Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Xây dựng xã hội học tập suốt đời ở Nhật Bản (phần 2: Nội dung)

2.1. Thể chế hành chính hỗ trợ thực hiện “xã hội học tập suốt đời”
“Học tập suốt đời” là một khái niệm hết sức rộng lớn, vì vậy, trách nhiệm thực hiện xây dựng “xã hội học tập suốt đời” không chỉ giới hạn ở một số cơ quan giáo dục như Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản, Ủy ban giáo dục Trung ương và các Ban giáo dục địa phương, mà phải bao gồm tất cả các tổ chức, đoàn thể công cộng địa phương, các cơ quan hành chính  địa phương, các cơ sở  đào tạo nghề, cơ sở giáo dục tư nhân... Việc thực hiện xã hội học tập suốt đời phải do những chủ thể đa dạng tiến hành bằng các hình  thức hết sức đa dạng.
Chính vì vậy, việc xây dựng được một thể chế, chính sách có thể đoàn kết và hợp tác giữa các cơ quan, đoàn thể và tổ chức trên là vô cùng cần thiết.

2.1.1. Cơ cấu tổ chức tại Bộ Khoa học Giáo dục.
Tại Bộ Khoa học giáo dục Nhật Bản, ngoài việc thiết lập Cục chính sách học tập suốt đời, Uỷ ban giáo dục Trung ương còn thành lập Hội phân khoa học tập suốt đời có trách nhiệm tiến hành điều tra, thẩm định những vấn đề cần thiết liên quan đến việc xúc tiến xây dựng “xã hội học tập suốt đời”.
Ngoài ra, Bộ Khoa học Giáo dục đã thành lập Phòng Phát triển giáo dục tư nhân trực thuộc Cục chính sách học tập suốt đời với tư cách là một “cửa sổ” chi viện cho các hoạt động học tập suốt đời tại các cơ sở giáo dục tư nhân. Mặt khác, với mục tiêu hỗ trợ cho Phong trào phát triển khu vực tại các thành phố, làng mạc, thị trấn thông qua phát triển các phong trào giáo dục, văn hóa, thể thao tại địa phương, Phòng Hỗ trợ phát triển khu vực cũng được thành lập với cơ cấu bao gồm các cán bộ được điều chuyển từ Sở Văn hóa, Cục Thể thao và Thanh thiếu niên, Cục Giáo dục bậc cao, Cục Giáo dục bậc Sơ, Trung và trọng tâm là Cục Chính sách học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, Tạp chí thông tin tổng hợp mang tên “Manabi” đã được phát hành, chuyên cung cấp thông tin về các chính sách và hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển xã hội học tập suốt đời. Song song với đó, Bộ Khoa học Giáo dục còn tiến hành các cuộc điều tra-nghiên cứu, in ấn và phát hành các “Tập chuyên mục” giới thiệu về hoạt động học tập suốt đời tại các địa phương. Ngoài ra, Ban giáo dục địa phương, các đoàn thể giáo dục xã hội tư nhân, tổ chức phi chính phủ NPO và các tập đoàn kinh tế cũng liên kết tổ chức các cuộc hội nghị và trao đổi ý kiến định kỳ về vấn đề này.

2.1.2. Cơ cấu tổ chức tại các địa phương.
①Tình hình chuẩn bị về cơ cấu tổ chức hành chính.
Cùng với việc thành lập Phòng quản lý học tập suốt đời tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, tính đến tháng 6-2005 tại 37 tỉnh thành trên toàn nước Nhật còn thành lập Hội Nghiên cứu phát triển học tập suốt đời với vai trò điều tra, thẩm định về các vấn đề liên quan đến việc xúc tiến xã hội học tập suốt đời tại các địa phương. Ngoài ra, ở hầu hết các thôn, làng đều có một Bộ phận phụ trách vấn đề học tập suốt đời.
②Kế hoạch phát triển học tập suốt đời
Tính đến tháng 6-2005, 43 tỉnh, thành phố của Nhật Bản đã xác lập được “Kế hoạch trung, dài hạn về vấn đề thúc đẩy học tập suốt đời”. Ngoài ra, có 1.350 thị trấn, thôn, làng cũng đã đề ra được Cơ sở và Kế hoạch cơ bản về vấn đề này. Hơn thế nữa, Phong trào xây dựng“Thành phố học tập suốt đời”được phát động tại nhiều địa phương, được đông đảo quần chúng  nhân dân ủng hộ. Hiện nay đã có 124 thành phố và thị trấn được công nhận danh hiệu này.
③Trung tâm xúc tiến học tập suốt đời
Ở hầu hết các địa phương Nhật Bản, cơ quan nòng cốt của phong trào xây dựng xã hội học tập suốt đời mang tên “Trung tâm xúc tiến học tập suốt đời” đã được thành lập. Mục tiêu hoạt động của trung tâm này là cung cấp thông tin, tổ chức tư vấn về các vấn đề liên quan đến học tập, tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân cũng như tiến hành tổ chức các Chương trình học tập. Tháng 6-2005 có 46 trung tâm như vậy tại các tỉnh, thành phố lớn và gần 400 cơ sở nhỏ tại các làng mạc, thị trấn.
④ “Hiệp hội thôn, làng, thị trấn học tập suốt đời” trên quy mô toàn quốc
Tháng 11-2005, “Hiệp hội thôn, làng, thị trấn học tập suốt đời” trên quy mô toàn quốc đã được thành lập với mục tiêu tạo một mạng lưới liên hệ, trao đổi nhân lực và kinh nghiệm, tăng cường sự liên kết giữa các địa phương đang tiến hành “xây dựng thành phố” (machidukuri) thông qua việc phát triển xã hội học tập suốt đời. Tính đến tháng 8-2005 đã có 175 thị trấn, thôn làng gia nhập vào Hiệp hội này.
⑤Phong trào “xây dựng khu vực” thông qua “phát triển tài nguyên con người”.
Để xúc tiến “xây dựng khu vực” thông qua “phát triển con người”, Cục Chính sách học tập suốt đời đã tiến hành tổ chức nghiên cứu, điều tra và phân tích các ví dụ thực tiễn đặc sắc về “xây dựng khu vực” tại các quốc gia tiên tiến, tìm hiểu vấn đề nâng cao năng lực quản lý cũng như cung cấp những số liệu cụ thể có liên quan. Đồng thời, Cục Chính sách học tập suốt đời còn phái các chuyên gia đến hướng dẫn, tư vấn nhằm tăng cường khả năng giúp đỡ, tư vấn của cơ quan trung ương đối với các thành phố, thôn, làng đang tiến hành công cuộc “xây dựng khu vực”.

2.2. Nội dung thực hiện xây dựng “xã hội học tập suốt đời”
2.2.1. Cải cách giáo dục nhà trường, mở rộng chức năng và thiết bị của trường học để phục vụ nhu cầu học tập của xã hội
Giáo dục nhà trường có vai trò quan trọng là “tạo dựng nền tảng cơ bản cho việc học tập suốt đời của một con người”[1]. Đặc biệt, giáo dục tiểu học và trung học là giai đoạn giúp cho mỗi con người hình thành năng lực cần thiết để phát triển sự nghiệp học tập trong các giai đoạn sau của cuộc đời, đồng thời cũng nuôi dưỡng ý thức và thái độ đối với việc học tập.
Hiện nay, giáo dục nhà trường đang được cải cách từ chương trình đến nội dung các môn học. Nội dung giáo dục được tinh lọc giảm 1/3 so với nội dung học cũ. Chương trình học trên lớp được giảm nhẹ, tăng các giờ học đạo đức, sinh hoạt ngoại khóa, tham quan dã ngoại, thực tập việc làm, tình nguyện giúp đỡ người già tại các nhà dưỡng lão... dưới tên gọi môn học “thể nghiệm cuộc sống”. Phương pháp giảng dạy cũng được cải tiến bằng việc xây dựng các giờ học lấy học sinh làm trung tâm, theo hình thức tự học. Mỗi học sinh phải tự quyết định mục đích của mình trong giờ học đó: “học cái gì?” và tự tìm kiếm phương pháp học tập: “làm thế nào để đạt được mục tiêu đã đề ra?”. Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn để học sinh tự học với hiệu quả cao nhất. Tóm lại, phương châm cải cách giáo dục nhà trường là: 1) Hướng tới một nền giáo dục có khả năng nuôi dưỡng những con người có trái tim nhân hậu; 2) Giáo dục ý thức tự học tập và khả năng chủ động ứng phó với những biến đổi của xã hội; 3) Từ giáo dục mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học đều chú trọng tới những nội dung giáo dục cơ bản, cần thiết để hình thành một công dân có ích cho xã hội, giáo dục chú ý phát huy cá tính của mỗi cá nhân.
Nhà trường, ngoài vai trò tạo dựng nền tảng cơ bản cho việc học tập suốt đời như vậy, còn có trách nhiệm cung cấp cơ hội học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi thành viên trong xã hội. Hình thức cung cấp “cơ hội học tập suốt đời”, nói một cách đơn giản, chính là cung cấp thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường cho mọi người dân được sử dụng, đồng thời tiếp nhận các đối tượng học viên là người đang đi làm hoặc những đối tượng khác không thuộc lứa tuổi học sinh được trở thành học viên chính quy học tập tại nhà trường. Đặc biệt, hiện nay các cơ quan giáo dục sau trung học như các trường cao đẳng, đại học đã liên tục mở các khóa học dành cho phụ nữ, người đang đi làm và người cao tuổi. Mỗi trường học đều phát huy cá tính của mình trong việc xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy và chế độ tuyển sinh linh hoạt.
- Cung cấp các thiết bị của nhà trường cho nhân dân địa phương sử dụng:
Vấn đề cung cấp thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường cho nhân dân địa phương đã được tiến hành ngay từ những năm 1970. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản về tình hình cung cấp thiết bị của các trường tiểu học, THCS và THPT thì vào năm 1984, đã có tới 84% trường tiểu học công lập mở cửa cho người dân sử dụng tự do sân vận động ngoài trời. Tại các trường THCS, con số này là 78% và tại các trường THPT là 45%. Đối với sân vận động có mái che, con số này là 86% tại các trường tiểu học, 81% trường THCS và 33% trường THPT. Ngoài ra, cũng có 358 trường đại học (chiếm 78% tổng số trường đại học) cho sử dụng sân trường và các thiết bị thể thao, số người sử dụng lên tới 1.770.000 người.
Tuy nhiên, so sánh với tỉ lệ sử dụng cho các hoạt động thể dục, thể thao như đã kể trên thì tỉ lệ sử dụng vì mục đích học văn hóa vẫn còn ở mức độ thấp. Hiện nay, chỉ có các trường đại học - với tư cách là những trung tâm thông tin của “xã hội học tập suốt đời” đang mở cửa cho người dân địa phương sử dụng thư viện. Năm 1984, có 454 trường đại học (chiếm 96% tổng số trường đại học) đã cung cấp thư viện cho người dân sử dụng. Số người đọc sách tại đây cũng lên tới 240.000 người[2].
- Tổ chức các Khóa học mở, các Trung tâm đào tạo đại học tự do tại các trường đại học:
Khóa học mở tại các trường đại học là nơi truyền bá trực tiếp đến xã hội các thành quả về giáo dục và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cung cấp cho người dân cơ hội được học tập kiến thức chuyên môn cao. Quan sát tình hình phát triển các Khoá học mở như vậy, có thể thấy tốc độ mở rộng nhanh chóng. Nếu như vào năm 1977 mới chỉ có 684 Khóa học mở được tổ chức, thì đến năm 1986 đã tăng lên đến 2.511 khóa học, và năm 2004 là 21.000 khóa học. Tương tự, số người học cũng tăng từ 81.000 người vào năm 1977, đến 330.468 người vào năm 1986 và 1.060.000 người vào năm 2004[3].
Bên cạnh đó, có một số Trung tâm đào tạo đại học tự do đã được mở tại một số trường đại học như Đại học Tohoku, Đại học Koshu... với chức năng chuyên tổ chức các Khóa học mở, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
- Thiết kế các Khóa học mở tại các trường cấp 3:
Những năm gần đây, không chỉ các trường đại học mà cả các trường THPT cũng trở thành một địa điểm cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân. Tại đây, các khóa học mở được tổ chức, đã thu hút sự tham gia của nhiều người dân. So sánh với con số 351 Khóa học mở được tổ chức tại các trường THPT vào năm 1980, thì năm 1986 đã tăng lên gấp 2,5 lần, thành 895 khóa học. Số người tham gia cũng tăng từ 15.000 người lên đến 32.000 người[4].

2.2.2. Hoàn thiện và phát triển hệ thống giáo dục xã hội
Trong những năm gần đây, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu xã hội, các giá trị quan, nhân sinh quan hành động của con người cũng thay đổi theo và trong bối cảnh đó, nhu cầu học tập của con người trong xã hội trở nên cao hơn, đa dạng hơn khiến cho vai trò của các lớp học, khóa học do các cơ sở giáo dục xã hội và Ban giáo dục địa phương tiến hành trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản đã tiến hành các Dự án thí điểm mà trong đó các cơ sở giáo dục xã hội như nhà văn hóa, thư viện, viện bảo tàng...  đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá nhằm  giải quyết các vấn đề về nhu cầu học tập của người dân địa phương. Đồng thời, qua việc phổ biến rộng rãi những thành quả thu được từ các dự án thí điểm này, nâng cao vai trò của hệ thống giáo dục xã hội.
Ngoài ra, các tổ chức công cộng của địa phương một mặt đẩy mạnh cung cấp cơ hội học tập cho nhân dân như: mở các khóa học tự do, các giờ giảng mở tại các trường đại học, các trung tâm văn hóa và các cơ sở công cộng địa phương, mặt khác cán bộ làm việc tại những cơ sở này cũng không ngừng đưa ra sáng kiến nhằm cung cấp các cơ hội học tập đa dạng, đáp ứng một cách linh hoạt và sáng tạo nhu cầu học tập của người dân địa phương. Có thể nói, chưa bao giờ việc hoàn thiện và phát triển các cơ hội học tập cũng như mạng lưới dịch vụ rộng lớn phục vụ cho việc học tập được xúc tiến mạnh mẽ như hiện nay.
Một số nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển hệ thống giáo dục xã hội phục vụ học tập suốt đời là:
- Củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo có chuyên môn tại các cơ sở giáo dục xã hội:
Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục xã hội hiện nay, có thể kể đến các cán bộ phụ trách các cơ sở giáo dục xã hội nằm trong thành phần Ban giáo dục địa phương, các chủ nhiệm nhà văn hóa, cán bộ thư viện (thủ thư), nghệ nhân phụ trách các cơ sở đào tạo nghề thủ công truyền thống, cán bộ trực tiếp tổ chức chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục xã hội và các cán bộ lãnh đạo của các tổ chức có liên quan đến giáo dục xã hội...
Ngoài các tổ chức công lập, cũng phải kể đến nguồn cán bộ làm công tác văn hóa, giáo dục tại các cơ sở tư nhân, những người cũng đã đóng góp nhiệt tình trong việc cung cấp địa điểm và cơ hội học tập hết sức đa dạng cho nhân dân địa phương.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục xã hội còn đóng vai trò trung tâm trong việc giúp đỡ cho các hoạt động học tập của nhân dân thông qua sự chỉ đạo, tư vấn có tính chuyên môn của họ đối với những cán bộ trực tiếp tiến hành hoạt động giáo dục xã hội, đồng thời chính họ cũng là người lên kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động hành chính giáo dục xã hội.
Hiện nay, vấn đề đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục xã hội đang được các Bộ, ngành hết sức quan tâm. Bộ Khoa học Giáo dục đã ủy thác cho Trung tâm Nghiên cứu thực tiễn giáo dục xã hội,  Viện nghiên cứu chính sách giáo dục Quốc gia và các trường đại học tiến hành hoạt động đào tạo chính quy, cung cấp tư cách (bằng công nhận) cán bộ lãnh đạo cơ sở giáo dục xã hội. Ngoài ra, Trung tâm này cũng mở các khóa đào tạo và thực tập mang tính chuyên môn cao dành cho cán bộ đang công tác tại các cơ sở giáo dục xã hội như thư viện, nhà văn hóa địa phương, cán bộ hành chính làm việc tại văn phòng Ban giáo dục địa phương...
Tháng 9-1998, trong bản đề cương xây dựng “Phương hướng quản lý hành chính giáo dục xã hội đối phó với tình hình thay đổi của xã hội”, Ủy ban học tập suốt đời đã đề cập đến sự cần thiết phải mở rộng cơ hội lấy bằng chuyên môn về quản lý cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan giáo dục xã hội nhằm phát triển, mở rộng các cơ sở giáo dục xã hội. Trên cơ sở đó, từ tháng 1-2000, Trung tâm Nghiên cứu thực tiễn giáo dục xã hội cũng bắt đầu thực hiện việc cung cấp thông tin (thông qua mạng lưới thông tin giáo dục) L-net về bộ môn Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo giáo dục xã hội với tư cách là một môn học của trung tâm này.
- Phát triển cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục xã hội:
Với tư cách là địa điểm học tập gần gũi nhất đối với người dân tại các địa phương, các cơ sở giáo dục xã hội như nhà văn hóa, thư viện, viện bảo tàng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức giáo dục của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Hiện nay, người dân đòi hỏi ở những cơ sở này dịch vụ học tập có chất lượng cao và phong phú.
Chính vì vậy, Bộ Khoa học Giáo dục đã đề ra “Kế hoạch phát triển giáo dục xã hội thế kỷ 21”, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục xã hội đóng vai trò trung tâm trong việc tiến hành từ khâu lập kế hoạch, thực hiện đến đánh giá kết quả để giải quyết các vấn đề học tập của người dân địa phương, đồng thời đi tiên phong trong việc phổ cập và phát triển sự nghiệp giáo dục xã hội.
*Nhà văn hóa (kominkan)
Nhà văn hóa địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp địa điểm giao lưu và học tập một cách gần gũi và dễ dàng nhất cho nhân dân địa phương. Tính đến tháng 10 năm 2002, có tổng cộng 17.947 nhà văn hóa địa phương trên toàn nước Nhật.


Bảng 3: Tình hình phát triển của các Nhà văn hóa địa phương[5]

Nhà văn hóa địa phương là nơi tổ chức các lớp học, khóa học, các buổi nói chuyện về những vấn đề thời sự trong nước, cung cấp cơ hội học tập phù hợp với tình hình địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân. Ngoài ra, nhà văn hóa địa phương còn là địa điểm cung cấp các dịch vụ tổng hợp cho cộng đồng địa phương, góp phần thu hút và phát triển nguồn lực con người, trong đó có đối tượng trẻ em và thanh, thiếu niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, trong “Tiêu chuẩn xây dựng và vận hành nhà văn hóa địa phương”, Bộ Khoa học Giáo dục đã nhấn mạnh vai trò linh hoạt của cơ quan này.
*Thư viện
Thư viện địa phương cũng là một cơ quan giáo dục xã hội có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng “xã hội học tập suốt đời”. Cụ thể, đây là nơi sưu tầm, chỉnh lý cũng như cung cấp các thông tin, tư liệu cần thiết để phục vụ nhu cầu học tập của người dân địa phương một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tính đến tháng 10-2002, Nhật Bản có con số thư viện địa phương lên tới 2.714 thư viện công lập và 28 thư viện tư lập[6]. Con số sách vở, tài liệu và người sử dụng thư viện cũng không ngừng tăng lên.
Tháng 7-2005, “Luật chấn hưng văn hóa đọc và viết” được ban hành, trong đó đã yêu cầu Chính phủ và các cơ quan địa phương thực hiện các biện pháp tích cực nhằm cải tiến cơ chế vận hành của các thư viện công, bổ sung thêm những cơ sở vật chất cần thiết để phát triển các thư viện này.
Tháng 9-2004, Bộ Khoa học Giáo dục đã tiến hành “Hội nghị bàn về vai trò và cơ chế vận hành của thư viện trong giai đoạn hiện nay”. Hội nghị đã xem xét phương thức hoạt động của các thư viện với tư cách là một địa điểm để học tập và cung cấp thông tin cho cư dân trong khu vực, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa đọc sách của trẻ em cũng như đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của người dân.
Ngoài ra, ngày 11-10-2005, Hội thảo “Thư viện kiểu mới ở tỉnh Tôt-tô-ri” đã được tiến hành với mục tiêu tìm hiểu về vai trò cũng như tính cần thiết của hoạt động thư viện. Các hoạt động khác nhằm phát triển hoạt động thư viện cũng được tiến hành như liên tục mở các lớp đào tạo cán bộ thư viện và các lớp tập huấn cho đối tượng là Giám đốc thư viện tại các tỉnh thành trong cả nước.
*Viện bảo tàng
Viện bảo tàng có chức năng tiến hành các hoạt động thu thập và lưu giữ tư liệu, điều tra, nghiên cứu, tổ chức triển lãm và các hoạt động phổ cập giáo dục khác, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ cho hoạt động học tập của nhân dân thông qua các tư liệu hiện vật. Hiện nay, ở Nhật Bản có các loại viện bảo tàng hết sức đa dạng như: bảo tàng lịch sử, bảo tàng khoa học, bảo tàng mỹ thuật, vuờn bách thú, bách thảo, bảo tàng về các loài động thực vật dưới nước... Tính đến tháng 10-2002, có 819 viện bảo tàng có đăng ký, 301 cơ sở tương đương viện bảo tàng và 4.243 cơ sở thực hiện các hoạt động giống với viện bảo tàng[7].
Hiện nay, Bộ Khoa học Giáo dục đang tiến hành giúp đỡ các viện bảo tàng bằng cách thực hiện các dự án điều tra-nghiên cứu hoạt động của các viện bảo tàng và xây dựng những dự án bảo tàng thí điểm. Tháng 6-2003, Bộ đã công bố về “Tiêu chuẩn lý tưởng để thành lập và vận hành các viện bảo tàng công lập”, nhằm mục đích xây dựng các tiêu chuẩn mới để viện bảo tàng có thể đáp ứng được vai trò mới mà xã hội mong đợi, trên cơ sở đơn giản hóa và linh hoạt hóa các tiêu chuẩn cũ về viện bảo tàng.
Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành nhiều cuộc hội thảo và khóa bồi dưỡng dành cho Giám đốc các viện bảo tàng trên toàn quốc. Từ năm 2004, thực hiện dự án điều tra nghiên cứu với chủ đề “Viện bảo tàng thích hợp đối với mọi người dân” với mục đích xây dựng viện bảo tàng trở thành một “thiết bị” dễ sử dụng đối với mọi người dân, thậm chí đối với cả người nước ngoài trong điều kiện số khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đang ngày càng tăng.
Những năm gần đây, các viện bảo tàng địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động đặc sắc với sự giúp đỡ của nhân dân trong vùng, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ.
Viện bảo tàng Khoa học Quốc gia với tư cách là viện bảo tàng về khoa học tổng hợp duy nhất của Nhật Bản, đã tích cực tổ chức các hoạt động điều tra nghiên cứu, thu thập và bảo tồn các tài liệu liên quan đến khoa học tự nhiên, tổ chức các hoạt động triển lãm và giáo dục. Tháng 11-2004, một phòng triển lãm quy mô lớn với tiêu đề “Lịch sử hình thành các sinh vật trên trái đất - Môi trường tự nhiên và con người” đã được mở, bắt đầu với những cuộc triển lãm hết sức thú vị và độc đáo như “Bảo tàng khủng long 2005” (mở cửa từ ngày 19-3-2005 đến 3-7-2005)... Tại đây, cùng với việc triển lãm những thành quả nghiên cứu khoa học mới nhất, các nhà khoa học còn thay phiên nhau thuyết trình và giải đáp những câu hỏi về nội dung nghiên cứu được trưng bày. Hoạt động này mang tên “Discovery talk”. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tổ chức các buổi thuyết trình và tham quan dành cho thanh, thiếu niên và người lớn, các buổi tham quan học tập, các khóa bồi dưỡng dành cho cán bộ viện bảo tàng và giáo viên tại các trường phổ thông, phục vụ cho hoạt động phổ cập giáo dục, “giáo dục tình nguyện”[8] và hướng dẫn khách du lịch đến thăm bảo tàng. Ngoài ra, hoạt động “patner ship”[9] liên kết với các trường đại học cũng được tổ chức với mục đích nâng cao trình độ hiểu biết của học sinh phổ thông, hướng tới mục tiêu lâu dài đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao.
- Đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan, đoàn thể giáo dục xã hội.
Cùng với việc thực hiện toàn phần Chế độ học 5 ngày/tuần tại các trường phổ thông, giờ học chính quy trên lớp giảm dành thời gian cho các hoạt động học tập thực tế. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động “thể nghiệm cuộc sống”, các buổi sinh hoạt văn hóa tại địa phương dành cho trẻ em đã trở nên hết sức cần thiết. Và vai trò của các tổ chức giáo dục xã hội như tổ chức PTA, Hội hợp tác nghiên cứu giữa các đoàn thể và tổ chức giáo dục xã hội cũng trở nên đặc biệt quan trọng.
Bộ Khoa học Giáo dục đã giúp đỡ cho các tổ chức này như hỗ trợ xuất bản các “Tập thông tin” về hoạt động của các tổ chức này.


[5] Nguồn: “Điều tra Giáo dục xã hội”. Sách trắng giáo dục năm 2005. Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản.
[8] “Giáo dục tình nguyện” là hoạt động tình nguyện giúp đỡ và phục vụ cho khách đến tham quan học tập tại viện bảo tàng, bằng cách phát huy những kinh nghiệm và tri thức vốn có của mình.
[9] “Patner ship” là hoạt động liên kết giữa Viện Bảo tàng Khoa học Quốc gia và các trường đại học ở Nhật Bản với mục đích nâng cao kiến thức về khoa học tự nhiên cho các em học sinh phổ thông thông qua việc tổ chức đối thoại khoa học (science communication). Nội dung đối thoại rất đa dạng, từ các vấn đề về khoa học kỹ thuật đến các kiến thức bình thường trong cuộc sống. Các em học sinh đến viện bảo tàng có thể vào cửa miễn phí, viện bảo tàng còn tổ chức các buổi thuyết trình và các khóa thực tập tại viện bảo tàng nhằm mục đích truyền bá kiến thức chuyên môn cũng như đào tạo đội ngũ thuyết trình viên khoa học (science communicater) có vai trò gắn kết khoa học kỹ thuật với đời sống hàng ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét