Phạm Vĩnh Cư dịch
Lời giới thiệu của Tuần Việt Nam: Như
mọi người đều biết, Tolstoi xuất hiện trên trường quốc tế như là nhà
chính luận và nhà truyền giáo. Trong những thư ngỏ gửi nhân dân lao động
Nga, nhân dân Trung Quốc, nhân dân Ấn Độ Tolstoi không nể nang trách
cứ, phê phán họ đã hay đang bán rẻ tự do của mình đổi lấy những lợi ích
cỏn con được ban phát từ tay những kẻ áp bức bóc lột nội tộc hay ngoại
tộc. Có nghĩa là có thể có cơ sở vật chất cho tự do, nhưng vẫn không có
tự do, hay tự do vẫn tiêu vong, nếu con người không quý trọng tự do và ưa thích những giá trị khác hơn.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài nghị luận của ông có tựa đề Thư gửi một người Trung Quốc. Mời quí vị độc giả cùng đọc và suy ngẫm.
Thưa ngài,
1
Tôi đã nhận được những cuốn sách của ngài và đã đọc chúng với niềm thích thú lớn, đặc biệt "Papers from a Viceroys Iamen"[1].
Đời
sống của nhân dân Trung Quốc luôn luôn khiến tôi quan tâm cao độ, và
tôi đã cố gắng làm quen với những gì trong đời sống Trung Hoa mà tôi có
thể tiếp cận, chủ yếu với minh triết tôn giáo Trung Hoa - với những sách
của Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử và những chú giải cho các sách ấy. Tôi
cũng đọc cả về Phật giáo Trung Hoa và những sách của người Âu châu viết
về Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, sau những tội ác mà người Âu -
trong đó, ở mức độ lớn, có cả người Nga - đã thực hiện chống lại người
Trung Quốc, thì tâm trạng chung của nhân dân Trung Quốc lại càng khiến
tôi bận tâm một cách đặc biệt.
Nhân
dân Trung Quốc, phải chịu đựng nhiều đến thế do sự tàn nhẫn bất lương,
ích kỷ và vụ lợi một cách thô bạo của các dân tộc Âu châu, cho đến thời
gian gần đây đã đáp trả lại tất cả những bạo lực được tiến hành chống
lại họ bằng sự bình tĩnh oai vệ và sáng suốt, bằng sự chọn lựa kiên nhẫn
trong cuộc đấu tranh với bạo lực. Tôi nói về nhân dân Trung Quốc, chứ
không phải về chính phủ.
Cả
sự bình tĩnh lẫn kiên nhẫn của nhân dân Trung Quốc vĩ đại và hùng cường
đã chỉ kích thích và kích thích hơn nữa sự hỗn xược của các dân tộc Âu
châu, như điều ấy vẫn thường thấy ở những kẻ thô bạo, ích kỷ, sống chỉ
bằng đời sống thú vật, mà những người Âu đang có việc với Trung Quốc
đích thị là những người như thế.
Thử
thách mà nhân dân Trung Quốc đã và đang phải trải qua là to lớn và gian
khổ, nhưng chính giờ đây việc quan trọng là sao cho nhân dân Trung Quốc
không mất kiên nhẫn và không thay đổi thái độ của mình đối với bạo lực
và bằng cách ấy không tước đi của mình những hệ quả vĩ đại, mà sự chịu
đựng bạo lực không lấy ác trả ác sẽ mang lại.
Chỉ
"người chịu đựng đến cùng mới được cứu rỗi", luật Kitô giáo nói thế. Và
tôi nghĩ đó là chân lý không thể hồ nghi, mặc dù nó khó được loài
người chấp nhận. Không lấy ác trả ác và không can dự vào cái ác là
phương sách chắc chắn nhất không chỉ cho sự cứu rỗi, mà còn cho sự chiến
thắng những người làm điều ác.
Người
Trung Hoa đã có thể thấy một sự xác nhận đáng kinh ngạc về tính chân lý
của luật này sau khi họ đã thoái nhượng Lữ Thuận Khẩu(1) cho
Nga. Ngay những nỗ lực vĩ đại nhất nhằm bảo vệ Lữ Thuận Khẩu khỏi người
Nhật và người Nga cũng sẽ không đem lại được những hệ quả nguy hại cho
Nga và Nhật Bản như là những hậu quả, những tai ương vật chất và tinh
thần mà sự thoái nhượng Lữ Thuận Khẩu cho Nga đã mang đến cả cho Nga lẫn
Nhật. Cũng sẽ tất yếu là như thế với những vùng đất mà Trung Quốc đã
nhượng cho Anh và Đức.
Thành
công của một lũ cướp này khiến lũ cướp khác ghen ghét, và của cải bị
cướp trở thành đối tượng giành giật và hãm hại chính những kẻ cướp. Với
loài khuyển vẫn xảy ra như thế, và cũng sẽ xảy ra như thế với những
người hạ mình xuống bậc thú.
2
Chính
vì thế mà giờ đây tôi với nỗi lo ngại và buồn rầu được nghe thấy và qua
cuốn sách của ngài nhìn thấy những biểu hiện ở Trung Quốc của tinh thần
đấu tranh, ý muốn bằng sức mạnh giáng trả những tội ác mà các dân tộc
Âu châu đã phạm phải.
Giả
sử sẽ xảy ra như thế, giả sử quả thật nhân dân Trung Quốc, mất kiên
nhẫn và vũ trang cho mình theo kiểu mẫu châu Âu, bằng sức mạnh sẽ tống
khỏi nước mình tất cả những kẻ cướp người Âu - điều mà họ rất dễ đạt
được với trí thông minh, tính điềm đạm và cần cù và, cái chính, với dân
số đông đảo của họ - thì cái đó sẽ là khủng khiếp. Khủng khiếp không
theo nghĩa như một trong những đại diện thô lỗ nhất và dốt nát nhất của
Tây Âu - hoàng đế Đức hiểu, không theo nghĩa là Trung Quốc sẽ trở nên
nguy hiểm cho châu Âu, mà theo nghĩa là Trung Quốc sẽ không còn là thành
trì của nền minh triết dân gian chân chính, thực tiễn, mà cốt lõi của
nó là sống cuộc sống thanh bình của nhà nông, một cuộc sống thích hợp
với tất cả mọi người có lý trí mà sớm hay muộn, những dân tộc đã rời bỏ
lối sống ấy sẽ phải tự giác trở lại với nó.
Tôi
nghĩ trong thời đại chúng ta đang diễn ra một bước ngoặt vĩ đại trong
đời sống của nhân loại và trong bước ngoặt ấy Trung Quốc sẽ phải dẫn đầu
các dân tộc phương Đông đóng một vai trò vĩ đại.
Tôi
thiết nghĩ, sứ mệnh của các dân tộc Đông phương, của Trung Quốc, Ba Tư,
Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nga và có thể Nhật Bản (nếu nó chưa sa lầy hoàn toàn
vào lưới bẫy đồi trụy của văn minh Âu châu) là chỉ ra cho tất cả mọi
dân tộc con đường chân chính dẫn tới tự do, mà để diễn đạt ý tưởng này,
như ngài viết trong sách của mình, trong tiếng Trung không có chữ nào
khác ngoài chữ Đạo (con đường), tức là sự hoạt động thích hợp với luật
vĩnh cửu của đời sống con người.
Theo
học thuyết của Kitô, tự do được thực hiện cũng bằng con đường ấy. "Các
người sẽ nhận ra chân lý và chân lý sẽ làm cho các người trở nên tự do",
học thuyết ấy nói. Và chính cái tự do ấy, mà các dân tộc phương Tây đã
đánh mất một cách hầu như không thể lấy lại, giờ đây thiết nghĩ các dân
tộc phương Đông có sứ mệnh thực hiện cho bằng được.
3
Ý của tôi là thế này:
Từ
những thời cổ xưa nhất đã diễn ra cái chuyện, ấy là giữa nhân loại hiền
lành và cần cù lao động bỗng nảy nòi những kẻ hung dữ, yêu thích bạo
lực hơn lao động, và những kẻ hung dữ và vô công rồi nghề ấy tấn công
những người hiền lành và bắt họ làm việc cho chúng. Điều này diễn ra cả ở
phương Tây lẫn phương Đông, ở tất cả các dân tộc sống bằng cuộc sống
của nhà nước và kéo dài nhiều thế kỷ và giờ đây vẫn tiếp tục. Nhưng thời
cổ, khi mà những kẻ xâm lăng chiếm đoạt những không gian lớn có dân cư,
chúng không thể làm hại nhiều cho những người sống dưới quyền của
chúng: một lượng ít ỏi những kẻ cầm quyền và một số đông những người
dưới quyền (đặc biệt trong điều kiện giao thông nguyên thủy, trên những
không gian rộng lớn) dẫn đến việc là chỉ một phần nhỏ của loài người
phải chịu đựng bạo lực của chính quyền, còn đa phần thì vẫn có thể sống
một cuộc sống yên bình, không tiếp xúc trực tiếp với những kẻ bạo hành.
Tình hình xưa kia là thế trên khắp thế gian, tình hình vẫn tiếp tục là
thế cho đến thời gian gần đây ở các dân tộc phương Đông, đặc biệt ở nước
Trung Hoa mênh mông.
Nhưng
tình hình ấy đã không thể và giờ đây lại càng không thể kéo dài hơn nữa
vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì quyền lực của những kẻ bạo hành do ngay
bản chất của nó càng ngày càng trở nên hủ bại, thứ hai, bởi vì những
người dưới quyền càng ngày càng được khai trí và càng thấy rõ hơn cái
tai hại của sự phục tùng quyền lực.
Tác
động của hai nguyên nhân ấy được tăng lên còn do hệ quả của các cải
tiến công nghệ trong giao thông: đường sá, bưu chính, điện tín, điện
thoại, mà nhờ có chúng những người cầm quyền giờ đây thể hiện ảnh hưởng
của mình cả ở những nơi mà trước đây nó không thể được thể hiện vì không
có giao thông, song cả những người dưới quyền cũng do nguyên nhân ấy mà
được giao tiếp với nhau ngày một mật thiết hơn và ngày một nhận thức rõ
hơn những bất lợi trong tình cảnh của họ.
Và
cùng với thời gian những bất lợi ấy trở nên lớn đến nỗi những người
sống dưới quyền lực cảm thấy cần phải bằng cách này hay cách khác thay
đổi thái độ của mình đối với quyền lực.
Các
dân tộc phương Tây từ lâu đã cảm thấy sự cần thiết ấy và từ lâu đã thay
đổi thái độ của mình đối với quyền lực bằng một phương thức chung cho
các dân tộc phương Tây: giới hạn quyền lực bằng hệ thống dân biểu, tức
là thực chất mở rộng quyền lực, chuyển dịch nó từ một hay một vài người
sang nhiều người.
Bây
giờ, tôi nghĩ, đã đến lượt cả các dân tộc phương Đông, cả dân tộc Trung
Hoa cũng như thế, phải cảm thấy hết toàn bộ cái hại của quyền lực
chuyên chế và tìm kiếm những phương tiện giải phóng mình khỏi cái quyền
lực chuyên chế đã trở nên không thể chịu đựng trong những điều kiện sống
ngày nay.
4
Tôi
biết ở Trung Quốc có học thuyết nói rằng người cầm quyền chính, hoàng
đế, phải là người anh minh và đức hạnh nhất và nếu người ấy không là như
thế, thì thần dân có thể và cần phải không phục tùng anh ta. Nhưng tôi
nghĩ rằng học thuyết ấy chỉ là một cách biện chính cho quyền lực, cũng
không vững chắc như học thuyết được phổ biến giữa các dân tộc Âu châu
của thánh tông đồ Paul khẳng định rằng mọi quyền lực đều từ Thượng Đế.
Nhân dân Trung Quốc không thể biết được, hoàng đế của họ có anh minh và
đức hạnh hay không cũng như các dân tộc Kitô giáo đã không thể biết được
rằng Thượng Đế đã ban quyền lực đích thị cho kẻ cầm quyền này, chứ
không phải kẻ tranh đấu với y.
Những
luận điệu biện minh cho quyền lực ấy là thích hợp xưa kia, khi mà cái
hại của quyền lực ít được dân chúng cảm thấy, nhưng giờ đây, khi đa phần
dân chúng đã cảm thấy tất cả những bất lợi và tất cả sự phi nghĩa của
cái quyền lực của một hay một vài người đối với nhiều người, thì những
biện minh ấy mất hết hiệu lực và các dân tộc bằng cách này hay cách khác
phải thay đổi thái độ của mình đối với quyền lực. Và các dân tộc phương
Tây từ lâu đã thay đổi thái độ đối với quyền lực, bây giờ đến lượt các
dân tộc phương Đông. Tôi nghĩ, cả Nga, cả Ba Tư, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung
Quốc hiện nay đang ở trong tình trạng ấy. Tất cả các dân tộc ấy đã sống
đến lúc mà họ không còn có thể duy trì thái độ cũ đối với quyền lực.
Như
nhà văn Nga Herzen nói đúng, không thể có một Thành Cát Tư Hãn với
những sở điện tín và những động cơ điện lực. Nếu những Thành Cát Tư Hãn
hay những nhân vật tương tự vẫn tồn tại ở phương Đông thì rõ ràng giờ
của họ đã điểm và họ là cuối cùng. Họ không thể tiếp tục tồn tại vừa bởi
vì do hệ quả của điện tín và của mọi thứ gọi là văn minh, quyền lực của
họ trở nên quá nặng nề và vừa bởi vì các dân tộc cũng nhờ cái văn minh
ấy mà giờ đây đã cảm thấy đặc biệt sống động rằng sự tồn tại hay không
tồn tại của những Thành Cát Tư Hãn ấy đã không phải là điều vô thưởng vô
phạt đối với họ, như trong thời cổ xưa, ngược lại, hầu hết những tai
ương làm họ khốn khổ xuất phát chính từ cái quyền lực ấy, mà họ xưa nay
vẫn phục tùng mà không được lợi gì, chỉ do thói quen.
Ở Nga tình hình đúng là như thế. Thiết nghĩ cũng là như thế với cả Thổ Nhĩ Kỳ, cả Ba Tư, cả Trung Quốc.
Đối
với Trung Quốc đặc biệt là thế do tính yêu chuộng hòa bình của dân tộc
Trung Hoa và do tình trạng tồi tệ của quân đội nước này tạo điều kiện
cho người Âu cướp phá các vùng đất Trung Quốc mà không bị trừng trị, vin
cớ vào những xung đột và bất đồng khác nhau với chính phủ Trung Quốc.
Nhân dân Trung Quốc không thể không cảm thấy sự cần thiết thay đổi thái độ của mình đối với chính quyền.
5
Và
giờ đây qua cuốn sách của ngài và qua những tin tức khác tôi thấy một
số người Hoa nông nổi được gọi là phái cải lương cho rằng sự thay đổi ấy
phải làm được cũng cái mà các dân tộc phương Tây đã làm, tức là thay
thế chính phủ chuyên quyền bằng chính phủ đại diện, xây dựng cũng một
quân đội và một nền công nghiệp như ở các nước phương Tây. Quyết định
ấy, thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản nhất và tự nhiên nhất, là quyết định
không chỉ nông nổi, mà còn rất dại dột và, căn cứ vào những gì mà tôi
được biết về Trung Quốc, hoàn toàn không thích hợp với nhân dân Trung
Hoa. Thiết lập cũng một hiến pháp như thế, cũng một quân đội như thế, và
có thể cũng một chế độ quân dịch phổ thông như thế, cũng nền công
nghiệp như thế, hệt như ở các nước phương Tây, sẽ có nghĩa là từ bỏ tất
cả những gì mà bằng nó dân tộc Trung Hoa đã và đang sống, từ bỏ cuộc
sống nhà nông hợp lý, thanh bình và yêu chuộng hòa bình mà chính nó là
con đường chân chính và duy nhất, là chữ Đạo không chỉ cho Trung Quốc mà
còn cho cả loài người.
Cứ
giả định rằng, du nhập kiểu tổ chức của châu Âu, Trung Quốc sẽ đuổi cổ
tất cả người Âu và sẽ có hiến pháp, có quân đội thường trực hùng mạnh và
nền công nghiệp giống như ở châu Âu.
Nhật
Bản đã làm cái đó, đã ban hành hiến pháp, tăng cường sức mạnh của lục
quân và hải quân và phát triển công nghiệp, và hậu quả của tất cả những
biện pháp liên quan khăng khít với nhau ấy giờ đây đã rõ. Tình cảnh của
nhân dân nước ấy càng ngày càng tiến gần tới tình cảnh của nhân dân châu
Âu, và tình cảnh ấy rất khốn khổ.
6
Các
quốc gia Tây Âu, bề ngoài rất hùng cường, giờ đây có thể đè bẹp quân
đội Trung Quốc. Nhưng tình cảnh của những người sống trong các quốc gia
ấy không những không so sánh được với tình cảnh người Trung Quốc, mà còn
tệ hại nhất. Trong tất cả các dân tộc ấy diễn ra không ngớt cuộc đấu
tranh giữa nhân dân lao động khốn cùng và căm phẫn với chính phủ của
những người giàu, được kiềm chế chỉ bằng sức mạnh của những người bị lừa
gạt hợp thành quân đội; cũng cuộc đấu tranh như thế sôi sục giữa các
quốc gia, đòi hỏi những cuộc chạy đua vũ trang ngày một ráo riết và
không có kết thúc, và bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ thành những
tai họa khủng khiếp nhất.
Nhưng
dù tình trạng ấy có đáng sợ thế nào, cốt lõi của những tai ương của các
dân tộc phương Tây không phải ở đấy. Cái tai ương chính và cơ bản của
họ là toàn bộ đời sống của các dân tộc ấy, những tộc người đã không thể
nuôi sống mình bằng bánh mỳ của mình, giờ đây được đặt trên sự tất yếu
phải bằng bạo lực và mưu mẹo tìm kiếm thức ăn cho mình ở các dân tộc
khác - các dân tộc như Trung Quốc, như Ấn Độ, Nga và một số nước khác -
vẫn sống bằng cuộc sống nông nghiệp hợp lý.
Thế mà những người thuộc phái cải lương lại mời gọi các bạn bắt chước các dân tộc ăn bám ấy!
Hiến
pháp, thuế bảo hộ, quân đội thường trực - tất cả cái đó cộng lại đã
biến người của các dân tộc phương Tây thành những người như hiện thời,
tức là những người đã rời bỏ nghề nông và mất thói quen làm nghề nông,
những người bận rộn với việc sản xuất ra tại các thành phố và nhà máy vô
thiên lủng những đồ vật đa phần không thiết dụng và, với những quân đội
của mình, họ thích hợp hơn cả với mọi hoạt động bạo lực và cướp bóc. Dù
thoạt nhìn tưởng chừng vị trí của họ có hào nhoáng thế nào, vị trí ấy
là vô vọng, và họ tất yếu sẽ bại vong, nếu không thay đổi toàn bộ thể
chế đời sống của mình, cái thể chế giờ đây đặt trên sự lừa đảo, sự làm
hủ bại và cướp bóc các dân tộc làm nghề nông.
Bắt
chước các dân tộc phương Tây, hoảng sợ trước sự hỗn láo và sức mạnh của
họ, chẳng khác nào một người tinh khôn, chưa hư hỏng, yêu lao động lại
đi bắt chước một kẻ cướp đã phá sản, đã mất thói quen lao động và đang
hỗn láo tấn công bạn, tức là để chống lại thành công một tên ác ôn bất
lương, chính mình cũng trở thành một tên ác ôn như thế.
Người
Trung Quốc không nên bắt chước các dân tộc phương Tây, mà nên rút kinh
nghiệm từ tấm gương của họ để khỏi lâm vào tình cảnh vô vọng như họ.
Tất
cả những gì các dân tộc phương Tây đang làm có thể và phải trở thành
tấm gương cho các dân tộc phương Đông, song chỉ không phải tấm gương về
cái cần làm, mà là tấm gương về cái không nên làm.
7
Đi
theo con đường của các dân tộc phương Tây có nghĩa là đi con đường chắc
chắn dẫn đến bại vong. Nhưng ở lại trong tình trạng như người Nga ở
nước Nga, người Ba Tư ở nước Ba Tư, người Thổ ở Thổ Nhĩ Kỳ và người Hoa ở
Trung Hoa cũng không thể được; đối với các bạn, những người Trung Hoa,
điều này rõ ràng đặc biệt, bởi vì các bạn, với tính yêu chuộng hòa bình
của mình, nếu vẫn ở lại trong tình trạng một quốc gia không có quân đội
giữa các cường quốc quân sự không thể sống một cuộc sống tự lập thì các
bạn tất yếu sẽ phải hứng chịu những cuộc cướp phá và đánh chiếm, mà các
cường quốc ấy sẽ phải tiến hành để duy trì sự tồn tại của mình.
Thế thì phải làm gì đây?
Đối
với chúng tôi, những người Nga, tôi biết, biết đến mức không còn chút
hồ nghi nào về những gì mà chúng tôi, những người Nga, không cần làm và
những gì cần phải làm để giải thoát mình khỏi những tai ương đang gây
khổ đau cho chúng tôi và không lâm vào những tai ương còn tồi tệ hơn.
Chúng tôi, những người Nga, trước hết không được phục tùng nhà chức
trách, nhưng cũng không cần làm cái điều mà ở chúng tôi cũng như ở nước
các bạn phái cải lương, những người không thông minh ấy, đề ra: không
cần bắt chước phương Tây thay thế chính quyền này bằng chính quyền khác,
thiết lập hiến pháp, bất kỳ hiến pháp nào, quân chủ hay cộng hòa. Cái
đó chắc chắn không nên làm, bởi vì cái đó chắc chắn sẽ dẫn chúng tôi đến
tình cảnh tai ương mà các dân tộc phương Tây đang sống trong đó.
Chúng
tôi cần và có thể làm chỉ một điều, điều đơn giản nhất: sống cuộc sống
nhà nông hòa mục, chịu đựng những bạo lực có thể được áp dụng đối với
chúng tôi, không chống đối bằng vũ lực và không tham gia bạo lực. Cũng
cái đó, và với nhiều căn cứ hơn, theo tôi, cả các bạn, những người Trung
Quốc, cũng nên làm, không phải chỉ để thoát khỏi những cuộc xâm chiếm
đất đai và cướp bóc mà các dân tộc Âu châu thực hiện chống lại các bạn,
mà còn để tự giải thoát khỏi những yêu sách vô lý của chính phủ đang đòi
hỏi ở các bạn những việc làm đi ngược lại với học thuyết đạo đức và tâm
thức của các bạn.
Chỉ
cần các bạn kiên định trong tự do, tức là kiên định đi theo đường sống
đúng đắn, hay là Đạo, thế thì tất cả những tác hại mà giới quan lại của
các bạn gây cho các bạn sẽ tiêu tan, và những hà hiếp và cướp bóc của
người Âu sẽ trở nên không thể thực hiện được. Hãy tự giải phóng khỏi
những quan lại của các bạn, bằng cách không thực hiện những đòi hỏi của
họ và, cái chính, bằng cách sẽ không tuân lệnh họ giúp đỡ cho sự nô dịch
và cướp bóc lẫn nhau. Hãy tự giải phóng khỏi những cuộc cướp bóc của
người Âu bằng cách, tuân thủ chữ Đạo, không thừa nhận mình thuộc về bất
kỳ một nhà nước nào và không chịu trách nhiệm về những việc làm của
chính phủ nước các bạn.
Bởi
lẽ tất cả những cuộc xâm lăng và cướp bóc diễn ra chỉ vì có chính phủ
mà các bạn thừa nhận mình là thần dân của nó. Giả sử không có chính phủ
Trung Quốc thì các dân tộc khác sẽ không có một cớ nào để thực hiện
chống lại các bạn những tội ác dưới chiêu bài quan hệ quốc tế.
8
Để
thoát khỏi cái ác, cần phải đấu tranh không phải với những hậu quả của
nó: với những hà lạm của chính phủ và những cuộc xâm lăng, cướp bóc của
những dân tộc láng giềng, mà với cội rễ của cái ác, với cái thái độ sai
trái của dân chúng đối với quyền lực của con người. Nếu dân chúng đặt
quyền lực của con người cao hơn quyền lực của Thượng Đế, cao hơn luật
Trời (Đạo), thì dân chúng sẽ mãi mãi là nô lệ, và sẽ càng là nô lệ hơn,
nếu cái tổ chức quyền lực (theo hiến pháp) mà nó sẽ thiết lập và phục
tùng càng trở nên phức tạp hơn. Chỉ dân chúng nào mà đối với nó luật
Trời (Đạo) là luật tối cao duy nhất mà tất cả các luật khác phải phục
tùng - chỉ dân chúng ấy mới có tự do.
Và
nếu các bạn, không tuân lệnh chính phủ của mình, không trợ giúp cho cả
các chính quyền ngoại bang trong những hành vi bạo lực chống lại các
bạn, không phục vụ cho chúng cả trong khu vực tư nhân, cả trong khu vực
nhà nước, cả trong khu vực quân sự thì sẽ không còn tất cả những tai
ương đang gây khổ đau cho các bạn.
9
Con
người và các xã hội con người thường xuyên ở trong trạng thái quá độ từ
lứa tuổi này sang lứa tuổi khác, nhưng có những thời kỳ khi mà sự quá
độ ấy được con người và xã hội cảm thấy một cách nhạy bén đặc biệt và
được ý thức sống động đặc biệt. Tựa như vẫn xảy ra với từng người, khi
nó cảm thấy không thể tiếp tục cuộc sống hài nhi nữa, cũng thế trong đời
sống của các dân tộc có những thời kỳ, khi mà các xã hội đã không thể
tiếp tục sống như trước và thấy có nhu cầu thay đổi những lề thói, thể
chế và hoạt động của mình. Và tôi thiết nghĩ, chính hiện nay tất cả các
dân tộc sống bằng cuộc sống của nhà nước phương Đông lẫn phương Tây đang
kinh qua một thời kỳ quá độ như vậy từ ấu thơ sang trưởng thành. Cốt
lõi của sự quá độ ấy là sự tất yếu phải giải phóng mình khỏi quyền lực
của con người và thiết lập cuộc sống trên những nguyên lý khác với quyền
lực nhân định.
Và sự nghiệp lịch sử này, tôi thiết nghĩ, số mệnh đã dành cho chính các dân tộc phương Đông.
Các
dân tộc phương Đông đang có những điều kiện may mắn đặc biệt để làm
việc này. Chưa từ bỏ nghề nông, chưa bị tha hóa bởi đời sống quân sự,
công nghiệp và hiến pháp, và chưa đánh mất niềm tin vào luật tối cao
mang tính bắt buộc của Trời hay Thượng Đế - cái luật được gọi là Đạo -
họ đang đứng ở ngã ba, mà từ đấy các dân tộc châu Âu từ lâu đã rẽ vào
con đường sai lạc, khiến cho sự giải phóng khỏi quyền lực nhân định trở
nên đặc biệt khó khăn[2].
Vì
vậy đối với các dân tộc phương Đông, một khi họ đã nhìn thấy tất cả
những tai họa của các dân tộc phương Tây, sẽ là tự nhiên không cố gắng
giải phóng mình khỏi cái ác của quyền lực nhân định bằng cái phương sách
rắc rối, giả tạo, che giấu thực chất của sự việc - bằng sự hạn chế
quyền lực và bằng hệ thống dân biểu giả mạo, mà các dân tộc phương Tây
đã sử dụng hòng tự giải phóng, mà giải quyết vấn đề về quyền lực bằng
phương thức khác, cơ bản hơn và đơn giản hơn, mà phương thức ấy tự nó
hiện ra trong tâm trí những con người còn chưa đánh mất niềm tin vào
luật tối cao và bắt buộc của Trời hay Thượng Đế, hay là Đạo - phương
thức ấy tựu trung chỉ là tuân thủ cái luật thiên định loại trừ mọi khả
năng phục tùng quyền lực nhân định.
Chỉ
cần người Trung Quốc tiếp tục sống như họ vẫn sống trước đây, bằng cuộc
sống nhà nông hiền hòa, cần mẫn, trong hành xử tuân theo những nguyên
lý của ba tôn giáo của mình: Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo, mà cả ba
tôn giáo ấy trong những nguyên lý của chúng đều gặp nhau ở ba điểm
chung: tự do khỏi mọi quyền lực nhân định (Khổng giáo), không làm cho
người cái ta không muốn người làm cho ta (Đạo giáo), tự chối từ, khiêm
nhường và yêu thương mọi người và mọi sinh linh (Phật giáo), thế thì tự
chúng sẽ biến mất mọi tai ương giờ đây đang làm họ khổ đau, và sẽ không
sức mạnh nào chiến thắng được họ.
Sự
nghiệp mà, theo tôi, không chỉ Trung Quốc mà tất cả các dân tộc phương
Đông sẽ phải thực hiện, không chỉ là tự giải thoát khỏi những tai họa mà
họ đang phải chịu đựng từ các chính phủ của mình và từ các dân tộc
ngoại bang, mà còn chỉ cho tất cả các dân tộc lối ra từ cái tình trạng
quá độ mà tất cả đang ở trong đó.
Mà
không có và không thể có một lối ra nào, ngoài giải phóng mình khỏi
quyền lực của con người và đặt mình dưới quyền lực của Thượng Đế.
[1906]
Phạm Vĩnh cư dịch
[1] "Giấy tờ của phó vương Iamen" (tiếng Anh)_ND.
[2] Vì sao lại thế, tôi đã trình bày tỉ mỉ trong bài viết của mình mang tiêu đề Về ý nghĩa của cách mạng Nga.
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét