Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012
Võ Tấn Long: Hãy luôn là chính mình...
15:47
Hoàng Phong Nhã
No comments
“Bí
quyết thành công với tôi ư, thực ra rất bình thường. Thứ nhất, luôn
luôn chân thành và luôn luôn là chính mình...”, TS. Võ Tấn Long, Tổng GĐ
IBM Việt Nam nói.
18
tuổi sang nước Nga du học tại ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Điện
Saint-Petersburg; 28 tuổi về nước với tấm bằng Tiến sĩ Toán Lý; tròn 40
tuổi chính thức trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn IBM tại Việt Nam. Con
người thừa nhận mình có tính nhất quán trong suy nghĩ và hành động đó là
TS. Võ Tấn Long, Tổng giám đốc Công ty IBM Việt Nam.
Trước
hết, xin chúc mừng anh với cương vị mới (TS. Võ Tấn Long được bổ nhiệm
vị trí Tổng giám đốc IBM Việt Nam ngày 12/11/2008 - PV). Có điều gì thay
đổi kể từ khi anh chính thức đảm nhận vị trí cao nhất của Tập đoàn IBM
tại Việt Nam?
Điều
thay đổi đầu tiên là tôi phải quay trở ra Hà Nội để làm việc, cho dù
vừa mới vào TP. HCM được mấy tháng nay (cười). Tính chất công việc cũng
có sự thay đổi, từ vị trí một người chỉ nhìn nhận công việc ở góc độ
kinh doanh sang vị trí phải lo rất nhiều việc khác nữa, làm sao để công
ty phát triển vững mạnh. Đồng thời, năm 2009 cũng là năm sẽ có nhiều
thay đổi ở thị trường Việt Nam và chúng tôi cũng phải sẵn sàng với những
sự thay đổi đó.
Ngược
trở lại hơn 10 năm về trước, lúc đó anh vừa từ Nga trở về với bằng Tiến
sĩ Toán Lý, gần như ngay lập tức anh tham gia vào một công ty của Mỹ,
làm về kinh doanh. Điều gì đã khiến anh đến với IBM, và có khó khăn gì
cho anh khi hòa nhập vào công việc mới?
Trong
quá trình học tại Nga, tôi rất say mê với máy tính. Mặc dù là học toán
lý, nhưng đề tài tốt nghiệp của tôi lại là việc sử dụng máy tính để mô
phỏng các quá trình diễn ra trong các vật liệu bán dẫn. Vì công việc đó
nên máy tính đã trở thành niềm đam mê của tôi. Đó là lý do tại sao khi
về nước tôi lại nhìn vào các công ty như IBM, Microsoft... để tìm công
việc thích hợp. Còn khó khăn thì cũng rất nhiều, mà đầu tiên là ngôn ngữ
(tiếng Anh). Tôi rất thạo tiếng Nga và thực sự chỉ bắt đầu học tiếng
Anh khi vào IBM. Tuy nhiên, cũng không có khó khăn nào là quá lớn với
tôi.
Ngoài
niềm đam mê về máy tính, những gì mà anh thu nhận được trong quãng thời
gian học tập ở Nga có giúp ích gì cho anh trong quá trình làm việc ở
IBM?
Thực
ra quá trình học ở Nga không chỉ đơn thuần là thời gian đi học và không
đơn thuần là quá trình tích lũy kiến thức, vì kiến thức tích lũy biết
bao nhiêu là đủ. Học tập ở Nga với tôi là quá trình được trải nghiệm với
nền văn hóa Nga cùng cách làm việc và nhìn nhận vấn đề mới. Học tập ở
Nga, tôi đã tích lũy được rất nhiều kỹ năng, như kỹ năng làm việc theo
nhóm, tính độc lập và tự lập trong quá trình làm việc, kỹ năng tự học
tập, đào tạo... Điều đó đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều và rất hữu
ích khi mới vào Tập đoàn IBM.
Hơn
10 năm sau khi trở lại Việt Nam, IBM chính thức có Tổng giám đốc là
người Việt. Điều gì đã khiến tập đoàn thay đổi và bản thân anh có suy
nghĩ gì về sự thay đổi đó với cá nhân mình khi là người Việt Nam?
Thực
ra không phải là tập đoàn thay đổi. Bạn nhìn vào tập đoàn IBM ở các
nước xung quanh, sẽ thấy người đứng đầu IBM Singapore là người
Singapore, người đứng đầu IBM Malaysia là người Malaysia, người đứng đầu
IBM Thái Lan là người Thái Lan... Cam kết của IBM đối với từng thị
trường bao giờ cũng là những cam kết rất chặt chẽ, và nhắm vào việc làm
sao có những người hiểu biết về thị trường đó tốt nhất, sống với thị
trường đó, lớn lên ở thị trường đó và ngôn ngữ cũng như tập quán của họ
là ở chính thị trường đó. Cho nên việc có người Việt Nam làm Tổng giám
đốc IBM tại Việt Nam không phải là sự thay đổi trong chiến lược của tập
đoàn cả. Chỉ có điều là tập đoàn cần có thời gian để những người Việt
Nam có thể tích lũy được những kỹ năng, trình độ và sự trải nghiệm để có
thể chèo lái được công ty ở đây, không những chỉ ở mức độ là một công
ty trong nước, mà còn là thành phần của một tập đoàn toàn cầu.
Trong
lĩnh vực CNTT-TT, đội ngũ lãnh đạo của các tập đoàn trên thế giới tại
Việt Nam ngày càng có nhiều người Việt, như công ty Intel, Oracle, HP,
Yahoo, IBM, Lenovo... Anh nhận xét gì về xu hướng này?
Đó
thực sự là điều rất đáng mừng. Nguồn nhân lực là lợi thế lớn cho chúng
ta trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, một điều chúng ta đang còn yếu là không
có nhiều người có kinh nghiệm, được tham gia vào những công ty, những tổ
chức nước ngoài lớn, nắm được cách điều hành, quản lý, kinh doanh theo
phương thức hiện đại và theo chuẩn mực quốc tế. Vì thế, nếu ngày càng có
nhiều lãnh đạo các công ty nước ngoài tại Việt Nam là người Việt Nam
chứng tỏ chúng ta đã và đang làm cho khoảng cách giữa những người trẻ,
đầy nhiệt huyết, được đào tạo một cách chính quy, đầy đủ và những người
có được sự trải nghiệm về việc thực hiện lãnh đạo công ty được thu hẹp.
Đó cũng chính là điều chúng ta cần có để đảm bảo một vị thế cạnh tranh
của Việt Nam trong quá trình hội nhập và cạnh tranh, trong một thế giới
phẳng như ngày nay.
Anh
từng thừa nhận mình là một người quá nguyên tắc và nhiều khi trở thành
cứng nhắc. Điều này liệu có mâu thuẫn với sự linh hoạt trong kinh doanh
và uyển chuyển trong công tác lãnh đạo?
Nguyên
tắc và cứng nhắc không có nghĩa rằng là không mềm dẻo trong kinh doanh.
Cứ nhìn vào sợi mây, tại sao nó mềm dẻo đến vậy, tại sao nó không gãy,
đó là bởi nó có một cốt lõi (core) rất tốt. Nguyên tắc của bất cứ một
con người nào cũng vậy thôi. Ai cũng có một tập hợp các nguyên tắc cơ
bản. Nếu bây giờ anh thay đổi tập hợp đó thì anh sẽ trở thành một con
người khác. Cho nên bất cứ một ai cũng phải có một cái cốt lõi, một tập
hợp các nguyên tắc. Và chính cái cốt lõi đó cho phép người ta có được sự
sáng tạo và mềm dẻo trong kinh doanh, nhưng đồng thời cũng không làm
mất đi bản chất của mình. Điều đó không có gì là mâu thuẫn cả.
Vậy nguyên tắc của anh là gì?
Tôi
có nhiều nguyên tắc và có những nguyên tắc rất đơn giản. Đầu tiên là
chân thành và thật thà. Tôi nhớ hồi 6 tuổi bị mẹ đánh một trận rất đau
vì tội nói dối và sau đó thì mình chừa. Đối với đứa trẻ con nguyên tắc
là không được nói dối và phải thật thà, thì đối với người làm kinh doanh
đó là sự trước sau như một. Tại Tập đoàn IBM, người ta hay dùng chữ
“integrity” - đó là tính toàn vẹn trong suy nghĩ và trong hành động của
mình. Trong 10 năm làm việc, tôi nghĩ lý do tại sao mình có thể tồn tại
và phát triển được tại IBM là nhờ có những nguyên tắc như vậy.
Anh
đã gắn bó với IBM được hơn 10 năm. Với một công ty đa quốc gia trong
lĩnh vực CNTT, không nhiều người có được thâm niên như anh. Điều gì đã
khiến anh gắn bó với IBM lâu đến vậy?
Cho
đến ngày hôm nay, sau gần 12 năm làm việc tại IBM tôi thấy khả năng, cơ
hội để học hỏi, phát triển bản thân không bao giờ hết. Tại IBM, bạn có
cơ hội thử sức với nhiều công việc khác nhau, bạn không muốn làm bán
hàng có thể sang làm marketing, không muốn làm marketing có thể sang làm
kỹ thuật, không muốn làm kỹ thuật có thể sang làm tài chính kế toán. Cơ
hội không bao giờ hết và bạn sẽ không bao giờ thấy nhàm chán.
Ở
IBM có một câu thường được mọi người nhắc đến là “điều duy nhất không
thay đổi đó là sự thay đổi”. Nhiều người bạn cùng trang lứa với anh đã
đứng ra làm chủ doanh nghiệp. Liệu đến một lúc nào đó, anh sẽ gây dựng
cho mình một cơ nghiệp riêng?
Đúng,
chuyện thay đổi là không thể tránh được. Nhưng thay đổi để làm chủ ư?
Bạn nghĩ làm Tổng giám đốc tập đoàn IBM tại Việt Nam với làm chủ một
doanh nghiệp có gì khác nhau không? Ngày hôm nay tôi phải chịu trách
nhiệm về sự phát triển của công ty, tạo cho các nhân viên của IBM động
lực để làm việc, cống hiến cho công ty. Những điều đó không khác xa lắm
với nỗi lo của mọi ông chủ doanh nghiệp thôi. Ngược lại, nếu một ông chủ
nghĩ rằng làm chủ sướng hơn đi làm thuê thì thực sự cũng chưa chắc đã
như vậy. Nếu một ông chủ thực sự tâm huyết với công việc thì ông ấy sẽ
làm tất cả những việc như tôi đang làm. Còn những người đi làm thuê nếu
tâm huyết với công việc thì họ cũng như là một ông chủ rồi. Không có gì
khác biệt cả!
IBM
đang thay đổi, chuyển từ một “công ty máy tính” sang một tập đoàn
chuyên về phần mềm, dịch vụ và tư vấn. Vậy triết lý và mô hình kinh
doanh của IBM có thay đổi?
Không
có gì thay đổi trong triết lý kinh doanh của IBM. Trong suốt mấy chục
năm tuổi đời của tập đoàn, chúng tôi luôn có 3 giá trị cốt lõi (core
value): Thứ nhất là “hết lòng vì sự thành công của khách hàng”; Thứ hai
là “đổi mới và sáng tạo cho công ty và cho thế giới”; và Thứ ba là
“nhiệt tình và đầy tinh thần trách nhiệm”.
Anh
có lời khuyên nào dành cho các CEO trẻ của Việt Nam trong bối cảnh môi
trường kinh doanh và công nghệ đang ngày càng biến đổi mạnh mẽ, cạnh
tranh ngày càng quyết liệt? Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang và
sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như
ngành công nghiệp CNTT Việt Nam nói riêng?
Nếu
nói là lời khuyên thì quá lớn (cười). Nhưng, tôi muốn nhắc lại điều mà
Sam Palmisano, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của IBM, đã từng nói:
“Có thể khủng hoảng sẽ mang lại cơ hội”. Tuy nhiên, một lần nữa vẫn là 2
mặt của một vấn đề. Có người nhìn cốc nước và nói là cốc nước bị vơi
một nửa và có người nói là đầy một nửa. Nếu mọi người đều cùng nhìn một
vấn đề một cách bi quan và cố gắng thu vén hay giữ lại những gì mình có
thì tôi nghĩ chúng ta khó mà có thể thoát ra khỏi tình trạng suy thoái
một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu trong khó khăn, mọi người cùng gắng
sức và chung tay vượt qua, thì thời gian suy thoái có thể sẽ được rút
ngắn.
Gần
đây, tôi có đọc một số báo cáo và đánh giá về thị trường khác nhau. Tôi
không dám nói về các thị trường khác và các ngành công nghiệp khác,
nhưng với ngành CNTT ở Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương, mọi người
vẫn đánh giá là đang trên đà phát triển. Tốc độ phát triển ở mức độ có
thể nói là đáng ghen tị với các nền kinh tế khác, kể cả trong thời kỳ mà
họ chưa bị khủng hoảng. Công ty phân tích thị trường Springboard
Research đã đánh giá tốc độ phát triển CNTT năm 2009 ở châu Á - Thái
Bình Dương là 7,1%. Nếu nhìn vào các nền kinh tế khác ở Nhật, Mỹ, châu
Âu, đặc biệt là Tây Âu, thì tốc độ phát triển của họ trong thời kỳ chưa
suy thoái chưa chắc đã nhanh như vậy...
Điều
này sẽ tạo ra một số xu hướng mới cũng như dẫn đến sự lụi tàn của một
số xu hướng không còn phù hợp. Nhìn chung, CNTT sẽ được chú trọng nhiều
hơn trong thời gian tới. Và với những xu hướng như vậy, bạn có thể thấy
IBM đều có câu trả lời cho họ. Việt Nam so với châu Á - Thái Bình Dương
cũng không phải là ngoại lệ.
Cảm ơn anh!
Lê Minh thực hiện
Nguồn: Báo Bưu điện Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét