nói công cuộc đổi mới của đất nước cũng như sự thay đổi, phát triển nhanh của xã hội trong hơn một thập kỷ qua là nền tảng của sự chuyển đổi và phát. triển những giá trị của thanh niên. Từ những 'phân tích của cuộc khảo sát, chúng tôi xin rút ra một số nhận xét chung về định hướng giá trị của thanh niên như sau:
Ngày nay thanh niên nhìn nhận vấn đề bản chất cuộc sống tích cực và duy vật hơn, thừa nhận sự thành công trong cuộc sống là do sự nỗ lực của bản thân hơn là sự phụ thuộc hay là do số phận hoặc sự may rủi nào đó. Có thể nói thanh niên hiện nay đang định hướng và khẳng định vai trò của họ trong cuộc sống.
Mặc dù có sự thống nhất về những giá trị chung ở thanh niên, tuy nhiên cuộc điều tra cũng cho thấy có sự đa dạng hóa trong định hướng giá trị của thanh niên khi xem xét nó trên những tiêu chí riêng biệt. Nhìn chung thanh niên ở các vùng khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau và nghề nghiệp khác nhau có sự khác biệt nhất định trong định hướng giá trị đặc trưng cho nhóm mà họ tham gia.
Hệ thống định hướng giá trị của thanh niên có tính mâu thuẫn nội tại của nó, song có thể nói đây là những nét tính cách xã hội mới đang được định hình và phát triển theo xu thế phát triển của xã hội. Nếu được quan tâm đúng mức, nó sẽ là những định hướng giá trị có lợi cho sự phát triển của xã hội.
Tạp chí Tâm lý học

0 nhận xét:

Đăng nhận xét