Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014
Thị trường và đạo đức (Kì 9)
23:44
Hoàng Phong Nhã
No comments
Mao Vu Thức
Nghịch lí của đức hạnh
Bản dịch tiếng Anh của Jude Blanchette, Phạm Nguyên Trường dịch từ Anh ngữ
Trong tiểu luận này, Mao Vu Thức (茅于轼),
một nhà kinh tế học và đồng thời cũng là một doanh nhân người Trung
Quốc, trình bày kiến giải của mình về vai trò của thị trường trong việc
tạo lập sự hài hòa và hợp tác. Ông làm nổi bật lợi ích của việc tìm cách
hạ giá thành và kiếm lời do những người tham gia vào quá trình trao đổi
thực hiện bằng cách so sánh hành vi “tự tư tự lợi” với những huyền
thoại mà những người phê phán chủ nghĩa tư bản đã tạo ra. Ông đưa ra các
thí dụ từ di sản văn học Trung Quốc cũng như từ kinh nghiệm của mình
(cũng là kinh nghiệm của hàng triệu người Trung Quốc trong cuộc thí
nghiệm bài trừ chủ nghĩa tư bản kinh hoàng ở nước này).
Mao
Vu Thức là người sáng lập, đồng thời là giám đốc Viện nghiên cứu
Unirule có trụ sở tại Bắc Kinh. Ông là tác giả của mấy cuốn sách và
nhiều bài báo dành cho giới học giả cũng như dân chúng. Ông từng giảng
dạy kinh tế học tại nhiều trường đại học và là người sáng lâp một số quĩ
cứu tế và tổ chức tự lực phi chính phủ đầu tiên ở Trung Quốc và là một
người tranh đấu cho tự do dũng cảm nổi tiếng. Trong những năm 1950 ông
từng bị trừng phạt bằng lao động khổ sai, lưu đầy, “cải tạo” và suýt
chết đói chỉ vì nói: “Nếu không mua ở đâu được thìa dĩa thì giá thìa dĩa
sẽ tăng” và “Nếu Mao chủ tịch muốn gặp một nhà khoa học thì ai phải đến
thăm ai?”. Và năm 2011, ngay trước khi cuốn sách này được đưa đi in, ở
tuổi 82, ông đã viết một luận văn được đăng trên mạng của tờ Caixin với
nhan đề: “Đưa Mao Trạch Đông trở về với hình thức nhân văn”. Bài tiểu
luận này đã mang đến cho ông những lời đe dọa chết người và làm cho ông
càng nổi tiếng hơn vì đấy chính là tiếng nói của lòng trung thực và công
lí. Mao Vu Thức là một trong những nhân vật theo tư tưởng tự do kiệt
xuất trong thế giới đương đại và là một người làm việc không mệt mỏi
nhằm đưa những tư tưởng tự do và trải nghiệm tự do đến với nhân dân
Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới.
Xung đột quyền lợi trong Vùng đất của những người quân tử
Khoảng giữa thế kỉ XVIII và XIX một nhà văn Trung Quốc tên là Li Ruzhen đã viết một cuốn tiểu thuyết với nhan đề Hoa trong gương (Flowers in the Mirror).
Cuốn sách kể về một người tên là Tang Ao vì bị thất bại trong công việc
làm ăn cho nên đã theo người anh rể xuất ngoại. Trong cuộc du hành này,
anh ta đã đi qua nhiều nước có phong cảnh rất kì thú. Nước đầu tiên họ
đến thăm có tên là Vùng đất của những người quân tử (The Land of
Gentlemen).
Tất
cả những người ở Vùng đất của những người quân tử đều cố tình chịu đau
khổ để chắc chắn là họ sẽ được những người khác giúp đỡ. Chương 11 kể về
một người cảnh sát (Li Ruzhen cố tình sử dụng nhân vật mà người Trung
Quốc xưa từng quan niệm, lúc đó cảnh sát có nhiều đặc quyền đặc lợi và
hay bắt nạt dân chúng) đi mua hàng:
Sau
khi đã xem xét một số hàng hóa, anh cảnh sát này bảo người bán hàng:
“Bạn ơi, hàng của bạn tốt quá mà giá lại rẻ quá. Làm sao tôi có thể an
tâm khi bạn tỏ ra hào phóng đến như thế? Nếu bạn không nâng giá lên thì
chúng tôi đành không mua nữa vậy”.
Người
bán hàng đáp: “Có ông đến là chúng tôi mừng rồi. Người ta thường nói
người bán thì đẩy giá lên trời còn người mua thì hạ xuống sát đất. Giá
của tôi đã cao ngất trời rồi mà ông còn muốn tôi tăng nữa. Tôi khó mà
đồng ý được. Xin ông đến cửa hàng khác mà mua vậy”.
Sau
khi nghe người bán nói như thế, anh cảnh sát bảo: “Ông đã ra giá thấp
cho những món hàng chất lượng cao thế này. Thế có phải là ông bị thiệt
không? Chúng ta không được lừa dối và phải bình tĩnh. Không phải là mỗi
chúng ta đều biết tính toán cả hay sao”. Sau một hồi tranh cãi mà người
bán vẫn khăng khăng không chịu nâng giá, còn anh cảnh sát thì phát bực
và chỉ mua một nửa số hàng đã chọn mà thôi. Nhưng người bán hàng cản
đường không cho anh ta đi ra. Đúng lúc đó thì có một ông lão đi ngang
qua. Sau khi cân nhắc tình hình, ông già này giải quyết bằng cách buộc
anh cảnh sát phải mua 80% số hàng mà anh ta đã chọn.
Tiếp
theo là câu chuyện mua bán giữa khách hàng cho rằng giá quá thấp mà
chất lượng lại cao, trong khi người bán khẳng định rằng hàng không còn
tươi cho nên chỉ được coi là chất lượng bình thường. Cuối cùng người mua
chọn những món hàng có chất lượng xấu nhất. Đám đông đứng gần đó kết án
người này là “chơi không đẹp”, anh ta đành phải lấy một nửa hàng có
chất lượng cao và một nửa chất lượng thấp. Trong vụ giao dịch thứ ba thì
hai bên cãi nhau về trọng lượng và chất lượng bạc được đem ra thanh
toán. Bên trả nợ khẳng định rằng bạc của anh ta vừa kém về chất lượng
vừa không đủ cân lạng, trong khi bên được trả nợ lại nói rằng bạc có
chất lượng rất cao và đủ trọng lượng. Khi bên trả nợ đi rồi thì bên được
trả nợ thấy rằng anh ta có trách nhiệm tặng số bạc mà anh ta cho là dư
cho một người ăn xin đến từ vùng đất xa xôi.
Cuốn truyện này đặt ra hai vấn đề cần phải nghiên cứu.
Thứ
nhất, khi hai bên đều từ chối phần lợi nhuận mà họ được chia hay đều
khẳng định rằng lợi nhuận của họ là quá cao thì sẽ có tranh cãi. Đa số
những cuộc tranh cãi mà chúng ta gặp trong đời sống là do chúng ta theo
đuổi quyền lợi của chính mình. Kết quả là chúng ta thường mắc sai lầm
khi cho rằng nếu chúng ta chấp nhận quyền lợi của phía bên kia thì sẽ
không còn tranh cãi. Nhưng như đã thấy, trong Vùng đất của những người
quân tử thì coi quyền lợi của phía bên kia làm cơ sở cho quyết định cũng
dẫn tới xung đột và như vậy là chúng ta phải tìm cho ra cơ sở mang tính
logic cho xã hội hài hòa và hợp tác.
Tiến
thêm một bước nữa trong công việc nghiên cứu, chúng ta phải công nhận
rằng trong công việc kinh doanh của thế giới hiện thực cả hai bên đều
tìm kiếm lợi ích của riêng mình và thông qua thương lượng về các điều
khoản (trong đó có giá cả và chất lượng), hai bên có thể đạt được thỏa
thuận. Ngược lại, trong Vùng đất của những người quân tử thỏa thuận như
thế là bất khả thi. Trong cuốn truyện, tác giả phải đưa vào một ông già
và một người hành khất, thậm chí phải viện dẫn đến những biện pháp ép
buộc mới có thể giải quyết được xung đột[1].
Ở đây chúng ta gặp một chân lí quan trọng và sâu sắc: những cuộc đàm
phán, trong đó hai bên đều tìm kiếm lợi ích cá nhân của mình có thể đạt
đến điểm cân bằng, trong khi nếu cả hai bên đều tìm kiếm lợi ích cho
phía bên kia thì họ không bao giờ đạt được đồng thuận. Hơn thế nữa, điều
đó sẽ tạo ra một xã hội suốt ngày tranh cãi với chính mình. Sự kiện này
trái ngược hẳn với kì vọng của đa số người. Vì Vùng đất của những người
quân tử không thể thiết lập được sự cân bằng trong quan hệ của những cư
dân của nó cho nên cuối cùng nó đã biến thành Vùng đất của những kẻ
trục lợi và thô lỗ. Vì Vùng đất của những người quân tử hướng tới quyền
lợi của người khác cho nên nó sinh ra những kẻ đồi bại. Trong khi những
người quân tử không thể tiến hành trao đổi được thì những kẻ trục lợi và
thô lỗ lại có thể giành được lợi thế bằng cách lạm dụng sự kiện là
những người quân tử kiếm lời bằng cách hi sinh quyền lợi của mình. Nếu
cứ tiếp tục như thế mãi thì người quân tử sẽ chết hết và sẽ chỉ còn lại
bọn trục lợi và thô lỗ mà thôi.
Từ
đó ta có thể thấy rằng con người chỉ có thể hợp tác khi họ tìm kiếm lợi
ích của chính mình. Đấy là nền tảng an toàn, chỉ có dựa vào nền tảng
như thế nhân loại mới có thể đấu tranh cho một thế giới lí tưởng. Nếu
nhân loại chỉ tìm kiếm lợi ích cho người khác thì không lí tưởng nào có
thể trở thành hiện thực được.
Dĩ
nhiên là trong khi coi thực tế là xuất phát điểm của mình, muốn giảm
xung đột, chúng ta phải quan tâm tới những người xung quanh và phải tìm
cách ngăn chặn những ước muốn ích kỉ của mình. Nhưng nếu chú ý đến quyền
lợi của người khác trở thành mục tiêu của mọi hành vi của chúng ta thì
nó sẽ tạo ra xung đột giống như Li Ruzhen mô tả trong tác phầm Vùng đất
của những người quân tử. Có thể có người nói rằng những tình tiết tức
cười trong đời sống ở Vùng đất của những người quân tử không thể nào xảy
ra trong thế giới hiện thực được, nhưng, như cuốn sách này dần dần làm
rõ, những sự kiện trong thế giới thực và những sự kiện ở Vùng đất của
những người quân từ đều có những nguyên do giống nhau. Nói cách khác, cả
thế giới hiện thực lẫn Vùng đất của những người quân tử đều không có
nguyên lí rõ ràng về cách thức tìm kiếm lợi ích riêng.
Động
cơ của cư dân Vùng đất của những người quân tử là gì? Trước hết chúng
ta phải hỏi: “Tại sao người ta lại muốn trao đổi?”. Dù là hàng đổi hàng
sơ khai hay việc trao đổi hàng-tiền trong xã hội hiện đại thì động cơ
đằng sau nó vẫn là cải thiện hoàn cảnh của người ta, làm cho đời sống
của người ta thuận lợi hơn và tiện nghi hơn. Không có động cơ như thế,
người ta trao đổi những thứ tự mình phải khó nhọc mới làm ra được để làm
gì? Tất cả những thú vui vật chất mà chúng ta nhận được, từ cái kim sợi
chỉ cho đến tủ lạnh và TV màu đều do trao đổi mà ra. Nếu người ta không
trao đổi thì mỗi người chỉ có thể trồng được thóc và bông trên những
mảnh ruộng ở nhà quê, chỉ có thể sử dụng gạch bằng đất để xây nhà và
chiến đấu với đất đai để giành lấy tất cả những thứ cần thiết để tồn tại
mà thôi. Với cách làm việc như thế, con người chỉ có thể kéo lê đời
sống như tổ tiên ta đã sống hàng chục ngàn năm trước. Chắc chắn là chúng
ta không được thưởng thức bất kì lợi ích nào của nền văn minh hiện đại
ngày nay.
Vùng
đất của những người quân tử đã có nhà nước và thị trường, điều đó chứng
tỏ rằng người dân ở đấy đã rời bỏ nền kinh tế tự cấp tực túc và đã chọn
con đường trao đổi nhằm cải thiện hoàn cảnh kinh tế của mình. Thế thì
tại sao họ lại không nghĩ đến quyền lợi của mình khi tham gia trao đổi
kinh tế? Dĩ nhiên là, nếu ngay từ đầu trao đổi là để làm giảm lợi thế
của mình và tăng lợi thế của người khác thì hành vi “quân tử” là có thể
xảy ra. Nhưng mọi người tham gia trao đổi hay có kinh nghiệm về trao đổi
đều biết rằng hai bên tham gia trao đổi đều tham gia vì lợi ích của
mình, còn người nào hành động ngược lại với quyền lợi của mình trong quá
trình trao đổi là người có động cơ sai lầm.
Có thể thiết lập được xã hội trên cơ sở các bên cùng có lợi mà không cần thương thảo về giá cả hay không?
Trong giai đoạn khi mà cuộc đời và sự nghiệp của Lôi Phong[2]
còn được đề cao ở Trung Quốc người ta thường thấy trên màn ảnh truyền
hình một người tốt bụng và tận tụy như Lôi Phong đang chữa nồi niêu
xoong chảo cho đám đông. Người xem có thể thấy một hàng người trước mặt
anh ta, mỗi người đều cầm những món đồ cũ cần phải sửa chữa. Những hình
ảnh này là nhằm động viên mọi người làm theo người môn đệ đầy lòng từ
tâm của Lôi Phong và làm cho quần chúng chú ý đến anh ta. Nếu hàng không
dài thì bộ máy tuyên truyền không đủ sức thuyết phục. Chúng ta cũng cần
ghi nhận rằng những người xếp hàng với nồi niêu xoong chảo cần phải
chữa ở đó không phải là để học Lôi Phong mà ngược lại, để tìm kiếm lợi
ích của mình trong khi người khác bị thiệt.
Trong
khi chính sách tuyên truyền như thế có thể dạy được một số người làm
việc tốt cho những người khác thì đồng thời nó thậm chí còn dạy cho
nhiều người cách tìm kiếm lợi ích từ những người khác. Trong quá khứ
người ta từng nghĩ rằng tuyên truyền kêu gọi dân chúng làm việc nhằm
phục vụ người khác mà không đòi hỏi thù lao có thể cải thiện được đạo
đức xã hội. Nhưng đây chắc chắn là một sự lầm lẫn lớn vì những người học
cách giành giật lợi ích cá nhân sẽ nhiều hơn nhiều lần số người học
cách làm việc nhằm phục vụ những người khác. Từ quan điểm lợi ích kinh
tế, việc mọi người đều có trách nhiệm phục vụ người khác là việc làm vô
nghĩa. Những người mang đồ đạc đến chữa miễn phí có thể mang cả những
thứ không đáng chữa, thậm chí có thể mang cả những thứ nhặt được từ
thùng rác nữa. Nhưng vì giá chữa những thứ đó là bằng không, thì giờ
vàng ngọc dành để chữa chúng sẽ gia tăng cũng như sẽ gia tăng vật tư quí
hiếm dùng cho việc sửa chữa những món đồ đó. Đấy là do gánh nặng của
việc sửa chữa những đồ đặc đó được đặt lên vai người khác, chi phí cho
việc sửa chữa miễn phí của chủ nhân món hàng chỉ là thời gian chờ đợi mà
thôi. Nếu xét theo quan điểm lợi ích của toàn xã hội thì toàn bộ thời
gian, công sức và vật tư dùng để sửa chữa những món đồ đó chỉ mang lại
những chiếc nồi niêu xoong chảo chẳng có lợi ích bao nhiêu. Nếu thời
gian và vật tư đó được dùng cho những hoạt động có năng suất cao hơn thì
chắc chắn là có thể tạo ra những giá trị lớn hơn cho xã hội. Từ quan
điểm hiệu quả kinh tế và thịnh vượng của cả cá nhân lẫn xã hội thì trách
nhiệm và quá trình sửa chữa không được trả công như thế có hại nhiều
hơn là lợi.
Hơn
thế nữa, nếu những đồ đệ tốt bụng của Lôi Phong lại còn xếp hàng hộ
những người đang cầm xoong chảo đợi chữa thì việc giải thoát cho những
người nghèo đó khỏi cả công việc xếp hàng chán ngắt như thế có thể thậm
chí làm cho hàng còn dài ra hơn. Đấy thật là một cảnh tượng vô lí, một
nhóm thì đứng xếp hàng để cho nhóm người kia không phải làm như thế. Hệ
thống trách nhiệm kiểu đó giả định rằng có một nhóm người muốn được phục
vụ như là điều kiện tiên quyết. Cái đạo đức vị tha như thế không thể là
đạo đức mang tính phổ quát được. Rõ ràng là những người ca ngợi tính ưu
việt của hệ thống mình vì mọi người mà không cần viện dẫn đến giá cả
như thế đã không suy nghĩ vấn đề một cách thấu đáo.
Trách
nhiệm sửa chữa đồ dùng cho người khác còn tạo ra hậu quả phụ mà ít ai
ngờ tới. Đấy là nếu những người từng tham gia vào việc sửa chữa bị các
đồ đệ của Lôi Phong đẩy ra khỏi thương trường thì họ sẽ mất việc và sẽ
gặp nhiều khó khăn.
Tôi
không bao giờ phản đối việc học theo tấm gương của Lôi Phong trong việc
giúp đỡ những người gặp khó khăn, đấy là công việc có ích, thậm chí là
cần thiết đối với xã hội. Nhưng nếu coi việc trợ giúp người khác là
trách nhiệm phải làm thì nó sẽ tạo ra sự rối rắm, hỗn loạn và xuyên tạc
tinh thần tự nguyện của Lôi Phong.
Trong
xã hội của chúng ta có những người rất yếm thế và những người căm thù
cái xã hội mà theo họ là coi đồng tiền là tất cả. Họ nghĩ rằng những
người có tiền là những kẻ không thể chịu đựng nổi và người giàu tự coi
là mục hạ vô nhân, còn người nghèo là những người lo lắng cho quyền lợi
của nhân loại. Họ tin rằng tiền làm méo mó quan hệ bình thường giữa
người với người. Kết quả là họ muốn xây dựng một xã hội dựa trên tinh
thần tương trợ lẫn nhau, không cần nói đến tiền và giá cả. Đấy là xã
hội, nơi người nông dân trồng cấy mà không hề nghĩ đến công xá, nơi
người công nhân dệt vải cho tất cả mọi người, cũng không cần công xá,
nơi người thợ cắt tóc làm việc miễn phí ..v. v.. Xã hội lí tưởng như thế
có thể tồn tại được hay không?
Muốn
trả lời chúng ta phải quay trở lại với lí thuyết kinh tế về sự phân bố
nguồn lực, mà như thế thì sẽ lạc đề và hơi dài. Để đơn giản, xin bắt đầu
bằng một thí nghiệm tưởng tượng như sau. Hãy lấy trường hợp anh thợ
cạo. Hiện nay đàn ông thường cắt tóc ba hay bốn tuần một lần, nhưng nếu
có người cắt miễn phí thì họ có thể đi cắt mỗi tuần một lần. Tiền công
cắt tóc sẽ làm cho lao động của người thợ cạo được sử dụng một cách hữu
hiệu hơn. Trên thị trường, tiền công cắt tóc phụ thuộc tỉ lệ lao động xã
hội làm trong ngành này. Nếu nhà nước giữ giá cắt tóc thấp thì số người
muốn cắt tóc gia tăng, số thợ cạo cũng gia tăng tương ứng và như vậy là
số người làm trong những ngành khác phải giảm, đấy là nói trong trường
hợp lực lượng lao động không thay đổi. Cái gì đúng trong trường hợp thợ
cạo thì cũng đúng cho những ngành nghề khác.
Trong
nhiều khu vực nông thôn ở Trung Quốc giúp đỡ miễn phí là việc bình
thường. Nếu một người nào đó muốn dựng nhà thì tất cả họ hàng và bạn bè
đều đến giúp. Thường là không phải trả tiền, chỉ phải chi phí thức ăn
cho những người đến phụ giúp mà thôi. Lần sau, khi bạn của người đã được
giúp đỡ xây nhà thì anh ta cũng sẽ đến giúp miễn phí. Thợ điện cũng
thường sửa đồ điện miễn phí, chỉ cần tặng quà nhân dịp tết nhất là được.
Những vụ trao đổi phi tiền tệ như vậy không thể là đơn vị đo lường
chính xác lao động đã bỏ ra. Hậu quả là giá trị lao động không được khai
thác một cách có hiệu quả và sự phân công lao động trong xã hội cũng
không được khuyến khích. Tiền và giá có vai trò quan trọng trong sự phát
triển của xã hội. Không được để cho đồng tiền chiếm chỗ của những tình
cảm như tình bạn và tình yêu. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là tình
bạn và tình yêu có thể thay thế được đồng tiền. Chúng ta không thể loại
bỏ được đồng tiền chỉ vì sợ rằng nó sẽ ăn mòn những mối ràng buộc trong
quan hệ của con người với nhau. Trên thực tế, giá cả bằng tiền là phương
pháp hiện có duy nhất để ta có thể phân bố nguồn lực sao cho chúng có
thể được sử dụng một cách hữu hiệu nhất. Nếu chúng ta duy trì cả giá trị
bằng tiền lẫn tình cảm và những giá trị cao quí khác của chúng ta thì
chúng ta có thể hi vọng xây dựng được một xã hội vừa hiệu quả lại vừa
nhân ái.
Sự cân bằng quyền lợi cá nhân
Giả
sử A và B phải chia hai quả táo trước khi ăn. A chạy trước và nhặt được
quả to hơn. B cáu kỉnh hỏi: “Sao anh lại có thể ích kỉ thế nhỉ?”, A vặn
lại: “Thế nếu anh nhặt trước thì anh chọn quả nào?” B đáp: “Tôi sẽ nhặt
quả nhỏ hơn”. A vừa cười vừa nói: “Tôi chả làm đúng như anh muốn là
gì?”
Trong
câu chuyện trên A đã được lợi hơn B, trong khi B theo nguyên tắc “đặt
quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình” mà A thì không.
Nếu chỉ một bộ phận trong xã hội tuân theo nguyên tắc này còn những bộ
phận khác không theo thì bộ phận theo sẽ bị thiệt trong khi những bộ
phận không theo sẽ được lợi. Nếu hiện tượng này không được ngăn chặn thì
nhất định sẽ dẫn tới xung đột. Rõ ràng là, nếu chỉ có một số người đặt
quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình thì cuối cùng hệ
thống này nhất định sẽ dẫn tới xung đột và hỗn loạn.
Nếu
cả A và B đều quan tâm đến quyền lợi của phía bên kia thì vấn đề chia
hai quả táo bên trên sẽ không thể nào giải quyết được. Nếu cả hai đều
tìm cách ăn quả táo nhỏ hơn thì sẽ xuất hiện vấn đề mới, như ta đã từng
thấy trong Vùng đất của những người quân tử. Cái gì đúng với A và B thì
cũng đúng với tất cả những người khác. Nếu toàn bộ xã hội đều tuân theo
nguyên tắc làm lợi cho người khác, chỉ có một người không, thì cả xã hội
sẽ phục vụ cho người đó; xã hội như thế có thể tồn tại được, đấy là về
lí thuyết. Nhưng nếu cả người này cũng quay ra theo nguyên tắc trên thì
xã hội – như một hệ thống của sự hợp tác – sẽ không thể tồn tại được
nữa. Nguyên tắc mình vì người khác nói chung chỉ khả thi với điều kiện
là những người khác sẽ quan tâm tới quyền lợi của toàn xã hội, còn mình
thì không. Nhưng trên bình diện toàn cầu thì đấy là điều bất khả thi,
đấy là nói trừ phi ta có thể buộc mặt trăng phải quan tâm đến quyền lợi
của dân chúng trên trái đất.
Lí
do của sự rắc rối như thế là vì xét một cách tổng quát thì trong xã hội
không có sự phân biệt giữa “ta” và “người”. Dĩ nhiên là đối với một anh
chàng John hoặc Jane Doe cụ thể nào đó thì “ta” là ta, còn người là
“người”, “ta’ không thể lẫn lộn với “người” được. Nhưng từ quan điểm của
xã hội thì mỗi người đều vừa là “ta” vừa là “người”. Khi nguyên tắc “vì
người trước khi vì mình” được đem ra áp dụng cho anh A thì trước hết
anh A phải suy nghĩ về sự thiệt hơn của những người khác. Nhưng khi
nguyên tắc này được anh B áp dụng thì quyền lợi của anh A lại nằm ở vị
trí quan trọng nhất. Đối với các thành viên trong cùng xã hội đó thì câu
hỏi là liệu họ phải nghĩ đến người khác trước hay những người khác phải
nghĩ đến họ trước sẽ dẫn đến rối loạn và mâu thuẫn. Vì vậy mà, trong
bối cảnh này nguyên tắc vị tha là không phù hợp và mâu thuẫn, và cũng vì
vậy mà không thể dùng để giải quyết nhiều vấn đề xuất hiện trong quan
hệ giữa người với người. Nhưng dĩ nhiên điều đó cũng không có nghĩa là
tinh thần cỗ vũ cho nó không đáng được ca ngợi hay những hành động vì
người khác là không đáng ca ngợi, nhưng nó không thể tạo ra cơ sở mang
tính phổ quát để các thành viên trong xã hội theo trong khi tìm cách bảo
vệ quyền lợi của cả hai bên.
Những
người đã trải qua cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản hẳn còn nhớ rằng
khi khẩu hiệu “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và phê phán chủ nghĩa
xét lại” vang lên khắp đất nước thì cũng là lúc mà những kẻ lắm mưu mô
và nhiều tham vọng lên như diều gặp gió. Thời gian đó đa số người dân
Trung Quốc có thể thực sự tin rằng cuộc “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân và phê phán chủ nghĩa xét lại” có thể trở thành tiêu chuẩn xã hội
và kết quả là họ đã tìm mọi cách để chỉ trích chủ nghĩa cá nhân. Cũng
trong thời gian đó những kẻ cơ hội đã lợi dụng khẩu hiệu này nhằm thu
lợi riêng. Chúng lợi dụng chiến dịch bài trừ bóc lột nhằm biện hộ cho
việc lục soát nhà của người khác và cướp đoạt tài sản của họ. Chúng kêu
gọi người khác bài trừ chủ nghĩa cá nhân và vì lợi ích của cách mạng mà
thừa nhận là những kẻ phản bội, gián điệp hay phản cách mạng và bằng
cách đó ghi thêm cho họ những tội lỗi mới. Không cần suy nghĩ, những kẻ
cơ hội chủ nghĩa đã đẩy tha nhân vào hoàn cảnh đầy nguy hiểm cho cuộc
sống của họ, mà tất cả chỉ nhằm giành một chức vụ nào đó trong chính
quyền mà thôi. Như vậy là, chúng ta đã phân tích những vấn đề lí luận
liên quan đến nguyên tắc “mình vì mọi người”, nhưng Cách mạng văn hóa
còn cho thấy mâu thuẫn của nguyên tắc này khi nó được đem ra áp dụng vào
thực tế.
Trong
kí ức, Cách mạng văn hóa đã phai mờ dần, nhưng chúng ta phải nhớ rằng
lúc đó tất cả các khẩu hiệu đều bị đem ra phê phán và kiểm soát một cách
kĩ lưỡng. Nhưng hiện nay thì không thế nữa, vì khi câu hỏi đặt ra là
phải dùng nguyên tắc nào để xử lí những vấn đề xã hội thì dường như
người ta đã không còn kĩ lưỡng nữa. Chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp
tuyên truyền cũ nhằm động viên người dân giải quyết những cuộc tranh
luận, thậm chí ngay cả tại tòa án những phương pháp lỗi thời vẫn có ảnh
hưởng khá lớn.
Những
độc giả đã quen lật đi lật lại vấn đề chắc chắn sẽ có một vài câu để
hỏi về vấn đề chia một cách hợp lí nhất hai quả táo vừa nói. Nếu chúng
ta đồng ý rằng “mình vì mọi người” không thể là nguyên tắc giải quyết
tốt nhất vấn đề chia hai quả táo thì có phải là không có cách nào tốt
hơn hay không? Xin nhớ rằng ở đây có một quả táo to và một quả táo nhỏ
và chỉ có hai người tham gia chia mà thôi. Có thể là ngay cả những những
vị thần bất tử huyền thoại của Trung Quốc cũng thấy khó mà tìm được
giải pháp thỏa đáng?
Nhưng
trong xã hội thị trường câu hỏi hóc búa vừa nói thực ra là có thể giải
quyết được. Hai người đó có thể thảo luận xem phải giải quyết như thế
nào. Thí dụ A lấy quả to hơn với thỏa thuận là lần sau B sẽ được lấy quả
to hơn hoặc nếu A lấy quả to hơn thì B sẽ được đền bù một khoản nào đó.
Món tiền do A trả sẽ giúp giải quyết vấn đề khó khăn này. Trong nền
kinh tế có sử dụng tiền tệ thì chắc chắn là hai bên sẽ áp dụng biện pháp
này. Bắt đầu bằng khoản đền bù nhỏ (thí dụ, 1 xu), số tiền sẽ được nâng
dần lên cho đến khi một bên đồng ý lấy quả táo nhỏ cùng với món tiền
đền bù. Nếu số tiền ban đầu quá nhỏ thì ta có thể cho rằng cả hai bên
đều muốn lấy quả to và trả khoản đền bù nhỏ bé kia. Nhưng khi số tiền
đền bù được nâng lên thì sẽ đến một lúc một trong hai bên đồng ý lấy quả
táo nhỏ cùng với tiền đền bù. Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn
rằng nếu hai bên đều đánh giá vấn đề một cách hữu lí thì họ sẽ tìm ra
được biện pháp giải quyết cuộc tranh luận. Và đấy cũng là biện pháp giải
quyết một cách hòa bình khi quyền lợi của các bên xung đột nhau.
Ba
mươi năm sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, một lần nữa vấn đề giàu
nghèo lại được gióng lên, lòng thù hận với những người giàu có đang
ngày một tăng lên. Trong giai đoạn khi mà người ta tập trung vào cuộc
đấu tranh giai cấp – khởi đầu của mọi phong trào quần chúng – thì những
đau khổ của quá khứ lại được đem ra so sánh với hạnh phúc của ngày hôm
nay. Xã hội cũ bị phủ nhận và sự bóc lột trước đó được sử dụng như là
hạt giống nhằm kích động lòng hận thù của dân chúng. Khi cuộc Cách mạng
văn hóa được khởi động vào năm 1966 (một phong trào nhằm quét sạch những
hiện tượng xấu xa của hệ thống giai cấp cũ), tại nhiều khu vực con cháu
của giai cấp địa chủ đã bị chôn sống, mặc dù đa số địa chủ đã chết từ
trước rồi. Không ai thoát: cả già lẫn trẻ, thậm chí phụ nữ và trẻ con
cũng không thoát. Dân chúng nói rằng phải có lí do thì người ta mới yêu
cho nên cũng phải có lí do thì người ta mới ghét. Lòng căm thù con em
của giai cấp địa chủ xuất phát từ đâu? Nó xuất phát từ lòng tin tưởng
nhiệt thành rằng hậu duệ của giai cấp địa chủ tìm cách bóc lột để tạo
dựng địa vị của chúng. Hiện nay khoảng cách giàu nghèo còn nổi bật hơn
nữa. Và trong khi thừa nhận có những người sử dụng các phương tiện phi
pháp để làm giàu thì trong bất kì xã hội nào khoảng cách giàu nghèo cũng
là hiện tượng không thể tránh được. Ngay cả trong các nước đã phát
triển, nơi những cách làm giàu phi pháp bị ngăn chặn một cách quyết liệt
thì khoảng cách giàu nghèo vẫn là hiện tượng thường thấy.
Lí
lẽ chống lưng cho lòng căm thù những người có của là lí lẽ sai ngay từ
căn cốt. Nếu một người nào đó căm hận người giàu vì anh ta chưa giàu thì
chiến lược tốt nhất mà anh ta có thể áp dụng là trước hết hãy lật độ
người giàu và đợi một thời gian khi đã giàu rồi thì mới ủng hộ việc bảo
vệ quyền của người giàu. Đối với một số nhóm
người thì đây là biện pháp hợp lí nhất. Nhưng đối với toàn xã hội thì
không có cách nào phối hợp tiến trình để cho tất cả mọi người trong xã
hội cùng giàu lên với tốc độ như nhau được. Một số người sẽ giàu trước,
còn nếu ta đợi để mọi người cùng giàu với tốc độ như nhau thì sẽ chẳng
có ai giàu hết. Chống lại người giàu là vô lí vì người nghèo chỉ có thể
trở thành giàu có nếu mọi người và bất kì người nào cũng được bảo đảm có
quyền làm giàu, nếu thành quả lao động không bị xâm phạm, và nếu quyền
sở hữu được tôn trọng. Một xã hội mà trong đó càng ngày càng có nhiều
người có tài sản và đồng ý rằng “làm giàu là vinh quang” thì trên thực
tế có thể làm được một cái gì đó.
Nhà
khoa học Li Ming của Trung Quốc đã viết rằng chia nhân dân thành hai
nhóm “giàu” và “nghèo” là cách phân biệt không đúng giữa hai nhóm người
này. Đúng ra là phải chia thành nhóm những người có quyền và nhóm những
người không có quyền. Ý ông muốn nói là trong xã hội hiện đại, vấn đề
giàu nghèo thực chất là vấn đề quyền. Người giàu trở thành giàu là vì họ
có quyền, còn người nghèo thì không. Quyền mà ông nói tới là quyền con
người chứ không phải là đặc quyền đặc lợi. Không thể có chuyện là tất cả
các công dân đều có đặc quyền đặc lợi được. Chỉ có một nhóm thiểu số có
thể tiếp xúc với đặc quyền đặc lợi mà thôi. Nếu chúng ta muốn giải
quyết vấn đề giàu nghèo thì trước hết chúng ta phải thiết lập nhân quyền
ngang nhau cho tất cả mọi người. Phân tích của Li Minh là sâu sắc và
thấu đáo.
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
[1] Người
ăn mày may mắn là người ngoài, vì nếu ông ta cũng là người sống trong
Vùng đất của những người quân tử thì cuộc cãi vã sẽ chẳng bao giờ kết
thúc được.
[2] Lôi
Phong (18/12/1040-15/08/1962) là một chiến sỹ Quân giải phóng nhân dân
Trung Quốc trở thành anh hùng dân tộc sau khi chết vào năm 1961 trong
một tai nạn giao thông. Phong trào “Học tập đồng chí Lôi Phong” diễn ra
trong toàn quốc được khởi động vào năm 1963, phong trào này kêu gọi nhân
dân Trung Quốc theo gương phấn đấu hi sinh của anh trong việc phục vụ
Đảng cộng sản Trung Quốc và chủ nghĩa xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét