Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013
Sự đầu độc từ từ nền dân chủ
13:25
Hoàng Phong Nhã
No comments
Hiếu Tân dịch
Thế hệ Facebook chống Luật Truyền thông Hungary, Walter Mayr, SPIEGEL, 04/01/2011
Khi Hungary tiếp quản chức chủ
tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu, Thủ tướng Viktor Orbán đã đưa ra một
đạo luật mới nhằm bịt miệng truyền thông. Thế hệ Facebook kịch liệt phản
đối. Nhưng Orbán nói chung vẫn còn chưa có đối thủ trong nước của ông
ta, nơi phần lớn người dân có những nỗi lo lắng khác.
Attila Mong bây giờ hầu như các
buổi sáng đều nghỉ. Trước 9 giờ sáng một chút, có thể thấy anh ngồi giữa
những chiếc gương khung mạ vàng của quán cà phê trong Khách sạn Astoria
sang trọng ở Budapest, đợi người ta mang trà đến. Buổi phát thanh sáng
đang phát trên radio.
Chương trình này có tên gọi “180
phút”. Cho đến nay Attila Mong là người giới thiệu của chương trình,
nhưng nhà báo đoạt giải thưởng này đã bị cấm phát thanh bởi vì ngày 21
tháng 12 anh đã dùng một phút im lặng trong chương trình phát sóng trực
tiếp để phản đối đạo luật truyền thông mới của Hungary.
Đạo luật 175 trang, mạnh, hà
khắc này có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng. Thứ Tư này, một phiên tòa sẽ
được mở để quyết định số phận của Mong và sếp của anh, Zsolt Bogar,
người cũng bị đình chỉ. Mặc dầu hai người này đã phải rời khỏi nhiệm vụ
cho đến khi có thông báo sau, họ bị yêu cầu không được đi đâu xa: họ
không được đi quá hai giờ xe chạy khỏi tòa nhà của đài phát thanh nhà
nước.
“Một nhóm Facebook đã được thành
lập, và mọi người có kế hoạch tổ chức một đêm thức dưới ánh nến bên
ngoài đài phát thanh,” Mong nói. Mặc dù vậy, anh từ chối không nhận là
tử vì đạo hy sinh trên bàn thờ của tự do báo chí Hungary. “Tôi viết cho
những người ủng hộ tôi nói rằng tôi vẫn còn sống và do đó không cần thắp
nến trên mồ tôi. Tôi nói tốt hơn họ nên biểu tình chống luật truyền
thông,” anh nói.
Đạo luật mới 228 đoạn gồm những
quyền của cơ quan kiểm soát - Ủy ban Quốc gia Truyền thông Thông tin -
từ nay có nhiệm vụ theo dõi những hoạt động được coi là chống đối của
các nhà báo trong các phương tiện truyền thông cả nhà nước lẫn tư nhân.
Chủ tịch của cơ quan kiểm soát mới này đã được chỉ định trong thời gian
không dưới chín năm, có thể áp đặt những khoản phạt nặng về “có nội dung
không lành mạnh về chính trị” lên đến 25 triệu florint (119.000$) đối
với các bài báo in và trên mạng, và đến 200 triệu florint (950.000$) đối
với các vi phạm của phát thanh và truyền hình. Hơn nữa, các nhà báo
Hungary còn buộc phải tiết lộ nguồn cung cấp tin bất cứ lúc nào “an ninh
nhà nước ” coi là nguy hiểm.
“Nhà nước Führer[ ]
Hungary đảm nhiệm chức chủ tịch
luân phiên Liên Hiệp châu Âu từ đầu 2011. Trong vòng sáu tháng tới, Thủ
tướng Viktor Orbán sẽ là lãnh đạo de factor[ ] của Liên hiệp và như vậy
sẽ dưới sự quan sát chặt chẽ của toàn châu Âu. Sự chỉ trích quốc tế đã
cho ông ta nếm trước những gì ông ta có thể mong đợi.
Bộ trưởng ngoại giao Luxembourg
Jean Asselborn đã đặt câu hỏi liệu một nước như thế có “xứng đáng lãnh
đạo EU” hay không. Nhà sử học Michael Stürmer nói về “nhà nước Führer”
của Orbán trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Die Welt, trong khi
nhà văn Hungary György Konrád nêu lên sự tương đồng giữa đảng Nazi năm
1933 và đảng trung hữu Fodesz của Orbán, có đa số hai phần ba ở nghị
viện và như vậy có thể thay đổi hiến pháp.
Annamaria Szalai bốn mươi chín
tuổi được coi như nữ hoàng truyền thông của Hungary. Người giáo viên dạy
nhạc ở trường tiểu học và người lính Fidesz trung thành bây giờ mang
một gánh nặng trên vai. Có lẽ đó là lý do tại sao bà biến mất. “Có thể
bà ấy đi nghỉ. Tôi không biết” người phát ngôn của bà nói. “Bà ấy không
ốm,” người phó của Szalai giải thích. “Thậm chí bây giờ tôi không liên
lạc được với bà ấy qua điện thoại nữa,” József Hantos một người bạn cũ
và đối tác kinh doanh của bà phàn nàn.
Kiểm duyệt các tạp chí sex
Nhiều năm trước khi bà trở thành
người có thẩm quyền cao nhất trên truyền thông, Szalia kết hợp với
Hantos xuất bản một tạp chí sex tên là Miami Press. Tạp chí này đưa lên
hình ảnh những phụ nữ Hungary bốc lửa. “Hồi đó, chúng tôi không biết
điều gì sẽ xảy ra,” Hantos nói về cuộc thử nghiệm hậu cộng sản của họ.
Do đó ông nhanh chóng có được những bức ảnh thích hợp “từ Áo, và
Annamaria làm tổng biên tập, viết bài.”
Nhưng nhà doanh nhân này phủ
nhận rằng họ truyền bá văn hóa khiêu dâm, khăng khăng nói rằng đó chỉ là
sự dại dột của tuổi trẻ. Hantos tin rằng Szalai mới là người bảo vệ cho
10 triệu dân Hungary khỏi không chỉ nạn phân biệt chủng tộc, mà còn
khỏi sự đồi trụy của tuổi trẻ của nó, cũng như khỏi những mánh khóe
chính trị bằng một phương tiện truyền thông độc lập quá mức. “Bà ấy có
một tính cách mạnh mẽ và một trăm phần trăm trung thành,” ông nói.
Tuy nhiên, có tin đồn dai dẳng
về người sếp mới của cơ quan kiểm duyệt, và điều này phù hợp với tâm
trạng đang thịnh hành. Hiện nay ở Hungary có một không khí kỳ lạ, khi
châu Âu để mắt đến Budapest. Thành phố này bị cắt làm đôi bởi dòng sông
Danube là tượng trưng của sự chia cắt dài lâu trong xã hội Hungary giữa
cánh tả và cánh hữu, bạn và thù, người này nhìn người kia bằng con mắt
nghi kỵ. Người ta đổ tội lẫn cho nhau đúng như thời “chủ nghĩa cộng sản
goulash[ ]” của Janos Kadar. Các nhà báo không chính thống bị săn lùng,
trong khi những người khác cố tỏ ra mình yêu nước.
Viktor Orbán được bầu làm thủ
tướng của nước này cuối tháng Năm 2010. Là một nhà hoạt động đối lập tự
do trong những năm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Orbán từ đấy đã
chuyển thành một chính trị gia quyền lực dày dạn biểu trưng cho bộ máy
nhà nước. “Cuộc cách mạng bảo thủ” mà ông tuyên bố là “ý chí của nhân
dân” đang được tôi rèn trên đống hoang tàn do những năm quản lý tồi tệ
của đảng Xã hội chủ nghĩa cũ để lại.
“Ngay cả Hệ thống Cũ cũng tham nhũng”
“Nếu những người Xã hội chủ
nghĩa được bầu lại chứ không phải Orbán, họ sẽ tiếp tục những gì họ để
lại, và sẽ chẳng có gì tốt đẹp hơn,” luật sư phái tự do Laszlo Majtenyi,
người đứng đầu cơ quan kiểm soát truyền thanh và truyền hình cho đến
trước đây trên một năm nói. Ông từ chức khi rõ ràng là đảng xã hội chủ
nghĩa cầm quyền lúc đó đang mưu mô với những người theo Orbán.
Majtenyi nói do đó có thể sẽ là
sai lầm nếu đổ lỗi về mọi thứ tồi tệ của Hungary cho chính phủ đương
nhiệm. “Ngay cả chế độ cũ cũng tham nhũng. Nay nó chỉ xấu hơn theo một
cách khác. Luật truyền thông mới là một cuộc tấn công trực diện vào các
quyền cơ bản về tự do báo chí của chúng ta,” ông nói.
Tờ báo mạng hàng ngày bằng tiếng
Đức Pester Lloyd nói rằng sự kiện các đối tác EU của Hungary mãi đến
nay mới tỏ ra bị sốc chứng tỏ họ không có chú ý từ trước. “Không có gì
trong tình hình của Hungary là thật sự đáng ngạc nhiên cả,” tờ báo viết
trong xã luận của nó.
Không bị phản đối bởi người đồng
đạo Dân chủ Cơ đốc trong Đảng Nhân dân châu Âu, bởi Thủ tướng Đức
Angela Merkel, bởi Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và bởi
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Orbán được tự do cày xới
trên quang cảnh chính trị của Hungary. Hoàn toàn không bị trừng phạt,
ông ta đã cắt bớt quyền lực của tòa án hiến pháp, đặt câu hỏi về tính
độc lập của ngân hàng trung ương, và bổ nhiệm những đệ tử trung thành
vào các vị trí đứng đầu về khoa học và văn hóa cũng như cơ quan công tố
nhà nước.
Công chúng Hungary có những vấn đề khác.
Không có gì đáng ngạc nhiên rằng
công chúng nói chung cho đến nay ít chú ý đến sự khao khát quyền lực
của thủ tướng của họ. Dạo quanh một vòng qua giữa các tòa nhà chung cư
cũ kỹ hàng thế kỷ ở quận Jozsefvaros của Budapest's sẽ rõ ngay tại sao.
Từng hàng người nghèo khổ và không nhà đội mũ len đứng đợi phát chẩn
trong cái rét cắt da chứng tỏ rằng vào lúc này nhiều người Hungary còn
có những nỗi lo lắng rất khác. Thế nhưng vẫn có những nhóm phản đối ở
ngay trong lòng quận Jozsefvaros này. Gabor Simonovits có bộ râu được
xén tỉa gọn ghẽ, đeo kính, và có một chai Fanta thò ra ngoài túi áo.
Chàng sinh viên kinh tế này là một đối thủ công khai của Orbán và là
thành viên của thế hệ Facebook. “Tôi không nghĩ Orbán sẽ đưa chúng tôi
trở về thời kỳ đồ đá,” anh nói. “Tôi cũng không nghĩ chúng tôi phải sợ
hãi nhiều về kiểm duyệt. Tuy nhiên, tôi tin tình hình này là thật sự
nghiêm trọng.”
Bốn ngày trước Noel, Simonovits
và hàng chục người khác tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc
hội ở Budapest. Một số người dán băng keo vào miệng, những người khác
lấy tay bịt miệng. Các bức ảnh được truyền đi khắp thế giới và giúp che
đi sự thật là chỉ có 1500 người trong số 10 triệu người dân Hungary
xuống đường biểu tình phản đối luật mới. “Chúng tôi thậm chí không có
lấy một chiếc bục. Chúng tôi phải lấy những két bia từ một quán gần
đây,” Simonovits nói, anh không muốn người ta gọi là “nhà hoạt động
chính trị” mà muốn được mô tả như một người Hungary “thức tỉnh về chính
trị.” Quả thật, những người trẻ của đất nước này muốn càng ít dính dáng
đến các đảng phái chính trị càng tốt.
Cái đêm quốc hội Hungary thông
qua đạo luật truyền thông mới, Pal Eotvos là một trong những người phản
đối đứng bên ngoài. Trong 33 năm, Eotvos là biên tập viên tờ
Nepszabadsag tờ báo của đảng Thống nhất Hungary trước đây. Ông có 15 năm
cuối cùng là tổng biên tập. Eotvos nói: “Những nhà báo chúng tôi dẫn
đầu những thay đổi sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Bây giờ tất cả đã
hết rồi. Nghề báo bây giờ chán ngán đến mức không có gì đẩy nó lên được
nữa.”
Quang cảnh truyền thông Hungary
năm 2011 bị chi phối bởi các công ty do người Tây Âu sở hữu và thường là
các hãng nói tiếng Đức - từ các đài truyền hình RTL và ProSiebenSat.1
đến Ringier, từ nhà xuất bản Springer đến tập đoàn báo chí WAZ. Các
phương tiện truyền thông này không chống Orbán hay đạo luật truyền thông
của ông ta, và sự không phản đối của họ là chứng cớ tệ hại của sự thờ ơ
phương Tây, mà nhà báo kỳ cựu Eotvos than thở. Ông tin rằng “việc tạo
ra một cơ quan kiểm soát truyền thông mới là một loại tội tổ tông. Nó
tác động như một liều lượng nhỏ chất thạch tín. Kết quả là nó đầu độc
chế độ một cách từ từ.”/.
Hiếu Tân dịch qua bản tiếng Anh của Jan Liebelt
Đã đăng trên Văn chương Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét