Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
MOSCOW BLOG - Nguy cơ của quá trình dân chủ hóa ở Nga
10:44
Hoàng Phong Nhã
No comments
Hiếu Tân dịch
Tháng giêng, những cuộc biểu
tình phản đối ở Tunisia đã buộc tổng thống độc tài bất ngờ bỏ trốn khỏi
đất nước, chạy sang Saudi Arabia. Đó là một trong hàng loạt cuộc nổi dậy
chống các lãnh tụ độc tài trong thời gian gần đây, những cuộc nổi dậy
mà ở Liên xô cũ đã được gán cho cái tên “những cuộc cách mạng màu” và
chúng ám những cơn ác mộng cho các nhà lãnh đạo từ Minsk đến Tashkent.
Câu hỏi lớn cho Tunisia bây giờ là loại chế độ nào sẽ tiếp quản: một nền
dân chủ thì chưa có sẵn, nhưng đó là cái mà mọi người hy vọng.
Renaissance Capital (Rencap)
phát hành một bản báo cáo thú vị ngay sau khi xảy ra những sự kiện ở
Tunisia: nhìn vào những cơ chế đã thúc đẩy các cuộc cách mạng và các
cuộc nổi dậy, trong đó nó cố gắng nhận dạng những dấu hiệu mách cho ta
biết về các nhà độc tài. Trong khi bản báo cáo tập trung vào các nước
châu Phi, những sự tương đồng với các khu vực thuộc Liên xô cũ được thấy
rõ ràng.
Nó nhận dạng ba quy tắc cơ bản của các cuộc dân chủ hóa:
1. Nhân dân càng giầu có thì càng có vẻ dễ nổi dậy, nhưng một khi đã là chế độ dân chủ, thì nước ấy không bao giờ từ bỏ chế độ.
2. Các nước xuất khẩu năng lượng thô lớn không phải là các nền dân chủ.
3. Tỉ lệ người trẻ trong dân chúng càng lớn, càng có khả năng xảy ra nổi loạn.
Các phép đo cách mạng
Sự thịnh vượng rõ ràng là một
nhân tố cơ bản. Những dân chúng nghèo chỉ nghĩ kiếm đâu ra bữa sau. Một
giai cấp trung lưu khá giả quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, đến
dịch vụ công và các quyền tự do cá nhân. Viện dẫn một nghiên cứu được
tiến hành đầu tiên từ năm 1959 và được cập nhật trong một luận văn nhan
đề “Hiện đại hóa: Lý thuyết và thực tế”, của Adam Przeworski, Fernando
Limongi năm 1997, bản báo cáo của Rencap phác thảo những phương pháp đo
lường về cách mạng.
Dùng tỉ suất sức mua tính bằng
đô la làm cơ sở, thì trong một nước với thu nhập tính theo đầu người
dưới 2.000$, khả năng xảy ra một cuộc cách mạng là rất thấp. Tuy nhiên,
khi thu nhập nâng lên đến 2000-8000$, thì cơ hội một cuộc nổi dậy trở
nên vừa phải, 1-2% trong một năm nào đó. Sự việc sẽ nhiều may rủi hơn
nếu tiền lương tăng giảm thất thường. Nếu lương tăng, thì cơ hội nổi dậy
là 4-5%, (bởi vì người ta tập trung hơn vào những thiếu thốn về chất
lượng cuộc sống); và nếu lương giàm, thì nguy cơ có cuộc nổi dậy tăng
lên có khi đến 6-11% (bởi vì nhân dân muốn quyền lực chính trị để thay
đổi một tình hình rõ ràng quá tồi tệ)
Tunisia năm 2009 có thu nhập
theo đầu người 8.300$, nó đặt nước này lên trên đỉnh nguy hiểm của giải
thu nhập. Và trong khắp các nước thuộc Liên xô cũ, nguy cơ nổi dậy chống
các chế độ độc tài cũng cao, vì tất cả các nước này đều đã lên đến đỉnh
của giải thu nhập 2000-8000$. Hơn nữa, trong hai năm qua khả năng xảy
ra nổi loạn đã tăng lên, khi thu nhập giảm do khủng hoảng: Kyrgyzstan và
Moldova cả hai nước đều đã tống cổ các tổng thống tham nhũng vì bị
khủng hoảng toàn cầu nện trúng.
Nước Nga đứng ngoài bảng kê giàu
có này, vì các công dân của nó có thu nhập cao nhất trong khu vực,
khoảng 14.000$. Là một nước có thu nhập trung bình, Nga lẽ ra từ lâu đã
tham gia vào các nền dân chủ “bất hủ” giống như các nước phương Tây -
không nước nào có mức thu nhập cao hơn 14.000$ mà lại đánh mất nền dân
chủ đã từng được thiết lập. Nhưng ở đây lại có quy luật thứ hai của dân
chủ hóa: - các nước xuất khẩu năng lượng lớn không phải là nước dân chủ.
“Trong số 20 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất năm 2008, theo số liệu
chúng tôi có từ BP, chỉ có ba nước là có nền dân chủ tự do đầy đủ theo
Freedom House. Trong đó, hai nước là dân chủ trước khi họ trở thành nước
xuất khẩu năng lượng thô lớn (Canada và Na uy), bởi vậy tuân theo quy
tắc thứ nhất, chỉ có nước thứ ba (Mexico) là ngoại lệ thú vị của quy tắc
này,” bản báo cáo viết.
Tuy nhiên, dân chúng Nga rõ ràng
là đang trở nên bất yên hơn - một hậu quả tự nhiên của sự tăng thu nhập
trong thập kỷ qua. Khủng hoảng chỉ khiến họ càng thêm bị khích động, vì
nó cho thu nhập tụt xuống. Vào tháng Mười, trung tâm Moscow trở thành
hiện trường của các cuộc ẩu đả trên đường phố khi các cổ động viên bóng
đá đụng độ trong cuộc bạo lực giữa các chủng tộc trong nhiều ngày sau
khi một cổ dộng viên bị giết. Khu vực xung quanh Kievskya bị phong tỏa
và các nhóm của lực lượng đặc biệt Omon đi tuần các đường phố lần đầu
tiên sau một thập kỷ rưỡi. Các cuộc náo loạn này là biểu thị đầy ấn
tượng về nỗi bất an rõ ràng đang tăng lên trong dân chúng.
Và điều này có thể trở nên tồi
tệ hơn trong năm nay, vì lý do tại sao quy luật thứ hai của dân chủ hóa
lại là các nước giàu năng lượng kiếm được nhiều tiền đến mức họ không
đánh thuế nhân dân của họ. Nếu nhân dân không phải đóng thuế, thì người
dân bình thường không quá chú ý đến phản kháng chính trị. “Với thuế trực
tiếp thấp, có ít hơn yêu cầu về đối kháng trực tiếp. Giống như nước Anh
phát hiện ra điều mà nó phải trả giá năm 1776: khi anh đánh thuế nhân
dân anh, họ có thể sẽ phản kháng.” Charles Robertson chuyên viên kinh tế
trưởng ở Renaissance Capital nói.
Người Nga đóng thuế thấp nhất
trong khu vực, nhưng cả điều đó nữa cũng sẽ thay đổi trong năm nay, khi
một loạt thuế mới sẽ được đưa ra để giúp trang trải khoản nợ đầu tiên
của nhà nước trong một thập kỷ.
Con người nổi dậy
Nước Nga cũng dễ bị nguy vì mối
nguy thứ ba: quá nhiều người trẻ. Tuổi trẻ thất vọng trong những nước
nghèo dễ tụ tập với nhau và tràn ra đường phố. “Lý thuyết “tuổi trẻ bùng
ra” cho rằng khi tuổi trẻ trong một nước chiếm đến 30% dân số, thì nguy
cơ xảy ra cách mạng hay chiến tranh đặc biệt cao,” Robertson nói, ông
lấy 15% làm con số khởi điểm của “giải nguy cơ” khi các độc tài nên bắt
đầu lo âu về một cuộc nổi dậy của tuổi trẻ.
Ở Tunisia những người thuộc lứa
tuổi 15-34 chiếm 17,3 % và thật ra hầu hết các nước Trung Đông và Phi
châu đã vượt ngưỡng này rồi. Một dân số lớn, trẻ, sẽ thành vấn đề hơn
với Trung Đông, và Trung Á - Kazakhstan là nước duy nhất thuộc Liên xô
cũ đã đạt mức 15% - nhưng liếc qua biểu đò phân bố lứa tuổi ở Nga dưới
đây từ Rosstat cho năm 2007 ta thấy có sự bùng nổ lớn lớp người trẻ dễ
gây rắc rối với tuổi trung bình hiện nay là 20, mặc dầu tuổi trung bình
nói chung ở Nga đã vào khoảng cuối lứa 40 và đang tăng lên.
Điểm cuối cùng là trong khi các
nhân tố giàu có, thuế, và tuổi trẻ có thể kết hợp lại thành một cuộc bạo
động làm thay đổi chế độ, thì nó không nhất thiết dẫn đến sự hình thành
các nền dân chủ. Cuộc cách mạng “tulip” của Kyrgyzstan đã đẩy cựu tổng
thống Askar Akayev ra nhưng rồi chỉ thay thế ông bằng nhà độc tài
Kurmanbek Bakiyev, ông này đến lượt mình cũng bị bật ra vào năm ngoái.
Những căng thẳng tăng lên, thu
nhập giảm xuống và các thứ thuế mới đến vào thời điểm tồi tệ nhất đối
với Kremlin. Như những sự kiện xảy ra ở Minsk trong Tháng Chạp cho thấy,
không có thời gian nào có thể cho nhiều xúc tác vào các cuộc bất ổn xã
hội hơn những cuộc bầu cử, và nước Nga có hai cuộc bầu cử lớn diễn ra
trong năm tới - các cuộc bầu cử Duma vào tháng Chạp và các cuộc bầu cử
tổng thống vào 2012. Rắc rối là ở chỗ nếu cỗ xe Putin-Medveded bị đổ,
thì không có ứng viên đối lập nào đang đợi bên cánh gà để tiếp thu. Tuy
nhiên, bên trong Kremlin có nhiều người có quan hệ lớn có lẽ đã sẵn sàng
chiếm chỗ của họ, không ai trong số đó có thể là một hứa hẹn cho tình
hình sáng sủa hơn.
Nguồn: http://www.bne.eu/story2470
Đã đăng trên Văn Chương Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét