Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

MASHA LIPMAN –Làn sóng phi Stalin hóa thứ ba ở Nga

Phải chăng Kremlin cuối cùng đã thừa nhận lịch sử đen tối của nó?

Hiếu Tân dịch

“Tội ác Katyn[ [1]] đã được thực hiện theo lệnh trực tiếp của Stalin và những nhà lãnh đạo khác của Liên xô"

Dòng trên đây, từ một tuyên bố chính thức phát đi từ Nghị viện Nga ngày 26 tháng 11, đánh dấu một bước đột phá quan trọng. Cuộc hành hình khoảng 22.000 người Ba lan năm 1940 bởi an ninh Liên xô có thể là một sự kiện lịch sử được ghi lại đầy đủ và biết đến rộng rãi, nhưng đây là lần đầu tiên viện Duma chính thức thừa nhận rằng Stalin và chính phủ của ông ta phạm tội tàn sát này. Và Tổng thống Nga Medvedev nay cũng vào cuộc, nói với truyền thông Ba lan trước một cuộc viếng thăm Warsaw trong tháng này, ông rằng “Stalin và tay sai của ông ta phải chịu trách nhiệm về tội ác đó”.


Hai tuyên bố chính thức trên đây là những ví dụ gần đây nhất về chuyển biến đáng ngạc nhiên của chính phủ Nga: Dưới thời Vladimir Putin, lập trường của điện Kremlin về Stalin khá lắm là lẩn tránh, dẫn đến việc từ từ khôi phục lại tiếng tăm của Stalin vào đầu những năm 2000. Nhưng trong năm qua chính phủ Nga đã bắt tay vào một vòng mới những lời lẽ hùng hồn và những sáng kiến chống Stalin, công khai thừa nhận một số tội ác của Liên xô, đã từng được tiết lộ vào thời Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin, nhưng rồi “bị lãng quên”.

Cái dường như là động cơ thúc đẩy chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay trước hết là sự xích lại gần với Phương Tây, là nơi đang thôi thúc Nga thừa nhận một số tội ác của chế độ toàn trị Xô viết. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là sự thay đổi trong chính sách ngoại giao sẽ đi kèm với quá trình tự do hóa chính trị trong nước; cách nào đó, trật tự chính trị hiện hành ở bên trong nước Nga không khác mấy với thời dưới chế độ Stalin. Nước Nga, dù có tệ sùng bái Stalin hay không, vẫn nằm trong truyền thống lâu dài hàng thế kỷ cho phép những lãnh đạo chóp bu của nó độc quyền quyết định, coi sự thống trị của nhà nước trên xã hội là điều thiêng liêng, và dựa vào cảnh sát an ninh nhà nước như một công cụ chủ yếu để cai trị.

Tuy nhiên, chiến dịch chống Stalin mới này là thật, và đã phát triển lên từ cuối năm 2009, khi vào ngày 30 tháng Mười - ngày truyền thống của Nga kỷ niệm những nạn nhân của sự đàn áp Xô viết - Medvedev đưa lên một videoblog lên án “những tội ác của Stalin” bằng những thuật ngữ khá xác đáng và than rằng công chúng ít được biết về điều khủng khiếp mà ông nhắc đến như “một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử nước Nga.”

Rồi đến tháng Hai 2010, Putin mời người đồng cấp của ông là Donald Tusk sang thăm Katyn đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 70 cuộc thảm sát đó. Trong diễn văn ở Katyn ngày 7 tháng Tư, Putin nói: “những cuộc đàn áp chà nát nhân dân bất kể quốc tịch nào, tôn giáo nào, hay tín ngưỡng nào..Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng những gì chúng ta có thể làm là giữ gìn hay khôi phục lại sự thật và điều này có nghĩa là khôi phục lại sự công bằng lịch sử.”

Chỉ ba ngày sau, tổng thống Ba lan Lech Kaczynski và gần 100 quan chức Ba lan khác bị chết trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên đường bay đến lễ kỷ niệm Katyn. Lãnh đạo Nga bày tỏ đồng cảm sâu sắc với Ba lan và làm hết sức để giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Katyn, một bộ phim Ba lan về vụ thảm sát đó đã từng bị chặn không cho phân phối ở Nga, lại được chiếu hai lần trong khoảng một tuần, kể cả trên hai kênh truyền hình lớn nhất do nhà nước quản lý. Cơ quan lưu trữ quốc gia Nga đưa lên website của họ những hồ sơ lưu về vụ thảm sát. Sau đó, vào tháng Năm và tháng Mười, Nga trao cho các quan chức Ba lan một phần những hồ sơ Katyn từ một cuộc điều tra của công tố quân đội; cuộc điều tra đã hoàn thành vào năm 2004, nhưng việc chuyển giao bị hoãn lại với những cái cớ gượng gạo.

Tháng Năm, Kremlin hủy bỏ một kế hoạch của chính quyền thành phố Moscow định trang hoàng Moscow bằng những hình ảnh của Stalin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 chiến thắng phát xít Đức. Medvedev đã giải thích lí do trong một uộc trả lời phỏng vấn của Izvestia, trong đó ông nói rằng “đánh giá của nhà nước” về Stalin là: ông ta đã “phạm nhiều tội ác chống nhân dân mình. Và mặc dầu đất nước giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của ông, những gì ông ta đã làm chống lại nhân dân là không thể tha thứ.”

Mùa thu này, một phiên bản rút gọn tác phẩm Quần đảo ngục tù (Gulag Archipelago) của Aleksandr Solzhenitsyn được xuất bản theo điều được báo cáo là sáng kiến cá nhân của Putin; sau cuộc tiếp kiến của ông với bà quả phụ Solzhenitsyn vào năm ngoái để thảo luận về những biện pháp tốt nhất cho việc giảng dạy thiên sử thi bốn tập của chồng bà về sự đàn áp cộng sản.

Và mới chỉ gần đây thôi, Mikhail Fedotov, chủ tịch hội đồng của tổng thống về nhân quyền và xã hội công dân đã tuyên bố rằng hội đồng đã chọn phi Stalin hóa là một trong những chủ đề hàng đầu của nó. Đầu năm ngoái các thành viên hội đồng này mong muốn trình lên tổng thống những đề nghị của họ về một chương trình của chính phủ nhằm giải thoát cho nước Nga khỏi di sản Stalin. Chương trình bao gồm những đánh giá về mặt luật pháp và chính trị chủ nghĩa Stalin, và tưởng nhớ những nạn nhân của chế độ toàn trị. Thậm chí họ đã hợp sức cùng với dự án Hiệp hội Tưởng niệm, một tổ chức phi chính phủ kỳ cựu nghiên cứu chủ nghĩa Stalin và tưởng niệm các nạn nhân của nó.

Saucái chết của Stalin, năm 1956 Nikita Khrushchev tìm cách tháo gỡ ách thống trị kinh hoàng khiến cho mọi người, từ người dân thường đến giới chính khách tinh hoa, sống trong nỗi lo sợ thường trực bị bắt và bị khép vào các tội chính trị. Chiến dịch của ông tập trung vào việc lên án Stalin (một số trong những tên đao phủ ghê tởm nhất của ông ta đã bị truy tố) tố cáo việc đàn áp vô pháp luật và phục hồi cho những nạn nhân vô tội. Mặc dầu ông không động đến cội rễ của chủ nghĩa toàn trị cộng sản, các thành viên khác của bộ máy lãnh đạo ngày càng lo ngại rằng sự sốt sắng chống Stalin của ông đe dọa phá hủy chế độ chính trị Xô viết. Chẳng bao lâu Khrushchev bị lật đổ, và chiến dịch chống Stalin của ông nhanh chóng bị che đậy. Giới lãnh đạo Liên xô hậu-Khruschev ngừng việc lên án Stalin nhưng cũng không giải tội cho ông ta. Tên của Stalin chỉ đơn giản bị xóa khỏi diễn ngôn chính thức. Một chút ít đóng góp quý báu của xã hội cho chiến dịch phi Stalin hóa dù trong nghệ thuật, văn chương hay tư tưởng xã hội, bị bịt miệng hoặc phải rút vào bí mật.

Chiến dịch phi Stalin hóa lần thứ hai là một phần của công cuộc cải tổ (perestroika) của Mikhail Gorbachev nhằm tái cấu trúc nhà nước Xô viết. Vào cuối những năm 1980, perestroika phát triển sâu rộng, lôi cuốn một khối cử tri lớn và cuối cùng dẫn đến sự suy sụp của chủ nghĩa cộng sản và tan rã Liên Xô. Dưới thời tổng thống Nga Boris Yeltsin, người dần dần trở nên ghét cay ghét đắng đảng cộng sản, diễn ngôn chính trị và lịch sử tràn ngập hùng biện chống cộng, việc lên án Stalin và những kẻ chủ chốt của chế độ cộng sản bạo ngược diễn ra như một sự đương nhiên. Nước Nga hậu-Sô viêt hoàn toàn vứt bỏ hệ thống toàn trị và áp dụng một cách hình thức mô hình Phương Tây về điều hành xã hội bằng một tập hợp hoàn chỉnh các thiết chế dân chủ.

Nhưng mô hình này không duy trì được lâu. Trong thời kỳ làm tổng thống của mình, Putin thực tế đã đưa trở lại và củng cố lại mô hình cai trị tập quyền và độc quyền truyền thống, về thực chất hầu như tước mất sự tham gia của công chúng vào chính trị và lập chính sách. Sự trở lại của quyền lực nhà nước vô hạn độ này và việc dựa vào cơ quan an ninh trong nước như một cây cột trụ của nhà nước, tuyên truyền mập mờ ủng hộ Stalin, là những gì một lần nữa đưa Stalin trở lại vị trí nổi bật trong nước Nga của Putin - lần này, hình ảnh Stalin như là hiện thân của nhà nước đứng ở đỉnh cao quyền lực của nó, cũng quan trọng như là lãnh tụ Liên xô đã đánh bại phát xít Đức. Với nước Nga không còn là một siêu cường nữa, Stalin nhất thời có ích như một biểu tượng bù trừ cho một đất nước đang phải chịu hội chứng thất thế. Dưới thời Putin, bộ máy quan liêu ngày càng lẩn tránh và mơ hồ về những vấn đề khủng bố của Stalin, và những cuộc thảo luận công khai về di sản Stalin bị đẩy ra bên lề.

Nhưng nếu diễn ngôn chống Stalin bị đẩy ra ngoài lề, thì nó vẫn chưa bị cấm đoán. Không giống như Liên xô, nước Nga ngày nay là một mảnh đất rộng lớn của tự do phát biểu. Quần đảo ngục tù và những tác phẩm văn chương khác, hư cấu và không hư cấu, về nạn khủng bố Stalin dễ dàng tìm thấy trong các hiệu sách và các thư viện, những nghiên cứu chuyên sâu không bị hạn chế. Môi trường dưới thời Putin có thể là xấu cho những tổ chức như Hiệp hội Tưởng niệm, nhưng hiệp hội này cũng như nhiều chi nhánh của nó ở các địa phương đã tiếp tục những cố gắng để kỷ niệm và nghiên cứu. Truyền thông phi chính phủ đã công bố và quảng bá một số lớn tài liệu, có cả những loạt bài kéo dài cả năm về gulag (hệ thống các trại tập trung thời Stalin). Ngay cả các kênh truyền hình do nhà nước quản lý cũng đã chiếu những tác phẩm dựa trên tiểu thuyết của Solzhenitsyn, Varlam Shalamov, và các phóng viên thời sự khác về sự khủng khiếp của nạn đàn áp của Stalin.

Đồng thời vẫn không thiếu các ấn phẩm và các tiết mục truyền hình ca ngợi Stalin và thời đại ông ta; rõ ràng là, những dự án như thế được khuyến khích bởi lập trường nước đôi của nhà nước, và tính nước đôi này được khuyến khích bởi chính Putin.

Ngày 30 tháng Mười, 2007, Putin đến thăm Butovo, địa điểm xảy ra cuộc hành hình tập thể hơn 20.000 người bị giết trong cao trào khủng bố của Stalin trong các năm 1937, 1938.

“Điên rồ” ông nói, người ta thấy ông run lên. “Thật không thể tin được. Tại sao [họ đã giết]?...Chúng ta cần làm mọi việc để những thảm kịch như thế này không bao giờ rơi vào quên lãng. Hàng trăm ngàn, hàng triệu người đã bị tiêu diệt, bị đẩy đến các trại tập trung, bị bắn chết, bị tra tấn.”

Nhưng không đầy hai tháng sau, Putin chào mừng kỷ niệm lần thứ 90 của FSB, cục an ninh liên bang Nga. Các sĩ quan và các cựu binh FSB ngày nay không một chút rụt rè e ngại tự gọi bản thân họ là những chekisty, những kẻ kế tục của CheKa xưa, lực lượng trừng phạt tàn nhẫn được nhà nước Bolchevik thời kỳ đầu giao phó tiêu diệt các kẻ thù giai cấp. Trong dịp lễ kỉ niệm lớn tại điện Kremlin do Putin chủ trì, tất nhiên sẽ là không đúng chỗ nếu nhớ đến “những thảm kịch không bao giờ nên quên lãng” mà Putin đã nói trong bài diễn văn xúc động tại Butovo. Và tất nhiên ông ta cũng không hề nhắc đến những thập kỷ khi công an mật Liên xô đích thị là những thủ phạm của những cuộc khủng bố quy mô lớn, như những cuộc hành hình ở Butovo hay cuộc thảm sát ở Katyn. Ông cũng không hề nhớ đến những thập kỷ sau đó khi kẻ kế tục nó, KGB, khủng bố những nhà bất đồng chính kiến và nhốt họ trong những trại tập trung và các bệnh viện tâm thần - chính những năm mà bản thân Putin là một sĩ quan KGB./.

Điều mà Putin chọn để nhớ thay vào đó, là cái mà ông mô tả là “những trang anh hùng trong lịch sử của lực lượng đặc biệt của chúng ta.” Trụ sở của FSB ngày nay vẫn đặt tại tòa nhà Lubyanka nơi các tiền nhiệm thời Liên xô sử dụng và tầng hầm của nó là nơi tra tấn và hành hình.

Tính nước đôi ở thượng đỉnh trùng hợp với sự chia rẽ trong nhận thức của công chúng về Stalin. Nhân dân Nga nói chung biết tương đối rõ về nạn khủng bố Stalin và quy mô của nó, đa số người Nga ước lượng đúng số lượng những nạn nhân vô tội lên đến hàng triệu. Trong một cuộc điều tra ý kiến năm 2007, khi được yêu cầu đánh giá những sự kiện năm 1937, 1938, 72 phần trăm người Nga mô tả chúng như “những tội ác chính trị không thể bào chữa được.” Trong diễn ngôn thông thường con số “37” ám chỉ sự bức hại man rợ và vô pháp luật.

Vẫn còn một thiểu số đáng kể ngưỡng mộ Stalin. Khoảng một phần ba số người có xu hướng nghĩ về ông ta như “một lãnh tụ khôn ngoan đã dẫn dắt Liên xô thành một cường quốc giàu mạnh.” Trong một cuộc điều tra ý kiến tiến hành đầu năm nay, 32 phần trăm số người Nga được hỏi đã nhất trí với đánh giá Stalin như một tội phạm, nhưng khoảng một nửa từ chối coi ông ta như thế.

Tại sao lại có những hoài niệm dai dẳng hay ít nhất là thông cảm, đối với một người có thể được coi là một trong những quái vật lớn nhất trong lịch sử? Nhận thức về Stalin có liên hệ nhiều với bản chất nhà nước Nga hơn là với kẻ bạo chúa thực. Ông ta được coi là một mẫu mực của quyền lực nhà nước, một biểu tượng hơn là một nhân vật lịch sử. Và do thiếu những biểu tượng mới, hậu - cộng sản, của nhà nước Nga, Stalin vẫn còn quan trọng đối với các lãnh đạo, cho dù có đôi lúc họ lên án ông về những cuộc đàn áp trong quá khứ.

Cả hai cố gắng phi Stalin hóa trước đây được nói cho nhân dân nói chung, nhằm lay động họ và động viên họ thông qua một diễn ngôn cải cách. Cả hai báo hiệu những chuyển biến chính trị lớn. Chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay của chính phủ mở ra một môi trường tự do hơn về cơ bản. Giàn lãnh đạo ngày nay không tìm cách áp đặt một cách nghĩ “đúng đắn”: diễn ngôn chống Stalin không bị buộc phải bí mật, và người ta được tự do như thế bày tỏ các quan điệm ủng hộ Stalin. Và những vận động và hùng biện chống Stalin không tìm cách kích động hay động viên nhân dân. Đúng hơn, chúng có thể được coi như một phần của chính sách đối ngoại thực tế và xích lại gần hơn với phương Tây, nó bao hàm ở một mức độ nhất định sự phù hợp với quan điểm của phương Tây về chế độ toàn trị Xô viết và các chính sách đối nội và đối ngoại của nó.

Tuy nhiên, dù chiến dịch phi Stalin hóa hiện nay có động cơ gì, thì sự chính thức công nhận những tội ác của Stalin chắc chắn là một bước tiến tích cực. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho những cố gắng của các tổ chức xã hội và các nhà hoạt động như Hội Tưởng niệm và nhiều hội khác, đã nhiều năm theo đuổi sự nghiệp phi Stalin hóa. Nó có thể định hướng cho những người Nga, đặc biệt alf giới trẻ, những người chưa đủ dứt khoát đứng về bên này hay bên kia. Quả thật, những cuộc điều tra ý kiến cho thấy sự thờ ơ đối với vấn đề Stalin ngày càng tăng trong mấy năm gần đây.

Nhưng sự quan tâm của chính phủ trong cuộc phi Stalin hóa hiện nay là không đủ. Khi những lãnh đạo cao nhất của nước Nga quỳ ở Katyn để tưởng nhớ những người bị chế độ Stalin sát hại, hay khi họ gọi ông ta là tội phạm, họ vẫn còn lo lắng để đừng phá hỏng đi chức năng biểu tượng của Stalin, và, với ý nghĩa đó, đừng làm hại đến sự độc chiếm quyền lực của chính họ. Họ cũng không muốn sự phi Stalin hóa làm tổn hại đến các cơ quan an ninh nhà nước, vốn được hưởng sự miễn tội tuyệt đối ở Nga và đã là nguồn chủ yếu cung cấp các quan chức cao cấp nhất của chính phủ trong những năm Putin nắm quyền. Ngay cả Medvedev (mặc dầu ông không giống Putin, không có nền tảng cá nhân trong KGB) chúc mừng theo nghĩa vụ FSB trong dịp lễ đặc biệt vào những ngày 20 tháng Mười Hai, cả năm 2008 và 2009. Và có vẻ chắc chắn năm nay ông sẽ làm lại như thế.

Đối với nước Nga để cắt đứt thật sự với di sản Stalin, giải phóng cho nghị lực của công chúng, tăng trưởng, phát triển và hiện đại hóa, cần nhiều hơn là nhận thức về các tội ác của Stalin. Công cuộc phi Stalin hóa thật sự không cần gì hơn là vứt bỏ cái khái niệm truyền thống của Nga về nhà nước, và chấm dứt sự miễn trừ chính trị và lịch sử của an ninh nhà nước, sáng tạo lại tính cách quốc gia Nga. Cho đến nay, trong chương trình chưa có điều này./.


Nguồn: http://www.foreignpolicy.com/articles/2010/12/16/

the_third_wave_of_russian_de_stalinization

Đã đăng trên Văn Chương Việt

________________________________________

[1] Vụ tàn sát 21 768 người gốc Ba lan do công an mật Liên xô (NKVD) thực hiện, tháng Tư - tháng Năm 1940, dựa trên đề nghị của Lavrentiy Beria, hành hình tất cả những sĩ quan của Quân đoàn Ba lan tại khu rừng Katyn ở Nga, các nhà tù Kalinin và Kharkov và nhiều nơi khác.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét