Tất cả những chuyện này đã gây ra ở Ba Lan một sự cộng hưởng mạnh mẽ. Các quan chức, các chính khách, các nghệ sĩ và nhà báo của chúng ta, những người đại diện cho những xu hướng tư tưởng hoàn toàn khác nhau, cùng phấn khởi nói và viết về phong trào “phi Stalin hóa” này. Họ làm như sự đoạn tuyệt với di sản của “chế độ Stalin” và hoài niệm về nó là đơn thuốc duy nhất không chỉ đối với sự nồng ấm trong quan hệ Warsawa-Moskva, mà còn là đơn thuốc đối với cả quá trình dân chủ hóa và những thay đổi sâu sắc ở nước Nga vậy.
Bước ngoặt vào năm 1956, xin gọi đấy là chiến dịch phi Stalin hóa thứ nhất, đã tạo ra ở phương Tây – lúc đó đang muốn tồn tại hòa bình với Liên Xô – một sự phấn khích chưa từng có. Cuối cùng thì tất cả đã rõ ràng: trại tập trung, khủng bố chính trị, những phát đạn bắn vào gáy đối thủ chính trị, thủ tiêu một loạt các dân tộc và những nhóm xã hội, bỏ đói hàng triệu người, xâm chiếm các nước láng giềng – tất cả đều là tội lỗi của Stalin, còn chính chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô thì vẫn hoàn toàn “OK”.
Thế thì tại sao bây giờ, tức là vào năm 2010, việc nước Nga độc lập lại sử dụng chiến thuật mà nhà nước Liên Xô toàn trị đã từng sử dụng cách đây 54 năm lại làm cho người ta phấn khích đến như thế? Thật khó hiểu. Khó mà có thể gọi đây là sự tiến bộ. Công nhận rằng Katyn là tội ác của NKVD (Bộ nội vụ Liên Xô -ND) chứ không phải của GESTAPO cũng không phải là điều gì mới mẻ. Thế mà ở Ba Lan người ta lại coi là bước ngoặt có tính thời đại. Thực ra ngay từ năm 1990, tức là một năm trước khi Liên Xô tan rã, Mikhail Gorbachev đã công nhận như thế rồi.
Chiến dịch “phi Stalin hóa” hiện nay, do bộ đôi Putin và Medvedev tiến hành, cũng có cùng mục đích như chiến dịch thứ nhất do Khrushchev thực hiện mà thôi: sơn phết lại Liên Xô, trong lần thăm dó dư luận gần 55% người Nga, tức là đa số cử tri, tỏ ra luyến tiếc Liên Xô. Còn chính Putin thì đã từng nổi tiếng với câu: việc tan rã khối Xô Viết là “thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỉ XX”. Tôi xin cam đoan là ông ta chưa thay đổi ý kiến của mình. Vấn đề không chỉ là khi nhắc lại lí thuyết của người Nga về “chế độ Stalin” (tôi đã đọc được ở đâu đó rằng năm 1939 Ba Lan đã bị “nước Đức phát xít và nước Liên Xô của Stalin chia nhau!”) là chúng ta đã tự đưa mình vào kịch bản tuyên truyền của điểm Cẩm Linh. Đây là điều không thể chấp nhận được, nhất là từ quan điểm đạo đức.
Tại sao người sĩ quan Ba Lan, tên là Pasternacki, rơi vào tay những người Bolshevik ở Śniadowo, trước khi bị giết đã bị cắt lưỡi, cắt tai và mũi lại không đáng được tôn trọng và tưởng nhớ hơn là người sĩ quan bị giết vào năm 1940? Chỉ vì rằng anh ta đã chết quá sớm, và không có cơ hội trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa Stalin”?
Dĩ nhiên là trong thời Stalin cầm quyền đã có hàng triệu người vô tội bị giết hại, thí dụ như những nạn nhân của việc tập thể hóa và công nghiệp hóa. Nhưng ta phải nhớ rằng đối với những nhà trí thức phương Tây và đối với rất nhiều người Nga hiện nay thì chủ nghĩa Stalin là tổ chức đàn áp trước hết là những cán bộ cộng sản. Trong quan niệm của họ thì tội lỗi lớn nhất của ông ta chính là hiện thực hóa luận điểm về cách mạng ăn thịt chính những đứa con của mình.
Xin hãy hiểu tôi. Tôi đánh giá cao nền văn chương, trong đó người ta đã phân tích cơ chế của cuộc Đại khủng bố, tức là giai đoạn khi mà những người cộng sản tự tiêu diệt lẫn nhau dưới trào Stalin. Các tác phẩm của Aleksander Weissberg-Cybulski, của Arthur Koestler, của Viktor Kravtrenko, của Aleksander Sozhenitsyn (rất may là sau này ông đã chuyển từ quan điểm “bài Stalin” sang bài Xô) là những tác phẩm rất hấp dẫn và đáng đọc.
Nhưng những người cộng sản cuồng tín, những kẻ đã bóp cổ “kẻ thù của nhân dân” để rồi ngày hôm sau hấp hối trong bốn bức tường nhà giam của Bộ nội vụ và thuyết phục các nhân viên điều tra rằng mình trung thành với Đảng, tôi lại không thấy đáng thương lắm. Xin nhắc lại rằng Nikolai Yezhov và hàng nghìn đảng viên cộng sản tội phạm khác cũng đã trở thành nạn nhân của các vụ thanh trừng. Nhưng chắc chắn là tôi cảm thấy không thương họ bằng thương hàng triệu người Nga yêu nước vô tội, những người đã bị cộng sản giết hại trong giai đoạn cách mạng và những năm sau cách mạng. Tất cả “những tên phản cách mạng đó”: các nhà trí thức, các nhà quí tộc, các sĩ quan, những người làm nghề tự do và thành viên gia đình họ đã bị giết trong thời gian khi mà chưa ai tưởng tượng được là Stalin sẽ trở thành lãnh tụ Liên Xô chứ chưa nói tới chủ nghĩa Stalin.
Ai đã tạo ra Stalin?
Xin quay lại thời của chúng ta. Các nhà bình luận đã đúng khi nói rằng nếu Nga không chia tay với lịch sử kinh hoàng trong thế kỉ XX của mình thì nó sẽ không thể trở thành một đất nước bình thường được. Phần lớn bệnh tật của đất nước này, kể cả trong cơ cấu quyền lực lẫn trong tâm trí người dân bình thường, đều có xuất xứ từ ảnh hưởng của thời đại vừa qua. Không chỉ dân Nga mà dân chúng các quốc gia láng giềng cũng cảm nhận được một cách rõ ràng những căn bệnh đó.
Vì không phải Stalin tạo ra chế độ toàn trị khát máu này mà chính chế độ đã tạo ra ông ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét