Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Tom G. Palmer - Hai mươi ngộ nhận về thị trường (Kì cuối)


Phạm Nguyên Trường dịch

  1. Thị trường dẫn tới những chu kì kinh tế đầy tai họa, thí dụ như cuộc Đại khủng hoảng
Dựa vào các lực lượng thị trường có thể dẫn tới những chu kì kinh tế “bùng nổ - đổ vỡ”. Sự tự tin quá đáng của các nhà đầu tư dẫn tới sự bùng nổ về đầu tư, sau đó nhất định sẽ là giai đoạn thu hẹp sản xuất, thất nghiệp và tình hình kinh tế sa sút.

Có người cho rằng chu kì kinh tế “bùng nổ - đổ vỡ” là do thị trường mà ra. Nhưng bằng chứng lại cho thấy rằng sản xuất thừa không phải là tính chất của thị trường: khi có nhiều hàng hóa hóa và dịch vụ được đưa ra thì giá cả sẽ điều chỉnh và kết quả là thịnh vượng chứ không phải là “đổ vỡ”.  Nếu một ngành công nghiệp nào đó phát triển quá mức, thị trường không thể duy trì được lãi suất của nó thì cơ chế tự điều chỉnh sẽ hoạt động và lãi suất sụt giảm sẽ là tín hiệu để người ta hướng các nguồn lực sang những lĩnh vực khác. Không có lí do để khẳng định rằng việc điều chỉnh như thế diễn ra trong tất cả các ngành công nghiệp; thực ra, đấy là khẳng định chứa đầy mâu thuẫn (vì nếu vốn đầu tư được rút ra khỏi tất cả các ngành, rồi lại được tái phân bố vào tất cả các ngành thì vốn đầu tư không bị rút đi đâu hết). 



Tuy nhiên, có thể xảy ra những giai đoạn thất nghiệp trên diện rộng và kéo dài, đấy là khi chính phủ can thiệp vào hệ thống tiền tệ, làm biến dạng hệ thống giá cả; chính sách sai lầm thường đi kèm với việc tài trợ cho những ngành đáng lẽ phải thu hẹp sản xuất và kiểm soát giá cả và tiền lương làm cho thị trường không thể tự điều chỉnh được, điều đó chỉ làm cho nạn thất nghiệp kéo dài thêm mà thôi. Đấy là sự kiện đã từng xảy ra trong cuộc Đại khủng hoảng kéo dài từ năm 1929 đến hết Thế chiến II. Các nhà kinh tế học (trong đó có Milton Friedman, giải Nobel về kinh tế) đã chứng minh rằng khủng hoảng là do Cục dự trữ liên bang Mĩ – trong khi theo đuổi các mục tiêu chính trị - đã bất ngờ cắt giảm, không đưa vào lưu thông một lượng tiền rất lớn. Sau đó, chính sách bảo hộ làm cho suy thoái càng lún sâu thêm và lan ra toàn cầu; suy thoái kéo dài chủ yếu là do những chính sách như Luật khôi phục kinh tế quốc dân (National Recovery Act), chương trình nhằm giữ cho giá lương thực ở mức cao (bằng cách tiêu hủy một lượng lớn lương thực và hạn chế nguồn cung), và những chính sách nằm trong chương trình “Chính sách kinh tế mới” (New Deal), không để cho các lực lượng của thị trường điều chỉnh lại những hậu quả tai hại của chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ. Những vụ đổ vỡ trong thời gian gần đây, thí dụ như vụ khủng hoảng tài chính ở châu Á vào năm 1997, là do chính sách tiền tệ và ngoại hối thiếu thận trọng đã làm biến dạng những tín hiệu của thị trường, trước khi những tín hiệu này đến được với các nhà đầu tư. Các lực lượng của thị trường đã sửa chữa những khiếm khuyết trong chính sách của các chính phủ, nhưng quá trình này cũng gặp một số khó khăn. Song khó khăn không phải là do thuốc chữa bệnh, mà là do chính sách tiền tệ và ngoại hối sai lầm của các chính phủ, gây ra sự mất ổn định của dòng vốn chảy vào những nước này. 

Khi các cơ quan quản lí trong lĩnh vực tiền tệ áp dụng chính sách tiền tệ khôn ngoan hơn thì những chu kì như thế có xu hướng giảm. Kết hợp với việc sử dụng nhiều hơn nữa quá trình điều tiết của thị trường sẽ dẫn đến kết quả là thời gian giữa các chu kì sẽ dài ra, mức độ gay gắt của chu kì kinh tế giảm đi; sự cải thiện điều kiện kinh tế sẽ diễn ra một cách liên tục và dài hạn tại những nước theo đuổi chính sách thương mại tự do, ràng buộc về ngân sách và chế độ pháp quyền.

            11. Dựa hoàn toàn vào thị trường là chính sách xuẩn ngốc chẳng khác gì dựa hoàn toàn vào chủ nghĩa xã hội: nền kinh tế hỗn hợp là tốt nhất.  

Phần đông người ta nghĩ rằng cho tất cả trứng vào một rổ là thiếu khôn ngoan. Các nhà đầu tư khôn ngoan bao giờ cũng tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư và như vậy, “gói chính sách đa dạng hóa”, nghĩa là hỗn hợp giữa chủ nghĩa xã hội và thị trường là việc làm hợp lí vậy. 

Những nhà đầu tư khôn ngoan – đấy là nói những người không thể tiếp xúc được với thông in nội bộ - thường đa dạng hóa danh mục đầu tư để tránh rủi ro. Nếu một cổ phiếu nào đó hạ mà cổ phiếu khác tăng giá thì lợi nhuận sẽ bù đắp được thiệt hại. Trong dài hạn, danh mục đầu tư được đa dạng hóa một cách đúng đắn sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nhưng chính sách thì không thể như thế được. Một số chính sách luôn luôn gặp phải thất bại, trong khi một số khác thì bao giờ cũng thành công. Sẽ là sai lầm khi “danh mục đầu tư” bao gồm cổ phiếu của những công ty biết chắc là sẽ thua lỗ và những công ty biết chắc là sẽ thành công; người ta phải đa dạng hóa danh mục đầu tư là vì không biết là công ty nào sẽ có lời, còn công ty nào thì không. 

Những công trình nghiên cứu các dữ liệu kinh tế hàng năm do Viện Fraser (Fraser Institute) ở Canada và những tổ chức quốc tế khác tiến hành trong hàng chục năm chứng tỏ xu hướng rõ ràng rằng dựa vào lực lượng thị trường dẫn tới mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn, kinh tế phát triển nhanh hơn, sống thọ hơn, tỉ lệ trẻ em tỉ vong thấp hơn, tỉ lệ lao động trẻ em giảm, nhiều người dân được tiếp xúc với nước sạch và dịch vụ y tế hơn,  nhiều người được tiếp xúc với những tiện ích của đời sống hiện đại, trong đó có môi trường trong lành và chính quyền tử tế hơn, thí dụ như mức độ tham nhũng giảm, còn trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ lại gia tăng. 

Hơn nữa, ở đây không thể có cái gọi là “trung đạo”. Sự can thiệp vào thị trường của nhà nước thường làm cho nó méo mó, thậm chí dẫn tới khủng hoảng; điều này, đến lượt nó, lại được coi là lí do để nhà nước can thiệp thêm nữa. Thí dụ, “gói chính sách” bao gồm chính sách tiền tệ thiếu khôn ngoan dẫn tới tốc độ cung tiền lớn hơn là tốc độ phát triển của nền kinh tế, kết quả là giá cả leo thang. Lịch sử đã cho thấy rằng các chính trị gia thường phản ứng không phải bằng cách từ bỏ những chính sách thiếu khôn ngoan của họ mà họ lại phản ứng bằng cách phê phán nền kinh tế phát triển “quá nóng” hay lên án “những kẻ đầu cơ không có tinh thần yêu nước” và sau đó thì kiểm soát giá cả. Khi giá cả không được điều tiết bằng quan hệ cung cầu (trong trường hợp này, lượng tiền cung gia tăng sẽ làm cho giá trị đồng tiền – thể hiện qua giá hàng hóa – giảm), kết quả là hàng hóa và dịch vụ thiếu hụt vì có  nhiều người muốn mua những món hàng có số lượng giới hạn vì giá cả được giữ ở mức thấp hơn là giá mà người sản xuất muốn bán. Ngoài ra, thiếu vắng thị trường tự do sẽ đưa người dân tới thị trường chợ đen, buộc họ phải hối lộ các quan chức và những hiện tượng phạm pháp khác. Hàng hóa khan hiếm và tệ tham nhũng lại làm cho quá trình thiết lập nhà nước toàn trị diễn ra nhanh chóng hơn. Như vậy là, “gói chính sách” trong đó có cả những chính sách được khẳng định là tồi tệ sẽ làm suy yếu nền kinh tế, tạo ra nạn tham nhũng, thậm chí đe dọa cả chế độ dân chủ hợp hiến nữa.

Phê phán từ quan điểm kết hợp giữa kinh tế và đạo đức

  1. Thị trường tạo ra nhiều bất bình đẳng hơn là những quá trình phi thị trường
Về bản chất, thị trường tưởng thưởng cho những người có khả năng đáp ứng lựa chọn của người tiêu dùng và vì khả năng của người ta là khác nhau nên thu nhập cũng khác nhau. Còn chủ nghĩa xã hội, về bản chất, là xã hội công bằng, vì vậy mỗi bước tiến về phía chủ nghĩa xã hội là một bước tiến về phía công bằng. 

Cần phải nhớ rằng sở hữu là một khái niệm pháp lí, còn của cải lại là khái niệm kinh tế. Người ta lại hay lẫn lộn hai khái niệm này, nhưng lại cần phải phân biệt rõ. Những tiến trình diễn ra trên thương trường làm cho tài sản liên tục được tái phân bố trên diện rộng. Ngược lại, luật lệ của thị trường tư do cấm tiến hành tái phân phối sở hữu một cách miễn cưỡng (khi các cá nhân làm việc đó thì bị gọi là “ăn cắp”), thị trường tự do đòi hỏi rằng sở hữu phải được xác định một cách dứt khoát và phải được pháp luật bảo vệ. Thị trường có thể tái phân phối tài sản, thậm chí ngay cả trong những trường hợp khi mà sở hữu vẫn nằm trong tay những người chủ cũ. Mỗi khi giá trị của tài sản (mà người chủ có quyền sở hữu) thay đổi thì của cải của người chủ khối tài sản đó cũng thay đổi theo. Khối tài sản mà hôm qua có giá 600 Euro, hôm nay có thể chỉ còn 400 Euro thôi. Đây chính là sự tái phân phối khối lượng tài sản trị giá 200 Euro thông qua thị trường, mặc dù không có sự tái phân phối sở hữu. Như vậy là, thị trường thường xuyên làm công việc tái phân phối tài sản và quá trình tái phân phối lại khuyến khích chủ sở hữu tìm cách tối đa hóa giá trị tài sản của họ hoặc chuyền tài sản đó cho những người muốn mua. Quá trình tái phân phối diễn ra liên tục - do ước muốn tối đa hóa giá trị - là sự chuyển dịch tài sản trên bình diện rộng lớn mà đa số những người làm chính trị không thể nào tưởng tượng được. Ngược lại, trong khi thị trường tái phân phối của cải thì chính trị gia lại chỉ có có thể tái phân phối sở hữu mà thôi. Nhưng quá trình này lại làm cho quyền sở hữu không còn được bảo vệ như cũ nữa, sở hữu mất giá và của cải cũng không còn. Quá trình tái phân phối càng khó dự đoán thì sự mất mát của cải do sự đe dọa của quá trình tái phân phối sở hữu gây ra sẽ càng lớn hơn. 

Bình đẳng giữa người với người có thể trở thành hiện thực trong nhiều lĩnh vực, nhưng không phải trong tất cả các lĩnh vực. Thí dụ, mọi người có thể bình đẳng trước pháp luật, nhưng ngay cả trong trường hợp này, không phải mọi người đều có ảnh hưởng như nhau đối với chính trị, vì trong số những người sử dụng quyền bình đẳng về tự do ngôn luận lại có những người nói hay hơn và thuyết phục hơn những người khác, nghĩa là họ gây được nhiều ảnh hưởng hơn những người kia. Tương tự như thế, quyền bình đẳng trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên thị trường có thể không dẫn tới thu  nhập giống nhau vì một số người làm việc tích cực hơn và nhiều hơn (họ muốn có thu nhập chứ không cần nghỉ ngơi), hoặc có những tài khéo mà người khác sẵn sàng trả giá cao. Mặt khác, cố gắng dùng bạo lực nhằm đạt cho bằng được bình đẳng về ảnh hưởng hoặc bình đẳng về thu nhập sẽ dẫn tới việc một số người sử dụng nhiều quyền lực hoặc ảnh hưởng chính trị hơn những người khác. Nhằm thực hiện một mô hình phân bố thu nhập cụ thể nào đó thì một người hay một nhóm người phải có đầu óc của “thánh nhân”, có thể nhìn thấy chỗ này thiếu hụt cái gì, chỗ kia thừa cái gì và lầy từ chỗ này chuyển sang chỗ kia. Vì quyền lực nhằm tạo ra thu nhập như nhau cho tất cả mọi người được tập trung vào tay một số người – như ở Liên Xô, quốc gia tự nhận là bình đẳng – những người có quyền lực chính trị và pháp lí vượt trội đó sẽ muốn sử dụng quyền lực nhằm giành được thu nhập cao hơn hoặc được quyền tiếp cận với các nguồn lực. Cả lí thuyết lẫn thực tế đều cho thấy rằng những cố gắng mang tính tự giác nhằm tạo ra mức thu nhập như nhau hay thu nhập “công bằng” hoặc cách thức phân bố thu nhập nào khác với cách thức phân bố mà trật tự tự phát của thị trường có thể tạo ra đều là những cố gắng vô ích, vì một lí do đơn giản là những người nắm quyền tái phân phối sẽ sử dụng quyền lực nhằm tự tư tự lợi, và như vậy là họ đã biến bất bình đẳng về quyền lực chính trị thành những kiểu bất bình đẳng khác, như tài sản, danh dự..v.v.. Đấy chắc chắn là kinh nghiệm của các nước tự nhận là cộng sản và đấy cũng là con đường mà Venezuela đang đi. Ở nước này toàn bộ quyền lực đều tập trung vào tay Hugo Chavez, với lí do là ông ta cần sự bất bình đẳng khủng khiếp về quyền lực như thế là để tạo ra bình đẳng về của cải giữa các công dân.

Số liệu trong báo cáo phát hành năm 2006 của tổ chức gọi là Tự do kinh tế thế giới (Economic Freedom of the World) cho thấy mức độ tự do kinh tế không có ảnh hưởng nhiều tới sự bất bình đẳng về thu nhập (các nước được chia thành 4 nhóm, từ ít tự do nhất cho đến tự do nhất, 10% số người nghèo nhất nhận được trung bình từ 2,2% đến 2,5% tổng như nhập quốc dân), nhưng mức độ tự do kinh tế lại có mối liên hệ trức tiếp với thu nhập trung bình của 10% những người có thu nhập thấp nhất (các nước cũng được chia thành 4 nhóm, từ ít tự do nhất cho đến tự do nhất, thu nhập trung bình của 10% người nghèo nhất là 826, 1186, 2322 và 6519 dollar). Như vậy là, cơ chế thị trường dường như không có ảnh hưởng nhiều tới phân bố thu nhập, nhưng thị trường làm cho thu nhập của người nghèo tăng lên và có lẽ nhiều người trong số họ ủng hộ kinh tế thị trường.

  1. Thị trường không thể đáp ứng được một số nhu cầu căn bản của con người, như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục và lương thực

Hàng hóa phải được phân phối phù hợp với tính chất của chúng. Thị trường phân phối hàng hóa theo khả năng thanh toán của người tiêu dùng, nhưng chăm sóc sức khỏe, nhà ở, học hành, lương thực và những nhu cầu căn bản khác của con người – vì là nhu cầu – cho nên phải được phân bố theo nhu cầu chứ không phải theo khả năng thanh toán của người dân. 

Nếu thị trường đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của con người – đấy là nói so với những hệ thống khác – nghĩa là so với chủ nghĩa xã hội, cơ chế thị trường làm cho nhiều người được hưởng mức sống cao hơn thì cơ chế thị trường cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người. Như đã nói bên trên, thu nhập của những người nghèo nhất gia tăng nhanh chóng cùng với mức độ tự do kinh tế, nghĩa là người nghèo có nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của họ hơn trước. (Dĩ nhiên là không phải nhu cầu nào cũng liên quan với thu nhập, tình bạn và tình yêu chân thành không phải là những nhu cầu như thế. Nhưng cũng chẳng có lí do nào để nói rằng có thể dùng biện pháp ép buộc nhằm phân phối những nhu cầu như thế, chứ chưa nói phân phối một cách “công bằng”).

Hơn thế nữa, nếu “nhu cầu” và “khả năng” là những khái niệm khá mù mờ thì mức độ “sẵn sàng” thanh toán lại là khái niệm có thể đo lường được một cách dễ dàng hơn. Khi người ta dùng tiền túi của mình để trả cho những món hàng hóa và dịch vụ nào đó là họ nói cho ta biết họ đánh giá những món hàng và dịch vụ này cao hơn những món hàng và dịch vụ khác đến mức nào. Lương thực - dĩ nhiên là nhu cầu thiết yếu hơn là học tập hay chăm sóc sức khỏe – được thị trường cung cấp một cách khá hiệu quả. Trên thực tế, trong những nước mà quyền sở hữu bị bãi bỏ và nhà nước làm nhiệm vụ phân phối thay cho thị trường lại thường xảy ra nạn đói, thậm chí có cả những trường hợp ăn thịt người nữa. Thị trường đáp ứng được hầu hết các loại hàng hóa mà con người cần, kể cả những nhu cầu cơ bản, tốt hơn là những cơ chế khác. 

Đáp ứng nhu cầu đòi hỏi phải sử dụng những nguồn lực hạn chế, nghĩa là phải lựa chọn về cách phân phối chúng. Khi thị trường không được phép hoạt động thì người ta phải sử dụng những cơ chế và tiêu chí khác trong việc phân phối những nguồn lực hạn chế, thí dụ như phân phối một cách quan liêu, ảnh hưởng chính trị, thành viên của đảng cầm quyền, quan hệ với tổng thống hoặc với những người có quyền lực mạnh, hay đút lót và những hình thức tham nhũng khác. 

  1. Thị trường hoạt động trên nguyên tắc chỉ những người phù hợp nhất mới sống sót nổi
Giống như qui luật chọn lọc tự nhiên, thị trường nghĩa là chỉ những người phù hợp nhất mới sống sót được mà thôi. Những người không thể đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường sẽ bị đẩy ra bên lề và bị đối thủ đè bẹp. 

Áp dụng những nguyên tắc tiến hóa, thí dụ như nguyên tắc “chỉ những cá thể phù hợp nhất mới sống sót”, vào lĩnh vực nghiên cứu sinh vật và quan hệ xã hội giữa người với người dẫn đến những sự lầm lẫn, đấy là nói nếu chúng ta không làm rõ cái gì sẽ sống sót trong từng trường hợp cụ thể. Trong sinh vật học, đấy là các cá thể động vật và khả năng tự tái tạo của nó. Con thỏ bị con mèo ăn thịt vì chạy chậm sẽ không còn khả năng sinh con đẻ cái nữa. Những con chạy nhanh nhất sẽ là những con có khả năng đó. Nhưng khi áp dụng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa của xã hội thì khả năng sống sót không còn là cá thể nữa mà là những hình thức tương tác, thí dụ như phong tục, định chế hay công ty. Một công ty bị đẩy ra khỏi thương trường, nó “chết”, cũng có nghĩa là một hình thức hợp tác xã hội cụ thể đã “chết”, nhưng như thế không có nghĩa là những người hoạt động trong doanh nghiệp – nhà đầu tư, chủ sở hữu, các nhà quản lí, công nhân..v..v.. – cũng chết. Đấy chỉ là một hình thức hợp tác kém hiệu quả được thay thế bằng hình thức hợp tác hiệu quả hơn mà thôi. Cạnh tranh trên thương trường không phải là cạnh tranh trong rừng rú. Trong rừng, các con thú ăn thịt hoặc là đuổi nhau đi khỏi một vùng lãnh thổ nào đó. Còn thương trường là các doanh nhân và các công ty cạnh tranh với nhau để giành quyền cộng tác với người tiêu dùng, cộng tác với các doanh nhân và các công ty khác. Cạnh tranh trên thương trường không phải là cạnh tranh để giành quyền sống, đấy là cạnh tranh để giành quyền hợp tác. 

  1. Thị trường hạ thấp văn học và nghệ thuật
Văn học và nghệ thuật là để đáp ứng cho những nhu cầu cao thượng của tâm hồn con người, vì vậy mà không thể mua bán như quả cà chua hay cái nút áo được. Giao nghệ thuật cho thị trường có khác gì mang tôn giáo ra chợ bán. Hơn nữa, mở rộng cửa cho sự cạnh tranh trên thương trường quốc tế sẽ làm giảm giá trị của văn học và nghệ thuật, những hình thức văn hóa truyền thống sẽ bị bỏ rơi trong cuộc săn lùng những đồng dollar hay Euro đầy quyền lực. 

Đa phần các tác phẩm nghệ thuật đã và đang được làm ra để bán. Nói cho ngay, phần lớn lịch sử nghệ thuật là lịch sử của sự sáng tạo được thực hiện nhờ thị trường nhằm đáp ứng trước sự xuất hiện của các ngành công nghệ mới, triết lí mới, thị hiếu mới và những hình thức hoạt động trí tuệ mới. Văn học, nghệ thuật và thị trường đã liên hệ mật thiết với nhau trong suốt nhiều thế kỉ. Các nhạc sĩ đòi khán giả trả thù lao cho họ, giống hệt như người bán rau đòi tiền mấy quả cà chua hay người thợ may đòi tiền công đính mấy cái nút áo. Trên thực tế, việc hình thành thị trường rộng rãi hơn cho âm nhạc, phim ảnh và những hình thức nghệ thuật khác trên băng từ, trên cassettes, CD, DVD và bây giờ là iTunes, mp3 files, tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau hơn, còn người nghệ sĩ thì có điều kiện thử nghiệm, sáng tạo ra nhiều hình thức nghệ thuật lai ghép hơn và kiếm được nhiều thu nhập hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên là đa số các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác ra trong một năm nào đó không thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Những người kết án nghệ thuật đương đại là “rác rưởi” là những người có quan niệm sai lầm khi họ so sánh với những tác phẩm vĩ đại trong quá khứ, những tác phẩm mà họ so sánh là những tác phẩm tuyệt vời nhất, những tác phẩm đã trải qua cuộc sàng lọc kéo dài hàng trăm năm, với hàng loạt tác phẩm được sản xuất trong một năm trước đó. Nếu họ đưa vào so sánh cả những tác phẩm không đứng vững trước thử thách của thời gian và không được người đời nhắc tới nữa thì kết quả có lẽ sẽ hoàn toàn khác. Những tác phẩm vượt qua được sự sàng lọc của thị trường chính là những kiệt tác dành cho các thế hệ tương lai. 

So sánh toàn bộ sản phẩm nghệ thuật đương đại với những tác phẩm tuyệt vời nhất trong số những tác phẩm tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã qua không phải là sai lầm duy nhất khi người ta đánh giá về thị trường nghệ thuật. Những nhà quan sát từ các nước giàu có khi đến thăm những nước nghèo thường có một sai lầm nữa, đấy là họ lẫn lộn giữa sự nghèo khó của đất nước nghèo với nền văn hóa của những nước đó. Khi những người tham quan giàu có nhìn thấy dân chúng trong những nước nghèo sử dụng điện thoại cầm tay hay máy tính xách tay họ liền phàn nàn là đất nước đã đánh mất một phần “bản sắc”, không còn được như lần trước nữa. Khi dân chúng giàu lên nhờ những tương tác trên thương trường – do quá trình tự do hóa hay toàn cầu hóa đem lại – thí dụ như điện thoại cầm tay, những người chống toàn cầu hóa từ các nước giàu có liền phàn nàn rằng người ta đã ăn cướp nền văn hóa của các nước nghèo. Nhưng tại sao người ta lại đánh đồng văn hóa với sự nghèo khó? Người Nhật đã từ nghèo thành giàu, nhưng thật khó mà khẳng định rằng kết quả là họ đã không còn là người Nhật như xưa nữa. Trên thực tế, nhờ giàu có mà họ có thể truyền bá nền văn hóa Nhật Bản ra khắp thế giới. Ở Ấn Độ, thu nhập gia tăng được ngành công nghiệp thời trang đáp ứng lại bằng cách quay về cách ăn mặc truyền thống, thí dụ như sari, hiện đại hóa nó và cải biến nó theo những tiêu chí thẩm mĩ hiện đại. Một đất nước nhỏ bé như Iceland cũng tìm cách bảo vệ nền văn hóa phong phú, bảo vệ những nhà hát và ngành công nghiệp điện ảnh của mình vì thu nhập đầu người của họ cao, họ có thể dành một phần của cải để bảo vệ và phát triển nền văn hóa của mình. 

Cuối cùng, mặc dù niềm tin tôn giáo không phải là thứ có thể đem ra “mua bán”, xã hội tự do để cho tôn giáo hoạt động trên cùng những nguyên tắc: bình đẳng và tự do lựa chọn – đấy cũng là những nguyên tắc căn bản của thị trường tự do. Thánh đường Thiên chúa giáo, nhà thờ Hồi giáo và chùa chiền của các tôn giáo khác cạnh tranh với nhau trong việc tìm kiếm con chiên, phật tử và những hình thức ủng hộ khác nhau. Chẳng có gì ngạc nhiên khi xảy ra hiện tượng là nước nào (ở châu Âu) chính thức ủng hộ nhà thờ thì số người tham gia đi lễ có xu hướng giảm, trong khi ở những quốc gia mà nhà nước không ra mặt ủng hộ thì số người tham gia lại tăng. Nguyên nhân không phải là khó hiểu: những nhà thờ phải cạnh tranh để giành giật con chiên và sự ủng hộ phải làm việc cho cộng đoàn – cả trong lĩnh vực tôn giáo, tinh thần lẫn cộng đồng – và khi họ chú ý đến nhu cầu của các thành viên thì các thành viên càng thích tham gia và quan tâm tới tôn giáo hơn. Đấy là lí do vì sao năm 2000 nhà thờ Thiên chúa giáo ở Thụy Điển, được nhà nước bảo trợ, đã vận động để được tách ra khỏi nhà nước: trở thành một phần của bộ máy quan liêu, nhà thờ đã đánh mất liên hệ với cộng đoàn và trên thực tế, đang chết dần. 

Giữa thị trường, văn hóa và nghệ thuật không hề tồn tại bất kì mâu thuẫn nào. Trao đổi trên thương trường không phải là sáng tạo nghệ thuật hay làm phong phú thêm trong lĩnh vực văn hóa, nhưng nó là phương tiện tốt cho việc thúc đẩy cả văn hóa lẫn nghệ thuật.

  1. Thị trường chỉ có lợi cho người giàu và người có tài

Giàu càng giàu thêm, nghèo càng nghèo mạt. Nếu bạn muốn có thật nhiều tiền thì ban đầu bạn phải có nhiều tiền. Trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận trên thương trường, người nào nặng túi thì sẽ về đích trước.

Thị trường không phải là cuộc đua với người thắng và kẻ thua. Hai bên tự nguyện trao đổi vì họ nghĩ là sẽ thắng chứ không bao giờ lại nghĩ là mình thua. Khác với cuộc chạy đua, trong quá trình trao đổi, nếu một bên thắng thì không có nghĩa là bên kia thua. Cả hai bên đều có lợi. Vấn đề không phải là “thắng” đối phương mà là kiếm được thu nhập thông qua trao đổi tự nguyện, theo tinh thần hợp tác: muốn thuyết phục người khác tham gia trao đổi, bạn phải đưa ra cho người ta lợi ích nào đó. 

Sinh ra trong gia đình giàu có dĩ nhiên là tốt – nhưng dân chúng trong các nước giàu có có thể không đánh giá đúng những thuận lợi của nó bằng những người dân các nước nghèo đang tìm cách di cư sang những nước giàu – người dân các nước nghèo thường đánh giá đúng tính ưu việt của cuộc sống trong các nước giàu hơn là những người sinh ta tại đấy. Nhưng trong nền kinh tế thị trường tự do, nơi người mua và người bán có quyền tự do ra vào và có quyền bình đẳng như nhau, những người ngày hôm qua đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì ngày mai có thể không còn làm được như thế nữa. Đấy là điều mà các nhà xã hội học gọi là “sự luân chuyển của giới tinh hoa” và đấy cũng là một trong những tính chất của xã hội tự do; không như giới tinh hoa tĩnh tại, dựa trên quyền lực quân sự, đẳng cấp, bộ lạc hay quan hệ gia tộc, giới tinh hoa trong xã hội tự do - trong đó có giới tinh hoa trong lĩnh vực nghệ thuật, văn học, khoa học và kinh tế - luôn mở rộng cửa chào đón những thành viên mới và hiếm khi xảy ra hiện tượng cha truyền con nối: nhiều con em các gia đình thuộc giới thượng lưu rơi xuống tầng lớp trung lưu. Trong các nước giàu có có rất nhiều người thành đạt vốn xuất thân từ những nước, nơi quan hệ thị trường bị cản trở hoặc gây khó dễ bởi đặc quyền đặc lợi dành cho những kẻ có thế lực, bởi chủ nghĩa bảo hộ, bởi nạn độc quyền, nơi mà họ hầu như không có cơ may thành công trên thương trường. Họ ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng họ đã thành đạt trong những xã hội với nền kinh tế có xu hướng tự do hơn, thí dụ như Mĩ, Anh hoặc Canada. Sự khác nhau giữa xã hội nơi họ đi và xã hội nơi họ đến là gì? Đấy là quyền tự do cạnh tranh trên thương trường. Thật đáng buồn là chủ nghĩa trọng tiền và những sự cấm đoán ở quê nhà đã buộc họ phải tha phương cầu thực; nếu không, họ đã có thể ở lại quê hương và dùng khả năng kinh doanh của mình làm giàu cho người thân và bạn bè. 

Nói chung, trong các nước với nền kinh tế thị trường tự do, những người có nhiều tài sản nhất là những người đáp ứng được ước muốn của quảng đại quần chúng chứ không phải những người chỉ tìm cách đáp ứng như cầu của những người giàu. Những công ty lớn như Ford Motors, Sony và Walmart, tức là những công ty có khối tài sản cực kì lớn là những công ty đáp ứng được thị hiếu của tầng lớp trung lưu và hạ lưu chứ không phải là đáp ứng thị hiếu của những người giàu có nhất. 

Đặc điểm của thị trường tự do là “sự luân chuyển của giới tinh hoa”, không ai được bảo đảm là sẽ được ở lại mãi trong giới tinh hoa và cũng không có ai bị cấm cản, không được tham gia giới này chỉ vì không được sinh ra trong một gia đình quyền quí. Câu “Giàu càng giàu thêm, nghèo càng nghèo mạt” phải được sử dụng không phải cho thị trường tự do mà cho chủ nghĩa trọng tiền trong lĩnh vực kinh tế và ô dù trong lĩnh vực chính trị, nghĩa là áp dụng cho những hệ thống, trong đó muốn làm giàu thì phải tìm cách liên kết với quyền lực. Trên thương trường, ta thường thấy người giàu là những người làm tốt công việc của mình (nhưng có thể họ không phải là “giàu” theo tiêu chuẩn của xã hội đó), còn người nghèo thì ngày càng giàu lên, nhiều người trở thành trung lưu hoặc tầng lớp trên nữa. Lúc nào thì cũng có 20% dân chúng có thu nhập thấp nhất và 20% có thu nhập cao nhất.  

Nhưng điều đó không có nghĩa là thu nhập của những người này vẫn giữ nguyên như thế mãi (vì khi kinh tế phát triển thì thu nhập của tất cả các tầng lớp dân cư đều gia tăng) hay thành phần của các nhóm đó không bao giờ thay đổi. Các nhóm đó cũng giống như những căn phòng trong khách sạn hay ghế trên xe buýt vậy: lúc nào cũng có người, nhưng không phải cùng một người. Nghiên cứu trong một thời gian tương đối dài phân bố thu nhập trong các nước có nền kinh tế thị trường cho thấy thu nhập có sự biến động rất lớn: thu nhập của khá nhiều người lên xuống một cách thất thường. Nhưng quan trọng nhất là trong các nước có nền kinh tế thị trường phát đạt, thu nhập của tất cả mọi người, từ nghèo nhất đến giàu nhất, đều gia tăng.

  1. Tự do hóa và để mặc cho thị trường điều tiết, giá cả bao giờ cũng tăng
Sự kiện là để mặc cho thị trường điều tiết mà không có sự kiểm soát của chính phủ thì giá cả sẽ leo thang, nghĩa là sức mua của người dân sẽ giảm. Giá cả trên thị trường tự do đồng nghĩa với đắt đỏ. 

Khi được tự do hóa, giá những món hàng do nhà nước kiểm soát nhằm giữ cho thấp hơn giá trị trường sẽ tăng, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng đấy không phải là toàn bộ câu chuyện. Vì, thứ nhất, khi được tự do hóa, giá những mặt hàng được giữ cho cao hơn giá thị trường sẽ giảm. Hơn nữa, khi xem xét giá cả bằng tiền do nhà nước kiểm soát, cần phải nhớ rằng người mua không chỉ phải trả tiền cho món hàng mà họ mua được. Nếu hàng khan hiếm, phải xếp hàng thì thời gian chờ đợi cũng là cái giá mà người mua phải trả. (Tuy nhiên, cần phải nói rằng thời gian chờ đợi là mất mát ròng, vì xếp hàng không khuyến khích người sản xuất làm ra nhiều sản phẩm hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng). Nếu các quan chức tham nhũng còn nhúng tay vào thì còn phải cộng số tiền được trao dưới gầm bàn vào số tiền được trả tại quầy hàng. Tổng số tiền được trả một cách hợp pháp với số tiền đút lót bất hợp pháp và thời gian chờ đợi trong khi xếp hàng thường là cao hơn giá cả mà người dân đồng ý mua trên thị trường. Hơn nữa, tiền chi cho việc đút lót và thời gian chờ đợi trong khi xếp hàng là những mất mát vô ích – người tiêu dùng bị mất, nhưng người sản xuất lại chẳng được gì, nghĩa là chúng không khuyến khích người bán sản xuất nhiều hơn nhằm khắc phục thiếu hụt do việc kiểm soát giả cả của nhà nước gây ra. 

Trong khi trong ngắn hạn, khi được tự do hóa, giá cả bằng tiền có thể tăng, nhưng sản xuất sẽ tăng, nạn tham nhũng và mất mát phi sản xuất sẽ giảm, kết quả là chi phí thực tế trong toàn xã hội – thể hiện bằng thời gian lao động, tức là loại hàng hóa của yếu của xã hội – sẽ giảm. Thời gian mà một người phải bỏ ra để kiếm được một cái bánh mì vào năm 1800 chiếm phần lớn thời gian làm việc trong ngày của người đó, nhưng tiền lương càng ngày càng tăng, trong các nước giàu có hiện nay, để kiếm tiền mua một chiếc bánh mì người ta chỉ cần làm trong vài phút. Nếu tính bằng thời gian lao động thì giá tất cả các loại hàng hóa đều giảm đi một cách đáng kể. Chỉ có một ngoại lệ: sức lao động. Khi năng suất lao động và tiền lương gia tăng thì giá nhân công gia tăng, đấy là lí do vì sao những người có thu nhập tương đối khiêm tốn ở các nước nghèo cũng có thể có đầy tớ, trong khi ngay cả những cự phú ở các nước nghèo cũng mua máy giặt và máy rửa bát vì như thế rẻ hơn là thuê người giúp việc. Xét từ quan điểm sức lao động thì sự phát triển của thị trường làm cho mọi loại hàng hóa đều rẻ đi, nhưng sức lao động lại đắt lên, đấy là nói so với những loại hàng hóa khác. 

  1. Quá trình tư nhân hóa và thiết lập quan hệ thị trường ở các nước hậu cộng sản song hành với nạn tham nhũng, nghĩa là thị trường là tham nhũng.
Những chiến dịch tư nhân hóa được thực hiện từ trên xuống hầu như bao giờ cũng có gian lận. Đây là một trò chơi bẩn thỉu, kết quả là những tài sản tốt nhất của nhà nước được trao cho những kẻ cơ hội, tham nhũng và tàn nhẫn nhất. Tư nhân hóa và thiết lập quan hệ thị trường là trò chơi bẩn thỉu: chỉ là một vụ ăn cắp tài sản của nhân dân mà thôi. 

Chiến dịch tư nhân hóa trong các nước hậu-xã hội chủ nghĩa khác nhau thu được những kết quả khác nhau. Một số nước đã thiết lập được trật tự thị trường. Trong khi một số nước khác lại trở về với chế độ độc tài và quá trình tư nhân hóa dẫn tới kết quả là một tầng lớp tinh hoa mới đã nắm được quyền kiểm soát cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân, thí dụ như hệ thống “Soliviki” mới xuất hiện ở Nga (Siloviki là từ tiếng Nga chỉ những người làm việc trong các ngành như quân đội, cảnh sát… Tổng thống Putin và các cộng sự của ông ta xuất thân từ những thành phần như thế - ND). Nhưng những bàn tay bẩn thỉu đã lợi dụng được quá trình tư nhân hóa gian lận là do sự thiếu vắng các định chế thị trường, nhất là thiếu vắng chế độ pháp quyền, nền tảng của kinh tế thị trường. Tạo ra những định chế như thế là công việc không đơn giản và cũng không có một “qui trình” có thể áp dụng cho mọi trường hợp trên đời. Nhưng dù có một số trường hợp thất bại, tức là không xây dựng được một cách đầy đủ các định chế của chế độ pháp quyền thì đấy cũng không phải là lí do để không tiến hành; ngay cả ở Nga, mặc dù quá trình tư nhân hóa có rất nhiều sai lầm, nhưng đấy vẫn là tiến bộ đáng kể so với chế độ độc tài độc đảng, một chế độ đã bị sụp đổ do những hiện tượng bất công và thiếu hiệu quả mà nó gây ra. 

Tư nhân hóa mà không có hệ thống pháp luật hoạt động có hiệu quả thì cũng không tạo ra nền kinh tế thị trường. Thị trường phải dựa trên nền tảng của luật pháp, tư nhân hóa thất bại không có nghĩa là thị trường thất bại. Đấy là do nhà nước không xây dựng được nền tảng pháp lí cho kinh tế thị trường.

Ủng hộ một cách quá nhiệt tình

  1. Tất cả mọi quan hệ giữa người với người đều có thể qui giản thành quan hệ thị trường.
Mọi hành động đều là do người ta muốn tối đa hóa lợi ích mà ra. Ngay cả việc giúp đỡ người khác cũng là nhằm kiếm lợi cho mình, nếu không thì người ta không làm. Tình bạn và tình yêu cũng chỉ là trao đổi dịch vụ đôi bên đều có lợi, chẳng khác gì đổi vài đồng dollar lấy mấy quả cà chua vậy. Hơn nữa, mọi hình thức tương tác của con người đều có thể được lí giải bằng những thuật ngữ của thị trường, trong đó có chính trị: lá phiếu được trao đổi để lấy những lời hứa hẹn, thậm chí tội ác: nạn nhân và tội phạm trao đổi: “đưa tiền đây hay muốn mất mạng?”.

Cố gắng nhằm qui giản tất cả những hành động của con người vào một động cơ duy nhất là xuyên tạc kinh nghiệm của con người. Những người làm cha mẹ không hề nghĩ đến quyền lợi của mình khi hi sinh cho con hay lao vào cứu chúng khi chúng gặp nguy hiểm. Khi người ta cầu nguyện để được cứu rỗi hay được khai sáng về mặt tâm linh thì động cơ của họ cũng khác hẳn với động cơ mua sắm quần áo. Chỉ có một điểm chung: đấy là những hành động có chủ đích, những hành động hướng tới mục đích nào đó. Nhưng như thế không có nghĩa là tất cả những mục tiêu mà chúng ta hướng tới đều có thể qui giản thành những chỉ số có thể so sánh được của cùng một thực thể. Chúng ta có những động cơ và mục tiêu khác nhau: khi đi vào cửa hàng mua chiếc búa, khi đi vào viện bảo tàng nghệ thuật và khi đưa nôi một đứa trẻ vừa mới sinh, đấy là chúng ta đang thực hiện những mục tiêu khác nhau và không phải lúc nào cũng có thể thể hiện bằng những khái niệm mua bán trên thương trường. 

Các khái niệm và công cụ trí tuệ có thể được sử dụng để tìm hiều và soi sáng những hình thức tương tác khác nhau. Thí dụ, các khái niệm của môn kinh tế học được sử dụng để tìm hiểu quá trình trao đổi trên thương trường, nhưng cũng có thể được sử dụng cho môn chính trị học, thậm chí để tìm hiểu cả tôn giáo nữa. Có thể tính toán được giả cả và lợi ích của các lựa chọn chính trị, hệt như lựa chọn trên thương trường vậy; có thể so sánh các đảng chính trị hay tập đoàn mafia với các công ty trên thương trường. Nhưng việc áp dụng cùng những khái niệm không có nghĩa là những tình huống mà người ta phải lựa chọn là tương đương về mặt pháp lí hoặc đạo đức. Không thể đưa một tên cướp - kẻ đề nghị bạn đưa tiền cho hắn hay là mất mạng - lên cùng một hàng với doanh nhân – người đề nghị bạn lựa chọn giữa việc giữ tiền hay dùng số tiền đó để mua món hàng của ông ta – vì một lí do đơn giản là tên cướp đề nghị bạn lựa chọn giữa hai thứ bạn có toàn quyền sử dụng, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lí; trong khi doanh nhân lại đề nghị bạn lựa chọn giữa hai thứ, một thứ thuộc quyền của ông ta, còn thứ kia thuộc quyền của bạn. Trong cả hai trường hợp, ta đều phải lựa chọn và hành động một cách có chủ đích; nhưng trong trường hợp đầu, tên cướp buộc ta phải lựa chọn, còn trường hợp sau là doanh nhân đề nghị lựa chọn; trường hợp đầu làm ta mất bớt quyền, còn trường hợp sau làm cho ta thêm quyền vì khi người ta đề nghị bạn trao một cái gì đó mà bạn không có nhưng bạn lại đánh giá nó cao hơn là cái bạn đang có, song lại bị đánh giá thấp hơn. Không phải tất cả các quan hệ giữa người với người đều có thể được qui giản thành quan hệ trên thương trường, trước hết phải kể đến những “trao đổi” đi ngược lai ý chí của một trong hai bên, đấy là những vụ “trao đổi” có tính chất khác hẳn, vì chúng làm mất cơ hội và tài sản chứ không phải là cơ hội làm gia tăng tài sản. 

  1. Thị trường có thể giải quyết được mọi vấn đề
Chính phủ kém cỏi đến nỗi chẳng làm được việc gì ra hồn. Bài học quan trọng nhất của thị trường là chúng ta phải hạn chế vai trò của chính phủ vì đơn giản là chính phủ đối chọi với thị trường. Vai trò của chính phủ càng giảm thì vai trò của thị trường càng tăng

Những người công nhận vai trò của thị trường cũng cần công nhận rằng tại phần lớn các nước trên thế giới, mà cũng có thể là tại tất cả các nước, vấn đề chính không chỉ là chính phủ làm quá nhiều mà còn là chính phủ làm quá ít nữa. Loại thứ nhất – tức là những việc chính phủ không được làm, bao gồm: A) những hành động nói chung là không ai được làm, thí dụ như “thanh lọc sắc tộc”, xâm chiếm đất đai của người khác và tạo ra đặc quyền đặc lợi cho giới tinh hoa; và B) những hành động có thể và phải được làm thông qua tương tác tự nguyện giữa các công ty và doanh nhân trên thương trường, thí dụ như chế tạo ô tô, xuất bản báo chí, kinh doanh khách sạn. Chính phủ phải ngưng ngay những việc như thế. Nhưng khi chính phủ chấm dứt, không làm những việc mà họ không phải làm thì họ lại phải bắt tay vào làm một số việc mà trên thực tế sẽ góp phần thúc đẩy công lí và tạo ra nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề bằng tương tác tự nguyện. Thực tế là hai vấn đề vừa nói có mối quan hệ với nhau: các chính phủ giành nguồn lực cho việc quản lí nhà máy sản xuất ô tô hay xuất bản báo chí, hoặc tệ hơn nữa – dành nguồn lực cho việc tịch thu tài sản của một số người và tạo đặc quyền đặc lợi cho một số ít người -  vừa làm mất mát vừa hạn chế khả năng trong việc cung cấp những dịch vụ thực sự có giá trị mà chỉ có chính phủ mới có thể làm. Thí dụ, chính phủ trong các nước nghèo thường không bảo đảm được tính chất pháp lí của quyền sở hữu, đấy là chưa nói đến việc ngăn chặn những vụ xâm hại quyền sở hữu. Hệ thống pháp luật thường kém hiệu quả, phức tạp và chưa có sự độc lập và không thiên vị, là những đặc điểm cần thiết cho việc thúc đẩy quá trình trao đổi tự nguyện. 

Muốn cho thị trường có thể bảo đảm được khuôn khổ cho sự hợp tác xã hội thì luật pháp phải xác định rõ ràng quyền sở hữu và hợp đồng. Các chính phủ không cung cấp được những tiện ích công cộng này là những chính phủ cản trở sự xuất hiện của thị trường. Chính phủ sử dụng quyền lực để thiết lập công lí và luật pháp là chính phủ phục vụ lợi ích công cộng. Chính phủ không thể yếu, nhưng quyền lực của nó phải bị giới hạn và được xác định một cách rõ ràng về mặt pháp lí. Chính phủ hạn chế và chính phủ yếu là hai việc khác nhau. Chính phủ yếu nhưng có quyền lực không hạn chế có thể trở thành cực kì nguy hiểm vì họ có thể làm những việc mà họ không được phép làm, nhưng họ cũng không đủ quyền lực để buộc người ta phải tuân thủ luật lệ và không thể bảo đảm cho người dân quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu, tức là bảo đảm những điều kiện cần thiết cho tự do và trao đổi tự do trên thương trường. Thị trường tự do không phải là không có quản lí. Thị trường tự do chỉ tồn tại khi có một chính phủ giới hạn nhưng hiệu quả, một chính phủ xác định một cách rõ ràng và thực thi một cách không thiên vị qui tắc đạo đức xã hội. 

Quan trọng là cần phải nhớ rằng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng những hành động tự giác, thị trường không thể giải quyết được mọi vấn đề. Ông Ronald Coase, giải Nobel về kinh tế học, trong một công trình viết về thị trường và công ty, giải thích rằng các công ty thường phải dựa vào việc lập kế hoạch và điều phối các hoạt động một cách có ý thức nhằm đạt được mục tiêu, chứ không phải lúc nào cũng dựa vào trao đổi trên thương trường vì trao đổi trên thương trường đòi hỏi chi phí cao. Thí dụ, thương thảo để kí kết hợp đồng là việc làm tốn kém, cho nên để giảm chi phí người ta thường sử dụng các hợp đồng dài hạn. Các công ty thường sử dụng hợp đồng dài hạn chứ không sử dụng những vụ trao đổi “tại trận”, kể cả quan hệ lao động và quản lí một cách có ý thức chứ không tổ chức “đấu thầu” cho từng dịch vụ một. Nhưng các công ty - những ốc đảo của sự phối hợp và lập kế hoạch - có thể thành công là vì họ bơi trong một đại dương rộng lớn của những vụ trao đổi trên thương trường. (Sai lầm lớn nhất của những người xã hội chủ nghĩa là họ cố gắng quản lí toàn bộ nền kinh tế như thể một công ty cực kì to lớn, họ không nhận thức được vai trò có giới hạn của việc lãnh đạo một cách có ý thức cũng như không nhận  thức được sự phối hợp trong trật tự tự phát của thị trường đều là sai lầm như nhau vậy). 

Cuối cùng, cần phải nhớ rằng quyền sở hữu và trao đổi trên thương trường, tự bản thân chúng, không thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Thí dụ, nếu quá trình ấm nóng toàn cầu quả thực là mối đe dọa đối với việc duy trì cuộc sống trên hành tinh này hay nếu tầng ozone bị suy thoái đến mức có hại đối với sức khỏe thì giải pháp có phối hợp của các chính phủ có thể là giải pháp tốt nhất, hoặc thậm chí là giải toàn duy nhất nhằm tránh thảm họa nữa. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là thị trường hoàn toàn không có vai trò gì, thí dụ như thị trường mua bán quyền thải chất carbon dioxide có thể tạo thuận lợi cho quá trình điều tiết, nhưng các thị trường này phải được thiết lập bởi sự phối hợp của các chính phủ. Nhưng điều quan trọng cần phải nhớ là nếu một công cụ nào đó không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề mà ta có thể tưởng tượng được thì điều đó cũng không có nghĩa là nó không thể giải quyết được một số - thậm chí giải quyết được rất nhiều vấn đề. 

Thị trường có thể là mà cũng có thể không phải là cơ chế tốt nhất cho việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như sự ấm nóng, lỗ thủng trên tầng ozone hay các bệnh truyền nhiễm lây lan trong không khí, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường không có vai trò gì trong việc giải quyết những vấn đề này (thí dụ như thị trường mua bán quyền thải chất carbon dioxide hay thị trường mua bán chất kháng sinh) hoặc không để cho thị trường giải quyết những vấn đề mà nó có thể giải quyết một cách tốt nhất. Thị trường tự do có thể không giải quyết được tất cả những vấn đề mà nhân loại có thể phải đối diện, nhưng thị trường có thể và đã tạo ra được tự do và thịnh vượng, và đấy là lí do ta phải nói về nó. 

Đây là bài phát biểu của giáo sư Tom G. Palmer tại hội thảo khu vực mang tên Khuôn khổ định chế cho tự do của châu Phi do Hội Mont Pelerin tổ chức ở Nairobi, Kenya vào ngày 26 tháng 2 năm 2007.
Giáo sư Tom Gordon Palmer (sinh năm 1956 ở Bitburg-Mötsch, Đức) là cộng tác viên cao cấp của Viện Cato (Cato Institute), phụ trách lĩnh vực đào tạo của Viện (Cato University), phó chủ tịch chương trình quốc tế của quĩ nghiên cứu kinh tế Atlas (Atlas Economic Research Foundation), và là tổng giám đốc Sáng kiến toàn cầu vì tự do thương mại, hòa bình và thịnh vượng của quĩ Atlas (Atlas Global Initiative for Free Trade, Peace, and Prosperity).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét