Một nữ tiến sĩ xã hội học gốc
Việt – cô Kimberly Kay Hoàng – đã nhận được giải thưởng nghiên cứu xuất
sắc nhất của hiệp hội Xã hội học quốc gia Hoa Kỳ (ASA) cho công trình
nghiên cứu về mại dâm tại TP.HCM. Bài viết này giới thiệu đôi nét về TS
Kimberly Kay Hoàng và quan điểm riêng của cô về vấn đề mại dâm ở Việt
Nam.
15 tháng thâm nhập thực tế
Tháng 5.2012, đề tài
nghiên cứu của TS Kimberly Kay Hoàng mang tên “Tình cảm trong lĩnh vực
công nghệ tình dục tại Việt Nam”, đã được hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ
trao giải nghiên cứu xuất sắc nhất. Sinh ra tại Mỹ, cô Kimberly Kay
Hoàng, 29 tuổi, lấy bằng cử nhân tại đại học UC Santa Barbara, bằng thạc
sĩ tại đại học Stanford, bằng tiến sĩ tại đại học UC Berkeley. TS Hoàng
hiện đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ (Postdoctoral) tại đại học Rice
(Texas, Hoa Kỳ).
Nhiều
phụ nữ tham gia vào nghề mại dâm bởi vì họ cho rằng vẫn tìm được cơ hội
kiếm tiền tốt hơn là trở thành những công nhân xí nghiệp hay đi làm
phục vụ.
|
Đối với Kimberly Kay Hoàng, Việt Nam
không chỉ là quê hương xa xôi mà còn là “một trong những xứ sở xinh đẹp
nhất” trong số 30 quốc gia mà cô đã đi qua. Cô đã trở về thăm Việt Nam
25 lần, kể từ năm 1995 khi còn là một đứa trẻ, nhưng vào năm 2005 khi du
lịch một mình từ Sài Gòn ra Hà Nội, Hoàng đã nhận ra mình có một mối
dây gắn bó với đất nước này.
“Tôi luôn muốn được sống thật lâu tại
Việt Nam nhưng không biết rõ mình phải làm gì ở đó hoặc phải chịu đựng
những gì”. Hoàng nói: “Năm 2005, tôi thuê một căn phòng nhỏ trong một
căn nhà có hai người phương Tây, lúc đó người dân trong khu vực đã luôn
nghĩ tôi là một cô gái mại dâm. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ, cuộc
đời tôi sẽ ra sao nếu sống ở đây?”
Hoàng đã phỏng vấn 90 khách làng chơi,
90 phụ nữ làm mại dâm, tám tú bà và năm chủ quán bar trong khi thực hiện
nghiên cứu. Các cô gái này được tác giả chia ra làm ba hạng trong
nghiên cứu của mình: cao cấp dành cho những doanh nhân Việt Nam, Việt
kiều hoặc châu Á giàu có; trung cấp dành cho Việt kiều và khách du lịch
nước ngoài và thấp cấp dành cho những người đàn ông lao động Việt Nam.
“Tôi đã rất ngạc nhiên khi phần lớn
những người phụ nữ được tôi phỏng vấn lại tỏ ra đồng tình khi tham gia
vào nghề mại dâm bởi vì họ vẫn tìm được cơ hội kiếm tiền tốt hơn là trở
thành những công nhân xí nghiệp hay đi làm phục vụ”, cô tiến sĩ trẻ kể.
Hoàng trải qua 15 tháng sống tại TP.HCM
và làm người pha rượu trong bốn quán bar ở quận 1, phải làm việc “12
tiếng một ngày, 7 ngày một tuần” để tìm hiểu về thế giới của những cô
gái mại dâm cao cấp.
Giá khác nhau, nhu cầu trao đổi khác nhau
Theo nghiên cứu, các cô gái mại dâm cao
cấp luôn có ngoại hình đẹp, hầu hết đã tốt nghiệp đại học, có việc làm
trong nhiều lĩnh vực nhưng họ không muốn kết hôn hoặc được bảo lãnh sang
nước ngoài. Thậm chí có nhiều cô trong số này xuất thân từ các gia đình
giàu có. Họ nhận tiền từ khách hàng nhưng luôn xem đó là “quà tặng” chứ
không phải “thù lao”, và không coi đây là nghề mưu sinh.
Ngọc, 24 tuổi, làm việc tại một quỹ đầu
tư với mức lương khoảng 12 triệu đồng/tháng, gia đình có tiệm kinh doanh
đồ điện tử là một đối tượng trong nghiên cứu của TS Hoàng. Ngọc khoe đã
chi hàng ngàn đôla để giải phẫu thẩm mỹ. Tuy vậy, cô ta “không muốn đi
Mỹ” vì ở Việt Nam “nếu có tiền sẽ có tất cả”, còn ở Mỹ thì “phải tự đi
chợ, tự lau dọn nhà cửa và tự nấu ăn”.
“Những doanh nhân Việt Nam và Á châu là
những người chịu trả giá cao nhất cho các cô gái mại dâm. Không chỉ là
vấn đề tình dục, những cô gái mại dâm cao cấp khi đi cùng người mua dâm
sẽ giúp họ biểu hiện sự nam tính và khả năng xài tiền của mình mỗi khi
xuất hiện tại những nơi đông người”, TS Hoàng kết luận.
Khảo sát bảy trong số 25 quán bar trong
khu vực Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) nơi tập trung những cô gái thuộc
hàng “trung cấp”, TS Hoàng thấy đối tượng này thích tìm khách hàng là
Việt kiều hoặc người ngoại quốc, những người có thể giúp họ di cư sang
một đất nước khác để thoát khỏi thực tại.
Tôi không bao giờ có thể làm được như họ, do đó tôi
không coi thường bất kỳ ai, tất cả đều có những câu chuyện riêng của
mình sau những gì chúng ta thấy trên bề mặt.
|
Linh, một cô gái từng làm việc trong một
quán bar ở khu Phạm Ngũ Lão được Hoàng chọn khi nghiên cứu các đối
tượng gái bán dâm “trung cấp”. Cao gần 1,68m, Linh “rất thu hút đàn ông”
và “đã chi hơn 1.000 USD để giải phẫu thẩm mỹ”. Việc đầu tư này cộng
với khả năng Anh ngữ giúp Linh gặp và giữ nhiều mối quan hệ với khách
nước ngoài, kể cả khi họ rời khỏi Việt Nam. Cô sống bằng những món tiền
do những vị khách này gửi về để giúp cô “đi học Anh văn”, “học trang
điểm”… Sau cùng, Linh tìm được một người đàn ông Úc đã 67 tuổi bảo lãnh
cho cô và con gái riêng sang Úc.
Nghiên cứu của Hoàng còn đề cập đến các
khu lao động, nơi giá một lần “vui vẻ” chỉ khoảng 100.000 – 150.000
đồng. Trong khu vực mại dâm thấp cấp, đơn thuần giữa người bán và người
mua chỉ là mối quan hệ trao đổi giữa tình dục và tiền.
12 phụ nữ bán dâm cấp thấp được Hoàng
phỏng vấn đang ở trong những khu lao động nghèo, độ tuổi từ 29 – 60, đều
chưa học xong tiểu học và đến từ các vùng ngoại ô, nông thôn. Trúc, một
phụ nữ bán dâm trong nhóm này nói: “Tôi chẳng bao giờ đến các tiệm ăn ở
khu quận 1”. Một người phụ nữ khác tên Phượng, 60 tuổi, kể từng làm
thuê cho một hộ nuôi tôm đã đi bán dâm sau khi bị sa thải vì quá già.
Những phụ nữ này sống lây lất, không đủ đẹp, không đủ vốn văn hoá lẫn
ngôn ngữ để tiếp cận các đối tượng khách cao cấp hơn.
Hoàng nói: “Tôi không bao giờ có thể làm
được như họ, do đó tôi không coi thường bất kỳ ai, tất cả họ đều có
những câu chuyện riêng của mình sau những gì chúng ta thấy trên bề mặt.
Khó tổng quát được điều gì chỉ qua bốn quán bar mà tôi đã làm việc nhưng
tôi nghĩ kỹ nghệ tình dục là một thế giới thu nhỏ của một xã hội rộng
lớn”.
Nghiên cứu công phu của TS Kimberly Kay
Hoàng đã cho thấy gần như đầy đủ bộ mặt của thực trạng mà tác giả gọi là
“ngành công nghiệp tình dục” ở TP.HCM. Dù vậy, nghiên cứu này vẫn thiếu
sót khi cô chưa tiếp cận với các đối tượng gái bao “siêu” cao cấp là
các hoa hậu hay người mẫu. Vượt lên trên tính học thuật của một nghiên
cứu xã hội học thông thường, nghiên cứu của TS Kimberly Kay Hoàng đã cho
người ta thấy những vấn đề mà xã hội chúng ta đang gặp phải trên đường
phát triển.
TRUNG BẢO (SÀI GÒN TIẾP THỊ)
Posted in: Suy Ngẫm
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét