Phạm vi của hoạt động "học tập suốt đời" rất rộng lớn, nó không chỉ là những hoạt động học tập có tổ chức, mang ý đồ nhất định trong giáo dục nhà trường và xã hội mà bao gồm cả các hoạt động văn hóa, thể thao theo sở thích, giải trí và các hoạt động tình nguyện... Địa điểm của những hoạt động học tập kiểu này cũng rất phong phú và đa dạng, đó là các trường tiểu học, trung học, đại học, các trung tâm công cộng địa phương, thư viện, viện bảo tàng, nhà văn hoá-thể thao và các công ty, xí nghiệp... Có thể nói, việc đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời có một ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là: không ngừng nâng cao các kỹ năng và kinh nghiệm cho bản thân mỗi người học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Vào đầu những năm 1980, khái niệm “xã hội học tập suốt đời” đã được nhắc đến ở Nhật Bản lần đầu tiên. Trải qua hơn 20 năm cải cách và phát triển giáo dục, đến nay công cuộc xây dựng “xã hội học tập suốt đời” ở Nhật Bản đã thu được một số thành quả như: xoá đi căn bệnh xã hội bằng cấp, làm thay đổi cách nhìn về "năng lực", không dựa vào học lịch, bằng cấp một cách hình thức, máy móc, mà kết quả học tập ở mỗi giai đoạn cuộc đời được đánh giá một cách công bằng, thích đáng hơn. Mặt khác, nằm trong chiến lược xây dựng “xã hội học tập suốt đời”, hệ thống giáo dục bên ngoài trường học chính quy phát triển đã đáp ứng tối đa nhu cầu học tập đa dạng của xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần và tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống của nhân dân Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở đó, “giáo dục suốt đời” còn góp phần quan trọng cùng với hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường tiếp tục nâng cao dân trí, không ngừng cung cấp những tri thức, kỹ thuật mới làm công cụ để phát triển đất nước.
Ở Việt Nam ta, gần đây khái niệm “xã hội học tập suốt đời” bắt đầu được nhắc đến như một khái niệm vẫn còn rất mới mẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, các nhà giáo dục Việt Nam không thể bỏ qua một xu thế phát triển tất yếu của nền giáo dục, đó là xã hội hóa giáo dục, xây dựng một “xã hội học tập suốt đời” làm nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước. Học tập kinh nghiệm của các nước đã thành công trong lĩnh vực này như Nhật Bản là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Việt Nam.
1. Khái niệm “xã hội học tập suốt đời”
Ngày nay, hầu như các quốc gia trên Thế giới đều có quan điểm chung về vấn đề giáo dục và học tập: đó là việc học tập của mỗi con người không thể đặt dấu chấm hết ngay sau quá trình học tập tại nhà trường phổ thông khi họ còn trẻ, mà phải được duy trì trong suốt cuộc đời của họ. Cũng có những quốc gia đã sớm đưa ra được những chính sách cụ thể để xây dựng “xã hội học tập suốt đời” như nước Anh. Cũng có những quốc gia lại tiến hành công cuộc xây dựng xã hội học tập suốt đời từ mục tiêu tăng cường đào tạo nghề, nhằm đối phó với nạn thất nghiệp như ở Mỹ và một số nước châu Âu. Còn ở Nhật Bản, quan niệm về nội dung “học tập suốt đời” tương đối rộng rãi, và các thể chế để xây dựng “xã hội học tập suốt đời” cho đến nay vẫn đang được thẩm định và hoàn thiện.
Ở Nhật Bản, “học tập suốt đời” có ý nghĩa là toàn bộ những hoạt động học tập trong suốt cuộc đời của một con người, bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động ngoại khóa nhằm giải tỏa căng thẳng (recreation), các hoạt động tình nguyện, hoạt động đào tạo trong công ty, xí nghiệp và các hoạt động học tập khác được tiến hành theo sở thích và tại các địa điểm đa dạng. Còn “xã hội học tập suốt đời” được quan niệm là xã hội mà “mọi người có thể tự do lựa chọn cơ hội học tập ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, và thành quả học tập đó được công nhận một cách thích đáng[1]”.
Về vấn đề cần thiết phải xây dựng “xã hội học tập suốt đời” ở Nhật Bản, có thể thấy một số lý do như sau:
Thứ nhất, để thích nghi được với sự thay đổi của nền kinh tế, xã hội, mỗi người cần phải không ngừng học tập những tri thức và kỹ thuật mới. Xây dựng một nền tảng cơ sở đáp ứng một cách chính xác những nhu cầu học tập này, để mỗi cá nhân có thể thực hiện việc “học tập suốt đời” không chỉ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tri thức và trình độ học vấn của mỗi cá nhân, mà còn là đào tạo nguồn nhân lực, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, ở Nhật Bản hiện nay tồn tại vấn đề “xã hội già hóa”. Đặc trưng của xã hội già hóa là thời gian nhàn rỗi trong dân chúng tăng lên, và vì vậy, cũng nảy sinh nhu cầu học tập nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần và tăng thêm ý nghĩa cuộc sống. Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập như vậy không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân có nhu cầu học tập, mà còn có ý nghĩa đối với toàn xã hội như: nâng cao môi trường văn hóa địa phương, kêu gọi sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động xã hội cũng như thực hiện được một nền giáo dục toàn diện đối với thanh, thiếu niên.
Thứ ba, việc xây dựng một xã hội có khả năng đánh giá năng lực của từng con người không phải qua bằng cấp mà qua những thành quả học tập rất phong phú trong suốt cuộc đời của họ còn là một bộ phận quan trọng của chương trình cải cách giáo dục đang được Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản tiến hành với mục tiêu xóa bỏ những tàn dư, ảnh hưởng tiêu cực của xã hội bằng cấp trước đây.
Tháng 6-2005, Ủy ban giáo dục Trung ương đã đề ra “Kế hoạch phát triển học tập suốt đời hướng tới một thời đại mới”. Hiện tại, Hội Phân khoa học tập suốt đời[2] đang tiến hành thẩm định các đối sách cụ thể nhằm chấn hưng các hoạt động học tập trong cuộc sống thường ngày của nhân dân và hoàn thiện môi trường giáo dục trẻ em tại gia đình và địa phương.
Cho đến nay, Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản vẫn không ngừng phát triển các cơ sở đào tạo tại các trường đại học, mở rộng cơ hội học tập cho đối tượng người trưởng thành (người lớn), phát triển mô hình đào tạo đại học từ xa qua phương tiện phát thanh truyền hình, mở rộng các hình thức và cơ hội học tập thông qua hệ thống giáo dục xã hội. Mặt khác, các cơ chế, chính sách nhằm xây dựng “xã hội học tập suốt đời” cũng đang được kiến thiết.
2. Bối cảnh xây dựng “xã hội học tập suốt đời” ở Nhật Bản
2.1. Sự căng thẳng trong cuộc sống nhà trường và yêu cầu đổi mới về phương pháp học tập:
Vào những năm 1980, những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội bằng cấp ở Nhật Bản đã in dấu ấn sâu đậm lên cuộc sống nhà trường của trẻ em ở mức độ báo động. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, vào năm 1983 có tới 3.547 vụ bạo lực học đường xảy ra tại các trường THCS, 768 vụ tại các trường THPT. Con số này đã tăng đột biến vào năm 1996 với 8.169 vụ xảy ra tại các trường THCS, 2.406 vụ tại các trường THPT[3]. Năm 2001, lần đầu tiên kể từ năm 1997, số vụ bạo lực học đường có xu hướng giảm xuống sau nhiều năm liên tục tăng (con số thống kê không so sánh được vì kể từ năm 1997, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thực hiện cách tính mới[4]). Tình trạng bắt nạt bạn (ijime), nghỉ học trên 30 ngày trong một năm và bỏ học cũng ở mức độ đáng quan ngại. Năm 2001, có tới 25.037 vụ trêu chọc, bắt nạt xảy ra trong 8.085 trường tiểu học, THCS và THPT công lập[5]. Cũng trong cùng năm, số học sinh không đến trường được thống kê là 138.722 người, chiếm 1,2% tổng số học sinh ba cấp. Số học sinh bỏ học tại các trường THPT là 104.894 người, chiếm 2,8% số học sinh cấp ba trên toàn nước Nhật. Ngoài ra, số trẻ vị thành niên phạm tội hình sự được Sở cảnh sát thống kê vào năm 2001 là 138.654 người, chiếm 16% dân số trẻ em cùng độ tuổi[6]. Nguyên nhân của tình trạng này do nhiều vấn đề phức tạp đan xen, trong đó nổi bật là các vấn đề giáo dục trong nhà trường. Đó là sự thiếu hợp lý của hệ thống giáo dục nhà trường vốn chỉ tập trung vào vấn đề thi cử nhằm phục vụ cho việc tuyển chọn nhân sự, nghề nghiệp. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm, dẫn đến sự căng thẳng trong cuộc sống nhà trường. Sức ép nặng nề trước mỗi kỳ thi cử, cộng với việc đánh giá năng lực con người phiến diện, thiếu công bằng vì chỉ dựa trên điểm bài thi đã dẫn đến tâm lý chán học hoặc nổi loạn trong giới học sinh. Tất nhiên, ngoài yếu tố giáo dục trong nhà trường, còn một số nguyên nhân khác như: tỉ lệ sinh con thấp và tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng các sân chơi dành cho trẻ em, cũng như môi trường sinh hoạt giao tiếp giữa chúng. Công nghệ thông tin phát triển, bên cạnh những mặt tích cực do những tiện ích mà nó đem lại, còn một số ảnh hưởng tiêu cực như tạo cơ hội để trẻ em tiếp xúc quá sớm và dễ dàng với các yếu tố bạo lực và tình dục trên mạng internet... Theo điều tra của Bộ Khoa học Giáo dục vào tháng 10-2001, số trẻ em Nhật Bản sở hữu những thiết bị điện tử ở mức độ khá cao so với các nước trên Thế giới.
Bảng 1: Tình hình sở hữu các thiết bị điện tử của trẻ em Nhật Bản
Nguồn: “Điều tra về ý thức và cuộc sống của học sinh trung học” (Điều tra do Sở Nghiên cứu thanh thiếu niên Nhật Bản tiến hành từ tháng 10-2001 đến tháng 3-2002). Sách trắng giáo dục 2002, tr.40.
Học sinh tiểu học năm thứ 3 | Học sinh tiểu học năm thứ 5 | Học sinh THCS năm thứ 2 | Học sinh THPT năm thứ 2 | |
Tivi | 39,8% | 44,1% | 59,2% | 66,6% |
Điện thoại di động | 11,2% | 12,4% | 24,9% | 78,1% |
Máy tính xách tay | 23,6% | 28,2% | 33,6% | 38,8% |
Trò chơi điện tử qua tivi | 65,7% | 74,3% | 78% | 72% |
Trò chơi điện tử cầm tay | 71.0% | 77,3% | 72,9% | 52,8% |
Bảng 2: Tự đánh giá bản thân
Nguồn: “Điều tra về ý thức và cuộc sống của học sinh trung học” (Điều tra do Sở Nghiên cứu thanh thiếu niên Nhật Bản tiến hành từ tháng 10-2001 đến tháng 3-2002). Sách trắng giáo dục 2002, tr.41.
Nhật Bản | Mỹ | Trung Quốc | |
Đôi khi cảm thấy mình là người không có ích | 19,1% | 12,8% | 9,2% |
Tự hài lòng với bản thân mình | 9,4% | 53,5% | 24,3% |
Cảm thấy mình có giá trị hơn người khác | 8,8% | 51,8% | 49,3% |
Lên kế hoạch và cảm thấy mình có đủ tự tin để đạt được kế hoạch đã đề ra | 9,8% | 54,2% | 32,8% |
Nghĩ rằng mình chẳng có gì đáng để tự hào | 14,9% | 9,1% | 10,2% |
Như vậy, một yêu cầu mới được đặt ra là phải đổi mới không khí học tập trong nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy từ nhồi nhét kiến thức theo kiểu luyện thi sang hình thức giảng dạy gắn với thực tiễn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, giảm sự căng thẳng trong cuộc sống nhà trường bằng cách giảm nội dung và thời lượng các giờ học. Chế độ học 5 ngày/tuần bắt đầu được thực hiện thí điểm từ tháng 9-1992 mỗi tháng thực hiện 1 tuần, từ tháng 4-1995 mỗi tháng 2 tuần và thực hiện toàn phần vào năm 2002. Trên cơ sở Chế độ học 5 ngày/tuần được thực hiện, nhiều Dự án và Kế hoạch tăng cường các hoạt động “thể nghiệm cuộc sống”, các chương trình sinh hoạt văn hóa thể thao, lao động tình nguyện... dành cho trẻ em đã được tích cực thực hiện tại các địa phương, tạo không khí sôi nổi cho việc xây dựng “xã hội học tập suốt đời” ở Nhật Bản.
2.2. Yêu cầu nâng cao ý thức làm việc và thực hiện tái đào tạo đối với bộ phận thanh niên làm việc tự do (Freeter) và không có việc làm (Nit):
Những năm gần đây, xã hội Nhật Bản sửng sốt bởi tỉ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới 10%[7], và một phần trong số này là những thanh niên thất nghiệp một cách tự nguyện mà danh từ chuyên môn gọi họ là “Nit”. Số thanh niên làm việc tự do, làm thêm, không có nghề nghiệp ổn định (Freeter) cũng lên tới hơn 2 triệu người.
Freeter (được ghép từ chữ Free - tự do trong tiếng Anh và Arbeiter - công nhân trong tiếng Đức) là thuật ngữ chỉ những người ở độ tuổi từ 15-34, đã tốt nghiệp một loại trường học nào đó, nếu là phụ nữ thì chưa kết hôn. Đặc điểm của họ là: ①Nếu hiện tại đang có việc làm thì vị trí của họ tại nơi tuyển dụng được gọi là “làm thêm”, “làm ngoài giờ”. ②Nếu là những người chưa có việc làm thì họ cũng không phải là người đang đi học hay nội trợ mà mục tiêu kiếm việc làm trong tương lai của họ là những việc kiểu như “làm thêm”, “làm ngoài giờ”. Năm 2004 toàn Nhật Bản có khoảng 2.130.000 freeter (theo bản Phân tích tình hình kinh tế lao động tại Nhật Bản)[8].
Nguyên nhân trở thanh freeter của một bộ phận thanh niên Nhật Bản là do quan niệm về công việc của họ đã thay đổi. Họ không muốn “cật lực lao động trong các đoàn thể nghiêm khắc truyền thống của các tập đoàn sản xuất cho tới khi được bù đắp bằng hình thức phúc lợi hậu hĩnh” như thế hệ cha anh họ. Ngược lại, họ chỉ muốn “làm việc vừa đủ, nhưng lại vui chơi hết mức có thể”[9].
Nit là từ viết tắt của “Not in Education, Employment or Training”, chỉ những người không nghề nghiệp, không đi học và cũng không có ý định kiếm việc làm. Bộ Lao động Nhật Bản đưa ra khái niệm về họ là: những thanh niên có độ tuổi từ 15-34, nằm trong thống kê về dân số không đi học và không làm công việc nội trợ trong nhà. Năm 1993 Nhật Bản có 400.000 Nit, năm 2004 đã tăng lên thành 640.000 người (Phân tích tình hình kinh tế lao động tại Nhật Bản, 2005)[10].
Năm 2005, đầu tư cho việc thực hiện các chính sách giáo dục đối với bộ phận thanh niên không có việc làm mà người ta thường gọi là Nit, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thực hiện cuộc điều tra phỏng vấn đối với họ. Phỏng vấn được thực hiện với 33 người ở tình trạng không có nghề nghiệp hoặc tình trạng tương từ, tuổi từ 18 đến 36, thu được kết quả như sau:
1) Đối với những người đã từng là nhân viên chính thức tại các công ty, phần nhiều trường hợp do áp lực quan hệ con người, gây căng thẳng tâm lý dẫn đến tình trạng nghỉ việc và trở thành Nit.
2) Đã trúng tuyển vào học tại một trường nào đó, nhưng do nhập học mà chưa xác định được mục đích học, hoặc trong quá trình học cảm thấy nội dung học tập không phù hợp, do đó bỏ học giữa chừng, đành phải “làm thêm” tạm một thời gian và sau đó trở thành Nit. Cũng có trường hợp đã được tuyển dụng, nhưng do được tuyển quá dễ dàng nên chán, bỏ việc, đã từng “làm thêm” và cuối cùng trở thành Nit.
3) Có người do nghỉ học quá dài dẫn đến bỏ học.
4) Có những trường hợp Nit chịu áp lực của một nền giáo dục gia đình hà khắc. Nhưng so sánh với sự nghiêm khắc trong giáo dục con cái, thì những bậc cha mẹ của họ lại quá dễ dãi đến mức phó thác hoàn toàn việc học lên và lựa chọn công việc cho họ. Những người này do đã quen phụ thuộc vào sự sắp đặt của cha mẹ trong gia đình, nên khi bị “ném” ra ngoài xã hội, trở nên mất phương hướng, không thể và cũng không muốn tìm việc làm.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra thực hiện đối với những cơ quan, đoàn thể đang tiến hành trợ giúp đối với Nit cho thấy: đối với Nit - những người thất nghiệp do thiếu ý thức lao động, ngoài bản thân và gia đình thì vai trò của người thứ ba cũng rất cần thiết. Họ cần những sự giúp đỡ hết sức cụ thể, họ cần ra ngoài tiếp xúc với những cơ hội và những hoạt động mang tính xã hội. Vì vậy, phương pháp dự phòng được đề ra là: ngay từ trong giai đoạn học phổ thông, cần phải đẩy mạnh các cơ hội được thực tập, thể nghiệm việc làm tại công sở, nhà máy, xí nghiệp nhằm bồi dưỡng ý thức lao động đúng đắn cho trẻ em..., mặt khác nhanh chóng có những biện pháp giúp đỡ những học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng. Còn đối với bộ phận thanh niên Freeter, cần phải thực hiện tái đào tạo đối với họ, tạo điều kiện cho họ được đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở giáo dục bậc cao, vì hầu hết những người này đều đã tốt nghiệp trường cấp ba hoặc đại học. Đây cũng là những tiền đề cơ bản để các địa phương lập kế hoạch “xây dựng xã hội học tập suốt đời”, trong đó một phần quan trọng của kế hoạch là “giúp đỡ thanh, thiếu niên nâng cao tính tự lập và ý thức làm việc”.
2.3. Nhu cầu học tập của người đang làm việc:
Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi người lao động phải không ngừng học tập những tri thức, kỹ thuật mới, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Để đáp ứng một cách thích đáng nhu cầu học tập của người lao động trong giai đoạn này, năm 2005 Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản đã tiến hành điều tra về “Thực trạng các hoạt động học tập của toàn dân”[11]. Cuộc điều tra nhằm tìm hiểu các điều kiện cần thiết để người đang đi làm có thể thực hiện được các hoạt động học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp, cũng như nắm bắt được nhu cầu học tập của họ và nguyên nhân đang gây cản trở đối với các hoạt động này, đồng thời cũng tìm hiểu những yêu cầu về điều kiện vật chất tại các cơ sở giáo dục dành cho họ.
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy: đối với người đang đi làm và sinh viên đại học, các môn học thêm chiếm tỷ lệ cao là “tin học”, “giao tiếp” và “ngôn ngữ”..., trong đó môn “tin học” được 76,8% số người được hỏi đánh giá là “rất có ích”.
Kết quả điều tra cũng cho biết vẫn còn tồn tại tình trạng “có nhu cầu học nhưng không thể thực hiện được”. Nguyên nhân chính là: “không có thời gian rỗi” (số người trả lời: 62,7%), “học phí và giáo trình đắt quá” (49,1%) đều là những nguyên nhân thuộc về mặt thời gian và tình hình tài chính. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: “chưa có động cơ và mục đích học” (34,9%), “không có hứng thú học” (34,7%), “không biết bắt tay vào học như thế nào” (23,1%).
Nếu phân tích các nguyên nhân này theo đối tượng nghề nghiệp thì có thể thấy: với các nhân viên làm việc chính thức tại công ty thì lý do thuộc về mặt thời gian, với nhân viên thực tập thì lý do là về mặt tài chính, còn đối với nhân viên hợp đồng ngắn hạn, những người chưa có nghề nghiệp hoặc học sinh, sinh viên thì vấn đề nằm ở “động cơ, mục đích học”. Đó là những nguyên nhân chính cản trở việc học tập của họ.
Điều tra về các cơ sở giáo dục cho biết, người dân kỳ vọng ở các cơ sở đào tạo bậc cao (tiêu biểu là các trường đại học) về “chương trình đào tạo hoàn thiện không chỉ về mặt nội dung kiến thức, kỹ năng mà còn về mặt phương pháp luận, phương pháp tư duy” hay “giáo dục cần gắn với thực tiễn”.... Nói tóm lại, vấn đề tri thức chuyên môn được phát huy như thế nào trong thực tiễn công việc hiện đang là vấn đề được quan tâm. Bên cạnh đó, đối với các cơ sở giáo dục xã hội, vấn đề chủ yếu được đề cập đến là: “Cần phải hoàn thiện hệ thống giáo trình học và thư viện”, “mở rộng thời gian học tập” (như tăng thêm số buổi học...), “hoàn thiện môi trường và điều kiện sử dụng internet”. Đặc biệt, kết quả điều tra còn cho thấy đối tượng học viên yêu cầu “hoàn thiện hệ thống internet chủ yếu là thanh niên độ tuổi từ 20-30, những người kinh doanh nhỏ, nhân viên công ty loại tập việc và sinh viên...
Kết quả điều tra này được sử dụng tại Hội phân khoa học tập suốt đời - Ủy ban giáo dục Trung ương để hoàn thiện hơn nữa các đối sách cho việc phát triển “xã hội học tập suốt đời”.
2.4. Xã hội già hóa và nhu cầu học tập của người cao tuổi:
Xã hội già hóa là vấn đề mà Nhật Bản chủ định đối mặt và từng bước có biện pháp giải quyết ngay từ những năm 1990. Nếu như vào năm 1998, tỉ lệ người già ở Nhật Bản đã ở mức 16,2% thì vào năm 2002 tỉ lệ này đã tăng lên chiếm 25% dân số[12]. Con số người già tăng nhanh không những làm tăng gánh nặng chi phí phúc lợi xã hội về y tế, tiền lương hưu..., mà còn làm nảy sinh những vấn đề khác về mặt văn hóa, tinh thần của xã hội. Chính vì vậy, để xây dựng một sức sống mới phong phú cho xã hội già hóa, song song với việc thực hiện chế độ tuyển dụng đối với người trung-cao niên, cần phải tạo cho họ cơ hội được học tập để có thể nâng cao trình độ nghề nghiệp, tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới. Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động tình nguyện, các hoạt động học tập theo sở thích cũng giúp cho người già có thể tham gia đóng góp cho xã hội, làm cho họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Hiện nay, cơ sở giáo dục xã hội tiêu biểu dành cho người già ở Nhật Bản là các Nhà sinh hoạt địa phương (kominkan). Tại đây, thường xuyên tổ chức các lớp học, khóa học dành cho người cao tuổi và các buổi giao lưu giữa các thế hệ thanh, thiếu niên với người cao tuổi. Ngoài ra, “Diễn đàn người cao tuổi toàn quốc tham gia vào các hoạt động xã hội” được tổ chức hàng năm cũng là một cơ hội để quần chúng nhân dân cùng suy nghĩ về vai trò của người già trong xã hội. Và, từ năm 2002, cơ chế liên kết các tổ chức hành chính và tổ chức phi chính phủ NPO đã được xây dựng tại các địa phương với mục đích khuyến khích người già tham gia vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương, đồng thời triển khai các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa trẻ em và người cao tuổi.
Như vậy, có thể nói, tình trạng xã hội già hóa nhanh chóng cũng là một động cơ thúc đẩy công cuộc xây dựng “xã hội học tập suốt đời” ở Nhật Bản.
2.5. Sự cần thiết phải thay đổi từ “xã hội bằng cấp” sang mô hình “xã hội học tập suốt đời”:
Vào những thập kỷ 1970-1980, ở Nhật Bản bùng nổ hiện tượng học thêm với quan niệm “để thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng, cần phải được học tập tại những trường phổ thông cấp 3 hàng đầu, và để vào học được tại các trường cấp 3 hàng đầu, cần phải thi đỗ vào các trường tiểu học và trung học hàng đầu”, cứ như vậy cuộc cạnh tranh thi cử cuốn vào vòng xoáy của nó cả những trẻ em còn đang tuổi mẫu giáo. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, vào năm 1985, có tới 16,7% trẻ em mẫu giáo đi học tại các lớp học thêm luyện thi vào trường tiểu học[13]. Tất nhiên, không phải những trẻ em này tự mình muốn tham gia vào các cuộc đua tranh thi cử khắc nghiệt mà chính là cha mẹ họ với suy nghĩ “thành công ở nhà trường là thành công ở cuộc đời, mảnh bằng là tờ hộ chiếu vào các hãng lớn, là điều kiện để có công ăn việc làm suốt đời ở đó[14]”. Thậm chí đã có cả “cuộc thi vấn đáp dành cho các bậc phụ huynh” khi con họ chuẩn bị thi vào các trường tiểu học. Xã hội bằng cấp đã đẻ ra những hiện tượng nực cười như vậy. Tất nhiên, đằng sau những điều nực cười là hàng loạt các hiện tượng đau lòng như: stress, nạn bắt nạt, tự tử vì học tập căng thẳng hoặc vì bị bạn bắt nạt, chán học, bỏ học, nổi loạn... trong giới học sinh.
Chính vì vậy, “xóa bỏ căn bệnh xã hội bằng cấp”, “thay đổi cách nhìn phiến diện đối với năng lực con người khi chỉ dựa trên những kỳ thi”, “xây dựng xã hội học tập suốt đời mà ở đó, người ta có thể chủ động học tập ở bất kỳ thời điểm nào cuộc đời, và thành quả học tập đó được công nhận một cách thích đáng” đã trở thành những nội dung quan trọng của cuộc Cải cách giáo dục đang được tiến hành ở Nhật Bản từ năm 1984 đến nay.
Ths. Ngô Hương Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Trích đề tài cấp Viện năm 2006, "Vấn đề xây dựng xã hội học tập suốt đời ở Nhật Bản".
(Đăng lại từ Website NCNB cũ).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét