(VEN) - Việt Nam đã thu hút
được 78 tỷ USD vốn ODA trong giai đoạn 1993-2013. Tuy nhiên, nguồn vốn
ODA dành cho Việt Nam trong những năm tới nhiều khả năng sẽ giảm đi, khi
Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, điều
này đòi hỏi Việt Nam cần xem xét các nguồn vốn khác ngoài ODA.
Trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ khó hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA. |
Các
nhà tài trợ đã khuyến nghị như vậy tại lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp
tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ vừa diễn ra tại Hà Nội.
20 năm và 78 tỷ USD
Theo
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương: Hiện đã có trên 50
đối tác tài trợ ODA cho Việt Nam, các đối tác đã tài trợ cho Việt Nam ở
hầu hết các ngành, lĩnh vực và trên cả 63 tỉnh, thành với quy mô vốn ODA
cam kết đạt 78 tỷ USD, trong đó trên 63 tỷ USD đã được ký kết và trên
42 tỷ USD đã được giải ngân. Vốn ODA giải ngân chiếm 53,8% tổng vốn cam
kết và 66,6% tổng vốn ký kết.
Thứ trưởng Nguyễn
Thế Phương chia sẻ: Việc đông đảo các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ cho
Việt Nam với mức cam kết vốn ODA có quy mô lớn, mức cam kết năm sau cao
hơn năm trước, bất chấp cả những năm kinh tế thế giới gặp khó khăn,
nhiều quốc gia tài trợ cũng phải đối mặt với những tác động tiêu cực của
khủng hoảng tài chính, tiền tệ đã thể hiện sự đồng tình và ủng hộ của
cộng đồng quốc tế đối với chính sách phát triển kinh tế, xã hội đúng đắn
và cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.
Các
nhà tài trợ cũng thừa nhận: 78 tỷ USD trong vòng 20 năm là số tiền
không nhỏ mà các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết tài trợ cho Việt Nam.
Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã tạo được niềm tin rất lớn từ các tổ chức
quốc tế và các nhà tài trợ. Niềm tin này có được bắt nguồn từ việc sử
dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam.
Khẳng
định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong những năm tiếp theo. Tuy
nhiên, theo các nhà tài trợ, vị thế của Việt Nam đã thay đổi từ một
quốc gia nghèo trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, vì thế ODA
cho Việt Nam trong những năm tới sẽ giảm và cách cung cấp ODA sẽ thay
đổi.
Hút những nguồn vốn ngoài ODA
Bà
Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
cho rằng: Khi trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, thì điều
tự nhiên là mối quan hệ của Việt Nam với đối tác và các nhà tài trợ sẽ
thay đổi. ODA dành cho Việt Nam thời gian tới có thể sẽ chuyển dần từ
nguồn lực tài chính sang nguồn lực về tri thức, ý tưởng và các giải pháp
phát triển. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược sử dụng ODA một cách hiệu
quả hơn, đồng thời cần huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để bổ sung
cho đầu tư phát triển.
Việt Nam cũng cần xây
dựng năng lực để sử dụng tối đa các nguồn tài chính khác mà không ảnh
hưởng đến bền vững nợ và ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần tăng cường
hệ thống tài chính trong nước, bao gồm việc xây dựng thị trường tài
chính nội địa và cải thiện khả năng sẵn sàng tiếp cận, nguồn tài chính
quốc tế với mức giá chấp nhận được để bù đắp vào sự giảm đi của nguồn
vốn ODA.
Cũng với quan điểm trên, bà Pratibha
Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng:
Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nên ODA sẽ giảm
và cách cung cấp ODA sẽ thay đổi. Do vậy Việt Nam cần xem xét tới các
nguồn lực tài chính khác cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác mới,
đồng thời phát triển năng lực trong lĩnh vực này. Cụ thể, Việt Nam cần
xem xét đến các nguồn vốn mới bao gồm cả thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài và những đóng góp của khu vực tư nhân thông qua hình thức PPP.
Đại
sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada thì cho rằng: Bên cạnh huy
động các nguồn lực tài chính khác, Chính phủ Việt Nam cũng cần đẩy mạnh
phát triển công nghiệp nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Đồng thời,
nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng thể chế, cải cách pháp lý và tái
cơ cấu nền kinh tế, đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam trở nên cạnh
tranh hơn trong thu hút các nguồn vốn khác ngoài ODA./.
Chu Hòa - Lan Anh
Posted in: Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét