Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
Peter Messent- Kiểm duyệt những từ “nhạy cảm” của Mark Twain là điều không thể chấp nhận
10:43
Hoàng Phong Nhã
No comments
Hiếu Tân dịch
Một lần xuất bản mới của cuốn
Huckleberry Finn đã xóa đi những từ “nigger” được dùng lặp lại nhiều lần
vì một lý do có thể hiểu được, nhưng làm thế là phản bội một cuốn tiểu
thuyết lớn chống phân biệt chủng tộc
Mark Twain vẫn còn là thời sự
100 năm sau khi ông chết. Trước hết, với nguyên bản của bộ Tự truyện,
cuối cùng đã được xuất bản dưới dạng do tác giả hoạch định. Thứ hai, với
cuộc tranh cãi khuấy lên bởi một lần xuất bản “mới” của Những cuộc
phiêu lưu của Tom Sawyer và Huckleberry Finn trong đó những biệt danh
xúc phạm chủng tộc như “injun” (mọi đỏ) và “nigger” (mọi đen) được thay
thế một cách tương ứng bằng “Anh điêng” và “nô lệ”.
Chắc chắn là việc dùng từ
“nigger” - một từ khích động nhất trong ngôn ngữ Anh - làm cho
Huckleberry Finn thành một tiểu thuyết phải thật khéo léo tinh tế khi
dạy học. Gần đây người ta nhắc đi nhắc lại rằng quyển sách này được coi
là không thích hợp cho trẻ con học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ - và
khi một từ như thế được nhắc lại nhiều lần trong lớp học (từ này xuất
hiện 229 lần trong sách của Mark Twain), ta có thể hiểu được trẻ em Mỹ
gốc Phi và phụ huynh của chúng cảm thấy giận dữ và thù hận như thế nào.
Nhưng đó không nhất thiết là lý
do để thay nó bằng một từ nhã hơn (đã bị lược bớt đi). Không nghi ngờ gì
nữa Twain là một người chống phân biệt chủng tộc. Làm bạn với nhà giáo
dục Mỹ gốc Phi Booker T Wahington, ông đồng chủ tọa một cuộc họp gây quỹ
tại Tuskegee Institute - một trường học do Washington điều hành ở
Alabama để xúc tiến “đời sống tri thức, đạo đức và tôn giáo của nhân dân
[Mỹ gốc Phi].” Cá nhân ông cũng giúp đỡ tài chính cho những sinh viên
Mỹ gốc Phi đầu tiên của Trường Đại học Luật Yale, ông giải thích rằng
“chúng ta đã chà đạp lên nhân cách của họ [người Mỹ gốc Phi] và nhục nhã
là chúng ta, chứ không phải họ. Chúng ta phải trả giá cho điều đó.” Và
việc ông sử dụng lặp lại nhiều lần từ ngữ xúc phạm trong Huckleberry
Finn, là hoàn toàn có dụng ý, nó vang lên một cách mỉa mai. Khi cha của
Huck, một gã da trắng nghèo kiết và nghiện rượu, đồ cặn bã vô giá trị
biết rằng “một thằng mọi đen (nigger) tự do …từ Ohio; một thằng con lai,
trắng như một thằng da trắng …một dáo xư ở trường đại học” được quyền
đi bầu, gã nói: “Được cứ để tao ra… tao bảo tao sẽ không bao dờ bầu
nữa…Dồi cái đất lước lày sẽ mục dữa ra cho mà xem.” Ta thấy rõ Twain
đứng về bên nào . Tương tự, khi Dì Sally hỏi có ai bị thương trong vụ nổ
trên thuyền mà bà được nghe kể lại không, và Huck tự trả lời “Không.
Chỉ có một thằng nhọ bị toi” thì bà dì trả lời “Ôi thế là may. Vì đôi
khi có người bị thương.” Toàn bộ sức mạnh của đoạn văn nằm trong sự thờ ơ
thừa nhận cái thân phận không ra con người của người Mỹ gốc Phi, ngay
cả ở Huck, cái ngôn ngữ học được ở ngoài đường của nó và và cái lối suy
nghĩ của nó vẫn trơ lì như thế, mặc dầu trong chuyến đi xuôi dòng sông
nó đã được biết đến lòng nhân hậu và tình thương nồng ấm của người nô lệ
[da đen] chạy trốn Jim - một người thật sự như một người cha đối với
nó.
Ở đây ngôn ngữ là mấu chốt. Như
Twain nói “Sự khác nhau giữa từ hầu như thích đáng với từ thích đáng là
cả một vấn đề lớn - nó là sự khác nhau giữa ánh chớp (lightning) và con
đom đóm (lightning bug).” Tôi tôn trọng động cơ của Alan Gribben, một
nhà Twain-học thâm niên có trách nhiệm về lần xuất bản mới này, và là
người muốn đưa cuốn sách về tình trạng dễ dàng sử dụng trong nhà trường
khi tin rằng “một số lớn thầy giáo trung học, giảng viên đại học và bạn
đọc phổ thông sẽ hoan nghênh ý kiến của ban biên tập.. các tiểu thuyết
của Twain để tránh cho độc giả khỏi gặp nỗi ô nhục phân biệt chủng tộc
là thứ chưa bao giờ mất đi cái độc địa của nó.”
Nhưng chính cái độc địa ấy, và
bản chất không thể chấp nhận được của nó là cái mà Twain muốn nắm bắt và
giữ lại trong cuốn sách của ông như nó có đó. Có thể đây không phải là
một cuốn sách dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Có lẽ nó là một cuốn sách cần
được xử lý cẩn thận bởi các thầy giáo ở trường trung học và thậm chí ở
cả trình độ đại học, khi họ đặt nó trong bối cảnh rộng lớn lan man hơn
của nó, giải thích cái cách châm biếm thể hiện ra làm sao, và cái ngôn
ngữ phân biệt chủng tộc tác hại ghê gớm như thế nào. Nhưng can thiệp vào
ngôn từ của tác giả vì sự nhạy cảm của người đọc thời nay là điều không
thể chấp nhận được. Vào cái giây phút bạn làm thế, thì quyển sách không
còn là quyển sách do Twain viết ra nữa./.
Peter Messent là tác giả Giới thiệu Mark Twain của Cambridge.
Nguồn:
http://www.guardian.co.uk/books/booksblog/2011/jan/05/censoring-mark-twain-n-word-unacceptable
0 nhận xét:
Đăng nhận xét