Kết quả cuộc khảo sát về chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị hành
chính công) đã chỉ ra một thực tế: tham nhũng vặt có mặt ở tất cả các
ngành và đang “gặm nhấm” dần uy tín của nền hành chính công. Trong khi
chúng ta chống tham nhũng lại chỉ tập trung chủ yếu vào những “con cá
lớn”, nhưng chính nạn tham nhũng “vặt” mới là tác nhân chủ yếu tác động
rất lớn tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Cần tìm cách giải quyết vấn nạn tham nhũng “vặt” trong lĩnh vực hành chính công Ảnh: Hoàng Long Ngành nào cũng có tham nhũng “vặt”
Tham nhũng “vặt” xuất hiện khi người dân phải trả chi phí không chính
thức cao và ngoài mức phí dịch vụ mà pháp luật quy định để được tiếp cận
dịch vụ công cơ bản mà luật pháp bảo đảm. Theo kết quả nghiên cứu từ
chỉ số PAPI, hiện tượng tham nhũng “vặt” có ở hầu hết các bộ, ngành, địa
phương, đi vào từng ngóc ngách của đời sống, gây những tác động không
nhỏ đến uy tín của nền hành chính công. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ cộng
đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam Đặng Ngọc Dinh
cho biết: Từ việc đi khám chữa bệnh, đến xin đi học cho con, xin việc,
làm giấy tờ liên quan đến nhà đất... tất cả đều có những khoản “phí lót
tay” nhất định. Tùy theo mức độ cũng như tầm quan trọng của công việc,
phí “bôi trơn” sẽ có “giá” rất khác nhau. Theo ông Dinh, không
có địa phương nào trên tổng số 30 địa phương tham gia khảo sát là không
có hiện tượng tham nhũng “vặt”. Đặc biệt “phí lót tay” có mặt ở hầu khắp
các bệnh viện công. Các tỉnh có việc “lót tay” diễn ra nhiều là Nam
Định (78%), Điện Biên (72%), Hưng Yên (71%)... Bệnh viện công cấp
quận/huyện là những nơi có tham nhũng “vặt” xảy ra nhiều hơn.
Có lẽ, tham nhũng “vặt” xảy ra nhiều nhất thuộc về lĩnh vực đất đai cũng
như các thủ tục giấy tờ có liên quan đến sở hữu nhà đất. Hơn 1.000
người dân được hỏi về việc có chi thêm tiền để làm Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất và Giấy phép xây dựng đều trả lời là có. Những người nghiên
cứu về lĩnh vực này cho rằng, rất có thể tham nhũng “vặt” đã làm ảnh
hưởng đến việc người dân lựa chọn xem có nên làm thủ tục chính thức hay
không. Ngay cả khi việc cấp phép xây dựng ở một số xã/phường nơi được
cho là không có tham nhũng thì nhiều người vẫn tin là có tham nhũng. Họ
vẫn tiến hành xây dựng nhà mà không cần được cấp phép. Tố cáo cáo tham nhũng “mất” nhiều hơn “được”?
Trả lời cho câu hỏi, hiện tượng tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến
người dân như thế nào? Kết quả cho thấy, chỉ có 338/5.568 người dân được
hỏi thừa nhận có bị ảnh hưởng từ những hành vi tham nhũng. Có đến 90%
người trả lời bị ảnh hưởng bởi tham nhũng nhưng lại lựa chọn việc “không
tố cáo hành vi tham nhũng”, tất cả trong số họ đều lựa chọn câu trả lời
là “im lặng”. Lý giải về thực trạng trên, ông Dinh cho rằng:
Có thực tế là người tố cáo như kẹt giữa hai làn đạn, tố cáo hành vi tham
nhũng thì lợi bất cập hại. Người dân “im lặng” là báo hiệu một thực
trạng đáng buồn: Họ chấp nhận sống chung với hối lộ, tham nhũng.
Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao người dân biết tham nhũng là xấu, là
gây nhũng nhiễu và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ, nhưng lại
không đứng lên chống tham nhũng. Kết quả của cuộc khảo sát đã “nói” rất
rõ về vấn đề này. Theo bảng phân tích của nhóm khảo sát, trong số những
người trả lời có 156 người cho rằng tố cáo tham nhũng không mang lại lợi
ích gì. 106 người không thể giải thích vì sao họ không có hành động gì
hoặc từ chối trả lời. 34 người sợ bị trả thù. Một số khác viện lý do quy
trình thủ tục tố cáo nhiêu khê hoặc không có thông tin gì về quy trình
tố cáo... Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc
hội, phân tích: Tham nhũng “vặt” mà người dân gọi hiện nay liên quan đến
tội nhận hội lộ và đưa hối lộ. Theo Bộ luật Hình sự, nếu xử lý hối lộ
thì đồng thời xử lý cả người nhận và đưa hối lộ. Cho nên việc người đưa
hối lộ tự giác tố cáo là rất ít mặc dù đã có chính sách giảm nhẹ nếu
khai báo trước khi bị phát hiện nhưng thực ra không hiệu quả.
Như vậy có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng nói chung, tham nhũng
“vặt” nói riêng sẽ trở nên hết sức khó khăn. Mới đây một thông tư được
coi là khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng đó là người tố cáo tham
nhũng sẽ được thưởng tới 25 triệu đồng. Hiệu quả của thông tư ra sao
cũng vẫn còn phải chờ. Nhưng rõ ràng, cái mà chúng ta cần làm ngay bây
giờ đó là phải tìm cách giải quyết vấn nạn tham nhũng “vặt” trong lĩnh
vực hành chính công. Anh Anh - Theo Báo Đại đoàn kết online - Cơ quan thuộc UBTW MTTQVN
Posted in: Tham Nhũng
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét