GS.TSKH. ĐẶNG HÙNG VÕ
Công nhận sở hữu đất đai thuộc nhiều thành phần kinh tế theo quy định
của pháp luật là việc cần làm ngay. Đây là việc tạo được động lực cho
đầu tư, giảm tham nhũng trong quản lý đất đai, tăng hiệu quả sử dụng đất
và tạo điều kiện tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ chế tạo tham nhũng
Đất đai là một yếu tố đặc biệt, không do lao động của con người tạo ra,
có nguồn cung cố định và không bị hao hụt diện tích trong quá trình sử
dụng. Chế độ sở hữu phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo lập
được công bằng về quyền hưởng dụng đất đai. Chế độ công hữu về
đất đai ở nước ta hiện nay dưới dạng sở hữu toàn dân đã bị biến đổi ở
một số điểm (đã nêu trong phần trước: Công hữu đất đai không hợp với
thời quá độ) cho phù hợp với nhu cầu phát triển của kinh tế thị trường.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều điểm nữa đang tạo nguy cơ lớn về tham nhũng
trong quản lý đất đai, đó chính là nguồn gốc làm mất động lực và mất
công bằng trong sử dụng đất. Pháp luật hiện hành có quy định 3
cơ chế để nhà đầu tư có đất: một là nhà đầu tư tự thỏa thuận với người
đang sử dụng đất; hai là Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch để chủ động
quỹ đất cho nhu cầu phát triển; ba là Nhà nước thu hồi đất theo dự án
đầu tư của chủ đầu tư đã được chấp thuận. Pháp luật hiện hành
cũng có 3 cơ chế để Nhà nước cung đất cho các dự án đầu tư: một là đấu
giá quyền sử dụng đất; hai là đấu thầu dự án có sử dụng đất; ba là giao
đất, cho thuê đất trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Cơ
chế thì phong phú như vậy nhưng trên thực tế thì chủ yếu vẫn chỉ áp
dụng một cơ chế Nhà nước quyết định thu hồi đất của người đang sử dụng
để giao hoặc cho thuê trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định, với giá
đất để tính bồi thường và giá đất để nhà đầu tư phải trả cho Nhà nước
đều do cơ quan có thẩm quyền giao đất tự quyết định, với tình trạng
thiếu công khai, minh bạch về thông tin trong toàn bộ quá trình thực
hiện. Chắc chắn rằng cơ chế như vậy luôn tạo nên nguy cơ tham
nhũng rất cao. Tham nhũng chỉ không xảy ra khi người có quyền không muốn
tham nhũng. Đó là tham nhũng về địa tô tạo thành khi cơ quan
hành chính quyết định lấy đất do người này đang sử dụng để giao cho
người khác sử dụng mà gắn với việc thay đổi mục đích sử dụng đất, gắn
với quyết định về giá đất. Trên thực tế, đây không chỉ còn là
nguy cơ mà đã biến thành tham nhũng thực. Nhiều khảo sát quốc tế và
trong nước đã chỉ ra tham nhũng trong quản lý đất đai ở nước ta đang
đứng ở nhóm cao nhất. Hình thái tham nhũng này là hệ quả tất yếu của chế
độ công hữu về đất đai được đặt trong một xã hội chưa đạt được điều
kiện của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó chính là nguyên nhân làm cho quy
hoạch không phù hợp, sử dụng đất không hiệu quả, hưởng dụng đất không
công bằng, phát triển thiếu bền vững. Việc cần làm ngay
Chế độ sở hữu đất đai cũng có đặc trưng riêng, gắn với đặc trưng của
đất đai. Không có chế độ tư hữu hoàn toàn về đất đai và cũng không có
chế độ công hữu hoàn toàn về đất đai. Tư nhân có đất cũng không
thể có toàn quyền định đoạt đối với đất đai vì đất đai có liên quan mật
thiết với toàn bộ cộng đồng. Cả cộng đồng có đất cũng không thể cùng sử
dụng chung mà vẫn phải giao cho từng thành tố của cộng đồng sử dụng.
Chúng ta đừng lo ngại rằng hôm nay không thực hiện được công hữu về đất
đai thì ngày mai khó có thể thực hiện được khi tư hữu về đất đai đã được
xác lập. Trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tính tư
hữu trong mỗi con người từ cán bộ tới dân thường còn rất mạnh, khoảng
cách lên xã hội chủ nghĩa càng gần thì tính tư hữu của con người sẽ giảm
và nhường chỗ cho tính công hữu. Đối với đất đai cũng như vậy, hôm nay tư hữu có thể còn nhiều nhưng càng gần xã hội chủ nghĩa thì tư hữu sẽ giảm đi.
Như vậy, việc công nhận sở hữu đất đai thuộc nhiều thành phần kinh tế
theo quy định của pháp luật là việc cần làm ngay. Đây là việc tạo được
động lực cho đầu tư, giảm tham nhũng trong quản lý đất đai, tăng hiệu
quả sử dụng đất và tạo điều kiện tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong quá trình ĐỔI MỚI, chúng ta đã quyết định thay thế kinh tế hợp
tác xã nông nghiệp bằng kinh tế hộ gia đình, thay thế cơ chế kinh tế bao
cấp bằng cơ chế kinh tế thị trường, và cả hai lần thay đổi này đều tạo
nên những bước ngoặt cho phát triển. Một quyết định thay đổi thứ ba rất
cần thiết lúc này là thay một chế độ sở hữu toàn dân về đất đai bằng chế
độ đa sở hữu về đất đai theo quy định của pháp luật. Sự thay đổi này
cũng sẽ mang lại bước ngoặt mới trong phát triển. SOURCE: TUANVIETNAM.NET
Posted in: Tham Nhũng
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét