Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Nước Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương


Nguồn: Dosch, Jörn (2004). “The United Sates in the Asia Pacific”, in M.K. Connors, R. Davison, & J. Dosch, The New Global Politics of the Asia Pacific (New York: RoutledgeCurzon), pp. 12-22.
Biên dịch: Lý Thụy Vi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Lịch sử quan hệ Mỹ – Đông Á
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người tiên đoán rằng khu vực Thái Bình Dương sẽ chuẩn bị thế chỗ Châu Âu để trở thành trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ mới nói đến một phần của câu chuyện. Mỹ từ lâu đã là một cường quốc Thái Bình Dương trước khi trở thành một cường quốc Đại Tây Dương. Hoạt động thương mại đầu tiên của Mỹ là vào năm 1784, khi mà con tàu Empress of China thả neo tại cảng Quảng Châu. Empress là thương thuyền Mỹ đầu tiên băng qua Thái Bình Dương. Đầu những năm 1840, Mỹ tăng cường cam kết thương mại tại Đông Á. Theo điều khoản trong hiệp ước Wanghia (1844), Mỹ đã giành quyền giao thương tại các cảng Trung Quốc. Quan trọng hơn, năm 1853 thuyền trưởng Matthew Perry chấm dứt tình trạng tự cô lập của Nhật và ép Nhật thông thương với Mỹ. Hai sự kiện đã mở đường cho can thiệp mang tính thực dân của Mỹ trong khu vực sau này, cụ thể là việc Mỹ tiếp quản các vùng thuộc địa cũ của Tây Ban Nha ở Philippines và đảo Guam năm 1898. Chỉ trong vòng vài thập kỉ, Mỹ đã trải nghiệm việc hóa thân từ một thuộc địa thành một cường quốc thực dân. Từ cuối thế kỉ 19, Mỹ đã luôn duy trì một vị trí ưu việt tại Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có một thời gian ngắn bị gián đoạn bởi những nỗ lực đế quốc chủ nghĩa của Nhật nhằm thiết lập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á trong thời kỳ Chiến tranh Thái Bình Dương.
Trong chương này, chúng ta sẽ phác thảo những sự kiện chính trong quan hệ Mỹ – Đông Á và những chính sách hàng đầu của Washington đối với khu vực từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai cho đến những buổi đầu của thế kỉ 21. Sau đó, chúng ta sẽ nêu bật ba biến số chính đã hình thành cấu trúc cho sự can dự của Mỹ vào Châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD). Sau đó, chúng ta sẽ giải thích tại sao nước Mỹ có thể giữ một vị thế sức mạnh nổi trội ở CA-TBD trong hơn một thế kỉ qua.
Chiến tranh Lạnh ở CA-TBD
Sự thất bại của Nhật vào tháng 8 năm 1945 kéo theo sự nổi lên của một nền Hòa bình kiểu Mỹ ở CA-TBD trong thời kì hậu Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Mặc dù Chiến tranh Lạnh ở CA-TBD được đặc trưng bởi cấu trúc tam cực, với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô đứng đầu mỗi cực, cũng như sự dịch chuyển tương quan lực lượng trong trật tự hình tam giác này, nhưng yếu tố trung tâm lại chính là địa vị ưu việt, hay như quan điểm của một số người, là vị thế bá quyền của Mỹ. Không giống như Tây Âu, nơi vai trò lãnh đạo an ninh của Mỹ được đặt trong cấu trúc đa phương xoay quanh NATO, một hệ thống các liên minh song phương được coi như là xương sống của quan hệ an ninh trong khu vực CA-TBD. Cố gắng duy nhất trong việc xây dựng liên minh đa phương thời kì Chiến tranh Lạnh đã thất bại: Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) được thành lập năm 1954 và bao gồm Australia, Anh, Pháp, New Zealand, Pakistan (cho tới năm 1973), Philippines, Thái Lan và Mỹ. Sự hợp tác không bao giờ thực sự đạt được vì mức độ da dạng cao giữa các thành viên. SEATO cuối cùng tan rã vào năm 1977. Một hệ thống các hiệp ước an ninh song phương mà Mỹ khởi xướng với các đồng minh chủ chốt của nó tại CA-TBD là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã tỏ ra là một sự thay thế triển vọng hơn cho chủ nghĩa đa phương. Trong các đồng minh, trục đồng minh Mỹ – Nhật nổi lên như là mối quan hệ quan trọng nhất. Năm 1951, Mỹ và Nhật kí Hòa ước San Francisco và các Hiệp ước An ninh Tương hỗ hết sức bất bình đẳng. Trong khi Hòa ước San Francisco chính thức chấm dứt tình trạng chiếm đóng của Mỹ ở Nhật, Hiệp ước An ninh Tương hỗ đưa Nhật lên vị thế vệ tinh quân sự của Mỹ. Năm 1960, một hiệp ước quốc phòng song phương giữa hai nước nâng cao vị thế của Nhật vì nó loại bỏ các quy định trước đây cho phép Mỹ can thiệp vào chính trị Nhật, cung cấp một chiếc “ô hạt nhân” và buộc Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ Nhật nếu Nhật bị tấn công. Hiệp ước đó cũng đòi hỏi Washington phải thảo luận với Tokyo về việc sử dụng các căn cứ quân sự đặt tại Nhật. Đồng thời, hiệp ước quân sự càng gắn kết Nhật hơn nữa vào bàn cờ chiến lược an ninh và quốc phòng Chiến tranh Lạnh toàn cầu của Mỹ với tư cách là một con cờ quan trọng (xem phân tích sâu hơn tại Umbach 2000).
Kiến trúc an ninh Chiến tranh Lạnh của CA-TBD đặc biệt khác với Châu Âu, không chỉ về cấu trúc mà còn về cả tác động. Trong khi cân bằng quyền lực Mỹ – Xô giữ cho Châu Âu được ổn định và an toàn thì sự đối lập về chính trị và ý thức hệ giữa hai cường quốc đã dẫn tới những xung đột an ninh trong khu vực CA-TBD. Trên thực tế, hai “cuộc chiến tranh nóng” thời Chiến tranh Lạnh lại xảy ra ở Đông Á, đó là ở Triều Tiên (1950-53) và Việt Nam (1965-73).
Khoảng từ năm 1949 đến 1975, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực CA-TBD chủ yếu nhằm phục vụ chiến lược chống cộng toàn cầu của nó. Duy trì ưu thế quân sự so với Liên Xô và Trung Quốc là ưu tiên cao nhất. Nỗ lực đầu tiên trong việc này là ủng hộ Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, cuộc chiến vốn đã kết thúc trong thất bại cay đắng với những lời cáo buộc lẫn nhau. Mỹ còn nhúng tay vào các hành động quân sự tại Triều Tiên vốn đi vào thế bế tắc năm 1953. Những thất bại này đã thuyết phục Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa ở Mỹ về việc cần có một sức mạnh quân sự áp đảo, và các chính quyền tiếp đó đã cho phép đầu tư lớn vào việc trang bị tàu ngầm, tàu sân bay, các vũ khí nguyên tử và thông thường, song song với việc duy trì đội quân hơn 100.000 người tại Châu Á, chủ yếu đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một khía cạnh khác trong chiến lược ngăn chặn là việc ủng hộ hầu hết bất cứ chế độ nào có dấu hiệu chống cộng sản. Chiến lược này được phát triển vào đầu những năm 1950 bởi Ngoại trưởng John Foster Dulles cùng với những người khác. Đầu tiên, các chính phủ chống cộng được đề nghị ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản bằng cách đàn áp các phong trào chính trị cộng sản trên lãnh thổ của mình. Thứ hai, viện trợ của Mỹ sẽ biến họ trở thành những nước giàu mạnh, dân chủ và có những “ảnh hưởng mang tính làm gương” lên các nước láng giềng cũng như dân chúng của những nước cộng sản. Những quốc gia chủ chốt được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của Mỹ trong chiến lược này là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, và một vài nước Đông Nam Á. Kết quả khá đa dạng. Chính quyền Philippines thoái hóa thành một chính quyền suy đồi chính trị và tham nhũng cực độ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ferdinand Marcos, người bất chấp tất cả vẫn nhận được sự ủng hộ kiên định của Mỹ. Các nhà nước khác lạm dụng nhân quyền và hạn chế tự do dân chủ cũng là những nước hưởng lợi từ viện trợ Mỹ. Mỹ lộ rõ là đã ủng hộ những chế độ chuyên chế miễn là những chế độ này đồng ý chống Liên Xô. Mặt khác, có thể nói Nhật và một vài nước khác đã chuyển hóa thành những nước thành công, giàu có và dân chủ dưới sự giám hộ của Mỹ.
Thảm họa lớn nhất trong chính sách của Mỹ là cuộc chiến tranh Việt Nam. Đến đầu những năm 1960, chính sách Châu Á của Mỹ hết sức cứng nhắc, giáo điều và thiếu thông tin. Lờ đi sự đa dạng cao độ tại khu vực CA-TBD, quân đội Mỹ dường như tin vào “học thuyết domino”, cho rằng hoạt động cộng sản thành công (ví dụ như ở Bắc Việt Nam) chắc chắn sẽ lan rộng và lật đổ các chính phủ thân Mỹ trên khắp khu vực. Đó là cái cớ cho việc ném bom ồ ạt xuống Hà Nội năm 1965, dẫn tới cuộc chiến 10 năm vốn tàn phá phần lớn bán đảo Đông Dương, và cuối cùng kết thúc với một thất bại nhục nhã.
Tuy nhiên, xuất hiện một nhân tố thứ ba trong câu chuyện này: nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Quan hệ tay ba có xu hướng đi theo kiểu “hai chống một” và cả ba cường quốc đều lợi dụng cấu trúc này cho những lợi ích riêng. Mỹ vận động qua lại giữa Trung Quốc và Liên Xô bằng việc tăng cường hay bỏ qua những liên minh song phương để ứng phó với những thay đổi trong tương quan quyền lực. Tương tự, Trung Quốc lợi dụng xung đột giữa hai siêu cường một cách khá khéo léo. Nói ngắn gọn, Trung Quốc liên minh với Liên Xô suốt những năm 1950 nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, mối quan hệ lung lay nghiêm trọng khi hai bên đều muốn làm lãnh đạo chính thức của phong trào Cộng sản Quốc tế, và có thời gian chiến tranh dọc biên giới phía Bắc Trung Quốc dường như là chắc chắn. Năm 1960, chia rẽ mở rộng và gay gắt hơn, Liên Xô rút tất cả mọi việc trợ cho Trung Quốc. Mối bất hòa Trung – Xô dẫn tới một thập niên Trung Quốc theo đuổi chính sách vừa chống Liên Xô vừa chống Mỹ. Năm 1972, cả Bắc Kinh và Washington đều thay đổi quan điểm chiến lược và cùng nhau thương lượng về một liên minh song phương nhằm chống lại bá quyền của Liên Xô. Theo sau sự kiện “ngoại giao bóng bàn” giữa hai kiến trúc sư của chính sách xích lại gần nhau, Henry Kissinger và Chu Ân Lai, Mỹ và Trung Quốc đã tái lập quan hệ ngoại giao năm 1978. Sau sự kiện này, Trung Quốc kiếm lợi từ sự bế tắc trong quan hệ giữa hai cường quốc còn lại, cho phép nước này giảm bớt các mối đe dọa quân sự nhằm theo đuổi những mục tiêu hiện đại hóa. Từ quan điểm của Mỹ, Liên Xô được xem như là mối đe dọa lớn nhất cho tới năm 1990, thời điểm mà Trung Quốc đã giành được một vị thế rất an toàn tại Châu Á nhờ vào những thành công từ phát triển kinh tế. Đầu những năm 1990, những phản ứng của Mỹ trước sức mạnh mới nổi của Trung Quốc khá pha trộn, phản ánh sự chuyển giao từ Chiến tranh Lạnh sang một thế trận toàn cầu mới.
Thời kì hậu Chiến tranh Lạnh
Khi thời kỳ lưỡng cực kết thúc, theo quan điểm của Mỹ thì một trật tự thế giới mới sẽ được xây dựng dựa trên ưu thế nổi trội của nước này và khuếch tán các giá trị và niềm tin của nó ra ngoài. Tuy nhiên, Mỹ bước vào thời kì hậu Chiến tranh Lạnh trong tình trạng yếu hơn trước kia về quyền lực, đặc biệt là về kinh tế. Sự suy giảm sức mạnh kinh tế tương đối của Mỹ có hai nguyên nhân: thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách. Thâm hụt thương mại với Nhật của Mỹ vào khoảng 50 tỉ đô-la, và với các nước Châu Á khác là khoảng 25 tỉ đô-la vào đầu những năm 1990. Cùng lúc đó, chính phủ Mỹ cũng phải chịu tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ, buộc phải cắt giảm thêm chi tiêu cho phúc lợi xã hội và quân sự. Mặc dù trong vòng vài năm, nước Mỹ đã có thể cân bằng lại ngân sách và có được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong khi Nhật ngày càng lún sâu hơn vào tình trạng khủng hoảng và sau đó là sự sụp đổ kinh tế của các nước Đông Á khác trong thời kỳ 1997-98, thì đối với nhiều người bối cảnh đầu những năm 1990 cho thấy sự tiếp tục suy giảm của ảnh hưởng Mỹ ở khu vực (Okimoto et al. 1996). Cần lưu ý là không phải tất cả các nhà phân tích đều tán thành quan điểm “suy yếu”, như ý kiến nổi bật nhất của Paul Kennedy (1988). Nye (1990) và Rapkin (1994) phát triển giả thiết đối lập dựa trên giả định cho rằng vị thế ưu việt trên toàn cầu của Mỹ không hề bị thách thức. Tuy nhiên, sự nổi lên của chủ nghĩa tân biệt lập trong một vài tầng lớp chính trị tinh hoa Mỹ (Schlesinger 1995) đã đóng góp thêm vào nhận thức về những thay đổi quan trọng trong vai trò toàn cầu của Mỹ. Trong các đồng minh Đông Á của Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc và các chính phủ khác trong khu vực, tồn tại mối quan ngại rằng “với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và phản ứng trong nước của Mỹ trước các khoản thâm hụt thương mại, Mỹ có thể “rút lui” khỏi Châu Á” (Krauss 2000:482). Theo quan điểm đang lan rộng ở Mỹ, các nền kinh tế hết sức thành công tại Châu Á giờ đây có thể tự bảo vệ mình mà không cần sự trợ giúp từ Mỹ (Johnson và Keehn 1995:104).
Các chiến lược mới trong bối cảnh cấu trúc thay đổi: Sự nổi dậy của chủ nghĩa đa phương
Với sự nổi dậy của những cơ hội đồng thời là sự không chắc chắn về mặt cấu trúc, nhiều chủ thể hoạch định chính sách đối ngoại của Washington nhận thấy sự cần thiết phải có các cơ chế mới để đương đầu với các thách thức đang nổi lên. Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ nhất của Clinton, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Winston Lord, đã viết một giác thư sắc bén gửi Ngoại trưởng Warren Christopher để cảnh báo rằng nước Mỹ đang vướng vào rắc rối nghiêm trọng tại Châu Á. Một vài nước Châu Á đã bắt đầu chống đối những can thiệp của Mỹ trong khu vực và nhận thấy Washington là một “vú em nếu không phải là một tên côn đồ quốc tế”, như cách nói một quan chức cấp cao trong chính quyền (trích trong Manning và Stern 1994:86). Sự phát triển của chủ nghĩa đa phương được xem như là một chiến lược thích hợp để giữ chân Mỹ trong khu vực và tăng cường cả về mặt tín nhiệm lẫn pháp lý cho vị thế của Washington so với các chủ thể lớn khác trong khu vực. Không như Chính quyền của Tổng thống George Bush, phần lớn các chủ thể hoạch định chính sách liên quan trong chính quyền Clinton đều hoan nghênh chủ nghĩa đa phương như một phần bổ sung (chứ không phải là một phần thay thế) cho sự tồn tại của các dàn xếp song phương hiện hữu. Vì vậy, Mỹ ủng hộ các cách tiếp cận nhằm tăng cường các diễn đàn đa phương hiện hữu (như APEC) và tạo ra những cơ chế đa phương mới như là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) (Baker 1998; McGrew 1998; Dosch 2000).
Trái ngược với những kinh nghiệm trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương và có thể là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, ở CA-TBD, sự xuất hiện một hệ thống đa phương của các mối quan hệ quốc tế lại được khởi đầu và bị chi phối bởi các nước yếu chứ không phải các cường quốc thống trị trong khu vực. Cùng lúc, cũng nên lưu ý rằng vai trò của Mỹ là cốt yếu cho sự nổi lên của chủ nghĩa đa phương trong khu vực, mặc dù Washington không bắt đầu tiến trình này. Thay vào đó, các nước ASEAN được tiếng là người kiến tạo đối thoại an ninh khu vực. ASEAN xem ý tưởng ARF như một cách thức để giữ Mỹ can dự vào khu vực và kiềm chế các thế lực đang lên như Trung Quốc và Nhật. Nửa đầu năm 1993, Mỹ và Nhật ra tín hiệu ủng hộ các diễn đàn an ninh đa phương. Washington tỏ ra quan tâm đến việc tạo nên một công cụ nhằm khuyến khích đối thoại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khi thiếu vắng các diễn đàn song phương thích hợp. Nhật bị thúc đẩy bởi các ý chí chính trị nhằm tìm kiếm một phương cách bổ sung để bảo đảm an ninh cho mình mà không trở nên quá năng động, tránh gợi lại các kinh nghiệm không tốt đẹp từ thời bá quyền Nhật Bản. Do đó, cả Nhật và Mỹ đều hưởng ứng sáng kiến của ASEAN trong việc đóng vai trò lãnh đạo ngoại giao nhằm thiết lập một dàn xếp đa phương. Khi tờ Washington Post (26/7/1994) đưa phóng sự sau cuộc họp ARF đầu tiên năm 1994 rằng một thể chế mới đã được thành lập “theo các quan điểm được Tổng thống Clinton ủng hộ”, nó đã lờ đi một sự thật rằng diễn đàn mới này rõ ràng là theo định hướng của các nước Châu Á nhiều hơn. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 7 năm 1993, Clinton ủng hộ đối thoại an ninh giữa các nước Thái Bình Dương. Tổng thống đề xuất nhiều hoạt động an ninh chồng chéo nhau, từ các thảo luận đa phương về các vấn đề cụ thể như tranh chấp Trường Sa cho đến các giải pháp xây dựng lòng tin như thảo luận các học thuyết quốc phòng, sự minh bạch trong mua sắm vũ khí và quản lý xung đột. Đề xuất này, vốn là một phần của “chiến lược can dự và mở rộng” kiểu chủ nghĩa tân-Wilson của Tổng thống Clinton, đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với CA-TBD.
Nửa đầu những năm 1990 là thời hoàng kim của “Giấc mơ Thái Bình Dương”, lúc mà các từ “tương lai”, “thịnh vượng” và “CA-TBD” gần như trở nên đồng nghĩa. Không có nước nào, nhất là Mỹ, muốn mất phần trong “thế kỉ Thái Bình Dương sắp tới”. Trong một đánh giá mang tính phản biện về tầm nhìn CA-TBD, Rob Wilson viết:
“CA-TBD” là một ý niệm hoàn mỹ của thị trường tự do, một chỉ dấu đang nổi lên của các khát vọng xuyên quốc gia về một sự thống nhất siêu quốc gia cao hơn mà ở đó các lực lượng toàn cầu và địa phương sẽ cùng gặp nhau trong một tình huống “các bên cùng thắng”, và một thị trường mở sẽ hấp thu văn hóa và chính trị vào trong dòng chảy không biên giới mạnh mẽ của nó.
(Wilson 2000:566)
Tóm lại, quy mô nền thương mại CA-TBD đã kích thích giấc mơ về một cộng đồng Thái Bình Dương của Mỹ. Các con số quả thực ấn tượng. Các nền kinh tế Châu Á chiếm 4% GDP toàn cầu năm 1960, nhưng con số này tăng lên 25% vào năm 1991 – xấp xỉ tỉ lệ của Mỹ. Từ 1972 đến 1992, GDP tại CA-TBD tăng tới 141% trong khi Tây Âu và Bắc Mỹ chỉ đạt mức tăng lần lượt là 55% và 59% (Dibb 1995:19). Thứ trưởng Thương mại Mỹ, Jeffrey E.Garten (1995), nhấn mạnh rằng Đông Á có thể tăng trưởng nhanh gấp hai lần nước Mỹ trong thập kỉ tới, và gấp ba lần so với Châu Âu. Kết quả là Mỹ đã ủng hộ APEC như là một hòn đá tảng cho mục tiêu duy trì nền kinh tế năng động trong khu vực của chính quyền Clinton. Tại một cuộc điều trần ở Quốc hội về tương lai chính sách đối ngoại Mỹ tại CA-TBD, đại diện của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (Office of the United State Trade Representative – USTR), một chủ thể chính trong chính sách kinh tế đối ngoại Mỹ, nói rằng APEC “là trọng tâm khu vực trong các nỗ lực của chúng ta để mở của thị trường và tăng cường thương mại” (Barshefsky 1995). Theo ước tính của USTR, nếu thị trường Mỹ mở rộng thêm cứ 1 phần trăm nhờ vào hợp tác trong APEC thì sẽ tạo thêm 300.000 việc làm mới tại Mỹ (Barshefsky 1995). Theo sáng kiến của Clinton, APEC bắt đầu giữ những vai trò quan trọng hơn từ năm 1993 khi mà lần đầu tiên nguyên thủ các nước thành viên gặp nhau tại Seattle. Trước đó, chỉ có các Bộ trưởng và quan chức chính phủ cấp cao tham gia hoạt động của APEC. Hội nghị thượng đỉnh Seattle mang lại một cú hích mạnh cho những sáng kiến tự hóa do thương mại. Một năm sau đó, “Tuyên bố Bogor” của APEC vào năm 1994 đã kêu gọi thành lập trên thực tế Khu vực thương mại tự do CA-TBD vào năm 2020. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1990, APEC nói riêng và chủ nghĩa đa phương ở khu vực nói chung dần dần mất đà, nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng Châu Á vốn đã thay đổi căn bản cách nhìn CA-TBD như là một trụ cột kinh tế của thế kỉ 21. Tuy nhiên, APEC, ARF và các diễn đàn đa phương khác vẫn không phải là không còn phù hợp. Do thiếu vắng các cơ chế thích hợp khác, chúng vẫn cung cấp một khuôn khổ giá trị cho các cuộc họp cấp cao đều đặn giữa các nước mà nếu không có chúng việc liên lạc giữa các nước có thể gặp khó khăn. Trung Quốc và Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc, Mỹ và Bắc Triều Tiên là những ví dụ điển hình. Cùng lúc đó, chủ nghĩa đa phương không còn là ưu tiên hàng đầu trong các nghị trình ngoại giao nữa. Đối với nước Mỹ thì sự bùng nổ của khủng hoảng Châu Á năm 1997 đã xoa dịu sự lo lắng về sự suy giảm vị thế ưu việt của Mỹ. Từ quan điểm tái nhận thức sức mạnh của Mỹ, một lần nữa, các mối hợp tác đa phương đã mất đi sự thu hút và cần thiết ban đầu như là một phương tiện tăng cường lợi ích Mỹ. Các chiến lược đơn phương và song phương đã được tái chứng minh tầm quan trọng. Thành công trong việc xác định lại quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật càng ảnh hưởng đến sự thay đổi trong nhận thức nói trên. Hiệp ước được tái ký làm giảm đáng kể những bối rối của Mỹ đầu những năm 1990 về kiến trúc an ninh CA-TBD sau Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ đồng minh này lại tiếp tục được xem là xương sống vững chắc của các mối quan hệ an ninh trong khu vực, vì thế giảm bớt sự cần thiết phải có các chiến lược bổ sung.
Sự hồi sinh của mô hình cũ trong quan hệ Mỹ – Đông Á: ưu thế của chủ nghĩa song phương
Sự áp đảo của cách tiếp cận song phương đối với an ninh CA-TBD được phản ánh rõ ràng qua “Tuyên bố chung Nhật – Mỹ về an ninh: Liên minh cho thế kỉ 21” vào ngày 16 tháng 4 năm 1996. Tuyên bố mô tả khái quát nhu cầu hai nước cần “làm việc cùng nhau và riêng lẻ… nhằm đạt được một môi trường an ninh hòa bình và ổn định hơn tại CA-TBD” (Bộ Ngoại giao Nhật Bản 1996). Văn bản này nhấn mạnh bốn ý chính:
  • Hợp tác với Trung Quốc nhằm khuyến khích nước này “đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong khu vực”.
  • Khuyến khích hợp tác với tiến trình cải cách đang diễn ra ở Nga, và xác nhận một lần nữa việc bình thường hóa quan hệ đầy đủ giữa Nhật  và Nga có vai trò quan trọng đối với an ninh và hòa bình khu vực.
  • Tiếp tục nỗ lực ổn định bán đảo Triều Tiên thông qua hợp tác với Hàn Quốc.
  • Phát triển các cơ chế hợp tác và đối thoại an ninh đa phương trong khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN, và cuối cùng là các đối thoại về an ninh ở Đông Bắc Á.
So sánh các điểm này với năm “hòn đá tảng” của chính sách Châu Á của Mỹ được nêu ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger năm 1985 cho thấy ưu tiên hàng đầu của Washington không thay đổi về căn bản:
  • Tầm quan trọng then chốt của quan hệ an ninh Mỹ – Nhật.
  • Cam kết của Mỹ về ổn định tại bán đảo Triều Tiên.
  • Nỗ lực của Mỹ để xây dựng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc.
  • Ủng hộ của Mỹ đối với ASEAN.
  • Quan hệ hữu nghị lâu đời của Mỹ với Australia và New Zealand (trích trong Grinter 1989:22).
Tuyên bố chung năm 1996 và Đường lối mới cho hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật công bố tại New York ngày 23 tháng 12 năm 1997 đã kích thích những tranh luận học thuật sống động về ý nghĩa của liên minh này đối với quan hệ an ninh ở CA-TBD. Nhìn chung, liên minh được làm mới giữa Mỹ và Nhật được thừa nhận hơn bao giờ hết là xương sống của kiến trúc an ninh khu vực. Nó bảo đảm hòa bình và an ninh không chỉ cho Nhật  mà còn cho toàn bộ khu vực CA-TBD. Hầu hết cho rằng liên minh này là lựa chọn tốt thứ hai trong bối cảnh thiếu vắng một cấu trúc an ninh và quốc phòng đa phương tương tự như ở Châu Âu. Đồng thời, việc nhiều người ở Châu Á (mà có lẽ là cả ở Mỹ) cảm nhận liên minh này như một đối trọng nhằm chống lại một Trung Quốc có tiềm năng trở nên bành trướng và hiếu chiến trong tương lai cũng tạo ra một số quan ngại.
Dù có sự nổi trội của chủ nghĩa đa phương trong một thời gian ngắn, cả chính quyền Clinton lẫn chính quyền George W.Bush đều không hề nghi ngờ vai trò của chủ nghĩa song phương với tư cách là cách tiếp cận chính sách đối ngoại chủ chốt dành cho khu vực CA-TBD. Nếu cấu trúc này bị thay đổi thì một cấu trúc hòa hợp quyền lực (concert of power) có thể nổi lên thay thế. Một viễn cảnh phổ biến hay được bàn luận bởi các chính trị gia cũng như giới học giả thường đề cập đến sự mở rộng quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật. Hàn Quốc (và có thể là một Triều Tiên thống nhất trong tương lai) và Australia là những đối tác tiềm năng trong hệ thống hòa hợp quyền lực, vốn có thể mang lại cho các đồng minh của Mỹ nhiều trọng trách hơn nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn là liệu Trung Quốc có đủ tư cách trở thành một phần trong cấu trúc hòa hợp quyền lực trên hay không. Nếu câu trả lời là có thì CA-TBD có thể giống với cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương vốn ngày càng bao gồm nhiều chủ thể dựa trên sự mở rộng của khối NATO.
Những thay đổi trong quan hệ quốc tế sau sự kiện ngày 11 tháng 9 đã tạo ra thêm sự ủng hộ đối với việc phối hợp nỗ lực nhằm thành lập một trật tự khu vực an ninh hơn tại CA-TBD. Bất chấp các xu hướng đơn phương trong chính sách đối ngoại Mỹ diễn ra sau các cuộc tấn công khủng bố vào New York và Washington, cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra cần có nhiều đồng minh mới có thể đạt được thành công. Tuy nhiên tác động của điều này đối Đông Nam Á và Đông Bắc Á tới nay vẫn còn hạn chế. Các tác động của điều này chỉ thể hiện rõ ràng nhất ở Philippines mà thôi.
HỘP 2.1: CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ TẠI CA-TBD: PHILIPPINES LÀ MẶT TRẬN THỨ HAI? Ở đâu? Basilan, một hòn đảo có diện tích khoảng 20×30 dặm ở phía nam Philippines, một tỉnh của khu vực Mindanao, là cứ điểm của nhóm Abu Sayyaf. Những tên khủng bố hay kẻ cướp – tùy vào cách nhìn của từng người – được cho là có liên kết với mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda.
Mỹ đã làm gì? Ban đầu là tổ chức tập trận huấn luyện. Hiện cuộc tập trận chung với sự tham gia của 3.800 lính Philippines được phía Mỹ gọi tên là cuộc tập trận “Đại Bàng Tự Do – Philippines”.
Mục đích là gì? Mục đích rõ nhất là tiêu diệt Abu Sayyaf. Theo các viện nghiên cứu Mỹ, Philippines là trung tâm lập kế hoạch lớn đối với các sứ mạng toàn cầu của Al-Qaeda. Những báo cáo này cho rằng nhóm Abu Sayyaf có các mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống khủng bố toàn cầu của Osama bin Laden. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát và ngay cả chính phủ Manila và Washington ước tính rằng con số thật sự về các thành viên đang hoạt động của Abu Sayyaf chỉ gần 100. Nhiều người cũng tin rằng nhóm này quan tâm nhiều hơn đến việc cướp bóc hơn là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hay khủng bố quốc tế.
Abu Sayyaf gây chú ý dư luận quốc tế như thế nào? Vào tháng 3 năm 2000, Abu Sayyaf đã bắt cóc 58 người từ một trường học ở Basilan. Sau đó, nhóm lại bắt cóc 21 người bao gồm 10 khách du lịch nước ngoài từ một khu du lịch lặn ở Malaysia. Các con tin được thả tự do khi Libya trả hơn 20 triệu đô-la tiền chuộc. Vào tháng 5 năm 2001, Abu Sayyaf bắt cóc tiếp 20 con tin, 17 người Philippines và 3 người Mỹ, ở khu nghỉ dưỡng Dos Palmas trên đảo Palawan của Philippines. Các cuộc bắt cóc quy mô lớn gây ra nhiều mối hoài nghi về nền tảng ý thức hệ mà Abu Sayyaf tự tuyên bố. Viêc nhóm này tự liên hệ với đạo Hồi có vẻ như là để nhằm tạo ra sự thông cảm đối với các hành động tội phạm của chúng.
Sự có mặt của Mỹ được chấp nhận không? Việc triển khai quân của Mỹ là một vấn đề tranh cãi vì Hiệp ước lực lượng quân sự nước ngoài viếng thăm năm 1998 mà theo đó cho phép sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines thực tế lại nghiêm cấm sự tham gia của lực lượng đó vào việc tác chiến trong nước hay trấn áp các phần tử nổi loạn và các hoạt động tội phạm. Chính quyền Manila và Washington đều lờ đi các điều khoản này bởi vì việc hợp tác nhận được sự ủng hộ từ công luận của cả hai nước.
Mối quan tâm thực sự của Washington là gì? Mỹ muốn có quan hệ quân sự thân thiết hơn với Philippines sau khi mất quyền sử dụng các căn cứ ở đây một thập kỉ trước. Hoạt động quân sự chung đã mở ra cánh cửa cho việc khôi phục sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ ở đất nước này, nơi có tầm quan trọng địa chiến lược đối với Washington.
Các nước Đông Nam Á khác liệu có đi theo? Mặc dù chính quyền Bush lo ngại rằng Đông Nam Á có thể phát triển thành một cái nôi sinh sản của chủ nghĩa khủng bố, các chiến dịch chung tại Philippines khó trở thành một mô hình kiểu mẫu cho toàn khu vực này. Trước mắt, các nhà chức trách Mỹ cho rằng việc triển khai quân tại Indonesia sẽ phản tác dụng do các tình cảm bài Mỹ ở đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này.
Khái quát lịch sử trên đã cho thấy mặc dù có những thay đổi lớn về cấu trúc ở từng khúc quanh lịch sử, Mỹ vẫn có vị thế áp đảo ở khu vực từ đầu thế kỉ 19. Phần tiếp theo sẽ tập trung vào các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến và thậm chí quyết định cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét