Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Thị trường và đạo đức (Kì 13)


Ludwig Lachmann

Kinh tế thị trường và phân bố tài sản

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong tiểu luận này Ludwig Lachmann, một nhà kinh tế học nổi tiếng, khảo sát những luận cứ phê phán chủ nghĩa tư bản thị trường tự do từ quan điểm “công bằng xã hội” và tìm ra những mâu thuẫn của chúng. Ông giải thích sự khác biệt giữa “quyền sở hữu” và “của cải” và chỉ rõ vì sao việc tôn trọng quyền tư hữu (quyền sở hữu) là tương thích với quá trình tái phân bố của cải thông qua thị trường. Đây là tiểu luận quan trọng, nó giúp độc giả hiểu rõ tính năng động của những mối quan hệ xã hội và kinh tế trong chế độ tư bản.



Ludwig Lachmann (1906-1990) nhận bằng Ph.D. tại Đại học tổng hợp Berlin. Ông rời Đức và sang Anh vào năm 1933, nơi ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu tại Trường kinh tế London (London School of Economics). Lachmann có những đóng góp quan trọng vào lí thuyết về tư bản, về phát triển kinh tế và cơ sở mang tính phương pháp luận của kinh tế học và xã hội học. Ông đã cho xuất bản những tác phẩm quan trọng như Tư bản và cơ cấu của nó (Capital and Its Structure); Di sản của Max Weber (The Legacy of Max Weber); Tư duy kinh tế vĩ mô và kinh tế thị trường (Macro-Economic Thinking and the Market Economy); Tư bản, kì vọng và tiến trình trên thương trường (Capital, Expectations, and the Market Process); và Thị trường như là tiến trình kinh tế (The Market as an Economic Process).

Tiểu luận này là bản rút gọn tác phẩm xuất bản lần đầu vào năm 1956.

________________________________________________________________

Bây giờ ai còn có thể nghi ngờ điều mà giáo sư Mises đã nói cách đây 30 năm rằng mỗi vụ can thiệp của chính quyền đều kéo theo một vụ can thiệp khác nhằm ngăn chặn những hậu quả kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra từ vụ can thiệp trước đó? Ai còn phủ nhận rằng nền kinh tế chỉ huy đòi hỏi phải có lạm phát thì mới vận hành được và hiện nay ai còn không biết hậu quả tai hại của hiện tượng “lạm phát có kiểm soát”? Nhưng một số nhà kinh tế học vẫn phát minh ra được thuật ngữ được họ tán dương là “lạm phát thường trực” nhằm mô tả hiện tượng lạm phát thường xuyên mà tất cả chúng ta đều biết, có vẻ như là chẳng ai bị lừa hết. Thực ra là không cần phải có thí dụ về trường hợp nước Đức để chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng thậm chí ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất, nền kinh tế thị trường cũng thiết lập được trật tự từ những hỗn loạn “được nhà nước kiểm soát”. Hình thức tổ chức kinh tế dựa trên sự hợp tác tự nguyện và trao đổi kiến thức chắc chắn là ưu việt hơn bất kì cơ cấu thang bậc nào khác. Người nào có khả năng học từ suy luận và kinh nghiệm thì đã biết điều đó từ trước, còn người nào không có khả năng thì có vẻ như hiện nay vẫn chưa học được.

Đứng trước tình hình như thế, những người phản đối kinh tế thị trường đã thay đổi lí lẽ, bây giờ người ta phản đối nó trên cơ sở “xã hội” chứ không dùng luận cứ kinh tế nữa. Họ kết án nó là bất công chứ không phải là không hiệu quả. Họ bảo rằng sở hữu tài sản đã làm “méo mó” mọi thứ và cam đoan rằng “số đông ủng hộ thị trường trong những cuộc trưng cầu dân ý là do có nhiều người bỏ phiếu nhiều lần, tại nhiều địa điểm khác nhau”. Họ nói rằng phân bố tài sản ảnh hưởng tới sản xuất và phân bố thu nhập vì những người hữu sản không chỉ được hưởng “lợi lớn, bất công” từ thu nhập của toàn xã hội mà còn gây ảnh hưởng tới cơ cấu sản phẩm xã hội: hàng xa xỉ thì quá nhiều mà nhu yếu phẩm thì lại quá ít. Hơn thế nữa, vì những sở hữu chủ này là những người có nhiều tiền nhất cho nên họ cũng là người quyết định quá trình tích lũy tư bản và bằng cách đó, quyết định cả tiến  bộ kinh tế nữa.

Một số người không phủ nhận hoàn toàn rằng phân bố tài sản là hệ quả mang tính tích lũy của sự vận động của các lực lượng kinh tế, nhưng họ cũng nói rằng vốn tích lũy đó lại hoạt động theo cách thức làm cho hiện tại là tù binh của quá khứ, là tác nhân độc đoán và “quá đát” trong hiện tại. Thu nhập ngày hôm nay được định hình bởi phân bố tài sản ngày hôm nay, và mặc dù là một phần tài sản ngày hôm nay được tích lũy từ ngày hôm qua, nó được tích lũy thông qua những quá trình phản ánh ảnh hưởng của sự phân bố tài sản từ ngày hôm kia. Cốt lõi là, luận cứ của những người phản đối kinh tế thị trường dựa trên định chế về “thừa kế”, theo đó, ngay cả trong các chế độ tiến bộ thì đa số những sở hữu chủ có của là do trước đó họ đã có của rồi.

Hiện nay luận cứ này có vẻ như đang được nhiều người chấp nhận, thậm chí cả những người thực tâm cổ xúy cho tự do kinh tế nữa. Những người này tin rằng “tái phân bố tài sản”, thí dụ như thông qua thuế đánh vào tài sản thừa kế, sẽ mang lại kết quả có lợi về mặt xã hội, nhưng bất lợi về mặt kinh tế. Nhưng ngược lại, vì những biện pháp như thế sẽ giải phóng hiện tại khỏi “bàn tay của thần chết” cho nên sẽ giúp điều chỉnh thu nhập hiện tại cho phù hợp với nhu cầu hiện tại. Phân bố tài sản là một sự kiện của thị trường và bằng cách thay đổi những sự kiện, chúng ta có thể làm thay đổi kết quả mà không cần can thiệp vào cơ chế của thị trường! Kết quả là bằng chính sách liên tục tái phân bố tài sản hiện có ta có thể đưa các quá trình diễn ra trên thương trường đến kết quả “chấp nhận được về mặt xã hội”. Quan niệm này, như chúng tôi đã nói, được nhiều người chia sẻ, thậm chí cả một số nhà kinh tế học, những người hiểu rõ tính ưu việt của kinh tế thị trường so với kinh tế chỉ huy và những thất bại của chính sách can thiệp, nhưng lại không thích những điều mà họ coi là hậu quả xã hội của kinh tế thị trường. Họ sẵn sàng chấp nhận kinh tế thị trường khi và chỉ khi hoạt động của thị trường song hành với chính sách tái phân bố tài sản vừa nêu.

Tiểu luận này là để phê phán cơ sở của quan điểm vừa nói.

Trước hết, toàn bộ lập luận dựa trên sự lầm lẫn theo nghĩa đen của từ này, do tính đa nghĩa của thuật ngữ “sự kiện”. Trong ngôn ngữ hàng ngày cũng như trong nhiều ngành khoa học, thí dụ như trong môn thống kê, từ “sự kiện” có nghĩa là một cái gì đó, tại một thời điểm nào đó, “được trình ra” cho những người quan sát tại hiện trường. Theo nghĩa này thì hiển nhiên là cách thức phân bố tài sản là một sự kiện tại bất kì thời điểm nào, bởi đơn giản là theo nghĩa thông thường thì chỉ có một cách phân bố như thế, không còn cách nào khác. Nhưng trong lí thuyết cân bằng – tốt hay xấu không biết – một thuyết có ý nghĩa rất lớn đối với tư duy kinh tế hiện này và có đóng góp rất lớn vào việc định hình nội dung của kinh tế học thì từ “sự kiện” lại có nghĩa thứ hai, khác hẳn nghĩa thứ nhất: Ở đây sự kiện có nghĩa là điều kiện cần cho sự cân bằng, là một thông số độc lập và “những sự kiện” có nghĩa là tổng các điều kiện cần và đủ để một khi chúng ta đã biết toàn bộ những điều kiện đó, chúng ta có thể suy ra được giá và số lượng cân bằng mà không cần phải làm gì thêm nữa. Theo nghĩa thứ hai này thì phân bố tài sản, cùng với những sự kiện khác, là một YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH, mặc dù không phải là yếu tố quyết định duy nhất, của giá cả và số lượng các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau được bán và được mua.

Nhưng nhiệm vụ chính của chúng ta trong tiểu luận này là chỉ ra rằng phân bố tài sản không phải là “sự kiện” theo nghĩa thứ hai này. Nó không những không phải là “thông số độc lập” của những quá trình diễn ra trên thương trường, mà, ngược lại, liên tục bị các lực lượng của thị trường tác động làm cho nó phải thay đổi. Không cần phải nói là không thể phủ nhận được rằng tại bất kì thời điểm nào nó đều là một trong những lực lượng định hướng cho các tiến trình của thị trường trong thời điểm tiếp liền sau đó, nhưng có thể nói rằng hình thức phân bố đó cũng chẳng thể có ảnh hưởng lâu dài. Mặc dù của cải luôn luôn được phân bố theo một cách nào đó, nhưng cách thức phân bố lại liên tục thay đổi.

Chỉ khi mà một hình thức phân bố đó cứ giữ hết giai đoạn này đến giai đoạn khác, trong khi phần tài sản mà cá nhân nhận được là do thừa kế thì hình thức phân bố bất biến đó mới là lực lượng kinh tế không thay đổi. Trên thực tế thì không phải như thế. Phân bố của cải là đối tượng được định hình bởi các lực lượng trên thương trường, chứ không phải là tác nhân và dù hôm nay hình thức phân bố có như thế nào thì nó cũng nhanh chóng trở thành quá khứ, chẳng có liên quan gì tới hiện tại hết.

Như vậy là, phân bố của cải không nằm trong các sự kiện của phương trình cân bằng. Xã hội cũng như các nhà kinh tế học không cần phải quan tâm tới cách thức phân bố của cải tại một thời điểm mà phải quan tới tới cách thức thay đổi của nó theo thời gian. Sự thay đổi như thế - như chúng ta sẽ thấy – đưa nó tới vị trí thực sự của nó trong các sự kiện xảy ra trên “con đường” có thể - nhưng trên thực tế thì ít khi – dẫn tới sự cân bằng. Đấy thường là hiện tượng “động”. Lạ lùng là trong khi người ta nói rất nhiều về việc cần phải tiến hành và khuyến khích các công trình nghiên cứu các hiện tượng động thì vấn đề này lại ít được chú ý đến như thế.

Quyền sở hữu là khái niệm pháp lí trỏ vào những đối tượng vật chất cụ thể. Của cải là khái niệm kinh tế trỏ vào những nguồn lực khan hiếm. Tất cả những nguồn lực có giá trị đều là các đối tượng vật chất, hoặc phản ánh hay bao gồm đối tượng vật chất, nhưng không phải tất cả các đối tượng vật chất đều là nguồn lực: ngôi nhà hoang hay đống rác là những thí dụ rõ ràng, đấy là những đối tượng mà chủ sở hữu sẵn sàng cho đi nếu có thể tìm được người muốn lấy. Hơn nữa, cái là nguồn lực ngày hôm nay có thể ngày mai sẽ không còn là nguồn lực nữa, trong khi những đối tượng chẳng có giá trị gì trong ngày hôm nay lại trở thành có giá trị vào ngày mai. Vì vậy, đối tượng vật chất có phải là nguồn lực hay không và nguồn lực đó có giá trị như thế nào, luôn luôn là một vấn đề khá tù mù và ở mức độ nào đó, phụ thuộc vào khả năng nhìn xa trông rộng của chủ nhân. Đối tượng chỉ trở thành tài sản khi nó là nguồn gốc của thu nhập. Đối với chủ sở hữu, giá trị của đối tượng - giá trị thực tế hay tiềm tàng – tại mỗi thời điểm là khả năng tạo ra thu nhập mà người ta kì vọng. Điều này, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào công năng mà đối tượng có thể có. Vì vậy, chỉ sở hữu không thôi chưa chắc đã làm người ta giàu lên, sử dụng nó một cách hữu hiệu mới thành giàu có được. Không phải là sở hữu nguồn lực mà là sử dụng nguồn lực mới là nguồn gốc của thu nhập và tài sản. Nhà máy sản xuất kem ở New York có thể là phương tiện làm giàu cho chủ nhân, nhưng nhà máy kem ở Greenland chắc chắn không phải là nguồn gốc của thu nhập rồi.

Trong cái thế giới của những biến động đầy bất ngờ này, giữ được của cải luôn luôn là vấn đề khó khăn, và trong dài hạn, có thể nói rằng đấy là nhiệm vụ bất khả thi. Muốn giữ được khối tài sản đã có – có thể là tài sản được kế thừa từ thế hệ nọ sang thế hệ kia – gia đình phải có nguồn lực tạo ra thu nhập ròng thường xuyên, nghĩa là giá trị của đầu ra phải cao hơn số tiền chi cho việc phục vụ các nguồn lực tạo ra thu nhập đó. Có vẻ như điều này chỉ khả thi hoặc là trong một thế giới đứng yên, một thế giới mà hôm nay cũng như hôm qua hay hôm kia, và ngày nào, năm nào chủ sở hữu hay hậu duệ của họ cũng có thu nhập như nhau; hoặc là khả năng nhìn xa trông rộng của tất cả các chủ sở hữu đều trên mức tuyệt vời. Vì cả hai trường hợp như thế đều không thể xảy ra trên thực tế cho nên chúng ta có thể bỏ qua. Thế thì, trên thực tế, trong cái thế giới đầy biến động này, của cải phải chịu những tác động gì?

Cách này hay các khác, tất cả của cải nằm trong tài sản cố định đều là hiện thân hoặc ít nhất là phản ánh nguồn lực vật chất của quá trình sản xuất, tức là nguốn gốc của đầu ra. Tất cả sản phẩm đều là do lao động của con người, kết hợp với các nguồn lực như thế, mà ra. Muốn đạt được mục tiêu đó, các nguồn lực phải được sử dụng trong một sự phối hợp nhất định, sự liên kết như thế là bản chất của việc sử dụng nguồn lực. Nhà doanh nghiệp, tức là người sản xuất, người khởi xướng và người thực hiện các kế hoạch sản xuất không có sẵn cách thức phối hợp. Trên thực tế, không có cái gọi là chức năng sản xuất. Ngược lại, trong cái thế giới của những biến động thường xuyên này, nhiệm vụ của doanh nhân chính là tìm xem trong điều kiện của ngày hôm nay, các nguồn lực phải kết hợp với nhau như thế nào để thu được giá trị thặng dư cao nhất so với đầu vào và dự đoán xem kết hợp nào thì sẽ tạo ra thặng dư như thế trong những điều kiện có thể xảy ra vào ngày mai, khi giá trị của đầu ra, giá đầu vào và công nghệ sẽ thay đổi.

Nếu tất cả các nguồn lực đều cực kì đa dụng thì vấn đề của doanh nhân chỉ còn là hướng theo các thay đổi của điều bên kiện ngoài bằng cách chuyển hướng kết hợp các nguồn lực để sử dụng cho những hoàn cảnh mà sự thay đổi làm cho nó trở thành có lời. Nhưng, theo qui luật thì các nguồn lực chỉ có một số công năng giới hạn mà thôi, mỗi nguồn lực có riêng một số công năng[1]. Vì thế, việc điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi thường kéo theo nhu cầu thay đổi trong kết cấu của cả nhóm nguồn lực, kéo theo nhu cầu “tái cấu trúc tư bản”. Nhưng mỗi thay đổi trong sự liên kết các bộ phận – làm vốn tăng hay giảm -  sẽ có ảnh hưởng đến giá trị của các nguồn lực cấu thành. Các doanh nhân sẽ trả giá cao cho những nguồn lực mà họ cho là sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn và sẽ trả giá thấp cho những nguồn lực ít lợi nhuận hơn. Trong trường hợp đặc biệt, khi mà nguồn lực đã từng mang lại lợi nhuận, nhưng nay (hoặc trong tương lai) không còn sử dụng được nữa thì chúng sẽ mất tính chất nguồn lực của mình. Nhưng ngay cả trong trong những trường hợp ít kịch tính hơn thì trong cái thế giới của những thay đổi đầy bất ngờ hiện nay, việc những tài sản lâu bền tăng hay giảm giá là hiện tượng không thể nào tránh được.

Nhìn theo giác độ đó thì những quá trình diễn ra trên thương trường chính là sự cào bằng. Trong nền kinh tế thị trường, quá trình tái phân bố tài sản diễn ra liên tục; so với nó, quá trình tái phân phối mà các chính khách muốn biến thành định chế sẽ chẳng có giá trị gì, vì một lí do duy nhất là thị trường trao của cải vào tay những người biết giữ nó, trong khi các chính khách lại giao cho những cử tri của họ, những người về nguyên tắc là không biết giữa của.

Quá trình tái phân bố tài sản trên thương trường không phải là một chuỗi những may rủi. Những người tham gia trên thương trưởng không chơi trò may rủi mà chơi bằng kĩ năng. Quá trình này, cũng như tất cả các quá trình năng động đang diễn ra trên thực tế, phản ánh sự chuyển giao kiến thức từ người nay sang người khác. Điều đó chỉ có thể diễn ra khi một số người có kiến thức mà những người khác chưa có, vì kiến thức về sự thay đổi và ẩn ý của nó lan truyền trong xã hội một cách từ từ và không đồng đều.

Trong quá trình này, người thành công là người nhận thức trước những người khác rằng một nguồn lực nhất định có thể được tạo ra trong ngày hôm nay, khi nó còn mới hay có thể mua được một nguồn lực hiện hữu với một giá A nào đó, ngày mai nó sẽ là một phần của kết cấu sản xuất và kết quả là sẽ có giá A’. Việc được hoặc mất về tư bản như thế - do may rủi hay nhu cầu – sẽ đưa nguồn lực từ tay người này sang tay người khác - người sau có thể tài giỏi hay kém hơn người trước – tạo thành bản chất kinh tế của tài sản trong cái thế giới luôn thay đổi này và là động cơ chủ yếu của quá trình tái phân bố. Trong quá trình này, thật khó mà xảy ra hiện tượng là một người nào đó tiếp tục đoán đúng mãi khả năng sử dụng của nguồn lực hiện hữu hay tiềm tàng, trừ phi đấy là một người siêu đẳng thực sự. Và ngay cả với một người siêu đẳng như thế thì hậu duệ của người đó cũng không chắc đã có được thành công như thế - trừ phi hậu duệ của người đó cũng là những người siêu đẳng. Trong thế giới của những thay đổi không lường trước được, việc mất cũng như gia tăng vốn liếng là những sự kiện không thể tránh khỏi. Sự cạnh tranh giữa các chủ sở hữu tư bản và bản chất đặc thù của những nguồn lực lâu bền - ngay cả khi nó là nguồn lực đa dụng – tạo ra kết quả là lỗ đi sau lời cũng như lời theo sau lỗ vậy.

Các sự kiện kinh tế đó đều có một số hậu quả xã hội nhất định. Vì những người phê phán kinh tế thị trường hiện nay thường thích đưa ra luận điểm trên cơ sở “xã hội”, cần phải giải thích rõ hậu quả xã hội đích thực của các quá trình diễn ra trên thương trường. Chúng ta đã nói rằng đấy là quá trình cào bằng. Chúng ta cũng có thể mô tả những kết quả đó như là thí dụ của cái mà Pareto gọi là “sự quay vòng của tầng lớp tinh hoa”. Của cải thường không nằm lâu trong bàn tay của cùng một người. Nó được chuyển từ tay người này sang tay người khác, đấy là khi những thay đổi không dự đoán được làm tăng giá trị cho khi thì nguồn lực này, khi thì nguồn lực khác, gây ra sự thăng giáng của đồng vốn. Chủ tài sản, nói như Schumpeter, giống như những người ở trọ trong khách sạn hay hành khách trên tàu hỏa vậy: họ luôn có mặt ở đó, nhưng chẳng bao giờ có những người ở lâu.

Bản chất của của cải trong nền kinh tế thị trường, như chúng ta đã thấy, là một vấn đề phức tạp. Tài sản càng lâu bền và càng có tính đặc thù, phạm vi sử dụng càng hạn hẹp thì vấn đề càng trở nên rõ ràng. Nhưng trong xã hội, nơi mà chẳng có mấy vốn liếng được tích lũy dưới dạng các kho hàng hóa – chủ yếu là hàng nông sản và mau hỏng, chỉ tồn tại trong những khoảng thời gian khác nhau – xã hội, nơi các loại hàng hóa tiêu dùng lâu dài – trừ nhà ở và đồ gỗ - chẳng có là bao, thì vấn đề không còn rõ ràng như thế nữa. Nói chung, đấy chính là xã hội mà các nhà kinh tế học cổ điển đã sống và đương nhiên là họ cũng đưa nhiều đặc điểm của xã hội đó vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy mà, trong những điều kiện của thời đó, các nhà kinh tế học cổ điển đã đúng khi coi toàn bộ vốn liếng là cực kì đa dụng và gần như đồng nhất với nhau, ngoại trừ đất đai, đất đai là vốn đặc thù và không thể làm ra được. Nhưng trong thời đại của chúng ta, quan niệm như thế là không thể chấp nhận hay gần như không thể chấp nhận được. Càng có nhiều vốn cố định, vốn cố định càng lâu bền, thì khả năng là nguồn vốn đó chỉ được sử dụng – trước khi hỏng hẳn – cho mục đích mà nó được thiết kế sẽ càng lớn. Điều đó có nghĩa là trong nền kinh tế hiện đại không có cái gọi là nguồn thu nhập vĩnh viễn. Thời gian sử dụng kéo dài và khả năng chuyển đổi thấp làm cho điều đó trở thành bất khả thi.

Sự kiện mà chúng tôi nhấn mạnh trong tiểu luận này là trong cái thế giới đầy những biến động bất thường này, việc tái phân bố của của cải là sự kiện mà ai cũng thấy. Thế thì tại sao nó lại thường bị người ta tảng lờ đi? Chúng ta có thể hiểu vì sao các chính trị gia lại tìm cách lờ nó: xét cho cùng thì phần lớn các cử tri của họ có vẻ như không bị nó tác động trực tiếp, và như đã thấy trong trường hợp lạm phát, họ không thể hiểu được nếu quả thật có bị nó tác động. Nhưng tại sao các nhà kinh tế học cũng tìm cách lờ nó đi?  Cách thức phân bố của cải là kết quả hoạt động của các lực lượng kinh tế là một nhận định mà họ cho là hấp dẫn đối với họ. Thế thì tại sao nhiều nhà kinh tế học vẫn tiếp tục coi phân bố tài sản là “sự kiện” theo nghĩa thứ hai, như đã nói tới bên trên? Chúng ta đành phải chấp nhận rằng lí do là họ quá lo lắng cho vấn đề cân bằng.

Như chúng ta đã thấy, những hình thức phân bố tài sản kế tiếp nhau là phù hợp với thế giới không cân bằng. Vốn tư bản tăng hay giảm chủ yếu là do các nguồn lực lâu bền phải được đem ra sử dụng theo những công năng khác với công năng ban đầu của chúng và vì có một số người hiểu rõ hơn và sớm hơn những người khác: cần phải thay đổi những gì và nguồn lực của thế giới đang vận động nghĩa là thế nào. Trạng thái cân bằng nghĩa là kế hoạch không thay đổi, nhưng tái phân phối tài sản do thị trường tạo ra lại là kết quả điển hình của những hành động thay đổi liên tục. Đương nhiên là những quá trình mà chúng ta mô tả bên trên sẽ bị những những người đã quen tư duy bằng những thuật ngữ cân bằng coi là “không đáng xem xét”. Đối với họ, lực lượng kinh tế “chân chính” là những lực lượng có xu hướng tạo ra và duy trì được trạng thái cân bằng. Vì vậy mà những lực lượng làm mất cân bằng bị coi là không thật sự đáng quan tâm và thường bị lờ đi.

Dĩ nhiên là chúng tôi không nói rằng các nhà kinh tế học hiện nay chìm đắm trong học thuyết về cân bằng đến mức bỏ qua các sự kiện của thị trường, họ không có khả năng và không sẵn sàng ứng phó với những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế, nói thế là vô lí. Chúng tôi chỉ nói rằng họ chỉ được trang bị kiến thức để xử lí những dạng thay đổi phù hợp với những hình mẫu cứng nhắc mà thôi.

Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/




[1] The argument presented in what follows owes a good deal to ideas first set forth by Professor Mises in “Das festangelegte Kapital,” in Grundprobleme der Nationalökonomie, pp. 201-14. [English trans. in “Epistemological Problems of Economics” (New York: D. Van Nostrand, 1960, pp. 217-31.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét