Biên dịch: Trần Nguyên Khang, Lê Hồng Hiệp | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hệ thống quốc tế và các mức độ nhân quả
Chiến tranh thường được giải thích là do hệ thống quốc tế, nhưng “hệ thống quốc tế” là gì? Theo từ điển, hệ thống là tập hợp của các đơn vị có liên quan đến nhau. Có thể dễ dàng xác định được các hệ thống chính trị trong nước bởi các khái niệm thể chế rõ ràng như: tổng thống, quốc hội/ nghị viện, vv…. Các hệ thống chính trị quốc tế ít mang tính tập trung và kém rõ ràng hơn. Nếu không có Liên Hiệp Quốc vẫn tồn tại một hệ thống quốc tế. Hệ thống quốc tế gồm không chỉ các quốc gia. Hệ thống chính trị quốc tế là mẫu hình của mối quan hệ giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm tính chất cụ thể về mặt thể chế của các hệ thống chính trị trong nước. Các hệ thống này cũng bao gồm các khía cạnh vô hình như thái độ công chúng, vai trò của báo chí hoặc một vài quy định bất thành văn của luật pháp. Tuy nhiên, điều quan trọng trong bất kỳ hệ thống nào là toàn bộ hệ thống luôn lớn hơn tổng của các bộ phận, tức các bộ phận cấu thành mà chúng ta đã định nghĩa ở Chương 1 như các chủ thể, các công cụ, và các mục tiêu. Hệ thống có thể tạo ra các hệ quả ngoài dự kiến của các chủ thể cấu thành. Lấy ví dụ như hệ thống thị trường trong kinh tế học. Mỗi công ty kinh doanh trong một thị trường hoàn hảo đều cố gắng tối đa hóa lợi nhuận, nhưng hệ thống thị trường tạo ra sự cạnh tranh sẽ làm giảm lợi nhuận xuống điểm hoà vốn, từ đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Doanh nghiệp không kinh doanh nhằm làm lợi cho người tiêu dùng, nhưng mẫu hình ứng xử của từng doanh nghiệp trong một thị trường hoàn hảo sẽ dẫn đến kết quả đó. Nói cách khác, hệ thống tạo ra các hệ quả có thể khá khác biệt so với ý định của các chủ thể trong hệ thống đó.
Tương tự như vậy, hệ thống chính trị quốc tế cũng có thể dẫn đến những hệ quả không theo như dự kiến ban đầu của các chủ thể. Ví dụ vào năm 1917 khi những người Bônsêvic lên nắm quyền tại Nga, họ đánh giá toàn bộ hệ thống ngoại giao giữa các nhà nước trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất như một thứ vô nghĩa của giai cấp tư sản. Họ dự định quét sạch hệ thống liên nhà nước này và hi vọng rằng các cuộc cách mạng sẽ đoàn kết tất cả công nhân trên toàn thế giới và xóa bỏ mọi ranh giới. Tình đoàn kết vô sản quốc tế sẽ thay thế cho hệ thống các quốc gia. Thực tế khi Leon Trotsky đảm đương Bộ Ngoại giao Nga, ông đã chủ trương đưa ra những tuyên bố cách mạng đến các dân tộc trên thế giới rồi “gắn kết các khớp nối lại”. Nhưng những người Bônsêvic cuối cùng cũng nhận ra hành vi của họ nhanh chóng bị tác động bởi bản chất của hệ thống giữa các quốc gia. Năm 1922, quốc gia cộng sản non trẻ ký Hiệp ước Rapallo với Đức. Như vậy, đây là một liên minh giữa những kẻ “bị thế giới ruồng bỏ”, những quốc gia không được chấp nhận của thế giới ngoại giao sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1939, Josef Stalin cũng ký một hiệp định với kẻ thù nguy hiểm nhất về ý thức hệ của mình là Adolf Hitler, nhằm đẩy Hitler chỉa họng súng sang phía Tây. Như vậy bất chấp tuyên bố và tưởng vọng của Trotsky, hành vi của Liên Xô nhanh chóng trở nên tương đồng với các chủ thể khác trong hệ thống quốc tế.
Sự phân bổ quyền lực giữa các quốc gia trong một hệ thống quốc tế sẽ giúp chúng ta dự đoán về những khía cạnh nhất định trong hành vi của các quốc gia. Tư duy địa chính trị truyền thống cho rằng vị trí địa lý và khoảng cách xa gần giữa các quốc gia sẽ cho thấy nhiều điều về cách hành xử của các quốc gia. Do các nước láng giềng thường có nhiều mối liên hệ và các điểm va chạm tiềm tàng nên không có gì ngạc nhiên khi một nửa số các cuộc xung đột từ 1816 đến 1992 là giữa các quốc gia láng giềng.[1] Một quốc gia cảm thấy bị một nước láng giềng đe doạ sẽ có xu hướng hành động theo câu tục ngữ xưa “kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta”. Đó là cách hành xử thường thấy trong một các hệ thống vô chính phủ. Ví dụ, ba thế kỷ trước Công nguyên tác gia Ấn Độ Kautilya đã chỉ ra rằng các quốc gia thuộc tiểu lục địa Ấn Độ thường liên minh với những quốc gia ở xa nhằm chống lại mối đe dọa của những nước láng giềng, tạo nên một dạng liên minh kiểu bàn cờ. Hay Machiavelli cũng đã ghi nhận những hành vi tương tự giữa các thành bang thế kỷ 15 ở Ý. Đầu những năm 1960, khi các quốc gia Tây Phi giành được độc lập từ các ông chủ thực dân người ta đã đề cập rất nhiều về sự đoàn kết Châu Phi, nhưng các quốc gia này nhanh chóng tạo nên một mô hình các liên minh kiểu bàn cờ giống như những gì Kautilya đã mô tả về Ấn Độ cổ đại. Ghana, Guinea và Mali là những nước có ý thức hệ cấp tiến trong khi Senegal, Bờ Biển Ngà và Nigeria lại là những quốc gia tương đối bảo thủ, và các nước này cũng đã cân bằng quyền lực lẫn nhau. Một ví dụ khác là mẫu hình xuất hiện ở Đông Á sau chiến tranh Việt Nam. Nếu Liên Xô là ô cờ màu đen thì Trung Quốc sẽ là ô màu đỏ, Việt Nam màu đen thì Campuchia màu đỏ. Một mô hình bàn cờ hoàn hảo đã được hình thành. Thật trớ trêu là nước Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam vì các nhà hoạch định chính sách tin vào thuyết đôminô, cho rằng nếu một quốc gia rơi vào vòng tay chủ nghĩa cộng sản thì sẽ kéo theo một quốc gia khác, và cứ tiếp tục như thế. Nếu nước Mỹ có tầm nhìn xa hơn thì đã nhận ra rằng tình hình ở Đông Á giống một ván cờ hơn là trò đôminô, và nước Mỹ có thể đã đứng ngoài cuộc. Thế bàn cờ với các ô đan xen dựa trên nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn ta” là một truyền thống địa chính trị lâu đời giúp chúng ta đưa ra những dự đoán hữu ích trong một tình huống vô chính phủ.
Các cấp độ phân tích
Các hệ thống không phải là cách duy nhất để mô tả những gì diễn ra trong chính trị quốc tế. Trong cuốn “Man, the State, and War” (Con người, Quốc gia và Chiến tranh), Kenneth Waltz đã phân chia ba cấp độ nguyên nhân dẫn đến chiến tranh: cá nhân, quốc gia và hệ thống quốc tế.
Các nguyên nhân ở mức độ cá nhân thường không đủ để giải thích vì ngay bản chất của chính trị quốc tế hàm ý vai trò của các quốc gia lớn hơn vai trò của cá nhân. Nếu quá tập trung vào ý định của các cá nhân, chúng ta có thể sẽ không nhận ra những hậu quả không mong muốn của các hành động cá nhân gây nên bởi chính hệ thống mà cá nhân đó vận hành. Ví dụ như trường hợp các quốc gia Châu Phi, nếu từ đầu chúng ta chỉ tập trung vào sự chân thành trong ý định của các nhà lãnh đạo về một tình đoàn kết toàn Châu Phi, như trường hợp tổng thống đầu tiên của Tanzania Julius K. Nyerere, thì chúng ta sẽ bỏ qua tầm quan trọng của tác động do cấu trúc vô chính phủ gây ra đối với những các quốc gia Châu Phi non trẻ này.Điều này không có nghĩa là vai trò của các cá nhân không quan trọng. Ngược lại là đằng khác. Pericles đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến Peloponesia. Saddam Husein là một nhân tố quan trọng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tương tự như vai trò của George W. Bush trong Chiến tranh Iraq năm 2003. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, John. F. Kennedy và Nikita Khrushchev đối diện với nguy cơ diễn ra chiến tranh hạt nhân và quyết định cuối cùng nằm trong tay họ. Nhưng tại sao họ lâm vào tình huống đặc biệt như vậy lại không thể giải thích được ở cấp độ cá nhân. Một yếu tố nào đó liên quan đến cấu trúc của tình huống đã đặt họ vào vị trí đó. Tương tự như thế, tìm hiểu về tính cách của Hoàng đế Wilhelm đệ Nhị hay Hitler là cần thiết để hiểu được nguyên nhân Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, nhưng đó không phải là một lời giải thích đầy đủ. Như chúng ta sẽ thấy trong các chương sau, việc Wilhelm đệ Nhị cách chức Thủ tướng Otto won Bismarck vào năm 1890 đã tạo nên sự khác biệt, song điều đó không có nghĩa là Chiến tranh thế giới lần thứ nhất hoàn toàn do Wilhelm đệ nhị gây ra.
HỆ THỐNG VÀ CHIẾN TRANH |
Sau cuộc chiến tranh trước, hệ thống thế giới được chia thành hai cực riêng biệt. Thế lưỡng cực này dẫn đến sự cứng nhắc và gây mất an ninh sâu sắc. Một liên minh được hình thành xung quanh một cường quốc lục địa có chế độ độc tài, còn một liên minh khác lại xuất hiện xung quanh một cường quốc dân chủ với giao thương và văn hoá rộng mở và chiếm ưu thế về hải quân. Cả hai bên đều lo sợ đối thủ sẽ giành được lợi thế quyết định trong cuộc xung đột mà cả hai bên đều dự báo sẽ xảy ra. Thật trớ trêu rằng chính cuộc nội chiến tại một quốc gia nhỏ yếu vốn chỉ đe doạ dẫn đến những thay đổi nhỏ trong các liên minh lại là nguyên nhân làm cho cảm giác bị đe dọa trong cả hai liên minh tăng cao và thực tế đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh.Đoạn văn trên miêu tả cuộc chiến nào: Chiến tranh Peloponese, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất hay Chiến tranh lạnh? |
Dự đoán quá mức cũng là vấn đề lặp lại trong các nỗ lực giải thích chính trị quốc tế ở cấp độ phân tích thứ hai, đó là bản chất của quốc gia hay xã hội. Người ta đặt ra một câu hỏi tương tự: Nếu một loại xã hội nào đó có thể gây nên chiến tranh thì tại sao có một số quốc gia “xấu xa” hay xã hội “xấu xa” lại không gây nên chiến tranh? Và tại sao một số xã hội hay quốc gia “tốt đẹp” lại gây nên chiến tranh? Tùy bạn định nghĩa thế nào là “xấu xa” hay “tốt đẹp” – dân chủ, cộng sản, hay tư bản, vv….Ví dụ, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất người ta rất nhiệt tình tin tưởng rằng sự chiến thắng của các nền dân chủ đồng nghĩa chiến tranh sẽ có ít cơ hội diễn ra hơn. Nhưng rõ ràng các nền dân chủ cũng có thể tham gia chiến tranh, và họ thường làm như vậy. Rõ ràng Athens là một nền dân chủ. Các học giả theo chủ nghĩa Marx lập luận rằng chiến tranh sẽ không còn nữa khi tất cả các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng rõ ràng đã nổ ra những xung đột quân sự giữa các quốc gia cộng sản, như giữa Trung Quốc và Liên Xô, hay giữa Việt Nam và Campuchia. Vì vậy bản chất của một xã hội, dù là dân chủ, tư bản hay cộng sản cũng không phải là một chỉ dấu đủ để cho thấy khả năng quốc gia đó tham gia chiến tranh cao đến đâu.
Có một giả thiết (sẽ được đề cập cụ thể sau) cho rằng nếu tất cả các quốc gia đều theo chế độ dân chủ thì chiến tranh sẽ ít nổ ra hơn. Trên thực tế, rất khó để chỉ ra những trường hợp các nền dân chủ tự do tiến hành chiến tranh chống lại nhau, mặc dù trong nhiều trường hợp các quốc gia dân chủ tự do đã gây chiến với các quốc gia phi dân chủ. Nguyên nhân của phát hiện thực tế này là gì và liệu trong tương lai thực tế này có được duy trì hay không là điều chưa có lời giải đáp chính xác, nhưng nó giúp đưa ra một vài điều thú vị để chúng ta có thể tiến hành tìm hiểu ở cấp độ phân tích thứ hai này.
Các lời giải thích thú vị thường liên quan đến mối quan hệ giữa cấp độ phân tích thứ hai (quốc gia hay xã hội) và cấp độ thứ ba (hệ thống quốc tế). Song, đâu là cấp độ quan trọng hơn, hệ thống hay bản chất của các quốc gia cấu thành nên hệ thống? Phân tích ở cấp độ hệ thống có thể coi cách giải thích từ ngoài vào trong – tìm hiểu cách hệ thống tác động, hạn chế hành vi của các quốc gia như thế nào. Ngược lại, cấp độ phân tích thứ hai là lối giải thích từ trong ra ngoài – giải thích kết quả bằng cách phân tích những gì đang diễn ra trong lòng các quốc gia.
Thông thường chúng ta cần thông tin về cả hai cấp độ phân tích trên nên chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Có một quy tắc hữu ích là nên bắt đầu từ cách tiếp cận đơn giản nhất, vì tốt hơn hết là có được một giải thích đơn giản nhưng đầy đủ. Đây được gọi là nguyên tắc “đi đường ngắn nhất”, hay quy tắc “lưỡi lam của Occam” đặt theo tên của nhà triết học thế kỷ 14 William Occam, người cho rằng lời giải thích tốt bao giờ cũng lược bỏ những chi tiết rườm rà không quan trọng. Nguyên tắc “đi đường ngắn nhất” – khả năng giải thích nhiều điều chỉ với ít ngôn từ – chỉ là một trong những tiêu chí mà chúng ta dựa vào để đánh giá mức độ đầy đủ của các học thuyết. Người ta cũng quan tâm đến phạm vi của học thuyết (học thuyết giải thích bao nhiêu hành vi), và sức mạnh giải thích của học thuyết đó (nó giải thích được bao nhiêu điều chưa được giải thích hay bao nhiêu trường hợp đặc biệt). Dù sao thì quy tắc “đi đường ngắn nhất” cũng chỉ cho ta thấy nên khởi đầu từ đâu. Vì những giải thích ở cấp độ hệ thống có vẻ đơn giản nhất nên chúng ta nên bắt đầu từ đây. Nếu cách giải thích này không đủ thì chúng ta có thể xét đến các đơn vị của hệ thống và tăng tính phức tạp lên cho đến khi đạt được một lời giải thích hợp lý.
Hệ thống: Cấu trúc và tiến trình
Sự giải thích ở cấp độ hệ thống sẽ đơn giản hay cực kỳ phức tạp? Một số nhà tân hiện thực như Kenneth Waltz ủng hộ trường phái “đi đường ngắn nhất”, chỉ tập trung vào cấu trúc mà thôi. Các nhà theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo lại cho rằng khái niệm hệ thống như của Waltz là quá hạn hẹp, chỉ có thể giải thích được một số ít vấn đề. Chúng ta có thể thấu hiểu những tranh cãi trái chiều này bằng cách phân biệt hai mặt của một hệ thống: cấu trúc và tiến trình. Cấu trúc của hệ thống chỉ sự phân bổ quyền lực; trong khi tiến trình lại đề cập đến cách thức và phân loại mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố cấu thành. Cấu trúc và tiến trình rõ ràng có tác động lẫn nhau, và có thể biến đổi tùy theo độ dài thời gian mà chúng ta xem xét, song cấu trúc mang tính chất cơ bản, nền tảng hơn và thay đổi chậm hơn so với tiến trình.
Các nhà kinh tế học lấy sự tập trung quyền lực của người bán làm đặc tính cơ bản cho cấu trúc thị trường. Thị trường độc quyền bán có một người nhà cung cấp lớn duy nhất, thị trường lưỡng độc quyền có hai nhà cung cấp lớn, thị trường đa độc quyền có một nhóm những nhà cung cấp lớn, còn trong một thị trường hoàn hảo thì sức cung được chia sẻ bởi rất nhiều nhà cung cấp. Tương tự, khoa học chính trị mô tả cấu trúc của hệ thống quan hệ quốc tế là đơn cực nếu chỉ có một trung tâm quyền lực duy nhất. Trong cấu trúc lưỡng cực, có hai trung tâm quyền lực, có thể là hai quốc gia lớn hoặc hai hệ thống liên minh chặt chẽ chi phối toàn bộ hệ thống chính trị. Cấu trúc đa cực có thể có ba trung tâm quyền lực hoặc nhiều hơn. Nếu tồn tại nhiều quốc gia với sức mạnh tương đương, cân bằng, chúng ta có thể nói rằng có sự phân tán quyền lực.Quay trở lại ví dụ về kinh tế nêu trên. Những doanh nghiệp muốn tối đa hoá lợi nhuận trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo cũng sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng, song kết quả của quá trình này thế nào còn phụ thuộc vào cấu trúc của hệ thống thị trường. Nếu là thị trường độc quyền hoặc đa độc quyền, các kết quả mang lại sẽ hoàn toàn khác nhau. Nhà sản xuất lớn có thể tăng lợi nhuận bằng cách hạn chế sản xuất, giảm cung và tăng giá bán. Vì vậy, nếu hiểu rõ về cấu trúc thị trường, các nhà kinh tế học sẽ dễ dàng hơn trong việc tiên đoán được hành vi và biết ai là người hưởng lợi.
Tương tự, các nhà chính trị học sẽ dựa trên cấu trúc của hệ thống quốc tế để đưa ra những dự đoán về hành vi của các quốc gia cùng với xu hướng của họ trong việc gây chiến. Hệ thống đơn cực có xu hướng dần dần bị xói mòn vì các quốc gia cố gắng giữ gìn độc lập của mình bằng cách ra sức cân bằng lực lượng với quốc gia nắm quyền lực chi phối – thường gọi là quốc gia bá quyền – hoặc sẽ có một quốc gia đang nổi lên cuối cùng sẽ đe doạ vị trí lãnh đạo của quốc gia mạnh nhất hiện thời. Trong một hệ thống đa cực hay phân tán quyền lực, các quốc gia sẽ hình thành các liên minh cân bằng quyền lực, song các liên minh lại thường kém bền vững và có thể dễ dàng thay đổi. Chiến tranh có thể nổ ra song thường có phạm vi hạn chế. Trong một hệ thống lưỡng cực, các liên minh thường gắn kết chặt chẽ hơn, vì vậy có khả năng dẫn tới xung đột lớn, thậm chí có thể là chiến tranh trên phạm vi toàn cầu. Một số nhà phân tích cho rằng: “các hệ thống lưỡng cực hoặc bị xói mòn, hoặc sẽ bùng nổ”. Điều này đã được chứng minh trong cuộc chiến Peloponnese khi thành Athens và thành Sparta siết chặt mối dây liên hệ với các đồng minh trong khối của mình. Điều đó lại một lần nữa đúng khi trước 1914, hệ thống cân bằng quyền lực đa cực của Châu Âu dần dần bị phân tách mạnh mẽ thành hai hệ thống liên minh mạnh nhưng thiếu tính linh hoạt. Song những dự đoán về chiến tranh dựa trên so sánh giữa thế lưỡng cực và đa cực như vậy lại không chính xác kể từ sau năm 1945. Trong suốt Chiến tranh lạnh, thế giới tồn tại thế lưỡng cực với hai nhân vật chính là Mỹ và Liên Xô cùng với hai khối đồng minh của họ. Song trong suốt bốn thập kỷ không hề có chiến tranh lớn nổ ra ở khu vực trung tâm, trước khi hệ thống này sụp đổ với sự tan rã của Liên Xô. Một số nhà nghiên cứu cho rằng vũ khí nguyên tử khiến cho khả năng nổ ra chiến tranh thế giới trở nên quá khủng khiếp. Vì vậy hệ thống thế giới tự thân nó là một lời giải thích, song nó không thể giải thích đầy đủ cho tất cả mọi trường hợp.
Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nếu không chỉ tìm hiểu cấu trúc mà còn xem xét tiến trình của hệ thống, mẫu hình tương tác thường xuyên giữa các quốc gia. Để phân biệt cấu trúc và tiến trình tại một thời điểm nào đó, hãy lấy trò chơi bài xì tố (poker) làm ví dụ. Cấu trúc của trò xì tố nằm trong sự phân bổ quyền lực, tức mỗi người chơi có bao nhiêu phỉnh, và có trong tay bao nhiêu quân bài tốt. Tiến trình là trò chơi được chơi ra sao và các người chơi tương tác như thế nào. (Luật chơi được tạo ra như thế nào và người chơi có hiểu luật không? Họ có tinh quái không? Có tuân thủ luật chơi không? Nếu họ gian lận thì có khả năng bị phát hiện không?) Ví dụ, nếu cho các người chơi trong trò chơi Thế lưỡng nan của tù nhân được liên lạc với nhau thì bản chất của trò chơi sẽ bị thay đổi. Tương tự, nếu các quốc gia liên lạc với nhau và đạt được các thỏa thuận hai bên cùng có lợi hay tạo ra các chuẩn tắc và thể chế được hiểu rõ thì họ có thể mang lại cho các quốc gia thêm một chiến thuật mới và do đó có thể làm thay đổi kết cục chính trị. Tiến trình của một hệ thống quốc tế phụ thuộc vào ba yếu tố: (1) Cấu trúc hệ thống (thế giới lưỡng cực thường dẫn tới tiến trình kém linh hoạt hơn), (2) Bối cảnh văn hóa và thể chế bao quanh cấu trúc và quyết định động cơ cũng như năng lực của các quốc gia trong việc hợp tác, và (3) Các quốc gia có những mục tiêu và công cụ ôn hòa hay cách mạng.
Mục tiêu và công cụ manh tính ôn hòa và cách mạng
Mục tiêu của các quốc gia có ảnh hưởng như thế nào tới tiến trình của hệ thống thế giới? Như những người theo chủ nghĩa kiến tạo đã chỉ ra, hầu hết các hệ thống đều tồn tại trong một bối cảnh văn hóa có những quy tắc căn bản hay những thông lệ giúp xác định những hành vi phù hợp. Các quốc gia có thể chấp nhận hoặc thách thức những quy tắc và thông lệ đó. Tiến trình của hệ thống quốc tế có thể ổn định hoặc mang tính cách mạng phụ thuộc vào bản sắc và mục tiêu của các quốc gia lớn. Ví dụ, trong thế kỷ 18, những quy tắc chung là quốc gia quân chủ – quyền lực tối cao của các đấng quân vương – là chủ thể hợp pháp, và sự cân bằng quyền lực giữa các nền quân chủ này. Hiệp ước Utrecht năm 1713 đề cập rõ ràng đến vai trò quan trọng của cân bằng quyền lực. Có nhiều cuộc chiến nhỏ rải rác nổ ra, nhưng có rất ít cuộc chiến lớn có thể phá vỡ hệ thống. Ví dụ, hãy xem xét cách Hoàng đế Frederick của Phổ đối xử với nữ hoàng nước Áo láng giềng Maria Theresa (1717-1780). Năm 1740, Frederick tuyên bố muốn chiếm vùng Silesia, một tỉnh vốn thuộc Áo. Frederick không có mục đích cách mạng gì cao cả, mà chỉ đơn thuần là muốn bành trướng lãnh thổ. Ông không muốn kích động cách mạng chống lại Maria Theresa bằng cách kêu gọi người dân Silesia lật đổ những nhà ông hoàng bà chúa nói tiếng Đức tại thành Viên. Bản thân Frederick rốt cuộc cũng không khác gì, chỉ là một hoàng đế nói tiếng Đức ở Berlin. Ông ta chiếm Silesia vì ông ta muốn vậy, và tất nhiên ông ta không hề tiến hành bất cứ một động thái nào gây tổn hại đến nước Áo hay nguyên tắc cơ bản về địa vị hợp pháp của các nền quân chủ.
Chúng ta hãy so sánh câu chuyện này với cuộc cách mạng Pháp (1789-1799) nửa thế kỷ sau, khi nước Pháp dấy lên phong trào đòi tống tất cả các ông hoàng bà chúa vào nhà ngục hay lên máy chém và quyền lực phải thuộc về tay nhân dân. Napoleon quảng bá tư tưởng cách mạng chia lại quyền lực cho công chúng này rộng khắp Châu Âu, và các cuộc chiến tranh Napoleon (1799-1815) là một thử thách lớn đối với luật chơi hiện hành của Châu Âu lúc đó cũng như sự cân bằng quyền lực. Tiến trình ôn hòa và cân bằng hệ thống ổn định ở giữa thế kỷ đã trở thành một tiến trình cách mạng và cân bằng hệ thống trở nên bất ổn vào cuối thế kỷ. Những thay đổi như Cách mạng Pháp không thể giải thích được nếu chỉ đơn thuần dựa vào thuyết cấu trúc. Đây là một ví dụ cho thấy các quan điểm của chủ nghĩa kiến tạo có thể bổ sung như thế nào cho thuyết cấu trúc của chủ nghĩa hiện thực.Ngoài việc thay đổi mục tiêu, các quốc gia cũng có thể thay đổi phương tiện. Tiến trình của một hệ thống bị ảnh hưởng bởi bản chất của các công cụ mà quốc gia sử dụng. Các công cụ khác nhau sẽ có thể có những tác động duy trì hay huỷ hoại sự ổn định. Một số công cụ đã được thay đổi nhờ sự phát triển về công nghệ. Ví dụ, sự phát triển các loại vũ khí mới như súng máy đã làm cho Chiến tranh thế giới lần thứ nhất trở nên đẫm máu. Công cụ cũng có thể thay đổi do sự thiết lập một tổ chức xã hội mới. Thế kỷ 18, Frederick Đại Đế không chỉ bị giới hạn về mục tiêu, mà còn bị giới hạn bởi chính công cụ của mình. Ông ta có một đội quân đánh thuê yếu kém ít trung thành, và hậu cần lại kém cỏi. Các quân đội thế kỷ 18 thường tiến hành các chiến dịch vào mùa hè, khi lương thực dồi dào hoặc khi ngân khố đủ để trả cho những người lính chủ yếu xuất thân từ giai cấp nghèo khổ của xã hội. Khi lương thực hay tiền vàng hết, binh lính sẽ đào ngũ. Cách mạng Pháp đã thay đổi cơ bản cách tổ chức xã hội thời chiến thành cái người Pháp gọi là “levée en masse”, nghĩa là chế độ quân dịch. Theo các nhà chủ nghĩa kiến tạo, nhận thức về bản sắc của binh lính thay đổi khi họ coi mình là những công dân tập hợp lại chiến đấu vì tổ quốc, dẫn tới suy nghĩ rằng tất cả mọi người dân đều nên tham gia. Chiến tranh không còn là một vấn đề xảy ra giữa những đội lính đánh thuê viễn chinh, giờ đây chiến tranh liên quan đến từng người dân. Sự tham gia và ủng hộ rộng rãi của người dân đã áp đảo những binh đoàn lính đánh thuê cũ kỹ. Sự thay đổi về công cụ mà các quốc gia có được cũng làm thay đổi tiến trình của hệ thống quốc tế thế kỷ 18.
CẤU TRÚC VÀ TIẾN TRÌNH |
Các chính khách thường đánh giá sự cân bằng
của Châu Âu là hợp lý hay không dựa trên các yếu tố không liên quan
trực tiếp đến quyền lực và sự phân chia quyền lực. Ví dụ, họ dựa trên vị
thế và thứ hạng của quốc gia đó, danh tiếng và uy tín, tư cách đồng
minh hay tư cách được phép nêu ý kiến về các vấn đề quốc tế, vv… Điều
này lý giải tại sao cho dù cân bằng quyền lực không bị ảnh hưởng hay đe
dọa, chiến tranh và khủng hoảng vẫn xảy ra. Điều này cũng cho thấy các
phương tiện bên cạnh chính trị quyền lực – như lụât pháp quốc tế, các
thông lệ về hòa hợp quyền lực, các liên minh được sử dụng nhằm kiềm chế
đồng minh – lại phổ biến và hữu ích hơn những công cụ chính trị-quyền
lực, như các khối liên minh đối lập, trong việc thúc đẩy hay bảo tồn cân
bằng quyền lực tại Châu Âu.
- Paul Schroeder, “Hệ thống thế kỷ 19”[2]
|
Cấu trúc và tiến trình của hệ thống quốc tế thế kỷ 19
Những sự phân biệt này giúp chúng ta hiểu được gốc rễ từ thế kỷ 19 của những cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ 20. Song, theo nguyên tắc “đi đường ngắn nhất”, để giải thích những sự kiện đã diễn ra trong suốt thế kỷ 19, trước tiên chúng ta nên tìm kiếm những cách giải thích đơn giản bắt nguồn từ cấu trúc của hệ thống thế giới trong thời gian đó như đề xuất của những nhà tân hiện thực.Đầu thế kỷ, Napoleon cố gắng kiến tạo bá quyền của Pháp ở Châu Âu nhưng đã thất bại. Các nỗ lực của Napoleon đã khiến các quốc gia khác liên kết thành một liên minh và cuối cùng đánh bại chính nước Pháp. Nếu thành công thì Napoleon đã biến Châu Âu thành một cấu trúc đơn cực. Nhưng sau khi Napoleon bị đánh bại năm 1815, Hội nghị Viên đã phục hồi lại trật tự đa cực cũ với năm nước lớn cân bằng quyền lực lẫn nhau là Anh, Nga, Pháp, Phổ và Áo. Nước Pháp cách mạng trong suốt 20 năm đã thay đổi tiến trình và đe dọa thay đổi cả cấu trúc của hệ thống nhưng cuối cùng đã thất bại trong việc đơn cực hóa cấu trúc quốc tế của Châu Âu.
Đối với những nhà hiện thực vốn coi trọng cấu trúc, thay đổi lớn nhất về cấu trúc hệ thống thế giới thế kỷ 19 chính là sự thống nhất nước Đức năm 1870. Hệ thống thế kỷ 19 vẫn là đa cực song sự phân chia quyền lực ở trung tâm Châu Âu đã có một thay đổi rõ rệt. Trước kia, nước Đức bao gồm 37 tiểu bang lớn nhỏ và là một vũ đài chính trị quốc tế mà các quốc gia khác ở Châu Âu đều can thiệp. Sau năm 1870, nước Đức trở thành một chủ thể thống nhất. Hơn nữa, Đức lại nằm ngay ở trung tâm Châu Âu, dẫn tới những hậu quả địa chính trị vô cùng to lớn. Xét trên phương diện cấu trúc, một nước Đức thống nhất có thể hoặc quá mạnh, hoặc sẽ rất yếu. Nếu một nước Đức đủ mạnh để tự bảo vệ mình trước những đe doạ đồng thời từ Nga và Pháp thì cũng sẽ đủ mạnh để đánh bại riêng Nga hoặc Pháp. Và nếu một nước Đức không đủ mạnh để chiến thắng đồng thời cả Nga và Pháp thì cũng có nghĩa là nước Đức yếu ớt đang mời người Pháp và người Nga liên minh sang xâm lược chính mình.
Nhưng nước Đức thống nhất non trẻ nằm ngay chính giữa Châu Âu đã không tạo nên sự bất ổn nhờ vào Otto von Bismarck, vị thủ tướng đầu tiên tài ba của nước Đức. Suốt 20 năm (1870-1890), Bismarck đóng vai trò như một nhà ngoại giao khôn ngoan, biết cách xoa dịu sự bất an của các cường quốc láng giềng, qua đó làm chậm lại tác động của thay đổi cấu trúc quan trọng này đối với tiến trình chính trị của hệ thống. Song những người kế vị của Bismarck lại không được sáng suốt và khôn ngoan như vậy. Kể từ 1890, hệ thống các liên minh ở Châu Âu chặt chẽ và cứng nhắc hơn, với một liên minh xoay quanh nước Đức và liên minh còn lại xoay quanh Anh và Pháp. Hệ thống liên minh lưỡng cực như vậy càng ngày càng cứng nhắc và cuối cùng đã bùng nổ thành Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914.
Lời giải thích dựa vào cấu trúc về thay đổi trong thế kỷ 19 này có một phần lõi sự thật trong đó, nhưng vẫn chưa phải là một cách giải thích đầy đủ. Nó vẫn chưa tính tới vai trò của những cá nhân như Bismarck, và cũng không cho chúng ta biết tại sao các nước khác lại để cho nước Đức thống nhất? Tại sao các nước láng giềng lại không ngăn cản quá trình thống nhất đó. Nếu Pháp hay Anh thấy Đức đang nổi lên như một kẻ cạnh tranh, tại sao hai nước này lại không có động thái ngăn chặn nào vào lúc đó? Tại sao các nước láng giềng của Đức lại phản đối một nước Đức thống nhất? Cần phải xem xét các nhận thức và chính trị trong nước mới có thể trả lời được những câu hỏi này. Cách lý giải về cấu trúc này không chỉ rõ tại sao quá trình hình thành hai cực, hai khối đồng minh lại kéo dài trong suốt 30 năm, và cũng không tính đến vai trò cốt yếu của các cá nhân lãnh đạo. Nếu hoàng đế Đức không cách chức Bismarck năm 1890, hoặc nếu người kế nhiệm Bismarck tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh thân cận với nước Nga (nhờ hai nước chia sẻ ý thức hệ đề cao chế độ quân chủ chuyên quyền) thì có lẽ trật tự hai cực đang nổi lên lúc đó đã không thể nào tiến triển. Mặc dù cách lý giải dựa vào cấu trúc về những thay đổi trong hệ thống thế kỷ 19 đã đưa ra rất nhiều điều đáng nói, song cách nhìn vẫn còn khiếm khuyết và hạn hẹp. Nó bỏ qua vai trò quyết định của chính con người, khiến người ta cảm thấy vào rằng dường như Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Cách giải thích mang lại cho chúng ta một sự khởi đầu, song không đủ đưa ra một bức tranh toàn cảnh.
Như các nhà theo chủ nghĩa kiến tạo đã chỉ ra, chúng ta cũng nên xem xét những thay đổi trong văn hóa và tư tưởng của Châu Âu vốn có thể tác động tới tiến trình cũng như mẫu hình các mối quan hệ trong hệ thống của thế giới thế kỷ 19. Trước hết, chúng ta dễ dàng nhận thấy những thay đổi trong mục tiêu và công cụ của các quốc gia. Những yếu tố này làm biến đổi động lực hợp tác giữa các nước với nhau. Tư tưởng dân chủ và chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh hơn bao giờ hết trong thế kỷ 19 và có tác động rất lớn làm thay đổi mục tiêu của các quốc gia. Quốc gia và người lãnh đạo không còn là một. Vua Louis 14 có một câu nói rất nổi tiếng “Quốc gia chính là trẫm” (L’état c’est moi), nhưng câu nói này giờ đây không còn chính xác nữa. Vào thế kỷ 18, Ferederick Đại Đế hành động ở nước Phổ theo cách mà ông ta muốn. Ông không bị hạn chế bởi các bộ trưởng hay các nghị sĩ được bầu. Dân chủ hóa đã thêm vào sự phức tạp sẵn có của chính trị quốc tế những tác động rộng lớn hơn đến từ trong nước. Napoleon đã giúp phát tán những tư tưởng mới khắp Châu Âu, thách thức và hâm nóng chủ nghĩa dân tộc ở các nước khác. Các cuộc chiến tranh Napoleon có thể đã không thay đổi được cấu trúc của chính trị Châu Âu, nhưng chúng chắc chắn đã gây nên những thay đổi sâu sắc về tiến trình. Hoàng tử nước Áo Metternich (1773-1858) và các ông hoàng khác đã thành công trong việc khôi phục trật tự cũ tại Hội nghị Viên năm 1815, nhưng bên dưới bề mặt có vẻ ổn định kia là sự âm ỉ của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và dân chủ, vốn cuối cùng đã tuôn trào trong các cuộc cách mạng năm 1848.
Thời gian dần qua, cả người dân lẫn các nhà lãnh đạo bắt đầu có những nhận thức khác nhau về mình. Sự thách thức của chủ nghĩa dân tộc đối với tính hợp pháp của các ông hoàng bà chúa cai trị đã dẫn tới những liên minh kỳ lạ khác với cách thức cân bằng quyền lực truyền thống. Ví dụ, năm 1866 Pháp đã không ủng hộ Áo khi nước này bị Phổ tấn công, một sai lầm dài hạn nếu nhìn từ quan điểm cấu trúc. Pháp chống lại việc Áo đàn áp chủ nghĩa dân tộc ở phần lãnh thổ Ý mà nước này chiếm đóng. Bismarck đã lợi dụng quan điểm dân tộc chủ nghĩa của các thành bang khác nhằm thống nhất nước Đức dưới sự lãnh đạo của Phổ, nhưng chủ nghĩa dân tộc trở thành một rào càn đối với sau này. Khi Bismarck chiếm vùng Alsace-Lorraine của Pháp trong cuộc chiến tranh 1870, ông đã tạo nên làn sóng chống đối của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Pháp, ngăn Pháp và Đức trở thành những đối tác liên minh tiềm năng trong tương lai. Đúng như các nhà chủ nghĩa kiến tạo đã chỉ ra, các tư tưởng mới đã thay đổi mục tiêu của các quốc gia và làm cho tiến trình của chính trị quốc tế trở nên kém ôn hòa hơn trong suốt thế kỷ 19.
Bản thân các phương tiện cũng có sự thay đổi. Việc áp dụng các công nghệ công nghiệp mới vào mục đích quân sự đã tạo nên những công cụ chiến tranh số lượng lớn nhưng kém linh hoạt. Tới giữa thế kỷ 19, các lịch động viên quân đội bằng đường sắt, tức khả năng có được số lượng binh lính lớn ở một địa điểm vào một thời điểm nào đó, bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh. Gần cuối thế kỷ, súng máy và các chiến hào đã làm ý tưởng tiến hành các cuộc chiến tranh bằng lưỡi lê, gươm giáo mà Bismarck đã sử dụng thành công những năm 1860 trở thành trò hề. Cả cấu trúc và tiến trình giúp giải thích những thay đổi trong hệ thống quốc tế thế kỷ 19 ở Châu Âu và nguồn gốc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chúng ta đã bắt đầu bằng cách giải thích của chủ nghĩa tân hiện thực dựa trên cấu trúc vì đó là cách giải thích đơn giản hơn, nhưng chúng ta đã nhận thấy rằng đó là một cách giải thích chưa đầy đủ. Chủ nghĩa kiến tạo đã đề cập đến tiến trình và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể không tính tới những thay đổi về mặt xã hội.
Câu chuyện thời hiện đại
Vấn đề nước Đức từ thế kỷ 19 lại nổi lên trong các cuộc tranh luận khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất năm 1990. Ban đầu Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze đã cho rằng việc tái thống nhất nước Đức sẽ làm bất ổn cán cân quyền lực ở Châu Âu một cách sâu sắc. Các nhà lãnh đạo một lần nữa lại đặt ra câu hỏi “Có bao nhiêu quốc gia nói tiếng Đức thì tốt cho sự ổn định của Châu Âu?” Khi thời gian trôi qua, chúng ta thấy câu hỏi này đã có những câu trả lời khác biệt. Như chúng ta đã thấy Hội nghị Viên năm 1815 có sự tham dự của 37 quốc gia nói tiếng Đức. Đến thời Bismarck ông cho rằng câu trả lời là nên có hai quốc gia, chứ không phải một. Ông không muốn Áo được tính vào đế chế Đức mới vì sợ rằng Áo sẽ pha loãng quyền kiểm soát của Phổ đối với quốc gia mới thành lập. Đến thời Hitler lại có một trả lời khác: một quốc gia, và đây sẽ là trung tâm của một đế chế toàn cầu, và điều này đã dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1945, các quốc gia Đồng minh thắng trận cuối cùng đã quyết định là có ba quốc gia: Đông Đức, Tây Đức và Áo. Và một câu trả lời khôn ngoan được cho là của một người Pháp luôn được nhắc tới. Đó là vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi được hỏi nên có bao nhiêu nước Đức, anh ta đã trả lời rằng “Tôi quá yêu mến nước Đức nên càng có nhiều nước Đức càng tốt.”
Sự suy thoái của quyền lực Liên Xô ở Đông Âu những năm cuối thập kỷ 1980 đã chấm dứt cấu trúc lưỡng cực của chính trị thời kỳ sau 1945 và dẫn tới khả năng thống nhất nước Đức. Nhưng nước Đức tái thống nhất lại làm dấy lên sự lo lắng về một quốc gia 80 triệu dân có nền kinh tế lớn nhất Châu Âu nằm ở ngay trung tâm lục địa. Liệu người Đức sẽ lại tìm kiếm một vai trò mới? Họ lại sẽ gây sự, nhòm ngó phía Đông rồi lại phía Tây? Hay họ sẽ tập trung vào các nước phía Đông nơi họ có ảnh hưởng lớn hơn? John Mearsheimer, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, nói rằng câu trả lời chính là “quay trở lại tương lai”. Ông dựa vào phân tích của chủ nghĩa hiện thực về cấu trúc và đưa ra kết luận bi quan rằng tương lai Châu Âu sẽ lại giống với quá khứ bất ổn bởi cấu trúc của lúc đó không khác mấy so với trong quá khứ.Nhưng mọi thứ đã thay đổi trên ba phương diện. Ở cấp độ cấu trúc, Mỹ đã can dự vào Châu Âu và Mỹ có quy mô lớn gấp gần 4 lần so với nước Đức thống nhất. Những người theo thuyết cấu trúc lo lắng rằng người Mỹ sẽ không can dự mãi mãi. Với việc Chiến tranh lạnh chấm dứt, một lúc nào đó người Mỹ có thể quay lại chủ nghĩa biệt lập và cuốn gói về nước. Nhưng còn có những thay đổi quan trọng bên ngoài cấu trúc khác. Tiến trình chính trị quốc tế ở Châu Âu đã bị biến đổi bới sự phát triển của các thể chế mới. Liên minh Châu Âu đã kết nối Đức với các quốc gia Châu Âu khác theo cách chưa bao giờ xảy ra. Một thay đổi thứ ba không diễn ra ở cấp hệ thống, mà ở cấp độ trong nước. Chính trị nước Đức đã có nửa thế kỷ dân chủ, và những thay đổi trong những giá trị phổ quát đã biến các quốc gia theo đuổi chiến tranh thành những quốc gia theo đuổi phúc lợi. Nước Đức đã từng gây rắc rối ở Châu Âu vào các năm 1870, 1914 và 1939 không phải là một nước Đức dân chủ. Vậy cách tiếp cận nào trong số này, cấu trúc, tiến trình hay chính trị trong nước, sẽ là cách tốt nhất để dự đoán tương lai Châu Âu? Chúng ta nên chú ý tới cả ba, nhưng cho tới lúc này các dự đoán dựa trên tiến trình và chính trị trong nước có vẻ như đang chiếm ưu thế.
Chính trị trong nước và chính sách đối ngoại
Chủ nghĩa tân hiện thực, tư tưởng dựa vào các phân tích ở cấp độ hệ thống, cho rằng hệ thống quốc tế khiến các quốc gia hành xử y hệt nhau. Vị trí của một quốc gia trong hệ thống khiến quốc gia đó hành xử theo một cách nhất định, và các quốc gia có vị trí tương tự nhau sẽ hành xử giống nhau. Các quốc gia lớn hành xử theo cách này, trong khi các quốc gia nhỏ lại theo cách khác. Nhưng điều này không đủ. Do cách phân tích ở cấp độ hệ thống dựa vào nguyên tắc “đi đường ngắn nhất” thường không đầy đủ, chúng ta phải xem xét những gì đang diễn ra bên trong các đơn bị của hệ thống. Các quốc gia không phải là những chiếc hộp đen. Chính trị trong nước vẫn đóng vai trò quan trọng. Nói cho cùng thì Chiến tranh Peloponnese bắt đầu bằng một cuộc xung đột giữa những người theo chế độ chính trị chuyên quyền và những người theo chế độ dân chủ ở Epidamus. Chính trị nội bộ của Đức và Đế chế Áo-Hung cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Để hiểu được tại sao Chiến tranh lạnh chấm dứt, chúng ta cũng phải xem xét sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch tập trung bên trong Liên Xô. Không khó để tìm những ví dụ mà trong đó chính trị trong nước đóng vai trò quan trọng, nhưng liệu chúng ta có khái quát hóa chúng được không? Sau khi nói rằng chính trị trong nước là quan trọng thì liệu chúng ta còn gì khác nữa để nói hay không?
Hai học thuyết chính, chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tự do, chủ yếu dựa vào cấp độ phân tích thứ hai và giả định cho rằng các quốc gia sẽ hành xử giống nhau nếu chúng có các xã hội trong nước tương tự nhau. Để dự đoán chính sách đối ngoại, các học thuyết này xem xét cách thức tổ chức bên trong của quốc gia. Các nhà Mac-xít lập luận rằng nguồn gốc của chiến tranh chính là chủ nghĩa tư bản. Theo quan điểm của Lênin, tư bản độc quyền cần có chiến tranh: “Các khối liên minh đế quốc chủ nghĩa không gì khác hơn là một dạng thỏa ước ngừng bắn trong các giai đoạn giữa những cuộc chiến.”[3] Cũng theo ông, người ta có thể giải thích được chiến tranh dựa vào bản chất của chính xã hội tư bản. Như chúng ta sẽ thấy trong các phần sau, chủ nghĩa Marx đã không thể giải thích thỏa đáng nguyên nhân nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hơn nữa chủ nghĩa Marx cũng không giải thích được những gì diễn ra trong giai đoạn nửa sau của thế kỷ 20. Các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam đều dính líu vào những xung đột quân sự với nhau, trong khi những quốc gia tư bản chính yếu ở khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản vẫn duy trì được mối quan hệ hòa bình tốt đẹp. Những lập luận khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân gây ra chiến tranh đã không đứng vững theo từng bước chân của lịch sử.Chủ nghĩa tự do cổ điển, triết lý chi phối tư tưởng của người Mỹ và người Anh trong thế kỷ 19 lại đi đến một kết luận ngược lại: Các nước tư bản có xu hướng theo đuổi hòa bình bởi chiến tranh có hại cho việc kinh doanh. Một nhánh trong chủ nghĩa tự do cổ điển gắn liền với những người ủng hộ thương mại tự do như Richard Cobden (1804-1865), người đã đứng đầu nỗ lực đấu tranh thành công đòi hủy bỏ Luật Ngũ cốc của Anh, vốn là những biện pháp bảo hộ điều chỉnh việc buôn bán ngũ cốc với nước ngoài của Anh trong suốt 500 năm. Giống như những học giả khác theo trường phái Manchester của các nhà kinh tế học người Anh, ông tin rằng buôn bán và trở nên giàu có luôn tốt hơn là gây chiến với nhau. Cobden cho rằng nếu chúng ta muốn trở nên giàu có hơn hay muốn cải thiện phúc lợi xã hội cho người dân thì hòa bình là lựa chọn đúng đắn nhất. Vào năm 1840, ông đã bày tỏ quan điểm cổ điển của mình qua câu nói, “Chúng ta có thể gìn giữ một thế giới không có chiến tranh, và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện được điều đó bằng việc buôn bán trao đổi thương mại.”[4]
Quan điểm theo trường phái tự do đó đã phát triển mạnh mẽ ngay trước khi diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Rất nhiều sách vở, bao gồm cả cuốn sách kinh điển The Great Illusion (Ảo tưởng lớn) (1910) của Norman Angell, đã nhận định rằng chiến tranh đã trở nên quá đắt đỏ. Để minh họa cho sự lạc quan của chủ nghĩa tự do cổ điển trong giai đoạn ngay trước khi diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chúng ta có thể tìm hiểu về một số nhà từ thiện tiêu biểu trong thời kỳ đó. Andrew Carnegie, ông trùm tư bản ngành thép, đã thiết lập nên Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới vào năm 1910. Carnegie lo lắng rằng nếu hòa bình tiếp tục tồn tại mãi mãi thì không biết số tiền ông hiến tặng cho tổ chức này sẽ dùng để làm gì. Bởi lẽ đó, ông đã đặt một điều khoản trong di chúc của mình phòng khi trường hợp đó xảy ra. Edward Ginn, một chủ báo ở Boston, không muốn chỉ có Carnegie được hưởng tất cả công trạng đối với nền hòa bình vĩnh cửu sắp đến nên cũng gây dựng Quỹ Hòa bình Thế giới nhằm mục đích tương tự. Ngoài ra, Ginn cũng có băn khoăn tương tự về số tiền còn lại của quỹ sau khi hòa bình được thiết lập vững chắc nên quyết định dành số tiền đó vào việc xây dựng nhà ở giá thấp cho những nữ công nhân trẻ.
Quan điểm này của chủ nghĩa tự do đã không còn sức nặng sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Dù đã xuất hiện những giao dịch quốc tế giữa những chủ ngân hàng và cả các nhà quý tộc, và lao động cũng đã được luân chuyển quốc tế, song tất cả đều không thể ngăn chiến tranh giữa các nước Châu Âu nổ ra. Những phân tích dựa vào thống kê đều không cho thấy mối quan hệ nào giữa hình thái chính trị quốc gia (dân chủ hay tư bản) với việc quốc gia đó có tham gia chiến tranh hay không. Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tự do cổ điển có cách nhìn trái ngược nhau về mối quan hệ giữa chiến tranh và chủ nghĩa tư bản, nhưng lại có điểm tương đồng là đi tìm nguyên nhân chiến tranh ở bối cảnh chính trị trong nước, và đặc biệt là ở bản chất của hệ thống kinh tế mỗi quốc gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét