Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
Anita Chang (The China Post, 21/02/2011) – Trung Quốc đàn áp “Cách mạng Hoa Nhài”
10:48
Hoàng Phong Nhã
No comments
Đan Thanh dịch
Bắc Kinh – Bồn chồn lo lắng,
chính quyền Trung Quốc cảnh giác với bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào
trong nước họ. Hôm chủ nhật (20-2), họ đã tổ chức một cuộc biểu dương
lực lượng có dự tính nhằm dập tắt ngay lời kêu gọi bí ẩn trên mạng hô
hào một cuộc “Cách mạng Hoa Nhài”, mà bề ngoài có vẻ như bắt chước y hệt
các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vừa tràn qua Trung Đông.
Chính quyền đã bắt giữ một loạt
nhà hoạt động, tăng quân số công an trên đường phố, ngắt một số dịch vụ
gửi tin nhắn trên điện thoại di động, và kiểm duyệt việc đưa lên
Internet những nội dung nào liên quan đến một lời kêu gọi tổ chức biểu
tình đồng loạt vào 2 giờ chiều ở Bắc Kinh, Thượng Hải và 11 thành phố
lớn khác.
Chiến dịch không thu hút được
nhiều thường dân, và khả năng lật đổ được chính quyền cộng sản là rất
mong manh, trong bối cảnh Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ hệ thống truyền
thông và Internet. Một phong trào ủng hộ dân chủ do sinh viên tổ chức
vào năm 1989 đã từng bị đàn áp dưới tay quân đội; hàng trăm người, có
khi tới hàng nghìn, bị giết.
Hôm chủ nhật, công an đã đưa ít
nhất ba người khỏi Bắc Kinh. Trước đó, một trong số ba người này đã cố
tìm cách đặt hoa nhài trắng trước một cửa hàng McDonald’s trên một con
phố mua bán đông đúc của thủ đô, trong lúc hàng trăm dân chúng đang đi
lại trên địa bàn – đây cũng là nơi những người bất đồng chính kiến tụ
tập. Ở Thượng Hải, công an lôi ba người khỏi khu vực gần nơi tổ chức
biểu tình theo kế hoạch, sau khi họ ẩu đả với cảnh sát, trong một dáng
vẻ dường như nhằm để thu hút sự chú ý của người qua đường.
Nhiều nhà hoạt động nói rằng họ
không biết ai đứng sau chiến dịch và cũng không biết nên nghĩ sao về nó.
Lời kêu gọi này bắt đầu lưu truyền vào hôm thứ bảy, từ một website tin
tức bằng tiếng Trung Quốc, đặt tại Mỹ, tên là Boxun.com.
Thông báo không ký tên, hô hào
tổ chức một cuộc “cách mạng Hoa Nhài” – từ dùng để gọi phong trào phản
đối ở Tunisia – và kêu gọi mọi người dân “hãy có trách nhiệm với tương
lai”. Thành viên tham gia được khuyên dụ là hãy hô, “Chúng tôi cần cái
ăn, cần công việc, cần sự công bằng” – một khẩu hiệu nhấn mạnh những bức
xúc, khiếu kiện phổ biến ở Trung Quốc hiện nay.
Lời kêu gọi chắc chắn là đã làm
bùng lên nỗi lo sợ của chính quyền độc tài Trung Quốc, một chính quyền
từ trước tới nay luôn cảnh giác với sự bất mãn trong nước và vừa rồi đã
tỏ ra mất bình tĩnh trước phong trào phản đối gần đây ở Ai Cập, Tunisia,
Bahrain, Yemen, Algeria và Lybia. Bắc Kinh hạn chế báo chí đưa tin về
các sự kiện này, (nếu có đưa thì) nhấn mạnh tình trạng bất ổn định do
phong trào gây ra, và ngăn chặn các công cụ tìm kiếm trên Internet để
khiến người dân Trung Quốc không thể biết gì về nỗi bất bình của dân
chúng Trung Đông đối với các nhà cai trị độc tài của họ.
Hôm thứ bảy (19-2), trong một
diễn văn tới các quan chức trung ương và địa phương, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào
ra lệnh “giải quyết các vấn đề nổi cộm có thể đe dọa sự hòa hợp và ổn
định của xã hội”.
Việc Trung Quốc quyết liệt lọc
và kiểm soát Internet khiến nhiều người Trung Quốc chưa chắc đã biết gì
về lời kêu gọi phản đối hôm thứ bảy. Chẳng hạn, trang web Boxun.com đã
bị chặn, cũng giống như Twitter và Facebook – mà đây vốn là hai công cụ
đắc lực trong phong trào phản đối chính quyền ở Ai Cập. Tuy nhiên, thanh
niên Trung Quốc, những người trẻ thành thạo công nghệ, vẫn biết cách
vượt qua hàng rào kiểm soát.
Một người ngồi trong tiệm
McDonald’s ngay sau cuộc biểu tình ngắn ngủi ở Bắc Kinh cho biết, anh
coi vụ tập hợp hôm chủ nhật là một cuộc thử nghiệm.
Do mật độ người đi bộ luôn luôn
dày đặc ở khu phố đi bộ và mua sắm Vương Phủ Tỉnh (Wangfujing), nên rất
khó nhận ra ai có mặt để biểu tình, ai đến để xem và ai đang đi mua sắm.
Số người tò mò còn đông hơn bất kỳ một đám biểu tình viên tiềm năng
nào. Nhiều người ngỡ ngàng, không biết có phải có nhân vật nổi tiếng nào
hiện diện trong khu vực chăng, vì sự có mặt dày đặc của lực lượng công
an và hàng chục phóng viên nước ngoài mang theo máy ảnh, máy quay phim.
Trong lúc đám đông dập dình xô
đẩy và cảnh sát yêu cầu mọi người giải tán, một sinh viên 25 tuổi tên là
Liu Xiaobai đã đặt một cành hoa nhài trắng vào một chậu hoa ngay trước
cửa tiệm McDonald’s và lấy điện thoại di động ra chụp vài kiểu ảnh.
Nhân viên an ninh cố sức lôi Liu
đi, nhưng anh được đám nhà báo che lấp và cuối cùng, người ta thấy anh
bỏ đi cùng một người bạn.
Hai người nữa cũng bị công an
kéo đi, trong đó có một ông già ăn mặc xoàng xỉnh, vừa chửi rủa vừa la
hét, nhưng không rõ có phải ông đến đó theo lời kêu gọi biểu tình xuất
phát từ trên mạng không.
Ở Thượng Hải, ba thanh niên bị
công an đưa khỏi một tiệm cà phê Starbuck trên Quảng trường Nhân dân.
Công an từ chối trả lời câu hỏi của báo chí về lý do tại sao bắt giữ ba
người nọ. Cả ba đều đã hò hét những lời phê phán chính quyền, kêu rằng
giá lương thực thực phẩm quá đắt đỏ.
Không có tin tức gì về biểu tình
ở các thành phố lớn khác như Quảng Châu, Thiên Tân, Vũ Hán và Thành Đô,
nơi mọi người được kêu gọi tụ tập.
Trước lúc các cuộc biểu tình
diễn ra, các nhóm nhân quyền ước tính rằng khoảng từ vài chục đến hơn
một trăm nhà hoạt động ở các thành phố trên khắp Trung Quốc đã bị công
an bắt giữ, nhốt trong nhà, hoặc mất tích. Gia đình và bè bạn của vài
nhà bất đồng chính kiến có thông báo về việc các nhân vật này bị bắt giữ
hoặc quấy rối, một số nhà hoạt động cho biết họ đã được cảnh báo là chớ
có tham gia.
Hôm chủ nhật, lệnh tìm kiếm từ
“hoa nhài” bị chặn trên hệ thống blog tương tự Twitter lớn nhất Trung
Quốc, và mọi status liên quan đến từ “hoa nhài” trên mạng xã hội
Renren.com rất phổ biến ở Trung Quốc đều hiện thông điệp báo lỗi kèm lời
cảnh báo người dùng ngừng đăng những nội dung “chính trị, nhạy cảm hoặc
không phù hợp”.
Mạng dịch vụ nhắn tin qua điện
thoại China Mobile cũng không hoạt động được tại Bắc Kinh vào hôm chủ
nhật, lấy lý do nâng cấp. Tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà cung cấp
dịch vụ hàng đầu này cho biết như vậy, nhưng không rõ tình trạng không
hoạt động sẽ kéo dài bao lâu. Trước kia, chính quyền Trung Quốc cũng đã
từng chặn dịch vụ gửi tin nhắn tại những địa bàn căng thẳng về chính
trị, để ngăn chặn mọi hoạt động tụ tập có tổ chức.
Boxun.com cho biết website của
họ đã bị hacker tấn công hôm thứ bảy, sau khi họ đăng tải lời kêu gọi
biểu tình. Một website tạm thời đã được dựng lên và hoạt động cả ngày
chủ nhật. Người dùng trang này đưa tin cảnh sát đã hiện diện dày đặc ở
một số thành phố.
Đã đăng trên basam.info
0 nhận xét:
Đăng nhận xét