Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014
Thị trường và đạo đức (Kì 12)
23:45
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tom G. Palmer
Adam Smith và huyền thoại về lòng tham
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong
tiểu luận này, tác giả kết liễu huyền thoại về một ông Adam Smith ngây
thơ, một người tin rằng chỉ cần dựa vào “tính tư lợi” là có thể tạo ra
được sự thịnh vượng. Những người nói như thế về Smith dường như chỉ mới
đọc một vài trích đoạn từ các công trình của ông và không biết rằng ông
đặc biệt chú ý nhấn mạnh vai trò của định chế và hậu quả tai hại của
hành động tự tư tự lợi, được thực hiện thông qua những định chế cưỡng
bức của nhà nước. Chế độ pháp quyền, quyền sở hữu, hợp đồng và trao đổi
biến tính tư lợi thành lợi ích của cả hai bên, trong khi tình trạng vô
luật pháp và không tôn trọng quyền tư hữu làm cho tính tư lợi trở thành
hoàn toàn khác và rất có hại.
Người
ta thường nghe nói Adam Smith tin là dân chúng chỉ hành động vì tính
ích kỉ của mình và mọi người sẽ thoải mái trong một thế giới mà “Lòng
tham làm cho thế giới chuyển động”. Dĩ nhiên là Smith không tin rằng chỉ
dựa vào những động cơ ích kỉ ta có thể làm cho thế giới trở thành tốt
đẹp hơn, ông cũng không khuyến khích hay cỗ vũ cho những hành động ích
kỉ. Cuộc thảo luận sâu rộng vai trò của “người quan sát vô tư” trong tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức (The Theory of Moral Sentiments)
phải đặt dấu chấm hết cho sự hiểu lầm như thế. Smith không phải là
người biện hộ cho tính ích kỉ, mà ông cũng không ngây thơ đến mức tin
rằng hết lòng vì hạnh phúc của người khác (hoặc bày tỏ thái độ như thế)
có thể làm cho thế giới trở thành tốt đẹp hơn. Như Steven Holmes đã nhận
xét trong tiểu luận Bí ẩn của lịch sử về thói tư lợi (The Secret History of Self-Interest)[1]
rằng Smith biết rất rõ hậu quả tai hại của những tình cảm “bất vụ lợi”
như đố kị, ác ý, thù hằn, cuồng tín và những tình cảm tương tự như thế.
Những kẻ cuồng tín bất vụ lợi của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha làm những
việc mà họ làm vì hi vọng rằng trong giây phút đau đớn tột cùng, những
kẻ dị giáo có thể sẽ sám hối và được Chúa tha thứ. Người ta gọi đấy là
cứu rỗi. Trong huấn thị dành cho những quan tòa của toà án dị giáo,
Humbert de Romans nhấn mạnh rằng họ được cộng đoàn cho phép áp dụng
những hình phạt đối với những kẻ dị giáo vì: “Chúng tôi cầu xin Chúa và
cầu xin các vị rằng các vị phải cùng với tôi cầu xin ngài rằng nhờ lòng
từ bi của ngài mà ngài sẽ làm cho những kẻ bị trừng phạt nhẫn nại chịu
đựng hình phạt mà chúng ta định thực hiện đối với họ (theo yêu cầu của
công lí, nhưng đau đớn), những hình phạt có thể làm cho họ được cứu rỗi.
Vì vậy mà chúng ta áp dụng những hình phạt như thế”[2].
Theo quan điểm của Smith thì người hết lòng vì hạnh phúc của người khác
cũng chẳng phải là người đức hạnh hơn những thương nhân bị nghi ngờ là
ích kỉ đang tìm cách làm giàu bằng cách bán bia và bán cá muối cho những
người đang đói khát.
Nói
chung, Smith không phải là người biện hộ cho những hành vi ích kỉ vì
những động cơ như thế có dẫn tới – “như bởi một bàn tay vô hình” – sự
gia tăng quyền lợi chung còn phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của hành
động, nhất là môi trường định chế. Đôi khi ước muốn hoàn toàn mang tính
vị kỉ là được người khác yêu – buộc chúng ta phải nghĩ về hình ảnh của
mình trong mắt những người khác - có thể làm ta chấp nhận một quan niệm
đạo đức nào đó. Trong khung cảnh quan hệ cá nhân hạn hẹp, được mô tả
trong Lí thuyết về cảm nhận đạo đức,
động cơ như thế có thể góp phần tạo ra lợi ích chung vì “ước muốn trở
thành những người được người khác yêu mến, trở thành người đáng yêu và
đáng hâm mộ như những người mà chúng ta yêu quí và hâm mộ nhất” đòi hỏi
chúng ta phải “trở thành người quan sát không thiên vị tính cách và đạo
đức của mình”[3].
Ngay cả khi tính tư lợi rõ ràng là quá mức nhưng trong môi trường định
chế đúng đắn thì vẫn có thể có lợi cho những người khác. Đấy là câu
chuyện Smith kể về con một người đàn ông nghèo, tham vọng của anh ta đã
buộc anh ta làm việc không biết mệt để rồi sau khi có một gia tài thì
lại cảm thấy mình không hạnh phúc hơn một gã ăn mày đang nằm phơi nắng
bên vệ đường. Việc theo đuổi tư lợi quá đáng của con trai người đàn ông
nghèo kia đã mang lại lợi ích cho nhân quần vì anh ta đã sản xuất và
tích cóp được tài sản làm cho nhiều người khác có thể sống được vì “nhờ
lao động của con người mà đất đai màu mỡ hơn và có thể nuôi sống được
nhiều người hơn”[4].
Còn trong bối cảnh kinh tế chính trị học rộng lớn hơn, được mô tả trong tác phẩm Tài sản của các quốc gia (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations),
nhất là những bối cảnh liên quan đến các định chế của nhà nước thì việc
theo đuổi tư lợi có vẻ như không tạo ra những kết quả tích cực như thế.
Thí dụ như vì theo đuổi quyền lợi riêng tư mà thương nhân vận động nhà
nước thành lập các tập đoàn độc quyền, thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, thậm
chí là gây chiến nữa: “Hi vọng rằng một lúc nào đó tự do thương mại sẽ
được tái lập hoàn toàn ở Anh quốc là hi vọng hão huyền, chẳng khác gì hi
vọng một ngày nào đó Xã hội không tưởng được thiết lập tại đây. Không
chỉ các định kiến của xã hội mà quyền lợi riêng tư không thể nào chế ngự
được của rất nhiều người cũng sẽ chống lại nó”[5].
Lợi ích vặt vãnh mà những người buôn bán thu được nhờ các doanh nghiệp
độc quyền tạo ra gánh nặng khủng khiếp cho xã hội dưới hình thức các nhà
nước đế quốc và chiến tranh:
Trong
hệ thống luật pháp được thiết lập để quản lí các thuộc địa của chúng ta
ở Mĩ và Tây Ấn, quyền lợi của người tiêu dùng chính quốc đã bị hi sinh
cho lợi ích của những nhà sản xuất nhiều hơn là những qui định về thương
mại khác của chúng ta. Một đế chế lớn hơn đã được thiết lập chỉ nhằm
một mục đích duy nhất là tạo ra đất nước của những người tiêu dùng,
những người buộc phải mua từ cửa hàng của những nhà sản xuất khác nhau
tất cả các món hàng mà họ có thể cung cấp. Chỉ vì muốn giữ giá cao, tức
là giá mà sự độc quyền có thể bảo đảm cho các nhà sản xuất của chúng ta,
mà người tiêu cùng ở chính quốc phải gánh trên vai mình toàn bộ chi phí
cho sự giữ gìn và bảo vệ đế chế đó. Để
thực hiện mục tiêu đó, và chỉ vì mục tiêu đó mà thôi, mà trong hai cuộc
chiến tranh gần đây người ta chi tới hai trăm triệu đồng và ngoài tất
cả những khoản chi cho cùng mục tiêu đó trong những cuộc chiến trước,
đất nước còn mắc thêm một khoản nợ mới là hơn một trăm bảy mươi triệu
đồng nữa. Tiền lãi của khoản nợ này không chỉ lớn hơn toàn bộ lợi nhuận
do độc quyền buôn bán với thuộc địa mang lại mà còn lớn hơn toàn bộ giá
trị của ngành thương mại này hay lớn hơn giá trị xuất khẩu trung bình
hàng năm tới các thuộc địa đó[6].
Như
vậy là, quan điểm của Smith, nếu thể hiện bằng ngôn từ của Gordon
Gecko, một nhân vật trong bộ phim Wall Street của Oliver Stone “lòng
tham là tốt” thì câu trả lời dứt “cũng có lúc tốt, cũng có lúc xấu” (với
giả định rằng tất cả những hành vi tư lợi đều bị coi là “tham” hết).
Khác nhau như thế là ở môi trường pháp lí.
Còn
về quan điểm của nhiều người cho rằng thị trường cổ vũ cho những hành
động ích kỉ, rằng tâm lí sinh ra trong quá trình trao đổi khuyến khích
tính ích kỉ? Tôi chẳng thấy có lí do gì để nghĩ rằng thị trường khuyến
khích thói ích kỉ hay lòng tham hết, theo nghĩa là tương tác trên thương
trường làm cho người ta tham hơn hoặc làm người ta ích kỉ hơn, so với
những xã hội do nhà nước bao cấp, tức là nhà nước đè nén hoặc ngăn chặn
hay cản trở hoặc có những hành động quấy nhiễu thị trường. Trên thực tế,
thị trường làm cho những hành động vị tha nhất cũng như ích kỉ nhất có
cơ hội bộc lộ, nhằm thúc đẩy những mục tiêu của chúng một cách hòa bình.
Những người dành trọn đời mình cho việc giúp đỡ những người khác sử
dụng thị trường để thúc đẩy những mục tiêu của họ cũng chẳng khác gì
những người mà mục tiêu là gia tăng khối tài sản của họ. Một số người
tìm cách tích tụ tài sản còn nhằm mục đích là làm cho họ có nhiều khả
năng giúp đỡ người khác hơn. George Soros và Bill Gates là những thí dụ
như thế, họ kiếm được hàng núi tiền, một phần là để gia tăng khả năng
giúp đỡ tha nhân thông qua những hoạt động nhân đạo của họ. Kiếm được
tài sản trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận làm cho họ trở thành những
người hào phóng hơn.
Những
người nhân đức hay các vị thánh thường thích sử dụng tài sản có sẵn để
nuôi ăn, cung cấp quần áo mặc và ai ủi cho càng nhiều người càng tốt.
Thị trường tạo điều kiện cho người ta tìm được những tấm chăn, thức ăn,
thuốc chữa bệnh với giá thấp nhất để có thể chăm sóc cho những người cần
giúp đỡ. Thị trường tạo điều kiện cho người ta tạo ra tài sản để có thể
sử dụng vào việc giúp đỡ những người bất hạnh và tạo điều kiện cho
những người từ tâm tăng đến mức tối đa khả năng giúp đỡ người khác của
họ. Thị trường làm cho những người từ tâm có của mà bố thí.
Sai
lầm của nhiều người là coi mục tiêu của người ta chỉ là “tư lợi”, rồi
sau đó lại lẫn lộn tư lợi với “ích kỉ”. Mục tiêu của những người tham
gia thị trường là mục tiêu của bản thân, nhưng như những con người sống
có mục đích, chúng ta còn lo lắng đến quyền lợi và hạnh phúc của những
người khác nữa – các thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm và thậm
chí những người hoàn toàn xa lạ, những người chúng ta chẳng bao giờ
gặp. Thực ra, thị trường tạo điều kiện cho người ta để ý tới nhu cầu của
tha nhân, kể cả những người hoàn toàn xa lạ.
Philip
Wicksteed đề nghị cách xử lí tế nhị hơn với động cơ trong mua bán trên
thương trường. Thay vì sử dụng “tính ích kỉ” để mô tả động cơ trong việc
tham gia vào thương trường (người ta có thể ra chợ để mua thức ăn cho
người nghèo, thí dụ như thế) thì ông đặt ra thuật ngữ “không quan tâm
tới quyền lợi của đối tác”[7].
Chúng ta có thể bán sản phẩm của mình lấy tiền để giúp bạn bè của chúng
ta, thậm chí giúp những người hoàn toàn xa lạ, nhưng khi chúng ta mặc
cả giá thấp nhất hoặc giá cao nhất thì chúng ta hiếm khi làm điều đó vì
lo lắng cho hạnh phúc của đối tác mà chúng ta đang mặc cả. Nếu chúng ta
làm như thế thì có nghĩa là chúng ta vừa trao đổi vừa tặng, điều đó sẽ
làm rắc rối cho việc trao đổi. Người nào cố tình trả nhiều hơn số tiền
cần phải trả thì khó mà trở thành doanh nhân thành đạt và như H.B. Acton
nhận xét trong tác phẩm Đạo đức của thị trường (The Morals of the Markets[8]): kinh doanh lấy lỗ nói chung là cách trở thành người nhân từ ngốc nghếch, thậm chí là ngu xuẩn nữa.
Rất
nên nhắc cho những người coi trọng việc làm quan hơn là sản xuất hoặc
kinh doanh rằng quan chức có thể làm nhiều việc tai hại và chẳng mấy khi
làm được những việc tốt. Voltaire, một người cầm bút trước Smith, đã
nhìn thấy rõ sự khác biệt này. Trong tiểu luận Bàn về thương mại (On Trade) trong cuốn Những bức thư liên quan đến dân tộc Anh (Letters Concerning the English Nation),
(do Voltaire viết bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ mà ông khá thành thạo,
rồi sau đó được ông viết lại bằng tiếng Pháp với đầu đề là Những bức thư triết học - Lettres Philosophiques), ông nhận xét như sau:
Ở
Pháp danh hiệu hầu tước được tặng miễn phí và những người từ vùng quê
xa xăm có tiền rủng rỉnh trong túi, họ của những người này kết thúc bằng
chữ “ac” hay “ille”, đến Paris đều có thể tự tin và gào lên: “Ta là
người cao quí làm sao!”. Và hắn ta có thể nhìn một nhà buôn với vẻ khinh
miệt; trong khi nhà buôn kia - vì thường nghe nói là người ta coi
thường nghề của mình – phải đỏ mặt lên vì chuyện đó. Nhưng tôi không thể
nói rằng một quí ông quyền cao chức trọng, một quan chức trong văn
phòng thủ tướng hay một thương nhân, người đang làm cho đất nước mình
giàu lên, người đang gửi hàng từ công ty của mình tới Surat và Cairo và
góp phần làm cho thế giới hạnh phúc hơn, thì ai là người có ích hơn[9].
Các
thương nhân và các nhà tư bản không cần phải đỏ mặt khi các chính khách
và những người có học đương thời nhìn họ bằng nửa con mắt, và khệnh
khạng ca ngợi cái này, chê bai cái kia, trong khi lúc nào cũng đòi các
thương nhân, các nhà tư bản, công nhân, nhà đầu tư, thợ thủ công, nông
dân, nhà phát minh và những người sản xuất hữu ích khác phải làm ra của
cải để các chính trị gia tịch thu và những người có học ghen tị nhưng
lại thèm khát tiêu thụ ngay lập tức.
Tương
tự như chính trị, thương trường không phụ thuộc vào và cũng không giả
định trước rằng dân chúng là những người ích kỉ. Buôn bán trên thương
trường cũng không khuyến khích những hành vi và động cơ ích kỉ. Nhưng
khác với chính trị, tự do trao đổi giữa những người tham gia có thiện ý
tạo ra của cải và hòa bình, thiện ý và hòa bình cũng là điều kiện cho
lòng hào phóng, tình bạn và tình yêu đơm hoa kết trái. Đấy là một vài
điều cần lên tiếng, Adam Smith hiểu rõ như thế.
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
[1] “The
Secret History of Self-Interest,” in Stephen Holmes, Passions and
Constraints: On the Theory of Liberal Democracy (Chicago: University of
Chicago Press, 1995).
[2]
Quoted in Christine Caldwell Ames, Righteous Persecution: Inquisition,
Dominicans, and Christianity in the Middle Ages (Philadelphia:
University of Pennsylvania Press, 2008, p. 44.
[3] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments,
ed. D.D. Raphael and A.L. Macfie, vol. I of the Glasgow Edition of the
Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund,
1982. Chapter: a chap ii: Of the
love of Praise, and of that of Praise–worthiness; and of the dread of Blame, and of that of Blame–worthiness; Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/192/20125) on 2011-05-30.
[4] Adam
Smith, The Theory of Moral Sentiments, ed. D.D. Raphael and A.L.
Macfie, vol. I of the Glasgow Edition of the Works and Correspondence of
Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund, 1982. Chapter: b chap. i b: Of
the
beauty
which the appearance of Utility bestows upon all the productions of
art, and of the extensive in9 uence of this species of Beauty; Accessed
from http:// oll.libertyfund.org/title/192/20137 on 2011-05-30.
[5] Adam Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Vol.
1 ed. R.H. Campbell and A.S. Skinner, vol. II of the Glasgow Edition of
the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund:
1981. Chapter: [IV.ii] CHAPTER II: Of Restraints upon the Importation
from Foreign Countries of such Goods as can be Produced at Home.
Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/220/217458/2313890 on 2010-08-23.
[6] Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Vol.
1 ed. R.H. Campbell and A.S. Skinner, vol. II of the Glasgow Edition of
the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund:
1981. Chapter: [IV.viii] CHAPTER VIII: Conclusion of the Mercantile
System. Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/200/217484/2316261 on 2010-08-23.
[7] “The specific characteristic of an economic relation is not its “egoism,” but its “non-tuism.” Philip H. Wicksteed, The Commonsense of Political Economy, including a Study of the Human Basis of Economic Law (London: Macmillan,
1910. Chapter: CHAPTER V: BUSINESS AND THE ECONOMIC NEXUS. Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/141538938/104356 on 2010-08-23.
[8] H.B. Acton, The Morals of Markets and Related Essays, ed. by David Gordon and Jeremy Shearmur (Indianapolis: Liberty Fund, 1993.
[9] Voltaire, Letters Concerning the English Nation, ed. Nicholas Cronk (Oxford: Oxford University Press,1999, p. 43.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét