BBC News, Bangkok
Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013
Bất ổn Thái Lan : Vì sao và như thế nào ? (Jonathan Head)
03:04
Hoàng Phong Nhã
No comments
"...Trong
khi đó ông Thaksin, hiện đang sống lưu vong, đã trả lời phỏng vấn và cả
quyết rằng việc ân xá diện rộng như vậy là cách tốt nhất để tiến bước
vì đạo luật sẽ cho đất nước cơ hội bắt đầu lại từ đầu và xóa mọi xung
đột xảy ra từ khi ông còn tại nhiệm..."
Trong
vài tuần qua, một giai đoạn tương đối bình lặng trong chính trường Thái
Lan đã tan vỡ. Hàng chục ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Bangkok
giống như những phong trào phản kháng trước đây vốn đã dẫn tới một cuộc
đảo chính của phe quân đội, chiếm giữ sân bay quốc tế của phe áo đỏ, hai
thủ tướng phải từ chức theo lệnh của tòa án cũng như chiến dịch của
quân đội ở Bangkok khiến hơn 90 người chết hồi năm 2010.
Những
năm bất ổn xoay quanh vị cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra làm cho Thái
Lan sốc và kiệt sức vào năm 2010. Trong ba năm qua không ai muốn có thêm
đối đầu.
Những
cố gắng của phe hoàng gia cứng rắn nhằm khơi dậy biểu tình chống chính
quyền của em gái ông Thaksin, Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã không
mang lại kết quả.
Tất
cả đã thay đổi trong tháng trước khi đảng Pheu Thai của ông Thaksin
bỗng nhiên mở rộng một đề nghị ân xá, vốn ban đầu chỉ ảnh hưởng tới
những thường dân tham gia biểu tình trong quá khứ, thành việc xóa bỏ tất
cả những vụ kết tội liên quan tới những xung đột chính trị kể từ năm
2004 tới nay.
Dự
luật có vẻ xóa bỏ không chỉ bản án lạm quyền đối với ông Thaksin hồi
năm 2008 mà còn gỡ trách nhiệm cho những người ra lệnh xả súng vào những
người ủng hộ ông vào năm 2010.
Ủy ban chống tham nhũng của Thái Lan cũng ước tính khoảng hơn 25.000 vụ tham nhũng có thể bị ảnh hưởng bởi đề nghị ân xá.
Chỉ có vài trăm vụ bị xử theo luật khi quân hà khắc là không thuộc diện được ân xá.
Điều quan trọng là dự luật có vẻ mở đường cho ông Thaksin trở về sau hơn năm năm sống lưu vong.
Khí thế
Những
cuộc biểu tình lần này rất rộng khắp và đầy khí thế. Tham gia xuống
đường có các học giả, thẩm phán, bác sỹ, y tá, sinh viên, nhân viên văn
phòng cũng như các đối thủ truyền thống của ông Thaksin từ Đảng Dân chủ
đối lập và từ các nhóm áo vàng đã khiến ông và các đồng minh mất quyền
trong giai đoạn 2006-2008.
Ngay cả một số người trong phong trào áo đỏ từng xuống đường ủng hộ ông Thaksin nay cũng biểu tình phản đối đạo luật.
"Đây
không chỉ là chính trị đảng phái mà là sự chống lại đạo luật đã khiến
cả nước cùng phản đối" - đó là nhận định của cựu bộ trưởng tài chính
Korn Chatikavaij, người từ chức phó chủ tịch Đảng Dân chủ để có thể tổ
chức biểu tình.
Bỗng
dưng những người của Đảng Dân chủ, vốn đã không thể đánh bại đảng Pheu
Thai trong bầu cử hay ở quốc hội, thấy mình ở tuyến đầu của một phong
trào phản kháng đang lan rộng nhằm hạ gục chính quyền.
Làm
sao một đảng chiếm đa số trong quốc hội và đã rất tự tin đi theo nghị
trình mị dân của họ từ khi lên cầm quyền lại có thể mắc sai lầm đến thế.
Điều rõ ràng là ông Thaksin đã can thiệp vào dự luật.
Trong
suốt nhiệm kỳ thủ tướng, bà Yingluck luôn bị cáo buộc rằng bà chỉ là
con rối và rằng tất cả các quyết định quan trọng đều do ông anh đưa ra.
Những
cáo buộc đó không phải khi nào cũng đúng và cách cầm quyền mang tính
hòa giải của bà khiến ngay cả các đối thủ cũng khen ngợi.
Nhưng
về dự luật ân xá, vấn đề cá nhân và hóc búa nhất mà bà từng phải giải
quyết, bà thủ tướng thậm chí cũng không giả vờ ra quyết định.
Bà đã không có mặt tại hạ viện khi dự luật được thông qua và nói rằng đảng của bà chứ không phải bà muốn có dự luật này.
Trong
khi đó ông Thaksin, hiện đang sống lưu vong, đã trả lời phỏng vấn và cả
quyết rằng việc ân xá diện rộng như vậy là cách tốt nhất để tiến bước
vì đạo luật sẽ cho đất nước cơ hội bắt đầu lại từ đầu và xóa mọi xung
đột xảy ra từ khi ông còn tại nhiệm.
Vấn đề cũ
Trên thực tế nó đã có hiệu quả ngược lại. Sự phân cực rõ rệt trong xã hội Thái lại một lần nữa được phơi bày.
Và
thành phần rộng khắp của đợt chống đối dự luật ân xá, cho dù chủ yếu
chỉ ở Bangkok, có nhiều điểm giống như các cuộc biểu tình hồi đầu năm
2006, vốn đã khiến Thủ tướng Thaksin lúc bấy giờ phải kêu gọi bầu cử sớm
và cuối cùng bị đảo chính hồi tháng Chín.
Khi
đó ông đã tính toán sai lầm phản ứng của công chúng đối với vụ bán tập
đoàn Shin Corp mà gia đình ông được lợi lớn. Dường như lại một lần nữa
ông đi quá đà. Nhưng lần này tình hình cũng có những khác biệt quan
trọng.
Đảng Pheu Thai đang cố gắng xây dựng quan hệ tốt với giới lãnh đạo cao cấp thân hoàng gia trong quân đội.
Ngay
cả vị tư lệnh quân đội đôi khi bạo miệng, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã
khá yên lặng về vụ ân xá và các cuộc biểu tình. Một cuộc đảo chính khác
có vẻ khó xảy ra.
Và
cả phong trào áo vàng cứng rắn, thành tố quan trọng của bất kỳ phong
trào xuống đường nào nhằm gây sức ép lên chính phủ, cũng không còn mạnh
như xưa.
Như
thế Đảng Dân chủ, vốn đang tăng thanh thế trong mấy tuần qua, lại phải
vật lộn với vấn đề cũ : làm sao đánh bại ông Thaksin, cho dù ông ở trong
hay ở ngoài Thái Lan, trong bầu cử.
Đây là vấn đề mà đảng lâu đời nhất ở Thái Lan vẫn chưa có giải pháp.
Jonathan Head
BBC News, Bangkok
Đây
là bản trích dịch bài báo của tác giả Jonathan Head, đăng lần đầu trên
BBC News Online hôm 7/11. Dự luật ân xá sau đó bị Thượng viện Thái Lan
bác bỏ, nhưng vẫn châm ngòi cho các cuộc biểu tình đang diễn ra.
BBC News, Bangkok
0 nhận xét:
Đăng nhận xét