Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Thị trường và đạo đức (Kì 11)


David Kelley

Ayn Rand và chủ nghĩa tư bản: Cuộc cách mạng về đạo đức

Phạm Nguyên Trường dịch


Trong tiểu luận này, nhà triết học theo trường phái khách quan chủ nghĩa, David Kelley, đề nghị một “cuộc cách mạng thứ tư” nhằm hoàn thiện nền tảng của thế giới hiện đại và bảo vệ những thành tựu do chủ nghĩa tư bản mang lại.

David Kelley là giám đốc điều hành tổ chức Atlas, một tổ chức khuyến khích sự phát triển và truyền bá chủ nghĩa khách quan. Kelley là tác giả các cuốn: Bằng chứng của tri giác, nghệ thuật lập luận (Evidence of the Senses, The Art of Reasoning – một trong những tác phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trong môn logic học ở Mĩ), Cuộc sống riêng tư: quyền cá nhân và nhà nước phúc lợi  (A Life of One’s Own: Individual Rightsand the Welfare State) và một số tác phẩm khác. Ông dạy triết học tại Vassar College và Brandeis University và đã công bố nhiều tiểu luận trên những ấn phẩm dành cho công chúng như Harper’s, The Sciences, Reason, Harvard Business Review, and Barron’s.



Cuộc khủng hoảng trong thị trường tài chính đã tạo ra một cơn lũ những ý kiến bài tư bản mà người ta có thể dự đoán được từ trước. Mặc cho sự kiện là những qui định của chính phủ là nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng, nhưng những người bài xích chủ nghĩa tư bản và những người tạo điều kiện cho họ có tiếng nói trên các phương tiện thông tin đại chúng đã chỉ trích thị trường và kêu gọi thực hiện những biện pháp quản lí mới. Các chính phủ đã thực hiện những biện pháp can thiệp vô tiền khoáng hậu vào thị trường tài chính và dường như rõ ràng là những biện pháp quản lí kinh tế sẽ đi xa chứ không chỉ bao gồm phố Wall mà thôi. Quản lí sản xuất và thương mại là một trong hai vấn đề quan trọng nhất mà chính phủ làm trong nền kinh tế hỗn hợp của chúng ta. Việc thứ hai là tái phân phối – tức là chuyển thu nhập và tài sản từ tay người này sang tay người kia. Cũng trong lĩnh vực này, những người bài xích chủ nghĩa tư bản đã nắm ngay lấy thời cơ để kêu gọi những việc khác như chăm sóc sức khỏe, cùng với những khoản thuế mới đánh vào tầng lớp giàu có. Khủng hoảng kinh tế cùng với việc bầu Barack Obama đã làm bật ra những đòi hỏi đã bị dồn nén về việc tái phân phối. Đòi hỏi này từ đâu mà ra? Muốn trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo ta phải trở về với cội nguồn của chủ nghĩa tư bản và xem xét một cách cặn kẽ những luận cứ ủng hộ cho việc tái phân phối như thế.

Hệ thống tư bản chủ nghĩa hình thành trong một thế kỉ, từ năm 1750 đến năm 1850, là kết quả của ba cuộc cách mạng. Thứ nhất, đấy là cuộc cách mạng chính trị: thắng lợi của chủ nghĩa tự do, mà đặc biệt là học thuyết về các quyền tự nhiên, và quan niệm cho rằng chính phủ phải giới hạn chức năng của nó là bảo vệ các quyền cá nhân, trong đó có quyền tư hữu. Cuộc cách mạng thứ hai là sự xuất hiện kiến thức về kinh tế học, được Adam Smith trình bày trong tác phẩm Của cải của các quốc gia (The Wealth of the Nations). Smith chứng minh rằng khi các cá nhân được tự do theo đuổi quyền lợi của mình thì kết quả không phải là sự hỗn loạn mà là trật tự tự phát, còn hệ thống thị trường, trong đó các cá nhân hợp tác với nhau và làm ra được nhiều tài sản hơn là chính phủ quản lí kinh tế. Cuộc cách mạng thứ ba đương nhiên là cách mạng công nghiệp rồi. Những cải tiến trong lĩnh vực công nghệ cung cấp cho người ta cái đòn bẩy làm cho sức sản xuất gia tăng gấp nhiều lần. Kết quả không chỉ là nâng cao mức sống của mọi người mà nó còn thông báo và khuyến khích các cá nhân về viễn cảnh kiếm được số của cải không thể tưởng tượng nổi trong một tương lai gần.

Cuộc cách mạng chính trị, sự toàn thắng của học thuyết về quyền cá nhân song hành với chủ nghĩa lí tưởng về đạo đức. Đấy là giải phóng con người khỏi chế độ chuyên chế, là công nhận mỗi người – dù họ có vị trí như thế nào trong xã hội – là mục đích của chính mình. Nhưng cách mạng kinh tế lại được thể hiện trong những thuật ngữ nhập nhằng về mặt đạo đức: như một hệ thống kinh tế, chủ nghĩa tư bản bị nhiều người coi là được hoài thai trong tội lỗi. Ước muốn giàu sang bị coi là có liên hệ với tính ích kỉ và lòng tham mà Thiên chúa giáo cấm. Những nhà nghiên cứu trật tự tự phát thời kì đầu nhận thấy rằng họ đang xác quyết một nghịch lí về mặt đức hạnh – nghịch lí mà như Bernard Mandeville nói là thói xấu của cá nhân có thể làm lợi cho xã hội.

Những người chỉ trích thị trường luôn luôn lợi dụng những sự do dự như thế về đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Phong trào xã hội chủ nghĩa sống được là nhờ lí lẽ cho rằng chủ nghĩa tư bản nuôi dưỡng tính ích kỉ, hiện tượng bóc lột, vong thân, bất công. Với hình thức nhẹ nhàng hơn, nhưng nhà nước phúc lợi cũng tạo ra niềm tin như thế, nhà nước phúc lợi thực hiện việc tái phân phối bằng những chương trình của chính phủ với tên gọi là “công bằng xã hội”. Chủ nghĩa tư bản không bao giờ thoát khỏi được sự nhập nhằng như thế về mặt đạo đức. Nó được đánh giá cao vì sự thịnh vượng mà nó mang lại, nó được đánh giá cao vì đấy là điều kiện cần cho quyền tự do chính trị và tự do tri thức. Nhưng ít người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản sẵn sàng quả quyết rằng lối sống tư bản chủ nghĩa – theo đuổi tư lợi thông qua sản xuất và buôn bán – cho dù nó không phải là cao quí hoặc lí tưởng, nhưng cũng đáng trọng về mặt đạo đức.

Nguồn gốc của thái độ ác cảm đối với thị trường không phải là điều bí mật. Nó xuất phát từ lòng vị tha, đã ăn sâu bén rễ trong nền văn hóa phương Tây, mà thực ra là trong hầu hết các nền văn hóa. Theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa vị tha thì theo đuổi tư lợi, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ là hành động trung tính, nằm ngoài lĩnh vực đạo đức, còn trong trường hợp xấu nhất là tội lỗi. Đúng là thành công trên thương trường xuất phát từ buôn bán tự nguyện và cũng có nghĩa là bằng cách thỏa mãn được nhu cầu của tha nhân. Nhưng cũng đúng là những người thành công lại có động cơ là kiếm lợi cho cá nhân mình, mà đạo đức thì liên quan đến cả kết quả lẫn động cơ.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, thuật ngữ “lòng vị tha” thường chỉ có nghĩa là lòng tốt và thái độ lịch sự thông thường mà thôi. Nhưng ý nghĩa thực sự của nó, cả về mặt lịch sử lẫn triết học, lại là hi sinh bản thân. Đối với những người xã hội chủ nghĩa – những người tạo ra thuật ngữ này – thì nó có nghĩa là hoà tan cái tôi vào trong xã hội rộng lớn hơn. Như nói: “Nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa vị tha là con người không có quyền sống cho riêng mình, rằng phục vụ tha nhân là lời biện hộ duy nhất cho sự tồn tại của con người và hi sinh là trách nhiệm đạo đức, là đức hạnh và giá trị cao nhất”. Chủ nghĩa vị tha, theo nghĩa này, là nền tảng của nhiều quan niệm về “công bằng xã hội” khác nhau, tức là những quan niệm được sử dụng để biện hộ cho những chương trình tái phân phối tài sản của chính phủ. Những chương trình này chính là sự hi sinh bắt buộc của những người đóng thuế. Chúng chính là sử dụng các cá nhân như là nguồn cung cấp mang tính tập thể cho mục đích của những người khác. Và đấy là lí do căn bản vì sao họ phải dựa vào nền tảng đạo đức nhằm chống lại những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản.

Đòi hỏi công bằng xã hội

Đòi hỏi công bằng xã hội xuất hiện dưới hai hình thức mà tôi gọi là thuyết về xã hội phúc lợi và chủ nghĩa bình quân. Theo thuyết xã hội phúc lợi thì các cá nhân có quyền được đáp ứng một số nhu cầu tối thiểu nhất định, trong đó có thức ăn, nhà ở, quần áo, chữa bệnh, học hành ..v.v.. Xã hội có trách nhiệm bảo đảm rằng tất cả các thành viên của nó đều có thể tiếp cận được với những nhu cầu đó. Nhưng hệ thống tư bản chủ nghĩa “laissez-faire” lại không bảo đảm chuyện này cho bất cứ ai. Như vậy là, những người theo thuyết xã hội phúc lợi khẳng định: chủ nghĩa tư bản không thể đáp ứng được trách nhiệm đạo đức của nó và vì vậy mà phải được làm dịu bớt thông qua những hành động của chính phủ nhằm cung cấp những loại hàng hóa đó cho những người không thể tự mình kiếm được.

Còn theo chủ nghĩa bình quân thì của cải do xã hội sản xuất ra phải được phân phối một cách công bằng. Sẽ là bất công nếu một số người có thu nhập gấp mười lăm, năm mươi, thậm chí một trăm lần thu nhập của một số người khác. Nhưng chủ nghĩa tư bản laissez-faire cho phép và khuyến khích sự cách biệt về thu nhập và tài sản như thế và vì vậy mà là chế độ bất công. Điểm nổi bật của chủ nghĩa bình quân là việc sử dụng số liệu thống kê về phân phối thu nhập. Lấy năm 2007 làm thí dụ, 20% gia đình có thu nhập cao nhất ở Mĩ kiếm được 50% tổng thu nhập toàn xã hội, trong khi 20% gia đình có thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được có 3,4% thu nhập toàn xã hội mà thôi. Mục đích của chủ nghĩa bình quân là giảm thiểu sự cách biệt này, bất kì sự thay đổi nào theo hướng bình đẳng hơn đều được coi là thắng lợi của công bằng.

Sự khác nhau của hai quan điểm về công bằng xã hội như thế là do sự khác nhau giữa mức độ sung túc tuyệt đối và tương đối mà ra. Những người theo thuyết xã hội phúc lợi đòi hỏi rằng người dân phải được hưởng một mức sống tối thiểu nào đó. Khi mà mức nền này hay “điểm an toàn” đã có rồi thì người khác có giàu đến đâu hay mức độ cách biệt giữa người giàu và người nghèo có lớn đến đâu cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Như vậy là, những người theo thuyết xã hội phúc lợi quan tâm trước hết tới những chương trình làm lợi cho những người nằm dưới mức nghèo khổ, hoặc những người ốm đau, thất nghiệp hay bị túng thiếu vì những lí do khác nữa. Còn những người theo thuyết bình quân thì lại quan tâm tới hiện tượng sung túc tương đối. Những người theo chủ nghĩa bình quân thì nói rằng họ thích xã hội trong đó tài sản được phân phối một cách đồng đều hơn, ngay cả khi mức sống của mọi người có thấp hơn. Như vậy là, những người theo thuyết bình quân chủ nghĩa có xu hướng ủng hộ những biện pháp của chính phủ như thuế lũy tiến, nhằm tái phân phối của cải trên toàn bộ thang thu nhập chứ không chỉ chú ý vào những người nằm dưới đáy. Họ còn có xu hướng ủng hộ việc quốc hữu hóa những loại hàng hóa như giáo dục và thuốc chữa bệnh, rút tất cả các loại hàng hóa này khỏi thị trường và cung cấp cho mọi người một cách tương đối bình đẳng.

Xin lần lượt xem xét hai quan niệm về công bằng xã hội đó.

Thuyết xã hội phúc lợi: Nghĩa vụ không thể thoái thác

Giả thuyết căn bản của thuyết phúc lợi là người dân có quyền nhận những hàng hóa như thức ăn, nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Họ được quyền hưởng những thứ đó. Theo giả định này thì một người nào đó nhận được lợi ích từ chương trình của chính phủ chỉ đơn thuần là nhận cái anh ta đáng được hưởng, tương tự như là người mua nhận món hàng mà anh ta đã trả tiền rồi. Khi nhà nước chi cho phúc lợi thì đấy đơn thuần là nó đang bảo vệ quyền của người dân, giống hệt như là nó bảo vệ người mua khỏi bị lừa dối vậy. Không có gì phải cảm ơn ở đây.

Quan niệm về quyền hưởng phúc lợi hay như người ta thường gọi là quyền đương nhiên được hình thành trên cơ sở quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu của chủ nghĩa tự do truyền thống. Nhưng ở đây có sự khác biệt mà ai cũng biết. Những quyền mà chủ nghĩa tự do truyền thống nói tới là quyền hành động mà không bị người khác can thiệp. Quyền sống là quyền hành động với mục đích là bảo toàn mạng sống của mình. Nó không phải là quyền không phải chết vì những lí do tự nhiên, thậm chí chết non nữa. Quyền sở hữu là quyền tự do mua và bán và quyền chiếm làm của riêng những món hàng vô chủ từ tự nhiên. Đấy là quyền tìm kiếm sở hữu, chứ không phải là quyền được nhà nước hay tự nhiên ban tặng cho mình, nó cũng không bảo đảm rằng người ta sẽ thành công trong việc tìm kiếm sở hữu. Cho nên những quyền này chỉ áp đặt lên những người khác trách nhiệm có tính chất tiêu cực là không can thiệp, không dùng sức mạnh ngăn chặn người khác hành động theo ý người đó. Nếu tôi tưởng tượng là mình bị tách ra khỏi xã hội – thí dụ như sống trên một hòn đảo không người – thì quyền của tôi sẽ được bảo đảm một cách tuyệt đối. Tôi có thể không sống lâu và chắc chắn là không sướng, nhưng tôi sẽ sống hoàn toàn tự do khỏi bọn sát nhân, trộm cắp và hành hung.

Ngược lại, quyền hưởng phúc lợi được hiểu là quyền chiếm hữu và hưởng thụ một số vật dụng, không phụ thuộc vào hành động của mình; đấy là quyền có đồ dùng do người khác cung cấp nếu mình không tự kiếm được. Cho nên những quyền này áp đặt lên người khác trách nhiệm tích cực. Nếu tôi có quyền ăn cơm thì một người nào đó phải có trách nhiệm trồng lúa. Nếu tôi không có tiền trả thì một người nào đó phải mua cho tôi. Những người theo thuyết xã hội phúc lợi đôi khi biện luận rằng trách nhiệm đó là của toàn xã hội chứ không phải là của cá nhân cụ thể nào. Nhưng xã hội không phải là thực thể, càng không phải là người đại diện về mặt đạo đức, đứng trên các thành viên của nó, cho nên tất cả những trách nhiệm đó đều đổ hết lên đầu những cá nhân là chúng ta. Khi mà những quyền phúc lợi được thực hiện thông qua những chương trình của chính phủ, đấy là nói thí dụ thế, thì trách nhiệm sẽ được phân chia cho những người đóng thuế.

Như vậy là, từ quan điểm đạo đức thì bản chất của thuyết phúc lợi là giả định cho rằng nhu cầu của cá nhân là đòi hỏi đặt lên vai những cá nhân khác. Đòi hỏi này chỉ giới hạn trong một thành phố hay một quốc gia mà thôi. Nó không thể bao trùm lên toàn thể loài người được. Nhưng dù học thuyết này có được trình bày như thế nào thì đòi hỏi cũng không phụ thuộc quan hệ của chúng ta với người đang đòi hỏi đó, nó cũng không phụ thuộc vào việc ta có muốn giúp hay không, không phụ thuộc vào việc ta đánh giá kẻ kia là có đáng giúp hay không. Đấy là trách nhiệm không thể thoái thác, xuất phát từ nhu cầu của kẻ đang đòi hỏi.

Nhưng chúng ta cần phân tích sâu hơn một chút. Nếu tôi sống một mình trên hoang đảo thì dĩ nhiên là tôi không có quyền hưởng phúc lợi bởi vì không có ai ở đó để cung cấp hàng hóa cho tôi. Tương tự như thế, nếu tôi sống trong xã hội nguyên thủy, khi chưa ai biết thuốc chữa bệnh là gì thì tôi cũng không có quyền được chữa bệnh. Nội dung của quyền phúc lợi phụ thuộc vào sự dồi dào về mặt kinh tế và khả năng sản xuất của xã hội. Vì lẽ đó, trách nhiệm của cá nhân trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác phụ thuộc vào khả năng làm như thế của người đó. Người ta không thể chê trách tôi vì không cung cấp cho người khác những thứ mà tự tôi không sản xuất được.

Giả sử tôi sản xuất được nhưng tôi không muốn cho thì sao? Giả sử tôi có khả năng kiếm được nhiều hơn thu nhập hiện nay của tôi, thuế thu nhập đánh vào khoản thu nhập đó sẽ giúp cái người mà không có nó thì sẽ bị đói. Tôi có phải làm nhiều hơn để có thu nhập cao hơn vì người đó không? Tôi chưa thấy nhà triết học theo trường phái phúc lợi nào nói như thế. Những đòi hỏi về mặt đạo đức mà người ta áp đặt cho tôi nhằm thỏa mãn nhu cầu người khác chưa chắc đã được thực hiện không chỉ vì nó phụ thuộc khả năng của tôi mà còn phụ thuộc vào việc tôi có muốn làm hay không.

Và điều này cũng cho ta thấy một số chi tiết quan trọng của mối quan tâm chính yếu của thuyết phúc lợi. Nó không khẳng định trách nhiệm theo đuổi việc thỏa mãn các nhu cầu của con người, mà cũng không khẳng định trách nhiệm phải thu được thành công trong khi làm như thế. Mà đây là trách nhiệm có tính điều kiện: những người thu được thành công trong việc tạo ra của cải chỉ có thể làm như thế với điều kiện là những người khác cũng được phép chia sẻ khối tài sản này. Mục tiêu không phải là làm lợi cho người khốn khó mà là trói chân trói tay những người có tài. Giả định ngầm chứa ở đây là tài năng và sáng kiến của cá nhân là tài sản của xã hội, chúng chỉ có thể được đem ra sử dụng nếu chúng nhắm đến mục tiêu là phục vụ những người khác.

Chủ nghĩa bình quân: Phân phối “công bằng”

Nếu quay lại với chủ nghĩa bình quân thì chúng ta cũng sẽ tìm thấy nguyên tắc tương tự - dĩ nhiên là cách thức lí luận phải khác. Khung đạo đức của người theo thuyết bình quân chủ nghĩa được xác định bởi quan niệm về công bằng chứ không phải là quyền. Nếu chúng ta coi xã hội là một tổng thể thì chúng ta sẽ thấy rằng thu nhập, tài sản và quyền lực được phân phối giữa các cá nhân và các nhóm theo một kiểu nào đó. Câu hỏi quan trọng nhất là: cách phân phối hiện nay có công bằng hay không? Nếu không thì cần phải điều chỉnh bằng các chương trình tái phân phối của chính phủ. Nền kinh tế thị trường thuần túy dĩ nhiên là không tạo ra quyền bình đẳng giữa các cá nhân. Nhưng một vài người theo chủ nghĩa bình quân tuyên bố là công lí đòi hỏi mọi người phải hoàn toàn bình đẳng với nhau. Quan điểm chung nhất ở đây là giả định rằng mọi người đều ủng hộ việc chia đều kết quả và bất kì sự bất bình đẳng nào cũng chỉ được chấp nhận nếu nó làm lợi cho toàn thể xã hội. Nhà văn người Anh, tên là R. H. Tawney, từng viết: “Sự bất bình đẳng chỉ được coi là hợp lí trong chừng mực mà nó là điều kiện cần để bảo đảm hoàn thành những công việc mà cộng đồng cần”.  “Nguyên tắc chênh lệch” nổi tiếng của John Rawls – cho rằng bất bình đẳng được thừa nhận khi nó phục vụ cho quyền lợi của những người kém may mắn nhất trong xã hội – là thí dụ gần đây nhất của cách tiếp cận như thế. Nói cách khác, người theo chủ nghĩa bình quân công nhận rằng cào bằng tuyệt đối sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc đối với quá trình sản xuất. Họ thừa nhận rằng không phải ai cũng có đóng góp như nhau đối với của cải của xã hội. Vì vậy mà ở mức độ nào đó, người ta phải được tưởng thưởng phù hợp với khả năng sản xuất của họ, đây được coi là sự khích lệ để người ta cống hiến hết khả năng của mình. Nhưng những thứ cần thiết cho lợi ích xã hội thì sự chênh lệch như thế phải bị hạn chế.

Cơ sở triết học của nguyên tắc đó là gì? Người theo chủ nghĩa bình quân thường biện luận rằng nó xuất phát từ nguyên tắc căn bản của công lí: những người có đạo đức khác nhau thì mới bị đối xử khác nhau. Nhưng nếu chúng ta áp dụng nguyên tắc căn bản này cho việc phân phối thu nhập thì trước tiên chúng ta phải giả định rằng xã hội đã tham gia theo nghĩa đen vào hành động phân phối thu nhập. Giả định như thế là sai. Trong nền kinh tế thị trường thu nhập được quyết định bởi sự lựa chọn của hàng triệu cá nhân – người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh nhân và người lao động. Sự lựa chọn này lại được điều tiết bởi luật cung cầu và không phải ngẫu nhiên mà doanh nhân thành đạt có thu nhập cao gấp nhiều lần người lao động công nhật. Nhưng đấy không phải là ý định của xã hội. Năm 2007 người làm trong lĩnh vực giải trí ở Mĩ được trả lương cao nhất là Oprah Winfrey, với thu nhập khoảng 260 triệu dollar. Nhưng đấy không phải “xã hội” quyết định là bà ta đáng được như thế mà vì có hàng triệu khán giả cho rằng những buổi nói chuyện của bà là đáng xem. Ngay cả trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, như chúng ta đã thấy, các nhà lập kế hoạch của nhà nước cũng không kiểm soát được kết quả hoạt động kinh tế.  Ngay cả ở đây cũng vẫn tồn tại trật tự tự phát - mặc dù đã bị làm sai lạc đi – trong đó kết quả hoạt động kinh tế được quyết định bởi những cuộc đấu đá trong bộ máy quản lí, chợ đen..v..v..

Mặc dù không có những hành động phân phối theo nghĩa đen của từ này, nhưng người theo chủ nghĩa bình quân thường biện luận rằng xã hội có trách nhiệm bảo đảm rằng phân phối thu nhập đáp ứng được một số tiêu chuẩn về công bằng. Tại sao? Vì sản xuất là quá trình hợp tác, là quá trình mang tính xã hội. Xã hội thương mại và phân công lao động làm ra nhiều của cải hơn là xã hội của những người tự sản tự tiêu. Phân công lao động có nghĩa là nhiều người đóng góp vào sản phẩm cuối cùng, còn thương mại thì có nghĩa là còn có nhiều người nữa có trách nhiệm đối với sản phẩm cuối cùng của người sản xuất. Như vậy là những mối quan hệ này đã chuyển hóa quá trình sản xuất, người theo chủ nghĩa bình quân nói như thế, cho nên nhóm người tham gia phải được coi là một đơn vị sản xuất và là nguồn gốc thực sự của tài sản. Ít nhất đấy cũng là nguồn gốc của sự khác biệt về tài sản giữa xã hội hợp tác và xã hội thiếu sự hợp tác. Vì vậy mà xã hội phải bảo đảm rằng thành quả của sự hợp tác được phân phối một cách công bằng cho tất cả những người tham gia.

Nhưng luận cứ này chỉ có giá trị nếu ta coi của cải là sản phẩm xã hội ẩn danh, không thể phân biệt được đóng góp của từng cá nhân. Chỉ có trong trường hợp như thế thì mới cần nghĩ ra những nguyên tắc phân phối công bằng theo-đuôi-sự-kiện để có thể chia đều sản phẩm mà thôi. Nhưng, một lần nữa, đây là giả định sai lầm. Cái gọi là sản phẩm xã hội trên thực tế lại là một loạt sản phẩm và dịch vụ của những cá nhân hiện hữu trên thương trường. Chắc chắn là có thể nhận biết được sản phẩm hay dịch vụ của từng cá nhân trong quá trình sản xuất. Và có thể xác định được ai đã làm gì sau khi sản phẩm được một nhóm người làm ra. Mà nói cho cùng thì người sử dụng lao động không thuê công nhân chỉ vì ông ta thích như thế. Người công nhân được thuê là vì anh ta sẽ có đóng góp sự khác biệt của mình vào sản phẩm cuối cùng. Người theo chủ nghĩa bình quân cũng công nhận sự kiện này khi họ cho rằng bất bình đẳng là có thể chấp nhận được nếu nó là biện pháp khuyến khích nhằm gia tăng năng suất lao động. Để đảm bảo rằng biện pháp khuyến khích được trao đúng người, như Robert Nozick nhận xét, ngay cả những người theo chủ nghĩa bình quân cũng thừa nhận là chúng ta có thể xác định được đóng góp của từng cá nhân. Nói tóm lại, không có căn cứ để có thể áp dụng khái niệm phân phối công bằng thu nhập hay của cải trong toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta phải từ bỏ bức tranh về một cái bánh to, đang được những ông bố bà mẹ nhân từ chia đều cho các con ngay bên bàn ăn.

Một khi đã từ bỏ bức tranh này rồi thì sẽ phải đối xử như thế nào với nguyên tắc do Tawney, Rawls và những người khác đề xuất: bất bình đẳng là có thể được chấp nhận, khi và chỉ khi nó phục vụ cho quyền lợi của mọi người? Nếu nguyên tắc này không có nguồn gốc từ công lí thì nó phải được coi là vấn đề trách nhiệm mà chúng ta phải có với tha nhân. Khi xem xét nó dưới góc độ này, chúng ta có thể thấy nó cũng là nguyên tắc mà chúng ta coi là căn cứ của quyền hưởng phúc lợi.  Nguyên tắc cho rằng những người làm việc có hiệu quả có thể hưởng thành quả của mình với điều kiện là những cố gắng của họ cũng làm lợi cho người khác. Nguyên tắc này không nói tới trách nhiệm sản xuất, sáng tạo hay kiếm được thu nhập. Nhưng nếu bạn làm như thế, nhu cầu của những người khác sẽ xuất hiện và là trở ngại đối với những hành động của bạn. Khả năng của bạn, sáng kiến của bạn, trình độ học vấn của bạn, sự cống hiến của bạn cho mục tiêu của mình và tất cả những phẩm chất làm nên thành công của bạn, là tài sản của bạn lại buộc bạn phải có trách nhiệm với những người kém cỏi hơn, ít sáng kiến hơn, ít kiến thức hơn và không chịu cống hiến như bạn.

Nói cách khác, kiểu nào thì công bằng xã hội cũng dựa vào giả định cho rằng khả năng của cá nhân là tài sản của xã hội. Giả định không nói rằng cá nhân không thể sử dụng tài năng của anh ta để chà đạp lên quyền của những người yếu đuối hơn. Giả định cũng không nói rằng lòng tốt và hào phóng là những đức tính tốt. Nó chỉ nói rằng cá nhân phải coi mình - ít nhất là một phần – là phương tiện để làm lợi cho người khác. Và như vậy là chúng ta đã đến điểm mấu chốt của vấn đề. Khi tôn trọng quyền của người khác là tôi công nhận rằng họ có mục đích sống của họ, rằng tôi không được coi họ chỉ là phương tiện nhằm thỏa mãn những khát vọng của mình như tôi vẫn đối xử với những đối tượng vô tri vô giác. Thế thì tại sao lại không coi tôi là mục đích của chính mình? Tại sao tôi lại không chấp nhận – do tôn trọng phẩm giá của mình, như là một người có nhân cách -  việc coi mình là phương tiện phục vụ những người khác? 

Nói về đạo đức của chủ nghĩa cá nhân

Còn lời biện hộ cho chủ nghĩa tư bản của Ayn Rand lại dựa vào đạo đức của chủ nghĩa cá nhân, tức là nền đạo đức công nhận quyền theo đuổi quyền lợi cá nhân và bác bỏ chủ nghĩa vị tha ngay từ căn để của nó.

Những người theo thuyết vị tha biện luận rằng cuộc đời đưa cho chúng ta một sự lựa chọn căn bản như sau: vì mục đích của mình chúng ta sẵn sàng hi sinh người khác hoặc chúng ta  sẵn sàng hi sinh vì người khác. Hi sinh vì người khác là đường lối hành động của những người theo thuyết vị tha, và giả định cho rằng sống khác đi là lợi dụng người khác. Nhưng theo Rand thì đặt vấn đề như thế là sai. Cuộc sống không đòi hỏi phải hi sinh theo bất kì hướng nào. Quyền lợi của những người có lí trí không hề mâu thuẫn nhau và việc theo đuổi quyền lợi thực sự đòi hỏi chúng ta phải cư xử với  người khác một cách hòa bình và trao đổi tự nguyện.

Muốn biết tại sao, xin hãy xem cách chúng ta quyết định cái gì là tư lợi. Quyền lợi là giá trị mà chúng ta tìm kiếm: của cải, khoái lạc, an toàn, tình yêu, lòng tự trọng hay một số lợi ích khác. Triết lí đạo đức của Rand dựa trên nhận thức sâu sắc rằng giá trị quan trọng nhất, điều thiện tối thượng [summum bonum] chính là cuộc sống. Đấy là sự tồn tại của các sinh vật sống, là nhu cầu duy trì sự sống của chúng thông qua những hoạt động thường trực nhằm đáp ứng các nhu cầu của chúng, chính những nhu cầu này tạo ra toàn bộ hiện tượng giá trị. Thế giới không có cuộc sống là thế giới của sự kiện chứ không phải là thế giới của giá trị, là thế giới trong đó không thể có tình trạng được gọi là tốt hơn hay xấu hơn bất kì tình trạng nào khác. Cuộc sống chính là tiêu chuẩn giá trị nền tảng để con người quyết định cái gì là quyền lợi của anh ta: không phải là sống sót từ thời điểm này tới thời điểm kia, mà là thỏa mãn tất cả những nhu cầu của anh ta bằng cách sử dụng năng lực của anh ta.  

Năng lực quan trọng nhất của con người, phương tiện quan trọng nhất để anh ta có thể sống sót, chính là khả năng tư duy của anh ta. Đấy là nguyên nhân giúp chúng ta có thể sống bằng sản xuất và nâng mình lên khỏi mức sống bấp bênh thời săn  bắn và hái lượm. Tư duy là cơ sở của ngôn ngữ, mà ngôn ngữ chính là phương tiện để cho chúng ta hợp tác và chuyển giao kiến thức. Tư duy là nền tảng của các định chế xã hội được quản lí bằng những luật lệ trừu tượng. Mục đích của đức dục là cung cấp cho người ta các tiêu chuẩn sống phù hợp với lí trí, nhằm phục vụ cho đời sống của chúng ta.

Để sống theo lí trí thì chúng ta phải coi tự chủ là đức hạnh. Tư duy là năng lực của cá nhân. Chúng ta học được từ người khác những gì không phải là điều quan trọng, hành động tư duy chỉ xảy ra trong bộ não của từng cá nhân. Nó phải được bắt đầu trong mỗi chúng ta, bằng sự lựa chọn của chúng ta và được hướng dẫn bởi nỗ lực tinh thần của mỗi chúng ta. Như vậy là, lí trí đòi hỏi rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm hướng dẫn và duy trì đời sống của chúng ta.

Để sống theo lí trí thì chúng ta phải coi hiệu quả sản xuất là đức hạnh. Sản xuất là tạo ra giá trị. Con người không thể được an toàn và thỏa mãn nếu chỉ sống qua ngày bằng cách tìm trong tự nhiên những gì họ cần, tương tự như các loài động vật vẫn làm. Họ cũng không thể ăn bám vào người khác. “Nếu con người tìm cách sống bằng những phương tiện bạo lực hay gian lận, bằng cách cướp đoạt, trộm cắp, lừa dối hay nô dịch người sản xuất, thì đúng là họ chỉ có thể sống dựa vào nạn nhân của họ, dựa vào những người tìm cách suy nghĩ và sản xuất ra những món hàng mà những kẻ cướp bóc tước đoạt. Những kẻ cướp bóc đó là những tên ăn bám bất tài, chúng chỉ tồn tại bằng cách phá hoại những người có tài, những người theo đuổi đường lối hành động xứng đáng với con người”, Rand biện luận như thế.

Người ích kỉ thường nói mình là người sẽ làm bất kì việc gì để đạt được điều mình mong muốn – nói dối, ăn cắp và tìm cách khuynh đảo người khác nhẳm thỏa mãn những khát vọng của mình. Tương tự như đa số người khác, Rand coi cách sống như thế là vô đạo đức. Nhưng bà lập luận rằng nó vô đạo đức không phải vì làm hại những người khác. Nó vô đạo đức vì làm hại chính mình. Ước muốn chủ quan không phải là thước đo xem một vật hay sự kiện nào đó có thuộc quyền lợi của ta hay không, còn lừa dối, trộm cắp và quyền lực cũng không phải là phương tiện dẫn đến hạnh phúc hay cuộc đời thành đạt. Đức hạnh mà tôi nhắc tới bên trên là tiêu chuẩn khách quan. Chúng ăn sâu bén rễ ngay trong bản chất của con người và vì vậy mà được áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng mục đích của chúng là giúp cho từng cá nhân “đạt được, duy trì, thực hiện và thụ hưởng giá trị tối thượng, mục tiêu nằm trong chính nó mà cũng là đời sống của mỗi người”. Như vậy là, mục đích của đức dục là chỉ cho chúng ta cách tìm những quyền lợi thực tế của mình chứ không phải là cách hi sinh những quyền lợi đó.

Nguyên tắc thương mại

Vậy thì chúng ta phải đối xử với người khác như thế nào? Lí thuyết về đạo đức xã hội của Rand dựa trên hai nguyên lí nền tảng: nguyên lí về quyền và nguyên lí về công bằng. Nguyên lí về quyền nói rằng chúng ta phải đối xử với người khác một cách hòa bình, bằng trao đổi tự nguyên, không được sử dụng vũ lực trước. Chỉ có bằng cách đó chúng ta mới có thể sống một cách độc lập, trên cơ sở những hoạt động sản xuất của riêng mình; còn những kẻ sống bằng cách chế ngự những người khác chính là những kẻ ăn bám. Hơn thế nữa, sống trong một xã hội có tổ chức chúng ta phải tôn trọng quyền của người khác, đấy là nói nếu ta muốn người ta cũng tôn trọng quyền của mình. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới nhận được nhiều lợi ích từ tương tác xã hội: lợi ích từ trao đổi kinh tế và trí tuệ cũng như những giá trị của những quan hệ cá nhân riêng tư hơn. Nguồn gốc của những lợi ích này là lí trí, hiệu quả, cá tính của mỗi người, và tất cả những điều đó lại đòi hỏi tự do để có thể đơm hoa kết trái. Nếu tôi sống dựa vào vũ lực, có nghĩa là tôi tấn công ngay vào nền tảng của những giá trị mà tôi tìm kiếm.

Nguyên tắc công bằng được Rand gọi là nguyên tắc thương mại: sống dựa vào mua bán, dùng giá trị để đổi lấy giá trị, không tìm kiếm những thứ mà mình không xứng đáng, cũng không cho ai những thứ mà họ không xứng đáng nhận. Người chính trực là người không đòi hỏi người khác đáp ứng nhu cầu của mình, người đó đề nghị một giá trị làm cơ sở cho mối quan hệ. Người đó cũng không chấp nhận nghĩa vụ không thể thoái thác là phải phục vụ nhu cầu của những người khác. Không có người nào, đấy là nói những gười biết coi trọng đời sống của mình, lại chấp nhận trách nhiệm vô thời hạn là trở thành người trông coi người anh hoặc em của mình. Cũng như không một người tự lập nào lại muốn được ông chủ hay Vụ y tế và Nhân lực bảo trợ hết. Nguyên tắc thương mại, như Rand quan niệm, là nền tảng duy nhất, để con người dựa vào trong khi đối xử với nhau như những cá nhân bình đẳng.

Nói ngắn, đạo đức khách quan coi các cá nhân là mục đích nằm trong chính họ với toàn bộ ý nghĩa của thuật ngữ này. Ngụ ý là chủ nghĩa tư bản là hệ thống duy nhất đúng đắn và hợp đạo lí. Xã hội tư bản là xã hội dựa trên sự công nhận và bảo vệ các quyền cá nhân. Trong xã hội tư bản con người được tự do theo đuổi mục đích của mình - bằng cách sử dụng trí tuệ của mình. Cũng như trong bất kì xã hội nào, con người bị qui luật tự nhiên bó buộc. Thức ăn, nhà ở, quần áo, sách vở và thuốc chữa bệnh không mọc trên cây, chúng phải được con người sản xuất ra. Và cũng như trong bất kì xã hội nào, con người bị những hạn chế thuộc về bản chất của mình, bị khả năng của mình, bó buộc. Nhưng bó buộc duy nhất mà chủ nghĩa tư bản áp đặt lên các cá nhân là yêu cầu những người muốn được người khác phục vụ phải đền đáp. Không ai được sử dụng nhà nước làm công cụ tước đoạt những sản phẩm do người khác làm ra.

Kết quả trên thương trường – phân phối thu nhập và của cải – phụ thuộc vào hành động và tương tác tự nguyện của tất cả những người tham gia. Khái niệm công bằng không áp dụng cho kết quả mà áp dụng cho quá trình hoạt động kinh tế. Thu nhập của một người là công bằng nếu đấy là kết quả của quá trình trao đổi tự nguyện, là phần thưởng cho giá trị món hàng mà người đó chào, và được đánh giá bởi những đối tác của người đó. Các nhà kinh tế học đã biết từ lâu rằng không có cái gọi là mức giá đúng cho một món hàng, đấy chỉ là đánh giá của những người tham gia trên thương trường về giá trị của món hàng mà người ta đưa ra cho họ mà thôi. Điều đó cũng đúng khi nói về giá trị của lao động sản xuất của con người. Điều đó không có nghĩa là nói tôi phải dùng mức thu nhập để đo giá trị của mình, mà chỉ muốn nói là nếu tôi muốn sống bằng giao dịch với những người khác thì tôi không thể đòi hỏi họ chấp nhận điều kiện của tôi bằng cách hi sinh quyền lợi cá nhân của chính họ.

Lòng nhân ái là giá trị do người ta tự chọn

Thế những người nghèo, người tàn tật, người vì lí do nào đó không thể tự kiếm sống được thì sao? Đây là một câu hỏi hợp lí, với điều kiện là nó không phải là câu hỏi đầu tiên về hệ thống xã hội. Dùng cách thức xã hội đối xử với những người có năng suất lao động thấp nhất làm tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá xã hội là di sản của chủ nghĩa vị tha. “Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo”, Jesus nói, “Phúc cho những kẻ hiền lành”
Nhưng về mặt pháp lí, chẳng có cơ sở nào để ta phải kính trọng người nghèo hay người hiền lành hay phải coi nhu cầu của họ là quan trọng nhất. Nếu chúng ta phải lựa chọn giữa xã hội theo chủ nghĩa tập thể, trong đó chẳng có ai được tự do nhưng cũng không có ai bị đói và xã hội theo chủ nghĩa cá nhân trong đó mọi người đều được tự do nhưng có một số người bị đói thì tôi xin khẳng định rằng xã hội tự do là lựa chọn phù hợp với đạo lí. Không ai có quyền ép buộc người khác phải phục vụ anh ta, ngay cả nếu cuộc sống của anh ta phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Nhưng đây không phải là sự lựa chọn mà chúng ta đang gặp. Trên thực tế, người nghèo trong chế độ tư bản sống sướng hơn là trong chế độ xã hội chủ nghĩa, thậm chí sướng hơn là trong các nước phúc lợi. Sự kiện lịch sử là những xã hội, trong đó không người nào được tự do – như Liên Xô trước đây – là những xã hội trong đó có nhiều người bị đói hơn.

Tất cả những người có khả năng lao động đều hết sức quan tâm tới sự phát triển kinh tế và công nghệ, mà trong xã hội thị trường những thứ này lại có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đầu tư tài chính và sử dụng máy móc cho phép sử dụng những người mà nếu không có tư bản và máy móc thì sẽ không thể kiếm đủ ăn. Thí dụ như máy tính và các phương tiện liên lạc hiện nay đã cho phép những người tàn tật nhất có thể làm việc ngay tại nhà. Còn đối với những người không thể nào làm việc được, xã hội tự do bao giờ cũng có nhiều hình thức trợ giúp tư nhân và các tổ chức từ thiện bên ngoài thương trường: những tổ chức chăm sóc người nghèo, các hội từ thiện và những hình thức khác. Liên quan đến vấn đề này, xin nói rõ rằng ở đây không có mâu thuẫn giữa chủ nghĩa vị kỉ với lòng nhân ái. Do nhiều lợi ích mà ta thu được trong khi giao dịch với người khác cho nên tự nhiên là ta phải đối xử với những người đồng bào của mình trong tinh thần nhân ái, thông cảm với những điều không may của họ, và giúp đỡ họ nếu sự trợ giúp này không đòi hỏi phải hi sinh quyền lợi của chính chúng ta. Nhưng có một sự khác biệt to lớn giữa khái niệm nhân ái của thuyết vị kỉ và thuyết vị tha.

Đối với người theo thuyết vị tha thì hào phóng với người khác là tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất, và phải hào phóng đến mức bị thiệt, theo nguyên tắc “trao tặng cho đến lúc cảm thấy đau”. Trách nhiệm đạo đức là trao tặng, không cần biết đến những giá trị khác mà người ta có, còn người nhận thì có quyền nhận. Đối với người theo thuyết vị kỉ thì hào phóng là một trong nhiều phương tiện để theo đuổi những giá trị của mình, kể cả giá trị là nhắm tới hạnh phúc của tha nhân. Trao tặng phải được thực hiện trong bối cảnh của những giá trị khác mà người ta có, trên nguyên tắc “cho nếu có ích”. Đấy không phải là trách nhiệm, người nhận cũng không có quyền yêu cầu. Người theo thuyết vị tha có xu hướng coi hào phóng như một sự chuộc lỗi, dựa trên giả định rằng có một cái gì đó tội lỗi hay đáng ngờ khi mình là người có khả năng, là người thành đạt, làm việc có năng suất hay giàu có. Còn người theo thuyết vị kỉ thì coi những phẩm chất đó là đức hạnh và hào phóng là biểu hiện của niềm tự hào.

Cuộc cách mạng thứ tư

Tôi đã nói ngay từ đầu rằng chủ nghĩa tư bản là kết quả của ba cuộc cách mạng, mỗi cuộc cách mạng đều là một sự đoạn tuyệt triệt để với quá khứ. Cách mạng chính trị đặt quyền con người và nguyên tắc chính phủ là đầy tớ chứ không phải là ông chủ lên vị trí tối thượng. Cuộc cách mạng kinh tế mang tới những hiểu hiết về thị trường. Cách mạng công nghiệp khuếch trương việc áp dụng kiến thức vào quá quá trình sản xuất. Nhưng loài người chưa bao giờ đoạn tuyệt với quá khứ đạo đức của mình. Nguyên tắc đạo đức cho rằng tài năng của mỗi người đều là tài sản của xã hội là không phù hợp với xã hội tự do. Nếu tự do là sống và thịnh vượng thì chúng ta cần một cuộc cách mạng nữa, đấy là cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức, cuộc cách mạng sẽ thiết lập quyền của mỗi cá nhân trong lĩnh vực đạo đức, tức là quyền sống cho chính mình.

Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét