Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013
Kirill Rogov - Chế độ ràng buộc pháp lí mềm (Tiếp theo và hết)
13:27
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguyên nhân của hiện tượng ràng
buộc ngân sách mềm (trong quan niệm của Kornai) là sở hữu nhà nước,
chính vì vậy mà ngân sách nhà nước buộc phải bao cấp cho những khỏan chi
phí của doanh nghiệp. Có thể giả định rằng việc hình thành và tồn tại
của chế độ ràng buộc pháp lí mềm cũng có liên quan với những tính chất
đặc thù của quan hệ sở hữu đã định hình cho đến nay.
Trong hệ thống này, sở hữu tư
nhân chỉ có tính chất giới hạn: tồn tại về mặt pháp lí nhưng không được
xã hội công nhận. Xã hội coi quyền sở hữu như là trường hợp cá biệt và
là kết quả của việc sử dụng quyền vi phạm pháp luật, là sự hợp pháp hóa
và tiền tệ hóa quyền nói trên. Vì vậy mà việc mất sở hữu vì mất quyền vi
phạm pháp luật cũng được xã hội coi là hợp pháp. Kết quả là trong hệ
thống đó, sở hữu, một mặt, được quản lí như tài sản tư nhân, theo nghĩa
là người chủ sở hữu danh nghĩa có quyền thu và sử dụng lợi tức do tài
sản mang lại; nhưng tài sản cũng có thể bị mất không chỉ là do những
điều khỏan nào đó của hợp đồng mà vì người chủ đã mất quyền vi phạm pháp
luật.
Rõ ràng là hệ thống, trong đó sở
hữu được quản lí như sở hữu tư nhân nhưng lại có thể bị tước đọat, đòi
hỏi phái có chế độ pháp lí hai mang. Một mặt, cần phải có luật pháp
thành văn, bảo đảm cho việc thực hiện các hợp đồng trong khuôn khổ những
mối quan hệ theo chiều ngang, liên quan đến việc sử dụng sở hữu (tín
dụng, cung ứng, mua bán…), ở đây người chủ sở hữu hành động như người
chủ hợp pháp trong quan hệ với đối tác (luật pháp chính thức ở chế độ
bật [switch on]). Mặt khác, ở đây sở hữu là thành tố của hệ thống mặc cả
theo chiều dọc về quyền vi phạm pháp luật, và trong khuôn khổ của hệ
thống này, sở hữu có thể bị tước đọat và đưa vào quá trình phân phối lại
quyền sử dụng (luật pháp chính thức ở chế độ tắt [switch off]).
Vấn đề chúng ta phải giải quyết
và biện hộ cho việc sử dụng thuật ngữ của Kornai nằm ở câu hỏi sau đây:
xí nghiệp sẽ gặp phải chuyện gì nếu ràng buộc ngân sách mềm đã không
còn, nghĩa là việc “khởi động” chủ nghĩa tư bản đã được thực hiện, nhưng
lại có những ràng buộc pháp lí mềm, nghĩa là về nguyên tắc có thể bỏ
qua phần lớn các hạn chế được qui định trong luật thành văn? Ràng buộc
ngân sách cứng nghĩa là doanh nghiệp không thể dùng những khỏan tài trợ
từ bên ngòai để trang trải cho những chí phí của mình nữa (đúng hơn, về
nguyên tắc là không vì trong chế độ ràng buộc pháp lí mềm vẫn có thể có
những trường hợp ngọai lệ), nghĩa là doanh nghiệp buộc phải tham gia vào
hệ thống quan hệ thị trường theo chiều dọc và tìm mọi cách nhằm tối đa
hóa lợi nhuận. Theo nghĩa này, nhiệm vụ căn bản của quá trình “khởi
động” chủ nghĩa tư bản đã được giải quyết xong. Nhưng đồng thời xí
nghiệp cũng có thể sử dụng quyền vi phạm pháp luật nhằm giảm bớt quản lí
phí và các chi phí gián tiếp khác, tạo ra ưu thế trên thương trường và
kết quả là gia tăng được lợi nhuận so với hiệu quả kinh tế thực sự của
mình. Hòan tòan có lí khi giả định rằng quản lí phí và các chi phí gián
tiếp của các xí nghiệp khác cao hơn xí nghiệp được nói tới bên trên.
Nghĩa là lợi nhuận của các xí nghiệp nghiệp này thấp hơn, đấy là nói khi
hiệu quả kinh tế của các xí nghiệp là như nhau. Kết quả là, thứ nhất,
lợi nhuận được tái phân phối giữa các xí nghiệp vì quản lí phí và các
chi phí gián tiếp được chia không đều; và thứ hai, lợi nhuận và sự thăng
giáng của lợi nhuận không phản ánh một cách trực tiếp hiệu quả và sự
thăng giáng hiệu quả kinh tế của xí nghiệp.
Về mặt lí thuyết, có thể giả
định rằng người chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm cách gia tăng lợi nhuận
bằng cả hai cách: thứ nhất, giảm quản lí phí và các chi phí gián tiếp và
thứ hai, tăng hiệu quả kinh tế. Nhưng những đặc điểm của chế độ mà ta
bàn tới bên trên lại làm cho người ta thích cách thứ nhất hơn. Vấn đề
là, quyền sở hữu ở đây được định nghĩa như là quyền sử dụng lợi nhuận,
còn chính sở hữu thì có thể bị tước đọat. Đầu tư cho việc mua quyền vi
phạm pháp luật là đầu tư làm gia tăng ngay lập tức lợi nhuận, còn đầu tư
cho việc gia tăng hiệu quả sản xuất lại là đầu tư vào tài sản mà đặc
trưng chủ yếu của nó là có thể bị tước đọat bất cứ lúc nào. Đầu tư như
thế là quá mạo hiểm vì bạn đang đầu tư cho lợi nhuận trong tương lai mà
lúc đó bạn có thể không còn quyền sở hữu khối tài sản đó nữa. Tạo ra
doanh nghiệp với hiệu suất quay vòng vốn cao là bạn đang gia tăng nguy
cơ bị tước quyền sở hữu và bạn phải đầu tư thêm nhằm bảo vệ quyền sử
dụng khối tài sản đó. Trong khi đó, đầu tư cho quyền vi phạm pháp luật
là đầu tư không chỉ làm gia tăng lợi nhuận tức thời mà về nguyên tắc khi
tài sản bị tước đọat thì nó cũng không tự động chuyển giao cho người
chủ mới, như vậy nghĩa là khỏan đầu tư này làm giảm đi nguy cơ bị tước
đọat sở hữu của chính bạn. Lợi nhuận của doanh nghiệp càng phụ thuộc vào
những điều khỏan đặc biệt trong hợp đồng giữa người chủ và người quản
lí thì việc chuyển quyền quản lí càng khó khăn hơn, và ngược lại. Điều
đó quyết định cách thức lựa chọn giữa hai biện pháp nhằm tối đa hóa lợi
nhuận của doanh nghiệp.
Như chúng ta đã thấy, mối liên
hệ giữa chế độ ràng buộc pháp lí mềm và đặc thù của sở hữu mang tính hai
mặt. Đặc thù của sở hữu thúc đẩy người ta đầu tư nhằm tối đa hóa lợi
nhuận tức thời và giảm bớt những khỏan đầu tư cho lợi nhuận trong tương
lai. Nhưng, trong khi tìm cách bảo đảm và gia tăng lợi nhuận bằng những
biện pháp phi kinh tế (bằng cách vi phạm pháp luật), người chủ sở hữu
danh nghĩa cũng đồng thời củng cố chế độ mà quyền sở hữu của anh ta bị
hạn chế.
Chuyện đó xảy ra như thế nào?
Một mặt, tiến hành mặc cả quyền vi phạm pháp luật là anh ta đang đánh
mất sự ủng hộ của xã hội đối với quyền sở hữu của mình. Mặt khác, trong
tình hình khi mà lợi nhuận không phản ánh trực tiếp hiệu quả kinh tế thì
người sở hữu không có khái niệm rõ ràng về hiệu quả kinh tế của công
việc kinh doanh của mình. Thí dụ, doanh nghiệp họat động có hiệu quả nếu
lợi nhuận tăng 15-20% một năm mà chi phí tăng 5-7%. Nhưng nếu giả sử
rằng ba phần tư khỏan gia tăng lợi nhuận là do những tác nhân ngòai kinh
tế (ràng buộc pháp lí mềm) thì hóa ra trên thực tế hiệu quả của doanh
nghiệp đã giảm. Kết quả là người chủ sở hữu phụ thuộc vào hệ thống phân
phối quyền vi phạm pháp luật: anh ta không biết nếu không có hệ thống
này thì anh ta có đủ sức cạnh tranh hay không và có thể bù đắp được chi
phí hay không. Thời gian càng kéo dài và doanh nghiệp càng thành công
trong chế độ ràng buộc pháp lí mềm thì sắc xuất là anh ta không làm được
càng tăng, và chính anh ta cũng tin như thế. Đấy gọi là hiệu ứng “cái
lồng vàng”.
Nhưng ta sẽ thấy rõ hậu quả quan
trọng nhất của chế độ ràng buộc ngân sách mềm khi xem xét vấn đề không
phải từ quan điểm hậu quả đối với doanh nghiệp mà từ quan điểm hậu quả
đối với thị trường nói chung. Như chúng ta đã thấy, sự tồn tại và vị trí
của doanh nghiệp được quyết định không phải chỉ bởi cân bằng cung - cầu
(quan hệ thị trường theo chiều ngang) mà còn bởi những điều kiện của
“cuộc mặc cả theo chiều dọc” về quyền vi phạm pháp luật nữa. Việc mua
quyền này chỉ có ý nghĩa nếu những người tham gia thương trường khác bị
luật thành văn ràng buộc. Nghĩa là hệ thống “mặc cả theo chiều dọc” họat
động như một bộ lọc, chỉ cho một số doanh nghiệp nào đó tiếp cận với
một số lĩnh vực nào đó của thị trường mà thôi. Trong trường hợp này, đầu
tư của danh nghiệp để mua quyền vi phạm pháp luật không còn là chi phí
phụ trội nữa vì người tiêu dùng sẽ phải trả.
Trong chế độ ràng buộc ngân sách
cứng thì chỉ có người mua mới có thể hòan trả cho doanh nghiệp những
chi phí mà họ đã bỏ ra để mua quyền vi phạm pháp luật. Vì vậy giá bán
trong chế độ ràng buộc pháp lí mềm sẽ cao hơn là khi nó được quyết định
bởi cung cầu trên thị trường (quyết định bởi những điều kiện “mặc cả
theo chiều ngang”). Người tiêu dùng phải trả chi phí mua quyền vi phạm
pháp luật của doanh nghiệp cũng như phải trả giá cho hiệu quả ngày càng
thấp của doanh nghiệp. Điều đó phần nào giải thích vì sao doanh nhân
họat động trong khuôn khổ của hệ thống này không coi chế độ ràng buộc
pháp lí mềm là trở ngại đối với quá trình kinh doanh và phát triển của
doanh nghiệp: chi phí cho việc mua quyền vi phạm pháp luật được chuyển
sang cho người tiêu thụ. Kết quả là doanh nhân mua được quyền vi phạm
pháp luật cảm thấy điều kiện cạnh tranh có vẻ dễ dàng hơn, chỉ cần tập
trung vào lợi nhuận tức thời và nếu chấp nhận khả năng bị tước mất quyền
sở hữu trong tương lai thì ông ta sẽ là người hòan tòan hạnh phúc. Nếu
các cá nhân tham gia vào hệ thống mặc cả để mua quyền vi phạm pháp luật
không còn quan tâm đến hệ thống trong đó mọi qui định đều đơn giản và
được tuân thủ thì người nắm quyền sở hữu cũng không quan tâm đến việc
bảo đảm quyền sở hữu một cách lâu dài, nhưng bù lại, người ta lại thu
được lợi nhuận tức thời cao hơn.
***
Trong quan niệm của những nhà
cải cách xã hội cách đây hai mươi năm thì việc “khởi động” chủ nghĩa tư
bản, đặc biệt là thông qua cơ chế ràng buộc ngân sách cứng nhất định sẽ
biến daonh nghiệp thành chủ thể độc lập trong các quan hệ thị trường
(đưa doanh nghiệp ra khỏi hệ thống mặc cả theo chiều dọc). Đến lượt
mình, các quan hệ mới sẽ dẫn đến việc hình thành những định chế nhằm duy
trì và bảo vệ cạnh tranh vì chỉ có như thế doanh nghiệp mới có thể thu
được lợi nhuận tối đa. Trên cái nền như thế, chế độ ràng buộc pháp lí
mềm trông sẽ chẳng khác gì cơ chế bù trừ: nó có tác dụng làm giảm hiệu
quả của chế độ ràng buộc ngân sách cứng.
Tính cứng rắn của ràng buộc ngân
sách đã khởi động cơ chế trách nhiệm của doanh nghiệp và khuyến khích
họ tìm kiếm lợi nhuận; đồng thời cơ chế ràng buộc pháp lí mềm lại tạo
điều kiện cho người ta phân bố lại lợi nhuận giữa các doanh nghiệp bất
chấp hiệu quả kinh tế của chúng và như vậy cũng có nghĩa là đã giữ lại
nguyên tắc mặc cả theo chiều dọc, nhưng lần này không phải là mặc cả về
chi phí mà là mặc cả về lợi nhuận. Kết quả là cơ chế đó cản trở quá
trình hình thành quyền sở hữu một cách đầy đủ, làm giảm động cơ đầu tư
nhằm nâng cao hiệu suất họat động sản xuất kinh doanh (đặc biệt là làm
giảm những khỏan đầu tư dài hạn), giảm hiệu quả của doanh nghiệp trong
dài hạn và làm gia tăng giá cả trên thị trường.
Vì cơ chế ràng buộc ngân sách
cứng vẫn họat động cho nên doanh nghiệp không thể họat động với hiệu
suất âm - doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Kết quả là “cái chủ nghĩa tư bản
nửa vời” này có nhiều khả năng sẽ sống sót và tự tái tạo lại mình mặc dù
không có điều kiện phát triển. Từ quan điểm hiệu suất kinh tế, có thể
nói rằng doanh nghiệp sẽ tiến đến tình trạng cân bằng “bên trên số không
một chút”. Điều này tạo ra nguy cơ là tình trạng “mập mờ” cùng với tiềm
lực phát triển thấp sẽ được duy trì trong thời gian dài. Dĩ nhiên là
đến một lúc nào đó sự kém hiệu quả của những doanh nghiệp được ưu tiên
ưu đãi sẽ biến chúng thành những kẻ “ăn” vào lợi nhuận do nền kinh tế
tạo ra. Nhưng hệ thống có thể hi sinh các doanh nghiệp đó. Vì không phải
những “ông trùm” (quán quân về quyền vi phạm pháp luật) mà là bộ máy
quan liêu có quyền bán quyền vi phạm pháp luật mới là những kẻ được lợi
nhất trong hệ thống này. Sức mạnh của nó không chỉ được thể hiện ở sự
tồn tại của những “ông trùm” cụ thể, mà trước hết được thể hiện ở quá
trình “tạo ra những ông trùm” đang diễn ra liên tục. Tiềm lực của chế độ
ràng buộc pháp lí mềm thể hiện đầy đủ nhất trong quá trình “tạo ra các
ông trùm” và vì vậy mà một số “ông” sẽ phải biến khỏi vũ đài.
Như vậy là, nói chung, có thể
nói rằng chế độ ràng buộc pháp lí mềm tạo điều kiện cho việc hình thành
hệ thống, trong đó có hai kiểu kí lẽ cùng song song tồn tại: lí lẽ của
những quan hệ thị trường theo chiều ngang và lí lẽ của “mặc cả theo
chiều dọc”, giữ vai trò tái phân phối, bên ngòai quan hệ thị trường, các
nguồn lực và lợi nhuận giữ các xí nghiệp. Chế độ ràng buộc pháp lí mềm
là cái công tắc cho phép người ta chuyển từ lí lẽ này sang lí lẽ kia. Lí
lẽ thứ nhất, mà cụ thể là nguyên tắc ràng buộc ngân sách cứng tạo điều
kiện cho nền kinh tế tạo ra lợi nhuận, lí lẽ thứ hai giúp người ta tái
phân phối lợi nhuận thu được.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga, Nguồn: http://www.inliberty.ru/blog/krogov/2471/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét