Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Truy tố Tổng thống vụ lợi 759,30 euro và nguyên lý bình đẳng


TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
index.jpg
Sinh ngày 19.6.1959, Tổng thống Đức Christian Wulff nhậm chức Tổng thống thứ 10 CHLB Đức ngày 30.6.2010, và từ chức ngày 17.2.2012. Bảy năm liền trước đó, Wulff là Thủ hiến tiểu bang Niedersachsen. Cuộc đời chính trị của ông để lại nhiều dấu ấn với bao danh hiệu giải thưởng từ Diễn đàn kinh tế thế giới, tới nhiều tổ chức hiệp hội kinh tế, học viện trong nước, được trao tặng bằng tiến sĩ danh dự của trường Đại học Tongji (Đồng Tế), Trung Quốc, của trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản. Tên tuổi và quyền lực tới vậy, nhưng Wulff đã không tránh khỏi quan sự khi vụ lợi chỉ 759,30 Euro. Bởi Đức là một nhà nước dân chủ pháp quyền, Tổng thống không phải vua chuá, hay tài thánh, mà do Quốc hội cùng đại biểu các tiểu bang đại diện cho dân bầu lên, không bầu người này thì bầu người khác, còn pháp luật là tối thượng, không thể không thực thi, nếu không người dân chủ nhân đất nước không để nhà nước đó yên!
Khởi đầu
Ngày 13.12.2011, báo Bild đưa tin, hồi làm thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, Tổng thống Wulff đã lừa dối Quốc hội Tiểu bang, khi năm 2008 vay 500.000 Euro của Edith Geerkens vợ doanh nhân Egon Geerkens để mua nhà riêng, nhưng tới năm 2010 bị Quốc hội chất vấn liệu có quan hệ gì với Egon Geerkens thì trả lời không. Mỗi vụ chất vấn về một khoản vay bình thường nhưng trả lời không bình thường ở Đức đã đủ xúc tác cho quá trình đổ vỡ cả sự nghiệp Tổng thống 4 năm sau đó.
Sức mạnh đòi minh bạch của truyền thông
Điều kiện cần cho một chính khách ở Đức là minh bạch, thiếu nó không thể làm chính khách, bởi người dân không thể nhìn “xuyên suốt” để yên tâm tín nhiệm họ. Truyền thông đa chiều chính là nơi trắc nghiệm tính minh bạch đó. Lập tức, hai ngày sau, Wullf phải lên tiếng, một lần nữa phủ nhận mối quan hệ làm ăn với Egon Geerkens, và lấy làm tiếc vụ việc đã gây hiểu lầm. Còn nếu Wulff im lặng sẽ nghiễm nhiên được coi là thừa nhận, lúc đó lại phải đối mặt với áp lực chính trường còn nặng hơn. Đáp lại, một ngày sau, 16.12.2011, báo Spiegel công bố số tiền vay đó có nguồn gốc từ Egon Geerkens chứ không phải của người vợ. Nhưng luật sư cuả Wulff vẫn một mực khẳng định ngược lại. Công luận lập tức sôi lên trước vị tổng thống uẩn khúc của mình, dẫn thêm bao ngờ vực về các kỳ nghỉ được doanh nhân bao, đánh tiếng đòi Wulff từ chức. Ngày 18.12.2011, Wulff cho luật sư minh bạch các kỳ nghỉ phép hồi làm thủ hiến để bác bỏ ngờ vực các kỳ đó được chi bởi các doanh nhân bạn bè, đồng thời khẳng định không từ chức nếu có bị yêu cầu. Ngày 19.12.2011, Wulff cho phép giới truyền thông tới văn phòng luật sư của ông xem hồ sơ các chuyến nghỉ phép và vay tín dụng đang bị ngờ vực. Tối hôm đó, báo Bild đưa tin tiếp, người bạn doanh nhân Carsten Maschmeyer đã trả tiền quảng cáo cho cuốn sách phỏng vấn Wulff mang tên “Sự thật tốt hơn” vốn đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử quốc hội tiểu bang cho ông năm 2007. Để giải toả ngờ vực, Wulff cho luật sư riêng thông báo không hề biết gì về khoản tiền đó, rồi ba ngày sau, đích thân ra tuyên bố xin lỗi cách xử lý sai sót của mình trong vụ vay tín dụng và xin dân chúng hãy tin tưởng.
Tưởng chừng Wulff được yên vị. Nhưng một tuần sau, ngày 30.12.2011, một phần vụ vay tín dụng được làm rõ, khác với những gì Wulff bác bỏ trước đây không liên quan tới Egon Geerkens, khi ngân hàng BW cho biết, hợp đồng Wulff vay tín dụng được ký kết trước lễ Noel năm đó và do Egon Geerkens môi giới. Thế là đã rõ, Wulff không trung thực, nhưng liệu chỉ mỗi vụ vay tiền mua nhà riêng hay còn nữa? Truyền thông lập tức thi nhau vào cuộc tìm câu trả lời. Ngày 31.12.2011, báo Spiegel đưa tin nhanh, một khoản tín dụng khác, ưu đãi từ ngân hàng BW-Bank cấp cho Wulff được coi là quà trả ơn công lao của Wulff giúp đỡ hãng ô tô VW-Porsche khỏi phá sản – khách hàng lớn của ngân hàng BW. Ngày 01.01.2012, trước khi báo Bild công bố tài chính Wulff mua nhà riêng ở Bergwedel, Tổng biên tập nhận được tin nhắn Wulff gửi vào máy điện thoại cầm tay đe doạ sẽ tiến hành một “cuộc chiến” với báo Bild. Cái sảy nảy cái ung, tin đó bị đưa ra công luận gây phẫn nộ, cho rằng Wulff vi phạm luật báo chí. Lo ngại công luận, ngày 04.1.2012, Wulff phải lên đài truyền hình nhà nước ARD và ZDF bác bỏ cáo buộc đe doạ báo Bild, và giải thích hành vi đó chỉ nhằm yêu cầu báo Bild lùi lại thời gian công bố tin gây tranh cãi.
Đến lượt các chính khách buộc phải lên tiếng, truyền thông theo sát
Đã là chính khách thì phải phản ứng trước truyền thông về bất kể vấn đề gì của đất nước, dù không liên quan tới cá nhân mình, nếu không người dân không thể tin tưởng tín nhiệm giao vận mệnh đất nước, số phận chính trị của mình cho họ. Ngày 06.01.2012, Stefan Wenzel, trưởng đoàn nghị sĩ đảng Xanh đệ trình lên nghị viện tiểu bang Niedersachsen một bản danh mục 100 câu hỏi yêu cầu Wulff điều trần, trong thời gian làm thủ hiến tiểu bang đã vi phạm luật bộ trưởng liên quan tới vay tiền vợ doanh nhân Geerkens và các mối quan hệ kinh tế với giới doanh nhân. Ở cấp Liên bang, ngày 11.01.2012, đoàn nghị sĩ đảng SPD gửi tới Ủy ban pháp luật Quốc hội 60 câu hỏi điều trần Wulff chi tiêu tài chính thời làm thủ hiến bị ngờ vực lạm dụng, liên quan tới cuộc gặp gỡ thượng đỉnh doanh nhân Bắc Nam mang tên “Promi-Party Nord-Süd-Dialog” do tư nhân tổ chức. Ngày 12.01.2012, luật sư riêng của Wulff cho công bố trên Internet sáu trang tổng hợp ý kiến của Wulff trước 400 câu hỏi của truyền thông gửi tới đòi giải trình. Lập tức, Björn Thümler, Trưởng đoàn nghị sĩ đảng CDU lên tiếng đòi phải công bố toàn bộ hồ sơ kèm theo, buộc Wulff phải lên diễn đàn truyền hình ARD và ZDF hứa sẽ thực hiện. Ngày 14.01.2012, báo Spiegel Online đưa tin mới, trong thời gian làm thủ hiến tiểu bang, Wulff được nhà sản xuất phim David Groenewold khoản đãi khi mời tới dự lễ hội tháng 10 truyền thống năm 2008 của tiểu bang Müchen. Lập tức, ngày 15.01.2012, trên báo Frankfurter Allgemeinen Sonntagszeitung, David McAllister Thủ hiến Niedesachsen đương nhiệm đòi Wulff thủ hiến tiền nhiệm hồi đó, phải giải trình và hứa chính phủ ông sẽ làm rõ. Ngày 18.01.2012, tuần báo Zeit đưa tin, chính phủ Niedersachsen lúc đó có tham gia vận động quyên góp cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Nord-Süd-Dialog, và trở thành đề tài thảo luận trong nghị viện tiểu bang. Trước sức ép dư luận và dân biểu, Wulff cho công bố toàn bộ hồ sơ trả lời về 400 câu hỏi của truyền thông mà Björn Thümler đã đòi hỏi.
Cơ quan pháp lý buộc phải vào cuộc, truyền thông nỗ lực hậu thuẫn
Vấn đề pháp lý một khi được truyền thông phát hiện, dân biểu lên tiếng, trách nhiệm tự động đặt lên các cơ quan pháp luật, nếu không chính họ bị chế tài. Ngày 19.01.2012, Viện Kiểm sát cùng cảnh sát Hannover tổ chức lục soát văn phòng và nhà riêng của Olaf Glaeseker phát ngôn viên của Wulff và Manfred Schmidt nhà tổ chức cuộc gặp gỡ Nord-Süd-Dialog. Ngày 20.01.2012, báo Neuen Presse cho biết, Olaf Glaeseker tích cực tham gia tổ chức cuộc gặp gỡ Nord-Süd-Dialog, tập hợp được 44 sinh viên giúp đỡ, và được chính phủ tiểu bang hỗ trợ tài chính, ngược với những gì chính phủ tiền nhiệm Wulff phủ nhận. Ngày 22.01.2012, đoàn nghị sĩ đảng SPD tiểu bang Niedersachsen đòi đưa Wulff ra toà tối cao tiểu bang, với cáo buộc thông báo cho nghị viện tiểu bang sai về chi phí cuộc gặp gỡ Nord-Süd-Dialog. Ngày 24.01.2012, tạp chí NDR cho biết, chính Wulff đã thông qua văn phòng chính phủ lúc đó kêu gọi quyên góp cho cuộc gặp gỡ Nord-Süd-Dialog. Nghĩa là Wulff hoàn toàn biết trước vấn đề hỗ trợ tài chính cho cuộc gặp gỡ tư nhân này, không đúng như đã phủ nhận trước đây.
Ngày 26.01.2012, người phát ngôn của Tổng thống, ông Olaf Glaeseker, bị Viện Kiểm sát lấy lệnh toà án lục soát toàn bộ văn phòng Tổng thống, nơi Olaf Glaeseker làm việc, thu giữ mọi dữ liệu máy tính và hồ sơ cần thiết. Ngày 02.02.2012, báo Berliner ZeitungFrankfurter Rundschau, đưa tin chiếc ô tô Audi thuộc thế hệ mới đưa ra thị trường sau đó một tháng do vợ chồng Wulff sử dụng không phải trả tiền từ hè 2011. Luật sư riêng của Wulff giải thích đó là tiêu chuẩn hãng Audi ưu đãi cho những nhân vật nổi tiếng. Viện Kiểm sát phải vào cuộc để xác minh. Ngày 08.02.2012, báo NDR và sau đó báo Bild đưa tin về hai chuyến du lịch của Wullf năm 2007 và 2008 được nhà sản xuất phim Groenewold hỗ trợ khách sạn. Ngày 10.02.2012, báo NDR cho biết tiếp, năm 2005, Wulff sử dụng máy điện thoại cầm tay của Groenewold. Luật sư của Groenewold giải thích hoá đơn cuộc gọi vẫn chuyển cho Wulff thanh toán. Ngày 11.02.2012, Chính phủ tiểu bang Niedersachen giải trình, tiểu bang nhận phí khách sạn cho Wulff thủ hiến lúc đó tham gia lễ hội phim 2010 tại München, và yêu cầu gửi hoá đơn tới để thanh toán. Nhưng hãng tham gia tổ chức đã trả chi phí đó cho cả hai vợ chồng. Đồng thời chính phủ Wulff lúc đó đã hứa sẽ bảo lãnh cho hãng đầu tư phim Groenewold 4 triệu Euro. Lập tức, ngày 16.02.2012, Viện Kiểm sát Hannover đệ đơn lên quốc hội Liên bang đề nghị hủy quyền miễn trừ truy tố đối với tổng thống để điều tra vì có đủ chứng cứ nghi vấn phạm pháp. Sức ép dư luận, chính trường và công tố ngày một nặng, Wulff có nguy cơ bị phế truất.
Buộc phải từ chức, Wulff đối mặt với quan sự
Giữa phế truất và từ chức, danh dự, quyền lợi hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, những người có nhân cách bao giờ cũng chọn con đường từ chức. 11 giờ, ngày 17.02.2012, Wulff tuyên bố từ chức với lý do chính trị, không còn được dân chúng tin tưởng để hoàn thành sứ mệnh tổng thống. Mặc dù, điều đó đồng nghĩa quyền miễn trừ cho tổng thống tự động bị mất. Quyết định điều tra Wulff của Viện Kiểm sát ngay trong đêm đó được ban hành. Cựu Tổng thống Wulff chính thức phải đối mặt với cơ quan tư pháp. Hệ lụy tiếp theo, ngày 29.02.2012, Quốc hội Đức phải thảo luận, liệu Wulff có được hưởng tiêu chuẩn đài thọ tổng thống 199.000 Euro/năm sau khi thôi chức vụ hay không (khác với phế truất, bị mất tất cả). Cả văn phòng tổng thống lẫn chuyên gia ngân sách Quốc hội đều ủng hộ, bởi Wulff từ chức vì lý do chính trị, mặc dù kết quả thăm dò dư luận bị đa số người dân chống lại.
Ngày 02.03.2012, Viện Kiểm sát Hannover cho lục soát văn phòng và nhà riêng của Wulff thu giữ máy tính. Một ngày trước đó họ tiến hành đối với Groenewold. Ngày 22.06.2012, Viện Kiểm sát Hannover ra quyết định đòi Wulff làm chứng trong vụ điều tra Olaf Glaeseker nguyên phát ngôn của Wulff bị cáo buộc tội nhận hối lộ. Ngày 27.06.2012, Thanh tra chính phủ Niedersachsen công bố kết luận, chính phủ tiểu bang không chi tiền thuế của dân cho cuộc gặp gỡ Nord-Süd-Dialog mà do nhân viên văn phòng chính phủ tự nguyện hỗ trợ. Ngày 27.07.2012, Viện Kiểm sát mở rộng điều tra Wulff sang thời kỳ làm thủ hiến đã cố gắng vận động giảm thuế cho ngành bảo hiểm.
Lần lượt bị truy tố
Ngày 06.03.2013, Viện Kiểm sát quyết định sẽ truy tố phát ngôn viên tổng thống Olaf Glaeseker với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tới ba cuộc gặp gỡ Nord-Süd-Dialog 2007, 2008, 2009. Còn nhà tổ chức sự kiện Manfred Schmidt bị truy tố tội hối lộ. Ba cuộc gặp gỡ đã đem lại cho Manfred Schmidt lãi một triệu Euro. Đổi lại, Olaf Glaeseker được Manfred Schmidt mời nghỉ hè tại Pháp và Tây Ban Nha chín lần với tổng số 19 chuyến bay tổng cộng đến 12.000 Euro.
Ngày 09.03.2013, Viện Kiểm sát chính thức quyết định nâng tội danh cáo buộc đối với Wulff và David Groenewold ban đầu chỉ là vụ lợi và mua chuộc thành nhận hối lộ và hối lộ. Ngày 22.03.2013, Viện Kiểm sát đề nghị hai bị cáo lựa chọn phương án pháp lý được gọi là thoả thuận tay ba giữa toà án, Viện Kiểm sát và luật sư của bị cáo. Theo đó, cả hai sẽ không bị truy tố trước toà tội danh trên, nếu đồng ý nhận trách nhiệm pháp lý hành vi của mình, Wulff chịu nộp phạt 20.000 Euro, và David Groenewold chịu 30.000 Euro.
Ngày 09.04.2013, luật sư của Wulff trả lời từ chối và đòi đình chỉ vụ án vô điều kiện, cho rằng cáo buộc không có cơ sở, và Wulff tin tưởng sẽ có người làm chứng, giải toả được cáo buộc đó.
Ngày 12.04.2013, lần đầu tiên trong lịch sử Đức, một cựu Tổng thống bị Viện Kiểm sát đề nghị toà truy tố tội nhận hối lộ lúc đương nhiệm. Ngày 30.06.2013. báo Bild am Sonntag đưa tin, luật sư của Wulff đã đệ đơn dày 66 trang đáp lại cáo trạng của Viện Kiểm sát, nhằm bác bỏ tội danh nhận hối lộ. Ngày 27.08.2013, Toà án Landgericht Hannover quyết định truy tố Wulff và dự kiến phiên xét xử đầu tiên vào ngày 1.11.2013. Lần đầu tiên lịch sử Đức chứng kiến một cựu tổng thống phải ra toà. Ngày 06.09.2013, toà cũng chấp thuận đơn của Viện Kiểm sát đề nghị truy tố Olaf Glaeseker và Martin Schmidt tội nhận hối lộ và đưa hối lộ. Tới ngày 20.09.2013, Toà án Landgericht Hannover cho lùi phiên xét xử Wulff tới ngày 14.11.2013 theo đề nghị của các luật sư do họ bị vướng vào các lịch xét xử khác. Toà dự kiến lịch xét xử tổng cộng 16 phiên kéo dài tám tuần. Tội danh cáo buộc Wulff được toà chuyển từ nhận hối lộ sang vụ lợi, còn nhà sản xuất phim David Groenewold được chuyển từ hối lộ sang tạo điều kiện vụ lợi. Bằng chứng cho tội danh trên là vụ vợ chồng Wulff tham dự lễ hội tháng 10.2008 tại München được David Groenewold nhận thanh toán một phần chi phí, gồm tiền khách sạn tại Bayerischen Hof và quà tặng, tổng cộng 759,30 Euro, đối lại Wulff đã vận động được tập đoàn Siemens tài trợ cho dự án phim John Rabe của David Groenewold. Sau bao cuộc điều tra chấn động dư luận, tới nay chỉ mỗi vụ việc trên được thẩm định có dấu hiệu hình sự, còn lại không đủ bằng chứng kết luận. Nhưng các thẩm phán không chỉ muốn xác định mỗi vụ việc trên, mà toàn bộ mọi nghi vấn về Wulff liên quan tới nhà sản xuất phim David Groenewold. Theo cáo trạng, ngoài chi phí tham dự lễ hội, Wulff còn nhận được nhiều thứ khác từ Groenewold. Nhiều quà tặng trước giờ chưa nhắc tới được liệt kê, như những buổi tiệc do Groenewold chiêu đãi Wulff mời tới hàng trăm khách, hay những bữa ăn Groenewold tổ chức tại Berlin, Sylt và Capri khi đi quay phim bầu cử cho Wulff năm 2005.
Trước toà, Wulff sẽ phải giải thích, những quà tặng nào ảnh hưởng đến quyết định và phạm vi quyền lực của mình. Mặc dù chỉ mỗi vụ vận động tài trợ cho dự án phim John Rabe được coi là bằng chứng thu lợi, toà án muốn biết nhiều hơn nữa về mối quan hệ tình bạn giữa Wulff và Groenewold. Để chứng minh cho điều này, cần đến rất nhiều nhân chứng, văn bản, hoá đơn và tin nhắn. Groenewold là khách thường xuyên của Wulff tại văn phòng cũng như nhà riêng. Tổng số hồ sơ đính kèm cáo trạng lên tới 20.000 trang, chỉ đánh máy thôi đã cần tới ít nhất 236 ngày suốt cả 24 tiếng. Riêng xác định trị giá tiền khách sạn David Groenewold trả thay cho Wulff cũng là một công trình, bởi không xác định được hoá đơn nào do Groenewold trả thay cho Wulff mà chỉ căn cứ vào thống kê giá. Groenewold trình báo thanh toán bình quân cho khách sạn là 250 Euro/đêm. Để thẩm định, Viện Kiểm sát tập hợp 12 hoá đơn thanh toán phòng nghỉ dạng đó từ năm 2006-2008 cho kết quả giá phòng lên tới 377 Euro. Tới lượt luật sư của Groenewold phản bác lại kết quả trên, cho là mức bình quân đó tính theo cả phòng VIP và phòng hai người, đồng thời đưa ra 39 hoá đơn thanh toán từ năm 2005-2011 cho kết quả giá bình quân chỉ 276,63 Euro. Để đi đến một phiên toà có thể kết tội được ở Đức quả là công phu. Bởi toà có quyền định đoạt tội trạng nhưng cũng như tổng thống, đó không phải quyền của vua chuá mà nhân danh nhân dân (riêng ở ta là nhân danh nhà nước khi tuyên án), mà như vậy quyền đó có được người dân tâm phục khẩu phục hay không hoàn toàn nằm ở chứng cứ và tranh tụng. Xử án vì vậy trước hết là một công trình khoa học, hoàn toàn không phải nơi áp đặt quyền lực – điều bắt buộc trong một nhà nước dân chủ pháp quyền!
Chủ toạ phiên toà
Chánh án Frank Rosenow, sinh năm 1959, đồng môn với Christian Wulff, có vợ và một con trai trưởng thành, sống không quá xa thủ phủ Niedersachsen. Vào thập kỷ 80, Frank Rosennow vào học ngành Luật tại Göttingen, còn Wulff thì tại Osnabrück. Năm 1990 Rosenow làm việc trong ngành luật và trở thành thẩm phán toà án thành phố Landgericht Stade. Năm 2002 ông làm hội thẩm toà án tiểu bang tại Celle. Từ 2010 ông làm chánh án toà án thành phố Hannover. Một công việc không phải lúc nào cũng như mơ. Các vụ như giết người tại nhà ở xã hội nam giới, cướp tại trạm xăng, xúc phạm, đe doạ và nhổ nước bọt vào nhân viên công lực là những vụ án do Frank Rosenow làm chủ tịch hội đồng xét xử gần nhất. Ông nổi tiếng, khi cho phép mang vào toà một chai rượu pha cồn methanol, tiếng Đức Billig-Fusel (vốn bị cấm) để con nghiện làm nhân chứng có thể tiếp tục trả lời thẩm vấn. Liệu đó có phải là một dấu hiệu tốt cho Wulff, trước khi tham gia chính trường từng được coi là một luật gia vô cùng chuẩn xác và không phạm lỗi hay là điềm xấu cho một chính trị gia hàng đầu đã không chối bỏ nổi cám dỗ đời thường?
Chưa ai có thể trả lời, nhưng đều hy vọng sẽ có một vụ xét xử công minh và nhân văn với Wulff. Bởi một nhà nước dân chủ pháp quyền có khả năng bảo đảm được điều đó, nếu không nó đã không thể đưa nổi tổng thống ra toà chỉ vì vụ lợi 759,30 Euro, như bất kỳ công dân nào vi phạm – phản ảnh rõ nhất quyền bình đẳng trước pháp luật mà nhân loại đã và đang đeo đuổi không ngưng nghỉ từ khi nhà nước xuất hiện bằng cả xương máu họ dâng hiến!
N. S. P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét