Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Tuyển tập bài báo viết về Nhà nước pháp quyền Việt Nam






Tác giả: Phạm Hoài Huấn
Bài đã được xuất bản.: 29/03/2010 06:00 GMT+7

Sự kiện một lái xe nhẫn tâm cán chết cô gái trẻ tuổi chưa nguôi thì nay lại thêm một cái chết của một học trò lớp mười ở Đồng Nai vì bạo lực học đường. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Vì sao người ta lại chọn cái cách hành xử nhẫn tâm như vậy để đối với nhau?

Những tin bài liên quan đến bạo lực xuất hiện với mật độ khá dày trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta chưa hết bàng hàng vì sự kiện một lái xe nhẫn tâm cán chết cô gái trẻ tuổi trong một vụ tai nạn giao thông thì nay lại thêm một cái chết của một học trò lớp mười ở Đồng Nai vì bạo lực học đường. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Vì sao người ta lại chọn cái cách hành xử nhẫn tâm như vậy để đối với nhau. Chúng ta ngơ ngác, bàng hoàng vì bạo lực cứ gia tăng. Đôi khi người ta giết nhau chỉ vì một cái nhìn "thấy ghét", những va chạm rất đời thường, ghen tuông trong tình cảm.....

Đọc những dòng thông tin về những vụ bạo hành như thế có cảm giác chúng ta vừa lạc lối đến Thượng Hải vào thập niên 30 của thế kỉ trước hay miền Viễn Tây xa xôi nơi mà người ta sẵn sàng dùng vũ lực để làm chuẩn mực cho cuộc sống. Thử hỏi "ông thần linh pháp quyền" ông đang ngự trị ở nơi nào mà để cho xã hội trở nên nhiễu loạn như vậy? Hành vi của con người trong xã hội bị tác động bởi yếu tố nhận thức. Từ nhận thức đến hành động không phải là con đường dài. Vấn đề tại sao trong một xã hội văn minh như hôm nay vẫn còn tồn tại những nhận thức, quan niệm khủng khiếp như vậy. Giới lái xe sẵn sàng cán cho đến khi nạn nhân chết để giảm bớt nghĩa vụ bồi thường. Chỉ cần bồi thường vài chục triệu đồng, ở tù vài năm là xong. Chả lẻ tính mạng của một con người lại trở nên "rẻ" như vậy sao? Vì đâu mà pháp luật lại bị khinh lờn đến thế?

Không cần phải qua bất cứ một khoá đào tạo nào về luật một người bình thường nhất cũng biết điều rất căn bản là "giết người thì phải đền mạng". Luật pháp không phải là một thứ triết lí quá cao siêu của những người ngồi trong phòng lạnh chưa hề biết đến mưa gió của cuộc đời [1] mà luật pháp nó là ý chí chung của cộng đồng.

Trong một chừng mực nhất định luật pháp ghi nhận lại ý chí của xã hội và bảo vệ những giá trị mà xã hội trân trọng. Trong vô vàn những giá trị đó thì tính mạng, sức khoẻ là một trong những giá trị được đưa lên hàng đầu. Nếu chúng ta tự nguyện chấp nhận cúi đầu trước thần linh pháp quyền hòng tìm trong đó sự tự do trong khuôn khổ của pháp luật thì hệ quả của nó chắc hẳn những ai chà đạp lên pháp luật phải chịu sự trừng trị. Một nền pháp chế nghiêm minh là một nền pháp chế tạo ra được một mái che cho những giá trị căn bản của xã hội và chống lại những nguy cơ đe doạ đến những giá trị đó.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho những bạo hành trong thời gian qua vì sự tiếp nhận những yếu tố ngoại lai làm suy đồi đạo đức. Trong vô vàn cách hành xử chi phối hành vi của con người trong xã hội, vai trò của nhà nước phải xác lập địa vị thống trị của qui tắc pháp luật so với những chuẫn mực thói quen khác.

Người ta vẫn cứ khinh lờn pháp luật là bởi vì đâu? Người ta biết giết người là phải trả giá nhưng người ta vẫn cứ làm là bởi vì đâu? Mặc cho quan chức thét gào "thượng tôn pháp luật" người ta vẫn vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông, người ta vẫn chạy trốn khi lỡ gây tai nạn nếu có cơ hội, người ta vẫn cố cán cho đến chết nạn nhân vì "có ai ở tù đến hết hạn toà tuyên đâu mà sợ".... Những điều đó phải chăng luật chúng ta không qui định. Phải chăng chúng ta không tôn trọng tính mạng con người? Toát lên từ những câu chữ của những qui tắc luật học là một điều không hề có sự tranh cãi "con người ai cũng có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc".

Nếu như ví von nhu cầu của xã hội là một mảnh đất khô hạn thì luật như là một dòng nước. Muốn cho dòng nước mát pháp quyền đến với một xã hội thượng tôn pháp luật, nơi mà mọi chuyển mực được qui chiếu từ pháp luật, cần phải nhờ đến sự dẫn lối của những người có quyền hạn nhiệm vụ. Nước thì dồi dào, đủ sức để đáp ứng cho cái nhu cầu "được sống trong một môi trường yên bình" nhưng đôi khi công đoạn dẫn nước lại có chỗ nào đó có vấn đề.

Do vậy trong thời gian vừa qua máu vẫn cứ đổ, người ta vẫn sống trong lo sợ. Xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những đạo luật đồ sộ mà điều căn bản là phải đưa những qui tắc đó vào trong cuộc sống thông qua việc năng cao nhận thức pháp luật cho người dân và thực thi nó một cách công minh. Có như vậy mới mong xác lập nên địa vị thống trị của pháp luật trong nhận thức cũng như cách hành xử của công dân.

[1] Cách nói của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - http://www.tuanvietnam.net/2010-03-2...i-phap-quyen-2

Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Việt Nam đang ở đâu?

(VietNamNet) - Người dân đến UBND phường, thậm chí nhờ xã hội đen giải quyết, thay vì ra tòa, khi có tranh chấp. Hai người dân miền núi cùng lặn xuống suối, ai trồi lên trước sẽ nhận phần sai, thay vì nhờ tòa phán xử...

Ngay sau khi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Với những câu chuyện như trên trong xã hội, VN đang ở đâu trên lộ trình đi đến nhà nước pháp quyền - đặc biệt tôn trọng quyền lực của pháp luật?

Trao đổi giữa VietNamNet và luật sư Trương Thị Hoà (Hội luật sư TP.HCM), chuyên gia nghiên cứu nhiều năm về nhà nước pháp quyền xung quanh vấn đề trên.

Luật sư Trương Thị Hòa nói: "Pháp trị nghĩa là cai trị bằng pháp luật, thực thi quyền hành bằng pháp luật. Pháp quyền là quyền lực của pháp luật, thượng tôn pháp luật: nhấn mạnh quyền lực, sức mạnh của pháp luật.

Nói pháp trị là nói phương thức, công cụ; nói pháp quyền là tính chất, bản chất của xã hội. Như vậy trong pháp quyền đã ngầm có pháp trị. Quan niệm hiện nay tại VN về nhà nước pháp quyền như sau: Nhà nước được làm điều mà pháp luật cho phép, dân được làm điều mà pháp luật không cấm.

Nhưng một nhà nước pháp quyền không đơn thuần chỉ có luật, ở đó pháp trị phải kết hợp với đức trị. Có đức trị thì mới củng cố được pháp luật. Trong lịch sử, thời nhà Lê thịnh trị vì kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp trị và đức trị".

Đến tòa hay nhờ UBND phường?

- Thưa bà, ở VN hiện nay, khi xảy ra tranh chấp đa số người dân tìm đến tòa án, UBND phường, hay nhờ đến xã hội đen?

- Số trường hợp nhờ đến xã hội đen thì ít thôi nhưng đáng bận tâm. Hiện nay, địa phương không giải quyết được thì mới đưa đến tòa.

Cấp địa phương có đặc điểm giải quyết được vấn đề tình cảm, đạo lý, chẳng hạn: chuyện xích mích vợ chồng, lấn chiếm nhỏ giữa những người hàng xóm. Nếu đưa ra tòa, những chuyện như vậy sẽ thành chuyện lớn, dễ làm đổ vỡ quan hệ vợ chồng, láng giềng.

Vấn đề là cán bộ địa phương phải đủ trình độ, đạo đức, không để việc đình trệ. Người cán bộ cần biết giữ bí mật về tranh chấp, tránh trường hợp vừa giải quyết về thừa kế đã tiết lộ tại quán cà phê.

- Tuy nhiên, ở nhiều nước tiên tiến, tranh chấp nhỏ như kiện người đánh một con chó cũng có thể ra tòa. Việc nhiều người dân đến UBND phường giải quyết vụ việc thay vì ra tòa phải chăng là biểu hiện phát triển còn thấp trên con đường đi lên nhà nước pháp quyền?

- Truyền thống của người Việt là trọng tình xóm giềng. Pháp quyền đâu có nghĩa là giải quyết mọi giao dịch thuần túy theo pháp luật.

Ngay cả các nước phương Tây cũng không chỉ thuần túy giáo dục và áp dụng pháp luật. Họ còn chú trọng giáo dục đạo đức, đặc biệt là lòng trung thực. Có nơi, người thuộc giới quý tộc mà quan hệ bậy bạ thì sẽ bị loại ra khỏi giới.

Toà án là nơi sau cùng phải đến cho mọi người khi quyền lợi không được bảo vệ. Đó là nơi hoàn toàn khách quan. Việc xử lý linh động tại tòa cũng phải theo luật. Đặt bút xuống bản án là hoàn toàn vận dụng luật.

"Hiểu pháp luật mới tự bảo vệ mình"
- Thưa bà, VN đang ở đâu của lộ trình đi đến nhà nước pháp quyền?
- Từ khi tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ra đời năm 1994, VN có nhiều nỗ lực trong việc này. Năm 1995, VN đã có Bộ luật dân sự giải quyết giao dịch trong xã hội. Nhiều luật khác đã ra đời và chất lượng luật ngày càng tốt hơn.

Nhưng ý thức tuân thủ của cả người dân và cán bộ đều chưa bước nhanh bằng xây dựng luật. Nhiều luật ra đời nhưng tuyên truyền không sâu rộng. Tuyên truyền phải mang tính giáo dục chứ không phải chỉ phổ biến cho người ta biết, thậm chí phổ biến cũng chưa đầy đủ.

Việc giáo dục pháp luật có thể thông quan nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các sinh hoạt quần chúng, thông qua các đại biểu Quốc hội. Giáo dục để người dân hiểu pháp luật cần cho họ và có lợi cho đất nước. Giáo dục pháp luật cũng là giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống đạo đức.

Chẳng hạn, giáo dục về luật nghĩa vụ quân sự phải cho thanh niên hiểu nhiều thế hệ cha anh đã lên đường bảo vệ Tổ quốc, và đây là việc nghiễm nhiên họ phải làm.

- Có chuyện một người dân muốn gọi điện phản ánh bức xúc đến một lãnh đạo, lập tức được người khác khuyên: "Đừng chọc giận ông ấy, chết đấy!". Lập tức người này không dám gọi vì sợ lãnh đạo, dù không biết mình làm vậy là phạm điều luật gì. Bà nghĩ sao về tình huống trên?

- Tất nhiên sẽ có số ít người lãnh đạo lạm quyền, khiến người dân nhầm tưởng ông ta còn lớn hơn pháp luật. Nhưng ngược lại, vẫn có những người dân hạn chế hiểu biết dẫn đến không tin vào pháp luật. Trong khi đó, hiến pháp đã quy định, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Khi hiểu pháp luật, người ta có khả năng tự bảo vệ, đòi quyền cho mình. Có chuyện một người Canada vi phạm pháp luật VN, bị giam. Ồng ta đề nghị phải có mặt luật sư mới lấy lời khai, mới nhận cáo trạng.

Coi trọng cả "phép vua" và "lệ làng"

Miền núi - nơi còn lưu giữ nhiều tập tục cũ - sẽ khó khăn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền?. (ảnh tư liệu)

- VN đang gặp vướng mắc gì trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền?

- Sau 30 năm chiến tranh, tâm lý con người bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cái chết diễn ra quá nhiều và dễ dàng không khỏi nảy sinh tâm lý coi thường mạng sống, thân thể. Vấn đề đạo đức cần được quan tâm. Chỉ dùng luật pháp thì không thể trừng trị hết cái xấu.

Phải đào tạo những người dạy tiểu học, mẫu giáo thật giỏi, có kinh nghiệm để giáo dục con người ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ giáo dục về quyền thôi không đúng, cần giáo dục thực hiện bổn phận trước. Thực hiện tốt bổn phận tức là tôn trọng quyền của người khác.

- Xã hội VN có truyền thống phép vua thua lệ làng, chịu nhiều ràng buộc quan hệ dòng tộc, có nhiều hương ước, thậm chí nhiều hủ tục, như: lặn nước để phân định đúng sai. Thực trạng này có cản trở xây dựng nhà nước pháp quyền?

- Những tục lệ không tốt cần bị loại bỏ. Vấn đề là phát triển dân trí, nâng cao nhận thức. Nhưng còn rất nhiều tục lệ tốt. Trong trường hợp này cần có sự dung hòa giữa "phép vua" và "lệ làng", "lệ làng" có thể cụ thể hóa "phép vua" khi "phép vua" quá xa.

Ở miền núi, người dân có lệ không đi đăng ký kết hôn vì ít hiểu được sự quan trọng của giấy đăng ký và đi lại khó khăn. Vậy, cán bộ hộ tịch có thể đến tận địa phương để làm đăng ký cho người dân mỗi tháng. Nhà nước cần thấy điều này để thống nhất bằng văn bản, tránh tình trạng thiếu thống nhất: nơi 1 tháng, nơi 45 ngày.

"Cầm quyền không phải cai trị mà giải quyết mối quan hệ"

- Có ý kiến cho rằng, chỉ có thể có nhà nước pháp quyền khi tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp song song và đối trọng về quyền lực)?

- Cốt lõi của tam quyền phân lập là mối quan hệ. VN cũng có phân công nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng vấn đề là mối quan hệ chưa được làm rõ. Phải rõ từng cơ quan có trách nhiệm làm gì, được can dự đến đâu, mức độ như thế nào, cách tiếp nhận can thiệp ra sao.

Quốc hội bầu ra Chánh án, Viện kiểm sát tối cao, Thủ tướng... nhưng mối quan hệ ra sao? Ngay cả thuê một người làm giám đốc cũng phải có quyền cho họ chứ không phải bắt họ làm gì cũng được. Có trường hợp chính phủ có ý kiến về một bản án, tòa không nghe, trong khi lẽ ra phải dừng lại xem xét(!).

- Có ý kiến cho rằng, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền cần phân biệt rõ lãnh đạo và cai trị?

- Đảng đã có thể chế, tất nhiên phải đổi mới. Đảng cầm quyền phải có một bộ phận khoa học để nghiên cứu cách thức cầm quyền. Cầm quyền không phải là cai trị mà là giải quyết mối quan hệ giữa con người một cách khoa học.

Các cơ quan khác cũng cần phát huy quyền của mình trước Đảng. Đảng có thể điều người sang Quốc hội và Quốc hội có quyền quyết định. Đảng đâu có ép buộc các cơ quan không được thực hiện quyền của mình.

- Xin cảm ơn bà!

Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và Vedan
Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và Vedan

Tác giả: Đinh Thế Hưng

Qua vụ Vedan người ta hiểu rõ hơn câu nói ví von "xã hội như một cỗ xe do kinh tế thị trường đẩy, nhà nước kéo, xã hội dân sự canh chừng", mà ở Việt Nam này, cỗ xe vận hành chưa trơn tru.

Vedan: Bồi thường là xong?

Nông dân các tỉnh là nạn nhân của Vedan đã nhận tiền bồi thường. Thông tin về Vedan đang nhạt dần trên báo chí đồng nghĩa với việc vụ Vedan đang âm thầm khép lại.. Khi thời hiệu khởi kiện đã qua đi, vụ Vedan gần như đã xong, quyền lợi của người bị thiệt hại phần nào đã được đáp ứng nhưng hình như công lý chưa dõng dạc lên tiếng.

Qua vụ Vedan người ta hiểu rõ hơn câu nói ví von "xã hội như một cỗ xe do kinh tế thị trường đẩy, nhà nước kéo, xã hội dân sự canh chừng". Nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên có thêm Đảng ngồi cầm lái. Qua vụ Vedan có thể thấy một cỗ xe vận hành chưa trơn tru và nhưng yếu tố trên chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong khi đó, quyền con người là nguồn gốc đồng thời là mục đích của nhà nước pháp quyền.

Người dân họp bàn về bồi thường của Vedan.

Quyền con người không phải là cái gì đó trừu tượng và xa xôi, không đến mức trở thành vũ khí của thế lực nào đó, không đến mức lấy nó để đấu tranh với nhau. Nó hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống trong đó lĩnh vực môi trường thể hiện bằng quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

Cái quyền ấy quan trọng và thiết yếu đến mức người có quyền và người xâm phạm quyền và người bảo vệ quyền coi nó là chuyện bình thường có thể định giá bằng tiền.

Quyền con người sẽ chỉ dừng lại ở những tuyên bố chính trị hoặc nằm trên giấy, nếu không có những điều kiện để đảm bảo trong đó có những điều kiện pháp lý, những cơ chế pháp lý để bảo vệ nó.

Nộp phạt là xong, bồi thường là xong có phải Vedan và nhiều người nghĩ như vậy không?

Cơ quan nhà nước: "Chắc nó trừ mình ra"?

Nói đến nhà nước pháp quyền là nói đến vai trò của pháp luật cho dù nhà nước pháp quyền không trần trụi và thô thiển là nhà nước dùng pháp luật cai trị giống như nhà nước pháp trị đã tồn tại trong lịch sử.

Quyền con người trong lĩnh vực môi trường đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật cụ thể là Luật Môi trường. Nhưng khi vụ Vedan vỡ lở, người ta mới thấy rằng nếu chỉ ghi nhận thôi thì chưa đủ mà cần có cơ chế để thực hiện và bảo vệ nó. Khi thiếu cơ chế pháp luật thì căn bệnh của bộ máy nhà nước như đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, thậm chí giải quyết cho qua chuyện lại manh nha tái phát.

Khi quyền lợi bị xâm phạm người dân luôn có nhu cầu nhờ cậy nhà nước giúp đỡ cho dù trong nhà nước pháp quyền không có sự ban phát hoặc xin cho từ phía nhà nước hay "nhờ cậy" từ dân chúng. Trong vụ Vedan, vai trò của cơ quan chức năng dường như mờ nhạt. Mờ nhạt trong việc phát hiện chậm trễ, trong việc xử lý vi phạm và trong việc không hoàn thành nhiệm vụ đặt ra luật lệ để giải quyết.

Pháp luật, cụ thể là luật tố tụng dân sự đã quy định rõ trách nhiệm khởi kiện của cơ quan nhà nước. Thế nhưng, không có cơ quan nào dũng cảm đứng ra đảm nhiệm việc này bởi lẽ ai cũng nghĩ "chắc nó trừ mình ra".

Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường có sự dè dặt đầy khôn ngoan khi không đứng ra khởi kiện. Họ là những người cấp phép hoạt động, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính Vedan sau đó lại là người đứng ra khởi kiện dân sự đối với Vedan. Có cái gì đó không ổn ở đây nhất là khi Sở này thay vì đàng hoàng khởi kiện họ lại vận động nông dân chấp nhận bồi thường lấy "dĩ hòa vi quý làm trọng". Quan còn ngại ra tòa thì dân nói "vô phúc đáo tụng đình" là điều dễ hiểu.

Khi công quyền không nhiệt tình thì người dân buộc phải tự đi tìm công lý. Quá trình đi tìm công lý cho vụ Vedan đáng lẽ ra cơ quan nhà nước phải là người tiên phong nhưng thực tế họ lại chỉ vào cuộc khi người dân đã làm quyết liệt và cơ quan nhà nước lúc này vào cuộc với vai trò là người cổ vũ.

Trong hành trang đi tìm công lý của nông dân người ta thấy thiếu thốn đủ thứ trong đó thiếu kiến thức pháp luật, thiếu sự đồng hành và gặp phải nhiều chướng ngại vật bởi lộ trình pháp lý chưa được khai thông. Tiếp cận công lý là một quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Khi hành trình đến với công lý còn trở ngại thì rõ ràng nhà nước pháp quyền chưa rõ hình hài.

"Ngán" xã hội dân sự

Nhà nước bao giờ cũng muốn quyền lực nhà nước là thống soái, bao trùm lên toàn bộ xã hội. Nhưng trong bất cứ nhà nước pháp quyền nào, quyền lực nhà nước cần phải được giới hạn. Trong xã hội vẫn còn một khoảng trống dành cho xã hội dân sự.

Vedan chỉ chấp nhận bồi thường khi người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của DN này.

Các tổ chức xã hội tổ chức và hoạt động trên cơ sở tự nguyện đã hiện diện trong xã hội Việt Nam từ lâu nhưng thuật ngữ xã hội dân sự mới xuất hiện gần đây. Vì là mới nên sự tiếp nhận nó cũng nằm trong quy luật xuất hiện của cái mới. Đó là cần có thời gian để người ta làm quen và sự e dè đối với nó là điều dễ hiểu bởi nhiều người nghĩ xã hội dân sự như là thế lực đối trọng vời nhà nước.

Trong khi đó, xã hội dân sự còn có chức năng khác đó là sự hỗ trợ, bổ sung cần thiết cho nhà nước là sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nhà nước.

Trong vụ Vedan, người ta thấy sự năng nổ, nhiệt tình, có hiệu quả của các tổ chức hội đoàn như Hội Nông dân, Hội luật gia, luật sư...trong việc giúp đỡ người dân kiện Vedan.

Khi Hiệp hội siêu thị, Hội bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc bằng phong trào tẩy chay sản phẩm Vedan, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng quyền lực của người có tiền đi mua hàng hóa là quyền lựa chọn, quyền mua hay không mua, quyền tẩy chay... thì Vedan xuống nước chấp nhận bồi thường. Đây phải chăng là sự ngẫu nhiên hay vai trò của xã hội dân sự đã phát huy hiệu quả?

Vedan có "ngán" xã hội dân sự hay không chỉ họ mới biết nhưng với những gì xảy ra, chúng ta hoàn toàn có thể thấy xã hội dân sự hữu ích như thế nào.

Khi Vedan chấp nhận bồi thường, sản phẩm của họ lại bán được. Người tiêu dùng Việt Nam đã có hành động rất "Fair Play".

Nhu cầu về xã hội dân sự đã có, ý thức về nó đang tiềm ẩn trong mỗi thành viên trong xã hội. Điều cần làm là tổ chức bài bản, tạo điều kiện cho xã hội dân sự vận hành chuyên nghiệp đúng theo nghĩa tích cực của nó.

Đã có thời chúng ta dè dặt với cụm từ "kinh tế thị trường", "nhà nước pháp quyền" và giờ đây là "xã hội dân sự". Những thứ trên tồn tại trong cuộc sống hôm nay không phải đơn thuần do ý chí chủ quan. Nhưng để thừa nhận nó ở một quốc gia với những hoàn cảnh và điều kiện không giống nhau là cả một quá trình từ nhận thức đến ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật đến tạo điều kiện cho nó phát triển như mong muốn.

Sự thận trọng bao giờ cũng cần thiết. Nhưng khi cuộc sống đã đòi hỏi bằng những biểu hiện cụ thể như vụ Vedan thì đối với "xã hội dân sự", chúng ta cần cho nó một sự chính danh.

Tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền
GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), bày tỏ quan điểm cùng PV Thanh Niên xoay quanh việc cần làm gì để có thể xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân như nội dung dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội Đảng XI.

Theo GS-TS Hạnh, một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền chính là thượng tôn pháp luật, pháp luật phải được tuân thủ và trở thành công cụ quản lý chủ yếu của Nhà nước pháp quyền. Nhưng nếu xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân như định hướng mà chúng ta đặt ra thì cần phải tập trung những việc gì?

* Thưa ông, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) trình Đại hội XI nêu rất rõ quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhưng để thực hiện được quyết tâm này, chúng ta cần phải khắc phục những bất cập gì trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền thời gian qua?

GS-TS Lê Hồng Hạnh - Ảnh: Bình Minh

- Do dân là phải từ dân lập ra và tốt nhất là trực tiếp lập ra. Của dân phải là thực sự do dân làm chủ, giám sát và kiểm soát, còn vì dân là toàn bộ hệ thống nhà nước đó phải hoạt động mang lại những giá trị thực sự cho dân và đáp ứng ngày càng cao sự mong đợi của nhân dân.

Chưa thể coi là Nhà nước pháp quyền thực sự khi mà trong quá trình hình thành bộ máy Nhà nước, dân chưa được quyền lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước một cách đúng nghĩa. Lấy ví dụ việc bầu cử, có khi dân thậm chí không biết rõ người mình bầu, vì một số người được đề cử từ nơi khác đến; rồi cứ phải cơ chế hiệp thương, lựa chọn qua những người đại diện, các khâu sàng lọc khác nhau. Chính vì thế, việc dân khi bầu cán bộ vào các cơ quan dân cử qua lá phiếu là chưa thật chính xác.

Thứ hai, khi Nhà nước của dân thì những viên chức nào, hoặc cơ quan nào làm không được việc thì dân phải có quyền bãi chức, bãi nhiệm. Nhà nước của dân thì viên chức nhà nước làm gì, cơ quan nhà nước làm gì dân phải biết, phải kiểm soát được. Vì vậy, nếu nói Nhà nước của dân thì phải thực sự để dân giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm. Vấn đề này trong Cương lĩnh, trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu. Điều quan trọng là tới đây, những văn bản pháp luật sắp ban hành, kể cả trong Hiến pháp sửa đổi, chúng ta phải quy định làm sao để đảm bảo được quyền của dân trực tiếp lựa chọn những đại biểu mà họ cho là xứng đáng, và những đại biểu đó phải thực sự gắn với dân.

* Vậy theo ông, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đúng như Cương lĩnh đặt ra, cần phải chú trọng đến các vấn đề gì?

- Tôi cho rằng, phải sửa bất cập từ quá trình xây dựng pháp luật, phải làm cho pháp luật phù hợp với nhu cầu cuộc sống của nhân dân chứ không phải chỉ thuận lợi cho việc quản lý. Trong thực thi pháp luật phải đảm bảo công bằng; quy định rõ dân được quyền làm gì, quan chức được làm gì, quan làm sai thì sẽ xử như thế nào, phải rất cụ thể như Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông đã từng quy định.

Đặc biệt, phải tăng cường vai trò giám sát mà giám sát tốt nhất, hiệu quả nhất là giám sát từ dân. Mà muốn nhân dân giám sát được thì phải minh bạch trong tổ chức hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Cụ thể dân có quyền được biết ngân sách, thu nhập của địa phương được chi tiêu như thế nào; được biết những người lãnh đạo của mình thu nhập bao nhiêu, thu nhập đó có chính đáng hay không? Dân phải biết quy trình thủ tục liên quan đáp ứng những yêu cầu của người dân mà pháp luật quy định phải được công khai. Minh bạch không chỉ đồng nghĩa với công bố quy trình, thủ tục mà đòi hỏi các quy trình đó phải rõ ràng, dễ hiểu và thuận lợi cho dân để dân có điều kiện làm tốt vai trò giám sát.

Cái gì không thuộc bí mật quốc gia mà thuộc điều hành của Nhà nước thì dân phải biết và dân muốn hỏi thì được trả lời. Viên chức thực thi nhiệm vụ đó phải trả lời dân. Dân cần biết được người nào làm tốt, người nào làm không tốt. Cần có những tiêu chí đánh giá viên chức nào làm được việc, viên chức nào không làm được việc. Từ đó dân mới đủ cơ sở quyết định được vấn đề.

Tôi cho rằng, để có Nhà nước pháp quyền thì bên cạnh quyết tâm chính trị rất lớn từ phía Đảng, Nhà nước, cần có sự đồng thuận, ủng hộ, đồng thời cả sự đấu tranh tích cực của quần chúng đối với những sai trái trong bộ máy Nhà nước.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pag...929231202.aspx

Bài trả lời p/v ông Nguyễn Trần Bạt 2/2003 - Xây dựng NNPQ
Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group - Sách Suy tưởng

Hỏi: Khái niệm Nhà nước pháp quyền xuất hiện từ thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến nhà nước pháp quyền, chẳng hạn bản chất của nhà nước pháp quyền, sự khác biệt giữa nhà nước pháp trị và nhà nước pháp quyền hay điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền vẫn đang tiếp tục được bàn luận để làm sáng tỏ. Trước hết, xin ông cho biết, mô hình nhà nước pháp quyền có phải là mô hình nhà nước phổ biến và tiên tiên nhất hiện nay không?

Trả lời: Trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, đến nay, mới chỉ có một số nước tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền còn đại bộ phận các quốc gia vẫn chưa tổ chức theo mô hình này. Nhưng, thế giới đang tiến đến một nền dân chủ nên xét về phương diện nhà nước, có thể nói, thế giới đang phấn đấu cho một nhà nước pháp quyền. Điều đó cho thấy nhà nước pháp quyền chưa phải là hiện tượng phổ biến. Ngay cả ở những nước tự cho rằng mình có nền dân chủ lớn thì nhà nước pháp quyền vẫn là một vấn đề trăn trở, cần được cải cách, cải tiến và nghiên cứu hàng ngày.

Trước khi đi vào những nghiên cứu sâu hơn, phải khẳng định rằng, nhà nước pháp quyền không phải là một đối tượng tĩnh mà là một đối tượng động, có năng lực tự cải tiến để phù hợp với tình thế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, sự giác ngộ chính trị và trình độ dân trí. Do đó, xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là một vấn đề cũ mà luôn luôn là một vấn đề mới.

Chẳng hạn, để có thể thích nghi với các điều kiện khác nhau của tình hình thế giới, Hoa Kỳ đã thành lập Bộ An ninh Nội địa nhằm quản lý người dân một cách chặt chẽ hơn. Mặc dù nhà nước Hoa Kỳ luôn luôn tự cho mình là một nhà nước dân chủ hay biểu tượng của tự do nhưng trước chủ nghĩa khủng bố, nhà nước ấy lại hạn chế các quyền tự do. Đó là sự thích nghi công khai của nhà nước pháp quyền với hoàn cảnh mới. Mặt khác, tình trạng đánh cắp quyền lực đang phổ biến một cách rộng rãi trên phạm vi toàn nhân loại; do đó, duy trì, xây dựng và cải tiến nhà nước pháp quyền là công việc hàng ngày của nhân loại, không phải việc cũ, cũng không phải việc đã rồi.

Phải khẳng định rằng, nhà nước pháp quyền là sản phẩm của nền dân chủ về chính trị, tại đó con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị; đương nhiên, nếu con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị thì cộng đồng sẽ tự do trong việc lựa chọn các hình thái chính trị.

Những quốc gia không tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị sẽ có nền chính trị đồng nhất, tại đó người ta chỉ thừa nhận những quan điểm duy nhất về mặt chính trị và do đó, sẽ rất khó xây dựng nền dân chủ. Bàn về vấn đề nhà nước pháp quyền của Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta mới chỉ có một nhà nước được phân công nội bộ chứ không phải một nhà nước mà quyền lực của nó được phân công một cách hiệu quả và việc sử dụng các quyền lực ấy được kiểm soát bằng các quy tắc xã hội. Vì thế, chúng ta mới chỉ đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và cần phải thỏa mãn một số tiền đề quan trọng thì mới có thể hoàn thành công việc này.

Hỏi: Xin ông nói rõ hơn thế nào là nhà nước pháp quyền ?

Trả lời: Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó quyền lực của pháp luật là quyền lực duy nhất và cơ bản; nghĩa là, không phải quyền lực chính trị mà quyền lực pháp luật là quyền lực tối cao.

Hỏi: Trong các nhà nước phong kiên, chẳng hạn nhà nước của Louis XIV ông ta tuyên bố rằng, "Pháp luật ở ta", tức pháp luật có thể vẫn giữ địa vị tối thượng nhưng hoàn toàn do một vị hoàng để quy định. Theo ông, nhà nước thời Louis XVI có phải nhà nước pháp quyền không?

Trả lời: Nhà nước Louis XIV, xét về hình thái nhà nước, có thể coi là nhà nước pháp quyền; nhưng, cái mà chúng ta cần làm rõ là chất lượng hay mức độ dân chủ của những hình thái nhà nước như thế. Có thể nói, ở các loại hình nhà nước pháp quyền. Như vậy, quyền lực của pháp luật không ổn định và chính trạng thái không ổn định đó sẽ tạo nên trạng thái không ổn định của nhà nước pháp quyền. Xin được nhắc lại rằng, nhà nước pháp quyền phải là nhà nước mà ở đó pháp luật giữ địa vị thống trị, tức là pháp luật chi phối và điều chỉnh mọi sinh hoạt của đời sống và quyền lực của pháp luật phải ổn định.

Tại sao chúng ta luôn nói rằng các nhà nước phi dân chủ không thể xây dựng nhà nước pháp quyền? Đó là bởi vì ở những quốc gịa này, pháp luật không phải là sản phẩm của những thỏa thuận xã hội mà lại là kết quả của những ngẫu hứng chính trị. Nói cách khác, toàn bộ quá trình lập pháp, tư pháp, hành pháp ở những nhà nước phi dân chủ thường bị thao túng bởi những lực lượng chính trị nhất định, không rành mạch về nguyên tắc và không hợp pháp về địa vị. Rõ ràng, chừng nào mà pháp luật còn bị xây dựng và sửa đổi dựa trên những nhận thức chính trị chủ quan của những người cầm quyền thì không thể tạo ra trạng thái ổn định của quyền lực pháp luật, tức là không thể xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.

Hỏi: Xin ông cho biết, nhà nước pháp quyền là mục đích hay chỉ là công cụ quản lý xã hội?

Trả lời: Nhà nước pháp quyền chưa bao giờ là cái đích mà chỉ là công cụ hay phương tiện quản lý xã hội. Marx nói rằng, nhà nước sẽ biến mất khi không còn giai cấp nữa; như thế, trong quan niệm của Marx, nhà nước không phải là cái đích mà chỉ là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tức là nhà nước là cơ quan điều hành xã hội. Cần phải quan niệm như vậy thì mới dễ dàng cải tiến, thay đổi và tái cấu trúc nhà nước pháp quyền để thích hợp với những tình thế mới.

Chúng ta đang cố gắng xây dựng nhà nước pháp quyền với các tiêu chuẩn mang tính phổ biến, chẳng hạn sự rành mạch và cân bằng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Việc phân ra các quyền như vậy nhằm tạo điều kiện cho các quyền giám sát nhau và tạo ra tính độc lập tương đối để tránh tình trạng đánh cắp hay thao túng quyền lực của các lực lượng chính trị. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta cũng đang có những thay đổi nhất định khi tiếp cận vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Những thay đổi như vậy là hoàn toàn cần thiết bởi việc chuyển từ hình thái nhà nước này sang hình thái nhà nước khác nhiều khi phải trả giá bằng một cuộc cách mạng, nhưng cải tiến một nhà nước thì không phải trả giá bằng một cuộc cách mạng mà bằng những cải cách và đổi mới thường xuyên.

Hỏi. Xin ông phân biệt nhà nước pháp trị và nhà nước pháp quyền?

Trả lời: Pháp trị và pháp quyền là khác nhau. Đã "trị" tức là không có tự do, dân chủ; do đó, xây dựng một nhà nước pháp trị tức là thừa nhận việc sử dụng pháp luật như một công cụ cai trị. Khi pháp luật chỉ là công cụ để cai trị, thì về bản chất, nó được xây dựng bởi ý chí của người cầm quyền. Hoàn toàn khác với nhà nước pháp trị, ở nhà nước pháp quyền, pháp luật, về bản chất, là các khế ước xã hội. Nhà nước pháp trị và nhà nước pháp quyền, do đó, có sự khác nhau về bản chất. Xây dựng nhà nước pháp quyền phải trên cơ sở một nền dân chủ về mặt chính trị. Do đó, ngay cả khi thừa nhận pháp luật như là quyền lực tối thượng thì vẫn chưa đủ để xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là bên cạnh việc thỏa mãn điều kiện ấy, cần phải xem xét pháp luật được xây dựng như thế nào.

Theo tôi, pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở một nền dân chủ hay nói cách khác là chỉ khi nào đạt đến trạng thái dân chủ thì pháp luật mới thực sự là những thỏa thuận xã hội và các lực lượng xã hội khác nhau tham gia một cách bình đẳng vào quá trình thỏa thuận ấy. Cai trị bằng pháp luật có thể là trạng thái sử dụng và nhận thức giá trị của pháp luật ở bậc thấp nhưng nếu không bắt đầu theo cách như vậy thì rất có thể sẽ không có sự phổ biến giá trị của pháp luật và sẽ không đưa đến sự hình thành của nhà nước pháp quyền như là trạng thái phát triển của nhà nước pháp trị. Xây dựng nhà nước pháp quyền, do đó, chính là trạng thái phát triển về nhận thức giá trị của pháp luật. Điểm ưu việt nhất của nhà nước pháp quyền là các quyền lực được cấu trúc một cách cân bằng, giám sát lẫn nhau, đặc biệt trong quá trình hình thành các quy định xã hội. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải đảm bảo tính dân chủ tức là phải dân chủ trong cả việc hình thành pháp luật, triển khai pháp luật và xử lý các sai phạm xã hội, tức là dân chủ trong cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chỉ khi nào đạt đến trạng thái đó thì chúng ta mới có thể xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.

Hỏi: Thưa ông, liệu các nhà nước pháp quyền có chất lượng giống nhau không?

Trả lời: Trước tiên, phải khẳng định rằng, không phải tất cả các nhà nước pháp quyền đều có chất lượng giống nhau. Chất lượng của nhà nước pháp quyền bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố cơ bản nhất là sự đa dạng của các khuynh hướng chính trị và trình độ dân trí. Nền dân chủ của Anh, Pháp và Hoa Kỳ có những điểm khác nhau và nhà nước pháp quyền ở những quốc gia đó cũng có chất lượng khác nhau.

Khi nói về khái niệm, cần phải khẳng định rằng, bất kỳ khái niệm nào cũng có nhiều tầng lớp hay mức độ. Xưa nay, nhân loại vẫn phê phán những người tư duy theo lối lẽ phải giản đơn hay nói cách khác là những người tư duy theo lối logic một lẽ phải. Không thể có một lẽ phải, mà phải có nhiều cấp độ của lẽ phải, nhiều khía cạnh của lẽ phải. Dân chủ, trước hết là một khái niệm và vì thế, nó cũng có nhiều cấp độ, nhiều mức độ, nhiều hình thức. Hai yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ dân chủ là sự đa dạng chính trị và sự đa dạng nhận thức (cũng có thể hiểu là tính khuynh hướng của nền giáo dục). Không phải không có sự đa dạng chính trị thì không xây dựng được nhà nước pháp quyền nhưng mức độ da dạng chính trị sẽ quyết định chất lượng của nhà nước pháp quyền. Dân trí gắn liền với ý thức của nhân dân và phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục. Nếu không thừa nhận sự đa dạng về chính trị thì không thể giáo dục tự do được, và không giáo dục tự do thì không gian nhận thức của nhân dân sẽ bị hạn chế và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ dân trí.

Hỏi: Xin ông cho biết cơ sở để xây dựng một nhà nước pháp quyền. ở ít số nước, nền kinh tế đã được cải cách nhưng vẫn mang đậm dấu ấn nền kinh tế quốc doanh, điều này có trở ngại gì đôi với việc xây dựng nhà nước pháp quyền không?

Trả lời: Nhiều quốc gia đã có nhà nước pháp quyền từ thế kỷ XVIII, mặc dù nền kinh tế của họ là nền kinh tế quốc doanh, hay sở hữu nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tôi không cho rằng, nền kinh tế quốc doanh là trở ngại cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền. Chúng ta nên lật ngược vấn đề, tức là việc tồn tại hay không tồn tại của một nhà nước pháp quyền ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế nhiều thành phần là một trong những tiền đề cơ bản cho việc xây dựng một xã hội dân chủ; nói cách khác, sự tồn tại của nền kinh tế đa thành phần sẽ dẫn đến sự thừa nhận tính đa dạng của các khuynh hướng chính trị. Nếu không có nền kinh tế nhiều thành phần thì không có tiền đề vật chất cho việc thừa nhận tính đa dạng của các khuynh hướng chính trị. Có lẽ, đã đến lúc phải nhận ra rằng các khuynh hướng chính tả hoàn toàn bình đẳng với nhau và sự thắng thế của một khuynh hướng trong quá trình cạnh tranh sẽ tạo ra khuynh hướng chủ đạo của xã hội. Tuy nhiên, không phải mọi sự đa dạng đều có thể tạo ra dân chủ; vì thế, sự đa dạng chính trị là một đại lượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đại lượng này phải đủ lớn thì mới tạo ra những thay đổi căn bản mà kết quả của nó là một nền dân chủ chính trị.

Mặt khác, con người là sinh vật hoạt động có mục đích. Tính đa mục đích trong hoạt động kinh tế sẽ lan truyền rất nhanh và dân đến những đòi hỏi chính trị. Việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của một thành phần kinh tế cũng giống như việc thừa nhận sự lãnh đạo của một khuynh hướng chính trị. Sự ấn định cứng nhắc về tính chủ đạo của một khuynh hướng chính trị sẽ cản trở sự hình thành của các khuynh hướng chính tả. Chừng nào mà chúng ta vẫn chưa thừa nhận sự đa dạng của các khuynh hướng chính trị thì nền kinh tế nhiều thành phần chỉ là biện pháp tình thế.

Lịch sử chỉ ra rằng con người không thể không thừa nhận sự đa dạng của đời sống kinh tế bởi nó là tiền đề phát triển và một nền kinh tế không phát triển có thể đưa đến sự sụp đổ về mặt chính trị. Chính vì thế, thừa nhận sự đa dạng của đời sống kinh tế là cần thiết đối với bất kỳ hệ thống chính trị nào vì sự tồn tại của chính nó. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng nó dang chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho việc xây dựng một nền dân chủ và một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.

Hỏi: Xin ông phân tích nguyên nhân của những yếu kém trong hoạt động quản lý nhà nước? Phải chăng, một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu vắng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa?

Trả lời: Quản lý nhà nước yếu kém và sự thiếu vắng một nhà nước pháp quyền không liên quan với nhau; nói cách khác, những yếu kém trong hoạt động quản lý của một loại hình nhà nước phụ thuộc vào những yếu tố khác chứ không phải vào sự tồn tại hay không của nhà nước pháp quyền. Cần phải nhắc lại rằng, vì không có tự do dân chủ nên mới không có nhà nước pháp quyền chứ không phải vì không có nhà nước pháp quyền nên không có tự do dân chủ. Do vậy, đổ lỗi những yếu kém trong công tác quản lý xã hội cho sự không có nhà nước pháp quyền là không hợp lý. Tôi tán đồng cách giải thích rằng, phần lớn những yếu kém trong việc quản lý xã hội của chúng ta bắt nguồn từ sự lắp ghép một cách khiên cưỡng những thành tố khác nhau.

Những thành tố ấy thậm chí còn chưa có đấy đủ những tiền đề cần thiết để phát triển một cách trọn vẹn. Nói cách khác, chúng ta thiếu sự đồng bộ giữa những thể chế khác nhau, chẳng hạn giữa thể chế chính trị và thể chế kinh tế và chính điều đó đã dẫn đến những hạn chế trong việc quản lý xã hội.

Nhà nước pháp quyền có thể không phải là công cụ quản lý xã hội tốt nhất nhưng để quản lý xã hội trong sự phát triển của nó thì nhà nước pháp quyền lại là sự lựa chọn tết nhất. Vấn đề là chúng ta định quản lý xã hội theo mục tiêu nào. Nếu để duy trì trạng thái ổn định hay những trật tự cứng nhắc thì nhà nước pháp quyền chắc chắn không phải là một công cụ tốt. Nhưng nếu để xác lập và duy trì những trật tự tự nguyện, những trật tự tự giác thì không thể có công cụ nào tết hơn là nhà nước pháp quyền.

Hỏi: Xin ông phân tích rõ hơn luận điểm này ?

Trả lời: Theo tôi, nhà nước là một thể chế được đại diện bởi những con người rất cụ thể. Ở những nhà nước phi dân chủ, những người nhân danh nhà nước ấy hoàn toàn có thể phá vỡ trật tự bằng nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là tham nhũng. Nhưng, vì không có một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa nên người ta không thể xét xử công bằng giữa người thân của những quan chức và những kẻ có thân phận kém cỏi hơn. Khi xét xử những quan chức cao cấp hay những người thân của họ, chúng ta buộc phải "nhẹ tay"; sự nhẹ tay ấy, đôi khi, không phải vì tình cảm mà vì sự an toàn của cả một thể chế chính trị. Như vậy, rõ ràng là vì không có nền dân chủ như một tiền đề chính trị để xây dựng nhà nước pháp quyền nên không thể xác lập những quan hệ minh bạch. Khi quan hệ không minh bạch thì không có những ranh giới cụ thể giữa công dân với công dân vì mỗi người đều cần phải có những thế lực bảo trợ sự tồn tại và phát triển của mình. Hiện tượng ấy ngày càng trở nên phổ biến và khiến con người không còn tin vào nhà nước hay những người đại diện nữa.

Nguồn: Sách Suy tưởng

Báo chí và quyền Nhà nước pháp quyền
Bảo là cánh cửa dân chủ đã mở cũng đúng. Nói cho có vẻ "văn hoa", bảo là "cuộc chơi" dân chủ bắt đầu cũng quá đúng. Nếu ai đó chịu khó quan sát, chịu khó thống kê các sự kiện báo chí Việt nam từ thời đổi mới, từ thời mở cửa.

Bảo là dân chủ bởi báo chí thời "đổi mới", thời "mở cửa" đã thổi vào đời sống xã hội một luồng sinh khí hoàn toàn mới. Cuộc sống trở nên sinh động hơn, tích cực hơn. Nhiều sự kiện, nhiều điều tốt đẹp, nhiều bất công được giải toả, bắt đầu được phát hiện bắt đầu hoặc làm rõ hoàn toàn sự thật từ báo chí.

Báo chí đã trở thành-nói nôm na là "món ăn tinh thần", nói to hơn nữa là thuộc tính của của một xã hội văn minh. Ta hãy tưởng tượng một ngày không có báo chí thì "mặt đất sẽ hoang vu" như thế nào? Đời sống tinh thần và đời sống vật chất của con người sẽ đơn điệu như thế nào?

Thuộc tính của sự vật hoặc thuộc tính của xã hội loài người, tuỳ ở vị trí khác nhau, người ta có thể kê ra những thuộc tính khác nhau. Báo chí với tư cách là một thuộc tính của xã hội văn minh, không nhiều lắm nó nằm trong số những thuộc tính quyền lực, nằm trong số những thuộc tính khiến người ta trở nên "ham muốn". Mà nếu đã là cái đến mức lòng người ham muốn thì không ít thứ ham muốn đã trở thành những "cuộc chơi". Mà đã là "cuộc chơi" thì "cuộc chơi" nào cũng phải có luật chơi.

Nhớ lại, trước thời đổi mới, thời mời cửa thì chưa có luật báo chí. Bây giờ thì báo chí đã có luật. Nhưng hình như Luật Báo chí mới chỉ là luật khung, luật của đức cao vọng cả, luật mang đậm cái mà ta dễ nhận biết là luật của những mệnh lệnh hành chính.

Thời "đổi mới", "mở cửa" báo chí đã đi một quãng đường dài. Quãng đường xông thẳng đến xác lập một quyền lực. Mà ta là một thứ quyền lực, thì cái cơ cấu của Nhà nước pháp quyền, dù là pháp quyền thông thường hay pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng phải có cái cơ chế kiểm soát quyền lực. Để nếu ai đó muốn "chơi" với quyền lực báo chí thì không thể "đùa" được khi sử dụng quyền lực báo chí. Quyền lực sử dụng đúng và tử tế là tiến bộ xã hội, đem lại quyền con người đích thực. Quyền lực sử dụng sai trái thì thật là tai hoạ cho xã hội, cho chính con người, cho loài người.

Hình như Luật Báo chí hiện thời chưa khiến người ta phải thật sự cẩn trọng, thật sự có trách nhiệm. Liệu có ai đó đang "đùa cợt" trong cuộc chơi này không? Liệu có sự "đùa cợt" nào đã dẫn đến chết người? Liệu có cuộc "đùa đợt" nào mà cái giá phải trả không thể tính bằng tiền? Không thể bù thiệt hại được không?

Gần đây trên mặt các trang báo ghi tên nhiều nhà văn, nhà thơ làm báo. Những con tim nhạy cảm, những "cánh chim báo bão" vốn có ở nơi những nhà thơ, nhà văn... Thế nào cũng có những trăn trở, những dự báo mà đâu đó, vào lúc nào đó sẽ đánh những tín hiệu để việc sử dụng quyền lực trên trang báo được cân bằng. Nói một cách khác, như cách nói của các nhà thơ, nhà văn... báo chí cùng với chức năng thông tin còn có một chức năng quảng bá cho cái "Chân", cái "Thiện", cái "Mỹ". Và hình như nếu là bình thường, là cái lẽ tự nhiên thì báo chí là hiện thân của cái "Chân", cái "Thiện", cái "Mỹ"?

Nhưng liệu cái vẻ đẹp "Chân", "Thiện", "Mỹ" và lòng trắc ẩn? Liệu cái mà nhiều nhà văn hoá bảo rằng: chiến thắng cuối cùng thuộc về văn hoá có phải lúc nào cũng tạo ra các trang báo "sạch", trang báo đẹp hay không? Có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu trang báo, ở đó cái "Chân", cái "Thiện", cái "Mỹ" đã mất hút bởi những toan tính vị kỷ, bởi những ham hố quyền lực?

Báo chí thời kinh tế thị trường thật sự đã bước váo "cuộc chơi" thị trường. "Cuộc chơi" thị trường này dù là nhà gì đi nữa khó mà thoát khỏi những quy luật của cuộc chơi. Trong trường hợp này những tiếng kêu về cái "Chân", "Thiện", "Mỹ" khó có thể là cái cứu cánh cho vẻ đẹp của báo chí mà con người ta hằng mong ước.

Nếu như kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì cần đến một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì một Nhà nước pháp quyền cũng cần có một nền báo chí pháp quyền. Một Luật Báo chí pháp quyền không biết là "Chân", "Thiện", "Mỹ" đến đâu? Nhưng chắc chắn đang là cái cần thiết để bảo vệ quyền con người, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ cho chính những người làm báo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét