Phạm Duy Hiển (Phạm Nguyên
Trường) sinh năm 1951 tại Thái Nguyên. Ông tốt nghiệp ĐH ở Liên Xô vào năm
1975. Từ 1975 đến 1985 ông nhập ngũ. Sau khi giải ngũ, ông sống và làm việc ở
Vũng Tàu.
“Dù dịch tác phẩm nào, về
kinh tế học, xã hội học hay triết học, trước khi ngồi vào bàn phím tôi đều tự
nhắc nhở mình câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn; tiếng
ta còn thì nước ta còn” […] Tôi luôn tự nhắc mình rằng là một người phu chữ,
tôi xin mượn chữ của nhà thơ Lê Đạt để gọi mình như thế, nếu một giây phút
nào đó mình lơ là với tiếng Việt, viết những câu chữ thiếu trong sáng và khó
hiểu thì đấy là lúc mình đã mắc tội với tổ tiên và có lỗi với những thế hệ
tương lai. (Trích diễn từ nhận Giải dịch thuật, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh của dịch giả Phạm Nguyên Trường).
_________________________________________
Không chỉ sắc sảo trong định
hướng chọn lựa khu vực cần tập trung chuyển ngữ, Phạm Nguyên Trường còn là
một dịch giả rất cẩn trọng và tài năng. Các dịch phẩm của ông chặt chẽ, trong
sáng về ngôn ngữ và văn phong, cả khi đề cập đến những khái niệm mới mẻ, phức
tạp trong nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu. Ông là người có ý thức sâu sắc về
trách nhiệm qua dịch thuật, góp phần cho việc liên tục làm giàu và trong sáng
ngôn ngữ dân tộc.
Nhà
văn NGUYÊN NGỌC
|
Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013
Quỳnh Trang - Dịch thuật là khoản đầu tư cho tương lai
15:11
Hoàng Phong Nhã
No comments
Cuối tháng 3 vừa qua,
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2012 đã trao Giải dịch thuật cho dịch giả
Phạm Duy Hiển (thường được biết đến dưới bút danh Phạm Nguyên Trường).
Có thể nói giải thưởng là một ghi nhận lớn đối với công việc âm
thầm, tự nguyện của dịch giả này.
Phạm Nguyên Trường tốt nghiệp ngành vật lý kỹ thuật ở Liên Xô.
Trong quá trình tự tìm hiểu để học ngoại ngữ, ông đã làm quen với những tác
phẩm yêu thích ở các lĩnh vực văn học, triết học, xã hội học... Càng tiếp cận
kho tri thức nhân loại, ông càng nhận thấy việc thiếu vắng những tác phẩm hay,
kinh điển trên các kệ sách ở Việt Nam.
Khó nhưng không nản
Vì thế, 10 năm trở lại đây, ngoài công việc chuyên môn, ông còn
âm thầm dịch những tác phẩm về kinh kế, khoa học, chính trị… phù hợp cho việc
cung cấp kiến thức cũng như nghiên cứu đối chiếu với xã hội Việt Nam hiện tại.
Khoảng từ năm 2003, trên nhiều trang mạng, diễn đàn về văn học nghệ thuật, kinh
tế, xã hội trong và ngoài nước, những bản dịch với cái tên Phạm Nguyên Trường
và Phạm Minh Ngọc (một bút danh khác của ông) được rất nhiều người quan tâm.
Khi được hỏi việc dịch thuật vốn âm thầm và gần như... không
công, có lúc nào ông cảm thấy nản không, ông trả lời: “Đây là công việc thầm
lặng nhưng tôi không hề thấy nản vì tôi làm việc để tìm câu trả lời cho những
vấn đề đang diễn ra xung quanh, thỏa mãn nội tâm của chính mình rồi sau đó là
chia sẻ với bạn đọc, đề cập đến cuộc sống của những người xung quanh mình”.
Có thể từ ý thức này, ngoài những bộ sách của Nhà xuất bản Tri
Thức, đa phần tác phẩm dịch của ông là những tiểu luận hoặc tư liệu nhiều kỳ
cung cấp kiến thức về những vấn đề thời sự quốc tế như: Từ ngày 11
tháng 9 đến mùa xuân Arab (Omar Ashour, Giám đốc phòng Nghiên cứu
Trung đông, Viện Nghiên cứu Hồi giáo và Arab, ĐH Exeter - Anh);Thị trường tự
do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không?(Nhiều tác giả); Những
phẩm chất tốt đẹp của nền kinh tế tự do (Bill Anderson, giảng viên
kinh tế học tại Covemant College in Tennessee)… Ngoài ra còn có những bài báo,
tác phẩm văn học trong dòng văn học hiện đại: Nước Nga hờ hững với Leo
Tolstoy; Một vụ ám sát hụt, Ngày phán xử cuối cùng (Karel
Capek - Nhà văn người Czech), Ba con chó trong đời Ada (Elena
Nekrasova - nhà văn người Nga)…
Góp cánh cửa nhìn ra thế giới
Dịch giả Phạm Nguyên Trường còn có một trang blog cá nhân có tên
“Một cửa sổ nhìn ra thế giới”. Ông chia sẻ, sở dĩ có tên gọi đó là vì “Blog chỉ
đăng những bản dịch, đấy cũng là cánh cửa để chúng ta nhìn ra thế giới xem
người ta đang nghĩ về vấn đề gì, họ giải quyết những khó khăn của mình như thế
nào”. Và nói như lời nhà văn Nguyên Ngọc khi giới thiệu về blog của dịch giả
Phạm Nguyên Trường tại lễ trao giảiGiải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh thì:
“Ở đấy, hằng ngày chuyên cần như một con ong làm mật cho đời, ông chia sẻ cho
đồng bào của mình những tri thức lớn của nhân loại mà ông tin là cấp thiết đồng
thời lại là cơ bản cho đất nước đang trằn trọc trong phát triển”.
Điều khiến Phạm Nguyên Trường đặc biệt hơn nhiều dịch giả hiện
thời là ở chỗ những tác phẩm ông chuyển ngữ đều do ông tự chọn chứ không phải
do nhà xuất bản nào đặt dịch. Ông kể: “Tôi làm việc chậm rãi, chỉ dịch những
tác phẩm mình có thể hiểu và văn phong hợp với tạng của mình. Tôi thấy mình là
người hoàn toàn tự do, thấy sách hay thì dịch rồi mới gửi cho nhà xuất bản, đôi
khi họ không in cũng không sao”.
Thế nhưng những tác phẩm “hợp tạng” với ông đôi khi cũng không
phải dễ đọc với độc giả. Hỏi ông sao không chọn những tác phẩm thời thượng hơn,
dễ đọc hơn, để bản dịch đến được với nhiều người, dịch giả trầm ngâm: “Tôi nghĩ
mình thấy việc gì đúng thì cứ làm, kết quả thì phụ thuộc vào nhiều thứ lắm. Tôi
nghĩ đây cũng là một khoản đầu tư cho tương lai, là chất gây men cho quá trình
tiến đến một nền kinh tế thị trường, một xã hội văn minh hơn, tôn trọng con
người hơn. Cứ tưởng tượng đến ngày con cháu mình được sống trong một xã hội như
thế thì khoản đầu tư hiện nay của mình đâu phải là cao…”.
Có lẽ vì thế mà ngay sau Giải thưởng văn hóa Phan Châu
Trinh, blogMột cửa sổ nhìn ra thế giới vẫn cập nhật thường
xuyên mỗi ngày một bản dịch với văn phong rõ ràng, những vấn đề gần gũi với
thời cuộc.
QUỲNH TRANG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét