Nguồn: Feng Zhang (2012). “China’s New Thinking on Alliances” , Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 54, No. 5, pp. 129-148.
Biên dịch: Nguyễn Hoàng Việt Hưng | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn
Tháng 12 năm 1949, Mao Trạch Đông – lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa non trẻ – đã có chuyến thăm đến Matxcơva để thương lượng trở thành đồng minh quân sự với Liên Xô. Tuy nhiên, trong vòng chưa đến hai thập kỉ sau đó, liên minh quân sự Xô – Trung đã không những sụp đổ mà còn biến thành thế đối đầu căng thẳng cả về quân sự và ý thức hệ. Những nhu cầu cấp bách mang tính chiến lược của đất nước đã buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải xích lại gần với Hoa Kỳ, và từ sau năm 1972, tạo nên một mô hình bán liên minh giữa 2 quốc gia từng có quá khứ thù địch này. Tháng 1 năm 1979, trong chuyến thăm Washington, ông Đặng Tiểu Bình đã tìm cách lôi kéo Hoa Kỳ để phát triển quan hệ hai nước thành đồng minh không chính thức trên thực tế nhằm đảm bảo được Hoa Kỳ ủng hộ trong cuộc xâm lược Việt Nam sắp đến của Trung Quốc. Trong thập kỉ cuối của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng duy trì quan hệ ở mức hợp tác chiến lược nhằm chống lại Liên Xô.1
Hồ sơ của Trung Quốc về chính trị liên minh thời kì Chiến tranh Lạnh do vậy quả thực rất ấn tượng. Tuy vậy, vào những năm đầu của thập niên 1980, mặc dù quan hệ bán liên minh với Hoa Kỳ vẫn được duy trì một cách hạn chế, nhưng những ngôn từ về vấn đề liên minh quân sự đã không còn xuất hiện trong phát ngôn chính thức. Trên thực tế, chủ trương liên minh đã bắt đầu suy giảm khi quan hệ Xô – Trung xấu đi vào cuối những năm 1950, và cuối cùng kết thúc vào năm 1982 khi Đại hội Đảng lần thứ 12 đặt ra “chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập và tự chủ”. Bắc Kinh tuyên bố theo đuổi nguyên tắc không liên kết trong quan hệ với Hoa Kỳ và Liên Xô, nhằm thực hiện chính sách ngoại giao độc lập.2 Có thể nói đây là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: từ những năm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh khi Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế, rồi đến những thay đổi của thập niên 1990 giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc cho đến tận ngày hôm nay, khi quốc gia này đã đánh dấu sự hiện diện một cách rõ ràng trên trường quốc tế, nguyên tắc ngoại giao nhất quán của Bắc Kinh là không liên minh, và xem chính sách liên minh là một di sản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh không phù hợp với đạo đức Trung Hoa.
Tuy thế, quan điểm liên minh đang dần trở lại trong cộng đồng học giả và những nhà làm chính sách của Trung Quốc. Những học giả lớn đang đề nghị đánh giá lại nguyên tắc không liên kết trong chính sách đối ngoại của quốc gia. Mặc dù đây chỉ là những ý kiến bên lề, vài năm gần đây luồng tư tưởng mới về liên minh đã xuất hiện và được cổ vũ bởi một số học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế nổi tiếng. Vì sao tư tưởng liên minh quay trở lại bàn nghị luận? Tư tưởng này có thể tạo ra những tác động nào đến chính sách? Nguồn gốc đem đến quan điểm mới về liên minh của Trung Quốc về cơ bản cũng tương tự như những nguồn gốc chính sách liên minh trong thời kì Chiến tranh Lạnh: họ cảm thấy bị thúc đẩy bởi những áp lực mang tính chiến lược từ thay đổi trong cấu trúc hệ thống quốc tế. Cũng giống như áp lực từ Hoa Kỳ ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai buộc Trung Quốc phải liên minh với Liên Xô, hay như áp lực từ Liên Xô trong những năm cuối thập kỉ 1960 buộc Trung Quốc phải tìm kiếm liên minh với Mỹ, thì giờ đây, áp lực từ việc Mỹ tăng cường ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương – cái mà Mỹ gọi là “xoay trục về châu Á”3 – đã thúc đẩy những nhà bảo thủ ở Trung Quốc phải xem xét lại khả năng sử dụng phương án liên minh như là một lựa chọn trong chiến lược mới của Trung Quốc. Tuy vậy, chúng ta cần phải thảo luận về các nguyên do khác của tư tưởng liên minh mới của Trung Quốc, cũng như giá trị tư tưởng và tác động chính sách của sự thay đổi này.
Quan điểm mới
Trong số những người có đóng góp cho dòng quan điểm về quan hệ quốc tế không chính thống của Trung Quốc đương đại, Diêm Học Thông (Yan Xuetong) từ đại học Thanh Hoa có thể được xem là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất và ủng hộ mạnh mẽ những chính sách ngoại giao phi chính thống.4 Ông cũng là người kiên định nhất trong số những nhà phân tích Trung Quốc bảo vệ quan điểm liên minh và đã bắt đầu đề xuất ý tưởng này từ năm 2009.5 Năm kế đó, trong một cuộc nói chuyện với sinh viên, ông Diêm nhấn mạnh chủ trương không liên minh là một điểm yếu rất lớn trong chính sách đối ngoại Trung Quốc vì nó đã ngăn cản Trung Quốc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Quan điểm này dựa trên lý luận có vẻ nghịch lý rằng, khi Trung Quốc trỗi dậy làm tình thế lưỡng nan về an ninh tại Đông Á trở nên nghiêm trọng hơn, một chính sách liên minh tạo ra sự đảm bảo an ninh của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng có thể sẽ là cách tốt nhất để làm giảm nhẹ đi sự hoài nghi của họ về sức mạnh Trung Quốc, từ đó giúp tình trạng căng thẳng trong khu vực dịu đi.6
Trong một bài viết được đăng năm 2011 trên Hoàn Cầu Thời Báo, nơi Diêm là cộng tác viên thường trực, ông ta đã tranh luận rằng sự phân phối quyền lực trên thế giới hiện nay thực chất đang phát triển theo hướng “nhị siêu – đa cường” hơn là đa cực (ít nhất là về vật lực), với Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu trật tự thế giới.7 Cũng cần lưu ý rằng Diêm đã từng là một thành viên tham gia tích cực trong những cuộc tranh luận chiến lược của Trung Quốc về trật tự thế giới trong nửa đầu thập niên 1990. Các cuộc tranh luận này đã gần đạt được sự nhất trí trong nội bộ Trung Quốc rằng hệ thống quốc tế những năm 1990 được đặc trưng bởi tính chất “nhất siêu – đa cường” với Mỹ là siêu cường duy nhất và Trung Quốc nằm trong phần “đa cường” còn lại. Ở thời điểm hiện tại, sự phát triển kinh tế liên tục của Trung Quốc đã làm cho Diêm cân nhắc lại những đánh giá trước đó của mình, từ đó ủng hộ ý tưởng về một hệ thống lưỡng cực mới nổi lên. Tuy vậy, xét về mặt trật tự chiến lược quốc tế, ông Diêm lại bi quan cho rằng thế đơn cực của Mỹ đã được củng cố mạnh mẽ hơn chứ không hề bị suy yếu, chủ yếu là do chính sách ngoại giao khôn ngoan mà chính quyền Obama đang thực hiện. Diêm cũng cho rằng Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể thách thức hệ thống đơn cực chiến lược xoay quanh Mỹ, bằng cách thiết lập liên minh với Nga.
Năm 2012, Diêm đẩy mạnh kêu gọi chính phủ thay đổi nguyên tắc ngoại giao. Trong một bài báo viết về vấn đề Biển Đông đăng trên tạp chí Vấn Đề Thế Giới (World Affairs), Diêm đã lồng vào đó quan điểm cho rằng chính phủ cần phải từ bỏ chính sách thao quang dưỡng hối và chủ trương không liên kết, lần lượt là hai nền tảng của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong suốt 20-30 năm qua. Chủ trương đầu tiên – thường bị hiểu sai lệch là (thực sự) “ẩn mình chờ thời” – được Đặng Tiểu Bình đề ra sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và sự sụp đổ của Liên Xô tiếp sau đó.8 Để thay thế thao quang dưỡng hối (tao guang yang hui), Diêm đề xuất chủ trương khiêm khư cẩn thận (qianxu jinshen), có thể tạm dịch là “hành động khiêm tốn và thận trọng”;9 đồng thời, ông cũng đề nghị đưa chiến lược liên minh thay thế cho chính sách không liên kết. Theo ông Diêm, “không liên kết”:
đồng nghĩa với việc không tạo được những bạn bè gần gũi, tin cậy nhất. Nếu không có những người bạn này, chúng ta không có ai để dựa vào những lúc khó khăn. Việc không có đồng minh cũng không hề làm giảm đi sự lo sợ của những quốc gia khác về sự trỗi dậy của chúng ta. Chính sách không liên kết đã trở thành rào cản ngăn chúng ta đạt được sự hỗ trợ của hầu hết những quốc gia ở khu vực Nam Hải. Nước Mỹ đang lo lắng về việc chúng ta từ bỏ chính sách không liên kết, bởi vì chính sách lược này đã và đang giúp họ cô lập chúng ta. Nhìn ra cả bốn phía của lãnh thổ Trung Quốc, có thể thấy khu vực bình an nhất là phía Tây và Tây Bắc, và an ninh ở đó dựa trên liên minh bán quân sự của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tóm lại, điều mà Trung Quốc đối mặt hôm nay không phải chỉ là vấn đề điều chỉnh chính sách đối ngoại, mà còn là điều chỉnh nguyên tắc đối ngoại, đó là có nên điều chỉnh các nguyên tắc “thao quang dưỡng hối” và không liên kết hay không.10Chủ đề thảo luận này được nối tiếp bằng những phân tích cụ thể hơn về sự cần thiết và tính khả thi của một liên minh Nga – Trung. Bắt đầu với tiền đề cho rằng sự mong muốn và tin cậy của bất kì liên minh nào cũng đều được tạo nên bởi sự tương đồng về lợi ích an ninh giữa các thành viên, ông Diêm khẳng định cả Nga và Trung Quốc không thể có được một lựa chọn chiến lược nào tốt hơn là làm đồng minh của nhau. Nga vẫn luôn phải chịu đựng áp lực liên tục và ngày càng tăng của các nước phương Tây kể từ sau kỉ nguyên chiến tranh Lạnh, trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt khả năng bị bao vây bởi những quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế, việc tìm ra những lợi ích chung giữa hai quốc gia là cần thiết để chống lại sự xâm lấn chiến lược của Mỹ.11
Dù Diêm là người tranh luận tích cực nhất cho chính sách liên minh, ông không hề đơn độc. Và mặc cho việc ông thường có quan điểm công kích hoặc lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh luận về chính sách đối nội thì trong vấn đề liên minh này, Diêm thực chất lại đứng trên quan điểm ôn hòa, cho rằng liên minh Trung – Nga, trước những áp lực ngày càng tăng cao của tình hình quốc tế, sẽ là một liên minh phòng thủ ngăn chặn được tình trạng ngày càng xấu đi của môi trường chiến lược quốc tế.12 Đới Húc (Dai Xu), một đại tá không quân thuộc lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), có quan điểm cứng rắn hơn nhiều. Trong một bài báo đăng tải trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo tháng 1 năm 2012, ông đã quả quyết rằng Washington hiện đang triển khai một kế hoạch quân sự nhằm thống trị cả thế giới, lấy khu vực Á – Âu làm chiến trường chính và Nga – Trung chính là hai đối thủ chủ yếu. Chính vì vậy, ông cho rằng Trung Quốc và Nga cần phải thiết lập “đại liên minh Á – Âu” để cùng nhau chống lại thói quen “bắt nạt” những nước yếu và tham vọng tạo nên một đế chế toàn cầu của Mỹ. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải đánh giá lại nguyên tắc không liên kết của mình, đồng thời xem xét chính sách đối ngoại hiện chỉ tập trung vào kinh tế và phát triển hòa bình. Ông Đới đề nghị trong khi thiết lập một thế trận phòng thủ chủ động trên mặt trận trên biển, Trung Quốc cũng đồng thời nên thực hiện một cuộc “trường chinh” vào trung tâm Á – Âu để đánh bại chiến lược bao vây của Mỹ.13
Tư duy cực đoan của ông Đới không được chia sẻ rộng rãi ngay cả trong nội bộ những người ủng hộ thay đổi chính sách không liên kết. Không những vậy, hầu hết người dân Trung Quốc còn xem ông Đới như người đang đứng ngoài ranh giới của sự hiểu biết và độ am hiểu về chính sách, và những lời nói thô lỗ của ông ta khó lòng được cân nhắc một cách nghiêm túc. Một số đề xuất khác có mức độ đóng góp lớn hơn lại đến từ những học giả ít tiếng tăm, điển hình là Trương Văn Mộc (Zhang Wenmu) của trường đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh; chính ông là người đã nhắc đến sự cần thiết của việc nâng cấp mối quan hệ Nga – Trung từ đối tác chiến lược lên thành đồng minh chiến lược. Thay vì trở thành liên minh quân sự để giải quyết xung đột, ông lại nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của liên minh nên là bảo vệ lợi ích hợp pháp chung của Nga và Trung Quốc trước sự xâm lấn của Mỹ. Ông cũng đồng thời chỉ trích những người tin vào chính sách không liên kết đã hiểu sai bản chất của chính sách đối ngoại Trung Quốc. Theo ông, trọng tâm của chính sách đối ngoại Trung Quốc kể từ năm 1949 đã là độc lập và tự chủ, chứ không phải không liên kết. Ông cảnh báo việc gắn mình vĩnh viễn vào chính sách không liên kết là Trung Quốc đã tự đào hố chôn mình trước khi cuộc xung đột thực sự bắt đầu.14
La Viện (Luo Yuan), một cựu thiếu tướng của PLA và cũng là cựu Phó giám đốc của Phòng Nghiên cứu các Vấn đề Quân sự thuộc Học viện Khoa học Quân sự, người vốn ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận cứng rắn hơn trong các chính sách ngoại giao của Trung Quốc, thực tế lại tỏ ra hoài nghi về chiến lược liên minh chính thức. Ông đề xuất rằng thay vì phải có đồng minh, Trung Quốc có thể nâng cấp quan hệ với những quốc gia có ý nghĩa chiến lược (bao gồm cả Nga) lên mức độ hợp tác chiến lược cao hơn, từ đó Trung Quốc sẽ có được những liên minh trên thực tế (de facto) mà không lo sợ những cạm bẫy xuất phát từ những liên minh chính thức.15
Một đề xuất về bán liên minh như vậy, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, có vẻ như được nhiều người ủng hộ. Điều này đơn giản vì người ta cho rằng bán liên minh sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn từ những lợi thế an ninh được tạo nên từ sự liên kết chiến lược, nhưng cũng đồng thời tránh được những rủi ro, tính bị động và hệ lụy phức tạp mà một liên minh chính thức có thể đem đến.16 Mô hình bán liên minh tương đối ít tốn kém, linh hoạt và tiện lợi nhưng lại không làm mất đi tính độc lập về đối ngoại vốn được ưa chuộng ở Trung Quốc. Cụ thể, một mối quan hệ bán liên minh Trung – Nga, với khả năng định hướng phòng thủ đầy hứa hẹn, được đánh giá có tiềm năng để phát triển thành một mẫu hình quan hệ giữa các cường quốc. Theo Vũ Trịnh Lương (Yu Zhengliang), một mối quan hệ bán liên minh Trung – Nga không phải để thách thức hay thay thế sự độc tôn của Mỹ; nó chỉ là một phản ứng chiến lược đối với tình hình đang leo thang như hiện nay, nhằm có được một mối quan hệ cân bằng với phương Tây và bảo vệ lợi ích chiến lược của Trung Quốc.17 Những đặc tính bên trong của mô hình bán liên minh phần nào giải thích được tại sao nó lại thuyết phục được nhiều nhà phân tích đang lo ngại về việc từ bỏ một cách quá vội vàng những chính sách ngoại giao lâu nay.
Một tiếng nói quan trọng khác trong cuộc tranh luận này thuộc về Đường Thế Bình (Tang Shiping) của trường đại học Phúc Đán. Ông không ủng hộ một chính sách liên minh nào cụ thể, mà thay vào đó đề nghị Trung Quốc cân nhắc lại vai trò của đồng minh trong những bài học quá khứ. Ông Đường chỉ trích quyết định từ chối liên minh của Trung Quốc là một hành động tự lừa dối; ông cũng đồng thời cho rằng chính sách này đã đưa Trung Quốc vào thế bị các quốc gia khác chế nhạo bởi sự không nhất quán khi nói về tầm quan trọng của đồng minh trong suốt chiều dài lịch sử ngoại giao. Ông lập luận rằng,việc xây dựng liên minh không nhất thiết phải là dấu hiệu của “tư tưởng Chiến tranh Lạnh” – như cái cách mà chính phủ vẫn luôn quả quyết, và rằng ngay cả trong lịch sử, Trung Quốc cũng chưa bao giờ là một quốc gia không liên kết. Ông Đường kết luận, việc chối bỏ vai trò của liên minh như một chiến lược an ninh đã gây cản trở nghiêm trọng lên tư duy chiến lược của Trung Quốc. Từ đó, ông hối thúc chính phủ cân nhắc mọi chiến lược có thể, kể cả có hay không liên quan tới liên minh, nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia mà không nhất thiết phải phá vỡ nguyên tắc đối ngoại độc lập đề ra năm 1982.18 Quan điểm này của ông đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhiều học giả khác, trong đó có Thời Ánh Hồng (Shi Yinhong) của Đại học Nhân dân.19
Áp lực quốc tế, năng lực được cải thiện và những thất vọng trong nước
Vì sao tư duy mới của Trung Quốc về liên minh lại nổi lên vào thời điểm này? Câu trả lời tốt nhất dựa trên chủ nghĩa hiện thực mới: việc xem xét lại các chính sách hiện hành bị thúc đẩy bởi những thay đổi to lớn trong hệ thống quốc tế mà những ràng buộc của hệ thống đó đang chi phối sự vận động của Trung Quốc.20 Những ràng buộc này đang ngày càng thắt chặt hơn do sự tăng cường vị thế bá quyền chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cảm nhận của Trung Quốc về những áp lực chiến lược từ Hoa Kỳ là lý do thường xuyên được họ sử dụng để biện minh cho việc thiết lập các liên minh nhằm chống lại hoặc cạnh tranh với các hệ thống an ninh của Mỹ trong khu vực.
Kenneth Waltz đã nhìn nhận liên minh là giải pháp cân bằng bên ngoài hữu hiệu, có thể bao gồm “các động thái nhằm tăng cường và mở rộng liên minh của mình và làm suy yếu, thu hẹp liên minh của đối thủ”.21 Những nhà phân tích của Trung Quốc đang xem xét cả 2 khía cạnh của chiến lược này: xây dựng liên minh với Nga và các quốc gia khác, đồng thời phá hoại hệ thống liên minh Mỹ bằng cách tạo áp lực lên những đồng minh khu vực của Mỹ, và làm tăng cái giá mà Mỹ phải trả để đảm bảo những cam kết với đồng minh của mình. Hơn nữa, Trung Quốc hiểu rõ khía cạnh chính trị liên minh trong chính sách của Trung Quốc với các nước láng giềng. Trung Quốc tin rằng liên minh với các nước láng giềng có thể giúp tạo sự tin tưởng chiến lược, từ đó xóa đi những nghi ngờ và củng cố thêm sự hợp tác chiến lược, đồng thời làm suy yếu đi sức hấp dẫn của Mỹ trong vai trò là người cung cấp an ninh.22 Ít nhất, xây dựng liên minh với láng giềng cũng có thể giúp Trung Quốc không bị mất thêm những quốc gia thân thiết vốn đã rất ít ỏi, điều đã được minh chứng bằng những thay đổi gần đây ở Miến Điện.
Nếu những ý tưởng trên trở thành hiện thực, sẽ có hai hệ thống liên minh đối lập trên cùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và kết quả là một phiên bản Chiến tranh Lạnh khác có thể xảy ra ngay tại thế kỉ 21 với cuộc đối đầu của Mỹ và Trung Quốc. Nếu không có gì thay đổi, khu vực này sẽ phải chứng kiến sự hồi sinh của một thực tiễn không mong muốn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những động thái quyết liệt của nước này23 trong những năm gần đây đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ Washington và các nước đồng minh khu vực. Chính điều này khiến Trung Quốc bàn thảo về việc đáp trả tương thích, tập trung vào việc tái thiết lập các quan hệ đồng minh từ lịch sử đối ngoại thăng trầm của họ trong vấn đề này. Người ta có thể lý giải việc này như một ví dụ của tình trạng lưỡng nan về an ninh đang ngày càng tăng cao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vốn đang nhận được hỗ trợ chiến lược từ Mỹ. Những quốc gia láng giềng này, trong lúc tìm kiếm biện pháp thắt chặt an ninh thông qua mở rộng quân sự, đã làm nâng cao sự e dè lẫn nhau. Chính vì thế, mỗi nước đều không ngừng phát triển năng lực quốc phòng và cuối cùng thì không bên nào thực sự đạt được tình trạng an ninh tốt hơn trước đây.24 Người ta có thể diễn giải điều này như là một cuộc cạnh tranh giữa một quyền lực đang lên (Trung Quốc) và một bá chủ thế giới (Mỹ) trong việc thiết lập cấu hình tương lai của trật tự khu vực. Nếu Mỹ tiếp tục “xoay trục” mà không trấn an Trung Quốc, và nếu Trung Quốc thấy cần thiết phải xây dựng chính sách liên minh, thì kết quả tồi tệ nhất có thể là một cuộc đấu tranh giành quyền thống trị chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy vậy, áp lực về trật tự khu vực không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tư tưởng liên minh mới của Trung Quốc, hoặc nói cách khác là nó không nhất thiết phải dẫn đến tư tưởng này. Nhìn lại lịch sử một chút sẽ làm rõ hơn điều này. Sau thập niên 1980, khi liên minh không còn chiếm vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã có ít nhất hai lần nó có thể được hồi sinh. Từ 1989 đến 1992, việc phương Tây cô lập ngoại giao và ban hành lệnh trừng phạt Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn, cùng với sự thay đổi trật tự địa chính trị thế giới sau Chiến tranh Lạnh đã đặt Trung Quốc trước những quyết định ngoại giao khó khăn. Giới chức lãnh đạo thảo luận về những tình hình thực tế và cách giải quyết, nhưng ý tưởng hình thành một liên minh chống Mỹ, với sự tham gia của nước Nga non trẻ, đã không nhận được nhiều quan tâm. Gần 10 năm sau đó, năm 1999, một cuộc tranh luận nổ ra sau khi NATO đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trong cuộc chiến Kosovo. Lần này, cuộc tranh cãi không chỉ diễn ra trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh, mà còn diễn ra sôi nổi giữa những nhà phân tích không thuộc chính phủ. Tuy nhiên, tương tự như trước, tư tưởng liên minh đã hầu như không gây được sự chú ý nào.25
Việc những áp lực trong quá khứ khá tương tự như ngày nay, nhưng lại không đem đến sự thay đổi trong tư duy về liên minh như bây giờ đã cho thấy áp lực chỉ là một phần nguyên nhân. Phần còn lại chính là do sự tăng cường vị thế quyền lực của Trung Quốc, cũng như những thay đổi trong tranh luận nội bộ về vấn đề ngoại giao. Khi nào một đất nước muốn liên minh với nước khác? Lý thuyết cân bằng quyền lực theo chủ nghĩa hiện thực mới cho rằng đó là khi những quốc gia còn lại muốn tạo nên vị thế cân bằng với quốc gia quyền lực nhất trong hệ thống.26 Có lẽ, khoảng cách quyền lực càng lớn chừng nào thì các quốc gia yếu lại càng có xu hướng muốn tạo được sự cân bằng chừng đó, trừ khi quốc gia thống trị kia quá vượt trội đến nỗi sự cân bằng thông thường không thể hoạt động được.27 Mặt khác, thuyết cân bằng lại mối đe dọa chỉ ra rằng các quốc gia thường liên kết chống lại quốc gia có mức độ đe dọa cao hơn, với mức độ đe dọa được xác định bởi tổng hợp những yếu tố như nguồn lực sức mạnh, sự gần kề về địa lý, khả năng gây ảnh hưởng và những chính sách cho thấy khả năng gây nguy hiểm.28
Trường hợp của Trung Quốc, tuy thế, lại đặt ra thách đố cho cả hai lý thuyết. Nếu thuyết cân bằng quyền lực là đúng, thì xu hướng cân bằng quyền lực với Mỹ đáng lẽ phải dần giảm bớt sau thời kì Chiến tranh Lạnh, vì Trung Quốc đã và đang dần bắt kịp với Mỹ về mức độ phát triển. Thế nhưng những tranh cãi về liên minh lại bùng lên vào thời điểm Trung Quốc đạt được vị trí thứ hai thế giới về kinh tế, chứ không phải lúc quốc gia này bị bỏ xa phía sau. Vì vậy, khi các nhà phân tích như Diêm Học Thông nói rằng Trung Quốc hiện gần như ở cùng cấp độ quyền lực với Mỹ và đang tạo nên một hệ thống hai cực mới, ông đang muốn nhắc đến sự cân bằng quyền lực; mặc dù, nếu nhìn từ góc độ của quyền lực tương đối thì Trung Quốc lúc này ít có nhu cầu cân bằng quyền lực hơn so với giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh. Mặt khác, nếu thuyết cân bằng lại mối đe dọa là đúng, thì những tranh luận về liên minh lẽ ra phải xuất hiện nhiều lần từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Và chắc chắn một điều là những tranh cãi này đáng lẽ không thể nào căng thẳng hơn những thời điểm như năm 1999, khi mà máy bay Mỹ đã thực sự đánh bom đại sứ quán Trung Quốc.
Một nguyên nhân khác cho việc xuất hiện nhu cầu liên minh khi Trung Quốc mạnh lên là sự thông hiểu đặc biệt của nước này về chính trị liên minh. Theo đó, Trung Quốc cần phải xây dựng các liên minh khi sức mạnh của quốc gia này bằng hoặc mạnh hơn so với các đối tác liên minh; và khi Trung Quốc không quá thua kém so với quốc gia mà họ muốn cân bằng quyền lực. Các nhà phân tích Trung Quốc đã nhận thức được rằng trong những liên minh trước đây với Liên Xô và Mỹ, Trung Quốc, với tư cách là bên yếu hơn, luôn gặp bất lợi hơn, đặc biệt là trong mối quan hệ với Liên Xô. Họ do đó muốn đảo ngược sự bất đối xứng này trong những liên minh tương lai, với Trung Quốc ở phía mạnh hơn, hoặc ít nhất là cân bằng. Nhiều người cho rằng việc thiết lập liên minh với Nga sẽ không tạo ra bất kì rủi ro nào cho Trung Quốc, vì sức mạnh của họ giờ đây đã ngang ngửa và rất có thể sẽ mạnh hơn Nga trong tương lai.29 (Điều này sẽ còn đúng hơn nữa khi xét các mối liên minh khác, với các quốc gia yếu hơn). Những nhà phân tích cũng tin rằng khả năng hiện nay của Trung Quốc sẽ biến liên minh thành một chiến lược hiệu quả và quan trọng giúp họ cân bằng quyền lực với Mỹ, chứ không như thời điểm đầu những năm 1990, khi cân bằng bên ngoài không giúp gì nhiều cho Trung Quốc vì sự yếu kém về vật lực của họ. Dưới góc nhìn này, tư duy mới về liên minh được kích thích bởi vị trí quyền lực được củng cố của Trung Quốc sau ba thập kỉ phát triển chóng mặt về kinh tế. Đối với nhiều nhà phân tích Trung Quốc, đạt được vị trí thứ hai trong quyền lực quốc tế là ngưỡng giới hạn để cân bằng bên ngoài bắt đầu phát huy tác dụng, khi họ không quá thua kém nước đứng đầu – đối thủ để cân bằng quyền lực, và mạnh hơn phần còn lại – những nước có thể thành đồng minh.
Cuối cùng, tư tưởng mới về liên minh cũng là một hệ quả của sự thiếu kiên nhẫn, không thỏa mãn và giận dữ của những nhà phân tích với những chính sách hiện tại. Sự giận dữ đã không ngừng tăng từ cuối thập niên 1990, một phần do Trung Quốc nới lỏng kiếm soát những cuộc thảo luận giữa các học giả. Sự vắng mặt của những ý tưởng liên minh trong giai đoạn 1989-92 có thể được lý giải một phần bởi sự yếu kém của Trung Quốc. Một nguyên nhân khác quan trọng hơn nhiều là do sự xuất hiện của một tư tưởng ngoại giao chính thống mới được đặt ra và bảo trợ bởi Đặng Tiểu Bình, đó là chính sách thao quang dưỡng hối đã được nhắc đến ở phần trên. Tư tưởng ngoại giao này bao gồm cả nguyên tắc không liên kết, thông qua việc giấu mình chờ thời, ủng hộ cách tiếp cận thụ động và dè chừng. Chủ trương ngoại giao này thực sự phát huy tác dụng vào giai đoạn thập niên 1990. Tuy vậy, ngày nay, tính hữu ích của nó đã bị đặt một dấu hỏi bởi một lượng đông đảo những nhà phân tích cánh tả và cánh hữu. Phe cấp tiến, vốn ủng hộ quan điểm liên minh mới, chỉ ra rằng những chính sách ngoại giao cũ thời ông Đặng Tiểu Bình đã không còn phát huy tác dụng, và thậm chí, nó còn trói buộc chính sách ngoại giao Trung Quốc trong sự nhu nhược. Một lần nữa, Diêm Học Thông lại chứng minh vì sao ông là một nhà phê bình nổi tiếng. Ông cho rằng một chính sách đối ngoại chú trọng phát triển kinh tế quốc gia sẽ trở nên lỗi thời một khi những lợi ích về an ninh trở thành vấn đề cấp thiết hơn những lợi ích về kinh tế. Và giải pháp liên minh không chỉ là một sự phản ứng lại tình trạng xấu đi của môi trường an ninh Trung Quốc, mà nó cũng được ca ngợi là sẽ cứu vãn những thất bại trong chính sách đối ngoại gần đây của nước này. Cụ thể hơn, ông cho rằng thiết lập quan hệ đồng minh có thể tăng cường thẩm quyền đạo đức và mức độ khả tín chiến lược của Trung Quốc, mà việc thiếu những phẩm chất này được coi là những vấn đề nghiêm trọng trong môi trường quốc tế ngày nay.30 Đối với Diêm và một số nhà phê bình trực ngôn khác, sự bất mãn với chính sách hiện thời trở nên sâu sắc hơn bởi chính phủ có vẻ vẫn gắn bó với tư tưởng ngoại giao đã 20 năm tuổi của ông Đặng Tiểu Bình và làm ngơ trước những lời kêu gọi quyết liệt từ phía những nhà phân tích.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét